Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 5 thường niên năm B
08/02/2015
“Một giòng xanh xanh,
một giòng tràn mông mênh”,
“Một giòng nồng ý biếc, một giòng sầu mấy kiếp
Một giòng trời xao xuyến, một giòng tình thương mến
Một giòng còn quyến luyến, một giòng nhớ
Quay về miền đời lúc mơ huyền.”
(Nhạc
Ngoại-quốc: Johann Strauss – Blue Danube
Lời Việt:
Phạm Duy Giòng sông xanh)
(Lc 2: 41-43)
Thật rất đúng. “Giòng tràn mông mênh” đây, là
nỗi niềm nhung nhớ “quay về miền đời, lúc
mơ huyền”. Giòng nhung nhớ hôm ấy, là “giòng
trời xao-xuyến”, đầy “quyến luyến”, với
“tình thương mến”, quyện vào nỗi “sầu mấy kiếp” rất xanh lơ, mơ huyền, “nồng
ý biếc”.
Giòng ở đây, còn là giòng nhạc trọn
vẹn rất “xanh xanh” được bạn trẻ Anthony Trần đã có những lời tâm tình ở buổi
“Hát Cho Nhau” hôm mồng 15 tháng 11 năm 2014 tại Sydney, bằng đôi giòng như
sau:
“Bài Giòng
Sông Xanh, lời Việt, là do nhạc sĩ Phạm Duy đặt, mang theo nhiều kỷ niệm gắn bó
với bài hát suốt nhiều năm dài. Những tháng ngày về sau, ta nghe bài này rất nhiều
lần, nhưng chỉ là bài tóm gọn, do ca sĩ Thái Thanh hát trên đĩa nhựa, trong 3
phút.
Còn, bài
“Giòng Sông Xanh” đầy đủ từng làm nên lịch sử nhạc Việt, chính là bài dự
thi trong buổi tuyển lựa ca sĩ tổ chức tại Huế năm 1953 do Hà Thanh hát. Hôm
hát dự thi, Hà Thanh được cả thành-phố Huế lắng nghe đến độ như ngừng thở khi cô
hát trọn vẹn bài này, với đủ các nốt nhạc cao vút bay lên đến hơn một bát âm như
được viết ở bản gốc do Johann Strauss viết...” (trích lời bình của người dẫn nhạc ở buổi Hát Cho
Nhau 15/11/14)
Quả là nhận-định về ‘giòng chảy âm-nhạc’
để mọi người thưởng ngoạn. Thêm vào đó, bài hát còn có lời lẽ đầy tình-tự óng-ả
của một “ánh dương lên xôn xao”, bên “ven bờ sông sâu”, như sau:
“Ánh
dương lên xôn xao, hai ven bờ sông sâu.
Cười ròn
tiếng người, đẹp lòng sớm mai.
Những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui.
Thả ý thắm theo người chở gió về xuôi.
Hát vang lên cho vui, cô nàng ngồi bên tôi.
Đời là khúc nhạc, đời là tiếng thơ.
Nước sông reo như ru cuồn cuộn sóng trôi xa.
Là tiếng hát mơ hồ mời đón lòng ta.
(Lời Việt: Phạm Duy – bđd)
Vâng. Sống
ở đời, người người vẫn cứ “hát vang lên
cho vui”, vì “đời là khúc nhạc”, là
“tiếng thơ”, là “tiếng hát mơ hồ mời đón
lòng ta, và mọi người”. Hát thế rồi, người người lại sẽ mời nhau “lên tàu mà đi” về chốn “giang hồ, nghìn hải lý”, Dù, đời
mình/đời người có “lỡ tình duyên đâu đó,
nơi kinh kỳ”, như câu ca đầy ý nghĩa ở bên dưới, những hát rằng:
“Sông về
sông dào dạt ý
Hát tang bồng theo tầu mà đi
Ai giang hồ sau nghìn hải lý
Lỡ tình duyên nơi đâu đó ghé qua kinh kỳ.”
(Lời Việt: Phạm Duy – bđd)
‘Giòng
đời’, có vàng ánh những tư-tưởng xôn xao, “tang bồng”, “dạt dào ý” lại được người
nghe hát hôm ấy, chuyển thêm cho nhau một cảm-nhận tiếp diễn như sau:
“Xin đặc biệt gửi đến cô Ánh Linh lời cám ơn
đã chịu khó nhận lời hát một bài thật khó mà it ai dám đảm nhận. Đó là bài
Giòng Sông Xanh xanh. Càng khó hơn, khi phải hát đúng với bản gốc gồm đến 500
trường canh, dài trên 15 phút với tiết điệu “waltz” quay cuồng ở tốc độ 157 nhịp
mỗi phút. Trong khi bản hiện-hành, bao gồm cả bản hát do cô Thái Thanh thu âm,
chỉ dài trên 3 phút, mà thôi. Bản gốc được viết trên tông “Ré”, có những nốt
la, si, do cao vút ngoài giòng kẻ, chỉ dành riêng cho các giọng “soprano” chất
ngất mà thôi.
Từ khi cô Hà Thanh hát bản gốc này trong cuộc
thi tuyển lựa ca sĩ do Đài phát thanh Huế tổ chức năm 1953 lúc ấy cũng đã mấy
chục năm rồi bây giờ mới có cô Ánh Linh hát lại. Nhờ đó giới thiệu cho người
nghe một nhạc bản nguyên thủy chưa bị cắt, với đầy đủ lời ca theo đúng ý nguyện
của nhạc sĩ Phạm Duy lúc còn sinh tiền khi tiếp tay đặt lời Việt.
Theo ý chủ quan của riêng em, thì phần bị cắt mới
là phần hay nhất của bài nhạc. Vì, ở mấy phần đầu, con tàu chỉ mới rời bến chưa
được bao lâu thì đã cặp bờ rồi. Ở các đoạn bị cắt bỏ, con tàu nọ đã đưa chúng
ta đi ngang qua những vùng có phong cảnh đẹp vô ngần, có tiếng chim hót vờn
quanh, có tuyết rơi lất phất trên mặt nước, có lời tình tự của ai đó trên boong
tàu, với cả tiếng tàu hú hòa cùng với tiếng sóng khua rập rờn nữa. Chúng ta đã đi
từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, khi tác giả Johann Strauss lặp đi lặp lại
các phân đoạn mà không báo trước là phân đoạn nào sẽ được lập lại như thế. Có
khi vừa hết đoạn 1 nhảy sang đoạn 5, rồi mới về lại đoạn 2. Cả bài như mời gọi
chúng ta hãy gia-nhập trò chơi trốn/tìm với tác giả thật thú vị.
Đến đoạn solo của đàn sĩ là phân-đoạn rất dài gồm
nhiều tiểu khúc khác nhau, lặp đi lặp lại vài câu hay nhất của các phân đoạn
trước, nhưng lại cũng không cho biết trước là câu nào sẽ được bầu là câu hay nhất,
đắc ý nhất. Đây cũng là lúc con tàu giương buồm ra khơi, giúp cho cô Ánh Linh
được dịp nghỉ lấy hơi đôi chút sau khi thả hồn mình với con tàu, và sóng nước.
Để cuối cùng, chuẩn bị cho chuyến cập bến ngắn ngủi với biết bao nhiêu là luyến
thương, nhớ tiếc.
‘Giòng nhạc’ cổ điển quyến rũ người thưởng thức
là như vậy, trong đó bao gồm cả loại nhạc “opera” mà, có thể, chúng ta chưa
quen lắm. Hy vọng, chúng ta sẽ lại có nhiều cơ hội được nghe tiếp những bài ca khác
dễ mến như thế.” (trích điện thư vang vọng sau buổi hôm ấy)
Câu chuyện ‘Giòng
Sông’ (rất) Xanh” áp dụng vào cuộc
sống Đạo giữa đời, lại sẽ còn hơn thế nữa. Hơn thế, là bởi: đời người luôn có
những “giòng kể” chợt nghe qua cứ tưởng
bình thường, chẳng ý-nghĩa. Nhưng, suy cho kỹ, người đọc và người nghe sẽ thấy
đôi điều rất đáng áp dụng một cách chung chung cho người mình, thế cũng được.
Nói dông nói dài, không gì bằng nói thêm bằng
truyện kể, như sau:
“Truyện
rằng:
Hôm ấy,
có cuộc đối thoại thuộc loại “bỏ túi” giữa phóng viên/nhà báo và chủ quán cháo
của người Hoa như sau:
Phóng viên (PV):
- Thưa ông trước khi bán cháo ông làm gì?
Chủ tiệm (CT):
- Ngộ bưng cháo cho cha ngộ bán.
- Vậy cửa hàng này có bao nhiêu năm?
- Không
có năm, chỉ có đời. Mấy đời lận. Bà cố ngộ bán cháo. Ông nội ngộ bán cháo. Cha
ngộ bán cháo. Ngộ bán cháo. Con trai ngộ…
- Trời ơi! Không có gì khác ư?
- Khác
chớ, ngày trước có một cửa hàng ở Quảng Châu, bây giờ có hai cái ở Sài Gòn, ba
cái ở Hoa Kỳ, bốn cái ở Úc.
- Người ta thành công thì sẽ cho con cái làm Giám
đốc, còn ông?
- Ngộ có thành thì vẫn cho con làm chủ cửa hàng.
- Ông không muốn chúng đi học sao?
- Muốn
nhiều, con ngộ một đứa có bằng Thạc sĩ kinh doanh cháo, đứa khác vừa bảo vệ
luận án Tiến sĩ cơm.
- Ở trong bếp à?
- Ở Đại học Harvard, Mỹ.
- Học xong chúng nó về đâu? Thành ông gì?
- Về nhà này, thành người rửa bát cho “papa” chúng.
- Ông gọi khách hàng là vua hay thượng đế, vậy?
- Gọi bằng gì cũng không quan trọng. Quan trọng là
đối xử với nhau thế nào, thôi!
- Truyền
thuyết kể rằng nhiều tỷ phú người Hoa đã đi lên từ một thùng đậu phụng rang, có
đúng không?
- Không, những ngày đầu tiên làm sao có tới cả
thùng, chỉ vài trăm hột thôi.
- Có tiến mà ông mặc bộ đồ vải thô thế này à?
- Dạ,
người vô đây chủ yếu là người bình dân. Họ sẽ còn vô nếu thấy chủ tiệm cũng
giống như họ.
- Lý do gì khiến người Hoa hay chọn kinh doanh ăn
uống.
- Thưa,
đơn giản vì kinh doanh đó phục vụ cái bụng con người. Nếu phục vụ cái đầu sẽ
phát sinh nhiều rắc rối lắm.
- Ông bán cháo tim gan mà sao sáng ra nhà ông ăn
toàn cháo trắng với củ cải muối?
- Dạ, nếu
ngộ cứ ăn cao hơn khả năng của ngộ thì thế nào cũng tới lúc ngộ phải nhảy vào
nồi cháo.
- Chắc là ông ít vay vốn ngân hàng?
- Nhà băng có tiền, nhưng không bao giờ có cách nấu
cháo để mượn cả.
- Bây giờ
tôi muốn ăn một tô, nhưng tôi chưa có tiền mai thanh toán được không, thưa ông?
- Dạ không phải là ngày mai mà 20 năm sau cũng
được.
- Nhưng lúc ấy lãi suất thế nào?
- Dạ, lãi là ông luôn nghĩ tới hàng cháo này, đấy
mới là lãi to.” (truyện kể do St sưu tầm)
Bần đạo đây, thấy tiếc là:
phóng viên nọ đặt câu hỏi cho chủ quán câu gì đó, bảo rằng: “Bán cháo từ đời
này tới đời nọ, ông có bao giờ nghĩ đến chuyện nhà thờ nhà thánh hay giữ Đạo gì
không?” chắc câu trả lời cũng sẽ “ngộ-nghĩnh” lắm, chứ không chỉ mỗi “ngộ-ngộ/nị-nị”
như trên.
Nói gì thì nói. Kể gì
thì kể. Có lẽ bà con mình cũng nên kể những truyện bình dân ở huyện cho dễ thở
là được. Nghĩ thế nên, bần đạo nay mời bạn/mời tôi, ta đi vào vấn-đề bức bách
của cuộc đời nhiều sống Đạo như sau:
“Ngôn-ngữ
mà người Công-giáo lâu nay vẫn sử-dụng, đã trở-thành thứ đá tảng chẹn họng con
người thời nay cũng rất nhiều. Phần lớn các từ-vựng dùng trong Đạo, trên
căn-bản, vẫn bị người ở trong cũng như ngoài Đạo hiểu rất sai lạc. Đại để như: hầu
hết các cụm-từ lớn tướng như: Ơn cứu-độ, Chúa Cứu Chuộc, Sự Hy sinh, động-tác cứu
rỗi, đúng thời buổi, Ăn-năn sám-hối, Lòng Chúa Xót thương, Đền bù tội lỗi, Tha thứ,
Tái sinh, Quang Lâm, Thiên Chúa, Đức Giêsu, Kinh Thánh và các từ-ngữ khác như:
Kinh Tin Kính, Lời Cầu của Chúa, Phụng vụ Lời, vv.. đều mang lại cho người theo
Đạo nhiều nghĩa méo mó, sai lệch từ Thánh Kinh và các truyền-thống trong Đạo.
Hiểu sai ý-nghĩa
từ-vựng, là do hai nguồn gốc chính tạo cung-cách khác lạ khiến cho người đi Đạo
cứ phải nghe đi nghe lại mãi không ngừng. Nguồn gốc trước tiên, là do việc định
danh ngôn-ngữ hiểu theo tâm-trạng người thời-đại gây phương-hại cho cả người đi
Đạo cũng như ngoại Đạo. Nguyên-do thứ hai, là việc chú-thích dẫn-giải ngôn-từ
của đạo-giáo theo cùng một mẫu-số chung mà tôi gọi là Thiên-Chúa-giáo của người
tin vào “thiên-đàng và hoả-ngục”. Và rồi, người trong cuộc lại cứ theo đó để
diễn-nghĩa mọi từ-vựng khác vẫn dùng trong Đạo.
Tín-hữu
sống ở nước này và cả nơi khác, nay bị chia rẽ cách trầm-trọng do hiểu
sai-chệch thứ ngôn-từ chung đụng. Thực tế, nay có khoảng phân nửa hoặc hơn các
người Công-giáo ở Mỹ tin rằng ngôn-từ ở Kinh thánh vẫn được hiểu theo từng chữ,
nghĩa đen trong khuôn-khổ của thứ thiên-đàng/hoả ngục cốt nhấn mạnh vào cuộc
sống ở đời sau; vào việc đền tội có sự tha thứ mọi lỗi phạm; vào Đức Giêsu đã
chết cho tội lỗi của con người và niềm tin tưởng như thế. Số người còn lại có
khi chỉ phân nửa số người nói ở trên lại cứ bối rối với đủ mọi vấn-đề như thế.
Có người lại cứ tiếp tục tiến về phía trước, hiểu đạo-lý theo nghĩa khác khẳn.
Sự khác-biệt thật rõ rệt, khác đến độ người ngoài cuộc lại cứ tưởng có hai ba
đạo dùng chung một Sách thánh, cả đến ngôn-ngữ cũng khác biệt.
Thành
thử, công việc của chúng ta là: làm sao tạo lại được thứ ngôn-ngữ của đạo mà
không làm mất đi sự phong-phú và khôn khéo của nó. Quả thật, bản thân tôi cũng
từng có ý-định viết nguyên một cuốn sách có đầu đề, tương tự như: Hãy ra tay
cứu vớt và tái tạo ngôn-từ trong Đạo… Thế nhưng, cụm từ ‘cứu-vớt và tái-tạo là
thứ từ-vựng cần cứu-vớt hơn cả. Trong khi đó, người thời nay mỗi lần nói đến
chuyện cứu-vớt hoặc cứu-chuộc lại liên-tưởng đến chuyện mình được Chúa
chấp-nhận cái chết khổ hình để cứu-chuộc tội-lỗi của ta. Dù sao đi nữa, thì:
ý-nghĩa cổ xưa của kinh-thánh Cựu-ước có tác-dụng hơn cả.
Xem thế
thì, cứu-chuộc là động-thái trả tự-do cho những người bị nô-lệ hoặc trói-buộc
theo cách nào đó, từ việc bắt-giữ, trói cột, chứ không phải chuyện cứu khỏi mọi
tội-lỗi, mà thôi đâu. Hiểu theo nghĩa này, có lẽ ta cần cứu-vớt ngôn-ngữ nhà
Đạo trước nhất, làm sao để mình không còn bị ràng buộc vào chủ-thuyết tân-thời
chuyên hiểu mọi việc theo nghĩa đen và cứu khỏi khung “thiên-đàng/hoả-ngục” của
người Công giáo rất thời đại.
Thế nên,
bằng các chương-đoạn không dài, hy vọng những gì viết ra ở đây sẽ chỉ cách cho
độc-giả cách đọc sách sao cho có lợi, tức: không chỉ mỗi học-hỏi ý-nghĩa và
cách phát-âm nhiều chữ viết, mà là làm sao biết nghe và hiểu được các ngôn-từ
đặt ra. Đó, cũng là lý-do thúc-bách chúng tôi viết lên những giòng chữ bên dưới
cốt để giúp mọi người biết đọ, nghe và tiêu-hoá tận bên trong mọi từ-vựng trong
Đạo mà không cần có ý-niệm tiên-quyết để hiểu rõ sự việc đang diễn tiến. Nói
cách khác, vấn-đề của người thời-đại là làm sao học cách đọc và nghe một lần
nữa, thứ ngôn-ngữ của niềm tin hôm nay…” (xem Marcus J. Borg, Speaking Christian
Why Christian Words Have Lost Their Power and How They Can Be Restored,
HarperOne 1989 tr. 1-3)
Cảm-nghiệm
cùng một ‘giòng chảy’ tư-tưởng theo kiểu Johann Strauss, nay mời bạn và mời tôi
ta nghe thêm khúc nhạc đầy ắp những “reo vui”, để rồi sẽ “ngỡ mình vui trong ánh muôn sao Thiên Đàng”. Thiên đàng, nay là ‘giòng
đời’ thân thương có người anh/người chị ở Nước Trời, mang nhiều cảm-nghiệm như tiếng
hát ở bên dưới:
“Ôi, tóc
em hoe như mây chiều rơi, rơi vàng lòng đời.
Ôi, mắt em xanh như đêm dài, để người quên kiếp mai.
Sông về, sông cười ròn tiếng
Yêu mối tình bên bờ thành Vienne
Đôi giang hồ quay về bờ bến
Ngỡ mình vui trong ánh sáng muôn sao Thiên Đàng.
Ngày ấy, có tiếng anh khoan hò thuyền về.
Ngày ấy, có dáng em soi dòng chiều hè.
Ngày ấy, có tiếng ta hát gọi tình về
Nước sông miên man trôi đi.
Ngày ấy, lúc đến với em một lời thề.
Ngày ấy, lúc nói với em một chuyện gì.
Ngày ấy, lúc vui cuộc sống nhịp tràn trề
Nước sông miên man trôi đi.”
(Lời
Việt: Phạm Duy – bđd)
Cảm-nghiệm
thân thương đầy “tình ý” như thế, lại cũng mời bạn/mời tôi, ta cứ để lòng mình trôi theo “giòng nước” mầu
xanh, rồi sẽ bồng bềnh trôi như ‘giòng đời’ của mọi người. Trôi như thế, hẳn bạn
và tôi, ta lại sẽ bắt gặp cả một ‘giòng người’ cuồn cuộn chảy theo hình-thức của
một hành hương, tham quan, thưởng-lãm kinh-nghiệm đời, kể cũng lạ.
Có điều lạ, là: vừa qua, trong chuyến du-lịch
thăm đất miền có tên gọi là “Tây Tạng”, bần đạo đây ra như bị cuốn hút vào những
‘giòng cuốn’ nào đó, khởi đầu là ‘giòng nước’ mầu xanh; rồi đến ‘giòng đời’ mầu
hạt huyền; và nay lại là ‘giòng người’ đầy chuyện ‘hành hương’ chốn kinh thành
đông người qua lại.
Có chuyện lạ, là: ‘giòng người’ hành hương, đi bộ
ở Potola, tại thủ đô Lhasa xứ Tây Tạng mọi ngày, vẫn chẳng thấy ai trầm buồn, sầu
đắng hoặc lắng đọng niềm ai oán nào hết. Ngược lại, người dân ở đây cứ hành
hương đi bộ theo đường vòng Kora cứ đi là đi mãi không ngừng nghỉ. Họ đi, trong
tâm trí tràn đầy ‘ánh dương xôn xao”, an
vui, nguyện cầu rầm rì vào mọi buổi.
Hành hương hoặc hành trình có nguyện cầu, chỉ mỗi
thế. Hành hương như thế, chỉ nguyện và cầu cho mọi người khác không chỉ gia
đình mình được an vui, bền chí làm việc thiện với mọi người, cho mọi người.
Thế đó, là hành hương đi bộ kiểu Kora của người Tạng,
xứ miền rất Tây. Còn, sự việc hành hương của người mình có giống vậy không? Tức
là: phải đặt chân tới đúng tận nơi tận chốn đã xảy ra sự-kiện lịch sử, của một
nhà tổ-chức các cuộc tham quan du-lịch như sau:
“…Tôi đã gặp những chuyến hành hương Đất Thánh mà
người hành hương không vào được trong Mộ Chúa, không được dâng lễ dưới chân
Thánh Giá trên Núi Sọ. Tôi cũng gặp những người đến Bêlem phải xếp hàng cả tiếng
đồng hồ, chỉ được vào vài giây kính viếng chỗ Chúa Giáng Sinh rồi phải ra ngay.
Đến Mộ Chúa mà không đủ giờ xếp hàng vào. Lý-do: Các Tour ở hotel ngoài Thành
Thánh. Nếu phải lấy xe búyt đến những nơi Đền Thánh này thì riêng chuyện kẹt xe
sáng, chiều cũng mất biết bao thời gian. Đấy là lý-do vào đế Đền Thánh thì các
Tour khác đã xếp hàng chờ rồi…
Tôi chủ trương phải tìm cách ở trong Thành Thánh
để có thể đi bộ được. Sáng sớm các Tour du lịch chưa bắt đầu thì mình đã ở
trong Mộ Chúa. Khi các Tour phải về hotel vào ban chiều thì mình lại đi vào. Tất
cả các chuyến đi từ trước đến nay, tôi đều đem được người hành hương vào Vườn Giệtsimany vào ban đêm để canh thức
với Thánh Thể. Đây là kỷ-niệm tuyệt vời. Cảm-nghiệm này rất hiếm vì ít Tour nào
thực-hiện được. Vì mục-đích của tôi là đi hành hươg để cầu nguyện ở những nơi
thánh…” (x. nguyentamthuong.com, Đặc biệt của chuyến hành hương)
Nói thế, tức đức thày-chuyên-tổ-chức-hành-hương đã
gặp nhiều người tổ-chức và đích-thân hành-hương ở đây đó, có gặp nhau trong yêu
thương, đỡ dần để nguyện cầu cho nhau như người “Tạng” đã và đang thực hiện ‘giòng
người’ đi bộ bên nhau? Bởi hành hương, theo quan-niệm của người Tạng là để nguyện
cầu cho nhau hoặc chỉ cười với nhau qua câu “Khasi đêlê” (“Hello!”) vui vẻ; rồi cùng nhau tiếp tục đi nhiều vòng
Kora thương yêu hơn nữa theo kim đồng
hồ quanh đền đài Potola yêu dấu của họ.
Nói như thế, thì có hành hương hay hành xác hành
hình người mình ít nhiều gì đi nữa vẫn chỉ như tác-giả nọ từng minh-định cuộc đời
mình và đời người như sau:
“Những điều tôi viết ra ở đây, là hỏi rằng: Trọng
tâm của Đạo Chúa nằm ở đâu? Sống đời đi Đạo, ngày nay có nghĩa gì? Tôi sẽ tập
trung trả lời cho các câu hỏi này, bằng cách đưa ra tầm nhìn ban đầu của Hội
thánh thời tiên khởi và sau đó đi đến thị-kiến chung đang dâng lên nơi người có
Đạo và đi Đạo… Cả hai, đã và đang thấy hiện hữu nơi cộng-đoàn hội thánh ở mạn Bắc
Hoa Kỳ ngày hôm nay đang chia cách rất đậm nét. Chúng ta đang ở vào thời đại đầy
những xung-khắc và đổi thay, trong Giáo hội.
Tôi viết theo tư-cách của một người đầy mê say và
xác tín. Thứ xác tín vẫn bảo rằng: Đạo Chúa ngày nay vẫn tạo ý-nghĩa rất nhiều
cho cuộc đời. Cả vào thời của tôi, niềm xác tín này vẫn hiện-diện và phát-triển.
Khoảng chừng hai chục năm nay, từ ngày tôi mới ở tuổi “teen” đến năm tôi hơn ba
mươi tuổi, Đạo Chúa không tạo nghĩa gì nhiều lắm đối với tôi. Phần lớn vì các
lý-do tinh-thần nhiều hơn, hình thức đi
Đạo tôi học được từ thời nhỏ, đã cạn dần sự say mê thuyết-phục. Nay có lúc, tôi đã xác tín rằng: muốn trở
thành người Công-giáo đích-thực, sẽ không còn nhiều rào cản về tinh-thần hoặc
trí-thức nữa. Nay ta đã có cái nhìn Đạo Chúa theo cách thức đầy thuyết phục gồm
tóm nhiều ý-nghĩa của cuộc sống theo nghĩa rất rộng, thứ cung-cách nhìn thực-tại
và cuộc sống của ta trong tương-quan với những gì có thực. Một cung cách nhìn
biết Chúa, có tương-quan mật-thiết với Chúa để rồi sẽ còn thay đổi đời mình nhiều
hơn nữa. Sự hy sinh mà Đạo Chúa đòi hỏi nơi chúng ta, cuối cùng sẽ là đòi hỏi sự
hy-sinh nơi người trí-thức, rất hiểu biết…” (x. Marcus J. Borg, The Heart of Chirstianity, Rediscovering a Life of Faith, HarperOne 2003,
tr. xi-xv)
Nói gì thì nói. Kể gì thì kể. Ở đây, bạn và tôi,
ta vẫn nói và vẫn kể về đời người sống Đạo giữa đời, ở đó luôn có những cuộc lữ-hành
trong đời mà người thời nay hay gọi là “hành hương, hành xác hoặc hành gì thì
cũng thế.
Hành hương hay lữ lành, cũng là sinh-hoạt phù-hợp
với thói quen và lập-trường sống của người đi Đạo và giữ Đạo thời của Chúa, từng
đề-cập đến những điều như sau:
“Hằng năm,
cha
mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem
mừng
lễ Vượt Qua.
Khi
Người được mười hai tuổi,
cả
gia đình cùng lên đền,
như
người ta thường làm trong ngày lễ.”
(Lc 2:
41-42)
Đặc biệt hơn, Tân Ước lại nói rõ về việc
này, theo kiểu mô tả rất Luca như:
“Ông
bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành,
nên
sau một ngày đường,
mới
đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc.
Không
thấy con đâu,
hai
ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm.”
(Lc 2: 44-45)
Nói
gì thì nói. Kể gì thì kể. Nói và kể về các cuộc “lữ-hành” mà người đời nay gọi
là “hành hương”, thường là tìm về Giêrusalem hoặc nơi nào đó còn giữ được tinh-thần
của Tân Ước, rất thân thương. Hành hương thân thương, không là “lữ hành” về quê
hương yêu dấu của Đức Giêsu mà thôi; nhưng còn là tìm về quê hương an bình của
mọi người, nơi tâm hồn.
Ở
“quê hương” thân thương đó, vẫn luôn có tình thân rất mến mộ mà người đời nay vẫn
trân trọng. Tình thân thương mến mộ cuộc lữ hành mà bần đạo nay gặp được sau
chuyến tham quan/thăm thú xứ miền xa xôi rất đất Tạng, là xứ miền chất ngất
tình thân thương, mến mộ của người Tạng ở phía Tây, lâu nay chuyên chở tình-tự
“hành hương Kora” thương mến rất khó quên.
Nói
thế rồi, nay đề nghị bạn, đề nghị tôi, ta lại sẽ hiên ngang cất tiếng ca vang
ý-lời mà nghệ sĩ họ Phạm từng trân trọng đặt lời Việt cho bản hát rất Sông
Xanh, rằng:
“Một giòng xanh xanh,
một giòng
tràn mông mênh,
Một giòng nồng ý biếc, một giòng sầu mấy kiếp
Một giòng trời xao xuyến, một giòng tình thương mến
Một giòng còn quyến luyến, một giòng nhớ
Quay về miền đời lúc mơ huyền.”
(Lời
Việt: Phạm Duy - bđd)
Hát
thế rồi, nay lại mời người đọc cứ thế mà tưởng nhớ đến những ‘giòng chảy’ xuất
từ ‘giòng sông’ rất xanh, ngang qua ‘giòng đời’ cũng rất hanh thông và cuối
cùng sẽ về với ‘giòng người’ hành hương/hương hành một hội ngộ, rất thân tình.
Ở đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Cũng từng thân tình hành hương
nguyện sẽ mãi mãi lữ hành
qua giòng chảy thân tình,
cũng rất xanh.
No comments:
Post a Comment