Saturday, 17 January 2015

“Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 3 mùa thường niên năm B 25/1/2015

“Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn,”
đời tôi cô đơn nên yêu ai cung không thành.
đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng dở dang,
yêu ai cũng lỡ làng dù rằng tôi chẳng lỗi chi.
(Vinh Sử - Đời tôi cô đơn)
(1Cor 7: 30-32)  
            Là nghệ sĩ, có thể anh chị vẫn hát những câu như thế. Chứ còn, linh mục bọn tôi, hỏi rằng hát vậy có nên không?
            Nên hay không, xin bạn và tôi, ta cứ nghe thêm một đoạn nữa rồi ắt biết:

            “Đời tôi cô đơn nên yêu em chẳng bao lâu
ngày mai đây em lên xe hoa bước theo chồng.
đời tôi quen cô đơn nên tôi chẳng trách em.
tôi quen rồi những chuyện dang dở từ khi mới yêu.
tôi quen tôi đã quen rồi em,
dang dở khi tình yêu tôi không xây trên bạc vàng.
tôi quen tôi đã quen rồi em
em khóc làm gi nữa bận lòng gi kẻ trắng tay.
tôi xin xin chúc em ngày mai hoa gấm ngọc ngà
luôn vây quanh em cả cuộc đời.
riêng tôi duyên kiếp luôn dở dang
nên suốt đời tôi vẫn yêu cô đơn như tình nhân.
            (Vinh Sử - bđd)

Chẳng biết sao, chứ bần đạo đây mới được đọc một bài tâm sự do đấng bậc nọ sống ở Úc từng viết về tâm-trạng của chính mình khi ông chọn suộc sống tông-đồ mục-vụ ở quê miền rất Úc Đại Lợi, lại có những giòng chảy như sau:

“Lâu nay, ngay từ ngày thụ-phong linh-mục ở Ballarat và thực-thi công-cuộc thừa-tác mục vụ ở Warrnambool, Koroit và Hamilton, tôi vẫn tự coi mình như linh-mục đồng quê, bởi cư dân ngụ ở nơi đó cũng tự gọi như thế. Và tôi cũng nghĩ là như thế, đã từ lâu…

Sống ở xứ đạo miền quê, tôi nay quen dần với cuộc sống ‘vò võ’ chỉ có mỗi một mình. Nhìn vào quá khứ tôi thấy mình cũng học được nhiều thứ. Bản thân mình, tôi là người anh cả trong gia đình có 9 người. Xem thế thì, tôi đã lớn lên trong khung cảnh gia đình đầy những người. Lên đại học, tôi lại là sinh-viên nội-trú san sẻ chốn ngụ cư với không ít sinh viên khác. Và khi bước chân vào đại-chủng-viện, lại cũng ở chung với nhiều bạn đồng cảnh, đồng-nghiệp. Nay sống ở vùng xa xôi thuộc tiểu bang Victoria, nước Úc, đáng lý ra tôi sẽ sinh sống cùng với gia đình nhỏ; nhưng chốn tôi ăn ở tại xứ họ này, lại không phải là gia đình nhỏ, mà chỉ mình tôi phải xoay xở đủ mọi thứ, cũng một mình.

Đáng lý ra, thật dễ sống trong khung cảnh nhà xứ với 3 phòng: gồm một nhà bếp, một phòng học/làm việc và một phòng ngủ, các nơi khác còn lại của nhà xứ đều không bàn ghế tủ giường và bỏ lơ là, trống rỗng. Tôi chống lại sự việc này nên đang cố gắng tạo dựng một cơ ngơi mang tính gia đình hơn, là: ăn ở phòng ăn, đọc sách tại phòng khách; nên, phòng ốc được trang-bị ngày càng thêm nhiều bàn ghế/tủ giả hơn và cứ từ từ tôi biến phòng ốc thành khu đông người ở bằng các tranh ảnh và bản in trên giấy dán khắp tường.

Làm như thế, cũng không có gì là lớn lao cho lắm. Nhưng phòng ốc tôi sinh sống nay được bày biện như nhà xứ với đồ đạc từ thế kỷ 19 có ghế bành, đồ đạc thuộc thập niên 90, và cứ thế giúp tôi có cảm giác như đang ở với gia đình vậy.

Lý do cho mọi chuyện, lại cũng đơn giản chỉ vì tôi không là người đơn độc ở một mình, nên không việc gì phải sống như những người đó. Linh mục độc thân nhưng lại được mọi người gọi bằng tiếng “cha”. Theo tôi thì, đây có sự khác biệt ‘một trời một vực’ giữa những người sống một thân một mình với cuộc sống độc-thân trong thánh-hiến. Trên lĩnh-vực thực-tế, thì một giáo xứ mang tính gia-đình sẽ giúp tôi cưỡng lại vị-thế thương-hại/thương xót chính mình và cả đến sự đơn độc nữa.

Cụ-thể hơn, thì thế này: khi tôi suy-tư và học hỏi mọi sự đều thấy hài lòng và vui thích, như hiện tại, thì trong tôi tràn đầy sự cảm-kích với những vật liệu lành-thánh ở quanh tôi. Giả như tôi có lang thang trong khu vực quanh nhà xứ lớn rộng và trống rỗng như thế, có cảm-giác sự đơn độc rất day dứt, thì chỉ cần liếc nhìn vào các ảnh hình ở quanh mình có Chúa hiện diện là tôi đã thấy mình không còn đơn chiếc nữa. Và ngay khi ấy, tôi dâng hiến cái cảm-giác đơn độc trong phút chốc ấy như một động-tác thương yêu, là xong ngay.

Ngoài ra, tôi đang vui hưởng tính hiếu-khách của giáo-dân miền quê. Các vị này vẫn mời chào tôi đến với mỗi người trong nhà của họ và tôi đặc biệt rất quí các bữa ăn với các gia đình còn son trẻ. Khi ấy mới thấy quí tình thân thương đại lượng của các bậc cha mẹ son trẻ, là các người đồng đạo, đồng thuyền với tôi, đã cho đi rất nhiều qua vị-thế của đời sống vợ chồng. Điều đó khiến tôi học đòi bắt chước tính chân phương đại độ của họ trong cuộc sống theo ơn gọi của riêng tôi.

Tắt một lời, sống một mình ở xứ đạo quê mùa, dân-dã, tôi học được nhiều bài học về thương yêu giùm giúp khiến tôi lên tinh-thần hơn trước”. (x. Lm John Corrigan, Diary of a country Priest: A solitary life? No. I’m never really alone, The Catholic Weekly 16/11/14, tr. 33)

            Nhà Đạo mình thì như thế. Khi đã yêu rồi, thì không còn biết và cũng chẳng cần hiểu là mình có đơn độc hoặc đơn chiếc nữa không. Trong khi đó, người đời ở phố chợ đông đúc  dù đang yêu và vẫn yêu, nhưng miệng họ lại cứ hát những câu như sau:

            “Đời tôi cô đơn bao năm qua vẫn cô đơn.
dù ai đẹp đôi nhưng riêng tôi vẫn lạnh lùng.
Trời cho tôi cô đơn bao nhiêu lần nữa đây,
tôi không hề trách đời hay giận đời mau đổi thay.”
(Vinh Sử - bđd)

            Thế mới biết, cô đơn, lạnh lùng ở cuộc đời vẫn còn tùy. Tùy người. Tùy tâm tính và quyết-tâm tạo cuộc sống cho mình, thôi. Còn nhớ, khi xưa các cụ thường có câu: “Người buồn, cảnh có vui đâu bao giờ!. Và nếu ta cứ diễn đạt theo chiều hướng này, ắt cũng có thể bảo: cảnh có đông/vui, đâu làm cho người đơn độc thấy được niềm vui ở cuối đường, được!  
            Thế mới hay, rằng: cuộc sống con người dù ở ngoài đời hay trong Đạo, vẫn không cho những người đã sống và đang sống cuộc đời qua nhiều điều, để rồi người đời lại cứ dựa vào đó mà suy tư, đành hanh, tị nạnh.
            Thế mới hiểu, như nhận định của người viết nọ từng minh định trên mạng, sau đây:

“Ở một đất nước giàu có của Châu Âu, có một cô ca sĩ rất nổi tiếng. Tuy mới chỉ 30 tuổi nhưng danh tiếng cô đã vang dội khắp nơi, hơn nữa cô có một người chồng như ý và một gia đình hạnh phúc mỹ mãn. Một lần, sau khi tổ chức thành công một đêm diễn, cô ca sĩ cùng chồng và con trai bị đám đông người hâm hộ cuồng nhiệt bao quanh. Mọi người tranh nhau chuyện trò với cô. Những lời lẽ tán tụng khen ngợi tràn ngập cả sân khấu.

Có người khen cô tuổi nhỏ chí lớn, vừa tốt nghiệp đại học đã bước chân vào nhà hát tầm cỡ quốc gia và trở thành nữ ca sĩ trụ cột của nhà hát. Có người tán tụng rằng mới có 25 tuổi mà cô đã được lựa chọn là một trong 10 nữ ca sĩ có giọng háy opera xuất sắc nhất thế giới. Có người lại ngưỡng mộ cô có người chồng tuyệt vời, một cậu con trai kháu khỉnh, dễ thương.

Trong khi mọi người thi nhau bà luận, cô ca sĩ này chỉ im lặng lắng nghe, không thể hiện thái độ gì. Khi mọi người nói xong cô chậm rãi nói: “Trước tiên, tôi cảm ơn những lời ngợi khen của mọi người dành cho tôi và những người trong gia đình tôi. Tôi hy vọng có thể chia sẻ niềm vui này với mọi người. Nhưng các bạn chỉ nhìn thấy một số mặt trong cuộc sống của tôi còn một số mặt khác, các bạn vẫn chưa nhìn thấy. Cậu con trai của tôi mà mọi người khen là bé kháu khỉnh, đáng yêu, thật bất hạnh, nó là 1 đứa trẻ bị câm. Ngoài ra, nó còn có một người chị tâm thần và thường xuyên bị nhốt ở nhà."

Mọi người đều ngơ ngác, sửng sốt nhìn nhau, dường như rất khó chấp nhận một sự thật như thế. Lúc này, cô ca sĩ mới điềm tĩnh nói với mọi người: “Tất cả những chuyện này nói lên điều gì? Có lẽ chúng nói lên một triết lý, đó là, Thượng đế rất công bằng, ngài không cho ai quá nhiều thứ bao giờ.”

Thượng đế rất công bằng, ngài không cho ai quá ít, cũng không cho ai quá nhiều. Vì thế, đừng nên chỉ nhìn thấy hoặc ngưỡng mộ những thứ người khác có, mà nên nghĩ và trân trọng những thứ bạn đang có, cho dù đó không phải là những vinh quang tột đỉnh.

Vậy nên, nếu ai hỏi bạn “Bạn có hạnh phúc không?”
Bạn hãy trả lời rằng: “Mình hạnh phúc.
Hạnh phúc theo cách mình sống và những gì mình đang có trên đời này".
(trích dẫn bài viết của tác giả ký tên là ST trên Internet)

Thế mới lạ, câu hỏi cuối cùng cứ lởn vởn trong đầu mọi người, vẫn cứ là: “Bạn có hạnh phúc không?” Hạnh phúc hiểu theo nghĩa thường, bất kể hoàn cảnh của đời mình có sống cô đơn, một mình ở chốn “khỉ ho cò gáy”, như linh mục tên John Corrigan ở “miệt dưới” nước Úc. 
Hạnh phúc hiểu theo nghĩa đích đáng của đấng bậc ở “miệt trên cao” xứ Đạo toàn cầu, bên đó có giòng chảy đầy những chữ như sau:

1. Hãy sống thật với chính bản thân mình
Nhà thơ Mỹ Jay Parini cho rằng trước đó giáo hoàng Francis đã nhắn gửi thông điệp này khi khẳng định ông không đủ tư cách để đánh giá người đồng tính. Giáo hoàng nói: “Hãy bước về phía trước và để cho mọi người khác làm như vậy”.
Hãy sống thật với bản thân như Đức Giáo Hoàng. Ngài giản dị, gần gũi, vui tính, tràn đầy yêu thương, bao dung và bác ái. Khoảnh khắc hài hước của Đức Giáo Hoàng khi chủ trì hôn phối cho cặp đôi trẻ tại quảng trường Thánh Phêrô.  

2. Hãy sống vì người khác
Đó là hãy đóng góp thời gian và tiền bạc của bản thân mình cho những người cần đến chúng. Đừng nên sống thụ động, trơ lì. Giáo hoàng Francis cho rằng mọi người cần cởi mở, vị tha và hào phóng với người khác. Ngài khiêm nhường quỳ xuống hôn chân giáo dân trong một nghi lễ. Ngài còn là người gần gũi với tất cả mọi người và đặc biệt rất yêu thương trẻ em.

3. Hãy sống một cách điềm đạm và lặng lẽ
Giáo hoàng dẫn lời nhà văn Argentina Ricardo Guiraldes mô tả một người thời trẻ “giống như một dòng chảy mạnh qua tất cả”, nhưng khi trưởng thành thì nên trở thành “một dòng sông tĩnh lặng, thanh bình”. Đức Giáo Hoàng luôn giản dị trong đời sống thường nhật, khiêm cung và lặng lẽ.  

4. Hãy tận hưởng những khoảnh khắc thư thái
Giáo hoàng cho rằng chủ nghĩa tiêu thụ quá mức đã gây những nỗi lo âu vô cớ đối với nhiều người. Do đó mọi người cần dành thời gian nghỉ ngơi, chơi đùa với con cái. Các gia đình khi ăn cơm nên tắt tivi để có thể nói chuyện với nhau nhiều hơn. Ngài cũng luôn dành thời giờ để tận hưởng khoảnh khắc thư thái. Bóng đá và điệu Tango là sở thích của Ngài 

5. Hãy dành chủ nhật cho gia đình
Giáo hoàng cho biết đây là một trong những điều răn trong Kinh thánh và đó là cách sống lành mạnh. 

6. Hãy tìm việc làm cho người trẻ
“Chúng ta phải sáng tạo trong tìm việc cho người trẻ. Nếu họ không có cơ hội có việc làm, họ sẽ rơi vào các tệ nạn như ma túy” - giáo hoàng nhấn mạnh. Ông cho rằng không cần phải giàu có, nhiều tiền, chỉ cần tìm thấy niềm vui trong công việc là đủ.
            Ngài cũng luôn hết sức gần gũi với giới trẻ.

7. Hãy tôn trọng tự nhiên
Theo giáo hoàng, suy thoái môi trường là một trong những thách thức lớn nhất đối với con người. “Câu hỏi mà chúng ta cần hỏi bản thân là phải chăng loài người đang tìm cách tự sát khi đối xử với tự nhiên một cách bừa bãi và bạo ngược như vậy” - giáo hoàng nói. 

8. Hãy ngừng những suy nghĩ tiêu cực
Giáo hoàng cho rằng việc suốt ngày than thở về cái xấu và sự tiêu cực của người khác cho thấy sự thiếu tự tin của chính bản thân mình. Hãy để cho những điều tiêu cực trôi nhanh. 

9. Hãy tôn trọng tín ngưỡng của người khác
Theo giáo hoàng, mỗi người đều có quyền nhìn thế giới theo cách riêng của họ và chúng ta phải tôn trọng điều đó. Theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, thì: "Mỗi người đều có quyền nhìn thế giới theo cách riêng của họ và chúng ta phải tôn trọng điều đó".

10. Hãy làm việc vì hòa bình
Giáo hoàng khẳng định chúng ta đang sống trong một thời kỳ có nhiều xung đột và cần phải kêu gọi hòa bình. Trên thực tế giáo hoàng từng đến Trung Đông để kêu gọi người Israel và Palestine đối thoại với nhau. Ông từng nhấn mạnh hậu quả lớn nhất của chiến tranh chính là những đứa trẻ thiệt mạng, bị tật nguyền hoặc trở thành mồ côi.” (x. Tạp chí Argentina Viva, Đức giáo hoàng Francis tiết lộ danh sách 10 bí quyết để sống hạnh phúc mà ông muốn gửi gắm tới tất cả mọi người.)

            Nhắc đến đấng bậc nhà Đạo “ở trên cao”, nói đến hạnh phúc những 10 điều, cũng nên nhắc nhớ và nhắc nhở câu an ủi của đấng bậc lành thánh khác, ở Tin Mừng, như sau:

            Thưa anh em,
tôi xin nói với anh em điều này:
thời gian chẳng còn bao lâu.
Vậy từ nay những người có vợ hãy sống như không có;
ai khóc lóc, hãy làm như không khóc;
ai vui mừng, như chẳng mừng vui;
ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả;
kẻ vui hưởng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng.
Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.
Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì hết.”
(1Cor 7: 30-32)  

Thế mới biết, cuộc đời này, nếu cứ nói năng, tranh-luận về hạnh-phúc/sướng vui, cũng tùy người/tùy việc. Nay, xem thế thì bạn và tôi, ta cũng nên cảm-nghiệm chuyện vui/buồn ở đời người theo nhiều cách, nhiều khíá cạnh, rất khác nhau.
Có một cách và cũng là khía cạnh cho thấy người người đều thấy vui và hạnh phúc, khi mãn nguyện với việc mình làm rất đúng hướng, đúng điệu và đúng cách. Những hướng, những điệu và cách thức, tương tự ý-nghĩa của chuyện kể cũng rất phiếm được dùng làm đoạn kết kết cho bài phiếm nhẹ, rất như sau:

“Trong lần phỏng-vấn tìm việc có lời hỏi/đáp rất ngắn gọn, như sau:
-Được gọi đến phỏng vấn tìm việc như thế này, anh có thấy hạnh phúc không?
-Thưa ông, rất TT.
-Có thể nào anh nói rõ rất TT là nghĩa gì không? Hay chỉ có nghĩa “tê tê”, thẫn thờ?
-Thích thú, mới đúng nghĩa.
-Thế, tên anh là gì để tôi còn vào sổ?
-Dạ thưa, TT.
-Một lần nữa xin nói cho đủ chữ.
-Trần Trường, ạ.
-Thế tên cha là gì?
-Dạ, TT.
-Như thế là gì?
-Dạ, Trần Tình.
-Nơi sinh?
-Dạ, TT.      
-Lại TT là nghĩa gì?
-Dạ, Thừa Thiên ạ.
-Văn bằng anh tạo được là do đâu?
-TT ạ.
-Xin lỗi, nếu tôi không được trầm tĩnh, thì chữ đó có nghĩa gì?
-Dạ, do “thủ thuật” ạ.
-Vậy thì, tại sao anh muốn có việc làm?
-Dạ, vì TT ạ.
-Lại nữa, TT đây là cái gì thế?
-Dạ, Túng Thiếu ạ.
-Thế anh thấy nhân cách của anh thế nào?
-Dạ, TT.
-Nghĩa là gì, xin nói cho đầy đủ chữ?
-Dạ, tuyệt trần ạ!
-Thôi được rồi, tôi sẽ gọi anh để cho biết kết quả.
-Thưa ông thấy TT, à quên tư thế của tôi thế nào, sau vụ này?
-Tôi nghĩ anh đang TT đấy!
-Dạ thưa, TT ông nói có nghĩa gì vậy?
-Có nghĩa là anh như người bị Tâm Thần, vậy thôi…”
(trích truyện cười trên trang mạng của Úc, do bạn bè gửi)

Nói cho cùng, có Tê Tê hay Zet zét, cũng chỉ là tư thế của những người đang đi tìm niềm vui trong cuộc sống có Tê Tê, nhiều tự truyện. Thế nhưng Tê Tê cuộc đời không chỉ mỗi tê tê, hay bê bê bối bối cũng chẳng sao. Miễn là bạn đi đâu, ở đâu cũng thấy hạnh phúc sướng vui là được. Chí ít, là sống đời đi Đạo, ở giữa đời.
Tắt một lời, cuộc đời người đâu chỉ mãi như câu hát ở bên dưới, mà rằng:

“Đời tôi cô đơn bao năm qua vẫn cô đơn.
dù ai đẹp đôi nhưng riêng tôi vẫn lạnh lùng.
Trời cho tôi cô đơn bao nhiêu lần nữa đây,
tôi không hề trách đời hay giận đời mau đổi thay.”
(Vinh Sử - bđd)

Tắt một lời, dù có “Tê Tê” buồn buồn như truyện kể, hoặc “cô đơn/lẻ bóng như câu hát, thì bạn và tôi, ta hãy cứ hiên ngang mà sống. Sống, theo lời khuyên bảo của đấng thánh-hiền nhà Đạo vẫn căn dặn rằng:

kẻ vui hưởng của cải đời này,
hãy làm như chẳng hưởng.
Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.”
(1Cor 7: 30-32)  

Tắt một lời, dù cho bộ mặt “thế gian” lan man với thế giới này vẫn không biến đi như lời thánh-hiền tiên đoán, thì bạn và tôi hãy cứ sống vui sống mạnh, sống xứng một đời đi Đạo, trong đời người. Rất ở huyện.

Trần Ngọc Mười Hai
Và những quyết-tâm
đại loại như thế.

No comments: