Rồi trách móc trời không gần cho tay với
Và cả nàng, hư quá sao mà kiêu ...??
(Ngô Thuỵ Miên – Tuổi Mười Ba)
(Mt 20: 1-6)
Tuổi mười ba/mười tám, hay tuổi ba tám/tám ba cũng đều là như thế. Vẫn cứ tưởng mình là hăng say đóng góp công sức suốt cuộc đời, cho Nhà Chúa. Cho Giáo hội. Vẫn nghĩ rằng, mình sẽ được ơn mưa móc, hơn nguời khác. Chưa hẳn là thế. Nên, vẫn hát được: “lên đến trăm lần, nhất định … mình chưa yêu”. Chưa yêu mình, và yêu Chúa. Chưa thật sự hết lòng, vì Chúa. Vì Giáo hội. Có chăng, cũng chỉ là yêu cái “tôi”, đánh rất bóng, của mình thôi!
Thế nên, mỗi lần mở băng nhạc, để nghe lại giọng hát của người ca sĩ nổi tiếng nhiều thời, hát bài “Tuổi mười ba”, bần đạo có cảm giác, như: người viết đã nhắn nhủ điều gì đó, với mình. Với người. Người nhà Đạo! Chốn dân gian. Nên hôm nay, nhân đọc tuồng tích Forrest Gump trích dẫn trên “Bản Tin” của một giáo xứ nhỏ bé, bần đạo thấy có đôi điều cũng nên chuyển đến bạn bè, để thưởng lãm. Trước tiên, là truyện kể:
“Phim truyện nhiều tập mang tựa đề “Forrest Gump”, có lúc được kể là ‘niềm hân hoan của người tham chiến’. Vào lúc nào đó, truyện phim nói về sự việc: “sao người chót hết lại có thể về trước nhất”. Câu chuyện trên, rút từ những điều mà nhà làm phim đã để trong đầu, người xem.
Forrest Gump rồi cũng chết. Cũng lên thiên đàng. Khi tới nơi, anh đã thấy thánh Phêrô đem đến cho anh 3 câu hỏi thuộc lọai vừa tầm, tuy không khó nhưng buộc anh phải giải mã trước khi bước qua ngưỡng cửa của Thiên đường. Ba câu ấy, là:
1) Ngày nào trong tuần bắt đầu bằng chữ T?
2) Một năm có bao nhiêu giây?
3)Tên cúng cơm của Chúa là gì?
Forrest trả lời trong thóang chốc:
-Thưa, 2 ngày trong tuần bắt đầu chữ T là: hôm nay và ngày mai (today, tomorrow).
Thánh Phêrô liền nói ngay:
-Ta không nghĩ thế, đó là Thứ ba và Thứ Năm (Tuesday – Thursday) nhưng con vẫn có được điểm cao. Thế còn câu hỏi tiếp, con trả lời ra sao?
-Con nghĩ, nếu như thế câu trả lời của con là: 12.
-12 ư?
-Vâng. Và, thưa, đó là ngày 2 tháng Giêng, ngày 2 tháng Hai, ngày 2 tháng Ba…
-Khoan cái đã! Ta biết là con đang cò cưa câu trả lời, để lấy lệ. Thế còn, câu hỏi cuối?
-Dạ, với câu hỏi cuối, trả lời của con: là Andy!
-Andy à? Thôi được, cứ coi như 2 câu đầu con đã biết cách trả lời. Nhưng sao lại đặt tên tục cho Đức Chúa là: Andy?
-Dạ thưa, vì đó là câu trả lời dễ nhất. Con học được điều ấy trong bài ca ANDY đi với tôi, ANDY tới với tôi, ANDY bảo tôi thuộc về Ngài’
Nghe thấy thế, thánh Phêrô bèn mở cửa ngọc và hối hả nói: “Thôi, con vào đi, hỡi Forrest Andy, vào lẹ đi!” (Richard Leonard, SJ – The Bulletin,
Thật ra, câu truyện thực sự “không phải là chuyện phiếm” diễn tiến ở trên, đã như thế này:
“Như thế,
kẻ sau hết sẽ nên trước hết,
và kẻ trước hết sẽ nên sau hết"
(Mt 20: 6)
Thế đó, là công bình của Đức Chúa. Công bình của Ngài, không đặt nặng vào sự việc đến trước/đến sau. Ai làm nhiều/ai làm ít. Hoặc, có nên gọi các chú chim non thức sớm, vội bay đi kiếm gạo vào đầu giờ, là đàn chim ban sớm, nữa hay chăng? Và, “đàn chim thức sớm” ấy, có hưởng nhiều ân lộc/của thánh, đấy chứ nhỉ? Bởi, đàn chim hôm nay cũng nhận ra một điều, là: chúng có bay đi sớm hay đến trễ, thì cỏ xanh đồng nội vẫn cứ tràn đầy, nhiều giun dế.
Hiểu cùng một kiểu, ta có thể bảo: nếu thế, thì Hội thánh thời tiên khởi, sẽ đạt nhiều ân huệ/đặc sủng từ Trời Cao, hơn giáo-dân-bậc-thứ rất tà tà kiểu “Giô-ni đi tàn tàn” phim dài nhiều tập? Hiểu như thế, ta sẽ đặt mình vào trường hợp của các thợ làm vườn tìm đến trước, chắc rằng rồi ra cũng sẽ ngồi đó mà càm ràm: “Chúa đối xử với tôi, thật chẳng được công minh cho lắm”?
Tìm hiểu kỹ, bần đạo thấy: truyện kể về “đàn chim thức sớm”, về chàng “Giô-ni đi tàn tàn” hoặc về người làm vườn nho đến đầu giờ, những càm ràm về bất công, là thái độ của mỗi người chúng ta, vào mọi buổi. Càm ràm và bất bình, khi thấy Chúa gọi mời cả những người “ngoài luồng”, rất bạo lọan, rất căn nguyên/triệt để, chỉ đến làm vào giờ cuối, cũng được thụ hưởng ân-huệ nhưng-không ngang bằng, ở Nước Chúa. Như thế, có bất công chăng?
Ở đây nữa, hỏi tức đã trả lời. Và trả lời, một cách ỡm ờ. Vu vơ. Lạ kỳ. Trả một lời, như ở trên:
“Trời hôm nay, mưa nhiều hay rất nắng,
Mưa tôi trả về, bong bong vỡ đầy tay.
Trời nắng ngạt ngào, tôi ở lại đây
Như một buổi hiên, nhà nàng dịu mát.” (Ngô Thụy Miên – bđd)
Điều cần nói thêm ở đây, là: khi nghe hát, hoặc khi đọc dụ ngôn/truyện kể về “người làm vườn”, ta há chẳng nhận ra rằng: đó là tính khí thường tình của con người chúng mình, sao? Tính khí, vẫn mang nặng cảm giác hờn giận. Cay cú. Nhất là, khi ta bỏ hết công sức và mỏi mòn ngồi chờ Đấng Mê-sia, đến thưởng công. Nhưng khi Ngài đến thay vì thưởng công, lại làm ta thấy quá nhiều chuyện bất ưng, để càm ràm. Bất ưng. Bất ưng nhất, là khi đám “Giô-ni đi tàn tàn”, làm việc ít giờ là thế, nhưng lại được thưởng công, ăn trên ngồi chốc, rất trên cao. Ngay tại phẩm trật triều đình của Giáo Hội. Của cộng đoàn. Còn tôi, tuy đến từ buổi sáng, như “đàn chim thức sớm”, vẫn không được hơn họ.
Có lẽ vì thế, mà người ca sĩ nổi tiếng mọi thời, lại vẫn hát:
“Trời hôm ấy, mười lăm hay mười tám
Tuổi của nàng, tôi nhớ chỉ mười ba
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ!
Tôi phải van lơn ngoan nhé! đừng ngờ!” (Ngô Thuỵ Miên – bđd)
Chuyện Chúa đối xử, hay chuyện “đừng ngờ!” chính là, công minh Ngài vượt quá tầm tay với, điiều mà ta có thể ngờ. Và, có thể kêu cầu. Bởi tự thân, ân huệ của Chúa luôn vượt quá chữ “đừng ngờ!”, ta vẫn có. Nghĩa là, Chúa luôn xử sự cách nghịch lý, khác với thói thường, của ta. Và thông thường, Chúa để lộ phong thái “đừng ngờ!” của Ngài, như sau:
“Này bạn,
Tôi không làm gì thiệt hại đến bạn,
Tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn,
Há nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi sao?”
(Mt 20: 5)
Và, có một điều dễ hiểu, nhưng người người có lẽ vẫn cứ không chịu hiểu, đó là: dụ ngôn “người làm vườn”, chỉ là truyện kể Chúa dùng để nói về Nước Trời. Nghĩa là, truyện kể chỉ là dụ ngôn để nói lên một điều, rằng: ở Nước Trời, tức chốn cộng đoàn trần gian ta đang sống, vẫn có những “ngoan nhé, đừng ngờ!”, khiến “tôi cứ phải van lơn”; là bởi vì, mọi hành xử Chúa đã và đang làm, đều đảo ngược tư thế “đừng ngờ!”, của người thân. Việc Chúa làm, cũng đảo ngược mọi mơ ước, đợi trông. Cùng, các hãi sợ, viển vông. Đảo luôn mọi đồn đoán khó tin, của người mình.
Quả là, ta vẫn không ngừng tìm Chúa theo tầm nhìn, của riêng ta. Cũng tựa hồ như truyện khoa học giả tưởng, do ta chế. Trong khi đó, Chúa đến hành xử lại như một kẻ bần hàn, đói rét. Trần trụi. Thật không ngờ! Thế đó, là lý do tại sao nhiều người cứ mải quyết đoán: Chúa chỉ hoạt động theo cách thế thân quen. Nơi có con người. Qua con người. Vào thời điểm, mà người thường rất dễ nhận. Và, việc Ngài làm, thường kết thúc chung quanh đường ranh của những khôn ngoan, và tin tưởng. Tin vào Đạo. Tin vào Lời.
Quả là, Chúa vẫn yêu thương đùm bọc Hội thánh. Nhưng dứt khoát, Ngài chẳng bao giờ chịu để cho những qui định - hoặc còn gọi là luật Hội thánh từng ràng buộc các hành xử, của Ngài. Ngài chẳng bao giờ bị khống chế bởi công lênh của các thành viên trong Hội thánh, những người vẫn nghĩ rằng mình đã xả thân hăng say vì Chúa, cho Chúa. Sẽ được hơn.
Đây chính là điều, mà Chúa hằng nhắc nhở bạn và tôi hôm nay, những người hay say men chiến thắng, ỷ vào công lênh mình đóng góp, rồi tự cho mình thành quan to chức lớn, rất bệ vệ. Nhìn chung, ta vẫn thấy nhiều người tự cho mình có công lênh, đã hy sinh thì giờ, công sức và tiền bạc, rất nhiều, để phụng sự, ắt có công. Rồi thì, cậy vào công lênh mình đóng góp, lại dễ cho mình ngang với quyền uy/chức vụ được “tạm thời” đề cử, ở trần gian. Để rồi, cứ ngồi mãi nơi quyền chức chức trọng ấy, không muốn nghĩ đến đổi thay.
Rồi cũng dễ nổi nóng, chóng bất bình, khi có người góp ý phản hồi. Hệt như người thợ đến-vào-giờ-đầu, vẫn cứ bất bình và càm ràm về cái-gọi-là “bất công” của chủ. Thay vào đó, lẽ đáng ra nên chăm lo cảm tạ hết mình, mới phải. Bởi lẽ, có nhờ Ngài, mình mới nên cao trọng. Có nhờ Ngài, mình mới thành ông trùm, bà chúa, rất cao sang, thôi.
Khi cảm tạ, mình sẽ không còn thấy bất công, xảy đến ở vườn nho Hội thánh, Nước Trời. Có cảm tạ như thế, mình mới hiểu rõ thế-thái-nhân-tình, hơn. Nắm rõ hơn, Lời vàng Ngài căn dặn hôm trước. Có cảm tạ thật tình, mình mới không còn bất bình, chuyên khiếu kiện. Tốt hơn hết, cứ bắt chước phong thái người nghệ sĩ, luôn vẫn hát:
“Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc,
Áo nàng xanh, anh đếm lá sân trường.” (Ngô Thuỵ Miên – bđd)
Vàng hay xanh, anh vẫn mến. Mến đến độ:
“Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương
Anh thay mực cho vừa mầu áo tím.” (Ngô Thuỵ Miên - bđd)
Thay mực, cho vừa mầu áo tím của lê dân/bậc thứ, hoặc để đổi thay tâm tính/tính tình, để rồi mình nhận ra điều Chúa nhắn nhủ:
“Phúc cho ai
nghe lời Thiên Chúa
và noi giữ.”
(Lc 11: 28)
Và, Lời Chúa vẫn khuyến khích mọi người trở nên thấp bé, như con trẻ. Bởi lẽ:
“Cha đã giấu
không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này,
nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.”
(Mt 11: 25)
Và thay cho vừa mầu áo tím, là làm như truyện kể vui nhẹ về cụ bà 84, ở bên dưới:
“Hôm ấy, nhóm phóng viên mới vào nghề thử tập tành tìm hiểu tư thế và nhân sinh quan rất cụ thể của một cụ bà tuổi bát tuần, làm sao mà cụ lại có thể cho rằng “lên đến trăm lần, nhất định mình chưa yêu”, nên mới làm cô dâu đến lần thứ tư như sau:
-Xin cụ cho biết cảm nghĩ của cụ về cuộc sống, về những gì giống-như-là-chơi-trò ú tim ở tuổi 84 rồi, mà vẫn cưới. Và xin cụ cho biết đức lang quân của cụ lần này, làm nghề gì?
-Thì, cũng chỉ nho nhỏ thôi, đó là nghề … làm chủ nhà quàn.
-Chà! Thưa cụ, nghề này hấp dẫn dữ à.
-Dạ, cụ có thể bật mí cho biết, các vị lang quân trước kia, thì sao ạ?
-Mấy lão trự lúc trước ấy à? Vậy yên, cho tôi nhớ lại cái đã… À qua nhớ ra rồi. Lão đầu tiên hồi qua mới chỉ có đôi mươi là chủ một ngân hàng. Đến năm qua lên 40, thì qua đổi qua một lão khác là chủ một gánh xiếc, đến tuổi lục thập qua bèn cưới vị chủ trì một nhà thờ. Và bây giờ, ở tuổi bát tuần, qua lại muốn làm bạn trăm năm với ông chủ khác. Chủ này là chủ nhà quàn chuyên tổ chức các đám … viễn du miền cực lạc.
-Con dám xin cụ cho con hỏi câu chót nhé. Thưa, lý do nào, hoặc động lực nào thúc đẩy cụ lại làm thân thương yêu đến 4 ông chồng khác nhau, đều làm chủ cả vậy?
-Chuyện nhỏ, bạn trẻ à. Qua cưới người đầu là vì tiền, người thứ hai là vì muốn… nổ lốp xốp. Tay thứ ba là để lúc nào cũng cảm thấy mình trong tư thế sẵn sàng, và đến người thứ tư là để … đi, thôi.
Cứ như quan niệm của cụ bà cô-dâu-ở-tuổi-bát-tuần, thì cụ là người đến cả vào giờ đầu lẫn giờ cuối. Ai cũng là chủ. Như thế không còn lý do gì để kêu oan, với càm ràm. Lúc nào cũng sẵn sàng, mà ra đi. Có công lênh sức lực để đóng góp hay không, không thành vấn đề. Có chăng chỉ là phong thái sẵn sàng, để phục vụ. Để yêu thương, rồi sẽ vui hưởng cuộc đời. Dù đời mình, có “mưa nhiều hay rất nắng”. Nắng ngạt ngào hay mưa trả về, mình vẫn “ở lại đây”. Ở nơi dịu mát, có bóng cây. Hoặc, chốn Nước Trời, tràn đầy hạnh phúc.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn nhớ lời dặn
“sau hết nên đầu hết
đầu hết nên cuối hết”
của Đức Chúa,
trong cuộc đời.
1 comment:
Em da nhan duoc cuon Chuyen Phiem II - Cam on anh Tran Ngoc Muoi Hai
Post a Comment