Saturday, 24 January 2009

“Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ”

Chuyện Phiếm Chúa Nhật Thứ 3 Thường niên Năm B 25.01.09

“Chúng con đã về khát khao hơi Mẹ” Chúng con xin thề giữ thơm quê Mẹ Cuộc đời rồi phai tàn sau thế giới Chỉ còn tình yêu của Mẹ mà thôi.

(Phạm Duy – Trường Ca Mẹ Việt Nam)

(Lc 2: 51-52)

Từ lâu lắm, mỗi lần tưởng nhớ đến đấng hiền từ vốn làm mẹ, bần đạo cứ thấy lẩn vẩn trong đầu, những câu hát rất nghe quen của nghệ sĩ già, là Phạm Duy. Và, cũng từ dạo lân la quanh quẩn với nhà Đạo có tiệc cưới, bần đạo vẫn nhớ lại lời kinh chăm rất thi ca/âm nhạc của người anh trong gia đình, là Lm Nguyễn Thành Tâm, có câu hát rất “Diễm tình ca 3”, như:

“Rồi mai đây, kiếp sống có đôi

Đời buồn vui, mãi mãi bên nhau

Khấn xin Mẹ, thương dắt dìu

tình yêu dâng cao” (Thành Tâm – Diễm Tình Ca 3)

“Chỉ còn tình yêu của Mẹ, mà thôi”, hay “khấn xin Mẹ, thương dắt dìu”, vẫn là những tâm tình ới gọi rất trìu mến, với Mẹ hiền. Dù, người ới gọi có là người đời, ngoài Đạo. Hay, chỉ lạo xạo bên ngoài luồng. Và, dù có là nhà Đạo, rất đạo mạo, nhưng khác chính kiến. Tựa hồ người Đạo Hồi, ở khắp nơi. Có những tâm tình, mà bạn và tôi, ta thường bắt gặp ở đâu đó, như truyện kể. Rất dễ nể, như:

“Người mẹ hiền có lẽ vì rất bận và cũng khá rộn, nên mới sai đứa con 7 tuổi ra quán bán thịt heo đầu đường, hỏi bà bán quán:

-Con ơi, con chạy ra bà hàng thịt “lợn” ngó chừng xem bà ấy còn tai không để mẹ mua.

Cậu con về, chẳng nói chẳng rằng, cứ lầm lũi chơi nghịch tiếp, mẹ hiền lại hỏi:

-Bà ấy còn tai, không con?

-Con chịu thôi, bà ấy trùm khăn kín mít, chẳng tài nhảy lên tới để xem, đâu mẹ ạ!

Còn tai không, mẹ hiền nào mà chẳng còn. Còn, không phải là để bán, khoe khoang đôi bông hột xoàn, mà để nghe. Nghe con hỏi, khi con chạy đến. Nghe lời dặn, khi Chúa bảo ban. Mẹ hiền, có nhiều con chạy đến hỏi han, xin xỏ, vẫn là Mẹ Hiền của Chúa, Đức Maria. Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, là người mẹ rất nhân hiền. Hiền, với tất cả người con, trong cũng như ngoài. Trong Đạo. Ngoài luồng. Ở nơi đó, có các nhận định/cảm kích rất thân thương, như câu chuyện tâm tình của Beth Doherty, ở Sydney, như bên dưới:

“Lâu nay, tôi vẫn muốn tìm hiểu, xem bạn bè của tôi bên đạo Hồi, có cùng tâm tình thân kính mến yêu, hoặc tâm tư hiền lành như nơi Đạo Chúa, hay không. Với ưu tư bức súc ấy, tôi bèn tìm đến người bạn cùng lớp, là Hala Bazzi, ở tận Tây Nam Sydney, bên dưới ấy.

Vừa mở cửa, đã thấy Hala cười hớn hở chào đón tôi. Hala hôm ấy, ăn vận trông lịch lãm, rất dễ nhìn. Áo hijab mầu hồng, để lộ chiếc thun trắng nõn nà, trông dễ mến. Nhà Hala ở, trông sạch sẽ tươm tất, rất khang trang. Nội thất bày biện đơn sơ, giản dị đến mức độ như chẳng có gì.

Đến, để xem các phụ nữ bên đạo Hồi có coi trọng, thờ kính Đức nữ Đồng trinh Maria, như Đạo mình? Và để xem, Đạo của hai chúng tôi có gì tương đồng tương xứng, với niềm tin? Xem, để rồi hai chúng tôi có thể giúp nhau tìm hiểu và san bằng khác biệt, những biểu trưng chưa đồng nhất, nhưng đã giống nhau ở nhiều điểm.

Với đạo Hồi, Đức Maria mang nhiều ý nghĩa hơn ta tưởng. Mẹ là người nữ duy nhất, được Kinh Koran nhắc đầy đủ tên (tiếng Ả Rập, Mẹ có tên là Maryam), dù ở kinh, phu nhân các vị tiên tri/giáo đồ hoặc Vua quan bên đạo cũng được ghi khắc đến, hệt như thế). Với Mẹ Maria, có hẳn một chương sách (gọi là Sura) trong Kinh, nói về Mẹ.

Hala nói với tôi: Maryam là mẫu mực của đặc thù trinh trong, khiết tịnh, tin tưởng và chân phương thật thà. Mẹ, là người nữ phụ, nhờ vào tính trinh trong và tư tưởng siêu thoát nên Mẹ có khả năng sinh ra Đức Giê-su, và việc sinh hạ này là một trong các biến cố lớn lao chưa từng thấy trong lịch sử của con người.”

Trong kinh Koran của chúng tôi, có chương đoạn nói rất nhiều về Maryam, như: việc ngài sinh hạ, tiểu sử của ngài và việc ngài hạ sinh ra Đức Giê-su, mà chúng tôi gọi là Đấng Tiên Tri Isa (tức: Giê-su) và còn nhiều thứ khác nữa. Đức Allah (Thiên Chúa) cũng đề cập trong Kinh Koran, câu chuyện Mẹ Ngài có thai như thế nào. Đức Maryam không chỉ được miêu tả như một phụ nữ khiết trinh thôi, nhưng tên tuổi của ngài cũng còn được nhắc đến cùng với tên của các sứ giả thần thiêng khác.”

Hala còn nói: ở đạo Hồi, Maryam được tôn kính rất mực, vì Mẹ sốt sắng tôn sùng Đấng Thánh Allah, như Tiên tri Muhammad vẫn từng làm. Nghe vậy, tôi có nói với Hala là: với người đi Đạo chúng tôi cũng thế, Đức Maria là người Mẹ rất đáng chúc phúc, được Thiên Chúa gửi gắm trao ban làm Mẹ của mọi người. Với Hala, đạo Hồi không chỉ là một tôn giáo, nhưng còn là toàn bộ cuộc sống của cô. Và Hala rất vui thích được đón tiếp các người trẻ trong đạo, đến nhà cô nói chuyện về niềm tin đi đạo, về lối sống và rất thích các cuộc đàm thoại theo chiều hướng ấy. Vì thế nên, cô đã bỏ nhiều giờ để gần gũi với giới trẻ trong cộng đoàn theo đạo.

Chúng tôi cũng trao đổi cho nhau biết, về điểm khác biệt cũng như tương đồng giữa hai đạo. Chí ít, là khi xuất hiện trước đám đông. Chúng tôi cũng nói đến chuyện người theo đạo Hồi đội khăn che đầu che mặt. Về, cách thức phụ nữ Đạo Chúa, Do Thái và đạo Hồi vẫn che đầu che cổ, rất nhiều năm. Và bạn Hala còn nói thêm: đội khăn che mặt là giới lệnh từ Đức Chúa. Cô vẫn đeo đội nó từ khi còn ấu thơ. Có người mãi về sau mới chịu đeo đội. Duy có điều, là cô đọc rất nhiều về niềm tin và vẫn tin những điều mình đọc.

Tôi nói: tôi thấy điều này rất hay, bởi vào thời của Chúa, phụ nữ nào cũng đội khăn trên đầu. Với người Đạo Chúa, nay ta không còn thi hành các thói tục ấy, nhưng chắc chắn là trong Sách Thánh của Đạo mình, cũng có nhiều đoạn nói về những điều như thế.

Ngoài chuyện khăn áo, chúng tôi cũng nói với nhau về chuyện “lần hạt Mân Côi”. Hala có một chuỗi hạt rất đẹp, có khắc chữ Allah trên mỗi hạt. và Hala hỏi tôi xem bên Đạo mình có đọc kinh lần chuỗi như thế không? Đọc ra làm sao? Tôi nói: Khi lần chuỗi hạt, bên chúng tôi vẫn chào mừng Đức Maria, khen Mẹ đầy ơn phúc lạ… Còn Hala thì bảo: chúng tôi cũng thờ Đấng Allah bằng cách cảm tạ, tôn vinh và thờ phượng ngài, qua việc đếm lời tôn dương khi đọc kinh qua con số hạt chuỗi mình lần. Lần càng nhiều càng tốt.

Nguyện cầu càng nhiều càng tốt, xem ra đây là triết lý khá hay, đối với tôi. Và, chúng tôi gặp nhau trên những tương đồng và khác biệt ấy. Tất cả bắt đầu từ việc tôn kính người mẹ. Tình Mẹ hiền, Đức Maria.” (x. Beth Doherty, Of Rosary Beads and Ramadan, The Australian Catholics, Christmas 2008, tr.12)

Nói về Mẹ, dù có là Mẹ Việt Nam Maryam hay Maria vẫn là nói về tình thương yêu đỡ đần, rất thần thánh. Tình thương ấy, vẫn thấy dẫy đầy trong thơ văn âm nhạc, nhiều thế kỷ. Việt Nam nhất Mẹ, vẫn có những giòng chảy của nghệ sĩ già, rất trường ca:

“Mẹ Việt Nam

Trời Đông ánh dương hồng

Cũng như chiều vàng mênh mông

Có đàn chim én lượn trên đất xinh

Chứa chan tình, là tình mong chờ…” (Phạm Duy - bđd)

Quả là Mẹ vẫn chờ mong, đàn con tuôn đến, với Mẹ. Đến, có thể để cầu xin, ơn an bình:

“Mẹ ơi, đoái thương xem nước Việt Nam

trời u ám chiến tranh điêu tàn.

Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an

Đưa Việt Nam qua phút nguy nan.” (Hải Linh – Mẹ ơi đoái thương)

Hoặc chỉ để tri ân, như lời ca ân cần:

“Hay khi nao hạnh phúc đến dâng đầy

Xin cho con đừng thể dễ quên lời

Lời ca tri ân nhờ Mẹ thương đến chở che đời con.” (Thành tâm – bđd)

Tuy nhiên, tâm tình hướng về Đức Maria, Mẹ của Chúa , không chỉ có thế. Bởi, những điều nói về Mẹ, hướng về Mẹ đều có thể và không thể. Có thể là đúng. Không thể là sai. Đúng hơn cả, mỗi khi Giáo hội đề cập hay nói về Mẹ, là để nói về Chúa. Trọng tâm của Tình yêu thương nhân loại. Trọng điểm của ơn cứu độ, rất thân thương. Như Tin Mừng. Bởi, Tin Mừng được viết là để viết cho nam nhân lẫn phụ nữ, những vị như Maryam, như Mẹ.

Cùng với các nhân vật thánh thiêng trong Tin Mừng, Mẹ là quà tặng Chúa ban cho nam lẫn nữ. Già cũng như trẻ. Tặng ban, theo phương cách mà nam nhân lẫn phụ nữ, vẫn cứ nghĩ ra.Mỗi người nghĩ một cách. Có người nghĩ theo cách thế của người trẻ, vẫn cho rằng Mẹ là phụ nữ trẻ. Còn, với suy nghĩ của người cao niên, Mẹ sẽ là người Mẹ chững chạc và phiền luỵ đang đứng dưới chân của thập giá. Nghĩ thế nào thì nghĩ. Hát thế nào thì hát. Vẫn là cách suy nghĩ và ca hát của người xưa.

Ngày nay, mỗi lần nghĩ và nhớ Mẹ, có lẽ cũng nên liên tưởng đến các người nữ còn son trẻ. Ở mọi nơi. Bởi vì, trong Tin Mừng, Mẹ luôn nói năng trực tính. Âm lượng Mẹ phát, tựa như của người nữ trẻ, rất hôm nay. Thành thử, có đến với Mẹ, có lẽ cũng nên thẳng thắn. Trực tính. Sôi nổi.

Tin Mừng các thánh sử còn miêu tả Mẹ bằng những ảnh hình của người Nữ có quan tâm đến thế giới Mẹ đang sống cùng. Và sống với. Cùng với hết mọi người. Vì cùng sối với thế giớ mà Mẹ chung đụng, nên Mẹ chào đón thế giới công bình chân chất, mà Chúa đã hứa ban nơi Đức Giê-su, con của Mẹ. Đó là thế giới mà ở nơi đó, Thiên Chúa đã đánh gục các kẻ quyền thế khỏi ngai vương hào nhoáng, để nâng nhấc những kẻ bé nhỏ, vẫn thấp hèn.

Thành thử, đến với Đức Maria để được cầu bàu, giống như đến với người mẹ hiền rất thân và rất thương, mọi người chúng ta đều sẽ nhận ra nơi Thiên Chúa tính chất rất “Mẹ Hiền”, mà nhiều lúc ta quên lãng. Quên lãng, là vì có khi, có người có thể coi Maria Mẹ Hiền như người thay thế Chúa. Đấng ban phát ơn lành, cho con cái đang vòi vĩnh.

Ngày nay, Maria Mẹ hiền đã trở nên như người bạn hiền đến với mọi người, cả các người mẹ trẻ. Mẹ đơn chiếc. Mẹ lưu lạc, đó đây. Với tư cách là Mẹ của Thiên Chúa, Maria Mẹ Hiền có thể dùng uy thế của Mẹ để cản ngăn cơn thịnh nộ, bất bình của Đức Chúa. Và, với tư cách là người Mẹ đầy tình thương, Maria Mẹ Hiền còn khuyến khích ta đi vào tương quan nồng thắm với Chúa, nữa.

Tóm lại, trọng tâm cuộc sống của Maria MẸ Hiền là Mẹ đã biết nhận lời mời của Chúa, để nói lời “xin vâng!” Vâng theo thánh ý Chúa. Vâng, để ơn cứu độ của Chúa được thực hiện. Vậy nên, rất xứng đáng là người để ta có thể nói chuyện gửi thưa, đưa đến Chúa. Nếu như, ta có lo ngại khi cần hỏi. Bởi, Mẹ vẫn luôn là người Mẹ Hiền, hiểu Chúa hơn ai hết. Chí ít, là hiểu được công trình của Chúa, đang dẫn dắt ta đi.

Trong quá trình nhờ Mẹ chuyển đạt lời cầu lên Đức Chúa, ở đây ở đó vẫn có những lời kinh hôm/ban sớm rất thi ca/âm nhạc như:

“Nào ai sẽ đem yêu thương đến chốn cơ cùng?

Và can đảm gióng lên tiếng nói, của công bình?

Nào ai sẽ đấu tranh cho dân quê của mình?

Còn ai nữa, nếu không là Mẹ, của con?

(Marty Haugen –Who will speak? Nguyễn Thị Mỹ Hạnh dịch)

Mẹ của con, vẫn còn nơi đó luôn trông chờ con chạy đến. Mẹ của con, vẫn mỏi mòn trên bước đường chờ đợi tiếng thì, hỏi han. Mẹ còn đó, vẫn chờ con để an ủi, giãi bày, như mẹ hiền. Người phụ nữ đảm đang, được diễn tả trong áng văn hay, mọi dân tộc. Áng văn, hay truyện kể để minh họa tình mẹ hiền, về tình mẹ con/tình con của mẹ, như bên dưới:

“Bà mẹ trẻ tên Nga, chợt thấy vị bác sĩ vừa ra khởi phòng mổ, vội chạy đến hỏi:

-Thưa bác sĩ, con tôi ra sao? Cháu có mệnh hệ gì không? Bao giờ tôi gặp cháu?

-Rất tiếc.Tôi đã cố gắng hết mình, vẫn bó tay.

-Không thể được, ngoan như cháu nó, không bao giờ hút thuốc, thế mà vẫn bị ung thư phổi. Chúa Mẹ giờ này ở đâu, sao không đến giúp con tôi?

-Bà có muốn ở gần con vài giây phút không? Y tá sẽ ra ngoài để bà trò chuyện, trước khi cháu được đưa sang giảng đường trường y khoa, để sinh viên học.

-Chị có muốn tôi cắt ít tóc của cháu, để giữ làm kỷ niệm không?

Bà mẹ gật đầu, buồn rầu nói:

-Tội nghiệp con tôi. Cháu nó biết bệnh tình của mình, nên đã đồng ý hiến tặng tim mình cho sinh viên học. Cháu có nói: chết rồi, thì tim con cũng chẳng để làm gì. Chi bằng tặng nhà trường để họ có đồ mà nghiên cứu. Con muốn là, với quả tim của con, các bạn trẻ khác đang đau yếu sống thêm được ít ngày với mẹ hiền của các bạn ấy. .. Thật tội nghiệp! Tôi vẫn nói với mọi người, là: con tôi có quả tim bằng vàng, ít đứa có.

Bà mẹ trẻ rời bệnh viện Nhi đồng trong đau buồn, sau khi ra vào bệnh những 6 tháng cầu hết bác sĩ này đến y tá hãy cứu sống con của mình. Bà nâng niu núm tóc của của bà, như đồ gia bảo để tưởng nhớ. Về nhà, bà vào phòng xếp dọn lại căn phòng nhỏ vẫn dành cho bé Duy. Rất ngăn nắp. Gọn gàng, đâu vào đó. Bà cũng không quên đặt lên chiếc gối mềm của bé Duy, nụ hôn nhẹ mà bà vẫn làm vào buổi tối.

Vào chập tối, bà mẹ trẻ tự dưng bỗng thức giấc, sờ sạng loanh quanh như có cái gì lấn cấn bên cạnh gối của bà, thì ra là bức thư. Có giòng chữ, của con gửi:

“Mẹ thân yêu,

Con biết là mẹ đang mất con rồi. Nhưng mẹ cũng đừng nghĩ rằng, con sẽ quên mẹ suốt đời con. Hoặc, không còn yêu mẹ như trước nữa. Cũng chẳng phải, vì con không còn ở quanh quẩn bên mẹ để nói “sao con thương mẹ quá à! Quả thật, con vẫn yêu mẹ, như xưa. Có khi còn hơn nữa. Mỗi ngày, trong đời. Có lẽ, trong tương lai mẹ con mình sẽ lại gặp nhau, ở đâu đó, tận cuối chân trời bừng sáng. Đến ngày đó, con vẫn muốn mẹ tìm một em khác để mà nuôi. Con không đành hanh gì đâu, mẹ ạ. Bé ấy, có thể lấy phòng nhỏ của con mà ở. Cứ lấy đồ chơi của con ra mà dùng.

Có một điều, con muốn xin cùng mẹ: nếu mẹ nuôi một em bé gái, thì chắc là mẹ phải sắm sửa thêm áo quần mầu hồng, và cả những búp bê cho em nữa. Mẹ cũng đừng buồn rầu khi nghĩ đến con. Ở nơi đây, con thật sự thấy thoải mái lắm. Rồi ra, bà ngoại cũng sắp được gặp con, sớm thôi. Và, ngoại sẽ dẫn con đi thăm cho biết mọi nơi mọi chốn, để con không lạc lõng. Sao các thiên thần ở đây dễ thương quá thế, mẹ. Con thích nhìn ngắm thiên thần bay lượn chung quanh lắm. Và, mẹ có biết không? Chúa Giê-su của con trông không giống các hình tượng con thấy ở nhà thờ đâu. Mới nhìn, con đã nhận ra Ngài rồi. Và Chúa Giê-su cũng đã dắt con lên gặp Chúa Cha rồi.

Mẹ có đoán được ra Chúa Cha đã làm gì với con không. Chúa cho con ngồi trên đùi của Ngài và nói chuyện với Ngài. Giống như con là đứa bé ngoan, vậy đó. Con nói với Chúa là con muốn viết thư cho mẹ để kể lại những chuyện ở đây, và cũng để chào từ giã mẹ, con biết là khó được như thế lắm. Con nghĩ là thánh thiên thần Ga-bi-ri-e sẽ mang thư này thả vào thùng cho mẹ đọc cho sớm. Hình như Chúa đã nói thay con, khi mẹ hỏi Chúa ở đâu mà sao không đến cứu con? Chúa nói: Ngài ở cùng chỗ với con, khi con của Chúa bị treo trên cây thánh giá, đó mẹ. Ngài bảo: Ngài lúc nào cũng ở chỗ đó. Ở với con cháu của Ngài, lúc mạnh cũng như khi đau.

À mẹ ơi, còn chuyện này nữa, là: ngoài mẹ ra, chẳng ai đọc được thư con viết cho mẹ đâu. Bởi vì, ai nhìn vào cũng chỉ thấy tờ giấy trắng trơn, không có gì. Thôi, con trả cây viết lại cho Chúa đây. Vì Chúa đang cần viết thêm tên của con cháu Ngài vào sổ bộ đời nữa. Tối nay con được ngồi cùng bàn ăn tối với Chúa, tuyệt diệu chưa.

Còn một điều suýt nữa thì con quên. Con không còn thấy đau gì nữa mẹ ạ. Con rất vui về chuyện này, vì Chúa đã chịu đau thay cho con rồi. Lúc đó là lúc Ngài sai các thiên thần đến đem con đi. Thiên thần nói với con, đây là sứ vụ đặc biệt để đón con về với Chúa, đó. Mẹ thấy thế nào? Tuyệt chứ, mẹ nhỉ?

Con yêu mẹ nhiều lắm đó.

Ký tên: Chúa Cha, Chúa Giê-su và con của mẹ.

Truyện bé Tim, chỉ là truyện kể đầy hư cấu. Chẳng có dấu hiệu, đúng sự thật. Cũng na ná mọi truyện kể về tình mẹ thương con. Chí ít, là những con còn trẻ. Là, truyện kể rất nhẹ. Nhẹ, như tình mẹ. Nhẹ, như lòng con hằng tưởng nhớ đến mẹ. Cũng nhẹ êm, ngọt ngào. Như mọi chuyện tình chốn dương gian, trần thế. Còn gọi là tình Mẹ. Hay, Maria tình mến thương. Vẫn cứu giúp. Cầu bàu. Vì, Mẹ chính là Maria, Đấng Hiền Từ. Chuyên cầu bàu giùm giúp. Hết mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai

vẫn nhớ Mẹ Hiền

đầy mến thương

khi buồn chán.

No comments: