“Em ơi, Hà Nội phố
Ta còn em mùi hoàng lan
Ta còn em mùi hoa sữa
Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ
Ai đó chờ tóc xoã vai mềm”.
(Nhạc: Phú Quang - Lời: Phan Vũ)
(Mc 3: 33)
Phải thú thật với bà con, bần đạo đây cha sinh mẹ đẻ, đã lọt lòng ở góc phố Hà thành. Vẫn cứ là phố Huế, với chợ Hôm. Ấy thế mà, chả mấy khi bần đạo dám gọi thầm Hà Nội Phố, có tên em. Bởi, 36 phố phường gọi tên em, sao cho hết. Chí ít, lại là tên có mùi hoàng lan, với hoa sữa. Ấy thế mà, nhiều bạn hôm nay cho yêu cầu bài nhạc trẻ, vẫn cứ yêu và cứ cầu, những là Hà Nội phố, với em ơi!
Chịu thôi. Thôi thì, bần đạo cũng đành chịu. Phố với phường gì, lại cứ hát:
“Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông
Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông
Mảnh trăng mồ côi mùa đông.” (Phú Quang - Phan Vũ – bđd)
Nhưng điều lạ kỳ ở đây, là: sao bạn trẻ hôm nay cứ mãi gọi Hà Nội 36 phường, những con phố? Để lại Hội thánh, hiền thê của Đức Chúa, còn đó nỗi buồn, chẳng ai ới gọi? Có ới, có kêu chăng, cũng chỉ gọi Hội thánh là Mẹ, khi cần đến. Có đâu, ai đó gọi ai, “tóc xoã mềm”!
Thôi thì, có gọi Giáo Hội là “Mẹ thánh” Giáo hội, hay “Hội thánh là Mẹ”, cũng chỉ gọi hội của các thánh, chúng ta đây. Điều này, rất đành rành ở hầu hết các thư của Phao-lô thánh nhân, gửi về Hội thánh lớn nhỏ, ở muôn phương. Những phương trời, ngài chào mừng người tín hữu ở Corinthô, “những người được tác thánh trong Đức Giê-su Kitô” (1Cr 1: 2). Cõi miền kia, ngài đã nói: “kính gửi các hội thánh xứ Galát”, rồi lại “các thánh ở Êphêsô, Philíp, Côlôsê, Thessalonikê.”(Ga 1:1, Ep 1: 1; Co 1:1).
Có điều may, là: chưa có nhà thơ hoặc nghệ nhạc sĩ nào lại dám đặt đầu đề bài hát cứ thế ới gọi Hội thánh Công giáo La Mã, rằng: “Em ơi, Giáo Hội phố”! Bằng không, chắc sẽ loạn. Loạn, vì Hội thánh cho đến nay vẫn thấy rất nhiều. Nhiều ông, nhiều anh và cũng nhiều “ông anh”; chứ chưa thấy có nhiều em nhiều mẹ, nhiều “mẹ thánh”, như ta tưởng. Bởi thế nên, vừa qua, Hội thánh mới nâng nhắc số lượng nữ lưu trong Thượng Hội Đồng Giám Mục ở Rôma vào tháng 10/2008, lên mức kỷ lục đến 19 vị (x. Lời Chúa trong cuộc sống và sứ vụ của Hội Thánh, Tham luận của Gm Peter Ingham - The catholic Weekly 26/10/2008 tr. 44)
Giả như ta gọi những điều trên, là: “một phát giác kinh khủng”, thì vẫn còn một khủng kinh khác đã được phát giác, từ thời xưa. Ấy đó, là khẳng định của thánh sử Mac-cô, trong Kinh Sách, khi thánh nhân viết:
“Rồi Người rảo mắt
nhìn những kẻ ngồi chung quanh
và nói: "Đây là mẹ tôi,
đây là anh em tôi.
Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa,
người ấy là anh em chị em tôi,
là mẹ tôi."
(Mc 3: 33)
Thi hành ý muốn của Thiên Chúa, đó lại là lời gọi mời, gửi đến với mọi kẻ tin. Ngài không gửi riêng gì với Đức Maria, Mẹ của Chúa. Thi hành lời gọi mời của Chúa, là sống độ lượng. Là, đeo đuổi niềm mơ ước có từ lâu. Chứ không là, đạt hết mọi ước nguyện. Điều này, thường gây xung khắc/đối chọi với yêu cầu của gia đình, không chỉ có người mẹ, hoặc người em. Bởi thế nên, khi nhìn vào những người đang dõi bước chân mềm của Chúa, đeo đuổi niềm ước mơ “thi hành ý muốn của Thiên Chúa”, thì Chúa lại gọi các vị ấy, là Mẹ Ngài. Các vị, là Hội thánh. Là, Hội của các thánh ở trần gian.
Riêng thánh Luca, vị thánh sử đã đặc biệt nhận ra nơi vai trò “Mẹ thánh” Giáo hội, và nơi những ngưòi biết tuân lời gọi mời của Đức Chúa. Thánh sử đã tóm gọn toàn bộ Tin Mừng của ngài vào trình thuật Thiên Chúa đã giáng hạ làm người. Có Đức Maria, là “Mẹ thánh” nghe lời của sứ thần dẫn giải. Nên, Mẹ thấy được niềm vui trong đó. Nên, Mẹ đáp trả lời gọi mời đồng công cứu độ, rất thuần thục. Hoàn hảo. Chả thế mà, Mẹ vẫn bình thản truyền cho gia nhân của buổi tiệc:
“Ngài có bảo gì,
hãy làm theo.”
(Yn 2: 5)
Làm theo, đây không chỉ là đổ nước lã vào lu/vại, để thành rượu. Mà là, tỏ dấu lạ cho người “đón nhận lời mời” biết được “Giờ của Chúa”. Biết, là biết ý muốn của Chúa. Ý định cứu độ. Ý định yêu thương.
Với thánh Gio-an, thì thiên chức làm “Mẹ thánh” còn rõ nét hơn, ở vào giờ “G” rất căng hôm ấy. Hôm, mà chính Chúa đã nói với “Mẹ thánh” của Ngài:
“Hỡi bà, này là con Bà!
Đoạn, lại nói với môn đồ:
Này là Mẹ con!”
(Yn 19: 26)
Với Phúc Âm, Đức Mẹ hay còn gọi là “Mẹ thánh” nói lên tính cách đại diện cho môn đệ Chúa. Nói, để cấu thành một Hội rất thánh. Và như thế, Mẹ (rất) thánh của Hội thánh, là môn đồ lý tưởng nhất đã gần gũi Chúa. Mẹ là Mẹ rất thánh, đã thực hiện trước tiên “ý muốn cứu độ của Chúa”. Mẹ, là đấng rất “Mẹ thánh”, đã lĩnh nhận lời hứa được ban cho dân
Về những người mẹ cũng “rất thánh” ở đời thường, có những truyện kể ngắn, khá khôi hài, chỉ cốt để mọi người nhớ đến những “mẹ thánh” rất thánh thiện của mình, như sau:
“Thế nào, chuyến đi nghỉ trên núi rừng trùng điệp của bạn, khá tốt chứ?
-Ấy, thời tiết rất tuyệt! Nhưng chuyện ăn uống, thì tệ quá. Mình về sớm hơn dự định.
-Tại sao? Chắc bạn đau ốm, hay sao vậy?
-Không. Chẳng đau ốm gì đâu. Câu chuyện là thế này: lên đó không kiếm được chỗ nào để nghỉ lại, mình bèn ghé trọ tại nhà nông dân nọ. Ba ngày đầu, ông ta toàn cho ăn những gà là gà. Bởi, đàn gà nhà ông, bỗng dưng ủ rũ, ù rù phải giết gấp, kẻo lây lan. Sau đó, đến con bê nhỏ nhà ông cũng bị ôm, thế là ông cho giết thịt, ăn suốt tuần. Mới hết.
Sang tuần sau, bà mẹ vợ của ông tự nhiên ngã bệnh, cũng khá nặng… Thấy thế, mình sợ quá, bèn chạy đi ngay, chẳng dám nán lại, thêm một ngày...”
Nói đến mẹ, dù là mẹ ruột, mẹ vợ hay “Mẹ thánh” Giáo Hội, cả Mẹ Maria nữa, người người đều có lòng kính cẩn, năng chạy đến. Chí ít, là Mẹ Việt
Thế giới của Tin Mừng, luôn luôn là yếu tố rất sinh và rất động. Tin Mừng, không chỉ là sách giáo khoa, kể cho ta nghe các sự thật về Đức Chúa, thôi. Tin Mừng còn kể lại những gì được mặc khải cho con người, bức chân dung sinh động về cuộc sống nhân sinh của Chúa. Kể lại, những sự việc đáng để kể. Kể, về cuộc sống. Kể, về sứ vụ của Chúa. Và, Kinh Sách còn mời gọi ta đi vào các trình thuật/truyện kể ấy, ngang qua trí tưởng tượng của ta nữa.
Vào với thế giới của Tin Mừng, ta vẫn mang theo trí tưởng tượng rất phong phú, là bởi trong niềm tin đi Đạo, những ai đã từng sống, đang sống và sẽ sống, vẫn nối kết với nhau trong cộng đoàn tình thương, của các thánh. Kết hợp các thánh với “Mẹ thánh”, là để nguyện cầu cho ta được chung phần hiệp thông, mà vui sống. Chính vì thế, từ ngàn xưa, các nghệ sĩ vẫn cứ tưởng tượng ra nhiều ảnh hình của “Mẹ thánh” và các thánh, là để gắn liền thế giới của Tin Mừng với mỗi hoàn cảnh xã hội ta sinh sống. Cũng giống như hôm nay, nếu diễn tả Mẹ Việt
“Mùa đông năm ấy,
tiếng dương cầm trong căn nhà đổ
tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân
ta còn em, một mầu xanh thời gian…” (Phú Quang – Phan Vũ - bđd)
Mầu xanh thời gian được nhân cách hoá, thành người em. Nhân cách hoá, hay hình tượng hoá bằng ảnh hình với thi ca/âm nhạc, cũng là để ta sống rất sinh động, thế giới của Tin Mừng. Thế giới có những tin vui, rất mừng, giống như truyện kể, ở bên dưới:
“Hôm ấy, vị mục tử báo động với cộng đoàn về tình hình tái chánh của hội thánh rất nghiêm trọng, cần cứu chữa. Vị này, bèn lục tìm trong nhà kho xem có thứ gì có thể biến cải thành những tài và những chánh, thì thấy còn nhiều thùng đựng sách thánh, chưa tiêu thụ. Vì thế nên, Chúa Nhật đó, trong bài giảng về thế giới của Tin Mừng rất thánh thiện, đức thày đã yêu cầu cộng đoàn nên có ít nhất ba người thiện nguyện đến từng nhà của bà con chòm xóm, mà gây quỹ.
Thoạt khi ấy, thấy có ba vị hăng say giơ tay cao, để tình nguyện. Đó là: chị Gái, anh Giai và chú Bình, rất tỉnh táo. Khôn ngoan. Thành thạo. Chị Gái và anh Giai, vốn là nhà kinh doanh nỗi tiếng bán buôn trong họ ngoài làng, ai cũng biết. Duy có anh Bình, vốn giòng nông gia, chân phương thật thà, lại còn chứng tật lắp bắp với cà-lăm, sao đòi đi bán. Nhưng, quyết không làm anh thất vọng vì chứng tật yếu kém này, đức thày vẫn cứ để anh thử thời vận một lần, cũng rất tốt.
Và, đấng bậc là thày bè gửi cả ba ra đi, chất đầy những “thế giới của Tin Mừng” qua trang Sách, thật rất thánh. Chờ đợi ngày họ quay về, nhiều kết quả, phủ phê. Ngày hẹn về, đức thày hỏi anh Giai lẫn chị Gái xem ai bán được nhiều Sách. Mỗi vị, chỉ bán có 20 cuốn. Mang về mỗi hai trăm.
Đến lượt Bình, anh thình lình đến với đức thày khoe ông kết quả mình đã bán, những 320. Và, ba ngàn hai đếm đủ giao thày mục tử, không hề thiếu. Vốn thắc mắc về khả năng gây quỹ của một thành viên Hội thánh chưa từng biết bán buôn, mà sao kết quả thế, đức thày hỏi:
-Này Bình, tiền này là thế nào đây? Phải chăng anh bán được bấy nhiêu cuốn?
Bình chỉ gật đầu, không nói thêm. Rất ngạc nhiên, cả anh Giai lẫn chị Gái đều tỏ dấu vừa thán phục vừa nghi ngờ. Nghi ngờ tài buôn bán, chứ tuyệt nhiên không ngờ và cũng chẳng nghi tài hăng say, rất thánh của thành viên Hội thánh, là anh Bình. Cả đức thày, cũng không nghĩ là Bình ta lại tài giỏi đến thế, bèn gạn hỏi:
-Này anh Bình, không dám nghi ngờ tài của anh. Nhưng, hãy cắt nghĩa cho mọi người biết sao anh có biệt tài quảng bá Tin Mừng, tuyệt đến thế?
-T..ô..i, cũng…không …không…không…biết. Ơn…ơn ..thánh…thánh..đ ..ấ..y!
-Anh Bình à, anh hãy mạnh dạn nói cho cộng đoàn biết anh nói những gì mà họ mua nhiều đến thế?
Tôi…tôi…nói..thế…thế…này..này…Quý…quý…vị…vị..có…có…muốn…muốn…
mua…mua…Sách…Sách…thánh…thánh..này..này…không…không…hay…hay… muốn…muốn... ...tôi…tôi…đứng…đứng…đây…đây…đọc…đọc…cho…cho…nghe…nghe…rồi…rồi…
mới …mới…mua…mua….
Nghe tới đó, mọi người hiểu ngay lòng muốn rất thánh của Bình, nên thôi không hỏi tiếp. Và từ đó, ai trong cộng đoàn Hội thánh sở tại, cũng đã có quyết tâm rất thánh, để làm những chuyện thánh thiện, của Hội thánh.
Truyện kể trên, không có ý diễn tả tình cảnh “rất thánh” của Mẹ thánh Giáo hội, ở địa phương. Nhưng, chỉ muốn nói rằng: trong quá trình sống Đạo giữa đời và trong đời, mình những tưởng mọi chuyện chỉ như “phiếm”, mà không Đạo. Mà, thật sự cũng rất Đạo và rất phiếm. Có chuyện Đạo trong đời, rất nên phiếm. Bởi, có “phiếm” nhanh “phiếm” mạnh, mới thấy được rằng Hội thánh cũng có những khoảnh khắc tương tự lời kết của nhạc bản “Em ơi, Hà Nội phố”, có ý lời như:
“Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng,
chợt hoàng hôn về tự bao giờ” (Phú Quang & Phan Vũ – bđd)
Và, bần đạo vẫn tự nhủ: nếu ta thay thế chữ “Hồ Tây” bằng cụm từ “sống Đạo”, hẳn cũng sẽ có những khoảnh khắc suy tư rất ý nhị. Cho mình. Cho đời.
Trần Ngọc Mười Hai
có nhiều lúc
cứ hay nhủ với lòng mình
và với người
như thế.
No comments:
Post a Comment