Thursday, 13 July 2017

“Đêm mưa làm nhớ không gian”

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 15 thường niên năm A 16/7/2017

“Đêm mưa làm nhớ không gian”
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la.”
(Nhạc: Phạm Đình Chương/Thơ: Huy Cận – Buồn Đêm Mưa)

(Rôma 6: 8-11)

Với nghệ sĩ, cứ mỗi lần mưa rơi, đều thấy buồn. Có như thế, người người mới gọi đó là: “Buồn Đêm Mưa”. Với dân thường, thì “Đêm mưa, (vẫn cứ) làm nhớ không gian, lòng thêm run lạnh nỗi hàn bao la”. Nói thế, tức là: một khi đã nhớ cho lắm rồi thì người đời lại cũng thấy lạnh, thấy buồn. Một thứ buồn, rất bao-la/vời vợi, đến khôn nguôi…

Với bần đạo bầy tôi đây, thì: “Mưa đêm” cũng không làm cho “lũ chúng em” thấy nhớ không-gian hoặc thời gian chút nào hết, nhưng vẫn buồn. Buồn ở đây, có thể là buồn về những chuyện xảy ra ở nhà Đạo, suốt ngày đêm không dứt.

Thời buổi hôm nay, có những chuyện lạ xảy ra không dứt ở nhà Đạo, vẫn cứ làm người người cũng rất buồn như nỗi “Buồn đêm mưa”, lưa thưa không dứt, đến là buồn.

Nói dông nói dài, là có ý bảo rằng: với nhà Đạo, chuyện “Buồn Đêm Mưa” sẽ còn làm cho các vị mộ đạo suy tư rất nhiều và nhung nhớ cũng không thiếu về tin-tức cùng nhận-định của đấng bậc ở nhà Đạo mới đây, như sau:

Thư bên dưới, lại cũng là nhận-định của Đức Tổng ở Sydney là Đức Thày Anthony Fisher OP tiếp theo sau việc Hồng Y George Pell bị khởi tố, có viết rằng:

"Nhiều người sẽ bị chấn động cũng như tôi qua bản tin cảnh sát Victoria đã truy tố Hồng Y George Pell về những cáo buộc lạm dụng tình dục.

Hồng y George Pell thường xuyên và cực lực bác bỏ những cáo buộc đó và tự khẳng định hoàn toàn vô tội. Nay ngài sẽ có cơ hội đưa trường hợp của mình ra trước tòa án để minh oan.

Khi còn là Tổng giám mục Sydney và trong vai trò hiện nay, hồng y Pell đã hợp tác trong các cuộc điều tra của nghị viện, của ủy ban hoàng gia và của cảnh sát và ngài cũng bảo đảm là các giáo sĩ và nhân viên của giáo hội cũng hợp tác như vậy.

Ngài sẽ tự nguyện về nước để đối diện với các truy tố này. Trong khi Tổng giáo phận sẽ yểm trợ trong việc ăn ở của hồng y và yểm trợ tinh thần cũng như cho bất cứ giám mục hay linh mục nào, tuy nhiên tổng giáo phận sẽ không chịu trách nhiệm về các án phí liên quan đến nội vụ.

Qua việc cho phép Hồng y George Pell được nghỉ phép trong vai-trò bộ-trưởng kinh tế của Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chứng tỏ sự tôn trọng đối với hệ thống công lý của nước Úc bao gồm quyền của mọi công dân được coi là vô tội trong khi thủ tục pháp lý đang tiến hành.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nhận xét là trong thời gian 3 năm làm việc chung, ngài luôn luôn ghi nhận sự liêm khiết của Hồng y George Pell. Riêng bản thân tôi được biết hồng y trong 3 thập niên qua, tôi chỉ có thể ủng hộ việc đánh giá: là con người George Pell mà tôi biết, là một con người chính trực khi tiếp cận với những người khác, một người có niềm tin với những lý tưởng cao cả, một con người hoàn toàn liêm chính.

Khi nào có khiếu nại về lạm dụng tình dục, nạn nhân nên được lắng nghe với sự tôn trọng và tình thương xót. Khiếu nại của họ cần được điều tra và được đối xử đúng theo luật pháp. Không nên có định kiến với bất cứ ai vì phẩm trật cao, vì xác tín tôn giáo hay vì thế đứng trong xã hội. Tất cả chúng ta đều mong có công lý và tình thương cho các nạn nhân bị lạm dụng bao gồm tìm kiếm sự thật cho các cáo buộc đó. Nay chúng ta cần phải cho phép theo đuổi công lý một cách khách quan.

Trong trường hợp này, tôi kêu gọi mọi người cầu nguyện cho sự thật và công lý, cầu nguyện cho Giáo Hội trong lúc khó khăn và tiếp tục lời cầu nguyện cho tất cả những ai bị xâm phạm tình dục". (Xem. Tin Giáo Hội: Tổng Giám Mục Anthony Fisher OP Tổng giáo phận công giáo Sydney Nguồn: Catholic Weekly 03/7/2017, Vũ Nhuận ở Úc chuyển ngữ)

Nói dông-dài về chuyện đời trong Đạo, là nói nhiều về những điều nghe rất quen, như đấng bậc còn nói dài, nói mãi trên sách vở. Nói như đấng bậc, là nói về “con-người-là-hình-ảnh-của-Thiên-Chúa”, ngang qua Đức Giêsu Kitô, mình từng gặp như sau:

“Với những ai lớn lên với nền văn-hoá Phương Tây, tất cả đều mang trong mình một vài cảm-nhận về hình-ảnh Đức Giêsu, dù vẫn còn mù-mờ hoặc rất rõ. Với nhiều người, thì ảnh-hình thời thơ-ấu của Đức Giêsu vẫn còn “y như đúc’ đem vào tuổi trưởng-thành.

Với người khác, thì: ảnh-hình này được gìn-giữ bằng sự thuyết-phục đậm sâu, đôi lúc còn liên-kết với lòng sủng-mộ nồng-nàn, tư-riêng hoặc có khi còn cột chặt với các học-thuyết rất cứng ngắc. Với một số các đấng bậc này/khác, ở trong hoặc bên ngoài Giáo-hội, thì: ảnh-hình ấy lại trở-thành vấn-đề, rất cả thể. Vấn-đề là, sự việc ấy đưa dẫn đến trạng-thái bối rối và nghi-hoặc đến độ đương-sự cứ dửng-dưng với Đạo, hoặc chối-bỏ lòng đạo mà họ từng có vào thời ấu-thơ.

Quả là, đối với rất nhiều tín-hữu Đạo Chúa, đặc-biệt là các đấng bậc nổi-cộm trong các Giáo-Hội, các ảnh-hình về Ngài thời thơ-ấu không còn trở-thành chuyện đáng kể, đầy ý-nghĩa nữa.

Có thể nói mà không sợ sai lầm, rằng: Ảnh-hình về Đức Giê-su trong cuộc sống, là việc đáng để mọi người quan-tâm. Nói thế, là bởi: các ảnh-hình về Ngài luôn nối-kết với các hình-ảnh của cuộc sống người tín-hữu. Liên-kết, đến độ nó tạo ảnh-hưởng lên khuôn-mẫu cuộc sống Kitô-hữu, khiến mọi người có thể tin hoặc không tin vào Đạo Chúa. (X. Marcus J. Borg, Meeting Jesus Again for the First Time, Harper One 1994, tr. 1-2)

Nói những điều được “gói-ghém” gọn gàng như thế, tức bảo rằng: hành-trình đời đi Đạo, chỉ mong sao được gặp Ngài như lần đầu tiên đã gặp và đã thấy. Gặp và thấy rất nhiều, những điều còn tiếp-diễn dài dài ở đời người, như Ngài từng nói.

Nói như Ngài từng nói, còn là: bảo ban hết mọi kẻ tin hãy sống thực cuộc đời mình như Ngài từng muốn thế, với anh em. Nói như Ngài vẫn nói, còn là và sẽ là: nói và sống như Ngài từng làm và vẫn làm cho ta và cho mọi người ở đời này, có thật nhiều “đêm mưa” hồng ân bao-la, đến vô cùng/vô tận.

Nói, như các đấng bậc từng nói và từng làm, là nói và làm theo chiều-hướng nào đó, dù có đúng phép hay không vẫn không là điều quan-trọng.

Nói như đấng bậc thày dạy trên sách vở, là còn hát lên những lời nghịch-ngạo cũng rất buồn, như ca-từ nhẹ, ở bên dưới:

“Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la.
Tai-nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn.
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi
Rơi rơi ... dìu dịu ... rơi rơi
Rơi rơi ... dìu dịu ... rơi rơi

Trăm muôn, giọt nhẹ nối lời vu vơ.
Trăm muôn, giọt nhẹ nối lời vu vơ.
Tương-tư hướng lạc phương mờ
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe
Gió về lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư..”
(Phạm Đình Chương/Huy Cận – bđd)

“Hơi may hiu hắt, bốn bề tâm tư” hôm nay, là những “tâm-tư hướng lạc phương mờ” rất đọng lắng ta nghe hoài và nghe mãi, trong đêm mưa.

“Hơi may hiu hắt, bốn bề tâm-tư”, còn là và sẽ là những tình-tự tràn lan trong chốn chợ đời, nhiều nỗi nhớ. Nhớ đến nỗi, tôi và bạn lại sẽ suy-tư về nhiều thứ, như đà thấy trong vườn hoa tư-tưởng rất đọng/lắng nơi tâm-can loài người. Tâm can ấy, hôm nay đây, lại đã thấy nhiều vấn-đề đặt ra mà lại không có giải-đáp thuần-thục nào, tốt đẹp hết.

Và, vấn-đề ấy, hôm nay, được lồng trong truyện kể rất âm-thầm/nhè nhẹ nhiều nỗi nhớ, như sau:

Tô Đông Pha là một nhà thơ nhà văn nổi tiếng , làm quan thời Bắc Tống của đất nước Trung Hoa, nhưng ông là một người rất hiểu lễ nghĩa, nhân từ và dân dã, ông thường ăn mặc giản dị, đi ngao du sơn thủy và đàm đạo với các vị tăng nhân khắp nơi. Một ngày nọ, trên đường ngao du đến Hàng Châu, vừa khát vừa mệt nên thấy có một ngôi chùa, Đông Pha liền bước vào để xin chén nước uống và nghỉ ngơi.

Phương trượng của ngôi chùa ra tiếp, thấy Đông Pha ăn mặc bộ đồ cũ, đầy bụi đường xa, không thấy có gia nhân ngựa xe đi cùng nên nghĩ đây là một người khách hành hương bình thường, nên tỏ ý không coi trọng, nhưng vì đã ra đến nơi nên vẫn phải tiếp mặc dù trong bụng không muốn. Vị phương trượng chỉ cái ghế ngay sân nói: “Ngồi”, rồi quay sang chú tiểu đứng cạnh bảo: “Trà”, chú tiểu bưng lên cho Đông Pha một chén trà pha từ bao giờ nguội ngắt.

Sau khi ngồi nói một vài câu chuyện, vị phương trượng mới thấy Đông Pha không phải người tầm thường như lúc đầu ông ta nghĩ vì thấy ăn nói hoạt bát, hiểu biết, càng nhìn lại càng thấy phong thái đĩnh đạc, phi phàm, liền mời vào trong một gian nhà gần đấy ngồi, bảo cho đỡ nắng. Vào phòng, vị phương trượng chỉ ghế nói: “Mời ngồi”, lại nói với chú tiểu: “Mời trà”.

Sau khi trò chuyện, vị phương trượng kinh ngạc khi biết vị khách này chính là đại thi nhân tiếng tăm lừng lẫy Đông Pha cư sĩ thì liền mời ông vào một căn phòng rộng lớn trong điện và không ngớt cúi đầu nói: “Kính mời ngồi” và nói với chú tiểu: “Kính trà thơm”, chú tiểu mang lên chén trà nóng thơm ngào ngạt. Ngồi nói chuyện thêm một hồi, Đông Pha xin cáo từ, vị phương trượng liền xin Đông Pha để lại bút tích bằng thơ để kỷ niệm ngày ông ghé thăm chùa.

Đông Pha mỉm cười, rồi viết 2 câu: “Tọa, Tỉnh tọa, Thỉnh thượng tọa; Trà, kính trà, kính hương trà”, dịch là: "Ngồi, mời ngồi, kính mời ngồi; Trà, mời trà, kính trà thơm". Vị phương trượng xem xong xấu hổ đỏ bừng mặt không nói được lời nào, từ lúc ấy không dám phân biệt khách khi tiếp đón nữa.”
(Trích truyện kể  trên mạng, do nhiều người kể, để ghi nhớ)

Truyện kể ở trên mạng, do nhiều người kể, có nghe thì cũng hiểu được nhiều điều khá thích-thú, chốn dân-gian. Rất nhiều điều tuy đã khá thích-thú, theo đủ kiểu, vẫn có thể được người kể diễn-giải theo ý khác. Những ý-nghĩa và ý-định có hơn khác với điều mình suy, nhưng vẫn là điều cần được bạn và tôi nghĩ tới như người kể diễn-nghĩa như sau:

Đông Pha cư sĩ đã để lại cho hậu thế hai bài học lớn:
Thứ nhất là: Người thông minh, hiểu biết không nhìn vẻ bề ngoài mà đánh giá người khác.
Thứ hai là: Người có đạo đức, tu dưỡng thì không sợ người khác đánh giá sai mình, càng không tức giận khi bị coi thường và không quan tâm đến thái độ của người khác. Ngọc sáng thì tự nó sẽ luôn tỏa sáng.

Con người ta bình thường vẫn quen vội vàng đánh giá người khác qua dáng vẻ bề ngoài, rồi dựa theo thân phận mà đối nhân xử thế. Đối với người danh phận tầm thường thì tỏ vẻ coi thường ngạo nghễ, còn với ai có danh phận cao quý tiếng tăm, thì mới tỏ vẻ quý phục. Làm một người tu luyện như vị phương trượng kia cũng không tu bỏ được cái tâm phân biệt này.

Cho nên đừng đánh giá con người chỉ qua dáng vẻ bên ngoài mà hãy nhìn vào bên trong tâm hồn họ. Bạn cần có thời gian, không thể vội vàng. Một cái nhìn thật sâu sắc, thật khách quan giúp bạn không đánh giá sai và để mất đi những người bạn quý giá.

Nghe diễn-nghĩa từ truyện kể như thế, cũng nên qui về lời vàng do bậc thánh-hiền vẫn từng bảo:

“Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô,
chúng ta cũng sẽ cùng sống với Ngài:
đó là niềm tin của chúng ta.
Anh em cũng vậy,
hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi,
nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa,
trong Đức Kitô Giêsu.”
(Rôma 6: 8-11)


Thế mới biết, mọi truyện kể hay chuyện đời thường rất thật, cũng còn tuỳ niềm tin của ta và của người. Tin rằng: ta cũng như người, hãy coi mình như “đã chết cho tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên-Chúa”. Bởi vì, Thiên-Chúa là Đấng triền-miên nhân-hậu, tuyệt-vời với mọi người.

Nghĩ thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta cứ hiên ngang hát nhạc có điệu buồn đêm mưa, như sau:

“Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la.
Tai-nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn.
Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi
Rơi rơi ... dìu dịu ... rơi rơi
Rơi rơi ... dìu dịu ... rơi rơi
Trăm muôn, giọt nhẹ nối lời vu vơ.
Trăm muôn, giọt nhẹ nối lời vu vơ.
Tương-tư hướng lạc phương mờ
Trở nghiêng gối mộng, hững hờ nằm nghe
Gió về lòng rộng không che
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư..”
(Phạm Đình Chương/Huy Cận – bđd)

Nghe hát như thế rồi, hẳn bạn và tôi sẽ liên-tưởng đến cuộc sống ở đời và trong Đạo, luôn có sợi giây nối kết các tình-huống thắt chặt tình đời, để rồi ta và người đời sẽ dựa trên đó mà phê-phán. Phê và phán, xem đó có là chuyện “Buồn Đêm Mưa” hay không; hoặc vẫn cứ là chuyện bình thường, rất vô-cảm ở huyện nhà, chẳng có gì cần phải suy-tư hoặc nghĩ-ngơi, chi thêm mết. 

Thế đó, là câu chuyện để phiếm rộng, phiếm dài, phiếm lai rai hôm nay và mai ngày, rất tương-lai và mãi mãi.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn còn “Buồn đêm mưa”
như khi trước
Nhưng, nay đã vui trở lại
vì trời nắng
rất hanh-thông.

No comments: