Saturday, 22 July 2017

“Chỉ chừng một năm thôi”,



CHuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 17 thường niên năm A 30/7/2017

“Chỉ chừng một năm thôi”,
Là quên lời trăn trối,
Ai nuối thương tình đôi,
Chỉ chừng một năm thôi.”
(Phạm Duy - Chỉ Chừng Đó Thôi)
 
(Thư Êphêsô 4: 2-3)

Vâng. Đúng thế. Ngày “N” hôm ấy, ở buổi Hát Cho Nhau Nghe tại Sydney đêm mùng 8 tháng 7 năm 2017, cả hát sĩ lẫn người đệm đàn đều đã nhè nhẹ nói lên những lời làm rụng đôi cánh hoa, ít khi nghe.

Vâng. Quả thật ở chốn văn chương/thi-tứ nhà Đạo, lại cũng thế. Cũng thấy đề-cập đến vấn đề nóng bỏng, giật gân và thời-sự như chuyện “linh-mục có vợ” hoặc chuyện “phụ nữ làm linh-mục” được phép thi-hành thừa-tác-vụ cao-siêu/nhiệm-mầu để rồi, cuối cùng thì: “cũng chỉ chừng đó thôi”.

Vâng. Đời người, vẫn thấy và vẫn nghe đâu đấy vang lên những câu ca thực-tế cứ bảo rằng:

“Chỉ chừng một năm qua,
Là phai gầy hương cũ,
Hoa úa trong lòng ta,
Chỉ cần một năm xa...
Khi xưa em gầy gò đi ngang qua nhà thờ.
Trông như con mèo khờ, chờ bàn tay nâng đỡ.
Ta yêu em tình cờ, như cơn mưa đầu mùa,
Rơi trên sân cỏ già, làm rụng đôi cánh hoa.
Chỉ một chiều lê thê,
Ngồi co mình trên ghế,
Nghe mất đi tuổi thơ
Chỉ một chiều bơ vơ.”
(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Thế đấy. Nếu biết rằng: cũng “chỉ chừng đó thôi”, thì đã làm gì có chuyện nhiêu-khê, tơi bời, rất vời vợi! Nhưng, “chỉ chừng đó thôi”, còn có nghĩa thế này:

“Chỉ chừng một cơn mưa,
Để không ngờ chi nữa,
Đi dưới mưa hồng nghe
Giọt nhẹ vào tim ta...
Ta yêu em mù lòa, như Ađam ngù ngờ
Yêu Eva khù khờ, cuộc tình trinh tiết đó.
Nhưng thiên tai còn chờ, đôi uyên ương vật vờ
Chia nhau xong tội già, đày đọa lâu mới tha!
Chỉ là chuyện đong đưa,
Đời luôn là cơn gió
Thay áo cho tình ta
Chỉ là chuyện thiên thu...
Chỉ cần một cơn mưa, chẳng ai còn yêu nhau.
Nào ngỡ đâu tình yêu giăng bẫy nhau còn nhiều.
Nghe lòng còn kho giáo, nghe tình còn khát khao.
Nên gục đầu rất lâu, xưng tội cả kiếp sau.
Cả chiều người yêu nhau,
Còn ai là không thấu,
Len giữa u tình sâu
Một vài giọt ơn nhau...
... Tia sáng thiên đường cao rọi vào ngục tim nhau.”
(Phạm Duy – bđd)

Vâng. “Tia sáng thiên-đường”, vẫn cứ “rọi vào ngục tim nhau”, “len giữa u tình sầu”, một vài giọt ơn nhau”. Ơn nhau đây, là: huệ/lộc soi-sáng chốn “thiên-đường” như “đám ngù ngờ” “yêu Eva khù khờ”, “cuộc tình trinh-tiết đó”…

Vâng. “Thiên đường là đây”, vẫn thấy “thiên tai còn chờ, đôi uyên-ương vật-vờ”, “chia nhau xong tội già”, đày đoạ lâu mới tha.”

Vâng. Cũng như thế. “Chốn thiên đường” nhà Đạo ở Úc này, hôm nay, lại thấy xảy ra cái-gọi-là “tội già”, “đày đoạ” đến độ bạn và tôi, ta không thể bỏ qua cho được. Tội già/đày đoạ đây, là: những tin tức…mình về đấng bậc nọ thuộc tầm cỡ thứ 3 ở triều-thần Vatican, vừa trải qua một thứ “đoạ đày” như báo/đài vừa thông báo:

“Nhân-vật đứng thứ 3 của Vatican, là Hồng y George Pell người Úc vừa được báo cho biết: ông phải ra hầu toà về một cáo-buộc là: ông đã “lạm-dụng tình-dục thời buổi trước”, lúc còn trẻ. Tin cho hay: kể từ ngày Hồng y được bổ-nhiệm làm Bộ trưởng Thánh-bộ Kinh tế-Tài chánh, với trọng-trách dọn/dẹp các vụ bê bối về kinh-tế/tài-chánh, của Giáo-hội.

Hồng y George Pell đã cực-lực bác bỏ cáo-buộc có luận-điệu như thế. Ông sẽ không nương bóng đứng đằng sau trách-nhiệm của mình ở Vatican, nhưng đã lên kế-hoạch về lại Úc để nghe những đoạn nhạc vừa trổi lên. Trong lần tiếp xúc với báo-giới, ông tuyên-bồ: Vấn-đề này, lâu nay, được điều-tra có đến gần như hai năm trời rồi.

Thật ra thì, báo-giới đã bắt chụp những tin rò rỉ từ đâu đó, khiến trở thành mưu-toan giết chết thanh-danh ông cách tàn-nhẫn đến độ hơn tháng trời nay, tin cho biết toà án Bang Victoria Úc quyết định ra trát buộc Hồng y Pell xuất-hiện trước công-đường để trả lời cho những cáo-buộc nói trên.  

Và, Hồng y George Pell lại cũng tuyên-bố:

Cuối cùng ra, điều mà tôi tiên-đoán trước đây, có nghĩa rằng: rồi ra, họ cũng sẽ buộc tôi hầu toà chỉ để công-khai kết tội tôi, mà thôi. Nhưng, tôi nhắc lại một lần nữa: tôi hoàn-toàn vô tội trước những cáo-buộc như thế. Cáo buộc này, hoàn-toàn sai sự thật; bởi, toàn-bộ ý-tưởng về chuyện lạm-dụng tình-dục xưa/nay đối với tôi vẫn là chuyện ghê-tởm không thể tưởng tượng nổi.”

Thật dễ hiểu. Tin tức loan đi khắp nơi về những chuyện như thế đã làm chấn-động mọi người, đặc-biệt là những người không hay/biết rằng Cảnh-sát Bang Victoria, Úc đã mở cuộc điều-tra về chuyện này.

Thế nhưng, chuyện Hồng y Goerge Pell than-phiền về một mưu-toan giết chết con người không thương tiếc; và lời than phiền ấy, không có gì là quá đáng. Đài ABC Úc cùng các báo/đài có uy-tín như tờ Sydney Morning Herald và The Age, cũng đã nêu bật lời đồn khen/chê, và chưa từng để luột mất cơ hội bôi nhọ tên tuổi Hồng y Goerge Pell.” (X. Michael Cook, Australia’s Cardinal Pell charged with sex offences, MercatorNet 29/6/2017)

Thế đó, là tin-tức được người chủ-trương trang mạng mang tên MercatorNet đã loan-báo. Nhưng, lời nhận-định từ giới hiểu biết sự việc diễn ra ở giáo-triều Vatican, lại như sau:

“Hồng y George Pell, nay đã hết thời ở Vatican, rồi. Quí vị có thể đánh cá/cược về nền tài-chánh và tài-sản kếch-sù của Toà Thánh mà nói rằng, trên thực-tế, ông ta đã chấm-dứt không còn giữ chức-vụ Bộ-trưởng Thánh-bộ Kinh-tế/tài-chánh là cơ-quan chuyên giám-sát nguồn tài-sản to lớn ấy.

Các cáo-buộc về Hồng y Pell đã lan-truyền nhiều năm nhưng chưa lần nào bị tắc nghẽn. Hồng y Pell luôn nhấn mạnh rằng ông vô tội, và tuần rồi ông cam-kết sẽ bạch-hoá tên tuổi mình trong sự-vụ gọi là “mưu-toan giết chết con người không thương tiếc. Rõ ràng là, ông đã mướn trạng sự nổi-tiếng của Melbourne là Robert Richter nổi tiếng chuyên biện-hộ các vụ hình-sự cho các nhân-vật kiệt-suất. Thế nên, đây sẽ là cuộc chiến tại toà kéo dài cả năm hoặc hơn nữa; và cũng kéo dài ngày đối với Toà Thánh Vatican trống vắng vị thủ-trưởng hoặc cánh tay mặt của ngài.

Sự vụ liên quan đến Hồng y Pell làm ta liên-tưởng đến trường-hợp của Libero Milone, nhà tài-chánh người Ý sinh trưởng tại Hoà Lan, nhưng ăn học ở Anh và Hoa Kỳ. Vị thanh-tra 68 tuổi đời này được tuyển-dụng làm tổng Thanh-tra Toà thánh cho một thời-gian dài, nhưng ông này đã từ-nhiệm chức-vụ này mà không nói rõ lý-do chỉ vài tuần trước khi Hồng y Pell lấy ngày nghỉ. Cho đến nay, sự việc ông Tổng Thanh-tra này dừng bước trước công việc còn bề bộn vẫn là điều bí-ẩn, chẳng ai rõ biết duyên-do. Thanh-tra Milone chỉ tồn-tại có hai năm, trong khi Hồng y Pell lại chỉ làm có hơn 3 năm trong nhiệm-kỳ 5 năm.

Nay thì Libero Milone đã rũ áo ra đi một lần là mãi mãi, trong khi Hồng y chỉ tạm thời ít năm thôi, và chức-vụ này hiện đang do hai nhân-viên cấp thấp đảm-trách, một là Đức Ông Alfred Xuerev, một linh mục người đảo Malta là thư ký riêng của Đức Bênêđíchtô 16 và làm cho Đức Phanxicô một thời-gian rất ngắn. Vị kia, là Đức Ông Luigi Misto từng là nhân-viên kế-toán làm việc tại Tổng Giáo-phận Milan dưới triều Hồng y Carlo Maria Martini. Kế-toán-viên này hiện trông coi bộ-phận hành-chánh trực-thuộc văn-phòng Kinh-tài của Toà thánh.          

Nhiều quan-sát-viên và các bình-luận-gia chuyện Toà thánh lại vẫn tiên-đoán rằng: sự việc xảy ra mới đây, nói lên thảm-trạng đối với các cố-gắng của Đức Giáo-Hoàng nhằm cải-tổ hoạt-động kinh-tài của Vatican, trên bình-diện tổng-thể. Thế nhưng, bình-luận-gia người Ý của nhật-báo Corriero della Sera ở Milan là ông Massimo Franco lại tin rằng: việc đổi-thay nhân-lực mới đây, sẽ là cơ hội mới để công-cuộc cải-tổ trở về đúng với đường lối họ từng đặt. Trong vụ Hồng y George Pell, ông Massimo Franco còn cho biết: sự việc Hồng y Pell vĩnh-viễn rời bỏ Vatican sẽ xúc-tiến cuộc cải-tổ tài-chánh nhiều hơn là khiến họ dừng đứng. .

Ông Massimo Franco cũng cho biết thêm rằng: cung-cách mà Hồng y George Pell xử-lý sự việc ờ Toà thánh, quả thật đắt giá và chẳng chút hiệu-năng nào hết. Bởi, thánh-bộ của ông lâu nay đụng-chạm nhiều với các thánh-bộ khác. Và, đặc-biệt trong các xung-đột này, sự việc thường thấy nhất là: các hành-xử của Hồng-y Pell hơi quá đáng về văn-hoá. Ông vẫn có thành-kiến chống bất cứ thứ gì mang tính-chất Ý-Đại-Lợi. Hồng y Pell còn đi xa hơn nữa, ở việc: bắt buộc mọi người phải sử-dụng tiếng Anh làm ngôn-ngữ chính trong thánh-bộ của ông. Và ông từng nói xa nói gần rằng: lâu nay, tham-nhũng là vấn-đề cố-hữu tồn-tại mãi trong phương pháp mà người Ý quản-trị về tài-chánh! Và, Hồng y Pell không ngần-ngại áp-đặt hệ-thống pháp-luật kiểu “bàn tay sắt” của người Anh-Cát-Lợi trên toàn thế-giới mà ông ít biết đến, nhưng Hồng y Pell vẫn một mực bác-bỏ những điều như thế.

Nói tóm lại, theo ông Massimo Franco thì: lề-lối xử-sự cách “cộc cằn” và mặc-cảm tự-tôn văn-hoá đã là trở-ngại chính cho các cố gắng của ông để tiến tới công cuộc cải-tổ tài-chánh lớn rộng của Toà thánh.

Nói cho cùng, thì: chủ-trương và cung-cách mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thực-hiện nhằm cải-tổ nền tài-chánh của Toà thánh đang gặp khó khăn, thiết nghĩ Đức Phanxicô có lẽ phải chấp-nhận việc cải-tổ bất-toàn này sẽ không còn là cái giá mà ngài phải trả, nếu ngài muốn đạt mục-tiêu quan-trọng này.” (X. Robert Mickens, Cardinal George Pell’s Out. Now what? MercatorNet 03/7/2017)

Nhận-định này/khác từ giới quen biết ở truyền-thông Úc, thì như thế. Như thế, vẫn như thể: loan truyền tin-tức hoặc ghi-nhận chuyện thời-sự, cũng chỉ để người đọc mọi rộng tai/mắt mà xem xét thôi.

Truyền-thông báo giới hôm nay “coi vậy mà không phải vậy”, chút nào hết. Coi như thể không dính-dự vào bất cứ trường-hợp khó xử nào ở nhà Đạo; nhưng kỳ thật, lại cũng loan và báo những tin giật gân, động trời, đầy vấy bẩn.   

Truyền-thông/báo giới hôm nay, lại cứ đóng vai-trò “tưởng-chừng-như-đứng-ngoài”, nhưng trái lại, vẫn từng gây hại rất nhiều cho cả nạn-nhân lẫn người bàng-quan, đứng ngoài, không cần-thiết phải “biết hết mọi sự”.

Truyền-thông/báo giới hôm nay là thứ quyền-lực ngầm chuyên trị những sự kiện ngoài tầm đạo-đức/chức-năng của chính mình. Bởi thế nên, tin dữ càng được hoặc bị loan-truyền đi xa, càng làm người bàng-quan/vô-tư cứ bị lôi kéo vào vòng tròng/tréo rất khó xử.

Để tạo cho người và cho mình một tình-huống dễ sống và dễ thở hơn, có lẽ bạn và tôi, ta cũng nên bỏ mọi chuyện gây bứt rứt sang một bên, mà tìm về vườn hoa truyện kể để thư-giãn. Thư-giãn bằng truyện kể cảm-động có tên là “những bàn tay để nắm”:

“Truyện rằng,

Một lần nọ, ông xã ngồi mân mê bàn tay tôi rồi hỏi: “Nói anh nghe, bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay rồi?” Một câu hỏi không hề dễ trả lời, thậm chí là không thể trả lời cho chính xác. Có những bàn tay ta nắm rồi buông, và chẳng bao giờ còn nhớ lại. Có những bàn tay, nắm rồi nhớ mãi dù năm tháng đi qua.

Bàn tay tôi nắm đầu tiên là của ai, là bố hay là mẹ? Tôi chắc chắn không biết. Nhưng tôi biết đó là hai bàn tay tôi đã nắm nhiều nhất thuở ấu thơ. Những bàn tay to, thô ráp bởi cày cuốc ruộng đồng, những bàn tay như thần thánh có thể làm hết thảy mọi việc. Bàn tay bố dắt tôi chập chững bước đi. Bàn tay mẹ cầm tay tôi uốn từng nét chữ.

Bất cứ khi nào tôi ngã, hay khi tôi buồn khóc, ốm đau, sẽ có bàn tay rộng lượng chìa ra cho tôi nắm vào để biết rằng mình đang được vỗ về an ủi. Sau này lớn lên, tôi lấy chồng xa, thỉnh thoảng đưa con về thăm nhà, ngủ chung với mẹ. Những đêm chờ mẹ ngủ say, tôi cầm bàn tay mẹ áp vào ngực mình. Bàn tay vẫn to, đầy những nốt chai sần và nay đã nhăn nheo gầy guộc. Và tôi khóc, cảm giác nhớ tiếc một cái gì đó.

Tôi nhớ bàn tay người con trai đầu tiên mà tôi gọi đó là mối tình đầu. Đôi bàn tay đẹp, dài với những chiếc móng được cắt gọt cẩn thận. Người ấy thường nhẹ nhàng nắm lấy tay tôi, dùng ngón tay mình vẽ vẽ vào lòng bàn tay tôi rồi hỏi: “Đố em biết anh vừa viết gì?”. Tôi lắc đầu. Anh cười nói anh viết rằng: “Anh muốn nắm tay em đi hết con đường đời dài rộng” .Nhưng rồi mọi lời hứa hẹn đều như gió thoảng mây bay. Bàn tay ấy đã buông lơi, thôi không còn nắm tay tôi mà tìm đến một bàn tay khác. Những lúc buồn, tôi vẫn vô thức tự vẽ vẽ lên lòng bàn tay mình. Rồi lại tự cười một mình khi nhận ra mình giống hệt một kẻ ngốc.

Ngày có người con trai cầm tay tôi nói lời cầu hôn, tôi cảm nhận rõ sự gai góc xù xì trong bàn tay ấy. Cảm giác ấy khiến tôi liên tưởng đến bàn tay mềm mại của mối tình đầu, rồi chợt thốt lên: “Sao bàn tay anh xấu thế?”. Anh nhìn tôi, bật cười giải thích, vì nó không được lớn lên trong mượt mà nhung lụa mà lớn lên bởi những gánh nặng mưu sinh, vì nó không được nâng niu mà đã bao phen trầy da chảy máu. Rồi anh nhìn vào mắt tôi, bàn tay siết chặt bàn tay: “Em cứ tin, nó không đẹp nhưng chẳng ngại khó khăn nào cả, hãy cứ vững tâm mà nắm lấy, được không?”.

Cuối cùng thì tôi đã nhận lời nắm lấy bàn tay ấy, để anh dắt lên xe hoa, để anh lồng vào ngón tay chiếc nhẫn cưới, để anh lau những giọt nước mắt ngày tôi về nhà chồng. Bàn tay ấy đã tự vào bếp nấu cho tôi bát cháo ngày tôi ốm, tự cắm hoa vào lọ những ngày kỷ-niệm yêu đương. Bàn tay ấy đã dắt tôi đi qua bao nhiêu ngày tháng chông chênh đan xen những lo toan và niềm hạnh phúc. Đôi bàn tay xù xì nhưng cứng cáp và ấm áp vô ngần.

Ngày tôi đau tưởng chừng xé ruột để cho chào đời một sinh linh, đứa con gái bé bỏng của tôi sau khi được y tá tắm rửa sạch sẽ được đặt nằm cạnh mẹ. Hai bàn tay nhỏ xíu yếu ớt. Tôi nhẹ nhàng chạm vào bàn tay con, hạnh phúc đến ứa nước mắt. Đó là khi tôi biết rằng mình đã thực sự trưởng thành, và tin rằng mình sẽ mạnh mẽ hơn để có thể che chở cho con, để dắt con đi suốt những tháng năm thênh thang phía trước.

Những đêm nằm bên con, cầm lấy tay con đặt nhẹ lên môi hôn, chợt nghĩ rằng có lẽ ngày xưa mẹ mình cũng nâng niu và yêu thương mình nhiều đến thế. Rồi một ngày con gái mình sẽ lớn, sẽ lại đặt bàn tay vào một bàn tay khác mà con thương yêu. Chỉ mong con gặp đúng người để tin, và bàn tay không bị buông lơi trong nỗi đớn đau thất vọng.

Ngày ông nội mất, tôi nghẹn lòng nhìn bà nội cầm tay ông kể lể về những tháng ngày xưa cũ khi ông bà còn trẻ. Hai người đã cùng nhau sống chung hơn nửa thế kỷ với bao nhiêu yêu thương, giận hờn, khổ đau, hạnh phúc. Vậy mà nay tay bà còn ấm, tay ông đã lạnh ngắt rồi. Chẳng ai cưỡng được số mệnh, chẳng ai đâu. Ai rồi cũng sẽ một ngày về nằm trong lòng đất. Có người ra đi trong ồn ào khóc lóc, có người lìa khỏi thế gian trong lạnh lẽo cô đơn. Người ra đi bởi đã trả xong nợ cõi trần. Chỉ là người ở lại sẽ mang nhiều nuối tiếc xót xa khi biết rằng bao nhiêu yêu thương lúc này cũng không thể sưởi ấm cho người được nữa.

Thỉnh thoảng tôi vẫn đưa tay mình lên trước mặt rồi tự hỏi lại câu chồng mình đã hỏi: Bàn tay này đã nắm bao nhiêu bàn tay? Nhiều, nhiều lắm. Có những cái nắm tay khiến mình nhớ mãi, có những cái nắm tay buông rồi là quên ngay. Có những cái nắm tay thật chặt, cũng có cái nắm tay buông lơi hờ hững. Chợt nhận ra một bàn tay đẹp không phải là bàn tay thon dài mềm mại với những chiếc móng được tỉa tót sơn màu. Một bàn tay đẹp là chìa ra đúng lúc mình cần, nắm tay mình qua những đoạn đường đời chông chênh sỏi đá, dẫu mệt mỏi cũng không buông, dẫu xa xôi cũng không nản.

Nếu chúng ta đang có những bàn tay để nắm, xin hãy trân trọng từng phút giây. Đừng mơ mộng những bàn tay xinh đẹp của ai kia mà buông lơi bàn tay gần gũi ấm áp ở bên mình. Nắm lấy tay nhau, cử chỉ ấy ấm áp hơn mọi lời nói yêu thương đầu môi chót lưỡi.

Bởi cuộc đời nhiều bất trắc, ai biết được khi nào ai nhắm mắt xuôi tay. Ai biết được khi nào tay mình vẫn ấm áp đây mà bàn tay ai kia đã vô chừng lạnh lẽo. Vậy nên khi sống không đem đến cho nhau sự ấm áp, thì khi lìa khỏi nhân gian có bịn rịn tiếc thương cũng còn ý nghĩa gì?” (Lê Giang -  Dân Trí)

Truyện ở trên, là câu chuyện về nắm bắt tay/chân người khác, chứ không phải tay chân của chính mình. Trong việc nắm bắt ý-nghĩa mọi sự việc trong đời, đặc-biệt là đời đi Đạo, lại cũng thấy có những lời vàng từng bảo ban, như sau:

“Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn,
hiền từ và nhẫn nại;
hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.
Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất
mà Thần Khí đem lại,
bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau.”
(Thư Êphêsô 4: 2-3)

Nhằm thực-hiện cuộc sống “thuận hoà/gắn bó” với nhau ở đời thường, lại cũng đề nghị bạn/đề-nghị tôi, ta nghe thêm câu truyện ngắn khác hầu vui sống những tháng ngày tràn đầy các giao-dịch với mọi người ở trong họ, ngoài làng, rất như sau:

“Truyện rằng:

Có một anh chàng dắt theo một con chó ngao Tây Tạng trị giá cả bạc triệu ra ngoài đi dạo. Anh ta hễ gặp ai cũng đều đem con chó ra khoe, lại còn huyênh hoang mà nói rằng: “Người không có bốn năm trăm cân sức lực thì không thể kéo nổi chú chó của tôi”.

Lúc này, anh chàng nhìn thấy một ông già bị hói đầu bên đường cùng với một con chó gần như đã rụng hết lông đang ngồi bên cạnh. Con chó ngao Tây Tạng của anh ta hướng về phía con chó đó kêu sủa ầm ĩ, nhưng con chó già kia không thèm để ý đến nó.

Chàng trai cảm thấy không vui. Nói rằng: “Ông lão này! Con chó của ông lớn thế kia, là giống chó gì vậy? Hãy để hai con chó của chúng ta đấu với nhau thử xem? Nếu chó của ông thua hãy đưa cho tôi 500 đồng, còn nếu chó ngao Tây Tạng của tôi thua thì tôi sẽ đưa cho ông 2000 đồng”.

Ông lão nói: “Tôi đang lo lắng về thức ăn tháng sau của anh bạn già này đây! Nếu được thì hãy đánh cược lớn hơn một chút? Nếu chó của tôi thua, tôi sẽ đưa cho anh 5 vạn, còn nếu chó của anh thua thì anh hãy đưa cho tôi 3 vạn”.

Anh chàng cười lớn: “Con chó này của tôi là giống chó ngao Tây Tạng thuần chủng. Sau này, ông đừng có nói là tôi đã không nói cho ông biết trước. Được thôi!” Hai con chó giao tranh chưa được hai phút, chó ngao Tây Tạng kia đã bại trận, cũng không còn dám kêu sủa gì nữa.

Anh chàng thua mất 3 vạn đồng, vô cùng sầu não: “Ông này, con chó đó của ông là chó gì thế? Sao lại dũng mãnh thế kia?” Ông lão vừa đếm tiền vừa nói: “Đến bây giờ tôi cũng không biết nó là chó gì nữa, trước khi chưa rụng lông thì gọi là sư tử!”

Anh chàng nghe xong thì cười không được mà khóc cũng không xong!!! Bất cứ lúc nào thì cũng đừng có khoe khoang, hãy giữ khiêm tốn! Khiêm tốn! Khiêm tốn hơn nữa! Bạn khoe khoang cái gì, điều ấy nói rõ bạn đang thiếu nó.

Những người có bản lĩnh thật sự, luôn luôn bảo trì một trạng thái bình tĩnh ôn hòa, giống như ông lão đó và “con chó già” của ông, chỉ là điềm đạm ung dung mà tồn tại.
Bạn đã là sư tử rồi, thì đâu cần phải chứng minh làm gì nữa? Đâu cần phải khoe khoang làm gì nữa?

Con người sống ở trên đời, không phải là để so đo với người khác. Bản thân hãy sống sao cho có ý nghĩa nhất, và làm ra những cống hiến vĩ đại nhất.” (Truyện kể rút từ trang mạng gồm đầy những câu truyện để kể cho nhau nghe)

Phiếm-luận chuyện Đạo/đời ngày hôm nay, còn là kể cho nhau nghe một cách phiến-phiến những truyện kể dù không đáng kể, chỉ để minh-hoạ vấn-đề gì đó ta bàn, rày cũng đặng. Phiếm-luận chuyện nghiêm-túc ở trong Đạo hoặc chuyện vẩn vơ ở ngoài đời, còn là công việc của bạn, của tôi vào lúc này. Những lúc hoặc những ngày, ta có rất nhiều chuyện để bàn và để tán, như hôm nay.

Thế nhưng, chuyện gì rồi cũng đi đến phần kết dù hay hoặc dở. Và hôm nay, đi vào phần kết-luận một chuyện phiếm, tưởng cũng nên đề nghị bạn và tôi, ta lại cứ ngước mặt lên cao, hát lại những ý/lời của nhạc-bản mang đầu đề “Chỉ chừng một năm thôi”; để rồi sẽ coi mọi chuyện như “không có gì để ầm ĩ”, không còn tán rộng ra như thế.

Quyết thế rồi, nay ta mọi mọi người hãy hát những lời như:

“Chỉ chừng một cơn mưa,
Để không ngờ chi nữa,
Đi dưới mưa hồng nghe
Giọt nhẹ vào tim ta...
(Phạm Duy – bđd)

Trần Ngọc Mười Hai
Và những tháng ngày nhớ lại nhạc-bản “Chỉ chừng ấy thôi”
Mà người hát đã cất tiếng cũng đủ cho bài phiếm
Suốt ngày dài.

No comments: