Saturday, 22 April 2017

“Quê em miền thuỳ dương”



Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần thứ 3 Phục Sinh năm A 30/4/2017

“Quê em miền thuỳ dương”
Lúa ngọt ngào hoa mới
Gió mang mùa Xuân tới
Hôn liếp dừa lên hương
Hương thơm tràn muôn lối.”
(Hoàng Trọng – Mộng Ban Đầu)

(Thư thứ nhất Phêrô 2: 11-17)

Nói về “Mộng Ban Đầu”, mà lại tả quê em với quê anh, nghe chẳng thấy gì là mộng mơ/mơ mộng thời đầu hết. “Gió mang mùa xuân tới”, “Hương thơm tràn muôn lối”, ôi! đã chắc gì được như thế? Thôi thì, nay lại xin mời bạn và nời tôi, ta nghe thêm câu hát tiếp, để rồi sẽ biết:

“Quê em dậy bình minh
Nắng đẹp lòng thôn xóm
Quán tranh hiền vui đón
Bên bát nước chè xanh
Chan chứa mộng yên lành.
Nhớ về thăm em nhé!
Đừng than nỗi đường xa
Đây tiếng hát câu hò
Đang canh cánh mong chờ
Anh nhớ về anh nhé!

Hôm qua buồn nhìn đâu
Thoáng mẹ già nom thấy
Hỏi con chờ ai đấy?
Em níu lấy cành dâu
Che dấu mộng ban đầu.”
(Hoàng Trọng – bđd)

Mỗi lần nghe hát nhạc của Hoàng Trọng, là y như rằng sẽ có nhiều bạn giống như tôi, cứ như muốn ra sàn nhảy lả lướt đôi điệu “tango”, cho đỡ nhớ. Thôi thì, để rồi bạn và tôi, ta đề-cập chuyện này trong chốc lát. Nay, ta bàn và bạc xem “quê tôi” và “quê bạn” có còn những điều như thế, nữa hay không?

Nay, ta thử bước vào nhà Đạo, xem người đi Đạo mình có còn làm những cử chỉ như thủ-thuật/phù-phép xưa như trái đất, mà chẳng biết đến ý-nghĩa và dụng đích của nó. Hãy cứ nghe người đi Đạo hỏi đấng bậc vị vọng những chuyện mình thường làm, nhưng không hiểu ý-nghĩa của nó làm sao hết:

“Thưa Cha,
Con có đứa con gái nhỏ mới đây có hỏi: sao mẹ và những người đi nhà thờ hay vảy vảy thứ nước đừng trong bồn đá khi bước vào nhà thờ, hoài vậy? Con đây, không biết trả lời sao cho đúng cách, nên mạo muội viết ra đây xin cha giúp con giải-quyết. Con cảm ơn cha rất nhiều.”

Và cứ thế, mỗi lần đấng bậc được hỏi những câu về luật-lệ trong đạo hoặc về giáo-lý/phụng vụ hoặc những thứ như là tín/lý/giáo-điều đều thích-chí ghi ngay câu trả lời dài ở bên dưới, mà rằng:

“Tự làm phép lên người mình bằng cách cứ “vẩy vẩy nước thánh” vào trán và mồm miệng, là có nhiều mục-đích và ý-nghĩa rất phải lẽ lắm đấy, thưa chị. Trước nhất, là việc ta hãy trở về thời Cựu Ước khi đó mọi người đều dấn thân vào với chuyện thờ phụng Thiên Chúa theo cung cách khác nhau, chẳng hạn chuyện rửa ráy chính mình bằng nước để được thanh-sạch cho sinh-hoạt thiêng-liêng trong đạo.

Ta thấy sự việc này rõ ràng được mô-tả trong sách Xuất Hành, qua đó Thiên-Chúa ra lệnh cho tổ-phụ Môsê những điều như sau: “Ngươi sẽ làm một cái vạc đồng có đế cũng bằng đồng dùng vào việc tẩy rửa; ngươi sẽ đặt cái vạc đó giữa Lều Hội Ngộ và bàn thờ. Ngươi sẽ đổ nước vào đó; Aharon và các con ông sẽ dùng nước đó mà tẩy rửa tay chân.

Khi vào Lều Hội Ngộ, họ sẽ lấy nước đó mà tẩy rửa để khỏi phải chết; hoặc khi tiến đến bàn thờ để hành lễ, để đốt của lễ hoả-tế mà dâng Đức Chúa, thì cũng vậy.” Vạc đồng có đế, thật cũng giống như bồn nước thánh ở mọi nhà thờ. Nó được đặt trước bàn cúng tế cũng giống như việc đặt bồn nước thánh ngang cửa vào nhà thờ vậy. 

Thói quen này vẫn được duy-trì vào thời Hội-thái tiên-khởi, nơi đó luôn có bồn nước đặt ngay cửa vào đền thánh như thế mọi người có thể rửa tay cho sạch trước khi bước vào. Vào thế kỷ đầu, các nhà thờ đều có đặt một chậu thông bằng đồng cao 4 thước, đặt cạnh Pantheon ở Rôma.

Và về sau, quan-chức trong Giáo-hội đã dời về sân sau của Vương Cung Thánh Đường đầu tiên kính thánh Phêrô. Nay chậu đồng được đặt tại nơi gọi là “Cortile della Pigna”, tức sân sau chậu đồng ở viện Bảo tàng Vatican…

Vào các thế kỷ kế tiếp, việc sử-dụng nước không chỉ để rửa ráy bên ngoài mà thôi, nhưng còn để thanh-tẩy đầu óc và tâm can nữa. Đến thế-kỷ thứ 9, Đức Lêô IV (847-855) ra lệnh cho các linh-mục rảy nước thánh ban phúc lành và thanh tẩy mọi người vào trước giờ lễ, một thủ-tục gọi là rẩy nước thánh được giữ đến ngày gần đây.

Đến thế kỷ thứ 16, thánh Carôlô Bôrômêô, Giám mục thành Milan đưa ra thông-lệ thiết-lập bồn nước thánh bằng cẩm thạch hoặc đá chắc không rạn nứt đặt nơi cột nhà thờ, bên trong nhà thờ phía tay phải những người bước vào nhà thờ để ta rẩy nước thánh ban phép lành cho chính mình để thanh tẩy đầu óc lẫn tâm-can cốt nhắc nhở ta về ơn rửa tội.

Và, cũng nhắc nhớ ta lập lại quyết-tâm khi chịu thanh-tẩy. Và, mỗi khi rảy nước lên mình, ta làm dấu thánh giá bằng nước thánh để nhắc nhở mình về Thập Giá Đức Kitô từng lĩnh nận để cứu-rỗi nhân-loại và tưởng nhớ thánh-giá ta chịu trong hiệp-thông với Ngài.

Cuối cùng, khi làm dấu thánh giá đọc lời Nhân Danh Cha Và Con Và Thánh Thần, ta tự nhắc nhở chính mình về Chúa Ba Ngôi là nền-tảng sự thật niềm tin ta vẫn có. Xem như thế, thì: việc dung nước thánh rẩy lên mình và làm dấu thánh không chỉ có gốc nguồn từ thói quen của người xưa nhưng còn mang ý-nghĩa rất phong-phú, khi hành Đạo.” (X. Lm John Flader, From fountains to fonts: the evolution of Holy Water blessing, The Catholic Weekly 23/4/2017 tr. 21)

Xem thế thì, cũng là một công đôi việc, để trả lời thắc-mắc của người chị nào đó hỏi han những thói quen áp-dụng tại nhà thờ, thì đấng bậc nhà mình lại cũng có dịp giảng thêm một bài về lịch-sử giữ Đạo của người xưa.

Về thói quen hay tập-tục của người xưa, ta vẫn quen dung mãi đến thời Công Đồng Vatican 2 năm 1964, là những thói quen dọi lại từ tập-tục ngoài Đạo, ở Babylon. Thiển nghĩ cũng chẳng cần tranh cãi về lịch-sử Đạo Chúa hoặc thói quen có từ “dân ngoại”, cũng nên nhìn lại quá-khứ để có thêm một chút sử-tính, rất không thừa.

Nói xa nói gần chẳng qua nói thật khi ai đó biểu đồng tinh với người viết chuyện dã-sử rất như sau:

“Vào thời xưa cũ, Đạo Chúa đã phải giáp mặt đụng trận với ngoại-giáo Babylon theo nhiều hình thức khác nhau trong khi chung sống thời Đế quốc La Mã kéo khá dài. Tín-hữu Đức Kitô thời tiên-khởi từng chối-bỏ rằng mình chẳng có gì chung-đụng hoặc có cùng niềm tin hoặc lề thói cũ/mới, chút nào hết.

Từ đó mới xảy ra nhiều cuộc bách-hại rất phi-lý. Rất nhiều vị từng bị kết tội cách sai quấy, bị ném cho cọp beo ăn thịt, hoặc bị thiêu đốt cho đến chết và nhiều hình-thức tra-tấn khác rất dã man.

Nhưng, kịp đến khi hoàng đế La Mã trở về lại với Đạo Chúa, nhiều thói-tục đã thay đổi đến tận gốc. Hoàng đế khi ấy ra lệnh chấm dứt mọi cuộc bách-hại hoặc hành hình trong đế-quốc của ông. Các Giám mục được tái-tạo quyền-hành và phục-hồi danh-dự. Giáo-hội Chúa bắt đầu được công-nhận uy-lực và quyền-bính trên khắp thế-giới.

Nhưng, để được thế, Giáo-hội cũng phải trả giá rất đắt. Một trong những thứ đắt giá ấy là phải nhượng-bộ ngoại-giáo, chấp-nhận nhiều thói-lệ và tập-tục làm của mình. Và từ đó, thay vì tách-biệt khỏi thế-gian, Giáo hội Chúa trở-thành một phần của hệ-thống thế-trần, nhiều chuyện lạ…” (Xem Ralph Woodrow, Babylon Mystery Religion, Ralph Woodrow 1981 tr. 11-12)

Cứ mỗi lần nói về tập-tục nghi-lễ hoặc phụng-vụ trong Đạo, nhiều bạn đạo cứ bảo Đạo Chúa bắt chước đạo của họ, rất nhiều điều. Chẳng cần biết, xưa rày ai theo ai, Đạo nào nhượng-bộ tôn-giáo, chỉ biết rằng: muốn đi đến đại-kết tưởng cũng nên chấp-nhận đôi điều của nhau, và cho nhau.

Vậy nên, trước khi tiến đến giai-đoạn chung vui, chung sống hài-hoà như thế, tưởng cũng nên quay về với bà ca hôm trước những hát rằng:

“Hôm nay đợi chờ anh,
Hái một cánh hoa thắm.
Ghép bên lòng trong trắng.
Thơm ngát hồn thơ xanh.
Thay cho lời em nhắn.

Hương thanh bình dài lâu,
Lúa được mùa mưa nắng.
Gái trai làng vui sống.
Quang gánh nối lòng nhau.
Em thấy mộng ban đầu.

Nhớ về thăm em nhé!
Đừng than nỗi đường xa.
Đây tiếng hát câu hò.
Đang canh cánh mong chờ.
Anh nhớ về anh nhé!

Hôm qua buồn nhìn đâu.
Thoáng mẹ già nom thấy.
Hỏi con chờ ai đấy?
Em níu lấy cành dâu
Che giấu mộng ban đầu.”
(Hoàng Trọng – bđd)

Mộng ban đầu “về chung sống thân-thương/hài-hoà”, có gì đâu mà phải che với giấu? Có che và giấu, cũng chỉ nên giấu và che những rắc-rối xảy ra nhiều tháng ngày trong tranh-cãi ai đúng ai sai, rồi lại đi đến giết chóc, chém đầu người bị cho là “rồi rắm” chuyện đạo.

Để minh hoạ phần cho chuyện rắc rồi/cãi tranh trong đời người đi đạo ta đang bàn, có lẽ cũng nên thêm một truyện kể ngăn ngắn, có hơi lạ như sau:

“Có vị khách đi mua sữa bò vào buổi sang cuối tuần. Khi anh đi, thì gặp ngay người bán sữa đang có đó, ở ven đường. Anh tiến đến gần và hỏi giá sữa.
Người bán trả lời:
-Thư quí khách, 1 chai 3 đồng, 3 chai 10 đồng.
Khách mua, chẳng cần tranh cãii làm gì cho mất thì giờ, cứ cho tay vào túi rút ra 3 đồng bạc, và rồi anh làm thế đến 3 lần. Mua xong, anh đắc ý rồi cười lớn, nói với người bán sữa rằng:
-Đấy, ông coi: tôi chỉ mất có 9 đồng cũng đã mua được 3 chai sữa, chứ đâu phải bỏ ra 10 đồng như ông rao đâu!

Người bán sữa chẳng nói chẳng rằng, chỉ mỉm cười và chào người mua cho xong chuyện. Khi người mua đi rồi, người bán sữa bèn tự nhủ: Quả thật là hay! Từ ngày áp-dụng chiến thuật tính giá cả theo kiểu lạ này, chỉ một thoáng chốc là mình cũng bán được 3 chai sữa, thay vì chỉ có một như mọi ngày…”

Và, lời bàn của người kể, bao giờ cũng chí lý như sau:

“Câu truyện kể không chỉ đơn giản cho thấy một thủ-pháp, hay gọi là bùa phép cũng tuỳ người, đơn giản như thế cũng đạ đạt được chủ-đích để kích-thích người tiêu thụ. Điều đó cho thấy: cả người bán lẫn người mua đều có ý-tưởng sang-tạo hết…”

Áp-dụng ý-nghĩa truyện kể vào câu chuyện “rẩy nước thánh vào người”, ta cũng thấy chuyện gì cũng có nghĩa khác nhau. Khác, ở chỗ là: có người nhìn sự việc “chấm nước thánh rồi làm dấu mang nghĩa của một bái chào trước khi vào nhà thờ nhà thánh. Người khác lại nghĩ: đó giống như thể làm bùa phép để tự trấn an khi bắt đầu làm chuyện gì mà thôi.

Suy-tư thêm về truyện kể và chuyện bàn luận, đời người cũng lắm thứ chuyện xảy ra, nếu ta xét nét từng chi tiết. Thành thử, hay nhất là: cứ đơn-giản mà suy-tư và sống Đạo, hà tất sẽ yên chuyện. Hay nhất, cũng nên về với lời khuyên của đấng bậc hiền-nhân, hiển-thánh vẫn từng dạy:

Anh em thân mến,
Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại,
để ngay cả khi họ vu khống,
coi anh em là người gian ác,
họ cũng thấy các việc lành anh em làm
mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm.

Vì Chúa, anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra:
dù là vua, người nắm quyền tối cao, dù là quan, sứ giả của nhà vua
để trừng phạt kẻ làm điều ác
và khen thưởng người làm điều thiện,
vì ý muốn của Thiên Chúa
là anh em hãy làm điều thiện để bịt miệng những kẻ ngu xuẩn vô tri.
Anh em hãy hành động như những người tự do,
không phải như những người lấy sự tự do làm màn che sự gian ác,
nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa.
Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em,
hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua.”
(Thư thứ nhất Phêrô 2: 11-17)

Nghe những lời khuyên răn như thế, tưởng cũng nên đi vào thực tế mà thực-hiện những điều vẫn xảy ra cho ta trong thực-tại. Thế đó, là những quyết tâm ta cần có trong những ngày sống chung và sống cùng bà con các nơi, dù họ có là dân ngoại hay dân đi Đạo Chúa, rất Nước Trời.

Trần Ngọc Mười
Và những quyết tâm
Tương tự như thế
Đến cuối đời.
  

No comments: