Thursday, 13 April 2017

“Ô kìa, bầy chim bỗng tới líu lo, líu lo sau nhà”



Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần thứ 2 Phục Sinh năm A 23/4/2017

“Ô kìa, bầy chim bỗng tới líu lo, líu lo sau nhà”
Ô kìa, người yêu bỗng tới tự tình với ta
Ô kìa, Ô kìa kìa vươn hoa bỗng dưng kết hoa, kết hoa muôn màu
Trời xanh mây trắng xóa
Người yêu xinh quá khiến ta bỗng yêu đời.”
(Hoàng Thi Thơ – Ô kìa, đời bỗng líu lo)
(1 Côrinthô 1: 26-31)

Ơ hay! Sao anh lại cứ hát những lời “líu lo” hoặc lo toan đến líu cả lưỡi, nên mới thế. Ơ kìa! Líu lo với lo-toan đến độ líu lưỡi, đâu có gì mà phải hát lên như thế. Rồi anh còn hát líu lo, đến “vang rần”, “trời hồng trên má”, rất như sau:

“Ô kìa, đàn em bỗng tới hát ca,
hát ca vang rần
Ô kìa, bồ câu bỗng tới tự tình trước sân
Ô kìa, Ô kìa kìa dàn hoa mướp kia bướm ong,
bướm ong la đà
Người yêu duyên đáng quá
Trời hồng trên má khiến ta bỗng yêu đời
Ha! Xin cho ta vui, cơn vui như điên
Xin cho ta say cơn vui hôm nay
có bao giờ đâu
Dù trong phút giây đời ta biết say
Ha! Xin cho ta vui cơn vui đang lên
xin cho ta say cơn vui đang lay
có bao giờ đâu đời ta bỗng vui.”
(Hoàng Thi Thơ – bđd)

Thôi thì, “có say cơn vui đang lay” hoặc “có bao giờ đâu đời ta bỗng vui”, vẫn là những nhận-định của nhiều người để rồi, tất cả mọi người sẽ cùng với người viết nhạc ca lên những lời cuối như sau:

“Ha ha ha, Ô kìa bầy ngan bỗng tới cắn yêu,
cắn yêu chân người
Ô kia người yêu bỗng khóc giận hờn với tôi
Ô kìa, Ô kìa kìa một đôi bướm say lướt bay,
lướt bay trên trời
Người yêu như bối rối,
lặng nhìn không nói khiến tôi bỗng yêu đời
Khiến đời bỗng thành vui.”
(Hoàng Thi Thơ – bđd)

Đời bỗng thành vui”, đó chính là ý-nghĩa của câu hát vang trong đời, rất thảnh thơi. Đời có “bỗng thành vui” hay không, hãy cứ hỏi han nhiều người xem họ có ý-kiến phản hồi ra như thế nào. Hãy cứ hỏi xem các cụ nhà Đạo mình thấy được những ai “khiến đời bỗng thành vui”, như đấng bậc ở chốn chop bu nhà Đạo, như lời hỏi/đáp được trích dịch, ở bên dưới:

“Thưa Cha,

Trong 4 năm trời Đức Phanxicô đã thực-hiện vai-trò then chốt của ngài rất tốt đẹp. Nhưng, con đây lại nghe có nhiều người kể rất nhiều điều về ngài, như: ngài là vị Giáo hoàng vĩ-đại, thông thoáng, một vị rối đạo hoặc cả đến cuộc bầu bán năm ấy bầu ngài lên, cũng không đúng. Vậy thử hỏi, con đây nên nghĩ thế nào về Đức Giáo Hoàng nhà ta, và phải phản-ứng thế nào với những lời bình như thế? Xin cha giải-thích cho biết”.

Cha Đạo nhà mình hễ cứ nghe những lời thưa/gửi líu lo hỏi về những lời kết tội Đức Giáo chủ ra như thế, chắc chắn sẽ thấy ngứa tay quay tít mù, bèn lấy giấy bút trả lời ngay tức thời rằng:

“Vâng. Cả tôi nữa, cũng từng nghe những lời nhận-định như thế bèn hiểu là biết bao nhiêu người đi Đạo của ta cứ lẫn lộn nhiều điều về Đức đương kim Giáo hoàng Phanixô, Đạo mình. Vậy thì, ta nên ứng-xử cách nào đây?

Trước hết, ta không nên đặt những câu hỏi đầy ngờ-vực về tính hiệu-lực khi mật-viện hồng-y họp bàn để bầu cử ngài lên làm Giáo-Hoàng. Mọi việc ngang qua thủ-tục bầu bán hôm ấy đều được thực-thi rất đúng cách. Trong suốt thời-gian này, chẳng có ai thắc-mắc gì về tính hiệu-lực hết; bởi thế, ta cũng không nên làm thế vào lúc này. Thánh Thần Chúa đã tạo hứng khiến các vị hồng-y sáng-suốt đủ để Ngài ban cho ta một vị Giáo-hoàng mà Chúa muốn tặng ban.

Thứ hai là, cho đến hôm nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã làm biết bao nhiêu điều tốt đẹp cho toàn-thể Giáo-hội. Ngay từ đầu, ngài đã khiến mọi người trong/ngoài Hội-thánh mến chuộng, từ nụ cười nhẹ-nhàng cho đến cung-cách cởi-mở và lối sống giản-đơn. Ngài tự chọn cho mình chỗ ở để sống thường ngày tại Căn nhà mang tên Mácta ở Vatican, hơn là trú-ngụ tại căn-phòng to tát dành cho các Giáo-hoàng. Làm như thế, là để gần cận chúng-dân hơn.

Rõ ràng là, ngài có lòng thương mến cách đặc-biệt những người nghèo-khổ hoặc bị bỏ rơi bên lề xã-hội. Ngài kêu gọi tình người xót thương hơn là dính cứng với lề luật, và còn nhiều điều tốt đẹp này/khác nữa.        

Đức Phanxicô thực-sự nổi tiếng, không chỉ với người Công-giáo mà thôi, nhưng cả với người không theo Đạo Chúa, cũng hệt thế. Ngài là vị Giáo-hoàng đầu tiên mở tài-khoản Instagram vào tháng Ba năm 2016 và đã phá kỷ-lục từ trước đến giờ, với hơn một triệu người theo-dõi trong không đầy 12 tiếng đồng hồ. Tạp chí TIME đã chọn ngài là “Người Của Năm 2013” và nhiều nhà xuất bản khác lại cũng đưa hình ngài lên trang bìa sách/báo của họ nữa.

Đức Phanxicô đem đến cho ta nhiều tông-huấn đáng kể, để đời. Tông-thư đầu tiên do ngài viết có tên là “Lumen Fidei” (tức: “Ánh-sáng Đức Tin”) nói về đặc-trưng của niềm tin, được phát-hành vào tháng 6 năm 2013, tức: chỉ vài tháng rất ngắn sau khi ngài nhậm chức.

Tiếp theo đó, là Tông-thư “Evangelii Gaudium” (tức: “Niềm Vui Tin Mừng”) ban-hành vào dạo tháng 11 cùng một năm 2013, đã tạo lực đẩy lớn và chỉ-dẫn thiết-thực để loan-truyền Lời Chúa cách hữu-hiệu hơn cho thế-giới đặc-biệt ngang qua niềm vui cuộc đời ta đang sống. Loan-truyền Phúc Âm, là trọng-tâm cho sứ-vụ của Giáo-hội  -Đức Giáo Hoàng Phaolô đệ Lục từng viết: Giáo-hội ta hiện-hữu là để truyền-bá Phúc Âm mà thôi.”

Đó là vai-trò sinh-tử của Giáo-hội ta vào lúc này; và Đức Phanxicô lại biến sự việc này thành chủ-đề trọng-yếu trong nhiệm-kỳ Giáo-hoàng của ngài. Cả Tông-thư thứ hai do ngài viết mang tên “Laudato Si” đặt nặng trọng-tâm lên môi-trường sống, tức căn nhà chung của chúng ta, cũng đã xuất-hiện vào tháng Sáu năm 2015.

Tông-thư ngài viết, được mọi người tuyên-dương cách rộng rãi, nói lên nhu-cầu của ta là những người có bổn-phận chăm-nom cho hành-tinh nhỏ bé do Chúa tặng ban cho con người. Vấn-đề này cũng quan-trọng không kém vào thời buổi này, nhưng vẫn có nhiều nhà bình-luận đã nắm bắt một số ý-kiến phát-biểu qua sự thể là: ta có thể tỏ ý bất-đồng quan-điểm với Đức Giáo Hoàng, cũng không sao.

Sự thật thì, trong bất kỳ trường-hợp nào, ta cũng đã bỏ qua giáo-huấn nòng-cốt, bất diệt là như thế. Một trong các mục-tiêu lớn nhất mà những người chỉ-trích Đức Phanxicô thường hay nhắm đến, là: Tông-thư “Amoris Laetitiae” vốn bàn về chuyện gia-đình, được ban-hành vào tháng Tư năm 2016 vừa qua…

Hỏi rằng: Đức Phanxicô có là vị Giáo-hoàng tự-do/ phóng-khoáng hay không? Thì, thiết tưởng, ta cũng không nên áp-đặt các cụm-từ chính-trị như thế với bất cứ vị Giáo hoàng nào cũng vậy. Đơn-giản là, đừng nên đánh giá ngài theo cung-cách chính-trị, rất không tốt. Bởi, nếu tự-do/phóng-khoáng là người biết lo cho người nghèo/khổ, đau yếu, bệnh-tật và cao-niên, tị-nạn, người sống ngoài lề xã-hội và môi-trường sống, thì đúng thế, Đức Giáo hoàng Phanxicô là người như thế, rất phóng-khoáng.

Thế nhưng, những gì có thể bảo-thủ hoặc theo truyền-thống hơn như ngài từng lặp đi lặp lại rất nhiều lần về ác-thần/sự dữ đang hiện hữu, về nhu-cầu cần xưng-thú lỗi tội, về lòng đạo-đức sốt sắng đến với thánh cả Giuse, với Đức Mẹ và Tiệc Thánh Thể, cũng như duy-trì giáo-huấn của Hội-thánh chủ-trương kế-hoạch-hoá sinh-sản, phá thai và sự việc không thể truyền-chức linh mục cho nữ-giới ?

Có điều chắc chắn phải nói ở đây, tức: Đức Phanxicô không hề là bè rối. Không có gì chứng-tỏ Ngài là như thế, đến bây giờ. Có thế nói, nhiều lúc rất nhiều người không hiểu rõ ý của ngài, nhưng tuyệt nhiên ngài không bao giờ là kẻ rối đạo hết.

Có điều tốt, là ta phải thực-hiện cho bằng được là lời ngài thường xuyên thúc-giục mọi người trong Đạo “Hãy cầu nguyện cho Cha”. Bởi, nếu có ai ưu-tư nhiều về đường-hướng mà Đức Phanxicô đang theo-đuổi vấn-đề nào đó cách đặc-biệt hoặc vui thích về những gì ngài đang làm, thì tốt hơn hết là ta cũng nên nguyện cầu cho ngài. Đó là cách hay nhất để giúp ngài, vào lúc này.” (Xem Lm John Flader, Question time: Four years with Pope Francis: A Pontificate filled with surprises, The Catholic Weekly 02/4/2017 tr. 20)

Nói cho cùng, thì: vấn đề được người hỏi đưa ra ở đây, đâu phải là những ngỡ-ngàng từ vị Giáo chủ nổi cộm, này đâu. Có lẽ, vì quá nổi cộm nhờ vai-trò làm chủ cả một nhóm/hội đông đến hàng tỷ người, thì Đức Ngài cũng không tài nào tránh được các nhận-xét có hơi quá đáng, và đôi lúc cũng hơi “quá lời”, mà thôi.        

Nổi cộm nhờ vai-trò làm chủ cả một Giáo-hội, đôi lúc cũng vì mọi người dưới trướng cứ quan niệm rằng: Đức Ngài vốn dĩ “vô ngộ” nên hễ cứ nói lên lời nào cũng thành sự thật cả. Lời ấy, không bao giờ sai, quấy.

Nay, nhân có những lời phẩm bình về Đức Giáo Chủ Phanxicô, tưởng cũng nên coi lại và suy-nghĩ thêm xem Đức Ngài có “vô ngộ” hay không? Dù, ngài có ngồi trên ghế bành Toà Thánh mà phán với đoán. Về điểm này, nay cũng nên tìm lại các chi-tiết được viết trong bản văn Công Đồng Vatican 1 năm 1870 từng bảo rằng:

“Đức Giám-mục Giáo-phận La Mã, khi ngài ngôi trên ghế tông-toà để phán-bảo điều gì, thì đó là lúc ngài sử-dụng quyền-hành của đấng chăn-dắt và dạy dỗ hết mọi tín-hữu Đức Kitô như một giáo-thuyết của niềm tin hoặc đạo-đức mà toàn-thể Giáo-hội sẽ theo đó mà thi-hành. Và, điều đó có sự giúp-đỡ của Thiên-Chúa đã hứa ban cho ngài ngang qua thánh Phêrô là người có đặc-tính bất khả ngộ và kết-quả là: các phán-quyết của Đức Giám-mục Giáo-phận La Mã không thể nào lật ngược được….”  (X. The Catholic Encyclopedia tập 7, chữ “Infallibility” tr. 976)

Đành rằng, đặc-trưng “bất khả ngộ” của Đức Giáo-chủ là “không thể lật ngược” được, nhưng trong lịch-sử Giáo hội Công-giáo, cũng thấy nhiều vị Giáo-hoàng đã bất đồng ý-kiến với nhau, đến độ các ngài không tin là những gì vị tiền-nhiệm mình đề-cập, là “vô ngộ” hết. Chẳng thế mà, Tự-điển bách khoa Công-giáo lại cũng viết thêm như sau:

“Vị Giáo hoàng kế-nhiệm Đức Formosus là Stêphanô VI (896-897) đã ra lệnh cho một thày dòng đi lấy thi-hài của vị Giáo-hoàng trước đó là Đức Formosus (891-896) từ sông Tiber, nước Ý đem về phục hồi chức-danh đấng kế-thừa ngai vàng thánh Phêrô. Ít năm sau, tại một buổi họp thượng đỉnh, vị Giáo hoàng này đã huỷ bỏ các quyết-định từng có vào thời tông-toà Stêphanô VI và tuyên-bố là mọi lệnh-truyền do Đức Formosus khi trước đã ban, đều có hiệu-lực…” (Xem thêm Ralph Woodrow, Are Popes Infallible?, Babylon Mystery Religion 1981, tr.100)     

Nói tóm lại, “vô ngộ” hoặc “bất khả ngộ” là đặc-trưng quyền-hành của các Đức Giáo-chủ. Nhưng, thông-thường thì, ngày nay, ít có vị nào lại sử-dụng quyền ấy, hoặc cho rằng mình nắm vững chân-lý, cả khi đề-cập đến tín-lý hay tín-điều nữa.
 
Nói cho cùng, có là nhân-vật nổi cộm hay nổi tiếng thế nào đi nữa, tưởng cũng nên đề-nghị bạn, đề-nghị tôi, ta trở về với trích-đoạn của bài hát với những lời như:

“Ô kìa, đàn em bỗng tới hát ca, hát ca vang rần
Ô kìa, bồ câu bỗng tới tự tình trước sân
Ô kìa, Ô kìa kìa dàn hoa mướp kia bướm ong,
bướm ong la đà
Người yêu duyên đáng quá
Trời hồng trên má khiến ta bỗng yêu đời
Ha! Xin cho ta vui, cơn vui như điên
Xin cho ta say cơn vui hôm nay
có bao giờ đâu
Dù trong phút giây đời ta biết say
Ha! Xin cho ta vui cơn vui đang lên
xin cho ta say cơn vui đang lay
có bao giờ đâu đời ta bỗng vui.”
(Hoàng Thi Thơ – bđd)

Hát thế rồi, nay cũng nên đi vào vùng trời lời đấng thánh hiền ở nhà Đạo để có thêm một hỗ trợ về đạo giáo, rằng:

“Anh em thử nghĩ lại xem:
khi anh em được Chúa kêu gọi,
thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời,
đâu có mấy người quyền thế,
mấy người quý phái.
Song, những gì thế-gian cho là điên dại,
thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan,
và những gì thế gian cho là yếu kém,
thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh.”
những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có,
thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có,
hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người.
Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa
mà anh em được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu,
Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta,
sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa,
Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính,
đã thánh hoá và cứu chuộc anh em,
hợp như lời đã chép rằng:
Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa.
(1Corinthô 1: 26-31)

Nghe thế rồi, nay đề nghị bạn và tôi, ta lại sẽ đi vào vùng trời truyện kể có những điều để kể như sau:

“Chim Chiền Chiện làm tổ trên một cánh đồng lúa mì non. Ngày ngày trôi qua, khi những thân lúa đã vươn cao thì bầy chim con mới nở ngày nào, đã lớn nhanh như thổi. Rồi một ngày, khi lúa những ngọn lúa chín vàng đung đưa trong gió, Bác aNông Phu và những người con đi ra đồng.

Bác Nông Phu nói:
-Lúa này bây giờ gặt được rồi đây. Chúng ta phải kêu cả những người hàng xóm và bạn bè đến giúp cho chúng ta thu hoạch."

Bầy chim Chiền Chiện con trong tổ ngay sát đó nghe vậy hết sức sợ hãi, vì chúng biết rằng chúng sẽ gặp nguy lớn nếu không kịp dời tổ trước khi thợ gặt đến. Khi chim Chiền Chiện Mẹ kiếm ăn trở về, lũ chim con kể lại cho mẹ những gì chúng nghe được. Chiền Chiện mẹ nói:
-Đừng sợ, các con ạ. Nếu Bác Nông Phu bảo rằng ông ấy sẽ kêu hàng xóm và bạn bè của ông đến giúp, thì đám lúa này cũng còn một thời gian nữa mới gặt được.

Vài ngày sau, khi lúa đã quá chín và khi có gió lay động thân lúa, một loạt các hạt lúa rào rào rơi xuống đầu lũ Chiền Chiện con.

Bác Nông Phu bảo:
-Nếu không gặt gấp đám lúa này, chúng ta sẽ thất thoát đến cả nửa vụ mùa. Chúng ta không thể chờ đợi bạn bè được nữa. Ngày mai chúng ta sẽ bắt đầu tự gặt lấy.

Khi lũ Chiền Chiện con kể lại với mẹ những gì chúng nghe ngày hôm nay, nó bảo:
-Thế thì mình phải dọn tổ đi ngay. Khi người ta đã quyết định tự mình làm mà không trông nhờ vào ai khác nữa, thì chắc chắn là họ chẳng trì hoãn gì nữa đâu.

Cả nhà chim tíu tít lo bay tới bay lui dọn tổ đi ngay buổi trưa đó, và đến khi mặt trời mọc sáng hôm sau, lúc Bác Nông Phu và những người con ra đồng gặt lúa, họ chỉ gặp một cái tổ rỗng không. "

Và lời bàn của người kể những nói rằng:
“Trong cuộc sống, khi đã quyết định tự mình làm việc gì, đừng quá trông mong vào sự giúp đỡ người khác. Tự cứu mình là tốt nhất.” (truyện do St sưu tầm trên mạng vi-tính).

Kể và đọc những lời bàn như thế, cũng chỉ để bảo nhau và hát cho nhau những lời sau đây:

“Ô kìa, bầy chim bỗng tới líu lo,
líu lo sau nhà”
Ô kìa, người yêu bỗng tới tự tình với ta
Ô kìa, Ô kìa kìa vươn hoa bỗng dưng kết hoa,
kết hoa muôn màu
Trời xanh mây trắng xóa
Người yêu xinh quá khiến ta bỗng yêu đời.”
(Hoàng Thi Thơ – Bđd)

Và lời cuối hôm nay, vẫn là những lời dặn dò: hãy cùng nhau ca hát nhiều hơn là bình-phẩm về ai đó, thì tốt hơn. Bởi, dù có phẩm-bình hoặc chê trách cách nào đi nữa, ta cũng chẳng bao giờ xây dựng được việc gì, dù có gọi đó là “góp ý”, “để xây dựng” hay sao đó, cũng đều thế.

Trần Ngọc Mười Hai
Với đề nghị giản-đơn
là luôn hát những lời như:
Ô kìa, người yêu bỗng tới
tự tình với ta,
dù xa lạ hay quen biết.    



No comments: