Saturday, 7 November 2015

“Yêu Em như thưở nào,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 33 thường niên năm B 15/11/2015

Yêu Em như thưở nào,”
tình yêu còn biên đầy trang giấy
Yêu anh như thưở nào,
tình yêu còn đong đầy trang sách..”
(Nguyễn Trung Cang – Còn Yêu Em Mãi)
(Mt 2: 13-15)

            Có thể nói: nghe xong câu hát này, hẳn bạn và tôi sẽ lại ‘phán’ ngay một câu ‘xanh rờn’ rằng: sao nghê-sĩ hôm nay hát những lời ca nghe thiết-tha, đậm-đà tình-tiết, ‘thật như đếm’ đến là thế?
            Có thể bảo: các ca-từ trên chắc-chắn từng sưởi ấm nhiều con tim, dù đã bị nguội-lạnh cách mấy đi nữa. Phải thế không, hỡi bạn và hỡi tôi, là những người nghe nhiều và hát nhiều bài ca ướt-át, dịu êm đến như thế?
            Thôi thì, hôm nay xin phép dẫn-nhập dông dài hơi khác thường cũng chỉ để mời bạn và tôi, ta đi vào tình-huống có những kể-lể về tình-yêu, “đẹp như bài thơ” làm nền, rằng:

            Dù biết trái tim đã già,
mà những thiết tha chẳng nhòa.
Tình cũ vẫn nghe ấm nồng,
gọi tên nhau lúc cô đơn.
Để nghe sưởi ấm tâm hồn.
Em ơi đây tiếng đàn,
lời ca dệt ân tình năm tháng.
Câu ca hay khúc nhạc,
Tình yêu còn đong đầy khao khát.
Dù có cách xa mỏi mòn,
mà những dấu yêu mãi còn.
Sưởi ấm xác thân héo gầy,
Tình yêu như gió đem mây.
Gọi Mưa giăng kín khung trời.
(Nguyễn Trung Cang – bđd)

            Thơ/nhạc làm nền, vẫn lan-man/tản-mạn rất nhiều điều, để rồi lại sẽ đưa người đọc vào chủ-đề lâu nay vẫn được bạn bè/người thân trao cho nhau một giòng chảy. Giòng chảy tư-tưởng ở thơ/văn cùng truyện kể, rất đáng nể. Một trong những truyện kể cho nhau nghe, là chuyện xảy ra vào thời buổi trước, cũng kỳ-diệu/diệu kỳ, như sau:

Một đêm khuya, lâu lắm rồi, tôi lang thang trên mạng và bất ngờ “tầm” được tấm ảnh anh chiến sĩ Việt Nam Cộng-Hoà quỳ cầu-nguyện giữa ngôi thánh-đường đổ-nát, hoang-tàn, và tôi đã chia-sẻ trên FaceBook.
Bất chợt cách đây vài ngày, tôi nhận được lời mời của một người hẹn gặp tại Buôn Mê Thuột, và tôi đã đến. Trong buổi gặp-gỡ, tôi thật ngỡ-ngàng đến sững-sờ: người hẹn gặp tôi, chính là anh chiến-sĩ trong ảnh “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972”, lúc đó anh mới ra trường, mang quân-hàm Thiếu úy thuộc đội đặc-nhiệm của Lữ đoàn Dù. Theo lời anh kể: Năm ấy, ngôi thánh-đường La Vang, Quảng Trị sau một trận cuồng-pháo của phía Bắc Việt, nhưng cây thánh giá và tượng Đức Mẹ không hề bị mảnh đạn pháo nào; và với niềm-tin vào Chúa, anh đã quỳ xuống… Lời cuối cùng khi chia tay, anh nói: “Anh đạo Phật nhưng anh tin Chúa” (trích tâm-tình trao cho nhau trên điện-thư gửi cho mọi người mới hôm nào)
            Vâng. Lang-thang trên mạng hoặc tản-mạn chuyện diệu-kỳ hay thần-kỳ, còn là kể về một thứ thần-học cũng rất kỳ-diệu, kỳ-bí hoặc lạ-kỳ tùy mỗi người, ở đâu đó.
            Vâng. Một trong những chuyện thần-kỳ mà bần đạo đây gặp được trong sách/vở hoặc ở truyền-thông/báo chí cũng lạ-kỳ, thật hết biết. Thế nhưng, để chuyện phiếm hôm nay thêm phần ướt-át, đầy thi-phú, xin mời bạn và tôi nghe thêm đoạn hát tiếp có ca-từ, như sau:

            Này em hỡi,
ta mơ ngày sẽ tới, khi tương phùng.
Em khóc cho niềm vui vì hạnh phúc.
Ngọt hay đắng, trong cuộc đời mưa nắng,
ta luôn cười trong giấc mơ
hạnh phúc xưa tuyệt vời.
Riêng ta nơi núi rừng,
về đêm càng nghe hồn băng giá,
câu ca hay khúc nhạc,
càng thêm sầu cho tình tan nát.
Dù biết cách xa với đời,
dù biết thủy chung chẳng rời,
mà vẫn xót xa tháng ngày,
chờ ta chi nữa em ơi,
còn đâu giây phút tuyệt vời.”
(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Vâng. Ý/lời ở nhạc-bản trên, những là: “Dấu yêu mãi còn sưởi ấm xác-thân héo gầy…” đều là những lời và ý góp lại hầu mô-tả một thứ tình-yêu lan rộng khắp bốn phương trời.
Vâng. Quả thật, vẫn có thứ “Tình yêu như gió đem mây“ giăng kín hết khung trời Đông/Tây kim/cổ từng tỏ-bày lòng người dành cho người mẹ dấu-yêu, ở đây đó.
Vâng. Đó, là Tình Mẫu-Tử được thể-hiện qua ảnh-hình và tình-tự về việc tôn-sùng/mến-mộ của người con thảo với mẹ hiền. Đó, là tình-tiết rất da-diết của nhiều người ở mọi thời vẫn dành cho mẹ hiền mình bằng lòng sùng-kính mến-mộ, qua ảnh-hình của “Mẹ và con” trên khắp thế-giới.
Nói xa/nói gần, không bằng nói thẳng/nói thật với bạn-bè đang đọc những giòng này, rằng: bần đạo đây vừa được anh bạn ở Sydney, tên là Nguyễn Văn Tạ, một cựu chủng-sinh Giáo-Hoàng Học-viện vào thập-niên 1960s, trao tặng cuốn “Babylon - Mystery Religion” do nhà Ralph Woodrow ấn-hành những hai lần; một: vào năm 1966 và lần kia, năm 1981.
Trong sách này, có bài sưu-tầm viết về việc tôn-sùng “Mẹ và Con” với nhiều chi-tiết văn-minh/lịch-sử của nhiều tập-tục, những bảo rằng:

“Chuyện con người xưa nay thờ-phụng/sùng-kính “Mẹ và Con” đã lan-truyền rộng trong chốn dân-gian ở Babylon thời cổ-đại. Và, sự việc này đã trở-thành nghi-tiết phụng-thờ được đưa vào nhiều tôn-giáo, ở các nơi.     

Ở Babylon thời cổ-đại, nhiều di-tích cổ-xưa từng trưng-bày Nữ-thần Seramis qua hình-ảnh “Mẹ bồng/ẵm người con của mình là thần Tammuz, trên tay. Vào thời mà người dân Babylon tản-mác khắp nơi trên thế-giới, họ cũng đem theo tục thờ/kính thần-linh “Mẹ và Con” này theo họ. Điều này cắt-nghĩa lý-do tại sao lại có quá nhiều nước thờ “Mẹ và con” nhiều như thế, dù theo hình-thức này hay cách khác. Trước cả lúc Đức Giêsu Cứu Thế hạ sinh với thế-gian này.

Ở một số quốc-gia có tập-tục phụng-thờ như thế, danh-xưng “Mẹ và con” được sử-dụng bằng tên gọi khác nhau, điều này hẳn mọi người còn nhớ truyện kể ở Cựu-ước nói về chuyện ngôn-ngữ dân-gian bị rối bời/đảo-lộn cũng xuất tự sự-thể gọi là truyện tháp Babel, ở Babylon. 

Từ đó, mỗi nơi, mỗi nước đặt tên nữ-thần-làm-mẹ theo kiểu cách khác nhau. Người Trung-Hoa gọi mẫu-thần của mình là “Shingmoo” (tức “Thánh Mẫu”. Người Đức có tục thờ Đức Nữ Đồng Trinh Hertha bồng ẵm con nhỏ trên tay bà. Người dân vùng Bắc Âu gọi bà là “Disa” cũng vẽ-tô hình-tượng ẵm con trên tay. Người Etruria gọi bà là “Nutria”; còn với người sắc-tộc Druid lại thờ Đức Nữ-trinh Virgo-Patitura là “Mẹ Thiên-Chúa”. Với Ấn-độ, bà được biết dưới tên gọi là “Indrani” cũng tượng-trưng bằng hình-ảnh ẳm/bế con trẻ. Với người Hy-Lạp, thì mẫu-thần của họ là thần “Aphodite” hoặc “Ceres”. Người Sumeria gọi bà là “Nana”. Người La Mã khi xưa lại cũng coi thần “Vệ-Nữ” hoặc “Fortuna” ẵm bế con mình là thần “Jupiter”, trên tay.

Ở Châu Á, mẫu-thần được biết dưới tên gọi là “Cybele” bế-ẵm con mình là “Deoius”. Có tác-giả từng viết về thần này rằng: “Không cần biết tên bà là gì, được thờ-phụng ở nơi nào, thần Cybele là vợ của Baal, tức Đức Nữ-vương Thiên-đàng Đồng-trinh sạch sẽ” sinh ra từ cây trái dù bà chưa từng thụ-thai với ai hết…” (X. Ralph Woodrow, Mother and Child Worship, Babylon Mystery Religion, Ralph Woodrow Evangelist Association Inc. 1981, tr.13-14)

Lâu nay, ở giáo-xứ nhỏ nơi bần-đạo thường sinh-hoạt vào cuối tuần qua Tiệc Thánh, có cụ chánh-xứ tên là Terence Bell cứ yêu-cầu bà con tham-dự lễ hãy đọc kinh “Kính Mừng Maria” ngay sau kinh Tin Kính, để gọi là “tỏ lòng sùng-kính/mến mộ” Mẹ của Chúa, rất Maria.
Chẳng cần cãi-tranh xem yêu-cầu và hành-động của đấng bậc ở trên đúng hay sai? Có phù-hợp với luật Phụng-vụ không? Bởi, “luật chữ đỏ” vẫn bảo rằng: Khi cử-hành Tiệc Thánh-Thể, ta chỉ tôn-kính/phụng-thờ mỗi Đức Chúa, mà thôi. Còn, việc sùng-kính Đức Mẹ và các thánh, ta để sau thánh-lễ hẵng thực-hiện…
Không cần biện-luận xem thói quen hoặc phong-trào tỏ-bày lòng sùng-kính bức tượng “Mẹ và Con” có chính-đáng/thích-hợp hay không, mà chỉ cần ghi lại ở đây một vài ý-tưởng làm nền được nhiều đấng bậc bảo-ban/khuyến-dụ.
Dù không làm thế, chắc hẳn bạn và tôi, ta cũng nên ghi thêm đôi điều được tác-giả ở trên sưu-tầm và biện-giải bằng lời lẽ rất nhẹ, như sau:

“Khi con cháu/hậu duệ người Do-thái trở-thành những người “bội-giáo” (tức bỏ đạo gốc của chính họ) thì họ cũng để mất đi tính-chất thần-thiêng khi trước của mình để rồi lại cũng phụng-thờ như người ngoại-giáo lúc bấy giờ bằng tục-lệ thờ-kính “Mẫu thần” ngoại giáo như sách Thẩm Phán đoạn 2 câu 13 có ghi như sau: “Họ đã bỏ Giavê và phụng-thờ Baal và Astartê. Astartê, là tên gọi của nữ-thần coi sản-lực và ái-tình mà dân con Do-thái mọi người đều biết đến.

Thật cũng tội, khi mọi người đều nghĩ rằng: các vị thần khi trước được coi là Gia-vê Thiên-Chúa đích-thật cũng sẽ xuất tự thần này mà ra và họ đã bắt đầu thờ thần này cùng với mẫu-thần của người ngoại đạo. Các chương/đoạn trong sách Cựu-ước như sách Thẩm phán đoạn 10 câu 6; sách Samuel đoạn 7 câu 3 và 4, đoạn 12 câu 10 và sách Các Vua đoạn 11 câu 5, Sách Các Vua 2 đoạn 23 câu 13, đều dẫn-chứng. Một trong các danh-xưng được người thời trước công-nhận nữ-thần này là “Nữ-Vương Thiên-đàng” như sách Giêrêmia đoạn 44 câu 17-19 cũng có nói…

Vào thời xa xưa cổ-đại, các lãnh-đạo tôn-giáo thấy rằng nếu các ngài đưa được vào Đạo Chúa một số tập-tục thờ-kính “Mẹ và Con” của dân ngoại, thì số người theo Đạo mình cũng gia-tăng, cách đáng kể. Nhưng vần-đề đặt ra là: Thần-thánh nào có khả-năng thay thế các mẫu-thần của dân ngoại đây? Dĩ nhiên, chỉ mỗi Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu là đấng-bậc lành-thánh thích-hợp hơn cả cho việc này, thôi”...  (Xem thêm Ralph Woodrow, Mother and Child Worship, Babylon Mystery Religion, Ralph Woodrow Evangelsit Association Inc. 1981, tr.16-20)
 
Trích-dẫn thế rồi, nay mời bạn và tôi dấn bước chân trần vào vùng trời truyện kể, để thưởng-ngoạn đôi giòng tư-tưởng của người đời từng có kinh-nghiệm về chuyện sủng-mộ chỉ mỗi con gái trong quan-hệ “mẹ-con”, như sau:

“Một người họ Lý, vì gia cảnh nghèo khó nên đến tuổi 35 mới lấy được người vợ là một phụ nữ góa chồng ở cùng làng; về sau sinh được một con trai, đặt tên là Sinh. Sinh, học-hành rất thông-minh, dù chỉ mới tốt-nghiệp trung học đã vượt xa các thanh niên khác trong làng. Anh được cán bộ đại đội đề cử cho dạy bậc tiểu học. Hai năm sau, anh lại được đề-cử đi học đại-học.

Người cha, không là: ngờ mình đã hơn ba mươi tuổi lại có được quý tử,và là người đầu tiên trong làng được học đại học. Nhiều người trong làng rất nể-phục ông, nên nói rằng:
-Sinh nó tốt nghiệp đại học xong, có công ăn việc làm ổn-định, tương-lai sẽ lập gia-đình ở thành-phố, rồi mai đây sẽ đưa ông bà lên thành-phố, khi ấy tha hồ hưởng phúc. Ở làng này, ông Lý là nhất đấy!

Hai vợ chồng nghe người ta nói lấy lòng mình như vậy, cũng vui mừng đến độ không nói nên lời. Sau khi anh Sinh tốt-nghiệp đại-học, anh được phân-bổ đến công tác tại cục Tài-chính của huyện. Nửa năm sau, anh quen một cô bạn gái, tên là Tú Anh, nhà ở nông-thôn, tốt-nghiệp đại-học xong, được về công tác tại cục Công Thương ở huyện. Một năm sau, hai người kết-hôn.

Một lần nọ, ông Lý lên thành phố tìm đến nhà con trai. Con dâu nhìn thấy cha chồng lần đầu tiên đến nhà, biết là có chuyện, bèn hỏi:
-Cha, hôm nay lần đầu cha đến nhà chúng con, nhất-định phải có việc. Việc gì vậy, Cha nói đi! Con và chồng con, nhất định sẽ giải quyết cho cha!
-Con đã hỏi, ta cũng không vòng vo. Gần đây trong nhà không có tiền, giờ lại đúng mùa cấy mạ, phải nhờ người khác làm giúp, mua phân hóa-học cũng phải có tiền mới mua được. Hôm nay cha đến, là cần mượn ít tiền mang về, giải quyết việc khẩn cấp.
-Cha chỉ cần sai người thân-tín đến, cần bao nhiêu chúng con sẽ gửi mang về, cha không cần phải đến tận đây thăm. Tiền này, con cần thương-lượng với nhà con một chút. Tú Anh đợi đến lúc chồng vừa về đến nhà, không đợi chồng chào hỏi cha, liền lôi chồng vào nói:
-Cha anh đến nhà, nên em không ra ngoài mua đồ ăn được. Trong nhà chỉ có rau, cha của anh cũng không phải khách quý, tiếp đãi tốt xấu thế nào, ông ấy già rồi không so đo gì đâu! Hôm nay ông ấy đến xin tiền về trả tiền phí tổn cấy mạ, anh nói xem bao nhiêu thì được?
-Em nghĩ mình cho bao nhiêu?
-50 đồng, cũng đủ rồi. Anh cho 50 đồng nhé! Có thiếu, rồi thì cha cũng nghĩ cách khác thôi.

Tú Anh xào mấy món rau qua loa đãi cha chồng. Sau bữa ăn, Tú Anh móc 50 đồng đưa cho cha chồng, rồi nói:
-Đây là 50 đồng tiền trả phí tổn cấy mạ, như vậy cũng đủ rồi, phải không cha?
Ông Lý cầm tiền, không nói lời nào, rầu rĩ trở về nhà. Chỉ hai ngày sau, mẹ của Tú Anh tìm đến nhà. Tú Anh vừa thấy mẹ đến thăm liền ân-cần hỏi:
-Mẹ, có phải hôm nay mẹ cần tiền không?
Mẹ của cô gật đầu. Cô dặn mẹ ở nhà coi nhà, rồi cô vội-vàng đi mua thịt, cá và trứng gà…

Anh Sinh xong tan giờ tầm về đến nhà, lúc cô kéo cửa rồi nói với chồng:
-Mẹ em đến, anh hãy nhanh ra chào mẹ đi, đừng chậm trễ! Hôm nay mẹ cũng đến xin tiền đấy, anh nghĩ mình cho mẹ bao nhiêu là hợp hơn cả?
-Em định biếu mẹ bao nhiêu?
-Ít nhất cũng phải 500 đồng mới đủ! Vậy mình cho mẹ 500 đồng nhé!

Tú Anh cầm 500 đồng đưa mẹ. Mẹ cô vô cùng sung-sướng trở về nhà.
Tú Anh mang thai, cô đem tin vui này báo cho chồng biết, rồi hỏi chồng:
-Anh muốn em sinh trai hay gái?
-Tốt nhất nên sinh con gái.
-Con người anh thật lạ kỳ. Sao lại muốn em sinh con gái? con gái có gì tốt đâu chứ?

Anh Sinh không nói lời nào. Chẳng mấy chốc, Tú Anh đã mang thai được tám tháng; cô phải về nhà mẹ đẻ dưỡng thai, chờ ngày sinh. Lúc sắp đi, Sinh trịnh trọng nói với vợ:
-Nếu em sinh con gái, thì hãy kịp thời báo cho anh biết; còn nếu như sinh con trai, thì không cần báo, tốt nhất là đem cho người khác.
-Anh bị gì thế? Tại sao anh không thích con trai chứ?

Sinh không trả lời vợ đến một câu. Ít ngày sau, Sinh nhận được tin nhắn của mẹ vợ bảo rằng: Tú Anh đã sinh được một thiên-kim tiểu-thư. Nghe xong, Sinh sung sướng nhảy dựng lên. Anh liền đến đơn-vị xin nghỉ phép, thông-báo là vợ của mình sinh con gái và anh muốn đến nhà mẹ vợ thăm con gái mình. Ban lãnh đạo chúc mừng và đồng ý cho anh nghỉ phép.

Sinh mua 16 con gà, 300 cái trứng gà, và rất nhiều thuốc bổ, dùng cả gánh tiền mua đồ đạc, vô cùng vui vẻ đến nhà mẹ vợ. Sau khi vào nhà, đem mọi thứ đặt trên bàn cơm ở phòng bếp, không đợi uống tách nước trà do mẹ vợ đưa, anh liền chạy vào phòng. Anh bước đến giường vợ, không nói lời nào, liền xốc chăn đang đắp trên người vợ lên:
-Em cho anh xem xem nó là con gái, hay con trai!
-Bảo đảm anh sẽ vui.

Sinh ôm lấy con, đặt lên chăn, không thể chờ đợi thêm liền vạch quần áo con ra xem thì thấy không phải con gái, tức giận quát lớn:
-Các người sao lại lừa gạt tôi? Tú Anh, chẳng lẽ cô quên là tôi từng bảo: nếu sinh con trai, cô không cần báo cho tôi biết gì hết sao?

Sinh nói xong ra khỏi phòng, lấy đồ đạc để trên bàn cơm trong phòng bếp rồi đi, và nói:
-Đứa con này tôi không muốn, các ngươi thích ai thì cứ đem cho người đó.
Mẹ vợ thấy con rể giận dữ, liền giữ chặt tay con rể nói:
-Người ta sinh con trai thì đặc biệt vui mừng, còn con vì sao lại muốn đem cho người khác? Hôm nay nhất-định phải nói rõ vì sao mới ra khỏi nhà này được.
Sinh đứng lại, nói:
-Cha mẹ của con sinh con ra, vất vả nuôi con khôn lớn, cho con học hành, lên đại học, kết hôn, tốn biết bao nhiêu là của cải. Thế nhưng, con từ lúc làm việc đến nay, ngày lễ tết trở về lúc nào cũng hai bàn tay trắng, sinh nhật của con cha mẹ cũng không có được một chút quà mọn để cho. Từ khi con kết-hôn đến nay, cha con bất đắc dĩ mới đến thăm con mình một lần muốn xin một ít tiền trả công cấy mạ thì con gái yêu của mẹ chỉ cho ông có 50 đồng, 50 đồng này thì làm được gì chứ? Cha con cầm 50 đồng, ngậm nước mắt ra đi, đã nói một câu “Sinh con trai thì được ích gì?” Nghe câu đó xong, lòng của con đau như chảy máu. Mẹ nói đi! Vậy thì con cần con trai làm gì, cơ chứ?
-Sinh à, mẹ không biết con gái mẹ đối đãi với cha mẹ con không theo đạo hiếu, chỉ trách cha mẹ không biết dạy dỗ nó gia giáo. Con muốn đi, mẹ cũng không có mặt mũi nào giữ con lại, con hãy đem vợ con đi đi, đừng để nó ở lại nhà mẹ nữa.

Mẹ vợ buông tay anh con rể, bước vào phòng đứng trước giường con gái ruột của mình, rồi tốc chăn lên, giận-dữ  nói:
-Mày hãy ôm con mà ra khỏi cái nhà này cho rảnh mắt! Tao không có đứa con gái như vậy.
-Mẹ, con sai rồi, sau này con nhất định sẽ sửa đổi, nhất định hiếu kính cha mẹ chồng, mẹ cho con ở lại ít ngày còn trong tháng rồi con sẽ đi, con xin mẹ!

Sinh nghe hai người nói qua nói lại, biết rõ mục-đích mình đạt được, bèn buông đồ đạc xuống, bước vào nói:
-Mẹ đừng nóng giận, con gái đã nhận lỗi, mẹ hãy cho cô ấy một cơ-hội, để cô ấy ở lại. Hai mẹ con ăn uống, tất cả công-sức mẹ chăm-sóc giúp-đỡ, con sẽ tính-toán rõ-ràng không thiếu một đồng.
-Chỉ cần nó giữ lời nói, mẹ có thể để nó ở lại, tiền chăm-sóc mẹ không muốn.
Sinh ở lại chăm sóc vợ, mãi cho đến hết ngày nghỉ phép mới về đi làm.”
(Truyện kể do bạn bè gửi qua điện-thư, trên mạng)  

Và lời bàn của người kể, vẫn nói rằng:
“Cha mẹ cả đời nuôi ta khôn lớn, hy sinh cho ta rất nhiều. Khi ta khôn lớn, dần dà có suy nghĩ riêng của mình. Lúc này, ta không nên nghĩ ngợi lung tung, mà hãy nhớ thật kỹ những năm tháng công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ. Tuy nói hiếu thảo với cha mẹ cũng được ghi vào luật pháp, nhưng hiếu thuận với cha mẹ không cần phải để luật pháp quy định mới làm, mà là tự giác vì đó chính là đạo lý làm người.

Về phận làm dâu/rể, sự hiếu thảo/thuận-hoà với cha mẹ chồng/vợ cũng không kém phần quan trọng. Cha mẹ chồng, hay cha mẹ vợ cũng giống như cha mẹ của chính mình. Các vị cũng vất-vả nuôi con khôn lớn, về già cũng mong được nương tựa con cái. Nhờ cha mẹ chồng, mình mới có người chồng mẫu mực, thành đạt trong cuộc sống; nhờ cha mẹ vợ, mình mới có được người vợ nết na, chu đáo. Có thương yêu các vị ấy, mới là thương vợ, thương chồng, thương con của mình. Gieo nhân nào gặt quả ấy! Hãy nên gương tốt cho con cháu. Hãy thương yêu trọn vẹn những người có duyên có phận trong cuộc đời mình.
(Mai Mai dịch từ Buzzlife, Nguồn: tinh hoa)

Chuyện đời thì như thế. Còn, chuyện Đạo, được bậc thánh-hiền kể về “Mẹ và Đức Chúa Con” ở Tin Mừng, lại như sau:

Khi các nhà chiêm tinh đã ra về,
thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng:
"Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập,
và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại,
vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!"
Ông Giuse liền trỗi dậy,
và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.
Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà.”
(Mt 2: 13-15)

Nói cho cùng, dù bạn hoặc tôi, ta có đồng ý với truyện kể trên hay không; hoặc, chuyện nhà Đạo chỉ chú ý đến con trai, thay vì con gái, cũng đều tùy. Tùy, lập-trường Tây/Tầu, Âu/Á hoặc tùy bạn/tùy tôi, ta đang đứng ở vị-thế nào để nhìn sự việc, ở đời mà thôi.
Nói cho cùng, thì: con trai hay con gái, không quan-trọng bằng các chuyện đời được kể về “Mẹ và con” được mọi người phụng-thờ, sủng-mộ.
Nói cho cùng, đời người ít ai tôn-sùng/sủng-mộ “Bố và con”, rồi còn đưa lên bàn thờ hoặc đền thánh mà thờ-kính, cho trọn lễ.
Nói cho cùng kỳ lý, thì: việc tôn-sùng/thờ-phụng “Mẹ và con”, dù người ấy là trai hay gái, vẫn là đề-tài đặt ra cho các nền văn-minh chuyên ưa-chuộng chuyện sùng-kính/sủng-mộ “Tình Mẫu Tử”, thôi.
Nói khác đi, tức nói theo cung-cách khác hẳn kiểu người đời, thì: nhà Đạo mình luôn khẳng-định: “Thiên-Chúa là Tình-Yêu”. Điều này rất đúng. Tuy nhiên, có nhiều điều nhìn qua thấy dễ hiểu nhưng rất khó nói, như chuyện: “Tình Mẫu-Tử”, với văn-minh/văn-hoá ở nhiều nơi/nhiều thời, qua đó người người vẫn “nhân-cách-hoá” tình Mẫu-tử của Chúa bằng ảnh-hình “Mẹ và Con”, hoặc “Mẹ và Đức Chúa Con”, rất linh-đạo.
Cũng từ đó, người người trong Đạo, lại đã quen dần với tập-tục sùng-kính/sủng-mộ Đức Maria rất “Mẹ và Con” theo cung-cách, ảnh-hình khác-biệt trong cuộc đời, của mọi người.
Nói cho cùng, cũng nên hợp giọng với nghệ-sĩ trẻ khi xưa từng diễn-tả tình-huống tương-tự bằng ca-từ rất khác lạ gửi đến người nghe, như sau:   

“Này em hỡi, ta mơ ngày sẽ tới,
khi tương phùng,
em khóc cho niềm vui vì hạnh phúc.
Ngọt hay đắng, trong cuộc đời mưa nắng,
ta luôn cười
trong giấc mơ hạnh phúc xưa tuyệt vời…”
(Ngyễn Trung Cang – bđd)

Vâng. Nói cho cùng, thì: ta cứ thế mà “cười trong giấc mơ”. Mơ những ngày sắp tới, để rồi có khóc cho niềm vui hạnh phúc; hoặc, có sướng vui với việc phụng-thờ/sủng-mộ “Mẹ và  Con” trong “cuộc đời mưa nắng”, hãy cứ “cười trong giấc mơ, hạnh phúc xưa tuyệt vời.”
Hạnh-phúc ấy, cũng tựa hồ mối phúc-hạnh giữa “Mẹ và con” rất tuyệt vời. Ở trong đời.

Trần Ngọc Mười Hai
Dù gì đi nữa,
Mỗi khi ta phụng-thờ/sủng-mộ “Mẹ và Con”
Là lúc ta sướng vui tuyệt vời
Suốt một đời.


No comments: