Saturday, 21 November 2015

“Có một bận, em ngồi xa anh quá,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ nhất mùa Vọng năm C 29/11/2015

“Có một bận, em ngồi xa anh quá,”
“Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn.
Em xích gần thêm một chút: anh hờn.
Em ngoan-ngoãn xích gần thêm chút nữa.”
(Thơ: Xuân Diệu – Xa Cách)
           
(1 Côrinthô 1: 17)

            Viết chuyện phiếm, mà lại trích và dẫn những lời lẽ giống như trên, kể ra đôi lúc thấy cũng bất tiện rất nhiều điều. Điều bất tiện, không do bởi sự-kiện, là: các bạn đạo hoặc bạn đọc nào mắt yếu chỉ thích nghe CD có người đọc sẵn cho nghe, có lẽ sẽ không thích.
            Bần đạo đây, viết chuyện phiếm cũng khá nhiều và đọc truyện kể để dẫn-nhập cũng không ít. Nên hôm nay, tự thấy cũng nên thay đổi đường-lối cho bớt nhàm/chán, bèn tìm đến bài thơ “Xa cách” của Nguyễn Bính, dùng đôi câu để dẫn-nhập, rồi phiếm tiếp. Lời thơ nay thấy hơi lạ, bèn ngâm tiếp:

            “Đôi mắt của người yêu, ôi vực thẳm!
            Ôi trời xa, vừng trán của người yêu!
            Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều
            Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng.
            Dầu tin-tưởng: chung một đời, một mộng.
            Em là em; anh vẫn cứ là anh.
            Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành
           Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.
           Thương nhớ cũ trôi theo ngày tháng mất,
           Quá khứ anh; anh không nhắc cùng em.
           Linh hồn ta còn u ẩn hơn đêm,
          Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.”
          (Xuân Diệu – bđd)

          Linh-hồn ta, còn u-ẩn hơn đêm”, “ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ”, âu đó cũng lời nhắn xin được gửi đến hết mọi người. Chưa kịp gửi đi xa, đã thấy có bạn đạo xà đến báo-động bằng một câu hỏi, rất để đời như sau:

           “Này bạn thân, hôm rồi thấy anh trích-dẫn đôi điều về tục-lệ phụng thờ “Mẹ và Con” ở
            Babylon, bạn còn đính kèm thêm nguồn của bài viết nên tôi đây bèn đi tìm đọc theo nguồn
            sách bạn trích ở cuốn gì đó có tên là “Babylon Mystery Religion do một bạn đạo nọ là tác
            giả nên dám hỏi rằng: cây thập-tự ta dùng bấy lâu nay có là biểu-tượng của Đạo Thiên-
            Chúa không?’ Thấy bạn mình thông-thạo chữ-nghĩa Tây/Tàu bèn nhờ bạn hoặc ai biết xin
            Chỉ giáo bằng một giải-đáp hoặc phiên-dịch xem điều ấy thế nào, nhớ cho mình biết nhé!”

          Nghe bạn hỏi, bần đạo bầy tôi đây bèn kiếm tìm bài viết ấy để suy xét dăm ba phút rồi hẹn sẽ trả lời bạn ngay sau. Khổ nỗi bầy tôi đây có thói quen, la: cứ để đó ngâm thêm đôi câu thơ còn bỏ dở, rồi sẽ tính.
          Thơ rằng:

          “Anh muốn vào dò xét giấc em mơ.
           Nhưng anh giấu em những mộng không ngờ,
           Cũng như em giấu những điều quá thực...
           (Xuân Diệu – bđd)

          Giờ thì, bạn hãy cùng bần đạo bầy tôi đây, ta đi vào phần giải-đáp của tác-giả Ralph Woodrow, trong bài viết ngắn ấy, có nói rằng:

            “Thập-giá, hoặc còn gọi là cây thập-tự bằng gỗ, được công-nhận là một trong các biểu-
            trưng quan-trọng vào bậc nhất trong Đạo của người Công-giáo. Biểu-trưng hay biểu-hiệu
            này được trưng-bày ở nhiều nơi như: trên nóc nhà thờ, tháp chuông hoặc đâu đó mọi người
            đều thấy rõ.

            Thập-giá đây còn được cung kính đặt trên bàn thờ làm lễ, trên áo lễ hoặc nhiều đồ vật
            dùng trong nghi-thức phụng-vụ có thêm chữ thánh ở đầu như khăn thánh, dĩa/chén thánh,
            vv.,, Sàn/thảm ở nhà thờ còn được thiết-kế theo hình thù của thánh-giá nữa. Nhà ở của
             người Công-giáo bao giờ cũng treo hình/tượng thánh-giá chứng-tỏ nhà này theo đạo. Nói
             tóm lại, nơi nào cũng thấy cây thánh-giá được mọi người tôn-kính như báu vật vậy.

            Nhiều nghi-lễ trong Đạo còn trang-trọng bằng viết dấu chữ thập lên đầu, trên trán như khi
            người đi Đạo chịu phép Thêm Sức, xức tro, khi bước vào nhà thờ, trước khi mở tiệc tùng,
            ăn uống. Trong thánh-lễ, vị chủ-tế làm dấu Thánh-giá đến 16 lần và làm phép trên bàn
            thánh đến 30 lần cả thảy.     

           Giáo-hội Tin Lành/Thệ-Phản hầu hết không tin tưởng vào việc làm dấu thập-tự bằng tay.
           Các đạo-hữu bên ấy, không có thói quen cung-kính cúi đầu trước thập-giá hoặc coi đó như
           đối-tượng của việc phụng-thờ, vì không thấy các điều ấy được ghi trong Sách Thánh; nhưng
           việc sử dụng thập-giá vẫn được phần đông các giáo-hữu giữ lại trên các gác chuông, bục
           giảng và nhiều nơi khác theo hình-thức như để trang-trí, mà thôi.

          Tín-hữu Đạo Chúa vào thời đầu, lại cũng không coi cây thập-giá như biểu-tượng lành-
          thánh/đạo-đức, nhưng lại coi đó như cây gỗ đáng xấu-hổ, nguyền-rủa, tức một thứ thiết-bị
          diễn-tả sự chết hay “khổ-nhục” như thư Do-thái đoạn 12 câu 2 từng diễn-tả. Các ngài không
          tin-tưởng vào cây gỗ sần-xùi, mà niềm tin của các ngài lại đặt lên thập-giá, và ngang qua
          đó, để các ngài biết tha-thứ cách đầy tràn và trọn vẹn.
     
          Cũng trong ý-nghĩa này mà đấng thánh-hiền là Phaolô tông-đồ vẫn từng giảng-rao về thập-
          giá và vinh-danh Chúa ở trên đó như mọi người đều thấy rõ ở thư thứ nhất gửi giáo-đoàn
          Côrinthô đoạn 1 câu 17, 18. Tín-hữu Đạo Chúa thời tiên-khởi không bao giờ nói về thập-giá
          như thanh gỗ mà nhiều vị quàng cổ với sợi dây chuyền hoặc cầm trên tay để làm dáng hoặc
          bảo vệ thân xác. Tập-tục này mãi về sau mới thấy…

         Mãi sau này, chỉ vào niên-biểu 431, khi Đạo Chúa bắt đầu bị phàm-tục-hoá do ảnh-hưởng
         của dân ngoại, thì “thập-giá” mới được đưa vào nhà thờ và phòng ốc, trong khi tập-tục đặt
         thập-giá trên gác chuông chỉ mới khởi-đầu từ năm 586, trở về sau thôi. Kịp đến thế kỷ thứ 6,
         hình thập-giá bị Giáo-hội La Mã cấm-đoán, mãi đến khi Công đồng Êphêsô được triệu-tập,
         mới có lệnh ban ra buộc các nhà tư của tín-hữu phải treo thánh-giá ở trong nhà…

        Nếu ta gọi thập-giá là biểu-tượng của Đạo Chúa, thì vẫn không thể khẳng-định cách đúng-
        đắn khi bảo rằng nguồn-gốc của hình/tượng này là nằm bên trong Đạo, bởi lẽ bằng vào hình-
        thức này/khác, đây là biểu-tượng thánh-thiêng có từ lâu, trước cả thời Đạo Chúa đi vào hiện-
        hữu ta đã thấy cây gỗ này với chúng-dân ngoài Đạo. Nói khác đi, thập-giá gỗ đã xuất-hiện
        nơi người Babylon ở vùng Chalđê vào thời cổ-đại.

       Biểu-tượng thập-giá sau này được phổ-biến rộng lan tràn sang nhiều nước trên thế-giới, mỗi
       nơi dùng mỗi cách, rất khác nhau. Với người Trung-hoa, “cây thập-tự được công-nhận là một
       trong các thiết-bị cổ được treo trên tường các đền đài, chùa chiền và được sơn son thiếp vàng
       trên các đèn lồng đặt ở nhiều nơi thiêng/thánh của đền chùa.

      Tại Ấn-độ, thập-giá từng là biểu-tượng thánh thiêng qua nhiều thế-kỷ đối với dân ngoại. Có nơi
      dân chúng địa phương dùng sơn/mục để vẽ các hình thập-tự lên chum/vại đựng thứ nước
      lành thánh lấy từ sông Hằng hoặc làm phù-hiệu của các thần thánh Jaina không thân xác.

      Các nước châu Phi, người dân bản xứ lại đem thập-giá nhúng xuống Sông Gitche. Phụ-nữ sắc
      tộc Kabyle dù là người đạo Hồi, lại vẫn xâm hình thập-tự lên ấn-đường giữa hai mắt. Dân vùng
      Wanyamwizi lại thích trang trí thập-giá trên tường. Còn người Yaricks lại vẫn kẻ đường ranh
      vương-quốc dọc sông Niger đến sông Nile bằng hình thập-giá và cũng vẽ lên thuẫn của họ
      nữa.

     Vùng Palenque ở Mêxicô vào thế kỷ thứ 9 trước khi các cố Đạo người Tây Ban Nha đến lập-
     nghiệp ở đây cũng thấy các sắc dân thổ-địa có thiết-dựng một đền thờ lấy tên là “Đền Thập-tự”,
     trên bàn thờ cúng tổ, họ cũng đặt cây thập-tự làm phù-hiệu niềm tin coi như cổ vật thờ cúng
     trong các đền…” (X. Ralph Woodrow, Babylon Mystery Religion, Ralph Woodrow Evangelistic
     Association, Inc. 1981, tr. 47-50).

           Phần trích-dẫn ở trên chắc hẳn tác-giả Ralph Woodrow không có ý phản-bác niềm tin của ai đó đặt vào linh-vật hoặc hình/tượng hoặc dấu hiệu này/khác cốt biểu-tỏ niềm tin sấu-sắc của mỗi người, mà là muốn tìm đến lịch-sử/nguồn-gốc của linh-vật hay tập-tục của tôn-giáo, thôi.
           Nghiên-cứu một chút sự việc biểu-tỏ niềm tin vào các linh-vật hoặc dấu-hiệu thấy có ở thập-giá, cũng là điều nên làm khi các kẻ tin muốn duy-trì các dấu-hiệu cùng biểu-trưng ấy cho người cùng Đạo hoặc khác tôn-giáo, đều rất tốt.
           Duy có điều, là: tất cả mọi biểu-trưng/biểu-tượng đều có nghĩa tượng-trưng chứ chẳng là nền-tảng của niềm tin đi Đạo chút nào hết. Niềm tin đi Đạo, trước hết và trên hết, vẫn nằm ở bên trong cung lòng của mỗi người mà xưa nay các tín-hữu thường dùng hình-ảnh hoặc ngôn-ngữ của trái tim. 
           Với người đi Đạo và giữ Đạo, thì như thế. Còn, người mình lại nghĩ khác và làm theo cách khác, tương-tự nghệ-sĩ ngành thơ và nhạc ở trên cứ sử-dụng âm-thanh/lời lẽ mà diễn-tả những điều mình tin tưởng. Tin và tưởng đến chắc-nịch, như lời thơ còn vang vọng một tâm-tình thần-thánh, như sau:

          Em là em; anh vẫn cứ là anh.
          Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành
          Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.

          Thương nhớ cũ trôi theo ngày tháng mất,
          Quá khứ anh; anh không nhắc cùng em.
          Linh hồn ta còn u ẩn hơn đêm,
          Ta chưa thấu, nữa là ai thấu rõ.”
          (Xuân Diệu – bđd)
        
            Diễn-tả tâm tình bằng lời thơ hoặc cử-chỉ trân-trọng lẫn nhau, như tôn kính/suy tôn thập-giá, cũng là động-thái tư riêng của mỗi người. Động-thái ấy, có thể không như thế mãi. Cũng có thể đổi thay theo nhiều tháng ngày đượm nhiều tình-tiết lẫn xúc-cảm.       
            Tình tiết hoặc xúc-cảm đến 7 kiểu mà người xưa gọi là “thất-tình”, trong đó có cả tình-tự giận hờn, ai oán chuyện đời, cũng không đáng sợ bằng chuyện ganh đua/hơn thua giữa các đấng bậc có vai trò không nhỏ ở đời.
             Chuyện ganh đua/hơn thua ở đời, là “chuyện nhỏ” giữa hai bậc vị-vọng là luật sư/bác sĩ được kể ở bên dưới, cốt để minh-hoạ cho một tình-tiết ở đời có những giao-dịch lạ kỳ, qua câu truyện kể ở bên dưới:

            Truyện rằng:

            Có Ông Bác Sĩ ế khách, nên cô Y tá mông tròn muốn bỏ phòng mạch đi làm chỗ khác. Ông
            Bác sĩ bèn nghĩ ra một kế quảng cáo kiếm tiền. Bác sĩ trưng tấm biển quảng cáo rất lớn
            trước phòng mạch ghi hàng chữ:

            "Đốc-tưa tốt nghiệp Đại học Y khoa Hà-Lội; kinh nghiệm bệnh viện quân y 20 năm chiến
             tranh chống Mỹ, 10 năm phục vụ đẻ đái bệnh viện bà mẹ trẻ em.. Nhận khám bệnh mọi
            thứ trên đời! Nếu trị dứt bệnh thì chỉ tính tiền 20 Đôla Mỹ! Nếu bệnh không lành, bồi thường
            cho bệnh nhân 100 Đôla Mỹ hay tương đương 2 Triệu đồng ngân hàng Việt Nam!"

             Anh Luật sư tốt nghiệp Thầy cãi trường Luật Sàigòn, đi ngang qua đọc thấy vậy bèn ghé
            vào làm tiền ông Bác sĩ:
            -Đốc-tưa ơi, mũi tui bị mất khứu giác không ngửi được gì!
            Bác sĩ gọi cô y-tá có thân-hình nẩy lửa ra mà bảo:
            -Cô lấy chai số 35 nhỏ vào mũi ông Luật sư 3 giọt!
            Nghe vậy, ông Thầy cãi cầm chai thuốc ngửi trước và nói:
            -Ấy chết, đừng nhỏ bậy.. Đây là xăng chạy xe sao nhỏ vào mũi tôi được!
            Ông Bác sĩ chìa tay ra:
            -Mũi của Luật sư đã ngửi lại được rồi.. Trả cho tôi 20 Đôla.

           Luật sư về nhà tức muốn ói máu; chuyến nầy sẽ trả đòn cho thằng cha Đốc tưa nầy sạt
           nghiệp luôn. Luật sư đến phòng mạch:
           -Nguy rồi, tui mất trí nhớ nên Bác sĩ trị giùm tui!
           Luật sư nghĩ thầm "Mẹ kiếp, trí nhớ làm sao nó biết mất hay không.. Chuyến nầy lấy lại của
           mày100 Đôla cho mầy biết nghe con!"

           Đốc-tưa gọi cô Y tá của ông ra rồi bảo:
           -Cô lấy chai thuốc số 35 nhỏ vào họng ông Luật sư 10 giọt!
           Cô y tá cầm chai thuốc ra, Luật sư la toáng lên:
           -Nè cha nội.. Chai thuốc nầy hôm trước tui đã nói là xăng chạy xe mà sao cứ đòi nhỏ vào
           miệng tôi nữa vậy!
           
            Bác sĩ chìa tay ra:
           -Trả cho tôi 20 Đôla vì anh đã phục hồi trí nhớ rất tốt rồi..!
           Luật sư về nhà mất ăn vì thấy mất mặt Thầy Cãi quá rồi.. Lần nầy cho lão Bác sĩ tiêu đời  
           luôn.
           
           Luật sư bước vào phòng mạch:
           -Đốc-tưa ui, tui bị giảm thị giác nên hai mắt mờ câm không còn thấy gì cả..!
           Bác sĩ bảo cô Y tá mông tròn:
           -Lấy bông gòn chấm một tý nước lọc đưa đây!
           Bác sĩ lau hai mắt cho Luật sư và nói:
           -Thôi lần nầy thì tôi xin chịu thua nên trả cho Luật sư tờ 100 Đôla như đã cam kết!
           Bác sĩ trao tờ Đôla cho Luật sư. Luật sư hậm hực:
           -Mẹ kiếp, đây là tờ 20 Đôla chứ đâu phải tờ 100 Đôla.. Đưa nhầm rồi Đốc-Tưa!
          
           Bác sĩ ế hàng chìa tay ra cười hề hề:
           -Tui đã lấy lại được thị giác cho ông rồi! Làm ơn trả cho tui 20 Đôla vì mắt Luật sư đã được   
          sáng lại rồi.. Thị giác rất tốt!”…

           Cuối cùng ra, có phiếm-luận đường dài nhiều chuyện, kể cả chuyện ảnh/tượng thập-giá này/khác cũng chỉ để kể cho nhau nghe những truyện lai rai/dài dài mà nhiều lúc cũng không đúng thời hoặc đúng chỗ cho lắm. Kể dài dài chuyện phiếm Đạo vào đời hoặc Đạo giữa đời, nhiều khi và lắm lúc, cũng chỉ để kể cho nhau đôi tâm-tình/xúc-cảm của ai đó, chỉ một người hay nhiều người, mà thôi.  
          Cuối cùng thì, có lai rai viết phiếm hoặc kể chuyện dài dài để “Phiếm-loạn” hay phiếm-luận cũng chỉ để bạn và tôi, ta chung vui tìm hiểu đôi tập-tục có từ ngàn xưa mà cứ tưởng rằng: chỉ mỗi Đạo mình mới có, bấy lâu nay.
         Có hiểu cung-cách và mục-đích khi kể chuyện phiếm như thế, mới có thể đồng-thuận với người lục/tìm sử-liệu về ý-nghĩa một số hành-xử cũng như tập-tục trong Đạo, mới thấy được điều cần-thiết của người đi Đạo là cần tìm cần hiểu và học-hỏi, nhiều hơn nữa. Có như thế, mới giữ gìn niềm tin của chính mình hay bạn đạo của mình được tốt tươi, lành thánh, khách-quan. 
          Nghĩ thế rồi, nay xin mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm một chút ý-kiến/lập-trường của bạn đạo nọ lục/tìm sử-liệu trên, khi ông bảo:
  
          “Một số vị đi Đạo cứ đặt vấn-đề hỏi rằng: Do bởi sự-kiện là: ‘Đức Giêsu từng chết trên thập
           giá, hỏi rằng điều này có làm cho cây giá hình chữ thập thành biểu-tượng xác-chứng cho
           Đạo Chúa, chứ?’

          Quả thật là, trong đầu óc của nhiều tín-hữu và tín-đồ, thì: thập-giá lâu nay vẫn được liên-kết
          với Đức Kitô, thật chặt-chẽ. Thế nhưng, những ai từng biết rõ nguồn-gốc/sử-liệu và cung-
          cách không kém mê-tín, hoặc say mê tin-tưởng thì cũng thế, qua nhiều thế-kỷ, có thể thấy
          mặt trái của đồng tiền kẽm.

          Mặc dù, nghe qua điều này thấy cũng hơi lỗ-mãng, một số vị lại vẫn bảo: ‘Giả như Đức
          Giêsu bị “quân dữ” giết chết bằng súng săn, thì có chăng lý-lẽ nào đó khiến các “cụ Đạo”
          nhà ta cứ là đeo lủng lẳng nơi cổ hoặc đặt trên chop gác chuông/nhà thờ biểu-tượng nào đó
          mang hình cây súng, chứ?’

          Cuối cùng, có lẽ cũng nên về với biện-luận của các bậc thánh-hiền vẫn bảo rằng: điều quan-
          trọng không phải hỏi: cái gì mà là ai? – ai là Đấng chết trên đó, chứ không phải cái gì được
          dùng làm công-cụ cho cái chết của Ngài, thế?

          Thánh Ambrôsiô có đưa ra một luận-điểm khá hợp lý khi ngài bảo: “Ta hãy đến mà tôn-thờ
          Đức Kitô, Vua Cha của ta, là Đấng bị chết treo trên cây gỗ hình chữ thập chứ đừng tôn-
          sùng cây giá hình chữ thập, làm bằng gỗ!” (Xem Ralph Woodrow, sđd tr. 53)                          

          Nghe ý-kiến bạn bè trong Đạo từng lục/tìm sử-liệu thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta nghe thêm lời vàng/ngọc của đấng thánh-hiền trong Đạo, khi xưa từng nhắn-nhủ:

          Quả vậy,
          Đức Kitô đã chẳng sai tôi đi thanh-tẩy,
          mà là rao giảng Tin Mừng,
          không phải bằng sự khôn-ngoan
          của khoa ngôn-ngữ,
          kẻo Thập-giá của Đức Kitô
          bị ra hư không,
          trống rỗng”.
          (1 Côrinthô 1: 17)

          Nghe nhủ rồi, nay mời bạn và tôi, ta tìm về bài hát “Xa cách” của người nghệ-sĩ mang tên Tú Minh mà hát vang làm kết-đoạn bài phiếm-luận lai rai, dài dài naỳ, mà rằng:

         “Ngày mai xa cách rồi,
         Còn đâu những tiếng cười?
         Tình yêu em vương vấn,
         Ðể làm lưu luyến bước chân người đi.
         Tiếng đàn em văng tiếng anh hòa theo,
         Bước nhảy nào theo bước anh dìu đưa.
         Những buổi chiều không có anh dạo chơi.

         Lòng em trống vắng,
         Anh ngày mai đã cách xa ngàn khơi.
        Em về đây với nỗi đau quạnh hiu,
        Nhớ nụ cười trong ánh mắt của anh.

        Làn môi êm đềm,
        Gửi đến anh mối tình mới chớm.
        Và trái tim em người yêu dấu.

        Anh ơi hãy biết rằng:
        Tình mình không chia cách.
        Cho dù xa vắng, người yêu anh hỡi!
       Hãy để cho lòng
       Ðừng quên em nhé nơi xa nghìn trùng
       Lòng em vẫn dõi theo bóng hình người
       Biết bao giờ nguôi.
       (Tú Minh – Xa Cách)

       Hát những lời như: “Anh ơi hãy biết rằng: tình mình không chia cách”… dù cho anh và em có hiểu sai/nghĩ nhầm về ý-nghĩa của việc suy-tôn Thập-giá Đức Kitô đến thế nào đi nữa. Bởi có thế nào đi nữa, cũng hãy nhớ lại lời ca của nghệ-sĩ ngoài đời vẫn cứ bảo, rằng: Lòng em vẫn dõi theo bóng hình người, biết bao giờ nguôi..” dù anh có đeo trên ngực Thập-giá đích-thực của Đức Kitô, hay không. 

         Trần Ngọc Mười Hai
         Nay vẫn muốn tìm về
         Nguồn sử thập-tự
         của Đức Kitô,
         ngàn năm vẫn thế.    








No comments: