Saturday, 14 November 2015

“Mỗi lần em về là gió lộng đường đi,”




Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 34 thường niên Lễ Kitô Vua năm B 15/11/2015

“Mỗi lần em về là gió lộng đường đi,”
Anh nhìn em bồi hồi trông theo tà áo
Nhẹ gót thắm vào mãi đáy tim tôi
Từ đó nhớ khôn nguôi và chiều chiều thấy đơn côi.”
(Tuấn Khanh – Từ Đó Khôn Nguôi)
(1 Timôthê 5: 13-16)
            Lại vẫn bảo: nếu hiểu tự-vựng “Em” khác hẳn ý của người viết nhạc, thì bạn và tôi, ta sẽ thấy khác và rõ hơn. Khác và rõ, là những gì “thắm vào mãi đáy tim tôi” “chiều chiều thấy đơn côi” cứ là thế.
            Viết giòng này, bần đạo đây thấy rõ là việc: dùng tự-vựng “Em” thay cho cụm-từ “Tin Vui”/“Tin Mừng” hoặc Phúc Ấm/Lời của Đấng Tối Cao, vv.. có lẽ sẽ có bạn không đồng ý cho lắm hoặc sẽ phản-đối liên-hồi chuyện như trên.
            Thế nhưng, với vị Tổng Giám Mục họ Spong tên John ở Mỹ, thì ý-nghĩ này, cũng có cái hay nhưng lại khác. Hay và khác, như câu nhạc ở bên dưới vẫn tiếp-tục hát tiếng “yêu Em”, là những xưng hô mà đôi lúc bạn và tôi, ta cứ hát hoài hát mãi những lời ca như sau:

“Lúc gặp em lòng định nói rồi lại thôi,
Nhưng hồn tôi tựa trời giông đang nổi gió.
Tình nghệ sĩ là thắm cánh môi tươi,
Là gió cuốn mây trôi là thì thầm nói "yêu em".
(Tuấn Khanh – bđd)

Với Đức Tổng thuộc Giáo-hội “đàng ngoài” bên Anh Giáo, hoặc “đàng trong” bên Công giáo, thì việc trở về với giòng chảy “Lời Chúa” có nhận-định như sau:

“Tác-giả Paul Tillich có lần nói: “Kinh thánh là chủ-đề để ta diễn-nghĩa rồi chuyển-tải mà không một học-thuyết cũng như ngôn-sứ, linh-mục hoặc quyền-lực nào dám yêu cầu cấm vận không cho ai được tiếp-cận với Sách này hết! Đối với tôi, Sách thánh là Sách rất thâm-sâu/huyền-nhiệm chứa-đựng một thứ quyền-uy/sức mạnh rất lạ kỳ.

Đã từ lâu, Sách này thuộc loại bán chạy nhất mỗi năm, kể từ ngày phát-hành đầu tiên. Không lạ gì, khi mọi người đều nhớ lại lúc nhà xuất bản Gutenberg làm cuộc cách-mạng đầu tiên ra mắt với thế-giới về in ấn, thì chính Sách thánh lại là ấn-phẩm đầu có được bản kẽm, mới sáng-chế.

Thế-giới hôm nay, hoạ-hoằn lắm mới thấy có văn-chương/ngôn-ngữ hoặc thổ-ngữ nào không đem Sách này ra mà dịch-thuật cho con dân mình đọc. Truyện kể, lời lẽ và các câu văn trong Sách thánh lâu nay đã thẩm-nhập vào các nền văn-minh/văn-hoá khắp trần-gian, thậm chí còn thẩm-thấu đến tận đáy sâu của tiềm-thức của nhiều người.

Ản-hưởng của Sách thánh cón đánh động nhiều vào các ngành nghệ-thuật văn-hoá của nhiều nước, đặc-biệt là nghệ-thuật phim-ảnh, còn gọi là “Nghệ-thuật thứ 7”, ở Âu Mỹ. Cụ-thể hơn, rất nhiều phim-bộ từng sử-dụng nội-dung hoặc truyện kể lấy từ Sách thánh làm đầu đề hoặc cốt truyện cũng như chủ-đề để mọi người suy nghĩ.

Đặc-biệt như các bộ phim nổi tiếng thế giới, trong đó có phim “Hoa Huệ Ngoài Đồng” (rút từ trình-thuật Mát-thêu đoạn 6 câu 28), một bộ phim được sản-xuất vào năm 1968 đã giúp cho tài-tử Sidney Poitier đoạt giải Oscar về Tài-tử hay nhất. Phim “Thừa-Hưởng Từ Gió” rút từ sách Châm ngôn đoạn 11 câu 29) là bộ phim cổ-điển nói về cuộc kiện-tụng giữa Bang Tennessee chống lại John Thomas Scopes xảy ra vào năm 1925. Phim này do Spencer Tracy đóng vai Clarence Darrow và Frederic March thủ vai William Jenning Bryan.

Và, bộ phim mang tự-đề là “Lờ mờ Trong Gương” (rút từ thư thứ nhất Côrinthô đoạn 13 câu 12), một tuyệt-phẩm tạo tên tuổi cho đạo-diễn Ingmar Bergman… Rồi cứ thế, lại có các phim nổi tiếng rút từ truyện Cựu-Ước như: 10 điều Giáo-lệnh, Samson và Đalilah, Đavít và Bétsêđa, Barabbas, và mới đây nhất là bộ phim kể tryện Thương Khó Đức Giêsu do Mel Gibson thực hiện…

Lời lẽ cũng như tư-tưởng của Sách Thánh xưa nay từng giúp phong-phú-hoá các bài diễn-văn hoặc giảng-thuyết của nhiều đấng bậc vị-vọng. Có vị còn trích-dẫn cốt truyện hoặc câu nói của nhiều nhân-vật trong Sách thánh để diễn-giải mọi hành-xử khác nhau như dấu chỉ của sự an-bình, tự tại. Chí ít, còn gạn lọc và tẩy sạch nền văn-hoá của nhiều nước trong quá-trình hơn 2 ngàn năm nay.

Ngay cả lịch-sử thế-giới ở Phương Tây vốn đa-dạng là thế, Sách Thánh vẫn để lại nhiều dấu vết của niềm đau, nỗi sợ và những vết đọng đầy những máu hoặc chết chóc; tức: những gì mà mọi người bình-thường không thể nào phản-bác, chối bỏ. Yếu-tố này, lại thường cho phép con người đi vào hệ-thống ý-thức thật rõ nét. Lời ở Sách thánh được nhiều người sử-dụng không chỉ với mục-đích giết-chóc ai khác, mà còn để biện-minh cho hành-tung chém giết lẫn nhau, nữa.

Và, Sách Thánh vẫn không ngừng được cả những người từng cho rằng mình có niềm tin vào Lời của Chúa để o ép người khác, mà theo các kẻ tin này, thì họ là những người được định-nghĩa rất “trân-trọng” ở các trang giấy như đấng bậc linh-thiêng, thần-thánh…

Nhưng, cuối cùng thì cũng có người đặt ra những thắc mắc, hỏi rằng: làm sao một cuốn Sách nổi tiếng là “thánh-thiện” được rất nhiều người ở trời Tây trân-quý đến như thế lại có thể là nguồn-gốc của rất nhiều chuyện tàn-ác, xấu-xa, được? Làm sao con người lại có thể sử-dụng Sách này để quay lòng vòng rồi đưa vào một kết-đoạn nào đó? Làm sao Sách Thánh như thế, một lần nữa, lại được coi như nguồn-gốc cuối cùng của sự sống? Hoặc, phải chăng cũng quá trễ, và Sách Thánh lại trở nên mờ-nhoè, lấm tâm nhiều vết nhơ, vết máu?” (X. TGm John S Spong, The Sins of Scripture, HarperCollinsPublisher 2005 tr ix-xvi) 

Nhận-định của Đức “Tổng” thuộc Đạo Chúa ở Mỹ, thì như thế. Ca-từ nghệ-sĩ lại như sau:

“Một đời chờ mong nhau em ơi!
Tìm nhau cuối trời, gặp nhau giữa đời.
Này em! Hỡi em người yêu dấu.
Môi hồng tươi thắm biết đâu!
"Dành tặng mình anh"
(Tuấn Khanh – bđd)

Và, cứ thế bạn hoặc tôi, ta lại sẽ hát hoài/hát mãi những lời nối tiếp ở bài ca trên như sau:

“Có nhiều khi lòng quạnh vắng tựa mùa Đông.
Nhưng ngờ đâu một mùa Xuân đang triền tới.
Hồn chới với tình ngỡ đã chia phôi.
Chợt bỗng ngát lên ngôi và đường đời bước chung đôi.”
(Tuấn Khanh – bđd)

Với nhà Đạo, hỏi rằng: có tiếng hát nào như thế không? Thì, có lẽ sẽ có vị cho rằng: trả lời câu này không quan-trọng bằng đặt câu hỏi: hát bằng tiếng/giọng trổi-trang cả những điều thiên-hạ từng nghe và từng hát mãi. Duy có điều, là: nhiều vị vẫn không dám nói hoặc cãi lại chỉ vì lý-do nào đó, như lập-trường của đấng bậc khác, nói về Kinh Sách rất như sau:

“Nhà văn Leon Tolstoy bắt đầu học hỏi Kinh Thánh là từ năm 1879. Lúc đầu, ông nghĩ rằng làm thế chỉ để rọi sáng tâm-thân mình, thôi. Về sau, ông lại triển-khai tâm-tình mình tìm gặp vào những tháng ngày sau khi có dự-định án dịch lại cả 4 sách Tin Mừng và tổng-hợp vào chung một truyện kể, thôi. Công việc này khiến ông mất đến ba năm, nhưng đã biến-đổi con người ông rất nhiều. Về sau, ông gọi đó là “thời tập-trung cô-đọng” và là thời-khắc ông chú-tâm vào các nỗ-lực say mê chuyện tâm-linh, thần-hồn. Nếu sử-dụng ngôn-từ của Sofia Andreyevna, là vợ hiền yêu quí của ông, thì: đây là lúc khiến cho Tolstoy trầm-tĩnh, tập-trung im ắng hơn bao giờ hết.

Mục-đích của Tolstoy khi ông điều-nghiên Tin Mừng của Đạo Chúa là cốt tìm gặp lại giáo-huấn thanh-khiết hữu-dụng của Đức Kitô, hầu giải-phóng nó khỏi lớp rỉ sét ở ngôn-từ nghi-thức với Kinh sách, để rồi bỏ đi phần tín-lý đầy giáo-điều và tính siêu-nhiên mà Giáo-hội gán-ghép vào đó. Để minh-hoạ phương-án rất riêng-tây này, bạn hiền Ivakin của ông nhớ đến lời lẽ ông từng bảo: “Việc Đức Kitô sống lại đã có ý-nghĩa gì đối với tôi không? Nếu Ngài sống lại thật, thì Thiên-Chúa sẽ chúc phúc Ngài. Vấn-đề quan-trọng với tôi, là: Tôi sẽ làm gì đây? Tôi phải sống thế nào chứ?”

Dự-án do ông tạo cho chính mình, thật ra là đường-hướng triển-khải tâm-linh của chính ông. Điều đó, xem ra đã củng-cố kết-tinh với một thắng-lợi ông cảm nhận được khi tìm cách phiên-dịch 10 câu đầu trong Tin Mừng của tác-giả Gioan, qua đó ông thấy gần-gũi thiết-thân với câu nói ở “Lời Tựa” khi tác-giả viết: “Lúc Khởi-đầu đã có Lời” và câu tiếp theo lại nhấn mạnh rằng: “Mọi sự đã nhờ Ngài mà thành sự và không có Ngài thì không gì thành sự. Điều đã thành sự nơi Ngài là Sự Sống và sự Sống là sự Sáng cho nhân-loại.”(Ga 1: 1, 3-4)

Và, tác-giả Leon Tolstoy thấy việc ông sử-dụng “kiến-thức về sự sống” là do “Lời”, được xác-chứng theo triết-lý và khởi-đầu này, đã làm cho dự-án của ông nên tiêu-biểu. Ông đã quảng-diễn ngôn-ngữ ấy, gột bỏ đi một số ngôn-từ khỏi những điều mà Giáo-hội ta xưa nay hàm-ẩn, cốt để bộc-lộ một bản văn thích-hợp với sự-thật linh-đạo cho sâu-sắc hơn và ông thấy mình phát-hiện được điều này trong quá-trình học-hỏi Tin Mừng, cho riêng mình.

Đặc-biệt hơn, ông lại diễn-ý các truyện kể Kinh thánh nói về việc Đức Giêsu từng làm nhiều sự lạ lùng. Với tác-giả Leon Tolstoy, việc nhân rộng cá và bánh trở-thành bài học sẻ-san mọi thứ cho cộng-đoàn; bởi những người theo chân Đức Giêsu đều học được cung-cách “cho đi” thức ăn, của cải và tiền bạc mình kiếm được.

Và, truyện kể về người mù được sáng mắt, là ẩn-dụ nhẹ trong đó việc tái-tạo thị-kiến phải hiểu như một thứ “soi sáng tâm-linh”. Và, việc Đức Giêsu chịu cám dỗ thời mới sớm ở hoang-địa mang ý-nghĩa đối-thoại với chính Ngài, kiểu Socrates…” (X. Leon Tolstoy, The Life of Jesus: The Gospel in Brief, Harper Perennial 2011 tr. viii-ix)

Tìm gặp sự thật ở dụ-ngôn/truyện kể hoặc nơi lời nói cũng như hành-xử của Đức Giêsu, là tìm và gặp bài học vô giá được tác-giả Leon Tolstoy khẳng-định khi ông nói về ẩn-dụ hoặc các sự lạ theo nghĩa bóng chứ không theo nghĩa đen tuyền, u-ám. Thế nên, từ đó ta có quyết-tâm sống Đạo ở đời. Tìm và gặp tư-tưởng làm nền, nơi thi-ca/văn-nghệ mà nghệ-sĩ xưa từng sáng-tác:

“Một đời chờ mong nhau em ơi.
Tìm nhau cuối trời, gặp nhau giữa đời.
Này em! Hỡi em người yêu dấu.
Môi hồng tươi thắm biết đâu!
"Dành tặng mình anh."

Có nhiều khi lòng quạnh vắng tựa mùa Đông.
Nhưng ngờ đâu một mùa Xuân đang triền tới.
Hồn chới với tình ngỡ đã chia phôi.
Chợt bỗng ngát lên ngôi
và đường đời bước chung đôi.”
(Tuấn Khanh – bđd)

Cuối cùng thì, “Đường đời bước chung đôi” còn là ý/lời ở mọi nơi, mọi thời, người người đều muốn sống. Diễn-tả ý-tưởng này bằng thơ-văn/nhận-định và cuộc chuyện trò giữa thày/trò còn như câu truyện kể nhè nhẹ ở bên dưới:

“Truyện rằng:
Một bữa nọ, hai thầy trò cao tăng ngồi nói chuyện với nhau:
Đệ tử: Thưa thầy, đạo Phật khuyên người ta buông bỏ mọi thứ đúng không?
Sư phụ: Không đúng!
Đệ tử: Rõ ràng có câu “buông bỏ tất cả” đấy thôi?
Sư phụ: “Buông bỏ tất cả” để làm gì?
Đệ tử: Đúng thế, đệ tử cũng thấy rất nghi ngờ! Đệ tử thấy Phật giáo luôn nhìn vấn đề tiêu cực. Nhiều người hỏi đệ tử: “Nếu mọi sự đều buông bỏ thì lấy đâu ra tiền? Quần áo? Mọi người đều không làm việc thì thế giới này sao có thể tồn tại?”
Sư phụ: Mọi sự buông bỏ thì dẫn đến sụp đổ, cái gì cũng không buông bỏ thì cũng dẫn đến sụp đổ.
Đệ tử: Như vậy phải làm thế nào?
Sư phụ: Thay thế và hoán đổi!
Đệ tử: Nhờ thầy chỉ rõ cho con!
Sư phụ: Con có thể kêu một người ăn mày cam tâm cho con số tiền đang nắm chặt trong tay họ không?
Đệ tử: Không thể được.
Sư phụ: Con có thể dùng hòn sỏi đổi lấy số tiền trong tay người ăn mày không?
Đệ tử: Con nghĩ không được.
Sư phụ: Tại sao?
Đệ tử: Vì tiền đáng giá hơn.
Sư phụ: Vậy nếu dùng vàng để đổi thì sao?
Đệ tử: Vậy thì được.
Sư phụ: Tại sao?
Đệ tử: Vì vàng đáng giá hơn.
Sư phụ: Vì thế, cách buông bỏ đơn giản nhất chính là hoán đổi. Nguyên nhân khiến người ta không buông bỏ là vì không giành được thứ tốt hơn. Dùng thức ăn chay thay cho thức ăn mặn, con sẽ buông bỏ được con dao mổ; dùng bố thí thay cho giành giật, con sẽ buông bỏ được lòng tham; dùng tín ngưỡng thay cho hư vô, con sẽ buông bỏ được nỗi trống rỗng; dùng trí tuệ thay cho ngu dốt, con sẽ buông bỏ được cố chấp; dùng chính niệm thay cho tạp niệm, con sẽ buông bỏ được ngông cuồng; dùng nhẫn nại thay cho báo thù, con sẽ buông bỏ được giận dữ; dùng yêu thương thay cho tham lam, con sẽ buông bỏ được đau tim. Tu hành không phải là buông bỏ, mà là để hiểu lẽ hoán đổi.” (Theo SecretChina Tinh Vệ biên dịch)

            Theo dõi truyện kể nhẹ đầy nhận-thức sâu-xa rồi, tưởng cũng nên ghi thêm đôi lời khuyên-răn vàng ngọc từ bậc thánh-hiền, sau đây:

“Hãy chuyên-cần đọc Sách Thánh
trong các buổi họp,
chuyên-cần khuyên-nhủ và dạy dỗ.
Đừng thờ ơ với đặc-sủng đang có nơi anh,
đặc-sủng Thiên Chúa đã ban cho anh
nhờ lời ngôn sứ,
khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh.
Anh hãy tha thiết với những điều đó,
chuyên chú vào đó,
để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh.
Anh hãy thận trọng trong cách ăn, nết ở
và trong lời giảng dạy.
Hãy kiên trì trong việc đó.
Vì làm như vậy,
anh sẽ cứu được chính mình,
lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy.”
            (1 Timôthê 5: 13-16)

Tiếp-cận Lời Vàng đều-đặn, bạn và tôi cũng sẽ gặp toàn chuyện vui, trong đời. Rồi từ đó, sống Đạo cách đích-thực qua ẩn-dụ ghi ở Kinh Sách. Dù, mặt ngoài cuộc đời, người người đều đã và đang tiếp-cận với thực-tế ngang qua mọi chuyện.
Chuyện gì thì chuyện, dù tốt/xấu, hay ho hoặc đáng chán, cũng là thực-tế đời người có buồn/vui lẫn lộn.
Kể gì thì kể, tưởng cũng nên kể thêm một truyện kể ngăn ngắn để kết thúc buổi luận/phiếm đường dài “hôm nay” bằng đôi giòng kể ngắn như sau:

Có một người nông dân muốn mua đất, ông ta nghe nói một người ở vùng khác có đất muốn bán, liền quyết định đến đó hỏi thăm. Người bán đất nói với ông ta rằng: “Chỉ cần giao một nghìn lạng bạc, ta sẽ cho ông thời gian một ngày, bắt đầu tính từ lúc mặt trời mọc, đến khi mặt trời lặn xuống núi, ông có thể dùng bước chân khoanh tròn được bao nhiêu đất, thì số đất đó sẽ chính là của ông, nhưng nếu ông không trở về nơi khởi điểm, thì ngay cả một tấc đất ông cũng sẽ không có được”.

Người nông dân đó nghĩ thầm: “Nếu như hôm nay ta vất vả một chút, đi nhiều đường hơn một chút, thì chẳng phải có thể đi được vòng rất lớn, theo đó sẽ có được một mảnh đất rất lớn hay sao? Làm ăn như vậy quả thật là rất có lợi!”. Thế là ông ta liền ký kết giao ước cùng người chủ đất đó.

Mặt trời vừa mới nhô lên, ông ta liền cất bước thật dài đi nhanh về phía trước; đến giữa trưa, bước chân của ông vẫn không dừng lại giây phút nào, cứ mãi đi về phía trước, trong lòng nghĩ: “Hãy ráng chịu đựng một hôm nay, sau này sẽ có thể hưởng thụ hồi báo của vất vả hôm nay mang đến rồi”.

Ông ta cứ thế tiếp tục đi về phía trước, đến khi mặt trời sắp lặn rồi mới chịu quay trở về, trong lòng vô cùng lo lắng, bởi vì nếu như không về kịp thì một tấc đất cũng chẳng có. Thế là ông ta vội vàng trở về theo đường tắt. Tuy nhiên, mặt trời sắp xuống núi, ông ta đành phải liều mạng mà chạy, cuối cùng chỉ còn thiếu vài bước thì đến vạch khởi điểm, nhưng sức lực đã cạn kiệt, ông ngã nhào xuống nơi đó.”

Và, người kể lại có thêm lời bàn, rất nhận-định, rằng:

Dục vọng của con người và ranh giới với hiện thực mãi mãi cũng không cách nào vượt qua được, bởi lòng tham là vô đáy. Con người mãi mãi không biết thỏa mãn, đây chính là khuyết điểm lớn nhất trong nhân cách.

Kể và bàn như thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta cứ hướng về phía trước hăng say hát nhạc Việt mình, dù đôi lúc thấy nó cũng lạ nhưng vẫn hát. Hát lên rằng:

Mỗi lần em về là gió lộng đường đi,
Anh nhìn em bồi hồi trông theo tà áo.
Nhẹ gót thắm vào mãi đáy tim tôi.
Từ đó nhớ khôn nguôi và chiều chiều thấy đơn côi.

Lúc gặp em lòng định nói rồi lại thôi,
Nhưng hồn tôi tựa trời giông đang nổi gió.
Tình nghệ sĩ là thắm cánh môi tươi,
Là gió cuốn mây trôi là thì thầm nói "yêu em".
(Tuấn Khanh – Từ Đó Khôn Nguôi)

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn nghĩ rằng
Tiếng hát hay nhất đời
Là nói tiếng “Yêu Em”
Dù Em đây có là nhà Đạo
Hay trường đời.

No comments: