Saturday, 6 December 2014

“Tình yêu đó cho em,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 3 mùa Vọng năm B 14-12-2014

“Tình yêu đó cho em,”
tháng năm trên từng phím Xuân lay,
đóa môi xinh giòng tóc mây bay”.

(Ngô Thụy Miên – Tình Khúc Mùa Xuân)

(Mc 1: 1-3) 

            Gọi đó “Mùa Xuân” ư, ngay cả lúc: “Tình” anh cho em chỉ như “Xuân lay” trên từng phím, mà thôi sao? Gọi đó “Tình khúc” ư, đúng vào khi: đoá môi xinh trên giòng tóc… có mây trắng bao bọc, cả đấy chứ? Thôi thì, anh có gọi đó là “Tình Khúc Mùa Xuân” hay “Tình tự mùa…” gì đi nữa, cũng vẫn được. Miễn sao, anh để nghệ sĩ mình hát tiếp những câu sau, rồi sẽ tính:

            “Mùa Thu lá heo may gọi về.
Mùa Ðông nắng hanh trên tuổi thề.
Mình đan nắng ru mây ước mơ xa vời.
Một hôm gió Xuân sang,
Mây lang-thang cài tóc em mang.
đến thăm em chiều nắng miên-man.
Rồi Thu đến sao em giận-hờn.
Rồi Ðông đến sao em lạnh-lùng.
Ðường phố vắng thênh-thang ru buồn gót chân”.
(Ngô Thụy Miên – bđd)

Vâng. Nghệ sĩ nhà mình, hễ nói về mùa Thu là y như rằng: anh hay chị sẽ nói những là: “lá heo may”, “em giận hờn”.
Vâng. Rồi Đông đến, cũng lại có anh hay chị rày sẽ bảo: “Nắng hanh trên tuổi thề”, “Sao em lạnh lùng” rồi lại hát: đường phố thênh thang ru buồn gót chân, thôi.
Là thơ văn nghệ sĩ hay người viết nhạc, thì anh hoặc chị mới viết thế; chứ nếu là nhà Đạo như tôi/như bạn, hẳn ta lại sẽ như mọi người, nói nhiều về … tín-lý, giáo-điều luật-lệ phụng vụ, nghe u sầu, man mác, chốn thiên thu lu bù nhiều buổi.
Vâng. Giả như bạn và tôi có bảo thế, cũng chẳng có gì là quá đáng đâu! Bởi, với nhà Đạo mình, hễ ai nói triết-lý hoặc thần-học, lại sẽ dùng những cụm-từ khá “nho nhã”, cứng cỏi, nhiều biện-chứng, mà thôi. Chứ đâu như đấng bậc Dòng Chúa Cứu Thế ở Úc, từng là Giám-tỉnh một thời, nay lại thích kiểu tự-thuật giòng chảy Tin Mừng rất Mác Cô như sau:

“Tôi nay cũng đã già. Nên, xin bạn bỏ lỗi cho tôi, nếu tôi nói điều gì hơi lan man, mơ hồ, nhiều quên sót! Tôi đây lại cũng ngu dại, nên nếu có ai hỏi tôi điều gì về địa-dư, sử-ký hoặc nhân-văn, cũng đành chịu. Có vị khác lại những cho rằng: tôi hơi bị “đần”! Viết lách, thì chẳng hay ho/khéo léo gì cho lắm. Giảng-giải cũng chẳng được mấy ai nghe. Nhưng, thật tình mà nói, tôi có cố gắng nặn óc/vắt trán cho nhiều, cũng chỉ có thể ghi lại đây đôi ba giòng ký-sự vào những ngày trí nhớ với trí khôn của tôi, chưa cùn lụt.

Nhưng, với Ngài và về Ngài, thì tôi đây chẳng quên sót điều gì hết. Quên sao được, khi Ngài chinh-phục toàn-thể nhân-loại, mãi đến hôm nay! Ngài là niềm đam-mê tôi mến-mộ suốt một đời. Và tiểu sử Ngài, với tôi, vẫn là dấu-ấn thánh-thiêng từng đánh động tôi rất nhiều thời, và có lẽ cả những thời/những buổi sau này nữa.

Ấy chết! Dường như tôi vừa quên bẵng đi mất một điều là đã không tự giới thiệu chính mình với bà con người đọc về con người kém cỏi của tôi đây! Rỏ thật đoảng! Thôi thì, giờ đây, tôi xin làm cái việc ấy ngay tức thời, bây giờ nhé.

Vâng. Tên tôi vỏn-vẹn chỉ mỗi hai chữ: Mác-cô, thôi. Các đấng bậc đạo-hạnh/lành thánh lại cứ gọi tôi là “Máccô Thánh-sử”, nghe thế mới tội làm sao! Là độc-giả, hẳn bạn cũng nhớ ra, là: tôi đây, vốn dĩ được nhiều người biết đến, là do tôi đã cả gan viết lên nhiều trang giấy những Tin rất Mừng về bản chất “Người” của Ngài. Mọi người lại cứ đua nhau gọi đó là Tin-Mừng-theo-thánh-Mác-cô, mới đáng sợ. Vâng, nhìn từ góc cạnh nào đó, tôi cứ bị các vị cho rằng: tôi là tác-giả của Tin Mừng ấy. Nhưng thôi, hãy để tôi kể cho các bạn nghe: tôi đây, từng “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mỗi khi nặn từng chữ và từng chữ cho cuốn ấy đó!

Quả là, quí bạn có lòng khoan-dung/độ-lượng lắm mới cho phép tôi khoe-khoang một chút về bản thân mình. Thế nên, nay tôi cũng học cách khoan-dung/lành sạch như thế. Nói cho cùng, tôi là kẻ đi tiên-phong sáng-chế ra lối viết gọi là Phúc âm, tựa như thế. Thế rồi, nhiều vị còn chịu khó tiếp nối công việc viết lách giống như tôi. Các vị ấy, làm cũng được việc lắm. Nhưng riêng tôi, vẫn là người tiên-phong khởi-xướng, công việc này, ngay từ đầu. Sao lại thế, ư?

Vâng. Người thời nay, thường hay chĩa mũi vào đời tư người khác. Nếu bạn đây, muốn biết thêm đôi chút lai-lịch đời tư của riêng tôi, thật cũng khó lòng. Bởi, trí nhớ của tôi nay tàn-tạ cũng nhiều sau bao năm tháng chộn-rộn đến thế, còn gì? Có thể, tôi cũng là người Do thái, La Mã hoặc gia dĩ thuộc giống giòng hào-kiệt xứ Syria, cũng không chừng. Thật tình mà nói, tôi cũng chẳng nhớ gì về mấy chuyện ấy, hết. Tín-hữu thời đầu như tôi, vẫn cứ pha-trộn giống nòi/giòng-tộc như thế. Cộng-đoàn nơi tôi sống, đã bị ảnh-hưởng cũng khá nhiều do truyền-thống của ông Phêrô và Phaolô, từng để lại. Hai vị ấy đều là vĩ-nhân. Và, riêng tôi lại có được cảm-hứng rất nhiều cũng là do từ các tư-tưởng của các ông Phaolô mà các bạn gọi là thánh tông-đồ là thế đấy!

Cộng-đoàn tôi khi ấy, vẫn không là thánh hội như các bạn từng gọi đâu. Có lẽ, bạn nên gọi chúng tôi là “cộng đoàn nhà-thờ” cũng đúng thôi. Bởi, nhóm/hội cộng-đoàn tôi chung sống, phần đông là những người Do-thái ở giai-cấp thấp; và mấy người khác lại cũng là người ngoài đạo như: đám “kinh-doanh”/mậu-dịch, hoặc dân-con chỉ sử-dụng cuốc xẻng, và đám người chuyên hầu hạ kẻ khác, mà thôi. Rất ít người trong chúng tôi là nghệ-nhân hoặc dân có học, hoặc đám người tuyển-chọn trong xã-hội đâu. Thành thử… thành thử… ừ nhỉ!” (xem thêm Lm Michael Gilbert CSsR, Mark my words, The Majellan Family số tháng 10-12 năm 2014, tr. 3-4)

Thế đấy là tự-thuật, lời lẽ của đấng bậc thánh-nhân, có tên tục là Mác-cô. Thế nhưng, xin bạn hãy dừng chân đứng lại đôi ba phút để nghe nghệ-sĩ đời cũng tự-thuật bằng đôi câu hát, vẫn cứ hỏi và hát một đoản-khúc như sau:

“Chiều còn mưa bay,
ướt bước chân mòn lãng du,
ướt áo cho tình thấm sâu.
Ướt đóa môi hồng hững hờ,
Rũ ướt cung đàn,
buồn dâng mây tím giăng ngang,
buồn vương ân ái phai tàn”.
(Ngô Thụy Miên – bđd)

Vâng. Nghệ-sĩ đời thường hay hát thế. Hát rồi, người lại hỏi:

“Mùa Xuân đến chưa em?
Bước chân ai dìu tiếng mưa đêm,
vắng xa chưa giòng tóc mây bay?
Mùa Thu vẫn chưa nguôi giận hờn,
Mùa Ðông vẫn chưa thôi lạnh lùng,
Giòng lá cuốn em mang - trôi dài mãi trôi”.
(Ngô Thụ Miên – bđd)

Vâng. Lời vàng thánh-nhân khi xưa viết, vẫn như “Giòng lá cuốn em mang, trôi dài mãi trôi”. Lá cuốn trôi nghe còn được. Lời thánh-nhân, mà lại cũng trôi/cũng cuốn khiến “em mang”, e rằng hát thế rất không ổn cho cả người đọc lẫn người nghe. Thế nên, nghệ-sĩ hôm ấy lại đã hát thêm nhiều câu khác, hỏi rằng: “Mùa Xuân đến chưa em?” như sau:

“Mùa Xuân đến chưa em?
Bước chân ai dìu tiếng mưa đêm
Vắng xa chưa giòng tóc mây bay?
Mùa Thu vẫn chưa nguôi giận hờn
Mùa Ðông vẫn chưa thôi lạnh lùng
Giòng lá cuốn em mang - trôi dài mãi trôi.”
(Ngô Thụy Miên – bđd)

Tự thuật về Ngài theo kiểu gọi-là-của thánh-sử Mác-cô, là nói cũng khá nhiều về đời và Lời của Thày mình, như hậu-duệ thời nay thêm đôi điều như sau đây:

“Những gì tôi viết ngắn gọn ở trong đó, chỉ là đôi giòng kể để người đọc lẫn người nghe có dịp thưởng-thức chuyện đời hoạt-động của Đức Giêsu, mà thôi. Tôi đây, vẫn muốn cổ-vũ mọi người hãy xác-tín và khai-triển niềm tin mình đạt được, từ nơi Ngài. Thời tôi sống, làm gì có lớp Giáo-lý, để kể những câu chuyện thần-thiêng thánh-hoá ra như thế! Câu truyện về Đức Giêsu-thần-tượng của tôi, hầu hết được các vị thừa-tác mang theo đây đó mà phổ-biến dần cho người chưa từng biết đến. Có những điều, được viết thành câu thành cú, có ý-tứ đầy đủ cả. Lại có những đoạn, những câu trong đó văn-vẻ không mấy gẫy gọn. Thế nên, tôi cố nhặt nhạnh/sắp-xếp thành cú-pháp, kẻo nó lạc mất lúc nào cũng không hay. Sắp xếp sao cho dễ hiểu, để bạn bè của tôi nơi cộng-đoàn kẻ tin dựa vào đó mà truyền sang cho người khác, nữa.

Công việc của tôi, không vì thế mà mọi người cứ tưởng là khá dễ. Nhiều lúc, vẫn thấy căng-thẳng, lại cũng khó hiểu vì chính tính-chất rất “người” của Ngài; vì cả lối sống lẫn ý/lời do Ngài mặc-khải ra ngoài. Một số nguồn-mạch tôi thu-thập, cũng chỉ để định ra rằng: Ngài là Đấng Mêsia đã chiến-thắng thu-hồi lại nguồn tài-nguyên nhân-vật-lực. Có chỗ, chỉ để nói lên sự việc Ngài từng làm như “sự lạ ít thấy” cốt mô tả Ngài là Công-nhân vĩ-đại giống như nhân-vật nọ kể ở phim truyện Harry Potter đa năng/đa dạng, thời hôm nay. Tôi nhất-quyết kể hết sự thật về Ngài. Dĩ nhiên, làm được thế, cũng cần có Chúa Thánh Thần gợi hứng/dẫn dắt, và hỗ trợ nhiều. Dù sao đi nữa, tôi vẫn là người chịu trách-nhiệm về lời kể trong các  trình-thuật mà tôi nghe/biết ngõ hầu đúc-kết, bấy lâu nay…” (xem thêm Lm Michael Gilbert, bđd)

Quả là, lời tự-thuật của sử-gia đầu đời về Lời Chúa cũng từa-tựa như thế. Như thế, tức: tác-giả Mác-cô là người “góp nhặt” và “sắp xếp” chuyên ghi chép các động-thái cũng như Lời vàng của Đức Giêsu, mà cộng-đoàn tiên-khởi hằng tin-tưởng bằng niềm tin không lay chuyển.
Công việc do Mác-cô thánh-sử thực-hiện, không đơn-giản như một số các thần-học-gia Kinh-thánh từng chú-giải. Trong số các vị này, cũng nên kể ở đây một số ý-kiến nổi-bật như sau:

“Vào Đại-hội Giới-trẻ Thế-giới năm 2000, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã tặng cho mỗi người trong số hai triệu người có mặt những hai bản Tin Mừng theo thánh Mác-cô: một để giữ lấy cho mình, cuốn kia để tặng người khác. Trên trang mạng nối-kết toàn-cầu, có đến cả triệu địa-chỉ mạng dành cho thánh Mác-cô. Trong khi đó, thánh Mát-thêu chỉ được có 250 ngàn địa chỉ, và thánh Luca được 150 ngàn địa-chỉ thôi. Riêng Tin Mừng theo thánh Mác-cô là sách được dịch ra số lượng nhiều nhất và dịch ra nhiều ngôn-ngữ nhất thế-giới. Các trình-thuật do thánh Mác-cô ghi, lại cũng được diễn-xuất qua nhiều bản kịch nói nhất; và ngày nay, lại cũng được cho diễn rất nhiều lần, vào những năm tháng gần đây. Cùng một lúc, tác-giả Mác-cô lại chính là người ít được cảm-kích, biết đến. Đồng thời, sứ-điệp mạnh-mẽ và cấp-bách của thánh-nhân lại cũng bị nhiều tín-hữu bỏ qua, chẳng ngó ngàng gì cả.

Mới đây, lại có nhà phê-bình từng bảo: “Về Phúc Âm do thánh Mác-cô viết, có nhiều điều khác với tác-giả Tin Mừng khác. Thánh Mát-thêu thì dẫn-dụ chỉ bảo. Thánh Luca làm hài lòng người đọc lẫn người nghe. Thánh Gioan lại cứ đều đều một giọng điệu khá trầm trầm. Còn thánh Mác-cô ư? Thánh Mác-cô lại khiến mọi người để ý ghi vào tâm-khảm, mà suy nghĩ và thực hiện lời dạy trong đó. Thánh Mác-cô là tác-giả Tin Mừng từng kích-hoạt người đọc đầy kịch-tính nhất trong 4 Tín Mừng cả thảy…” (Loren Rosson)

Có nhà phê-bình Kinh-thánh nọ từng gọi thánh Mác-cô là nhà thần-học của sự mỏng dòn/dễ vỡ, nữa đấy!” (Yves Bourquin) (Xem thêm Lm Kevin O’Shea, Some Recent Insights Into the Gospel, Ausralian Catholic University workshop 02/9/2006, tr.6)

Ở một đoạn khác, diễn-giả trên lại cũng viết tiếp:

“Đọc Tin Mừng theo thánh Mác-cô, người đọc và nghe không hề thấy có chương/đoạn nào viết về thời thơ-ấu của Đức Giêsu hết. Nơi Tin Mừng này, ta gặp gỡ Ngài như bậc Niên-Trưởng tham-gia vào các vấn-đề quan-yếu của cuộc sống. Tác-giả Mác-cô giữ kín lai-lịch của Đức Giêsu. Ngài không thực-hiện các “sự lạ ít thấy” để minh-xác Ngài là Đấng Cao-cả. Ngài chấp-nhận mọi hiểm-nguy và luôn tạo nguy-hiểm cho uy-quyền trần-thế và cả sự sống để mang lại sự giải-thoát rất có tính hiền-lành/tử-tế của sự sống, tức: Vương Quốc Nước Trời cho người khác, dù việc ấy có mang đến cho Ngài nhiều bách-hại và cả đến nỗi chết nữa. Đức Giêsu ở Tin Mừng theo thánh Mác-cô, là Đấng không có uy-quyền nào trên chúng-dân thời đó hết. Ngài có uy-quyền trên hết mọi sức lực bất-nhân vốn dĩ chỉ muốn kiểm-soát con người mà thôi…” (xem thêm Lm Kevin O’Shea CSsR, bđd tr. 14)

Tựu-trung thì, có kể ra hay trích-thuật, cũng chỉ như thánh-nhân là người đầu-tiên từng làm công việc như thế ấy bằng vào lời khẳng-định ở đầu bài, như sau:

“Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô,
Con Thiên Chúa:
Trong sách ngôn sứ Isaya có chép rằng:
Này Ta sai sứ-giả của Ta đi trước mặt Con,
người sẽ dọn đường cho Con.
Có tiếng người hô trong hoang địa:
Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa,
sửa lối cho thẳng để Người đi.”
(Mc 1: 1-3)

Có tự-thuật hoặc ghi chép, kể lể nhiều điều cho chúng-nhân nghe, vào thời buổi này có lẽ cũng như người kể về sự-kiện tràn lan thời khoa-học vi-tính, như lời người mẹ dặn đứa con nào đó, những lời dặn sau đây:

“Con yêu,
Hiện tại, hẳn con rất tự-hào và phấn-kích khi đã trở-thành chủ cái iPhone. Điều này thật tuyệt, phải không con?! Con là cậu bé 13 tuổi tốt bụng và có trách-nhiệm, vì vậy, nhận món quà này là hoàn-toàn xứng-đáng. Nhưng, để sử-dụng nó, con phải tuân theo quy-tắc nhất-định. Hãy đọc kỹ những “luật” sau đây:

Con yêu,
Tất cả mong ước của mẹ là con sẽ trở-thành chàng trai khoẻ mạnh, có thể làm chủ công-nghệ chứ không phải là nô-lệ của nó. Nếu con thấy khó khăn trong việc tuân theo luật-lệ mẹ đưa ra, đồng-nghĩa với việc con mất quyền sở-hữu cái iPhone này!

Mẹ rất yêu con và mong chờ nhiều thật nhiều tin nhắn sắp tới của con từ chiếc iPhone này. Con đừng nặng-nề với những điều-khoản dưới đây! Nó chỉ là những bài học làm “kim chỉ nam” cho con trong cuộc sống.

1.    Cái điện-thoại này là của mẹ. Mẹ đã bỏ tiền mua nó. Mẹ chỉ đang cho con mượn thôi. Như vậy là Mẹ quá tốt rồi, phải không?
2.    Mẹ luôn biết mật-khẩu (password).
3.    Nếu có người gọi đến, con hãy nghe. Hãy nói “Hello!” và luôn có thái-độ đúng mực. Không bao giờ được phớt lờ cuộc gọi đến từ bố mẹ.
4.    Trả lại điện-thoại cho bố/mẹvào 7h30 tối hàng ngày và 9h tối vào cuối tuần. Điện-thoại của con sẽ tắt vào ban đêm và chỉ được mở lại vào 7h30 sáng. Hẳn con không thích ai gọi điện cho bạn vào ban đêm lại nghe thấy tiếng bố/mẹ bạn ấy trả lời?! Hãy học cách tôn-trọng khoảng thời-gian riêng của người khác để con cũng được tôn-trọng.
5.    Không được mang điện-thoại đến trường. Hãy trò chuyện trực-tiếp với người con định nhắn tin nếu có cơ hội. Giao-tiếp là một kỹ-năng quan-trọng trong cuộc sống. Tin nhắn có thể giúp con kết bạn để duy trì nó, cần nhất sự chân-thành.
6.    Nếu điện-thoại rơi vào WC, rơi xuống đất và hư hỏng hay bị mất… con phải chịu trách-nhiệm hoàn-toàn cho việc sử-chữa, đền bù. Vì đó là lỗi của con nên bất kỳ ý-định xin xỏ nào, mẹ cũng tuyệt-đối không chấp-nhận. Con có thể kiếm tiền bằng các vật như: cắt cỏ, trông em, dọn nhà…
7.    Không được dùng phone để nói dối hay lừa lọc người khác. Không được nhắn tin hay gửi email có tính khích-bác hay sỉ-nhục ai đó. Gây tổn-thương cho người khác thì một ngày không xa con sẽ phải trả giá đắt.
8.    Điện-thoại là để con giữ-gìn và củng-cố mối quan-hệ. Không phải để xem phim “đen” hay vào những trang web “bẩn” học điều xấu. Tất cả nội-dung tìm-kiếm trên web cần phải chia sẻ với bố/mẹ. Bố/mẹ quản-lý con quá chặt? Đừng nghĩ thế, con yêu! Là bố mẹ đang “bảo vệ” con và muốn dành điều tốt nhất cho con.
9.    Tắt máy hoặc để mode “im lặng” khi con đang trong nhà hàng, rạp chiếu phim. Đừng để iPhone biến con thành người thô-lỗ!
10.  Không được gửi hay nhận hình ảnh “khoe thân” nhạy cảm của con hoặc người khác. Nếu con không nghe lời thì dù thông-minh đến đâu cũng có ngày con bị cám dỗ và làm những việc phải hối-hận cả đời.
11.  Không cần thiết phải chụp/quay quá nhiều video, Sự trải-nghiệm, cảm-nhận mọi thứ và bài học/kiến-thức rút ra mới là quan-trọng nhất.
12.  Thỉnh thoảng hãy quăng điện-thoại đi mà vui sống. Đừng để điện-thoại ràng buộc, chi phối thời-gian của con. Hãy học cách sống thiếu nó!
13.  Đừng chỉ chăm chăm cúi đầu vào điện-thoại khi ngồi cùng bạn bè/người thân. Có những khoảnh-khắc quí-báu mà con sẽ đánh mất đấy! Hãy nhìn ngó xung quanh, con sẽ nhận thấy cuộc sống thật nhiều điều thú vị và tươi đẹp.
14.  Nếu không tuân-thủ những “luật lệ” trên, mẹ sẽ đòi lại điện-thoại . Chúng ta sẽ ngồi nói chuyện và bắt đầu lại từ đầu. Mẹ luôn bên con”. (Người trích dịch: Sưu-tầm)

Phải chi có những vị, những người cha/nguời mẹ nói cho con cái hoặc nói cho nhau nghe về cung-cách sống thực Tin Vui An Bình, thời mình. Phải chi, có đấng bậc vị vọng ở nhà Đạo mình từng trích-dẫn Lời thư của vị thánh hiền lành từng dẫn-dụ bà con trong Đạo những lời lẽ như sau:

“Anh chị em biết đấy! khi ở với anh chị em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu-ích cho anh chị em. Còn anh chị em, anh chị em đã bắt chước chúng tôi và noi gương Chúa” (1 Th 1: 5)

Đó mới là, cốt lõi của việc sống Đạo trong đời sống. Sống, bằng cách “bắt chước chúng tôi và noi gương Đức Giêsu…”
Sống bắt-chước Chúa, bằng việc “rao báo Tin Vui An Bình nơi Lời Chúa. Chứ không bằng việc khuyến-dụ người ngoài Đạo trở-thành Công-giáo. Mà là: dẫn-dắt họ tìm đến Chúa, qua yêu thương/giùm-giúp những người sống chung quanh mình…”  (xem thêm Lm Frank Doyle, Suy Niệm Lời Ngài năm A, Chúa Nhật thứ 30 thường niên năm A, nxb Tôn Giáo 2012 tr. 206)
Đó mới là truyền giáo theo đúng nghĩa. Truyền giáo, không là dụ dỗ người ở ngoài phải hồi-hướng-trở-về mà đi theo Đạo mình. Truyền-giáo, vẫn là và còn là rao báo cho nhau những Tin Vui An Bình mình sống. Mình chỉ sống Tin Vui ấy, nếu vẫn theo lời dạy của Bậc Trên, như một trải-nghiệm về cuộc sống rất An Vui, đầy tin tốt.
Thế đó, là chuyện phiếm đường dài ngày hôm nay, xin được gửi đến bạn và đến tôi, như một cảm-nghiệm trong đời, có cuộc đời đầy vui thú. Vui thú rất nhiều, để rồi bạn và tôi, ta sẽ hiên ngang mà hát lên những lời mà nghệ-sĩ đời từng vẫn hát:     

“Một hôm gió Xuân sang,
Mây lang-thang cài tóc em mang.
đến thăm em chiều nắng miên-man.
Rồi Thu đến sao em giận-hờn.
Rồi Ðông đến sao em lạnh-lùng.
Ðường phố vắng thênh-thang ru buồn gót chân”.
(Ngô Thụy Miên – bđd)

Đường phố hôm nay có “vắng thênh-thang ru buồn gót chân”, lần thần như thế, cũng chỉ vì em nhỏ của tôi/của bạn đã quên đi nhiều lời căn dặn để đời, rất quí giá.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ mong  
Cho chính mình sẽ không quên
những lời dặn
có Tin Vui An Bình
vào mọi thời.

No comments: