Saturday, 6 April 2013

“Trời còn làm mưa vùi trên nỗi đau,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ Tư Phục Sinh Năm C 21-4-2013

Trời còn làm mưa vùi trên nỗi đau,”
“Lời ru ấy mãi cho u sầu.
“Bàn chân nuối tiếc thương lạc loài,
“Trời còn làm mây buồn qua mắt ai.”
(Ngô Thụy Miên – Mắt Thu)
(Rm 14: 16-17)
            Vâng. “Mắt Thu”, mà bần đạo mạn bàn ở đây, hôm nay, không là “mắt ướt mùa thu: của tiên giáng trần nào đó, mà chỉ muốn nói đến tâm tình, cùng trạng huống của các cụ đang đi vào tuổi “Mắt Thu”, tức vào lúc tuổi đời có nước mắt chảy xuống nhiều như mùa Thu, thôi!
            Bàn về tuổi đời đầy “Mắt Thu” này, không gì bằng ta cứ bàn và cứ luận về lời thơ/câu ca lã chã, đầy tình tiết như sau:

“Giận hờn ngày xưa còn vương mắt em,
Làn môi thắm hết ru bao chiều,
Vùng ân ái chết trong mây hồng.
Một lần vào thu mình đang có nhau,
Hàng cây lá rớt trên mi thường,
Và tay trắng đan tình với tay.”
(Ngô Thụy Miên – bđd)

            Nếu bạn và tôi, ta chỉ mỗi trích dẫn lời ca/ý nhạc thôi, thì chắc hẳn lời lẽ thơ văn ta mạn bàn sẽ đẹp như tiên giáng trần, chẳng cần gì thêm. Đằng này, bàn về tuổi tác lác đác những “Mùa Thu” với “Mắt Thu”, là bàn về những chuyện sầu buồn đang xảy đến với giới chức/đấng bậc không còn trẻ nữa, và khi đó tôi và bạn, ta lại sẽ thấy vấn đề, ở ngay trước.
            Vấn đề ở trước mắt, là vấn đề bắt gặp được vào những ngày kịp nghe tin Đức Giáo Hoàng Biển Đức thứ 16 thông báo ngài sẽ từ chức vì lý do sức khoẻ, thì sau đó, lại có bài báo trên mạng, viết về lập trường của vị Bộ trưởng Tài Chánh người Nhật là ông Taro Aso có nói với Hội đồng Cải cách An sinh Xã hội đôi lời mạnh bạo như sau:

“Thiên đàng sẽ cấm cửa không cho quý ngài vào, nếu quý ngài buộc phải sống thêm nhiều tháng ngày hơn nữa, khi mình chưa muốn chết. Buổi sáng thức dậy, tôi thấy mọi sự vẫn cứ tệ hại hơn, khi biết rằng việc chữa chạy cho cơ-thể-nay-đã-già của tôi, lại do chính phủ đài thọ hết mọi thứ. Thành thử, khó khăn tài chánh sẽ không giải quyết cho thoả đáng trừ phi quý ngài hối thúc các vị cao niên/tật bệnh hãy nhanh chân đi vào cõi chết, cho đỡ phiền.” (xem Marcus Roberts, Hey! Old People! Stop Being a Burden on The Rest of Us, MecatorNet 19/2/2013)

            Tệ hại hơn, khi lời bàn của vị đại diện chính phủ Nhật Bản ở trên không muốn trả tiền cho người già/yếu sẽ không giải quyết ổn thoả, nếu “Các vị ấy không nhanh chân lên mà chết tốt”.
            Nhật báo The Guardian ở Anh, lại bàn tiếp: lời của vị bộ trưởng ở trên, lại đã mang tính “xỉ vả” người già làm cho vấn đề tài chánh/an sinh của chính phủ càng thêm rối rắm; chí ít là khi con số người có tuổi trên 60 đang sống ở các nước có khó khăn về kinh tế, vẫn sợ rằng khó khăn ấy sẽ gia tăng đến 40% tính bình quân trong vòng 50 năm nữa.
            Nhưng, vấn đề không phải như thế. Vấn đề là ở chỗ: sự thật ở trên lại do ông bộ trưởng người Nhật vừa mới nhậm chức nhưng nay cận kề cập tuổi 72, thế mới chết. Còn vấn đề khác nữa, là: có sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết an sinh cho người già, không phát xuất từ người nói mà lại do người nghe cứ hiểu khác đi. Trong số những người hiểu cách khác, nổi bật nhất, có ý kiến sau đây:

“Điều trớ trêu mà tôi nhận ra được từ phát biểu của ngài bộ trưởng, là ông đã thốt ra lời vào thời khắc không thích hợp với vua quan, lãnh chúa, hết mọi người. Tôi thông cảm là ông chỉ phát biểu ý kiến của riêng mình về một chọn lựa chính trị hơi khe khắt, chỉ thế thôi”;

Và ông bộ trưởng rất tài và cũng rất chánh, lại đã sửa sai lời mình nói, như sau:

“Điều tôi nói, là nói những gì tôi suy nghĩ theo ý riêng chứ không cố ý bảo rằng hệ thống chăm sóc sức khoẻ cho người đang đi vào đoạn cuối cuộc đời, phải ra như thế đâu. Điều quan trọng, là quý ngài có khả năng sống những tháng ngày cuối đời mình một cách an bình hài hoà hay không, mới là vấn đề.” (x. Marcus Roberts, bđd)

            Ít ra thì, cuối cùng “ông bộ trưởng” người Nhật nói như thế còn nghe được, chứ cứ thẳng ruột ngựa như lời bàn của báo chí, làm sao nuốt?
            Có những tình huống trong đời, thật khó sống và có những lời bàn cũng chẳng dễ nuốt chút nào, nhưng ý/lờitựa hồ ca từ của nghệ sĩ đã diễn tả ở trên và ta nghe cũng nhiều lần, như:

“Em có nhớ không, một lần khi lá thu bay
Là lần em đến thăm tôi…
Em có nhớ không, một lần khi gió heo may
Mình ngồi đan giấc mơ say, giận hờn sao vẫn chưa phai.”
(Ngô Hụy Miên – bđd)

Nói rộng hơn, thì: đời người xưa nay, đâu cần dựa vào lời của ai đó, mà chỉ cần đặt căn bản vào tình người đối với nhau và với các vị cao niên đang sống với mình hoặc ở gần mình, dù các đấng ấy có quan hệ giòng họ với mình hay không, thôi.
Nói rộng hơn đôi chút, còn là nói thêm và hát thêm lời ca của nghệ sĩ ở trên để thêm ý tưởng mà bàn nhiều hơn nữa. Nói và hát, là hát và nói những lời sầu đau nhè nhẹ đến rất mau, như sau:

“Và rồi mùa thu về trong mắt em
Hàng cây lá úa xanh xao nhiều
Vòng tay khép kín đôi mi nồng
Chuyện mình ngày xưa đành xin lãng quên
Cuộc tình đã chết theo thu tàn
Người về đấy xin chọn giấc mơ.”
(Ngô Thụy Miên – bđd)

Nói và hát rồi, giờ đây ta đi sâu vào phần lạm bàn có ý kiến/ý cò của nhiều vị tai to mặt lớn “trong làng” từng bày tỏ, như:

“Nam Hàn, lâu nay nổi tiếng là con rồng xanh đỏ về kinh tế, hoặc từng có nữ vận-động-viên chơi golf, ai cũng biết. Nhưng có điều ít người biết tới, là: đất nước này đang làm một điều chưa hay/chưa đẹp cho lắm, đó là: việc chăm sóc các vị cao niên của mình. Giá trị gia đình theo nho học ở Châu Á đang trên đà phá sản khi xã hội ở các nước có truyền thống này đang thi nhau tập trung vào các thành-tựu kinh-tế và cá thể, nhiều hơn trước.

Theo bài báo xuất hiện trên tờ New York Times mới đây, thì “hợp đồng xã hội” theo kiểu Khổng Phu Tử xưa nay xây dựng trên mặt bằng thật vững chắc, cho rằng: bậc cha mẹ quyết làm bất cứ thứ gì để lo cho con cái mình có được nhiều thứ  –lâu nay đã và đang tự băng hoại cuộc sống và lỡ tiết kiệm chuyện ăn mặc của riêng mình, hầu giúp con cái được học hành tử tế-- nhưng cuối cùng, các vị lại đã kết thúc cuộc đời chỉ mỗi vào việc chăm sóc con cháu mình, mà thôi. Họ chẳng cần gì hệ thống an sinh xã hội; và, viện dưỡng lão ở đây cũng đã thưa thớt dần…

Hiện tượng giới trẻ Nam Hàn từ thôn làng xa xôi nhỏ bé kéo nhau về thị thành ùn ùn như nước chảy trong mấy thập niên vừa qua, khiến họ phải quần quật làm việc nhiều hơn nữa trong môi trường cạnh tranh thi đua, cốt tạo nên phép lạ cực kỳ đẹp đẽ cho hệ thống kinh tế của quốc gia họ. Cũng từ đó, bậc cha mẹ có tuổi đã bị bỏ lại đằng sau, không ai chăm sóc. Chính vì thế mà, nay đang có hiện tượng các vị cao niên xứ này đang sống trong tình trạng cực kỳ đói khổ tại các vùng sâu/vùng xa, buồn bã như thành phố ma, đầy chết chóc.

Mới đây, một cụ bà 78 tuổi đã đến trước trụ sở quốc hội Nam Hàn mở chai thuốc độc ra uống ừng ực vào bụng, để phản đối chuyện tiền an sinh/cấp dưỡng của cụ bị cắt bỏ. Giới cầm quyền lại đáp trả rằng: họ không thấy có bổn phận phải hỗ trợ cho cuộc sống của cụ, vì con rể cụ đã tìm được việc làm. Xem ra, hiện trong số các cụ có tuổi đời trên 65 đang tìm cách tự kết thúc sự sống nay gia tăng gấp bốn lần kể từ năm 2000 đến 2010, tức đang từ con số 1,161 cụ lên đến 4,378 cụ. Kể từ những ngày buồn thảm ấy, cộng thêm vào tình hình đó, lại xuất hiện cuốn tiểu thuyết mang tựa đề “Hãy trông nom Mẹ Già của tôi đi!” đang trở thành một trong các tiểu thuyết bán chạy nhất nước Đại Hàn, trong nhiều năm.” (x. Carolyn Moynihan, Korea’s Elderly Turn to Suicide as Family Bonds Fray, MercatorNet 21/02/2013)

            Càng kể thêm nhiều trường hợp của các cụ già khó sống ở các nơi, càng làm cho các đấng cao niên, thích đọc sách/xem phim để giết thì giờ còn lại, càng thấy ngán ngẫm thêm. Ngán và ngẫm, vì con cái các cụ phải lo cho đàn con nheo nhóc đã thấy mệt, còn đâu hơi sức để nhớ đến bố mẹ già, nữa chứ?
            Về lại tình trạng “già nua” của Hội thánh, nhân có sự kiện từ nhiệm của Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16, người đọc ở khắp nơi nay cũng thấy: Hội thánh mình đã có vấn đề về chuyện sống sao cho sinh động/hấp dẫn do số tuổi của các vị cầm đầu Giáo triều nay lên cao. Nói khác đi, thì: nhu cầu trẻ trung hoá  -ít là về lập trường tư tưởng- trong giáo triều đã được nêu lên, rất nhiều lần. Qua nhiều thời đại, chứ không chỉ từ ngày có Công Đồng Vatican II, mà thôi.
            Từ thời tiên khởi, thánh Phaolô cũng từng nhắn nhủ người của Hội thánh, như sau:

“Vậy đừng để cho thiên hạ chê bai
điều mà anh em cho là tốt.
Vì Nước Thiên Chúa
không phải là chuyện ăn chuyện uống,
nhưng là sự công chính,
bình an và hoan lạc trong Thánh Thần.”
(Rm 14: 16-17)

            Bỏ qua một bên phần bình luận về lời nhắn nhủ của đấng thánh hiền nhà Đạo, để bạn và tôi, ta có thì giờ mà tìm đến với nhận định của các đấng bậc vị vọng trong thánh hội, hôm nay.
            Một trong các đấng bậc vị vọng ấy, từng viết những giòng suy niệm rất chí lý sau đây:

“Những năm về sau này, thánh Phaolô từng cảnh báo dân con nhà Đạo về cung cách nệ cổ, xưa cũ của lề luật. Như: lề thói cắt bì, và những tập tục thông thường khác của người Do thái. Trong thư gửi giáo đoàn Galát, thánh-nhân còn nói rõ: Anh em đã được giải phóng thật sự rồi, sao vẫn còn muốn trở về với lề thói xưa cũa ấy?

Khuynh hướng như thế, hiện đang xuất hiện khá nhiều trong hội thánh hôm nay. Nhiều vị trong thánh Hội vẫn muốn vặn ngược kim đồng hồ, để trở về với quá khứ. Các vị cứ muốn làm sống lại các thói tục cổ xưa. Và, còn ép buộc người khác áp dụng nó nữa. Những người như thế, có khuynh hướng dẫn đưa Hội thánh đi vào đoạn kết, một cuộc đời. Hội thánh trước nhất là cỗ xe. Là, phương tiện chuyển tải kinh nghiệm yêu thương của Đức Chúa trải dàn đến với mọi người. Và, Hội thánh muốn sống trung thực có Thần Khí Chúa ở cùng, cũng nên mở lòng mình ra với thế giới. Bởi, như thần-học-gia nọ có lần viết: “Thế giới nay đang viết lịch trình để Hội thánh mình ngang qua.”

Chính vì Hội thánh biết nghe và biết nhìn vào tình cảnh của những người không phải là Do thái đã hồi hướng trở về, nên Hội thánh biết rằng mình đang được Thần Khí Chúa dẫn dắt. Một khi Hội thánh tự đóng kín lại thành nhóm người được tuyển chọn rồi cứ ngồi ở trên mà phán xuống cho thế giới thi hành, thì khi ấy Hội thánh không còn là thánh hội, do Chúa thiết lập nữa.” (x. Lm Frank Doyle sj, Suy Niệm Lời Ngài)

            Ngoài ra, có vị lại vin vào các hành xử sai trái của một số giáo sĩ ở vài nơi để gán cho Hội thánh cái tội lòng vòng, không dứt khoát, rồi đặt vấn đề:

“Kể từ ngày có sự việc Giuđa Iscariốt bán Chúa, phản Thầy, các hành xử đầy sai phạm của một số giáo sĩ trên thế-giới đã làm phiền lòng Hội thánh. Thế nhưng, thẩm quyền đạo đức của Hội thánh không dựa trên hành xử của cá nhân nào trong hàng ngũ giáo sĩ và/hoặc giáo phẩm, nhưng dựa trên sứ điệp của Đạo. Sứ điệp ấy, là Lời dạy của Đức Kitô nếu được tuân giữ, cuối cùng rồi cũng giúp đỡ con người vượt qua mọi sơ xuất của chính mình để đạt tình trạng lành thánh. Cho đi là con người luôn yếu đuối thấy rõ, điều làm mọi người ngạc nhiên không phải là hỏi rằng có bao nhiêu vị giáo sĩ từng sa ngã mà là con số ấy ít như thế nào. Từ góc cạnh thần học nào đó, cả trăm cả ngàn người phạm lỗi đã chứng minh rằng Hội thánh vẫn là con người bằng xương bằng thịt như bất cứ thể chế nào khác, trên thế giới. Và, có vị thánh hiền nhà Đạo từng chứng minh rằng điều đó chứng tỏ Thần Khí Chúa đã và đang hiện diện với Hội thánh, trong Hội thánh….

Tác giả Ruth Grant thuộc Đại Học Duke có lần tuyên bố trong cuốn sách do bà viết về đề tài “Giả Hình và Chính Trực”, rằng: “Làm điều phải lẽ, đôi khi cũng đòi nhiều nhượng bộ. Một số nhượng bộ có thể thực hiện được mà chẳng cần nhượng bộ các chính trị gia nào hết. “Làm điều phải lẽ” cũng có thể đòi mình phải dối trá hoặc có tư thế nào đó về đạo đức, hoặc cả hai. Lại cũng có loại giả hình được chấp nhận hoặc khen thưởng cách tuyệt vời nữa là khác.(xem Michael Cook, Scotland’s Spiritual Scandal, MercatorNet 9/3/2013)

            Nói về Hội thánh trong lúc này, mà lại đề cập chuyện “Chính trực và Giả hình” theo kiểu nhà mô phạm, có lẽ cũng phải mất khá nhiều trang giấy. Thôi thì, đề nghị bạn đề nghị tôi, ta về lại với thi ca/âm nhạc để có thêm nhiều giây phút tưởng nghĩ về giòng chảy tâm tình, nhiều người hát:

            “Làm tan biến giấc mơ hoang đường
Rồi buồn trôi theo giòng mưa xuống.”
(Ngô Thụy Miên – bđd)

            Nghĩ lại rồi sẽ thấy, giấc mơ về Hội thánh không phải là “giấc mơ hoang đường” bị tan biến, thế cho nên, ta cũng chẳng sợ sự việc “trôi theo giòng mưa xuống”, cũng rất buồn. Thật ra thì, có buồn hay sợ tan biến cho lắm, thì Hội thánh vẫn là thế. Vẫn là hội của các vị tuy là thánh những vẫn còn là người, với niềm vui, nỗi buồn.
            Nghĩ đến đây, bất chợt bần đạo nhận được một truyện kể, do bạn bè/người thân đề nghị sử dụng là câu truyện để mình hoạ cho tình thế của Hội thánh, thời bây giờ. Truyện để kể, như sau:

“Có thanh niên nọ lên núi tìm kiếm sĩ lừng danh để học về kiếm thuật. Anh hỏi vị sư phụ đang dạy mình, rằng:         
-Thưa thày, nếu con luyện tập chuyên cần thì phải bao lâu mới thành kiếm sư?
-Có lẽ đến 10 năm!
-Cha của con nay đã già và con phải chăm sóc ông. Nếu con luyện tập chuyên cần hơn nữa, thì mất bao lâu?
Sự phụ của thanh niên ấy suy nghĩ một lúc, rồi nói:
-Trường hợp này, có lẽ phải mất 30 năm.
Anh thanh niên không giấu được vẻ nôn nóng, bèn nói tiếp:
-Trước, thì thầy bảo phải 10 năm, bây giờ lại 30 năm. Con sẽ vượt qua mọi trở lực để nắm vững kiếm thuật với thời gian ngắn ngủi nhất.
-Thế thì anh cần phải ở lại đây 70 năm nữa…
Vị sư phụ cứ thế mỉm cười nhìn đệ tử nôn nóng ra đi.”

Kể xong câu truyện về tính nôn nóng của người đệ tử muốn thành đạt rất mau chóng, người kể bèn có lời bàn thêm rằng: Học kiếm thuật mà người thầy còn đòi đệ tử mình phải có sự kiên nhẫn đến như thế, huống hồ chuyện Hội thánh cần nhiều thời gian và huệ lộc để tu luyện con dân mình, còn gay go đến thế nào. Thế nhưng, vẫn còn đó, con đường dài để mọi người mở rộng lòng mình ra mà đón Thần Khí Chúa đến với mình mà tu luyện. Rất nhiều năm.
Nghĩ thế rồi, tưởng cũng nên mời bạn/mời tôi, ta nghe tiếp đôi câu trong bài hát vừa trích dẫn để lại suy thêm về tình người, tình mình, rất như sau:
 
“Em có nhớ không, một lần khi lá thu bay
Là lần em đến thăm tôi…
Em có nhớ không, một lần khi gió heo may
Mình ngồi đan giấc mơ say, giận hờn sao vẫn chưa phai.”
(Ngô Thụy Miên – bđd)

            Nghe và hát thế rồi, bần đạo lại sẽ tiếp tục nhìn về phía trước, sẽ thấy đời mình và đời của thánh hội còn trải dài trước mắt, nhiều nhắn nhủ. Rất như thế.
            Trần Ngọc Mười Hai
            Đôi lúc thấy mình cũng nên
            tự nhắn nhủ mình
            bằng giòng chảy tư tưởng ra như thế.

No comments: