Chuyện
Phiếm đọc trong tuần thứ hai Phục sinh năm C 07/4/2013
“Trong đôi mắt anh, em là tất cả,”
“Là nguồn vui là, hạnh phúc anh dấu yêu.”
(Đức Huy - Như Đã Dấu Yêu)
( Ga 13: 35)
“Em là tất cả”,
là “nguồn vui” và là “hạnh phúc anh dấu yêu”, ư? Lời ở trên,
phải chăng là lời trần tình của vị truởng thượng trong Hội thánh vừa gửi đến
toàn thể dân con nhà Đạo, như một nhắn nhủ rất chân tình?
Nhắn nhủ
này, nay còn gộp cả giòng chảy có ý/lời cũng rất nhẹ, ở bên dưới:
“Anh sẽ cố quên khung
trời hoa mộng
Ngày hè bên em tình mình đến rất nhanh
Em sẽ cố quên lần đầu mình đến bên nhau
Nồng nàn như đã dấu yêu từ thưở nào.”
(Đức Huy – bđd)
Vâng. Đúng thế. Đến với thánh hội để
gửi gắm/nhắn nhủ những lời vàng của bậc chủ chăn, vẫn là động thái cũng rất
tình, như bao giờ. Lời vàng từ bậc trưởng thượng có trách nhiệm chăn dắt hơn
một tỷ người, vẫn hàm ngụ thêm một tình tiết rất da diết, như:
“Anh đến với em với
tất cả tâm hồn
Em đến với anh với tất cả trái tim
Ta đến với nhau muộn màng cho đớn đau
Một lần cho mãi nhớ thương dài lâu.”
(Đức Huy – bđd)
Hôm nay đây, ở trời Tây bên đó, lại
cũng có tình huống diễn tả tâm tình “đến
với nhau muộn màng”, nhưng không “đớn đau”. Đến với nhau, một lần “cho mãi nhớ thương dài lâu.”
Hôm nay đây, sự kiện đăng quang Giáo Hoàng của Đức Phanxicô đệ Nhất hôm
19/3/2013 cũng đã có âm vang rộn ràng khắp chốn, được báo đài/truyền
thông chuyển tải nhiều chi tiết, rất độc đáo:
“Đức Giáo Hoàng Phanxicô đệ Nhất đã chúc mừng và khen ngợi 6,000 phóng
viên được ủy nhiệm đến Rôma để tường thuật về cơ-mật-viện và cuộc bầu cử Giáo
Hoàng. Ngài đã giải trừ họ bằng nụ cười mỉm nhẹ nhàng, dễ thương và chuyển đến các
vị này một thông điệp sâu sắc, trực tiếp đi thẳng đến họ nhưng êm đềm. Đức Giáo
Hoàng nói với họ, rằng:
“Vai trò của truyền thông đại chúng
trong những năm gần đây đã phát triển rộng rãi đến độ nó trở thành phương tiện
thiết yếu ngõ hầu cho thế giới biết về các sự kiện đã diễn biến trong lịch sử
hiện giờ. Chính vì thế, mà tôi đây hôm nay, muốn gửi đến quý vị lời cảm tạ đặc
biệt về sự việc quý vị đã tường trình theo qui cách chuyên nghiệp trong những
ngày này. Quý vị đã thực sự việc rất đắc lực, phải thế không? Bởi, khi mọi con
mắt của thế giới, chứ không chỉ mỗi người Công giáo, đều dồn về Thành Đô Vĩnh
Cửu này và đặc biệt ở nơi này, ngay trung tâm đây, có mộ phần của thánh cả
Phêrô ở bên dưới. Trong mấy tuần vừa qua, quý vị đã cung cấp thông tin về Đức
Thánh Cha và Hội thánh, về các nghi lễ và truyền thống, về niềm tin yêu và trên
hết mọi sự, về vai trò của Giáo Hoàng và các cộng sự viên.
Tôi đặc biệt biết ơn những vị đã chứng
kiến và trình bày các sự kiện lịch sử Hội thánh theo cung cách nhạy bén, trực
chỉ bối cảnh trong đó mọi người cần nhận rõ thế nào là niềm tin. Các sự kiện
lịch sử hầu như lúc nào cũng đòi một sự diễn giải mang sắc thái mà nhiều lúc
cũng chú trọng đến chiều kích của niềm tin. Các sự kiện trong Đạo chắc chắn không
đến nỗi phức tạp hơn các biến cố chính trị và kinh tế. Nhưng nó cũng có sắc
thái đặc biệt cần ta nhấn mạnh là đang theo kiểu không sẵn sàng đáp ứng với các
phạm trù trần thế mà ta quen sử dụng. Thế nên, thật không dễ để ta diễn giải và
thông chuyển các điều đó cho quảng đại quần chúng, vẫn đa dạng. Hội thánh, là
thể chế mang tính con người lịch sử vốn bao hàm tất cả những chuyện như thế.
Chí ít, là bản chất Hội thánh không nhất thiết mang tính cách chính trị, nhưng
linh đạo…”
Chừng như,
khi đã thông truyền với giới truyền thông rồi, đấng bậc trưởng thượng lại đã có
hứng để nói đôi điều cho báo/đài biết thêm:
“Một số bà con lại muốn biết tại sao đấng chủ quản Giáo phận Rôma thích
được mọi người gọi mình bằng tên Phanxicô Đệ Nhất. Có người nghĩ: đó có thể là
thánh Phanxicô Xaviê, hoặc Phanxicô đệ Lasan. Cũng có người liên tưởng đến
thánh Phanxicô thành Assisi. Thôi thì, để tôi kể cho nghe chuyện xảy ra mới đây thôi.
Trong quá trình bầu bán, tôi ngồi cạnh Đức Tổng Giám Mục chủ quản Giáo
phận Sao Paolô và vị Tổng quản thánh bộ Giáo sĩ là Hồng Y Claudio Hummes, ofm
cả hai đều là bạn thân thiết của tôi.
Khi chuyện bầu bán đã đến hồi căng thẳng, vị này đã khích lệ tôi ghê
lắm. Và, khi số phiếu đã đạt kết quả 2/3 rồi, mọi người bắt đầu vỗ tay vì đã có
Giáo hoàng mới. Và, hồng y này đã tới quàng vai ôm hôn tôi rồi nói: “Này! đừng
quên người nghèo đấy nhé!” Và, cụm từ “người nghèo”, “người nghèo” cứ thế lẩn
quẩn bên tai tôi. Thế rồi, ngay lúc đó, tôi đã nghĩ đến thánh Phanxicô thành Assisi. Bởi, thánh-nhân là
người của giới nghèo. Và cứ thế, trong lúc diễn tiến cuộc bầu cử cho đến phút
chót, tôi vẫn nghĩ đến các cuộc chiến xảy ra ở nhiều nơi. Mà, thánh Phanxicô
đích thực là người của hoà bình. Đó là sự thể về tên gọi Phanxicô thành Assisi đã đến với tâm trí
tôi là như thế. Với tôi, ngài là người của giới nghèo, của hoà bình, tức một
người luôn yêu thương bảo bọc mọi thụ tạo. Quý vị chắc thừa biết rằng ngày hôm
nay, ta không có được quan hệ tốt đẹp với mọi thụ tạo, phải thế không? Và,
thánh Phanxicô là người đem đến cho ta tinh thần hoà bình. Ôi vị thánh nghèo!…
Xem như thế, đủ biết là tôi rất muốn Hội thánh mình trở nên nghèo và
sống cho người nghèo. Và sau đó, có người đến nói đôi câu diễu cợt bảo rằng:
Không được. Ngài phải chọn tên Clêmentê mới được. Tại sao ư? Gọi ngài là
Clêmentê thứ 15 như thế ngài sẽ trả được
món nợ cho Đức Clêmentê thứ 14 là vị Giáo hoàng từng o ép Dòng Tên của ngài…
Tóm lại, đó đều là chuyện diễu cợt cho vui thôi. Thật tình, tôi rất thương mến
quý vị và cảm ơn quý vị về các công việc quý vị từng làm. Tôi cầu nguyện cho
công việc của quý vị được lành mạnh và tạo nhiều hoa trái và rồi quý vị cũng sẽ
hiểu tốt Phúc Âm của Chúa và biết rõ sự thực về cuộc sống của Hội thánh một
cách dồi dào, phong phú.” (xem Sheila Liaugminas, MercatorNet
19/3/2013)
Nói chuyện với truyền thông đại chúng là nói như thế.
Dù có nói theo tư thế của đấng bậc trưởng thượng cả một thánh hội. Cũng thế,
giới truyền thông đại chúng cũng từ một tư thế của dân gian quần chúng cũng
thường tường trình mọi biến cố/sự kiện xảy ra ở đời hoặc trong Đạo. Và, một tay
viết rất chuyên về tiểu sử các vị giáo hoàng là phóng viên George Weigel lại
cũng nói và viết một cách chuyên nghiệp như chuyện bình thường, rất như sau:
“Đã có lần, Hồng y Bergoglio (tức đương kim Giáo hoàng Phanxicô Đệ Nhất)
từng hạ bút viết lên những điều mà Đức Gioan Phaolô đệ Nhị và Đức Bênêđíchtô
thứ 16 gọi là “Rao truyền Phúc Âm theo cung cách rất mới”, bằng giòng chảy suy
tư nho nhỏ, như sau:
Hội thánh ở thế kỷ 21 không thể tin tưởng vào thứ văn hoá “lang bạt kỳ
hồ” của quần chúng hoặc cứ dựa vào với ký ức của một nền văn hoá thuyền thống ở
Đạo Chúa, ngõ hầu rao truyền Phúc Âm theo đường lối khả dĩ chuyển đổi được cuộc
sống cá nhân, sửa đổi các văn hoá và xã hội. Điều ta cần là: phải có cái gì đó
sâu sắc hơn, phong phú hơn…”
Đó là thông điệp mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đệ Nhất sẽ đem đến với thế
giới. Đó là Đạo Chúa tập trung vào Phúc Âm, tức thứ Đạo vẫn thách thức những
người luôn cay cú vào thời hiện tại, cả những vị hiện đã chán chường những
chuyện siêu hình học và những người đang thấy khô khan về linh đạo, để rồi lại
sẽ khám phá ra mạo hiểm to lớn của con người khi họ sống nội tâm với những gì
được đề cập trong trình thuật Kinh thánh, suốt nhiều thế kỷ…
Tắt một lời, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đệ Nhất đã chính thức đăng quang
vào ngày thứ Ba 19/3/2013 vừa rồi. Ngày đó, có thể là một
ngày như mọi ngày đối với nhiều người. Tuy nhiên, gọi đó là ngày gì thì gọi, tự
nó vẫn là một ngày rất mới đối với nhiều người, trên thế giới.” (xem Sheila Liaugminas, bđd)
Thế đó là những điều được giới truyền thông ở nhà Đạo
nói về Đạo và về đấng bậc trưởng thượng trong thánh Hội, tức Hội thánh rất Công
giáo. Nói cho cùng, nói như nhà Đạo lại cũng quanh quẩn những điều như thế. Thế
nhưng, là nghệ sĩ, có lẽ bạn và tôi, ta lại sẽ không nói nhiều và nói dài dài nhưng
sẽ hát vnhững câu của người nghệ sĩ có ý/lời như sau:
“Trong đôi mắt anh em
là tất cả.
Là niềm vui là mộng ước trong thoáng giây.
Em sẽ cố quên rằng mình đã đến trong nhau.
Nồng nàn như đã dấu yêu từ thưở nào.”
(Đức huy – bđd)
Là nhà Đạo, có thể
bạn hoặc tôi, ta sẽ không nói và hát như người nghệ sĩ, nhưng lại vẫn cứ kể về
lời của Chúa được đấng thánh hiền ghi chép cũng như sau:
“Chính nơi điều này
mà mọi người sẽ biết
các ngươi là môn đồ Ta:
ấy là: anh em hãy có
lòng yêu thương nhau.”
(Ga 13: 35)
Thật ra
thì, chưa chắc ý/lời của người nghệ sĩ cũng na ná giống Lời vàng của Đức Chúa
khi Ngài nói về Tình Yêu quan hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con. Quan hệ ấy, vẫn là
quan hệ của tình thân thương đùm bọc nhau, dù mình có ở địa vị nào.
“Truyện rằng:
Thời võ sĩ Đạo tại Nhật, có kiếm khách nổi tiếng với đường
kiếm tuyệt luân của mình. Ngoài ra, Ông còn có tài đánh cờ thuộc hàng thượng
thặng. Sau một quãng đời tung hoành ngang dọc trong chốn giang hồ, vị kiếm
khách này đã ngộ ra lý Thiền nên đã “rửa tay gác kiếm”, khoác áo tu hành. Qua
nhiều năm dài tu hành tinh tấn, Ông đã trở thành một Thiền Sư được nhiều người
biết đến về đạo hạnh.
Trong suốt thời gian đó, Ông cũng đã đem hết tâm huyết ra để
nâng khả năng về Kiếm và Cờ của Ông lên hàng Kiếm Đạo và Kỳ Đạo. Vì vậy,
tên tuổi của Ông ngày càng thêm lừng lẫy.Nhiều người đã đến xin học đạo với Ông
và do đó Ông đã có nhiều môn đệ. Một ngày kia, có một chàng thanh niên đến ra
mắt Ông để xin theo học Đạo. Vị Thiền Sư đã nhìn kỹ chàng thanh niên và nói :
- Ta chỉ nhận làm đệ
tử những ai có đạo hạnh cao hoặc có khả năng khá về Kiếm hoặc Cờ. Ngươi tự xét
thấy có khả năng nào trong các thứ ấy để có thể được ta thu nhận đây? Sau một thoáng suy nghĩ, chàng thanh niên vội đáp :
- Con có khả năng
chơi Cờ; mặc dù không phải là hạng cao thủ nhưng con cũng đã từng hạ nhiều tay
chơi Cờ giỏi có hạng. Liền đấy vị Thiền Sư lại hỏi :
- Vậy, bây giờ ngươi có muốn thi đấu
về Cờ không?
- Dạ, thưa ! Con muốn thử. – Chàng
thanh niên đáp.
Nghe vậy, vị Thiền sư vội đi vào phía sau Thiền viện và
trong khoảnh khắc lại trở ra với một thiền sinh. Đó là một nhà sư đã có tuổi vẻ
mặt hiền lành, phúc hậu và là một trong những thiền sinh rất giỏi về Cờ trong
Thiền viện. Sau khi giới thiệu thiền sinh này với chàng thanh niên để thi đấu
với nhau, ông đã nghiêm nghị nói:
- Trước khi bắt đầu cuộc đấu, Ta cần
phải nói rõ: đây sẽ là một ván cờ “sinh tử”, người thua cuộc sẽ phải chết dưới
lưỡi kiếm của ta. Các ngươi có đồng ý nguyên tắc này không? Cả hai đều tỏ vẻ đồng ý và ngồi xuống chiếc bàn có đặt sẵn bàn cờ để bắt
đầu thi đấu, trong khi vị Thiền sư đặt thanh kiếm trên chiếc bàn nhỏ trước mặt
rồi ngồi xuống chiếc ghế cạnh bên để giám sát cuộc đấu.
Thoạt tiên, khi bắt đầu cuộc đấu cả hai đều rất thận trọng khi đi cờ như
để dò ý và tìm hiểu về khả năng cũng như lối chơi cờ của đối phương. Khoảng một
lúc sau, với những bước vững chắc về thủ và linh động về công, vị thiền sinh đã
đưa chàng thanh niên vào trạng thái bị động, phải lui về thế thủ. Chàng thanh
niên đã tỏ ra bối rối trước sự tiến công dũng mãnh của đối phương. Chàng bỗng
đâm ra lo ngại là không những sẽ bị thua cuộc và mất dịp được theo học Đạo mà
còn bị mất mạng nữa. Do đó, chàng ta cố vận dụng trí óc để moi ra từ ký ức những
thế cờ đã từng đánh và từng học được trước đây để mong chận bớt những nước cờ
tấn công rất hiệu lực của đối phương.
Nhưng chàng ta chẳng nhớ ra được điều gì có thể xử dụng để
thay đổi tình thế. Trong cơn lo lắng miên man, bất chợt chàng có ý nghĩ: hay là
xử dụng những nước cờ “liều”, biết đâu sẽ chẳng có kết quả tốt. Nghĩ xong chàng
liền áp dụng ngay. Đang ở trong thế thủ, bỗng bất thình lình chàng vùng lên tấn
công quyết liệt. Những nước cờ “liều mạng” của chàng vừa đánh ra chẳng có một
quy tắc căn bản nào cả, chỉ toàn là những nước cờ “thí” không ai dám sử dụng
hay nghĩ đến trong khi chơi Cờ, nhất là trong một ván cờ sinh tử như thế này.
Chỉ trong vài nước, thế cờ liều đột nhiên có kết quả. Nước cờ đang ở vào thế
thủ bỗng chuyển sang thành thế công, bắt buộc đối thủ phải lui về chống đỡ.
Người thiền sinh cao cờ giờ đây bị đưa vào thế bị động vì
những bước đi cờ lạ lùng, kỳ dị không thể tiên đoán được của chàng thanh niên
liều mạng này. Chàng thanh niên đang ở vào thế “thượng phong”, chàng tấn công
tới tấp để mong chiến thắng. Trong lúc hăng say để đạt chiến thắng đó, từ trong
nội tâm của chàng bỗng nổi lên ý nghĩ: “Hôm nay, đến nơi này để xin học Đạo,
phải đánh ván Cờ “sinh tử” để được nhập môn, rồi trong lúc nguy khốn vì bị tấn
công dồn dập đã phải dùng thế cờ “liều mạng” để chuyển bại thành thắng, đưa đối
phương vào thế thúc thủ. Trong chốc lát đây ván cờ sẽ kết thúc, người thiền
sinh phúc hậu kia sẽ phải chết dưới lưỡi kiếm của Thầy. Người Thiền sinh đã mất
gần suốt cuộc đời để học Đạo, tu hành tinh tấn, có được đạo hạnh cao; nay lại
phải trở thành “cây thước” để đo tài người đến xin học Đạo, để rồi phải bỏ mạng
vì kết quả của ván cờ. Thật là oan uổng… Trong khi những ý niệm đó hiện ra và
đưa chàng thanh niên vào suy tư thì nước cờ của chàng đang đi bỗng nhiên có vẻ
chậm lại và mất phần kiến hiệu.
Vì vậy, chỉ trong năm, ba nước cờ nguời thiền sinh đã tiến
dần đến thế quân bình, rồi trong khoảnh khắc đã nắm lại được thế chủ động. Bây
giờ đến lượt chàng thanh niên mất thế “thượng phong”.
Chỉ thêm vài nước, người thiền sinh đã đưa chàng thanh niên vào thế gần
như không có lối thoát. Nhưng bất chợt, đột nhiên thế cờ của người thiền sinh
bỗng như chậm lại và có vẻ hòa hoãn, ngập ngừng trong khi thế cờ của chàng
thanh niên lại có phần chần chừ, bất định. Do đó, ván cờ đang ở vào giai đoạn
sắp kết thúc bỗng nhiên như dừng hẳn lại. Nhưng cuối cùng, dù muốn dù không,
ván Cờ cũng phải đi đến chỗ kết thúc. Vì vậy, người thiền sinh nhân hậu kia bắt
buộc phải ra tay hạ thủ để kết thúc ván Cờ. Thế thắng, bại đã hiện ra trước
mắt.
Đột nhiên, vị Thiền Sư bỗng vụt đứng phắt dậy, hét lên một
tiếng thật to và rút kiếm ra khỏi vỏ.Mũi kiếm được chĩa ngay vào đỉnh đầu của
chàng thanh niên. Nghe tiếng hét của Sư phụ, người thiền sinh vội cúi đầu, chấp
tay niệm Phật. Với một đường kiếm tuyệt luân và thần tốc không thể ngờ được,
thoáng một cái lưỡi kiếm của vị Thiền sư đã cạo nhẵn mái tóc trên đỉnh đầu của
chàng thanh niên. Giờ đây, trông chàng thanh niên chẳng khác nào một người vừa
được “thí phát” để “quy y”. Và vị Thiền sư đã cất tiếng nói với chàng thanh
niên:
- Hôm nay, ta chính
thức nhận con làm môn đệ.
Ván Cờ đã kết thúc trước khi nước cờ cuối cùng được đánh ra
để quyết định việc thắng bại mà chiến thắng đang nằm trong tay của vị Thiền
sinh nhân hậu. Là một bậc Thầy về Kiếm và Cờ, vị Thiền sư trong khi ngồi giám
sát cuộc thi đấu đã thấy và hiểu rõ khả năng và lối chơi Cờ của đôi bên. Ngoài
ra, là một Thiền sư đắc đạo, Ông đã đọc được từng tâm niệm khởi nghĩ của hai kẻ
ngồi trước mặt, nên hiểu được tánh ý, đức hạnh của người môn đệ của mình và
thấy rõ tâm hạnh của người thanh niên xa lạ kia; sau cùng Ông đã đi đến quyết
định. Dưới mắt vị Thiền sư: ván cờ đang sắp sửa được kết thúc mà phần thắng lợi
đang nghiêng về phía người thiền sinh, môn đệ của Ông, nhưng chàng thanh niên
lại là kẻ chiến thắng.
Chàng trở thành kẻ chiến thắng vì đã đánh bại được cái ước
vọng nhiều tham muốn và lòng háo thắng của chính mình, dẹp bỏ được cái “ngã”
riêng tư để nghĩ đến người mà không màng đến sự an nguy của chính bản thân. Chàng
đã tự chiến thắng mình bằng lòng nhân ái. Chàng thực sự là một kẻ chiến thắng
trong một chiến công vô cùng oanh liệt và quả cảm đúng như lời dạy của Đức
Phật: “Chiến thắng oanh liệt và dũng cảm nhất mà không gây đổ máu và thù hận là
tự chiến thắng bản thân mình”.
Chàng thanh niên vô cùng xứng đáng được thu nhận để bái sư
học Đạo và có cơ duyên để trở thành huynh đệ với thiền sinh nhân hậu họ Triều kia. “(Tâm Ảnh
kể)
Truyện kể thường như thế. Bao giờ cũng “có hậu” và gửi đến người đọc một
thông điệp. Thông điệp hôm nay được người nghe chứ không phải người kể liên
tưởng đến các đấng bậc dẫn dắt dân con nhà Đạo rất mô phạm, đạo mạo. Hy vọng,
truyện kể đem đến cho người nghe ở đây đó thêm đôi điều vào quyết tâm sống Đạo,
vì Đạo, mãi về sau.
Quyết tâm ấy, sẽ là tâm can quyết chí theo một con đường cho riêng mình.
Lại cũng hy vọng: con Đường sẽ là Đạo, là Đường vẫn sáng chói ở khắp nơi.
Nghĩ thế rồi, nay bần đạo lại xin đề nghị người nghe và người kể truyện,
ta ngâm nga hát theo ý/lời của nghệ sĩ từng diễn tả, rằng:
“Trong đôi mắt anh, em là tất cả,”
“Là nguồn vui là, hạnh phúc anh dấu yêu.
Nhưng anh ước gì,
Mình gặp nhau lúc em
chưa ràng buộc
và anh chưa thuộc về
ai.”
(Đức Huy - Như Đã Dấu Yêu)
Vâng. khi “chưa thuộc về ai”, thì
anh có nói câu “Như đã dấu yêu”, thật
cũng dễ. Và khi anh đã trở thành đấng bậc trưởng thượng ở đâu đó, có lẽ cũng
khó. Khó, vì không chỉ mỗi dấu yêu một mình em thôi, mà là nhiều người, rất
nhiều. Ở nhiều nơi, từ chân trời, góc biển đến thôn làng bé nhỏ của quê tôi,
quê anh quê chị, rất tế nhị và đẹp đẽ.
Trần Ngọc Mười Hai
Cũng cứ xin nói lời
“Như đã dấu yêu”
với hết mọi người,
dù không là trưởng thượng.
.
No comments:
Post a Comment