Saturday, 13 April 2013

“Từ giã, hoàng hôn trong mắt em,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần Thứ Tư Phục Sinh Năm C 21-4-2013

“Từ giã, hoàng hôn trong mắt em,”
“Tôi đi, tìm những phố không đèn.
“Gió mùa, thu sớm bao dư vị,
“Của chút, ân tình vương tóc quen.
(Đinh Hùng & Nguyễn Hiền – Mái Tóc Dạ Hương)
(2Ph 2: 1-2)
            “Ân tình vương tóc quen”, có thể đó chỉ là lời nghệ sĩ muốn diễn đạt điều gì đó, rất nghĩa bóng. “Gió mùa thu sớm, bao dư vị”, lại cũng là ý/lời của nhà thơ những muốn nói tâm trạng của người và của mình khi sống với thánh Hội thời hiện tại hoặc tương lai mai ngày?
Gì gì đi nữa, cũng vẫn là tư tưởng của nhà thơ cùng nghệ sĩ vẫn cứ hát:

“Từng bước, lần theo trăng viễn khơi.
Trong đêm, hồn vương dáng ai cười.
Tiếng cười, như cõi thiên thu lại,
TIền kiếp, xưa nào em hé môi.”
(Đinh Hùng/Nguyễn Hiền – bđd)

Hôm nay ở nhà Đạo, nhiều vị chừng như cũng hát câu: “Tiền kiếp, xưa nào em hé môi”, và những là: “trong đê, hồn vương dáng ai cười”. Cười rất thầm, vì thấy báo đài/truyền thông nay cứ tường trình sự việc nhà Đạo cứ như thể “Tôi đi, tìm những phố không đèn”, rất chẳng quen.
Sự thể chuyện nhà Đạo vừa qua đã bầu chọn được đấng bậc trưởng thượng cũng rất mới. Mới, cả tên tuổi ngài chọn là: một Phanxicô thành Assisi, rất số một. Mới, còn ở đường hướng tái Phúc-Âm-hoá, và cải tân. Đường hướng có mới và nhất quyết trở về nguồn để rồi sẽ đi vào với Phúc Âm để đích thực thành Hội thánh nghèo, của người nghèo.
            Tuy có thế, đường hướng mới nói ở đây không chỉ là Phúc âm hoá cuộc đời mọi người bằng tư thế mới; nhưng còn là: qua phương tiện truyền thông/báo đài theo kiểu mới mẻ nhưng dứt khoát không méo mó, trẹo trọ như một số cơ quan truyền thông/báo đài vừa hành xử quá đáng khiến độc giả nọ lại đã thắc mắc về chức năng của “đệ tứ quyền” nay còn đáng tin nữa hay không?
Hỏi thế, là hỏi han về tư thế của phóng viên trong Đạo/ngoài đời đã có động thái nào đó không mang tính truyền và thông nhiều sự rất đáng ngờ. Và, người nhà Đạo nay lại thắc mắc hỏi han đấng bậc nhà đạo, rất Công giáo, như sau:

“Trong những ngày rộn rã dẫn đến sự kiện bầu chọn Đức Giáo Hoàng Phanxicô rất mới của đạo, sao con thấy nhiều phóng viên báo chí cứ tường trình về những sự việc xảy ra giống ngoài đời như “thông đồng/móc ngoặc” giữa hàng ngũ hồng y cử tri có quyền bầu. Ý con muốn nói, là: các vị có thể đồng ý với nhau sẽ chọn lựa vị nào đó đang làm giáo chủ một nước, nhưng khi đắc cử rồi vị này phải chọn bộ trưởng ngoại giao của toà thánh thuộc nước khác. Chuyện đó có thật hay không, xin cha cho biết để còn tường.” (Lại một câu hỏi của người không ký tên hoặc cho biết tuổi tác gốc gác, phái nam hay nữ).

            Như thường lệ, hễ giáo dân đã thắc mắc hỏi han về chuyện đạo, thì biết hỏi ai ngoài đấng bậc vị vọng nổi tiếng ở giáo phận mình, chứ chẳng lẽ lại hỏi sư/sãi ở chùa chiền hoặc đình đền trụ trì ở đâu đó. Chính đó là lý do khiến đấng bậc nhà mình đã có ý kiến rất chính xác, mạch lạc.
            Nhưng trước khi đi vào giải đáp của các cụ, các cố tưởng cũng nên về với âm nhạc/lời thơ để tôi và bạn, ta cứ hát những lời lẽ phiêu diêu nhiều nghĩa, để còn giãn gân giãn cốt, như sau:

            “Rồi đây, trên nhưng lối đi này,
            Ta sẽ, cùng ai tay nắm tay.
            Nhịp chân, lưu luyến mãi cung đàn,
            Buông lắng chìm tâm tư đắm say.”
            (Đinh Hùng/Nguyễn Hiền – bđd)

            Quả có thế! Giải đáp của cha/cố cụ đạo có thế nào đi nữa, hẳn tôi và bạn sẽ “cùng nhau tay nắm tay”. Nắm rồi, lại sẽ thấy những “lối đi này”, có “nhịp chân lưu luyến mãi cung đàn” của thời khắc ta mải “buông lắng chìm tâm tư đắm say”. Và rồi, cùng với đấng bậc ở nhà Đạo, ta sẽ có cùng suy nghĩ và lập trường chính đáng, rất như sau:

“Một lần nữa, nhà báo đôi khi cũng đưa ra một số điều xem ra có vẻ như sự kiện rất mới nhưng kỳ thực, chỉ là lời đồn hoặc có khi còn phóng đại cho to chuyện về nhiều vụ. Và cũng không ngại bóp méo sự thật, ở trong đó.

Như anh/chị có nói, vừa qua, có rất nhiều tường trình về các mẩu đối thoại giữa các hồng y có quyền bầu chọn Giáo hoàng tương lai, từ một nước nào đó không phải ở châu Âu. miễn là các ngài đồng ý chọn bổ trưởng ngoại giao từ một nước khác. Cũng tựa như thế, có lời đồn rằng nhiều hồng y còn đồng ý chấp nhận, nếu đắc cử, sẽ không từ chức hay từ nhiệm cho đỡ phiền mọi người.

Những chuyện đồn đoán như thế dứt khoát phải được coi là vô căn cứ. Dù, có thể có một số vị nghĩ như thế, nhưng Đức Gioan Phaolô đệ II trong Hiến chế tông toà mang tên Universi Dominici Gregis đã đưa ra qui định để thực thi là khi ghế Tông toà bị trống thì các việc đồng thuận như trên phải bị nghiêm cấm.

Hiến chế tông toà ở trên vẫn xác định lời của Đức Thánh Cha có nói rõ: “Tôi dứt khoát ngăn cấm các hồng y, trước ngày bầu chọn, không được đưa ra điều kiện cam kết với nhau về thoả thuận nào có thể đưa vị nào đó lên làm Giáo hoàng có điều kiện. Ngay đến các lời hứa đại để như thế, dù dưới bất cứ hình thức nào như thể lời thề hứa đi nữa, tôi vẫn tuyên bố là chuyện ấy không được phép xảy ra và bất thành toàn.” (x. bđd số #82)

Xem như thế, thì bất cứ hồng y nào cho dù có hứa hay thề với ai đi nữa, thì chuyện này cũng bất thành toàn. Và ngay chính ngài cũng không được biến nó thành hiện thực. Nếu đây là vụ việc có thể xảy đến, thì các hồng y phải am tường về tính chất “khùng điên” mới chấp nhận một thoả thuận như thế, ngay từ đầu.

Đoạn thứ hai ở hiến chế tông toà cũng mang cùng một đường lối ngăn cấm các vị không được phép sử dụng động lực thúc bách người phàm trần trong việc bầu chọn giáo hoàng, như sau: “Cùng với những gì được các vị tiền nhiệm của tôi nhấn mạnh, tôi khuyến khích các hồng y cử tri đừng để bị bất cứ ai khuyến dụ trong việc bầu chọn giáo hoàng tương lai. Và, cũng không để mình bị ảnh hưởng từ đặc ân hoặc lý do thiên vị cá nhân nghiêng về ai đó hoặc bị người nào, nhóm nào đó có quyền lực áp đặt hoặc khuynh loát, hoặc bị giới truyền thông đại chúng tạo sức ép bắt buộc, sợ mất lòng dân chúng hay sao đó. Nhưng thay thì thế, luôn phải có trước mắt chỉ mỗi vinh quang của Thiên Chúa và để tạo sự tốt lành cho Hội thánh mà thôi; và cũng nên cầu nguyện Chúa Thánh Thần luôn mãi để Ngài giúp đỡ mình có thể bỏ phiếu cho vị nào, dù vị ấy không ở trong đoàn hồng y, mà bản thân mình nghĩ sẽ xứng đáng quản cai Hội thánh hầu đem lại lợi ích tốt đẹp nhất.” (x bđd #83)

Cả khi bỏ phiếu bầu vào thùng đặt tại bàn thờ ở nguyện đường Sistine, mỗi hồng y cử tri phải lớn tiếng thề hứa rằng: “Tôi xin Đức Kitô là Chúa tôi chứng giám cho rằng lá phiếu của tôi là để bầu vị nào tôi nghĩ, trước mặt Chúa, sẽ đắc cử.(bđd #66) Sau đó, hồng y ấy mới đặt phiếu bầu lên dĩa, bỏ vào thùng phiếu và sau đó về lại chỗ ngồi.

Nên nhớ: bàn thờ ở nguyện đường Sistine được đặt trước bức tranh vĩ đại của danh hoạ Michelangelo vẽ ngày xử án cuối cùng, là để nhắc tính cách nghiêm trọng liên quan đến việc bầu chọn giáo hoàng và về sự kiện có ý bảo: mỗi hồng y sẽ đưa ra trước toà Chúa phán xét hành vi của mình khi bầu chọn giáo hoàng.

Như mục #83 ở hiến chế tông toà nói ở trên có ghi rõ rằng: các hồng y cử tri không được dùng phiếu của mình để tự bầu cho mình làm giáo hoàng. Thay vào đó, các ngài sẽ phải bầu cho vị khác, theo xét đoán của mình, dù vị ấy không ở trong danh sách hồng y đoàn, nhưng là người xứng đáng quản cai Hội thánh theo đường lối có ích và tạo hoa trái tốt đẹp.

Còn, lời đồn về những chuyện “móc ngoặc” hoặc quyết tâm này khác, thì đó cũng chỉ là những lời đồn đoán được phóng đại, bởi lẽ các hồng y và các vị có quyền bầu chọn đều đã gặp gỡ nhau trước khi đi vào cơ-mật-viện trong buổi triều yết chung, đều đã được căn dặn: tuyệt đối không tiết lộ cho bất cứ ai, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, bất cứ thông tin hay chuyện gì về các vấn đề được bàn hay quyết định nào liên quan đến việc bầu giáo hoàng trong buổi tụ tập hồng y, trước hoặc sau khi bầu.” (bđd #59) (xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 24/3/2013 tr. 12)

            Ý kiến của đấng bậc chuyên trách mục giải đáp thắc mắc thì như thế. Thế nhưng, có thể là đấng bậc nhà mình chưa mường tượng được đôi làn mây đen đang trờ tới với thánh hội, như đấng bậc rất cao ở Sydney lên tiếng trong buổi ngày Thứ Năm Tuần Thánh làm phép dầu tại Nhà Thờ Đức Bà Sydney hôm 29/3/2013, như sau:

“Theo cách nào đó, Hội thánh của ta sẽ còn gặp khá nhiều trắc trở trong vòng sáu đến mười hai tháng sắp tới. Chính vì thế, ta cũng nên hỗ trợ nhau vào lúc này để nâng đỡ các linh mục của mình và mở rộng lòng yêu thương đến với ai đang đau khổ.” (xem Sharyn McCowen, Pray for Priests: Cardinal, The Catholic Weekly 07/4/2013 tr. 13)    

            Quả cũng đúng. Quan ngại và lời tiên đoán của đức đương kim Tổng Giám Mục giáo phận Sydney không phải là không có lý. Thế nhưng, ý của đấng bậc rất lành và rất thánh này chỉ là quan ngại về tình hình của Hội thánh trong tư cách giáo sĩ ở vào thời có đủ những thứ “méo mó/trẹo trọ” của đời người.
Mà, đã nói đến đời người thời hiện tại, làm sao hiểu được cảnh tượng người đời thời nay những muốn làm việc lành và thánh, nhưng cứ gặp những cảnh và tượng rất tréo cẳng ngỗng, như ở giới truyền thông, rất đại chúng?
Ưu tư nhiều, hẳn sẽ có bạn giống như tôi, ta lại cứ coi những chuyện “cẳng ngỗng vắt tréo” ở trên như hiện tượng mà các bậc thức giả nhận định như sai sót, “nói nhịu”, hoặc “nói lắp” về chính kiến. Còn nhớ, tác giả David Crystal có lần từng minh định về cung cách phát biểu tư tưởng của mỗi người và mọi người qua ngôn ngữ, như sau:

“Một trong các loại chứng cứ rất chi tiết được đưa ra ánh sáng để xem não bộ thần kinh con người hoạt động như thế nào và cũng xem phân tách về cái-gọi-là “nói nhịu” ra sao. “Nói nhịu”, là tình trạng lưỡi của người nói không theo đúng lệnh truyền từ não bộ về điều mình muốn phát âm.

Khám phá lớn của ngữ học cho thấy việc “nói nhịu” không là chuyện may rủi, như xổ số. nhưng do một số các câu thúc cơ bản của con người…” (xem David Crystal, How Language Works, Penguin Books, 2007, tr. 178)

            Nói thế thì, những điều bàn ở trên, do báo đài/truyền thông đưa ra, cũng có thể là cung cách gọi được là “nói nhịu” hoặc “nói lắp” theo cách nào đó từ nhà báo/phóng viên hoặc người viết tường thuật. Hoặc, có thể là “sự cố” kỹ thuật về vi tính hoặc truyền thông rất hiện đại nhưng hại điện.
            Xem thế thì, đời người vẫn có những chuyện và nhiều chuyện rất “tréo cẳng ngỗng”, như chuyện tiếu lâm chay/mặn ở bên dưới được dùng để minh hoạ, thư giãn:

“Truyện rằng:
_ Trước Tết con thấy bố ngồi viết câu đối trước cửa Văn  miếu.
_ Sao mày không ghé  vào, tao cho một đôi về treo.Hàng phố với nhau tao không lấy tiền.
_ Cám ơn bố. Con có chuyện khác muốn nhờ  bố.
_ Chuyện gì thế?
_Vợ chồng con sắp có con trai đầu lòng. Con nhờ bố đặt tên cho cháu.Con muốn tên cháu  chữ Hán, nhưng phải là tên độc đáo để khỏi trùng với người ta. Nếu chữ Hán xuất xứ từ  điển  tích hoặc danh ngôn càng hay.
_ Mày có biết câu “màn trời chiếu đất” không?
_Sao? Bố muốn nói tới người vô gia cư phải ngủ đường ngủ chợ sao bố ?
_Sai bét! âu này gốc chữ Hán:”mạc thiên tịch địa”. Mạc là màn, tịch là chiếu thì đúng rồi, nhưng câu này dùng để chỉ người có chí khí lấy trời làm màn, lấy đất làm chiếu. Trời ngụ ý  cao vời vợi, Địa ngụ ý rộng bao la. Người ta thường đặt tên con là Thiên, chưa có ai đặt tên  Địa.Mày đặt tên con là Địa thì trên đời này chỉ có một mình nó, theo ý tao, Địa hay hơn  thiên. Trèo cao ngã  đau. Đứng trên đất vững vàng, xoay trở phía nào cũng dễ.
_Bố giảng nghĩa thì hay đấy nhưng con nghe lạnh xương sống quá…nghĩa địa…địa  ngục… thôi bố ơi, xin bố chữ khác đi.
_ Ừ thì chữ khác. Mày biết ngũ hành là gì không?
_ Kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. Phải không bố?
_ Khá lắm. Theo cổ nhân, đó là 5 nguyên tố cơ bản của vũ trụ và vạn vật. Người ta thường  lấy Kim, Mộc, Thuỷ đặt tên cho con. Cũng có người tên Hoả nhưng ít thôi. Duy có tên Thổ  là  chưa có ai đặt. Mày đặt tên con là Thổ thì độc nhất vô nhị đấy. Theo ý tao, Thổ là nguyên tố  mẹ: Kim từ Thổ mà ra, Mộc sống nhờ Thổ, Thuỷ không có Thổ thì chứa vào đâu, còn Hoả  là  ruột của Thổ!
_  Nghe bố tán, rắn trong lỗ cũng phải bò ra. Để con thử ráp tên Thổ vào họ của con xem  sao: Nguyễn gia Thổ!  Nghe được đấy bố nhỉ.
_  Hay lắm. Thế ra mày có bà con với Nguyễn Gia Kiểng với “Tổ Quốc Ăn Năn” hả?
_  Con không biết vì con có gia phả đâu. Có điều ông ấy đau khổ ăn năn chuyện gì đó, còn  con thì chẳng có gì phải ăn năn cả. Nhưng bỏ chuyện đó đi bố. Con xin hỏi phải gia là nhà  không?
_  Đúng rồi! Gia Thổ là nhà đất. Thời buổi này kinh doanh nhà đất là đại gia đấy mày. Ngày  xưa các cụ cũng nói  “ mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời”
_  Con sợ người ta lẫn lộn Hán Nôm ra “nhà thổ”
BQC.

            Nói cho cùng, nêu vấn đề truyên thông/báo đài ở đây, bần đạo chỉ có ý bảo rằng: đệ tứ quyền hôm nay cũng khá ư là quyền lực rất to đùng, nên bạn và tôi cũng phải rất cẩn thận, kẻo mắc lỡm. Cẩn thận rồi ta cứ hiên ngang cất lên tiếng hát của nghệ sĩ trích ở trên rằng:

            “Dĩ vãng nào xanh trong như mắt em,
            Chao ôi! Mầu suối tóc buông mềm
            Nét buồn khuê các hoen sương phủ,
            Nhạt ánh sao ngàn bên dáng xiên.”
            (Đinh Hùng/Nguyễn Hiền - bđd)

            Thật ra thì, nét buồn nào mà chả là “khuê các hoen sương phủ”! Chí ít là nét buồn do “đệ tứ quyền” tạo ra cho Hội thánh, rất hiện tại. Nhưng, “vỏ quít dày có móng tay nhọn. Bởi, thánh nhân hiền từ từng tiên đoán sự việc ấy sẽ xảy ra ở nhiều thời, nên đã nhắc nhở dân con trong Đạo rằng:

            “Trong dân cũng đã từng xuất hiện những ngôn sứ giả;
giữa anh em cũng vậy,
sẽ có những thầy dạy giả hiệu,
đó là những kẻ sẽ lén lút
đưa vào những tà thuyết dẫn tới diệt vong.
Vì chối bỏ vị Chúa Tể đã chuộc họ về,
họ sẽ mau chóng chuốc lấy hoạ diệt vong.”
(2Ph 2: 1-2)

            Nghiệm thế rồi, hỡi bạn và tôi, ta lại sẽ hiên ngang nhìn về phía trước, hướng về Hội thánh ở đâu đó rất Vaticăng mà nguyện cầu Thánh Thần Chúa sẽ ở mãi với tôi với bạn, rất thánh hội. Hôm nay.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn âm thầm nguyện cầu
            để Danh Chúa cả sáng khắp nơi.
            Chứ không chỉ mỗi Giáo triều
            rất La Mã.

         
           
                

No comments: