Monday, 25 March 2019

“Chiều chiều ngùi trông xa khơi mờ sóng”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ Tư Mùa Chay năm C 31/03/2019

“Chiều chiều ngùi trông xa khơi mờ sóng”
Từng đàn chim bay trong ánh hoàng hôn.
Chơi vơi hồn ai tới chốn xa xôi !
Khuất bóng Kim-Ô chiều tàn lâm ly mây trời bao la.”
(Lâm Tuyền – Khúc Nhạc Ly Hương)

(Công vụ 18: 19-21)    

Một bạn thân của bần đạo là độc giả thường xuyên mục “Chuyện Phiếm Đạo Đời” lại chuyên nghe nhạc “vàng” của người mình nên cứ bảo: Nhạc Việt mình nghe vẫn hay là do ca-từ đượm niều chất thơ, nên rất tuyệt. Áp-dụng nhận định này vào đầu đề nhạc bản trích ở trên, kể cũng đúng. Đúng rất nhiều, là ở chỗ nhạc Việt nghe rất hay vì nó có âm vận bình trắc trong thơ rồi.


Diễn rộng hơn, bần đạo đây thiết nghĩ ta cũng nên đưa vào nền-tảng niềm tin trong Đạo rất hùng hồn. Nhưng, trước khi đi vào chi-tiết, mời bạn mời tôi ta tiếp tục hát lên câu ca mà bảo rằng:


“Lòng buồn sâù ước, như lũ chim quyết tung trời mây ?
Bao nhiêu giông tố hề chi
Bao nhiêu mưa gió biệt ly
Thề quyết ra đi từ đây.

Mặc đời giông tố muốn phũ phàng
Dàn chim Âu cứ tiến mơ màng dưới chớp xanh
Biển gầm mênh mông không nơi ngừng cánh tránh gió táp
Gióng cười the thé với sóng gào!
Đời ta như cánh gió theo tàu đi bốn phương.

Rồi một hoàng hôn
Rồi một hoàng hôn ta sẽ hồi hương
Trở về quê xưa thêm bao tình thương
Bao con buồm xưa đến đón cố nhân
Với bóng thân yêu ngàn đời chờ mong

Mây trời bao la lòng càng thổn thức
Quên hêt bao mối hận mà đi
yêu đương say đắm mà chi
Xa xôi đem thú biệt ly
Sầu nhớ đau thương làm chi.”
(Lâm Tuyền – bđd)


Hát thế rồi, hẳn có người đọc lại sẽ bảo: Nhạc Việt mình buồn nhiều hơn vui, nhất thứ là khi ca/nghệ sĩ mình cứ đong đưa thân hình theo nhịp điệu và ý-từ của nhạc bản mà ca lên từng tiếng và từng tiếng.


Gì gì đi nữa, nay mời bạn và tôi, ta tiến thêm bước nữa đi vào vùng trời nhà Đạo có những ý-tưởng cũng lạnh/buồn đến chán chê mê mỏi như phát hiện của “Tòa Thánh La Mã” vừa cho biết như sau:


“Theo thống kê chính thức do Tòa thánh ghi nhận, thì tỷ lệ người Công giáo trên thế giới vẫn như trước, trong khi đó thì số lượng linh-mục đang trên đà sa sút lần đầu tiên trong thập niên vừa qua. Vẫn theo khám phá mới của Tòa Thánh, thì: cùng một lúc, con số các giám mục, thừa-tác-viên dân-dã và giáo-lý-viên cũng đang giảm sút rất nhiều. 


“Cuối năm 2017, số người Công giáo nói chung trên toàn thế giới vượt quá 1 tỷ 3 trăm triệu vẫn tiếp tục tạo 17.7% dân số thế-giới , theo như tư-liệu của Văn phòng Báo chí Tòa thánh vừa cho biết hôm 6/3/2019.


“Phát-biểu, dựa trên Thồng kê của Tòa Thánh xuất bản vào ngày 31/12/2017 vừa rồi. Văn phòng báo chí Tòa Thánh cũng loan-báo việc xuất bản niên-lãm 2019 của Giáo hội bao gồm một loạt các thông tin có từ các văn phòng cũng như địa-phận và dòng tu trên thế giới.


“Theo báo cáo này, thì tổng số người đi Đạo đã gia tang tại mỗi lục địa. Nhưng, trong khi dân số Châu Phi và Châu Mỹ La Tinh đang gia tăng theo tỷ lệ của mỗi lục địa thì Châu Á lại cũng gia tăng số người Công giáo lên 1.5% trong khi dân số chỉ tăng có 1% thôi.


“Cuối năm 2017, phần đông người Công giáo trên thế-giới) gồm tổng cộng 48.5% dân số thế-giới) hầu hết sống tại Châu Mỹ, tiếp đó là Châu Âu với 21.8%, Châu Phi 17.8% Châu Á 11.1% và Châu Đại Dương 0.8%


“Con số các vị Giám mục trên thế giới tiếp tục gia tăng một cách đáng kể từ 5,133 vị vào năm 2012 lên 5,389 vị vào năm 2017. Lần đầu tiên kể từ năm 2010, tổng số linh-mục ở địa phận cũng như thuộc các dòng tu trên thế-giới sút giảm đáng kể từ 414,969 vào năm 2016 xuống còn 414,582 vào năm 2017.


“Việc tấn phong linh mục tại các địa-phận lại tiếp tục suy giảm chầm chậm từ 6,577 vào năm 2012 xuống còn 5,815 vào năm 2017. Con số các thày dòng trên thế giới cũng suy giảm từ 51,535 vào năm 2017 từ 52,625 tính vào năm 2016.


“Con số phụ nữ sống đời tu-trì ở dòng tu cũng có khuynh-hướng suy giảm khoảng 1.6% mỗi năm tính toàn bộ trên thế-giới kể từ khi niêm giám 2013 cho thấy như thế. Việc con số gia tăng nhè nhẹ ở châu Phi và châu Á không đủ để bù cho con số suy giảm ở châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương.


“Các nữ tu trong các dòng khác nhau đang từ con số hơn 792,000 chị vào năm 2001, nay giảm xuống chỉ còn hơn 648,910 chị vào cuối năm 2017. Con số các ứng-viên chịu chức linh mục  --cả ở các chủng viện ở địa phận lẫn dòng tu khác nhau cũng cho thấy có sự giảm sút trên thế giới-- đang từ 116,160 chủng sinh hoặc đệ-tử vào năm 2016 xuống còn 115,328 vào cuối 2017.


“Con số thừa tác-viên dân-dụng trên thế giới lại đã gia-tăng hơn 100 vị đến 355,800 và giáo-lý-viên cũng tăng đến 34,000 vị tháp nhập vào số 3,120 ngàn vị vào cuối năm 2017. Về số người chịu thanh tẩy lại có hơn 15.6 triệu người trên thế giới chịu thanh-tẩy vào năm 2017 và hơn 2.3 triệu đám cưới thuộc Giáo hội Công giáo trên thế giới trong những năm vừa qua.” (X. Carol Glatz, Priest numbers decline, The Catholic Weekly 17/3/2019 tr. 17)


Nói về Đạo, mà lại liệt kê toàn những số và số, hẳn cũng không chuẩn cho lắm. Hoặc, phải nói là: “chuẩn nhưng vẫn cần chỉnh” mới đúng. Nói cho cùng, là nói và bảo với nhau về những thứ và những sự rất thẳng thừng. Chí ít là, những thẳng nhưng không lừng khừng, mới được.


Hôm nay đây, khi bàn về con số người đi Đạo theo kiểu thường xuyên đến nhà thờ, hẳn là người thời hôm nay vẫn còn nghĩ như thế và hơn thế. Gọi là Đạo Nhà Thờ, tức thứ Đạo và đức có lễ lạy hoặc có lễ mà không lạy, như đấng thánh hiền từng làm thế, rất khi trước. Giống là giống thế này:


“Khi đến Êphêsô,
ông Phaolô từ biệt hai người kia.
Phần ông, ông vào hội đường
và thảo luận với người Do-thái.
Họ xin ông ở lại lâu hơn.
Ông không chịu.
Nhưng khi từ giã họ, ông nói:
"Để lần khác tôi sẽ trở lại với các ông, nếu Thiên Chúa muốn."
Rồi ông xuống tàu rời Êphêsô.”
(Cv 18: 19-21)  


Thế đấy, là chi tiết về thứ lịch-sử cứ lặp đi lặp lại về chuyện ra đi và ở lại rất “ngùi trông”. Bùi ngùi và trông mong mỗi buổi chiều và/hoặc sau khi sinh hoạt với nhau, bằng nhiều cách. Từ cách thức của “Tiệc Bẻ Bánh” lẫn cách “hội ngộ” không chính-thức, không mang tính bài bản, cũng chẳng rêu rao, rặt hình-thức.


Thế đấy, là tình-huống của một Đạo Chúa luôn chuyển đổi và vẫn tiến về phía trước mà không ngại đổi thay.


Thế đấy, cũng là lập-trường sống của nhiều tập-thể, nhóm hội hoặc đoàn-thể, ở đây đó. Thế đấy, còn là và sẽ là tình-huống ít thấy hoặc thấy cách nào đó còn diễn ra ở đây, bây giờ và mai hậu. 


Cuối cùng thì, thế đấy lại là tình-hình sống động hoặc sống mà không động ở nhiều nơi trong Nước Trời Hội thánh, rất trần gian. Để minh-họa tình hình hoặc cảnh-huống sống, tưởng cũng nên đi vào vùng trời truyện kể trong đó có những giòng chảy cũng sinh động như sau:


“Truyện rằng:

“Ngày xưa, có vị vua nọ nhận được món quà là hai con chim ưng rất đẹp. Chúng là hai con chim ưng thuộc loài đẹp nhất mà ông từng thấy. Ông đưa những con chim quý này cho người nuôi chim trong hoàng cung huấn luyện.


Một tháng trời trôi qua, và người nuôi chim báo tin cho nhà vua rằng, mặc dù một con chim ưng đã bay vút lên bầu trời một cách mạnh mẽ, nhưng con còn lại vẫn không di chuyển khỏi cành cây mà nó đã đậu.


Vị vua mời các chuyên gia dạy chim nổi tiếng khắp nơi trên đất nước để đến xem tình hình của con chim ưng này, nhưng không ai có thể làm nó bay.


Đức vua đem sự việc này bày tỏ với các quan viên trong cung điện của mình, nhưng tất cả đều bó tay, con chim chưa rời cành bay lên.


"Biết đâu một người thân thuộc với vùng quê, hiểu tập quán của loài chim này có thể giải quyết vấn đề?" - nhà vua nghĩ bụng.


Lập tức ông gọi quan cận thần của mình truyền lệnh: "Hãy đi mời một người nông dân". Vào buổi sáng, nhà vua rất phấn khích khi thấy con chim ưng bay cao trên khu vườn cung điện. Ông nói với quan cận thần: "Mời người đã làm ra phép lạ này đến đây".


Vị quan nhanh chóng mời người nông dân đến để diện kiến trước đức vua. Nhà vua hỏi ông ta: 

-Làm cách nào mà người làm con chim ưng bay được vậy?
-Thưa bệ hạ, tôi chỉ đơn giản là cắt cành cây nơi con chim đậu đi, người nông dân trả
 lời.


Và, lời bàn của người kể: 


“Tất cả chúng ta đều có thể "bay", bởi đó là tiềm năng đáng kinh ngạc của con người. Nhưng theo thời gian, chúng ta ngồi trên những "cành cây" của mình, rồi dính mắc vào những thứ thân thuộc mà quên mất bản năng của mình.


“Khả năng của con người vô tận, nhưng hầu hết chúng ta vẫn chưa thể hoàn toàn khai phá hết. Chúng ta thích những thứ quen thuộc, thoải mái mà không chịu di dời. Vì vậy phần lớn cuộc đời, chúng ta đã quên mất bản năng của mình.


“Hãy học cách phá bỏ những cành cây của sự sợ hãi mà chúng ta bám vào và giải thoát bản thân để có thể bay lên một cách huy hoàng.


“Trong kinh doanh, nếu bạn cứ đi theo lối mòn, không tự đổi mới, khám phá và thích nghi với sự phát triển, thì bạn sẽ không thể thành công.


“Câu chuyện về 2 công ty phát triển thị trường giày tại Châu Phi là một bài học nằm lòng cho những ai không chịu khám phá, thay đổi tư duy. Chuyện kể về việc 2 công ty sản xuất giày nọ cử 2 nhân viên của mình đến Châu Phi để tìm hiểu thị trường nơi đây.


“Anh nhân viên công ty A đến nơi, thấy dân chúng nơi đây hầu hết đi chân đất, anh lập tức quay về báo cho công ty rằng, nơi đây không thể bán được giày, vì người dân nơi đây không đi giày.


“Anh nhân viên công ty B cũng đặt chân đến Châu Phi, cũng nhìn thấy người dân nơi đây hầu hết không đi giày. Anh vui mừng lập tức báo về công ty, rằng đây là 1 thị trường tiềm năng, hầu hết người dân nơi đây đều không có giày để đi. Cuối cùng công ty B đã thành công, phát triển được thị trường mới tại Châu Phi.


“Vẫn luôn có ai đó tận dụng các cơ hội mà những người khác bỏ qua. Thật không may là khi bạn quyết định tận dụng cơ hội thì nó đã không còn ở đó nữa.


“Những quyết định nhỏ có thể thay đổi cả cuộc đời lớn. Nếu chúng ta chấp nhận cắt đi cành cây suy nghĩ cổ hủ, chịu khó vươn lên trời cao, đổi mới tư duy theo kịp sự phát triển của thời đại chắc chắn sẽ thành công.


"Nếu muốn thành công, bạn phải dấn thân vào những con đường mới, chứ không phải đi du lịch trên lối mòn của những thành công đã được thừa nhận" là câu nói nổi tiếng của vua dầu hỏa John D. Rockefeller. Những doanh nghiệp tiếp nhận và đổi mới theo xu thế, đáp ứng nhu cầu khách hàng ắt thắng.


Lại một ví dụ khác:


“Có người đã từng làm một thí nghiệm rất thú vị: đem 5 con ong và 5 con ruồi nhốt chung trong một chai thủy tinh, sau đó đặt ngang cái chai, hướng cho đáy chai quay về cửa sổ. Hiện tượng gì sẽ xảy ra?


“Bạn sẽ nhìn thấy, những con ong không ngừng hướng về phía đáy chai để tìm lối thoát ra, cứ thế cho đến khi kiệt sức hoặc đói mà chết; còn ruồi thì chỉ một lúc sau đã có thể xuyên qua đoạn cổ chai mà thoát thân. Thực tế, ong vì thích ánh sáng mà kiên trì hướng về phía đó nên bước vào đường chết. Ruồi thì chả để ý gì đến ánh sáng, chúng chỉ nghĩ cách nào để thoát thân nên bay tứ tung, kết quả là qua bao lần nhầm hướng sẽ có lúc phát hiện ra lối thoát, nhờ thế mà đạt được tự do và sự sống mới.


“Thử nghiệm này chẳng qua cũng chỉ là một câu chuyện để tôi và bạn nghe qua cho biết. Trên thực tế cho thấy một doanh nghiệp luôn có khả năng gặp các thử thách đến từ nhiều hướng, từ sản phẩm, từ thị trường, từ khách hàng, từ đối thủ, và thậm chí từ đối tác...mà không thể lường trước được. Trước những thách thức đó, những "con ong" trong doanh nghiệp lúc nào cũng có thể đụng phải "bức tường thủy tinh" không cách nào giải thích được, làm thế nào? Chỉ có cố gắng sáng tạo, mới có thể chuyển biến tình hình, đạt kết quả tốt.


“Đừng ngại thay đổi. Bạn có thể mất một cái gì đó nhưng bạn có thể đạt được một cái gì đó tốt hơn.” (Nguồn: Trí thức Trẻ)


“Có thế mất cái gì đó”, mất đi cái kinh nghiệm hay chẳng có kinh-nghiệm gì, vẫn là những thứ và những sự vẫn xảy ra ở đời thường. Ở con người. 



Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ sống và cứ mong
cho mọi chuyện trong đời và ở đời
khiến mọi người luôn toại-nguyện.   
Như truyện kể.

No comments: