Saturday, 11 March 2017

"Yêu nhau một thời xa nhau một đời



Chuyện Phiệm Đọc Trong Tuần thứ 3 mùa Chay năm A 19/3/2017

"Yêu nhau một thời xa nhau một đời
Lệ này em sẽ khóc ngàn sau..."
(Từ Công Phụng – Giọt Lệ Cho Ngàn Sau)

(Mt 4: 10-11)

Đôi khi, ta cũng nên bắt đầu bài phiếm bằng một truyện kể nhè nhẹ nào đó, cho dễ nghe và dể đọc chứ, phải thế không bạn, phải thế không tôi? Nếu thế thì, đây là truyện kể thật không dễ, mỗi khi nghe:

“Truyện kể là câu truyện những kể rằng:

Hôm đó, có buổi tham-vấn giữa thày trò chú tiểu đồng và hoà-thượng ở ngôi chùa không nổi tiếng với bá tánh, chỉ nổi danh thiên-hạ ở Tây Tạng về tính thân-thương thày trò khi học hỏi. Vốn là buổi học để hỏi và có nhiều câu hỏi cũng rất dễ, nên Lão hoà-thường bèn cất tiếng hỏi chú tiểu:

-Nếu bước lên trước một bước là tử, lùi lại một bước là vong, con sẽ làm thế nào?
Chú tiểu trả lời nhanh như chớp, không do dự:
-Con sẽ đi sang bên cạnh!”

Và người kể truyện từ đó rút ra bài học để đời rằng: “Khi gặp khó khăn, hãy đổi góc độ mà suy nghĩ, có thể ta sẽ hiểu được rằng: bên cạnh vẫn có con đường đế tiến hoặc thoái, không hề hấn…”

Vâng. Đúng thế. Trong đời người, cũng có rất nhiều bài học nên rút tỉa để mà sống. Sống hiên-ngang không vương-vấn, bận tâm hoặc nề hà chuyện gì. Dù, đó có là chuyện triết-học hoặc thần-học chốn cao sang vời vợi ấy.

Truyện nghe rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta đi thẳng vào chủ-đề để suy-nghĩ. Suy và nghĩ, chứ đừng cãi vã hoặc tranh-luận để làm gì cho thêm mệt. Chủ đề, là luận-đề thật không dễ, xin trình làng để bà con ta hôm nay bàn tán cho rộng đường dư-luận rồi con có quyết tâm mà sống đời mạnh-mẽ rất không thôi. Chủ-đề cũng nhè nhẹ như mọi đề-luận rất triết và cũng rất thần như mọi bữa.

Thế nhưng, trước khi đi vào câu chuyện để bàn luận cho rõ một/hai, mời bạn và tôi, ta cứ nhè nhẹ ngâm nga câu hát cứ vang-vọng mãi không thôi, như bên dưới:

“Lối rêu xưa sẽ mờ dấu chân người,
người buồn cho mai sau, cuộc tình ta tan mau.

Thoáng như chiếc là vàng bay,
mùa thu qua, mùa thu qua hững hờ.
Nhìn nhau cho thêm đau, nhìn nhau cho mưa mau.
Mưa trên nụ cười mưa trên tình người,
lệ nào em sẽ khóc ngàn sau.

Với đôi tay theo thời gian tôi còn,
một trời mây lang thang, một mình tôi lang thang.
Lá vẫn rơi bên thềm vắng,
từng thu qua, từng thu qua võ vang.
Nhìn nhau cho thêm đau, nhìn nhau cho mưa mau.
Mưa trên cuộc đời mưa như nghẹn lời
lệ này em sẽ khóc ngàn sau ...
(Từ Công Phụng – bđd)

Thôi thế, cũng xong một bài hát. Nay, ta tiến vào vùng trời luận phiếm với những ý-tưởng về triết/thần đặt ra như sau:

“Điểm nhấn khi vẽ Chân-dung Đức Giêsu ở Tin Mừng là ngang qua danh-xưng: Đấng Chữa lành/Trừ tà hoặc Bậc Thày Vô-địch của Vương Quốc Nước Trời, nhất nhất đều là mấu chốt lịch-sử mà tác-giả Tân-Ước cứ từ-từ che-đậy, gây mờ nhạt.

Nhiều sự-kiện cho thấy Đức Giêsu có được mọi người công-nhận là Đấng Thiên-Sai hay không, Ngài vẫn khởi-đầu tiến-trình phức-tạp thiêt-lập nền thần-học dài những ba thế kỷ tập-trung vào việc nâng-cấp Bác Thợ Mộc làng Nadarét lên hàng quan-trọng bậc nhì nơi Ba Ngôi linh-thánh.

Nói cách khác, hiện có lo-ngại bảo rằng: việc đưa ra các chứng-cớ thấy có ở Tân-Ước đã hỗ-trợ cho các sử-gia tài-ba xoay sở, để các ngài tái định-vị Đức Kitô của Tin Mừng. Đức Giêsu của ông Máccô cũng bị giấu nhẹm, cốt để biến Ngài thành con người phàm-tục cứ rảo bộ suốt trên con đường sỏi đá đầy bụi bặm ở Galilê vào thế-kỷ thứ nhất sau Công nguyên.

Phải chăng khi ấy, ta mới thấy là tác-giả Tin Mừng đã phục-hồi toàn bản-vị Đức Giêsu Nadarét vượt quá “tầm tay với” của mọi người? Tựa hồ thế-hệ học-giả, tôi cũng đã tỏ-bày nỗi u-sầu về sự việc Tin Mừng đã để mất đi chứng-cớ rõ ràng khi các ngài viết về Đức Giêsu như thể chính Ngài đã tỏ-lộ mọi sự để các ngài viết và/hoặc tóm-tắt lập-trường tư-tưởng do Ngài đề-xướng và hiện-thực.

Rủi thay, nội-dung các bản văn thiếu tính học-thuyết này, lại thấy một số vị cứ quả-quyết rằng: mọi sự được Đức Giêsu chuyển cho vua Abgar Edessa ở Lưỡng Hà Địa hồi thế-kỷ đầu rồi. Rõ ràng là, điều đó đã nguỵ-tạo hoặc giả-mạo rất dễ. Và, chẳng tài-liệu nào vốn dĩ tồn-tại để rồi, qua đó, những người như tôi lại có hy-vọng tìm được bằng-chứng rất như thế.

Cách hay nhất để ta biến-cải Đức Giêsu thành nhân-vật sống-động, khả dĩ lôi cuốn mọi người ở thế-giới Do-thái-giáo hôm nay cho bằng tái-tạo lại môi-trường sống giống thời Ngài. Có làm thế, may ra mới bắt chụp được lằn sáng cũng như tầm nhìn nào đó để thấy rõ bản-vị đích thật của Ngài.

Thành thử, ở đây, thiết tưởng ta cũng nên tìm cách tái tạo lại bầu không-khí mà Ngài hít thở, cùng với ý-tưởng và lý-tưởng lại đã khiến cho những người sống ở Palestine vào thế-kỷ đầu thêm sống động mới là việc phải lẽ.

Đặc-biệt, vùng nước lặng ở Galilê nơi đó mọi ước-mộng đạo-giáo cũng như các ganh-tương vặt-vãnh của người xưa và nhất là những người Galilê, lại là: lòng mến của bà con ta vẫn co-dãn từ sự tự-do mong thoát khỏi thể-chế do người La Mã cũng ảnh-hưởng lên hàng tư-tế ở Giuđêa và tạo co-dãn do bởi giai-cấp trí-thức có đại-diện là đám người Pharisêu nòng-cốt thống-trị.” (X. Gs Geza Vermes, Khuôn Trăng Diện Mạo Ngài Thay Đổi, nxb Tôn Giáo 2017)

Như người nghệ-sĩ vẫn cứ hát những ca-từ rõ mồn một, những là: Sống buông xuôi theo ngày tháng, từng thu qua vời trông theo đã mờ, lệ rơi trên tim tôi, lệ rơi trên đôi môi…” thế mà người nghe vẫn cứ thích. Thích nghe và thích hát, dù ca-từ ấy đã khiến mình ngẫm nghĩ lại, thấy không đúng.

Nói về chuyện đúng/sai ở địa-hạt triết/thần, thật sự cũng khó nói. Khó đến độ, khi hát xuống đến những câu cuối mới thấy sững-sờ, ngờ ngợ như sau:

“Một mai khi xa nhau,
người cho tôi tạ lỗi,
dù kiếp sống đã rêu phong rồi.
 
Giọt nước mắt xót xa.
nhỏ xuống trái tim khô một đời tôi tê tái.
Lắng nghe muôn cung sầu hắt xuống đời.
Một trời tôi thương đau, một trời em mưa mau.

Sống buông xuôi theo ngày tháng,
từng thu qua vời trông theo đã mờ.
Lệ rơi trên tim tôi, lệ rơi trên đôi môi.
Yêu nhau một thời xa nhau một đời.
Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi.

Yêu nhau một thời xa nhau một đời.
Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi...”
(Từ Công Phụng – bđd)

Chẳng biết người viết nhạc, khi hát vang ca-từ ở trên có thấy sợ hay không, cũng chẳng rõ. Chỉ rõ có một điều là: hát những lời như: “Yêu nhau một thời, xa nhau một đời, Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi.” Là, nói lên tâm-trạng của những người từng xót xa khi xa nhau. Và, khi đã “xa nhau một đời” rồi, thì khi ấy mới thấy “Lệ này nhỏ xuống hồn tôi”. Lệ nhỏ xuống hồn, là vì tôi và em từng “Sống buông xuôi theo ngày tháng, từng thu qua vời trông theo đã mờ” nên mới nhớ.

Nhà Đạo mình, đôi lúc cũng thấy mình sống giống hệt như thế. Sống xa cách nhau nhiều, mới thấy rằng: những cãi-tranh, biện-luận về triết/thần chỉ khiến người trong cuộc “dễ xa nhau” mà thôi. Và khi đã xa nhau rồi, mới thấy là: “Giọt nước mắt xót xa nhỏ xuống trái tim khô một đời tôi tê tái. Và nhất là: “Lệ này em nhỏ xuống hồn tôi” đến chết thôi.  

Hôm nay đây, lại cũng thấy có đôi giòng lệ be bé cứ “nhỏ xuống hồn tôi”, hồn em và hồn của nhiều người, như đấng bậc chóp bu trong Đạo lại đã giảng-giải những điều rất thông-thường như sau:

“Satan là tên vô-lại đã nói dối rồi còn lừa đảo, hứa hão đủ mọi chuyện để rồi khi nó rời khỏi hiện-trường rồi, người đối-thoại với nó thấy là mình trần-truống, trơ trụi.” Trên đây, là ý/lời trong bài chia sẻ Tin Mừng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô tỏ bày trong thánh-lễ sáng ngày 10/2/2017 tại nguyện-đường thánh Martha, ở Rôma.

Trong bài chia-sẻ hôm ấy, ngày 10/2/2017, Đức Phanxicô đã cho thấy sự tương-phản giữa cung-cách do người nữ đầu đời là Eva tương-tác với con rắn trong vườn Địa Đàng và cách-thức Đức Giêsu phản-ứng lại với ác-thần/sự dữ sau 40 ngày ở chốn hoang-vu, sa mạc.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Đối với Eva, “sư tổ của sự dối-trá đã” cho thấy y ta đúng là chuyên-gia trong việc lừa-đảo con người. Trước nhất, y ta làm cho Eva cảm thấy thoải-mái cái đã, sau đó y ta bắt đầu cuộc đối-thoại với bà, từng bước và từng bước đem bà đến nơi đến chốn mà hắn muốn bà ta đến.

Đức Giáo-Hoàng còn bảo: Hắn ta là tay lừa-đảo chánh-hiệu. Hắn hứa hẹn quí vị đủ mọi điều và rồi khi rời bỏ hiện-trường, quí vị mới nhận ra là mình trần-truồng, trơ-trụi một mình.

Đức Giêsu thì khác. Ngài không đi vào cuộc đối-thoại với ác-thần/sự dữ, nhưng Ngài đáp trả lại cơn cám-dỗ bằng cách trích-dẫn Kinh Sách. Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại nói thêm: Con rắn tượng-trưng cho ác-thần/sự dữ lại tinh-khôn, ranh mãnh đến độ quí vị không thể nào đối-thoại với hắn ta được. Chúng ta đều biết thế nào là cám-dỗ, chúng ta đều biết tất cả những điều như thế là bởi chúng ta đều có tất cả những thứ cám-dỗ như: phù hoa, kiêu-hãnh, tham-lam, thèm muốn.

Đức Giáo Hoàng nói tiếp: Con người, thay vì nghe lời ác-thần/sự dữ rồi trốn chạy khỏi Đức Chúa, khi ta rơi vào cơn cám-dỗ, thì việc tốt nhất ta cần làm là: cầu nguyện. Khi ấy, hãy thưa với Chúa rằng: “Lạy Chúa xin giúp con. Con thật yếu đuối. Con không muốn trốn chạy khỏi Ngài đâu!” Cầu nguyện, là dấu-hiệu của sự can đảm, bởi lẽ giả như ta bị lừa vì thấy mình yếu kém đi nữa, ta cũng sẽ có can đảm để đứng lên mà tiến về phía trước xin Chúa thứ tha mọi yếu đuối lỡ lầm của mình, cũng được thôi.” (X. Cindy Wooden, Tin Mới Nhất tiếng Anh trong Catholic Herald 10/02/2017) 

Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi san-sẻ Lời Chúa ở nguyện-đường hôm ấy mới nói thế, chứ hỏi rằng: thời nay, Satan xuất-hiện ở đâu? Khi nào? Làm sao tránh được những kẻ như thế. Bởi, Satan nay rất khôn, chúng đội lốt dưới lằn áo của người an lành, hạnh đạo nữa, thì sao đây?

Lại nữa, bạn nghĩ sao khi nghe những câu như: “Đi với Hy Lạp thì như người Hy Lạp, với Do-thái thì như người Do-thái. Nói nôm na, là nói như người Việt mình vẫn bảo: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”, là như vậy.

Dù, “Áo Dòng không làm nên thày tu” đi nữa, thật cũng khó. Khó, không chỉ với trẻ nhỏ, thôi; nhưng còn khó cả với ông già/bà cả nay cứ “ù ù cạc cạc” mỗi khi tiếp xúc với truyền-thông/vi-tính những là Twitter, Instagram, Face Time và gì gì đi nữa, cũng đều thế.

Nói tóm lại, nói thì dễ thực-hành mới thật là khó. Bởi, nếu Satan không khôn-khéo, lanh-lẹ và biến-thái muôn mặt, ắt ta không thể nào gọi chúng là ác-thần/sự dữ được. Chửa biết chừng, các đấng bậc hiền-lành/hạnh đạo cho lắm có khi càng biến-chất thành đám “quỉ tha ma bắt”, cũng không chừng.

Bước vào vườn thượng-uyển đầy lời lành thánh có câu truyện được đấng thánh-hiền kể như sau:

“Bấy giờ, Đức Giêsu phán bảo nó:
"Xéo đi! Satan! Vì đã viết:
Ngươi phải bái lạy Chúa, Thiên Chúa của ngươi,
và chỉ thờ-phượng một mình Ngài mà thôi."
Thế rồi, ma quỷ bỏ Ngài,
và này các Thiên-thần tiến lại hầu hạ Ngài.”
(Mt 4: 10-11)

Phiếm luận và phiếm “loạn” ngày đầu năm 2017, tưởng cũng nên về với ý-kiến/suy-tư của rất nhiều vị và nhiều người, trong đó có thiền-sư Đạo Bụt là Thích Tánh Tuệ về cuộc đời, như sau:

Ngẫm nghĩ về cuộc đời:
1- Nếu ai hỏi tôi, điều gì tôi biết ơn nhiều nhất?
Tôi sẽ nói rằng, tôi biết ơn những điều tốt đẹp cũng như những điều xui xẻo tôi trải qua trong cuộc đời. Vì qua đó luyện cho tôi tính bớt kiêu ngạo, cũng như sự nhẫn nhục. Ngày xưa dịp Xuân về, tôi hay xuất hiện trên sân khấu, từng hát những bài tình ca, dành cho tình yêu, dành cho quê hương, nhưng nay, Trời đã lấy mất đi của tôi giọng hát, khiến tôi ngẫm rằng, sức khỏe của con người mong manh như giữa có và mất, sống và chết chỉ cách nhau trong gang tất, từ đó tôi trân trọng sức khỏe, sự sống, những khả năng, bạn hữu còn lại của mình hơn.
2- Nếu ai hỏi tôi, điều gì đã giúp tôi vẫn còn nuôi hy vọng trong cuộc sống?

Tôi sẽ nói rằng, niềm hy vọng là một cái gì đó tuy mơ hồ nhưng luôn tiềm ẩn trong tâm hồn tôi. Sống mà không còn niềm tin yêu hy vọng là chết khi đang sống. Vì thế tôi thích gần cỏ cây, tôi yêu thương súc vật, tình yêu thiên nhiên ban cho tôi nghị lực để thắng những chông gai. Con người chẳng khác nào thân cây cỏ.

3- Nếu ai hỏi rằng, tôi sợ lời chỉ trích của ai nhất ? Của bạn thân hay từ kẻ ghét mình ?
– Tôi sẽ nói rằng, không sợ lời chỉ trích của ai cả ! Vì chính tôi đã từng động não, chất vấn với chính lương tâm mình trong từng lời nói. Từng hành động. Chính mình có trách nhiệm với những điều mình viết. Những gì mình làm. Tránh không làm tổn thương người khác.

4- Nếu ai hỏi tôi rằng, điều gì khiến cho tôi thất vọng ?

– Tôi học được bài  học ở đời là: đừng nuôi tham vọng sửa đổi được người khác như ý mình muốn. Trên đời này không ai nghĩ giống ai, cho nên, bình an nhất cho mình là hãy chấp-nhận-họ-như-họ-vậy và đòi hỏi, họ-phải-chấp-nhận-lại-tôi-như- tôi-từng-là. Không ai chạm tự ái của ai hết. Có thế mới có hòa bình được. Vì nếu ai cũng háo thắng, ham danh, trách người mà không nhìn lại mình, chẳng khác nào cười chê Con Lừa có lưng gù xấu xí, trong khi mình cũng là một Con Lừa không khác chi nó.

5- Nếu ai hỏi tôi rằng: Tình yêu chân thật là gì ? Làm sao nhận diện được nó ?
Tình yêu chân thật trong đời sống lứa đôi chỉ xảy ra được, khi hai người nhường nhịn, chấp nhận điểm xấu tốt của nhau, tặng cho nhau sự tin tưởng và sự tự do, không gò bó, gượng ép, ích kỷ. Như hai người bạn đồng hành nương tựa nhau mà đi. Cùng xây dựng mái ấm. Đó mới là tình yêu chân thật. Dĩ nhiên, đòi  hỏi thời gian thử thách mới đạt được tình yêu chân thật đó.
 6- Nếu ai hỏi tôi rằng, có thù những kẻ ác tâm với mình không?

Tôi sẽ trả lời rằng không. Vì nếu ghét họ, tức tôi sẽ mất tự chủ, tôi để hình ảnh họ điều khiển trí não của mình, tôi sẽ tự đánh mất tôi. Điều đó tôi không muốn, nên thà tha thứ để cho tâm mình bình an, nhưng tôi không dám kết bạn với kẻ xấu nữa.

7- Nếu ai hỏi tôi rằng….
Cứ thử gieo ai những muộn phiền
Chân về nghiêng bước, dạ không yên..
Xốn xang như mắt vừa vương bụi
Biết nỗi buồn kia ta nhận riêng!
Hãy thử trao ai chút dịu dàng!
Hạ nồng sao ngỡ lúc thu sang!
Mắt Từ đưa khắp trong trần thế
Ấm áp thay nghìn tiếng hỏi han..
Nhắm mắt một lần, để lắng nghe!
Nghe niềm đau.. trải khắp sơn khê..
Nhiệm mầu giọt lệ thành mây khói
Đời đẹp từ khi sống vỗ về...
Cứ thử ngồi gần bên cạnh nhau
Cùng khâu vá lại những cơn đau
Có khi, xa cách vì câm lặng
Lắm lúc ngôn lời chia hố sâu..
Hãy thử cho nhau những nụ cười
Đất trời như mở lượng đầy vơi
Khi Thương và Hiểu tràn muôn lối
Cõi sống địa đàng, vui khắp nơi.” (Như Nhiên Thích Tánh Tuệ)

Dĩ nhiên, ý-kiến và ý-hướng của thiền-sư nói ở trên không hẳn đã đúng hay sai hoặc là tất cả. Nhưng vẫn là ý-kiến tư-riêng cốt phản-hồi hầu tôi và bạn ta nghe thử rồi suy-tư, quyết chí cho đời mình, mỗi thế thôi.

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc cũng muốn nghe thử
Các ý-kiến phản hồi
của các bạn đạo
khác với mình.       

 
             
  

No comments: