Chuyện
Phiệm Đọc Trong Tuần thứ 8 mùa Thường niên năm A 26/02/2017
“Một đời tôi vẫn nhớ đến em"
trong những tháng năm dài,
Ôm mối tình sầu với em tôi biết sẽ tàn phai.
Một hồn tôi ray rứt bước chân đi trên cát buồn.
Biển vắng đêm nay xót xa một mối tình không may.
(Diệu
Hương – Một Đời Vẫn Nhớ)
(Giacôbê 1: 2-3)
Nhớ thế
sao? Thế bạn và tôi, ta có nhớ “người em bé bỏng” ở đâu đó, trong các “viện”
như được kể thế này không? Truyện kể, là kể về các người “Em” ấy như thế này
đây:
“Theo thống kê của Cơ quan an sinh xã hội bang
California, Mỹ thì: trong tổng số 400 nghìn người Việt hiện đang sống ở miền
Nam California, có khoảng 15 nghìn người trên 65 tuổi. 1/3 số người ấy đang
sống chung với con cháu. Số còn lại, đang ở trong viện dưỡng lão (nursing
home). Vẫn theo thống kê này, những người Việt già trên đất Mỹ rất sợ bị đưa
vào nursing home! Dưới đây là vài dữ-kiện:
Xế chiều 29 tháng Chạp vừa qua, tôi lái xe đến Viện Dưỡng Lão ở thành
phố Westminster, Orange County. Đây là cơ sở được xem như khá nhất trong số các
viện dưỡng lão tại miền Nam Cali. Vì là ngày giáp tết nên quang cảnh ở đây khá
lặng lẽ. Các lối đi trong khu vực dành cho người Việt, trên những băng ghế đặt
rải rác dưới những tàn cây, không thấy cụ nào tản bộ hay ngồi nghỉ chân, trò
chuyện với nhau. Bãi đậu xe cũng chỉ lác đác vài chiếc của nhân viên trực. Nhìn
khu dành cho người Mỹ, người Hàn Quốc và khu dành cho người Mexico
thì đông người hơn, có lẽ các vị này không biết hôm nay là đêm giao thừa
của người Việt.
Bước vào bên trong,
tất cả đều vắng vẻ. Nhìn một lát, tôi mới thấy y tá đẩy một chiếc xe lăn, trên
đó có một cụ ngồi ngoẹo đầu, mắt nhắm nghiền, nước dãi chảy dài xuống khóe
miệng. Trước cửa phòng số 6, một cụ bà khác ngồi im lìm trên ghế nhựa, nét thẫn
thờ. Tôi hỏi: "Có con cháu nào vào thăm Bà chưa?". Nhìn tôi một lát,
bà lắc đầu kèm theo tiếng thở dài nghe mệt mỏi.
Tên bà là Trần Thị
Nghị, 74 tuổi. Bà sang đây theo diện bảo lãnh của con trai. Bà kể: "Lúc
đầu, mọi sự đều tốt đẹp. Nhưng chỉ được vài năm, con dâu nói: thấy tôi ở dơ vì khi
cháu nội của tôi sổ mũi, tôi bèn lấy tay bóp vào mũi nó, vắt nước cho sạch. Bực
mình quá, tôi bèn nói: hồi nhỏ, tao cũng hay vắt nước mũi cho chồng mày vậy, có
sao đâu! Thế là nó cấm tôi không được đụng đến con nó nữa. 3 tháng sau, chồng
nó nghe lời ton hót của nó, bèn đẩy tôi vào đây".
Một phòng khác, cụ
ông Nguyễn Văn Đức, 71 tuổi, nằm co quắp trên giường. Hỏi ra mới biết cụ bị
bệnh suyễn. Đưa tay chỉ vào hộp bánh, 2 hộp mứt, 2 hộp kẹo nằm chỏng chơ trên
bàn, cụ phều phào bảo: "Cái này con tôi nó cho, cái kia là của hội, còn
hộp đó là quà của nhà chùa".
Theo tập tục người
Việt mình, thì cứ gia đình nào gồm 2, 3 thế hệ ông bà, cha mẹ, con cháu cùng ở
chung với nhau đều được xem là gia đình hạnh phúc, ăn ở có đức, có hiếu. Nhưng,
đối với người Mỹ và người phương Tây có
bản tính thực tế, thì họ lại không nghĩ vậy; bởi lẽ, ngay từ hồi còn trẻ, họ đã
học được tính tự lập - và điều này đã tác động rất mạnh lên thế hệ thứ 2 người
Việt. Thứ 3 nữa, là: người sang Mỹ từ khi còn bé, hoặc sinh ra trên đất Mỹ, tất
cả hầu như ít nói tiếng Việt mà chỉ sử-dụng tiếng Anh, tiếng Mỹ, cả khi về nhà.
Phần lớn họ chịu ảnh
hưởng nặng từ lối sống của Mỹ: 18 tuổi ra ở riêng; cha mẹ già thì đưa vào viện
dưỡng lão. Mọi thành công về mặt tiền bạc, học vấn, vv. đã khiến họ chẳng quan
tâm nhiều đến quá khứ của bậc cha ông. Nếu như còn ở Việt Nam, hầu như con cái đều
ngồi im nghe cha mẹ chỉ giáo, dù miễn cưỡng; còn thì ở Mỹ, phần lớn người Việt
thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3 lại chọn lối bỏ ra ngoài sống, không quan tâm gì đến cha
mẹ, và điều đó dẫn đến xung đột thế-hệ... Xung đột có khi chỉ bắt nguồn từ
nguyên nhân nhỏ nhưng không được giải quyết cho thấu đáo, thường dẫn đến mâu
thuẫn ngày một trầm trọng.
Bà Lý Thị Vân, 69
tuổi nằm phòng số 3 có nói: "Có nhiều điều ở Việt Nam ta coi như bình
thường thì qua đây lại trở thành bất thường. Về bữa ăn chẳng hạn, nếu tôi dùng
muỗng riêng của mình để múc canh trong tô chung thì anh rể nhà tôi sẽ trợn mắt
nhìn tôi, rồi từ lúc đó đến cuối bữa ăn, nó không hề đụng vào tô canh ấy
nữa!"
Vì vậy, đối với người
Việt cao tuổi sống ở Nam Cali, thì ba chữ "viện dưỡng lão" từ lâu vẫn
là cơn ác mộng. Nó đánh thốc vào tâm can, tạo cơn kinh hoàng đến độ có cụ quỳ
sụp xuống ngay trước cổng vào viện dưỡng lão, chắp tay vái con ruột mình:
"Ba lạy con, con cho ba về nhà, ba trải ghế bố nằm trong gara cũng được
chứ đừng bắt ba vô đây". Ông Trần Ngọc Lâm chẳng hạn, khi tôi hỏi vợ con
ông ra sao, có thường xuyên đến thăm ông không, thì ông bực bội nói: "Làm
ơn đừng nhắc đến vợ con tôi nữa. Vợ, con gì mà để tôi sống như thế này đấy!"
Ông Lê Cẩm, phòng số
9 kể: "Năm tôi 68 tuổi, việc đi đứng bắt đầu yếu, mắt bắt đầu mờ, tay thì run
nên con trai tôi nó bảo: mai con đưa ba vô “nursing home”. Tưởng nó giỡn chơi,
ai dè sáng hôm sau nó đưa tôi vô đây thiệt. Tôi có bảo nó là sao con nỡ lòng
nào làm vậy đối với ba?, thì nó nói tỉnh bơ: Ba già rồi thì vô viện dưỡng lão sống,
chứ làm vậy là làm sao?" Tôi hỏi: bác có biết mai là Tết Nguyên Đán rồi không?
Ông nói: tôi cũng biết chuyện đó, vì ba bữa trước đây con tôi vô thăm, có đem
cho tôi mấy hộp kẹo, mứt. Thoáng nhìn gò má nhăn nheo của ông, tôi bỗng thấy lăn
dài những giọt nước mắt: "Tết nhất là ngày sum họp gia đình. Vậy
mà…".
Công bằng mà nói, nỗi
kinh hoàng viện dưỡng lão của các cụ cao tuổi người Việt - ngoài việc bị tách
khỏi môi trường gia đình quen thuộc ra, thì: hầu hết các cụ đều nghĩ là mình bị
bỏ rơi, hoặc con cháu hắt hủi nên mới thế. Còn một nguyên nhân nữa, đó là: khi
tuổi tác đã cao, sức khỏe tàn dần, các cụ cũng xuống tinh-thần nhiều thì bệnh
tật ắt phải có. Chuyện các cụ không thể tự chăm sóc cho mình là lẽ thường tình nên
khi bệnh tật của các cụ đã đến thời kỳ nghiêm trọng, thì chỉ còn cách duy nhất
là đưa các cụ vào viện dưỡng lão thôi.
Kevin Nguyen, có
người mẹ 72 tuổi, hiện đang sống ở viện dưỡng lão, có nói: "Tôi và vợ tôi
đều phải đi làm, hai đứa con thì đi học, nên không lấy đâu ra thời giờ chăm sóc
mẹ. Còn, mướn y tá hay điều dưỡng đến nhà ăn ở, nấu nướng và chăm sóc cho
mẹ thì tôi không đủ tiền".
Một trong những
nguyên nhân khác dẫn đến việc các cụ buộc phải vào viện dưỡng lão, đó là: khi về
già, các cụ thường bị lú lẫn hoặc ít ra là mất trí nhớ, thậm chí không nhận ra
vợ ra chồng hoặc con cái, nên mới bảo mấy người đừng tới gần. Kevin Nguyen nói
tiếp: "Mẹ tôi nay đã đổi tính, nên khó chịu. Lúc nào cụ cũng gắt gỏng,
nghi ngờ hết mọi người".
Chị Lam Hương, cũng có
mẹ sống ở viện dưỡng lão, đã tâm sự: "Cụ nhà tôi lúc nào cũng nghi ngờ là
trong nhà có người ăn cắp tiền của cụ mặc dù tiền đó là của con, cháu cho cụ.
Ngày nào cũng vậy, cụ cú lôi túi tiền ra đếm đi đếm lại đến vài chục lần rồi cụ
chửi um xùm, bỏ ăn, thậm chí có hôm còn cuốn quần áo đòi ra khỏi nhà, vì như cụ
nói: "Nhà này toàn quân ăn trọm không à!". Riết rồi không ai chịu nổi
cụ nữa đành đưa cụ vào viện".
Lại có lý-do dẫn tới
nỗi sợ phải nhập viện dưỡng lão, đó là: một số nhân viên ở nhiều viện do thiếu
khả năng chuyên môn, thiếu nhiệt tâm và không được huấn luyện kỹ, cộng với tình
hình bị cắt giảm ngân-sách tài trợ từ chính phủ do thâm thủng ngân quỹ dẫn đến tình
trạng nhiều người bị ngược đãi hoặc bỏ mặc về phương diện sinh lý lẫn tâm lý
ngày càng tăng, chưa kể tình-trạng có cụ bị bắt phải nín lặng, không được phép
than-van, kêu cứu khi lên cơn đau dạ dày hay thấp khớp.
Cụ Trần Văn Sinh,
trước khi sang Mỹ là y tá ở Bệnh viện Bình Dân ở thành-phố có nói: "Một
thời gian dài, tôi bị trầm cảm vì tuyệt vọng và tôi buộc phải uống thuốc an
thần nhiều nên rất thản nhiên. Khi tôi báo cáo sự việc này lên ban quản trị,
thì con tôi lúc vào thăm đã bị ngăn chặn với lý do là làm trở ngại công việc
điều hành bệnh viện".
Theo tôi tìm hiểu,
Viện Dưỡng lão ở Westminster có khoảng 90% người già trên 65 tuổi. Số còn lại
từ 80 trở lên. Cũng xin nói thêm là ở Orange County, các viện dưỡng lão đều do
người Mỹ làm chủ và điều hành. Các viện này thường được chia làm hai khu chính
là: nội trú và bán trú với nhiều khu phụ. Khu nội trú dành cho các cụ ở thường
trực. Khu bán trú dành cho bệnh nhân sau khi điều trị ở bệnh viện, nhưng không
đủ tiền nằm lại vì viện-phí rất cao, nên phải chuyển vào viện dưỡng lão để nằm
chờ bình phục rồi mới về nhà.
Thường, thì nhân viên
quản lý sắp xếp các khu ốc theo sắc tộc, như khu dành cho người da trắng, khu
người Việt, khu Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan v.v... Nếu thiếu phòng, các cụ
phải nằm bất cứ khu nào còn trống. Chả thế mà cụ Lê Thị Lài 67 tuổi, sau hơn 2
tháng ở chung với khu người Mỹ da đen rồi được chuyển sang khu người Việt, cụ cứ
ngơ ngác như người bị tâm thần, hỏi gì cũng ú ớ. Nếu con số người Việt ở đây đông,
các cụ sẽ được nhà bếp nấu riêng món ăn Việt, nhưng chỉ là bữa trưa và tối thôi,
còn bữa sáng vẫn phải ăn món ăn của Mỹ.
Hầu hết trường hợp các
cụ được đưa vào đây là do bị bệnh cần có sự trợ giúp thường xuyên của nhân viên
y tế cũng như thiết bị mà chỉ các viện dưỡng lão mới có khả năng cung cấp. Các
cụ đây thường mắc những bệnh mất năng lực thể chất lẫn tinh thần các cụ yếu đến
độ không thể di chuyển, tự tắm rửa hay tự ăn uống được.
Trao đổi với tôi,
phóng viên Vince Gonzales thuộc Đài CBS, người từng thực-hiện nhiều phóng sự về
chuyện ngược đãi người già ở viện dưỡng lão cho biết: "Nhiều người trong
số các cụ cần có được chăm sóc suốt đời, vì các cụ không thể hồi phục để tự
chăm sóc cho mình, chứ đừng nói là cho về nhà. Tương lai các cụ một là sẽ chết
trong viện dưỡng lão, hai là chuyển vào bệnh viện nếu bệnh nặng rồi sẽ chết ở
đó, và thứ ba là bệnh viện trả về để chờ chết…".
Đến bữa, các cụ còn
khỏe thì chậm chạp lê chân bước hoặc tự mình lăn xe xuống nhà ăn. Yếu quá thì
nằm trong phòng chờ điều dưỡng mang thức ăn đến. Cô Jenny Pham, một điều-dưỡng-viên
người Việt ở đây, cho biết: "Viện có rất ít điều dưỡng người Việt nên tụi
em thường bị điều đi phục vụ trong toàn khu, chứ không chỉ khu người Việt mà
thôi". Theo luật tiểu bang California, mỗi viện dưỡng lão phải có đủ nhân
viên săn sóc cho bệnh nhân, nhất là dịch vụ khẩn cấp, mỗi bệnh nhân phải được y
tá săn sóc ít nhất 3 hoặc 2 tiếng một ngày.
Jenny Pham tiếp:
"Khi có kiểm tra, viện dưỡng lão thuê thêm điều dưỡng cho đông, đồng thời
sắp xếp cứ 1 điều-dưỡng-viên chăm sóc 10 người theo luật định để che mắt đoàn.
Khi kiểm tra đi rồi, mỗi đứa tụi em lại phải chăm sóc đến 19, 20 người…".
Tôi hỏi: "Mấy bữa nay, gia đình có vào thăm các cụ nhiều không?"
Jenny Pham đáp: "Cũng ít thôi, chủ yếu là các hội đoàn thiện nguyện, hoặc các
tổ chức tôn giáo. Em biết có 26 cụ từ ngày vào đây, có cụ ở đã 5 năm trời không
có ai đến thăm lần nào".
Tôi hỏi: "Đêm
giao thừa, đây có tổ chức gì không?" Jenny Pham lắc đầu: "Dạ không,
mấy cụ còn khỏe hoặc minh mẫn thì tụ họp nhau lại uống trà, kể chuyện xưa. Còn,
thì hầu hết đều nằm trên giường. Nhiều cụ khi em hỏi ngày mai là mùng 1 tết
rồi, có biết không? Có cụ nhe răng cười, chẳng biết gì hết".
Tôi ra về và khi bước
ngang phòng số 7, thấy có đôi vợ chồng trẻ cùng hai đứa con đứng cạnh một cụ
già ngồi xe lăn, người phụ nữ nói: "Chào ông nội rồi đi về con". Ông
cụ miệng méo xệch: "Bay cho nó ở chơi thêm chút nữa, vừa mới vô mà".
Anh con trai đỡ lời: "Con đưa các cháu vào chúc Tết ba, bây giờ dẫn
tụi nó đi coi xiếc cá heo. Vé mua rồi, sắp tới giờ diễn rồi…".
Dù có biết là: ở bầu
thì tròn ở ống thì dài, sống đâu theo đó, nhưng sao tôi vẫn thấy nao nao vì bên
quê nhà giờ này, gia đình nào cũng đang quây quần, họp nhau vui vẻ…” (Siêu Tầm sưu tầm)
Niềm vui
nỗi nhớ xảy đến vào ngày “đầu năm”, kể cũng nhiều. Nhưng, nỗi-niềm nhung nhớ
của mỗi người và mỗi vị, lại vẫn khác. Khác hoàn cảnh, tuỳ vào văn-minh/văn-hoá
mỗi sắc tộc của nhiều người.
Ngày đầu
xuân mỗi năm, người người đều có niềm vui riêng. Niềm vui ấy, có khi đượm ướt
nỗi niềm nhung nhớ những ngày xa xưa, lại cũng là nỗi nhớ “ngày đầu xuân”, thôi.
Bần đạo đây, nay bất chợt tìm ra được nhạc-bản cũng hơi buồn của tác-giả Diệu
Hương, xứng-hợp với đề tài dự tính bàn-luận, thế nên xin trích-dẫn đôi ba ý-tứ
nơi ca-từ của tác-giả, rất như sau:
“Làm sao
em biết tình này chất chứa thật đầy,
Giấu kín từ trong con tim buồn bã?
Tình vô biên quá, để rồi khó nói bằng lời,
Cho môi khô héo dần thôi.
Một đời tôi vẫn nhớ tới em, trong những phút xa xôi.
Em đến tình cờ với tôi, như thoáng một giấc mơ.
Vì biển ơi! con sóng xóa tan con thuyền trôi giữa giòng.
Tôi biết tình ta mãi là một góc đời cách xa.”
(Diệu Hương – bđd)
Nghe hát câu
“Nhớ tới Em trong những phút xa xôi”, bần đạo lại nhớ đến “Người Em” nọ trong Hội
thánh từng viết bức thư đầy tình-tiết gửi lên Mẹ Bề Trên Cabrini có ý/lời như sau:
“Mẹ Cabrini thân mến,
Tôi viết cho Mẹ bức thư này kèm một ý-tưởng về bộ
phim tập nhiều kỳ có tiêu-đề là “Saint and the City” lồng trong truyện kể về đời
của Mẹ.
Dĩ nhiên, chốn thị-thành được kể ở trong phim, chắc
phải là thành-phố New York, nơi Mẹ từng đặt chân đến tá-túc, sau khi rời nước Ý
năm 1889. Nhưng, bộ phim dài nhiều tập kể ở đây, lại nói đủ mọi thứ chuyện chứ
không như cuốn phim có tựa đề hơi hơi giống là phim: “Sex and the City”, nói
rất ít.
Phim truyện đây, không thấy nói đến các cô đi giày
cao gót cứ “ì xèo”, mà chỉ lác đác trình chiếu một vài cao ốc rải rác thôi. Tuy
nhiên, phim truyện đây, lại có đủ của ăn/thức uống, áo quần, tức những nhu-yếu-phẩm
cần cho cuộc sống, mà Mẹ đem giúp đám di-dân vừa rời châu Âu chốn tả tơi tuyệt
vọng, đi loạng-choạng trong khung-cảnh một châu Mỹ khá chộn-rộn.
Tôi thầm đoán là Mẹ cũng cần đến “Netflix” để giải khuây
ở trên đó chốn quê trời lồng lộng. Thế nên, xin cho phép tôi được kể cho Mẹ
nghe một trong các chủ-đề được đề-cập ở phim “Sex and the City” khi mọi người cứ
đi tìm ông Chủ Bự, một đối-tác trọn-hảo trong phim truyện. Còn, phim của Mẹ, thì
việc kiếm tìm ông Chủ Bự, là một tìm kiếm rất sâu-sắc khiến Mẹ bị đánh động
nhiều, đó là độ dài nối kết với việc kiếm tìm tương-quan đích-thực với Thiên-Chúa.
Mẹ dư biết, là: Thiên-Chúa có bao giờ Ngài chịu đi mua sắm ở Đại-lộ số 5 đâu.
Ngài cũng không ăn vận diêm dúa, đầy những lụa-là để gây ấn-tượng cho bất cứ
một ai.
Thế nhưng, ông Chủ Bự đây, lại không biết đến hãi
sợ, nếu ông buộc phải có quyết-tâm nào đó. Không như hàng triệu người khác, tâm
can Mẹ đây không bị đánh động từ các truyện thần kỳ kể về thành-tựu của nước Mỹ,
coi đó như truyện kể về những người từng đạt mọi thành-tựu. Thần dân của Mẹ,
vẫn chiến-đấu không ngừng nghỉ bằng mọi cách, từ: ngôn-ngữ, nghề-nghiệp, tiền
bạc, cho đến nỗi nhớ nhà, sự hỗn độn/căng-thẳng về gia-cảnh, và cả đến nỗi sầu
mất mát, những cố-gắng nghèo-nàn để có được một nền y-tế, giáo-dục cũng
khả-quan. Mẹ là nguồn hứng-khởi cho phần đông chúng tôi, những người được mời gọi
hãy đáp trả mức-độ hỗn-độn ngoại-thường ở thế-giới tân-kỳ này.
Cao Uỷ Tỵ Nạn cho chúng tôi biết, là: hơn 60 triệu
người trên thế-giới, nay bị bứng gốc; hơn 20 triệu người buộc phải rời bỏ nước ra
đi làm kẻ tỵ nạn, xin tầm trú. Mỗi ngày, có đến 34 ngàn người phải xa quê chỉ
vì nơi họ ở, đang có xung-đột/bức-bách đủ mọi cách. Con số những người như thế,
vẫn dao-động hết mọi người. Vâng. Mẹ thấy đó, từng đợt và từng đợt, rất nhiều
người cứ phải di-dời ra khỏi nơi mình ở, như vận-chuyển của Thánh Thần Chúa,
đấy.
Thật khó có thể thăm-dò đo-đạc hiện-tượng dao-động
này. Nhưng, đây lại vẫn là lời mời gọi gửi đến hết mọi người, để ta ôm chặt sự
sống mà không biết đến hãi sợ. Mẹ là lữ-khách đi khắp nơi về khắp chốn mà không
biết mệt, hiểu theo nhiều nghĩa. Khi Mẹ đặt chân đến vùng trời New York vào độ tuổi
38 cùng với 6 nữ-tu khác, Mẹ chỉ có một ít thứ gọi là “của riêng”. Lúc ấy, Mẹ
cũng chẳng biết mọi người có vui lòng đón tiếp Mẹ hay không nữa. Cộng-đoàn Dòng
bé nhỏ của Mẹ đã di-dời về khu nhà ổ chuột và phải xin xỏ đây đó mới đủ nuôi
sống bấy nhiêu chị. Tự trong xương tuỷ, Mẹ biết thế nào là tình-trạng không
được nghênh-đón đành phải phục-vụ những người có cùng một trải-nghiệm như mình.
Tôi nắm chắc rằng, những năm tháng ngày giờ trở về sau, Mẹ thấy vui hơn khi biết
được rằng tên tuổi của Mẹ nay gắn liền với Trạm trú-ẩn, tỵ nạn ngay trong thành-phố
Melbourne của Úc.
Tôi tự biết mình không nên đề-cập những chuyện như:
tầm-cỡ cao thấp/lớn nhỏ như bao giờ. Thế nhưng, khi ấy Mẹ thuộc những người nhỏ
thó, thấp bé không ai quan-tâm. Tôi bị mê-hoặc bởi truyện kể về những người hăng
say/kiên-quyết nhưng cứ lầm lẫn về tầm vóc, kích-thước của mỗi người. Thánh nữ
Têrêxa thành Calcutta chẳng hạn, bà cũng chỉ cao không đầy thước rưỡi thế mà bà
vẫn làm được nhiều việc cả thế. Mẹ đây, lại cũng thấp bé như bà và có thể thấp hơn
nữa. Mẹ là người con áp út trong số 11 anh chị em trong gia đình đông-đúc, trong
đó chỉ có 4 người đạt đến tuổi trưởng-thành.
Như thế nghĩa là, Mẹ được dưỡng-nuôi trong một gia-đình
có khả-năng đối-đầu với mọi mất mát, thua thiệt. Ngay đến sức khoẻ, Mẹ cũng bị
coi là người mỏng-mảnh, dễ bể. Bất cứ ai gặp Mẹ, đều nghi-ngờ rằng với sức khoẻ
tồi-tệ như thế, sao Mẹ lại có thể kéo dài, tồn tại được.
Nước Mỹ, nay có vai-trò đáng kể trong việc vượt lằn
ranh của chính họ. Và nay, họ vừa trải
qua cuộc vận-động tranh cử vào cuối năm 2016 rồi, khiến đôi lúc, tôi cũng mong
sao có người như Mẹ đây, và một số công-dân rất ít được tấn-phong thành bậc hiển-thánh,
đứng trên bệ cao để chỉ đường đi nước bước cho mọi người; và cũng cởi mở đủ, để
không cần gì đến ảnh hình này khác mà chỉ cần lương-thiện và tình thương, thôi.
Tôi vẫn tin vào lời thán-phục ghi bên cạnh Nữ Thần Tự Do, một tượng đài luôn ghi
rõ lời mời chào nổi tiếng những bảo rằng: “Hãy cho tôi đám đông nghèo đói, mệt
mỏi và chộn rộn của bạn đi!”
Điều trớ trêu, là Mẹ đã ra đi về cõi vĩnh hằng chỉ
ít ngày trước lễ Giáng Sinh năm 1917, khi Mẹ trở bệnh sau ngày chuẩn bị gói quà
đem cho trẻ nghèo. Giáng sinh mời gọi Mẹ và tôi, ta suy tư nhiều hơn nữa về lời
của Thân Mẫu Đức Giêsu khi Cụ bảo: “Lòng từ-bi của Ngài ở tuổi này tuổi khác,
đạt đến những người biết kính sợ Ngài”. Thông điệp đây, còn tốt và đẹp hơn ánh
đèn mầu nhấp-nháy ở Quảng Trường Thời-Đại bên New York nhiều. Hẳn, ta cũng nên
dựng lên kênh truyền-hình để chiếu phim tập hay như thế.
Michael
McGirr
(X. A Letter to Mother Cabrini, Australiancatholics magazine số Christmas
2016 tr.27)
Thông-điệp
trên, nay ta cũng nên phổ-biến cho chán vạn người đang sầu/buồn vào đêm Giáng
Sinh, ở đây đó. Ấy đấy, lại là ý-tưởng mà bần đạo có được sau lễ Giáng Sinh
2016 và đầu năm Đinh Dậu 2017, rất Âm-Lịch.
Sầu/buồn
ngày lễ hội, lại vẫn là tâm-trạng của nhiều người thời cách-mạng vi-tính, rất tinh-vi.
Sầu/buồn đây, có thể cũng giống như mối sầu thành thị, rất không tên. Sầu và
buồn, là nỗi-niềm từ đâu tới, thật không rõ. Chỉ rõ có một điều, là: buồn và sầu
đến độ chẳng biết vì sao và làm thế nào cho vợi bớt nỗi niềm không tên ấy.
Sầu/buồn
nhiều nỗi, còn là tâm-trạng người nhà Đạo hôm nay, khi thấy Giáo-Hội vẫn có
những thứ được nhiều linh mục nói đến ở các bài giảng và bài viết, như giòng
chảy, ở bên dưới:
“Tình thương-yêu và lòng từ-bi nhân-hậu của Chúa đã
tạo nhiều ảnh-hưởng hơn những chuyện tầm-phào/yếu kém trong cuộc sống của ta. Thành
ra, ta có thể vui hưởng tính hài-hước trong cặp đôi bất-xứng giữa sự thật lớn
lao ta tin tưởng và cung-cách bé nhỏ qua đó ta xử-thế. Hoặc, các vụ tranh-cãi giữa
những người không hợp lòng hợp ý với nhau và cả những chuyện người đi nhà thờ không
chịu nổi cảnh cứ phải ngồi lâu nghe giảng giải đến khá dài ở nhà thờ.
Vốn biết Chúa thương yêu mỗi người chúng ta cả vào
khi ta phạm lỗi tày trời rất nhiều lần, Ngài vẫn tha thứ cho ta trước khi ta
xưng thú hoặc yêu cầu Ngài quên đi; mặc dù thế, ta vẫn có thể vui vẻ chịu đựng
tính-khí rất thất-thường đối với nhau; cả những khi kể cho nhau nghe những câu
chuyện về các giám mục và linh-mục hoặc thấy thoải mái khi nghe người ngoài đạo
kể chuyện tiếu lâm về người đi Đạo…” (Xem thêm
Lm Andrew Hamilton sj, The Church’s
Divine Comedy, AustralianCatholics Magazine số Christmas 2016 tr.
17-20)
Nói về
các bậc nữ-lưu chân-phương/lành thánh giống như trên, là nói rất nhiều về giáo
hội ở nhiều nơi. Nói như trên, chỉ có thể nói về người đi Đạo và/hoặc cho người
đồng Đạo, rất quen với giáo-lý, thần học, đúng ra là nói về các nữ-phụ an lành/hạnh
đạo, là phải nói như người ngoài đời sống ở đời, rất “ngoài luồng”. Tức, đượm
chút mắm muối tiêu đường, thật rất tếu.
Nói về
nam-nhân/nữ-phụ tốt lành/hạnh đạo, đôi lúc ta cũng nên nói như kể truyện đời nhiều
chất dí-dỏm, dị-hợm để cười đùa cho quên nỗi sầu buồn, một đời người. Nói thế,
là nói như truyện kể thêm thắt ở bên dưới cho đỡ buồn đời:
“Hai vợ chồng nọ kéo nhau vào siêu-thị mua sắm. Đến
gian-hàng nọ có đặt chiếc cân điện-tử nói thành tiếng, khi từng lượt người bước
lên cân. Thấy chiếc cân quá hiện-đại rất tầm cỡ, mọi người đều thích thú thay
nhau, bước lên bàn cân.
Một cô khách bước lên bàn cân, thì chiếc cân
điện-tử bèn nói: “Cô cân nặng 62 pounds, so với chiều cao như thế này mà cân
được 92 pounds thì cô là người hoàn-toàn, có sức hấp-dẫn nhiều đàn ông.
Một bà mệnh-phụ vừa bước lên cân, đã nghe chiếc cân
điện-tử phán những câu xanh rờn, rằng: “Bà cân nặng 102 pounds, hơi bị quá có
một chút thôi, chỉ cần đi bộ 2, 3 cây số mỗi ngày là bà sẽ có vóc dáng đáng yêu
ngay thôi, chẳng cần phải kiêng cữ gì hết”. Bà vợ nghe thế, lấy tay đẩy ông
chồng rồi nói: “Anh lên cân thử đi!”
Khi đức ông chồng bước lên, thì chiếc cân liền lên
tiếng: “Ông bạn chỉ có 93 pounds thôi thì quá gầy ốm. Vợ ông cần phải tẩm
bổ/bồi dưỡng cho ông, và cấm ngặt không được làm ăn chăn gối gì hết trong 3
tháng…”
Nghe thế, bà vợ nhà lại bước lên cân lần nữa, thì
lần này chiếc cân chẳng nói năng gì, đợi mãi cũng chẳng thấy tăm hơi gì hết, bà
bực quá bước xuống. Tức thì, chiếc cân mới phát ra hiệu lệnh thật rõ ràng: “Xin
bà con vui lòng bước lên từng người một, đừng chen lấn kẻo hư cân…” (Truyện kể đăng trên mạng)
Kể những
chuyện vui cười xảy ra trong cộng đồng nhà Đạo hay ngoài luồng, không phải và
không chỉ kể về những giòng chảy thần học khô cứng đến chán nản, không ai còn
muốn nghe nữa. Thế nhưng, nói về chuyện đạo hạnh nhà Đạo, tưởng cũng nên kể
những lời hay/ý đẹp của đấng thánh hiền vẫn nhủ khuyên dân con Đạo mình như
sau:
“Thưa anh chị em,
anh chị em hãy tự cho mình là được
chan chứa niềm vui
khi gặp thử thách trăm chiều.
Vì như anh chị em biết:
đức tin có vượt qua thử thách mới sinh
lòng kiên nhẫn.
Chớ gì anh chị em chứng tỏ lòng kiên
nhẫn đó ra
bằng những việc hoàn hảo, để anh chị
em nên hoàn hảo,
không có gì đáng trách, không thiếu
sót điều gì.”
(Giacôbê
1: 2-3)
Nói gì
thì nói, tưởng cũng nên nói cho mọi người bằng giòng nhạc có giai-điệu bay bổng
hoặc trầm lắng như sau:
“Tình vô
biên quá để rồi khó nói bằng lời
Cho môi khô héo dần thôi
Một đời tôi vẫn nhớ tới em trong những phút xa xôi
Em đến tình cờ với tôi như thoáng một giấc mơ
Vì biển ơi con sóng xóa tan con thuyền trôi giữa dòng
Tôi biết tình ta mãi là một góc đời cách xa. “
(Diệu Hương – bđd)
Hôm nay
đây, người viết nhạc mang tên Diệu Hương đã nói thay cho nhiều vị, nhiều người.
Chí ít, là những người, hoặc những vị đang có vấn-đề gì đó trong cuộc sống khó
phôi pha. Thế nhưng, như câu hát ở trên đã đề-cập, cũng nên đề nghị với bạn và
với tôi, những người đang đọc các giòng chữ ở đây, một lời nhắn thêm nữa của
tác-giả, mà rằng:
“Một đời
tôi vẫn nhớ đến em trong những tháng năm dài
Ôm mối tình sầu với em tôi biết sẽ tàn phai
Một hồn tôi ray rứt bước chân đi trên cát buồn
Biển vắng đêm nay xót xa một mối tình không may.
(Diệu Hương – Một Đời Vẫn Nhớ)
Vẫn nhớ một đời người, không là “xót xa một mối tình không may”, hoặc tệ
hơn nữa khi em “Ôm mối tình sầu với em
tôi biết sẽ tàn phai.” Nhưng vẫn là: “Em
đến tình cờ với tôi như thoáng một giấc mơ. Giấc mơ có một đời phúc hạnh,
sướng vui mãi không ngờ.
Trần Ngọc
Mười Hai
Vẫn cứ
chúc và mừng mọi người
Những
ngày vui hơn pháo Tết
Suốt một
đời.
No comments:
Post a Comment