Saturday, 3 December 2016

“Anh vuốt tóc em, anh vuốt tóc em,”



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 3 mùa Vọng Năm A 11/12/2016

“Anh vuốt tóc em, anh vuốt tóc em,”
một lần cuối, một lần cuối cùng, rồi thôi....
Anh hốt trăng thanh, trên áo em xanh,
một lần cuối, như những lần đó xa xôi....
Anh nắm tay em,
anh nắm tay em,
một lần cuối, một lần cuối,
một lần cuối cùng,
để còn thấy đời êm lần cuối.
Một lần cuối cùng, thôi em ơi!”
(Hoàng Thi Thơ – Một Lần Cuối!)

(1Cor 14: 14-16)

Vuốt tóc em, chỉ một hay nhiều lần, thì đã sao! Hà cớ gì, anh lại cứ phải bảo đấy “lần cuối, lần cuối cùng thôi em ơi” để làm gì? Thôi thì, anh muốn bảo: lần đó là lần thứ mấy cũng được, miễn là anh đừng hù doạ như các “ông thần/bà thánh” ở nhà Đạo cứ giở Tin Vui/Tin Mừng ngày của Chúa ra mà doạ đám “trẻ người non dạ”, nay không còn hợp thời nữa.

Không tin ư? Thì đây, mời bạn nghe tiếp lời bàn của đấng bậc Đức Thày “lờ mờ” ở Sydney hẳn sẽ rõ. Nhưng, trước khi nghe lời “đức ngài” phán, ta hãy nghe thêm câu ca rất “héo hắt” như sau:

“Thế là héo hắt cho nhau!
Thế là nước mắt đêm thâu!
Thế là mãi mãi, và mãi mãi tình sầu
Thế là tiếng khóc thiên thâu!
Thế là mãi mãi thương đau!
Thế là mãi mãi, và mãi mãi xa nhau

Anh hát cho em nghe, anh hát cho em nghe,
một lần cuối, một lần cuối cùng, rồi thôi.
Anh chết trong mắt em!
Anh chết trong mắt em, một lần cuối! như những lần đó ... xa xôi.
Anh khóc trên vai em, anh khóc trên vai em, một lần cuối,
một lần cuối, một lần cuối cùng, để còn thấy lòng run lần cuối.
Một lần cuối cùng thôi, em ơi !

Anh khóc trên vai em, anh khóc trên vai em,
một lần cuối, một lần cuối, một lần cuối cùng,
để nhìn thấy tình yêu lần cuối.
Một lần cuối cùng thôi, em ơi
Một lần cuối cùng thôi, em ơi !
Một lần cuối cùng thôi, em ơi !
Một lần cuối cùng thôi, em ơi !
(Hoàng Thi Thơ ­- bđd)

Đấy thấy chưa, hỡi bạn và tôi là các cụ thân thương, trìu mến! Người ngoài đời có hát gì thì cứ việc hát, nhưng sao lại ỷ ôi, mềm ngọt như đấng bậc nhà Đạo cứ rao-truyền những câu hỏi/đáp rất “phán bảo” ở bên dưới:

“Thưa Cha. Con đây vẫn luôn thắc mắc chuyện của Giáo-hội thời tiên-khởi lần đầu tiên thiết-lập luật Đạo buộc con dân phải đến nhà thờ dự thánh-lễ mỗi ngày Chúa Nhật. Câu hỏi của con hôm nay, là: có chuyện ấy vào năm tháng ngày giờ ở thế-kỷ đầu-tiên không?”

Lại một câu hỏi về giáo-luật và giáo-sử, được chuyển đến Tuần Báo Công giáo Sydney, đã có lời đáp như sau:

“Đây là câu hỏi rất hay khiến tôi phải trả lời ngay rằng: Không! Hội thánh Chúa khi xưa chưa có luật buộc đi lễ nhà thờ vào mỗi Chúa Nhật, ở các thế kỷ đầu có bao giờ cần như thế hết. Kitô-hữu thời đầu từng coi Thánh lễ ngày Chúa Nhật là việc hệ-trọng, nên họ vẫn quyết-tâm tham-dự dù đôi lúc cũng kéo theo nhiều hiểm-nguy, hệ-luỵ.

Tưởng cũng nên nhớ rằng: vào các thế-kỷ đầu đời, ngày Chúa Nhật ở đế quốc La Mã không hề là ngày nghỉ ngơi bao giờ, thế nên các Kitô-hữu vào thế kỷ đầu đã phải dậy thật rất sớm, để đi Lễ.

Ta biết được điều này là nhờ bức thư của Pliny Người Trẻ Tuổi là viên thống-đốc người La Mã đã trị vì vùng Pontus-Bithynia, viết vào năm 112 cho hoàng đế Trajan xin ý-kiến về việc bách-hại người theo Đạo Chúa. Ông viết thư bảo rằng: người đi Đạo thường gặp nhau vào một ngày nhất-định trước khi mặt trời mọc…”

Ông còn nói: sau khi tụ tập gặp nhau vào sáng sớm, những người đi Đạo nói ở đây đã tản mác ngay lập tức, sau đó mới quay trở lại cùng san sẻ hưởng thụ phần thức ăn bình thường trong ngày”, có lẽ ông đề-cập đến Tiệc Lòng Mến Agapè, là bữa ăn thân-thiện được mọi tín-hữu thời đó san-sẻ cho nhau vào thế kỷ đầu.

Dù có bị theo dõi, bách-hại đến thế nào đi nữa, các Kitô-hữu lúc ấy vẫn gia-tăng lòng đạo và con số các vị này cũng tăng đều. Thống-đốc Pliny Người Trẻ Tuổi còn viết thêm, rằng: “dân-chúng thuộc đủ mọi thành-phần, mọi lứa tuổi, trai hoặc gái đều đã và sẽ can dự vào cuộc lùng bắt rất cần-thiết. Bởi lẽ, lối dị-đoan mê tín này rất lây lan không chỉ tại các thành-phố lớn mà thôi, nhưng còn lan rộng sang các làng mạc và quận huyện ở vùng quê nữa…”

Lời chứng về lòng tin và việc hiến-tế hy-sinh của các tín-hữu quyết tham-dự thánh lễ Ngày Chúa Nhật xảy đến trong cuộc bách-hại do hoàng-đế Diocletian lập vào năm 303. Tại Abitene thuộc Tunisia khi ấy có một nhóm tín-hữu gồm 49 người đã tụ tập tại nhà riêng của người trong nhóm vào mỗi Chúa Nhật để dự thánh-lễ cho đến một ngày kia họ bị bắt giữ và giải cho vị Phó Lãnh Sự là người La Mã.

Khi một trong các vị này hỏi các vị này rằng: tại sao họ để cho tín-hữu Đạo Chúa đến nhà mình để dự thánh-lễ, thì ông trả lời: “Chúng tôi không thể sống, mà không có thánh-lễ.” Sách Công vụ Các Thánh Tử Đạo có viết:

“Ôi khùng điên, ôi khờ dại là những câu hỏi của quan án! Cứ như thể tín-hữu Đức Kitô lại có thể sống mà không có Thánh-lễ ngày Chúa Nhật được sao? Hoặc, thánh lễ Chúa Nhật mà lại không có giáo-dân tham-dự sao có thể cử-hành được. Kìa Satan loài quỷ dữ, người không biết rằng: chính thánh-lễ Ngày Chúa Nhật làm nên Kitô-hữu và Kitô-hữu là những người làm nên thánh-lễ sao? Bởi thế nên, người ta không thể sống được mà lại không có thánh-lễ ngày của Chúa, được.”

Hội thánh không ra luật lệ bắt buộc mọi người phải tham-dự thánh-lễ vào thời đó. Đó là thành-phần cuộc sống của tín-hữu Đức Kitô mặc dù họ bị nguy-cơ sống chết gì cũng không sợ.

Trong Tông-thư Dies Domini (Ngày của Chúa), Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II có bình-luận: “Hội-thánh ta, dù thời-gian đầu không coi việc này là cần-thiết đi nữa, Hội-thánh vẫn không ngừng xác-nhận rằng đây là sự bó buộc của lương-tâm dấy lên từ nhu-cầu nội-tâm của các tín-hữu vào các thế-kỷ đầu tiên, là như thế.

Mãi sau này, khi thấy tín-hữu của ta bắt đầu lơ-là hoặc ít hăng-say như trước, Hội-thánh mới nói rõ bổn phận phải tham-dự thánh lễ Chúa Nhật. Thường thì, đây là sự khích-lệ hơn là bắt buộc; nhưng, vào những lúc khiến Hội-thánh phải tiến đến các lý-lẽ mang tính cách giáo-luật đặc-biệt.

Đây là trường-hợp của các công-hội địa phương có từ thế kỷ thứ tư  trở về sau. Đặc biệt là Công-hội Elvira vào năm 300 khi đó có nói đến luật buộc dự lễ nhưng không đề-cập đến việc đền tội sau khi bỏ lễ những ba lần.

Đặc biệt hơn cả, là từ thế-kỷ thứ 6 trở đi (như ở Công-hội Agde vào năm 506) quyết-định của các Công-hội như thế đã dẫn đến việc thực-hành trên toàn thế-giới, và tính bó buộc đã trở-thành chuyện bình thường mà thôi.” (X. Dies Domini đoạn 47)

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã giải-thích rằng: trong Điều luật trong Giáo-luật năm 1917 có nói là Hội-thánh lần đầu tiên ban hành việc bó buộc dự lễ ngày Chúa Nhật theo hình-thức một điều luật. Và Giáo luật hiện-hành đã ban hành từ năm 1983 lặp lại cũng một luật buộc như thế vẫn bảo rằng: Vào ngày Chúa Nhật và và các ngày lễ khác, mọi tín-hữu đều được yêu-cầu đến dự thánh-lễ như một luật buộc.” (Giáo luật số 1247 và Tông Thư Dies Domini đoạn 47)

Hỏi rằng mọi tín-hữu ngày nay có được lòng tin như các Kitô-hữu thời tiên-khởi và có tham-dự thánh-lễ ngày Chúa Nhật do động-lực của tình thương-yêu thúc đẩy hay không, đôi khi còn kèm theo một vài sự hy-sinh nữa không đấy? Đó là câu hỏi đặt ra cho mỗi người và mọi người chúng ta.” (X. Lm John Flader, Did the early Church have a law about Mass on Sunday? The Catholic Weekley 08/5/2016 tr. 22)

Thật ra, “Đức ngài” có phán và có bảo cũng vẫn là những lời bảo ban và chuyện phán bảo “xưa rồi Diễm” ở giáo-triều nhiều triết-học, triết-lý rất nhân duyên.

Quả thật, anh cứ “vuốt tóc em” rồi em lại “vuốt tóc anh” như thế mãi rồi lại hỏi những câu/những điều như thế về thánh-lễ rất “Misa”, nghe cũng hơi lạ. Lạ hơn nữa, là khi đức thày còn bảo rằng: chuyện lễ lạy nhà thờ vẫn có luật và lệ đấy chứ!

Thật ra thì, luật và lệ là những điều/những chuyện làm nức lòng người nghe và chịu đi lễ để khỏi thắc mắc những tháng ngày còn lại trong đời, rất rối bời chuyện đạo đức.

Thật ra thì, suy tư đến thế nào đi nữa, giờ đây vẫn xin mời bạn/mời tôi, ta tiến lên thêm bước nữa vào chốn dân-gian Lời Vàng có những điều vẫn được đấng thánh-hiền nhắc nhở rằng:

“Thật vậy, nếu tôi cầu nguyện bằng tiếng lạ
thì lòng tôi cầu nguyện,
nhưng trí tôi chẳng thu được kết quả gì.
Vậy, phải làm sao?
Tôi sẽ cầu nguyện với tấm lòng,
nhưng cũng cầu nguyện với trí khôn nữa.
Tôi sẽ ca hát với tấm lòng,
nhưng cũng ca hát với trí khôn nữa.
Quả thế, nếu bạn chỉ chúc tụng với tấm lòng thôi,
thì làm sao hạng người ngoài cuộc có thể thưa "A-men"
lúc bạn dâng lời tạ ơn,
vì người đó không biết bạn nói gì?”
(1Cor 14: 14-16) 

Thật sự, thì nếu suy tư/tụng niệm nhiều hơn nữa về thánh-lễ Misa hay Tiệc Lòng Mến  ở nhà Đạo, ta cũng thấy nảy ra nhiều ý-tưởng từng nghe biết từ các đấng bậc khác, rất như sau:

“Những ai cho rằng mình là kẻ bước theo chân Chúa, vẫn tham dự đều Tiệc Thánh, một cách năng động hay thụ động, mà lại không tha thiết làm thành viên cộng đoàn tình thương của Chúa, ắt chỉ hưởng lợi ích của Bí tích Thánh Thể, rất ít.

Tham dự Tiệc Thánh, còn là hành vi cảm tạ. Bởi, nếu tầm nguyên ngôn ngữ, ta sẽ thấy cụm từ “Thánh Thể” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp, mang ý nghĩa của một cảm tạ. Nên nhớ là, trong mọi việc, Thiên Chúa thể hiện tình thương cho ta qua sự sống của Đức Giê-su, và Lời Ngài dạy. Qua nỗi đau, cái chết và sự sống lại của Ngài, mà thôi.

Bởi thế nên, khi tham dự Tiệc Thánh, ta nhớ đến Đức Chúa của Tình Yêu. Nhớ, để cảm tạ. Nhớ, để yêu thương. Cảm tạ, vì ta đã được Tình yêu Chúa đánh động, và đi vào cuộc sống của ta. Đánh động, qua kinh nghiệm bản thân, của mỗi người. Dự Tiệc Thánh, là đi vào với chiêm ngắm và cảm tạ mọi phúc lành, Ngài ban cho sự sống.

Dự Tiệc Thánh, còn là cử hành sự kiện mình trở nên thành viên đích thực của cộng đoàn. Vì thế, ta sẽ cử hành trong vui tươi, đậm nét thân thương tình bằng hữu. Vui tươi, vì Tiệc Thánh Thể, tự bản chất, không tạo ra cộng đoàn.

Nhưng, khi dự Tiệc Thánh, ta biết rõ ràng cộng đoàn có mặt ở đó, đang quây quần tề tựu, rất tươi và rất vui. Tham dự Tiệc Thánh, không chỉ có nghĩa là “xem lễ”, bước đến nhà thờ để “đi lễ”, rất cá thể. Dự Tiệc Thánh, cũng chẳng cốt để giữ điều răn Hội thánh, là: “Hãy giữ ngày Chúa Nhật”.  Dự Tiệc Thánh, hay giữ ngày Chúa Nhật, không thể là như đi xem hát/diễn kịch, để giải trí. Không phải để ta lãnh nhận điều gì có lợi, dù vật chất hay tinh thần. Nhưng tham dự Tiệc, là cho đi. Cho rất nhiều. Cho toàn bộ con người mình, hầu liên kết hiệp thông.

Tiệc Thánh là một Bí tích, điều này có ý nghĩa còn lớn hơn cả ý nghĩa đến dự chỉ để dâng lên đồ cúng kiến, tế thần. Tiệc Thánh, là thước đo chất lượng của tình bằng hữu, nơi cộng đoàn. Đo, là đo cả bản chất và tình trạng của cộng đoàn, nữa. Cộng đoàn nào sinh động, ắt không thể cử hành Tiệc Thánh theo cách lê thê, đáng chán. Nơi nào, không có tinh thần cộng đoàn theo đúng cách thì nơi ấy không thể có Tiệc theo đúng nghĩa. Dù nguyện đường có hoành tráng. Phẩm phục có uy nghi. Ban hợp xướng có tiếng hát thanh trong thiên thần đi nữa, thì Tiệc Thánh ta dự vẫn không mang ý nghĩa đích thực được.

Có giáo-dân nọ đến dự Tiệc Thánh rất thường nhưng vẫn tự hỏi: sao ta cứ phải “đi lễ”, mà không thể cầu-nguyện ở nhà được nhỉ? Đúng thế. Ai cũng có thể ở tại nhà, mà nguyện cầu. Nhiều khi, nhà là chốn ấm nguyện cầu, rất tốt.

Nhưng, Tiệc Thánh đâu chỉ là thời gian để nguyện cầu. Thánh lễ chính là Bữa Tiệc. Là, mảng thời gian để ta vui mừng với cộng đoàn thân thương, ta lui tới. Và tiệc vui thánh, không thể thực hiện một cách riêng lẻ, ở tại nhà. Mà, chỉ có thể thực hiện trong chung vui, với nhau. Chung cộng đoàn. Cùng cộng đoàn…” (X. Lm Frank Doyle, Suy Niệm Lời Ngài Chúa Nhật Lễ Mình Máu Chúa, nxb Tôn Giáo 2013 tr. 107-108)

Thật ra thì, nhiều người-đi-Đạo sống trong đời, đôi lúc vẫn lẫn lộn sự Đạo với chuyện đời đến độ họ-và-tôi không nắm bắt được cốt cách cùng ý chính việc tham-dự Tiệc Lòng Mến/Thánh Thể còn mang nặng ý-nghĩa chính-yếu của những tương-quan mật thiết giữa người với người, như đấng bậc ở trên còn nói tiếp:

“Bởi thế, những gì ta cử hành khi tham dự Tiệc Thánh, vẫn nói lên kinh nghiệm sẻ san, cùng đem cho nhau tư cách vui tươi, của cộng đoàn. Và khi bắt đầu phần rước Chúa vào lòng, cộng đoàn ta cùng nhau dâng lên lời nguyện cầu mà Đức Giê-su đã chỉ dạy. Đó chính là lúc, ta ngỏ lời với vị Cha Chung của ta ở trên cao, chứ không phải với người cha riêng của một ai. Qua ngỏ lời, ta cầu Chúa ban cho mọi người có đủ cơm bánh hằng ngày.

Cầu mong cho nhau, được ơn tha thứ, biết làm hoà. Làm hoà, bằng cử chỉ tay trong tay nắm thành vòng. Và làm hoà, bằng lời chúc bình an cho nhau. Tức, cử chỉ của sự thân thương tình bằng hữu. Của tình an hoà biết thứ tha hết mọi người, trước khi bước lên bàn thánh đón Chúa vào ngự trong cung lòng của chúng ta.     

Thực hiện động tác an bình hài hoà, tất cả chúng ta sẽ nhớ lại Lời Ngài ở Núi thánh: “Vậy, khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ người anh em đang có chuyện bất bình với anh, hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh/em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. (Mt 5: 23-24).

Nói cho cùng, nếu không chuẩn bị, ta không thể có được tình an hoà bằng hữu, khi đến với cộng đoàn, ở nhà thờ. Đến dự Tiệc, là ta đã sẵn sàng mang niềm vui tặng trao mọi người. Giáo xứ nào, nếu chỉ lo tổ chức thánh lễ rềnh rang cho có mà chẳng thiết tha gì chuyện buồn/vui xảy đến, với người xứ mình.

Thì nơi ấy, sẽ trở thành giáo xứ khô cằn, rẫy chết. Tiệc Thánh lúc đó, chỉ là thói quen nhàm chán, đáng từ bỏ. Tiệc Thánh, phải là Tiệc sinh động của cộng đoàn. Cho cộng đoàn. Và do cộng đoàn thực hiện.

Giáo xứ năng động, không chỉ là toà kiến trúc, nguy nga có thánh lễ, có bài giảng và có đàn hát, rất hăng say. Nhưng, là cộng đoàn tươi vui, biết dựng xây tình yêu thương con cái Chúa, trong hiệp nhất.

Và, Tiệc Thánh, là dấu chỉ của cộng đoàn vui tươi sinh động, ở giáo xứ . Ở nơi đây, Đức Kitô đang hiện diện sống động trong mọi người. Qua mọi người. Ngài hiện diện, như một tổng thể có Thân Mình rất Thánh, hiệp thông. Liên kết. Hiểu được ý nghĩa đích thực của Tiệc, ta sẽ nhận ra Lời Ngài vẫn chờ và vẫn đợi mọi người. Cả vào lễ Mình Máu Chúa, rất hôm nay.” (X. Lm Frank Doyle, sj sđd tr. 109)

Thế mới biết, nhiều lúc bầy tôi đây hay bạn bè đó vẫn hay quên sót hoặc hiều lầm ý-nghĩa của Bữa Tiệc Lòng Mến của nhà Đạo, đến độ cứ “đi và làm” như cỗ máy. Chứ, chẳng hiểu rõ mục đích của “đi-và-làm” theo hiệu-lệnh của Đức-Chúa-Tình-Yêu của tôi và của bạn, muôn đời là thế.

Thế mới hiểu, rằng: nhà thơ nọ bị tiếng là “ngớ-ngẩn” hoặc “lẩn-thẩn” sao đó, nhưng vẫn có những nhận-định rất ư là “trải-nghiệm đời” về nhiều thứ như bài thơ “Đừng Tưởng” sau đây:

Đừng tưởng cứ núi là cao.. Cứ sông là chảy, cứ ao là tù,
Đừng tưởng cứ dưới là ngu.. Cứ trên là sáng cứ tu là hiền,
Đừng tưởng cứ đẹp là tiên.. Cứ nhiều là được cứ tiền là xong,
Đừng tưởng không nói là câm.. Không nghe là điếc không trông là mù.
Đừng tưởng cứ trọc là sư.. Cứ vâng là chịu cứ ừ là ngoan
Đừng tưởng có của đã sang.. Cứ im lặng tưởng là vàng nguyên cây
Đừng tưởng cứ uống là say.. Cứ chân là bước cứ tay là sờ
Đừng tưởng cứ đợi là chờ.. Cứ âm là nhạc cứ thơ là vần.
Đừng tưởng cứ mới là tân.. Cứ hứa là chắc cứ ân là tình
Đừng tưởng cứ thấp là khinh.. Cứ chùa là tĩnh cứ đình là to
Đừng tưởng cứ quyết là nên.. Cứ mạnh là thắng cứ mềm là thua
Đừng tưởng cứ lớn là khôn… Cứ bé là dại, cứ hôn… là chồng
Đừng tưởng giàu hết cô đơn.. Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo
Đừng tưởng cứ gió là mưa.. Bao nhiêu khô khát trong trưa nắng hè
Đừng tưởng cứ hạ là ve.. Sân trường vắng quá ai khe khẽ buồn…
Đừng tưởng thu lá sẽ tuôn.. Bao nhiêu khao khát con đường tình yêu.
Đừng tưởng cứ thích là yêu.. Nhiều khi nhầm tưởng bao điều chẳng hay
Đừng tưởng vua là anh minh.. Nhiều thằng khốn nạn, dân tình lầm than.
Đừng tưởng đời mãi êm đềm.. Nhiều khi dậy sóng, khó kềm bản thân.
Đừng tưởng cười nói ân cần.. Nhiều khi hiểm độc, dần người tan xương.
Đừng tưởng trong lưỡi có đường.. Nói lời ngon ngọt mười phương chết người
Đừng tưởng cứ chọc là cười.. Nhiều khi nói móc biết cười làm sao
Đừng tưởng khó nhọc gian lao.. Vượt qua thử thách tự hào lắm thay
Đừng tưởng cứ giỏi là hay.. Nhiều khi thất bại đắng cay muôn phần
Đừng tưởng nắng gió êm đềm.. Là đời tươi sáng hóa ra đường cùng
Đừng tưởng góp sức là chung.. Chỉ là lợi dụng lòng tin của người
Đừng tưởng cứ tiến là lên.. Cứ lui là xuống, cứ yên là nằm
Đừng tưởng rằm sẽ có trăng.. Trời giăng mây xám mà lên đỉnh đầu
Đừng tưởng cứ khóc là sầu.. Nhiều khi nhỏ lệ mà vui trong lòng
Đừng tưởng cứ nghèo là hèn.. Cứ sang là trọng, cứ tiền là xong.
Đừng tưởng quan chức là rồng
Đừng tưởng dân chúng là không biết gì.

Đời người lúc thịnh, lúc suy
Lúc khỏe, lúc yếu, lúc đi, lúc dừng.
Bên nhau chua ngọt đã từng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.

Ở đời nhân nghĩa làm đầu
Thủy chung sau trước, tình sâu, nghĩa bền.
Ai ơi nhớ lấy đừng quên…!”
(Thơ Đừng Tưởng của Bùi Giáng nhận được từ điện-thư vi-tính, mới vừa đây)

Đừng tưởng” hay “cứ tưởng rằng ” cuộc đời có tương-quan giữa người người, là như thế. Đừng tưởng rằng: đời người đi Đạo đôi khi cũng như thế. Như thế, tức mãi mãi tưởng lầm chuyện nhà thờ/nhà thánh chỉ là chuyên-chăm kinh-kệ, mới đáng sống.

Đời người có đáng sống hay không, đâu chỉ vì chuyện “Đừng tưởng” của nhà thơ mà làm mục-tiêu ta của sự sống đi tới. Mục tiêu sự sống hay mục đích của cuộc-đời-người, vẫn là kiếm tìm một hạnh-phúc cũng rất cần nhưng hay tưởng lầm, như nhận định của ai đó đã phóng đi được bầy tôi đây dùng làm kết-đoạn cho câu chuyện phiếm sau đây:

Đến hôm nay, khi đã thành đạt, vợ đẹp, con ngoan. Cuộc sống hối hả, vô thường vô tận. Nó cũng chẳng bao giờ đóai hoài đến cái đầu, hay miếng xương con cá. Vì những thứ đó đã được vợ nó bỏ đi, chỉ mang phần thịt lên mâm cơm.

Cha mẹ nó lớn tuổi mới cưới nhau. Hồi đó, gia đình nghèo khó. Mẹ mất sớm, cha tần tảo nuôi 3 anh em nó nên người. Nhà gần sông, nhưng cha đau yếu, ít khi có được con cá mà ăn, mà có được bữa cá đã là thịnh soạn lắm với anh em nó rồi. Nó còn nhớ, mỗi lúc ăn cá, cha thường bảo: -Để tao ăn đầu và xương.
Nó nhanh nhẩu hỏi:
-Tại sao thế hả cha?
Cha nó nói vẻ mặt nghiêm nghị, kiểu răn dạy:
-Vì cha già rồi, hay đau đầu, nên ăn đầu thì nó sẽ bớt đau - cái này gọi là ăn óc bổ óc, hiểu không? Xương yếu, ăn xương thì sẽ cứng cáp hơn. Có vậy mà cũng không hiểu hả?"

Tâm hồn trẻ con, nó và hai đứa em đinh ninh là cha nói thật. Mỗi lúc đến bữa ăn, nó còn nhanh nhẩu sẻ ra từng phần. Bỏ đầu và xương qua cho cha nó. Ba anh em tranh nhau phần thịt. Có những lúc nó cũng phân vân, những khi như thế, cha nó lại bảo: "Hồi nhỏ, ông bà nội cho tao ăn thịt suốt, giờ nhìn thịt là cha thấy ớn quá, sau này lớn các con cũng như cha thôi."

Thấm thoắt thoi đưa, anh em nó lớn lên, và cha nó già đi. Sau này, khi nó đủ hiểu biết mới nhận ra những lời cha nó nói trước đây là nói dối, thì cũng là lúc đời sống của gia đình nó khấm khá hơn. Anh em nó có thể thay cha đi đò, đi sông, mò cua, thả cá.

Vì thế mà cha nó cũng thỉnh thoảng ăn thịt, hay ăn thường xuyên nó cũng chẳng nhớ. Vì tuổi trẻ bồng bột, không dám - không ngẫm nghĩ nhiều về yêu thương, hay vì cha nó cố tìm cách cho "lời nói dối" được anh em nó chấp nhận hơn, nó cũng chẳng còn nhớ.

Để đến hôm nay, khi đã thành đạt, vợ đẹp, con ngoan. Cuộc sống hối hả, vô thường vô tận. Nó cũng chẳng bao giờ đóai hoài đến cái đầu, hay miếng xương con cá. Vì những thứ đó đã được vợ nó bỏ đi, chỉ mang phần thịt lên mâm cơm.

Hôm nay là ngày giỗ lần thứ 10 của cha nó. Nhìn di ảnh ba gầy còm, nhưng nở một nụ cười tươi sáng. Nhìn con cá chiên to đùng, lấp lánh mỡ mà vợ đặt lên bàn thờ, nó chợt bất giác rơi lệ. Một cơn đau từ đâu hiện về nhói lòng vô tận. Nó phải quay mặt đi để lau hàng lệ, để giấu vợ con. Nhưng nó không thể xóa đi được hình dáng cha già còm cõi, xiêu vẹo bước đi bên sông, "cha đi thả cá mùa nước nổi".

Rồi sau đó là những trận thương hàn triền miên hành hạ ông. Nó không thể xóa đi được cái ý nghĩ "nếu cha ăn nhiều thịt hơn, thì đã không già yếu như thế". Vừa khấn vái, nó lại bất giác kêu lên những tiếng "cha" từ trong cổ họng.

Đến lúc ra bàn ăn. Nhìn vợ đang xẻ thịt con cá, để bỏ đi phần đầu và xương. Nó giữ tay vợ lại: -Em, để anh ăn đầu, đừng bỏ đi".
Vợ hiểu. Vợ nó bỏ đầu cá qua cho chồng. Chỉ có cô con gái nhỏ là thắc mắc:
-Sao hôm nay ba lại ăn đầu, nó lắm xương, nó sẽ làm đau ba đấy?

Nó xoa đầu con gái, nuốt tiếng nấc đang chầu chực nơi cổ họng vào trong, rồi bảo:
-Dạo này ba hay đau đầu, nên ăn đầu sẽ hết đau con gái à, cái này gọi là ăn đầu bổ đầu đấy con yêu".

Nó vừa ăn vừa cố cho những giọt nước mắt không tràn xuống bát cơm.” (truyện ngắn do Cù Lú kể)

Nghe kể rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta cứ hãnh tiến hước về phía trước mà ra đi miệng ngâm nga những lời hát “vuốt tóc em” tuy buồn bã nhưng vẫn cứ hát “một lần cuối”, rằng:

Anh hát cho em nghe,
anh hát cho em nghe,
một lần cuối, một lần cuối cùng, rồi thôi.
Anh chết trong mắt em!
Anh chết trong mắt em,
một lần cuối! như những lần đó ... xa xôi.

Anh khóc trên vai em,
anh khóc trên vai em, một lần cuối,
một lần cuối, một lần cuối cùng,
để còn thấy lòng run lần cuối.
Một lần cuối cùng thôi, em ơi !

Anh khóc trên vai em,
anh khóc trên vai em,
một lần cuối, một lần cuối,
một lần cuối cùng,
để nhìn thấy tình yêu lần cuối.
Một lần cuối cùng thôi, em ơi
Một lần cuối cùng thôi, em ơi !
Một lần cuối cùng thôi, em ơi !
Một lần cuối cùng thôi, em ơi !
(Hoàng Thi Thơ ­- bđd)

Cứ hát và cứ khóc “trên vai em” một lần cuối đến như thế, anh và em rồi sẽ “nhìn thấy tình-yêu lần cuối”, dù Tình-yêu ấy, dù người đời ở đây, hôm nay vẫn cảm-nghiệm một cuộc đời cũng rất “người”, nơi mọi người. Ở muôn nơi.

Trần Ngọc Mười Hai
Cũng là người
như mọi người
Nên không thể không có
những cảm xúc
đến như thế.    
 

   

No comments: