Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 1 mùa Chay năm B 22/02/2015
“Ta như sương cao mà người như hoa sâu.”
“Ta dối gian nhau, nên nát nụ hôn đầu.
Tình đi từng bước, đi từng bước trên đầu gió.
Gieo xuống lòng nhau, ôi từng hạt thương đau”.
(Phạm Duy
- Tình
Sầu Du Tử Lê)
(2Cor 9: 1, 2, 3)
Hôm nay, ngồi nặn óc tìm lời nhạc ở
đây đó làm nguồn hứng viết “Phiếm”, bần đạo đây phải thú thật một điều, rằng: lời
ca trên rất phù hợp với tâm trạng của bần đạo, vào lúc này, hơn bao giờ hết.
Này nhé, trong chuyến du-lịch nước
Tây Tạng đầu năm nay 2015, bần đạo cũng “từng
bước, đi từng bước” rất dọ dẫm ở độ
cao lên đến 6,000m, chỉ để hướng về núi Everest chụp một tấm hình kỷ-niệm chứng
tỏ mình đã có mặt ở nơi này. Nghĩ thế rồi, nay bần đạo lại nghe hát tiếp, những
lời rằng:
“Người
một phương, ta cũng một phương.
Phố cao ngày thấp, nên nắng mưa trùng trùng.
Mắt có sâu, để nhốt trời giông tố.
Ta là hồn câm, cho mưa bão lên.
Người ở đây, ta cũng ở đây.
Lòng không như mặt, mà lòng lệ tràn đầy.
Chân đi theo gió, sầu ba hướng.
Tay với một trời, trời mưa bay.”
(Phạm Duy – bđd)
Quả thật
là thế. Đứng ở độ cao 6,000m tại xứ miền được mệnh danh là “Nóc nhà của thế
giới”, thì: lại thấy mây trời chậm trôi rất gần kề, ra như thể: chỉ cần với tay
lên cao, là ta nắm được chúng ngay thôi.
Và, không
chỉ thế. Bần đạo đây, lại dám lên cao/xuống thấp rất từng chập, để cảm-nhận
được cái hay/cái đẹp nơi lập-trường của người Tạng, không chỉ mỗi chuyện hành-hương
lòng vòng rất nhiều giờ quanh lâu đài Potolas, như thế thôi.
Người
Tạng đi như thế, không chỉ mỗi nhà đạo đức hoặc các thày dạy gọi là “Rinpochê”
hoặc Đức “Đạt Lai Lạt ma” mới biết làm, mà: tất cả quần chúng từ vua quan, lãnh
chúa đến thứ dân, lớp du-mục ít khi học hoặc đám nông dân bình thường ít bày tỏ
tư-tưởng này nọ, vẫn cứ làm.
Người Tạng
hành-hương Kora, không chỉ để chứng-tỏ cho người khác biết: mình cũng hành-hương/hương
hành nhiều tình tiết; nhưng, còn để tưởng nhớ đến bậc thày dạy dỗ, đồng hành
với mình, trong cuộc sống.
Đồng hành
đây, không mang nghĩa cùng tiếp bước “quân-hành/dân chạy” vào chốn mông lung,
nguyện cầu, siêu thoát. Nhưng, là để tuyên dương/trân trọng bậc đàn anh đi
trước vẫn làm gương cho mình về đường lối sống nhẹ nhàng, an vui, bình-dị.
Quả thật,
người Tạng vẫn chấp-nhận làm dân “bị trị”, sống hiền-hoà tuân-giữ luật-pháp và “hoằng
pháp” của nhà Phật theo kiểu Tây Tạng. Nhưng, nói chung thì: người Tạng đã làm
gương cho nhiều sắc tộc và dân nước khác, bằng việc gìn-giữ môi-trường-sống ở nguồn
nước sinh sống của thế-giới.
Họ làm
thế, có thể, cũng vì cảm-kích với lời thơ/ý nhạc của nghệ sĩ “già” mà họ từng
nghe như sau:
“Người đã
vì ta, tan ước mơ.
Phấn son chưa ngát, thịt da ngà.
Môi non đã lỡ, tình đau đớn.
Mộng vữa theo trời, hoa phượng xưa.
Người chôn đời, mà ta đắng cay.
Cây im lá, và khói sương bay.
Chim treo mỏ, cóng trơ xuơng mục.
Sống đã chẳng cùng, chết sao hay.
Người ở đâu, ôi người ở đâu?
Cỏ xanh còn áp má, những đêm sầu.
Dế giun còn tiếc, mùa ân ái.
Từng phiến trời, mang bao vết thương ...”
(Phạm Duy – bđd)
Tâm trạng
người Tạng và của những người “bị trị” những 55 năm trời, vẫn bất khuất; và đó
còn là tâm-trạng của người Do-thái khi xưa được kể ở Lời vàng nơi Kinh Sách, rất
như sau:
“Về việc
phục vụ các người trong dân thánh,
tôi có viết cho anh em thì kể cũng bằng
thừa,
vì tôi biết lòng hăng hái của anh em…
(2Cor
9: 1-2a)
Và:
“Nhiệt tình của anh em đã khích lệ rất
nhiều người”…
(2Cor
9: 3)
Lời vàng ở trên, cốt minh-hoạ một điều
là: niềm tin của con người vào thần thánh, và tình thương-yêu rất mực, vẫn là
niềm tin và tình thương-yêu chính con người mình nữa. Hôm nay, lại có thêm câu
hỏi đặt ra hôm trước, vẫn bảo rằng: niềm tin đây, có là niềm tin chân-phương
bất chấp mọi hoàn-cảnh và sự đời hay không?
Bần đạo đây, mỗi khi lai rai viết phiếm,
thường không dám đi thẳng vào câu trả lời, nhưng chỉ đưa ra một vài sự việc
hoặc sự kiện liên-quan đến sinh-hoạt sống của mình và của người, mà thôi.
Về sinh-hoạt của bần đạo, thì: chỉ lai
rai phiếm “loạn xạ” đôi ba kinh nghiệm ở đời, nhân chuyến du-lịch qua xứ Tạng đầu
năm 2015 thôi. Khi về, cũng đã viết lên được đôi giòng tư-tưởng về chuyện hành-hương
của người Tạng, miền cực Bắc xa xôi, chốn ấy.
Mới đây, trên đường về với cộng-đoàn họ
đạo nhỏ ở Sydney, bần đạo lại bắt chụp một giòng chảy khác từ vị lãnh-đạo Tổng giáo
phận Sydney, những bảo rằng:
“Gm Anthony Fisher, OP đã từng nói sau ngày nhậm
chức Tổng giám mục Sydney rằng: Hội-thánh ta sẽ không có chính-nghĩa, nếu cứ
bai-bải chối cãi hoặc che-đậy mãi các chuyện xấu của mình. Và, ai là nạn-nhân các vụ
xách-nhiễu tình-dục phải đưa ra ánh-sáng, cách nào sớm nhất. Cụ thể là, hôm 18/9/2014
ở Sydney, Gm Anthony Fisher có nói: “Hội-thánh Chúa ở Úc phải tự-kiểm và để quần chúng phê-bình kiểm-điểm mình
nữa. Bản thân tôi hy vọng rằng: bằng vào động-thái tách-bạch và khiêm-hạ như
thế, Giáo-hội sẽ nảy-sinh ra tình-huống xót thương và ái-ngại đầy linh-đạo. Đặc
biệt hơn, giới trẻ của ta, nay không chỉ là tương-lai Giáo-hội mà thôi, nhưng sẽ
là và còn là thành-phần quan-trọng trong Giáo-hội, ngay lúc này.” (Gm Anthony Fisher, OP trả lời phóng
viên AAP hôm 18/9/2014)
Trước đó 2 ngày, Đức Phanxicô cũng nhắc
đến niềm hy-vọng của Giáo hội, bằng những lời lẽ rất thật như sau:
“Khi Chúa ghé thăm dân Ngài, Chúa đã tạo hy-vọng cho
con người. Vâng. Bao giờ cũng thế. Từ xưa đến nay, Giáo-hội vẫn có nhiều bậc thày
giảng dạy suốt giòng-chảy lịch sử. Nhưng, nếu các bậc thày ấy lại không gieo
vãi hạt-giống hy-vọng, thì lời rao giảng của các ngài cũng trở-thành hư-luống. Những
lời như thế chỉ là hư ảo, thôi.” (trích chia-sẻ Tin Mừng của Đức Phanxicô tại thánh đường Santa Maria hôm
16/9/2014).
Về với phiếm đạo lâu nay, bần đạo quyết
tìm đến lời vàng của các bậc vĩ nhân hiển thánh ở đây đó, để tạo giòng chảy đầy
những phiếm, mỗi khi cần. Bất chợt, bần đạo gặp được bài quan-điểm của một cây
viết trẻ chuyên lo cho tờ The Australian
Catholics rất hay như mọi ngày. Và,
trong số báo The Australian Catholics
mùa Giáng Sinh 2014 vừa rồi, khi bàn về “niềm tin và sự sống”, tác giả Michael
McVeigh cũng đã viết:
“Các bạn cũng như tôi, ta học được nhiều thứ từ các câu-lạc-bộ bóng
bầu-dục luôn đấu-tranh giành lấy cho mình, nhiều thắng-lợi. Bạn cũng như tôi,
ta đấu-tranh học đòi thưởng-thức mùi vị chiến-thắng dù nhỏ nhoi, còn hơn chỉ
biết ghi những bàn thắng và thắng ở trận đấu.
Thêm vào đó, ta vẫn thầm-phục/cảm-kích những vị
từng đấu-tranh giành lại cho mình động-thái lướt-thắng mọi hạn-chế, rất dễ
nhận. Phần lớn thời-gian sống ở đời, ta học được cảm-giác khá lạ-kỳ khi nếm mùi
thất bại, đó lại là hy-vọng cần có để tiến tới. Hy-vọng ấy, có thể, sẽ hằn in trên giấy trắng mực đen và cả trên
sân cỏ, hoặc có khi lại cũng bị quăng/ném đi nơi khác bằng những cú đá khởi đầu
trận hoặc bằng bàn thắng vào phút cuối quyết tạo vinh-quang cho người chiến-thắng
cả trận đấu. Và, ở các trận đấu tiếp theo đó, hoặc mùa bóng kéo dài ở năm sau,
thì niềm hy-vọng sống động vẫn hiện-diện nơi mọi người, trong đời.
Điểm chính-yếu của niềm hy-vọng là ở chỗ: mức-độ
tuyệt-vọng càng sâu, ta càng có nhiều sức để cảm-nhận và tùy thuộc vào nó,
nhiều hơn nữa. Điều làm cho hy-vọng trở-thành quà-tặng lớn-lao từ Thiên-Chúa còn
ở điểm: nó không nhắm vào người thắng trận cho bằng vào người thua cuộc, bại
trận vẫn thấy đầy trên thế-giới.
Hy vọng rằng, là chủ-đề mà bạn và tôi thấy rõ ở trang
kế-tiếp số báo này, kỳ thực là ‘điều tốt đẹp’ trong đời. Là, quà-tặng quí giá
từ Chúa, gửi đến ta.” (x. Michael McVeigh, The
Australian Catholics số Giáng Sinh 2014, tr. 5)
Người trẻ nào đó, nếu cậy nhờ bần-đạo
diễn-tả thêm tư-tưởng của biên-tập-viên nói trên bằng lời-lẽ rất “tiếng Việt”,
thì bần đạo đây xin diễn và tả bằng ý/lời của các cụ khi xưa vẫn cứ bảo: “Thất bại là mẹ thành công!” thôi.
Và, nếu có bạn trẻ nào khác lại cứ hỏi:
chuyến tham-quan nước Tạng vừa qua, có đem lại cho bần đạo niềm hưng-phấn nào đó
không? thì bần đạo đây lại xin nói theo và nói dựa một bạn viết khác cũng trên
tờ The Australian Catholics số Giáng
Sinh 2014 thêm một chuyện, theo dạng “Thư
gửi diễn viên điện-ảnh Robin Williams” như sau:
“Robin thân mến,
Tôi thật rất buồn, khi hay tin bạn qua đời cách đột
ngột, vào tháng 8/2014 vừa qua. Nhiều năm về trước, khi suy tính nên mời ai gọi
ai đến dự tiệc do mình tổ-chức, tôi thường nghĩ đến bạn và ghi tên bạn lên đầu
danh-sách khách mời của tôi.
Tôi quen tưởng-tượng rằng: nhiều lần, bạn cũng có
dịp ngồi cạnh thi-hào lừng-danh thế giới là William Shakespeare, đến độ hai người
đều đã hiểu rõ tâm-trạng nhau khi diễn-xuất hoặc diễn-đạt tính hài-hước, lập-dị
và chộn-rộn đầy tính người, như cuộc đời.
Có lần, tôi còn tưởng tượng rằng: ngay tổng thống
Nga Vladimir Putin cũng đã ngồi chung thân mật với bạn, tựa như thế. Tưởng
tượng vậy, chỉ để xem bạn tuy kề-cận, nhưng chẳng ai biết là bạn có dám cười
vào mặt ông ta không. Thật ra thì, theo kinh-nghiệm của riêng mình, tôi không thấy
có gì lạ khi phải ngồi cạnh một người chẳng có tính hài-hước bao giờ hết.
Lúc bạn sinh thì, người hâm-mộ tài-nghệ của bạn gia
tăng cũng rất nhiều, lại đã tung lên mạng một chi-tiết về thời-gian mình phải
giáp mặt bạn bè hoặc đồng-nghiệp sừng sỏ, cứ tìm mình để hỏi những câu đại để như:
sao tôi chẳng bao giờ thấy bộ mặt nghiêm-nghị của bạn bao giờ thế? Thoạt khi ấy,
tôi thấy bạn trả lời rất rõ, không sai
một chữ: “Tôi cũng tự-hỏi: ông cũng thế, sao ông chẳng bao giờ có tính hài-hước
vậy thế?” Theo tôi thì, cả hai câu hỏi cũng đều quan-trọng như nhau. Bởi, tất
cả có hỏi han gì cũng chỉ để mọi người hiểu được rằng: đời người, vẫn có nhiều
kiểu vui tươi/hài hước được các nghệ-sĩ hài như bạn đây mang đến cho mọi người.
Cuối cùng thì, ai cũng có cảm giác rất buồn khi thấy ít khi nào bạn mang lại niềm
vui cho chính mình, hết.
Có lần bọn trẻ nhà tôi say mê xem phim truyện Peter
Pan, nhưng cứ quên bẵng nhiều chuyện rồi buột miệng nói chữ “Hook” nổi tiếng do
bạn đặt ra. Bạn cũng còn biến-đổi bản-tính ác độc, bẩn thỉu của con người thành
chuyện cười để cho vui một cách rất thành công. Giả như ta có thể cười thầm
trong bụng khi gặp tay côn-đồ nào đó rất hung-ác, thì thế giới này sẽ thôi
không trở thành chốn sống đầy đe-doạ nữa. Và theo tôi, giới trẻ ngày nay vẫn cần
đến thứ quà tặng trời cho mà bạn vẫn trao tặng mọi người.
Tôi rất thích xem các phim do bạn đóng vai chính mang
tên là “Mrs Doubtfire”, từ năm 1993 cứ chiếu đi chiếu lại suốt trên truyền
hình, ở đây. Phim này diễn tả tâm-trạng của một người cha thương-yêu con mình
đến buồn cười. Và, khi nhân vật chính trong phim là Daniel quyết ly-dị vợ để
xem sự-thể trong nhà mình sẽ ra sao, anh bạn bèn trá-hình làm chị giúp trong
nhà, để mỗi ngày còn được nhìn lũ con trong căn nhà mình từng sống. Ý của anh
bạn, là cố tránh không cho người nào trong nhà biết chuyện mình giả-dạng làm chị
giúp việc, để làm trò cười mua vui cho thiên hạ, mà thôi. Nhưng, bên cạnh đó,
lại có yếu-tố rất cảm-động. Và, đó cũng là chủ-đích đóng giả vai người nào đó, cốt
đánh bật tâm-tính tốt đẹp của người cha trong nhà tên Daniel, trong truyện.
Truyện phim, đã gửi đi khắp thế-giới một thông-điệp mang ý-nghĩa thật rõ nét.
Thông-điệp đó có nói: đôi lúc sống ở đời, người người cũng nên thay-đổi tận gốc
rễ, nếu quả tình mình muốn duy-trì những gì cần thấy rõ nguyên hình, ngọn ngành
như thế. Và, Daniel có lần nói: chìa khoá giúp cho hôn-nhân gia-đình được vui
tươi, tốt-đẹp, chính là nụ cười…
Robin thân mến,
Tôi đây vẫn muốn sẻ san với bạn một yếu-tố từng cho
thấy rõ rằng: niềm tin nơi Thiên Chúa cũng từng làm nhiều điều cho riêng tôi,
giống như thế. Niềm tin vào Chúa, đã giúp tôi thấy được một thế-giới theo
đường-lối ít rõ ràng như thể nó vẫn đem tôi ra khỏi con đường mòn trở thành ngõ
hẻm rất chật hẹp do tầm nhìn của mình về sự sống. Tôi vẫn thường tin tưởng
rằng: cuộc sống của mọi người là câu chuyện hài-hước rất buổn cười do Thiên
Chúa kể để gia-đình nhân-loại được vui, mà thôi. Điều này đâu có nghĩa là ta
phải đối xử với nhau sao cho nhẹ nhàng, êm ái. Ngược lại, cũng như bạn từng cố
gắng diễn-hài theo mức độ tuyệt-hảo nhất, cuộc sống của ta luôn phải là chuổi
ngày ta sống quyết giúp mọi người tìm được sự khôn ngoan hiểu đời, cho thấu.
Mỗi thế thôi.
Chào bạn,
Michael McGirr
Viết tứ Úc.
Cũng thế, trong khi “nhoài người” trên
bàn phím ví-tính để kiếm tìm giòng tư-tưởng hay-ho và kỳ lạ có mang ý-nghĩa của
niềm hy-vọng cần có trong đời mình, bần đạo đây bắt gặp đôi tâm-tình đầy cảm
tính của Anthony Trần viết về một cảm-nghiệm còn rớt lại đến bây giờ khi xem
phim “Doctor Zhivago” vào dạo đó.
Nói
khác đi, thì: vào lúc trích dẫn bài ‘Đi
Tây - du ký viết cho riêng mình”, Anthony Trần cũng nhớ đến tâm-tình tràn
ngập khi lưu lại ở nhà khách Château
Richeux vùng Cancale, nước Pháp năm 2010. Và dư-âm của
bài hát “Hỡi Người Tình Lara” cất lên trong đêm nhạc “Hát Cho Nhau
Nghe” hôm 17/11/2014 vẫn còn đọng lắng nơi tâm-tưởng mãi đến hôm nay, như
sau:
“Riêng tôi, lúc lên
phòng nghỉ ngơi thì lòng lại không khỏi nhớ đến bộ nến thắp soi trên bàn ăn của
nhà hàng. Nằm trằn trọc
giữa canh khuya trong căn phòng tịch mịch, soi lại những thước phim từ quá khứ
chầm chậm quay về, tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh những cây đèn cầy trong phim
Bác sĩ Zhivago tôi đã xem từ thuở hoa niên, hàng mấy chục năm về trước.
Trước khi bộ phim kết
thúc, tôi không bao giờ quên được cảnh bác sĩ Zhivago thắp lên hàng bạch lạp
trong gian phòng lạnh lẽo cho người tình Lara kiều diễm, để rồi hai người sẽ
mãi mãi cách xa nhau từ đó. Nhìn
những ngọn nến vẫn cháy như nhau, nhưng tâm sự người thắp nến biến đổi theo
từng ánh nến. Lúc thì muốn
'thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt', lúc thì muốn 'le lói suốt trăm năm'.
Sự dằn vặt lựa chọn
giữa cái 'phút chốc' và cái 'trăm năm' ấy chính là tấn bi kịch của một cuộc
tình, và của cả một đời người. Lúc
ấy, nhạc phim “Hỡi người tình Lara” đột nhiên trỗi lên ray rứt trên màn ảnh,
chiếu cảnh tuyết rơi phủ đầy chiếc xe ngựa đưa người yêu Lara xa khuất dần giữa
trời đông bão tuyết. Hình
ảnh cuối cùng còn lưu lại là những ngọn nến cháy trên bàn, tàn tạ với thời
gian.
Bộ phim đã khiến tôi
tìm đọc cuốn tiểu thuyết của nhà văn Boris Pasternak đã được Nguyễn Hữu Hiệu
chuyển dịch ra tiếng Việt vào năm 1973 với nhan đề “Vĩnh biệt tình em”. So sánh tiểu thuyết với bộ phim, tôi
vẫn thích bộ phim hơn, chỉ vì dịch giả đã bỏ hẳn những đoạn miêu tả ngọn nến
đẹp não nùng như trong phim. Có
lẽ nhờ vào tài diễn xuất của tài tử Omar Sharif trong vai bác sĩ Zhivago, Julie
Christie trong vai nàng Lara, và nhất là nhạc nền của Maurice Jarra. Xem đi xem lại nhiều lần, tôi cố đoán
xem ngọn nến cháy ấy tượng trưng cho điều gì. Tình yêu vĩnh cửu? Niềm hy vọng tràn trề? Hay đấy chỉ là đôi mắt ráo hoảnh của
Thượng Ðế? Có phải Ngài
thấy hết, biết hết nhưng Ngài vẫn im lặng, vô cảm như ngọn nến cháy trên bàn
kia chăng?
Cuối cùng, tôi đã
hiểu ra rằng tại sao vị bác sĩ đa tình và nàng Lara xinh đẹp kia, tuy chia tay
nhau mà họ vẫn còn yêu nhau thắm thiết. Ðó
là nhờ họ đã biết thắp cho nhau những ngọn nến cháy mãi trong tim, để giúp nhau
vượt qua những đêm đông của một đời người. Với mỗi người chúng ta, dù cho cuộc
sống có đầy chông gai khó khăn đi nữa, vẫn phải cố gắng phấn đấu vươn
lên. Vẫn phải sống vì chính
bản thân mình, vì gia đình và vì xã hội loài người. Hình ảnh ngọn nến bé nhỏ cháy trên bàn
giữa cơn bão tuyết, chính là ngọn nến hy-vọng khích lệ cho chúng ta hãy sống
cho có ích, dẫu kiếp đời còn lắm gian truân, thử thách.”
Phiếm
Đạo hôm nay, lại có truyện kể để đọc cho vui và cũng để minh-hoạ cho những điều
mình viết về hy-vọng cần có trong đời, bần đạo lại bắt gặp thêm một truyện kể
lại để san sẻ với bạn đọc, cho hết ý.
Thật ra thì, phiếm-Đạo-giữa-đời không
chỉ là tìm về với những lý-luận cứng ngắc về thần-học hay tu-đức, mà còn để phiếm
lai rai hầu chuyện mọi người bằng truyện kể nhẹ như sau:
“Một nghệ sĩ xiếc tài danh đã tham gia một cuộc
biểu diễn khó khăn nguy hiểm chưa từng thấy. Anh là nghệ sĩ thăng bằng chuyên đi
trên dây.
Lần này, người ta căng ngang hai sườn núi đá một sợi giây
thép. Phía dưới là vực thẳm. Lòng vực lởm chởm những đá tai mèo nhọn hoắt như
cắm chông. Người biểu diễn phải đi từ sườn núi bên này sang sườn núi bên kia
trên sợi dây thép.
Nghệ sĩ đã bước tới một đầu dây, ngước mắt nhìn
sang phía đầu giây bên kia, chừng như ước lượng mục tiêu. Sau đó, anh giơ ngang
hai cánh tay để lấy thăng bằng. Bàn chân đã đặt trên dây. Và rồi từng bước
ngắn, từng bước ngắn một, anh đi trên dây, dần dần cách xa bờ núi.
- Tôi xin biểu diễn một lần nữa. Lần này tôi sẽ trói chặt hai tay lại và
đi trên dây!
Nghệ sĩ tuyên bố cách thức đi trên dây với tòan thể
khán giả. Thật lạ kỳ, chúng ta ai cũng hiểu rằng, đi trên dây cần phải dang hai
tay để lấy thăng bằng, nhưng nghệ sĩ đã tuyên bố trói tay lại để không cần giữ
thăng bằng bởi hai tay. Dây căng cao nhường kia. Vực thẳm với những mũi đá tai
mèo nhọn hoắt đâm lên tua tủa. Trói tay lại, không cần lấy thăng bằng đi qua
dây thì ai tin được! Nhưng vì nóng lòng muốn biết kết quả, cho nên khán giả đã
đồng thanh gào lên:
-Hoan hô! Chúng tôi tin nghệ sĩ! Anh là người đại tài!
Chờ tiếng reo hò lắng xuống, nghệ sĩ dùng một sợi
dây, nhờ người buộc chặt hai tay quặt ra sau lưng. Anh bước tới đầu dây, lặp
lại những bước đi thận trọng như lần trước. Cuối cùng anh đã bước qua vực thẳm
với hai tay trói chặt. Anh đã biểu diễn lần thứ hai thành công một cách không
ai có thể ngờ được. Tiếng trầm trồ thán phục, tiếng vỗ tay cổ vũ lại vang lên.
Chợt tiếng loa lại vang lên và tiếng vỗ tay im bặt. Mọi người chú ý nghe
nghệ sĩ nói:
-Tôi xin biểu diễn lần thứ ba. Lần này tôi cũng
trói chặt hai tay, nhưng dùng vải đen bịt mắt và đi qua dây vượt sang sườn núi
bên kia. Xin hỏi mọi người có tin tưởng rằng tôi sẽ làm được hay không?
Một rừng cánh tay giơ lên và tiếng trả lời:
-Chúng tôi tin anh! Chúng tôi tin anh! Anh là người
đại tài. Nhất định anh sẽ làm được!
Sau những câu trả lời như hô khẩu hiệu của khán giả ở hai bên sườn núi là tiếng
vỗ tay như pháo nổ.
Nghệ sĩ rút trong người một tấm khăn đen, nhờ người
trói tay, bít mắt mình và dẫn tới đầu dây.
Cả không gian như lắng xuống. Không một tiếng động,
không một tiếng nói. Mọi người như nín thở dõi theo từng bước chân nghệ sĩ đặt
trên dây. Một bước, hai bước,… thận trọng và ổn định, cuối cùng anh cũng bước
sang tới sườn núi bên kia. Anh đã thành công vượt trên mọi sự tưởng tượng của
mọi người, không còn một lời nào đủ sức ngợi ca khả năng tài tình của người
nghệ sĩ.
Cuộc biểu diễn có vẻ như còn chưa kết thúc. Người
ta thấy nghệ sĩ chen lẫn vào đám đông, rồi trở ra với một chú bé con chừng năm
tuổi đang chễm chệ trên vai. Chú bé xinh xắn bụ bẫm, một bàn tay xinh xắn ôm
lấy trán nghệ sĩ, một tay giơ cao vẫy vẫy, miệng nở nụ cười tươi như hoa. Có vẻ
như chú bé đã quen tiếp xúc với đám đông và muốn cùng mọi người chia sẻ những
niềm vui. Tiếng hoan hô lại vang dậy. Rồi tiếng loa lại vang lên:
-Thưa quý vị! Đây là con trai yêu quý của tôi. Tôi sẽ kiệu
con trai tôi trên vai để hai cha con cùng biểu diễn đi trên dây. Lần này tôi
cũng trói chặt hai tay không cần giữ thăng bằng. Cũng dùng vải đen bịt mắt. Quý
vị có tin rằng chúng tôi sẽ thành công hay không ?
-Tin tưởng! Tin tưởng!
Mọi người lại hô vang và cùng vỗ tay rầm rộ.
-Có tin tưởng thật không?
-Tin tưởng! Anh là một người đại tài! Nhất định anh
sẽ thành công! – Mọi người đồng thanh trả lời.
-Xin hỏi lại một lần nữa. Mọi người có thật sự tin
tưởng hay không?
-Thật sự tin tưởng! Chúng tôi tuyệt đối tin tưởng
vào anh! Anh là một người đại tài.
Chúng tôi thực sự tin chắc anh sẽ thành công.
Tất cả mọi người đều đồng thanh trả lời và rồi
tiếng vỗ tay lại vang lên hai bên sườn núi. Tiếng reo hò, cổ vũ, tiếng vỗ tay
vang lên cùng với tiếng vọng của vách núi tưởng chừng không dứt, đến nỗi những
đàn chim trong rừng cây trên hai dãy núi đều vụt bay lên, tán loạn như muốn
trốn chạy.
Cuộc biểu diễn có một không hai trên đời còn chưa
bắt đầu thì tiếng vỗ tay, tiếng reo hò cổ vũ lại nổi lên tưởng chừng như không
dứt.
Tiếng loa lại vang lên làm cho mọi tiếng reo hò
ngừng bặt:
-Tốt lắm! Mọi người đều đã thực sự tin tưởng tôi.
Xin chân thành cám ơn.
Nghệ sĩ đặt chú bé xuống đất và nói tiếp:
-Bây giờ xin đổi một cháu bé khác, con của một ai
đó trong các quý vị. Vậy ai bằng lòng cho tôi mượn một cháu bé, trai hay gái
cũng được. Chúng tôi xin hứa nhất định sẽ thành công. Xin hỏi ai bằng lòng cho
tôi mượn một cháu bé?
Lúc này cả núi rừng đều im bặt, chẳng thấy một ai
dám hô lên lời tin tưởng nữa.” (Theo
Triết Lý Cuộc Đời của Nguyễn Đình Cửu)
Thành ra, triết-lý đời người vẫn cứ lặp
đi lặp lại niềm hy-vọng cần thiết để người người sống vui, sống khoẻ, sống thoải
mái hầu tiến về phía trước, rất hăng say.
Cũng tựa như người nghệ sĩ hôm nào vẫn
hát những ca-từ sau đây:
“Ta như
sương cao mà người như hoa sâu.
Ta dối gian nhau, nên nát nụ hôn đầu.
Tình đi từng bước, đi từng bước trên đầu gió.
Gieo xuống lòng nhau, ôi từng hạt thương đau”.
(Phạm Duy
- bđd)
Ca-từ đây, tuy mang chút “thương đau” của nghệ-sĩ nào đó từng cảm-nghiệm, nhưng cũng là
giòng chảy dấy lên niềm hy-vọng gửi đến cho đời. Và cho người.
Trần Ngọc Mười Hai
Cũng từng thấm đậm
Hạt thương đau như thế
Nhưng vẫn thấy đời mình
và đời người
đầy niềm vui hy vọng gửi
đến với mọi người.
No comments:
Post a Comment