Saturday, 22 February 2014

“Ta ra đi một chiều thắm,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 8 Mùa thường niên Năm A 02-3-2014

“Ta ra đi một chiều thắm,”
Vang lời ca buồn trong khóm lá,
Nỗi u hoài, ngày tháng khôn nguôi.”
(Việt Lang – Tình Quê Hương)

(Mt 6: 5-6)
            Rất nhiều lần, bạn bè đến với bần đạo hỏi một câu rất “xanh rờn” hoa lá có giòng nước, rằng:“Tại sao khi yêu cầu bầu bạn nguyện cùng Chúa cho anh điều gì đó, anh lại chỉ mong người ấy đọc mỗi kinh Sáng Danh chứ không phải Kinh Lạy Cha, hay Kính Mừng hoặc kinh nào khác, thế?”
Nghe vậy, bần đạo không mấy sốt sắng trả lời/trả lãi, bằng cách tỏ-bày lập-trường này nọ nghe hoài kỳ quá. Nay, bần đạo dám xin thưa một lần nữa, rằng; bần đạo làm thế, là bởi trong các kinh kệ nhiều loại, kinh nào người đọc cũng chỉ “xin và xin”, thôi. Dù, chỉ xin cho đồng đạo hay ai khác cũng thế. Duy có kinh Sáng Danh được cất lên là để chúc tụng/ngợi khen Chúa, một đôi khi.
Hôm nay bần đạo bắt được ý của Đức Phanxicô nhà mình, khi ngài nói với đồng đạo vào buổi chia sẻ Lời Chúa ngày “N” hôm “H”, như sau:

“Các kinh ta dâng lên Chúa hoặc xin Chúa, không nhất thiết là để dành riêng cho các vị có ân-lộc đặc biệt, mà thôi!” Trên đây là lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng nói với các đấng bậc và chúng dân tham-dự thánh-lễ hôm ấy, ngày 28/1/2014. Sau đó, ngài lại thêm: “Thật cũng dễ hiểu! Các kinh ta đọc cùng Chúa không phải để xin Ngài điều gì đó mà thôi, nhưng còn để cảm tạ Ngài nữa. Nên, thường thì các lời kinh chúc tụng Thiên-Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, thường bộc phát trong giây lát không là những lời được ai đó soạn trước, trong quá khứ..”

Hôm ấy, Đức Giáo Hoàng tập trung bài chia sẻ vào bài đọc 1, trong đó có diễn tả cảnh vua Đavít từng cầu nguyện bằng cách múa nhảy trước mặt Chúa để Ngài đừng bỏ rơi ông. Và, Đức Phanxicô lại cũng nghĩ: có thể, những người nghe ngài giảng hôm ấy, hẳn sẽ phản ứng rất nhạy bén, rằng: “Thưa cha, điều đó chỉ xảy ra đối với các vị giỏi dang, nhiều ân-lộc, mà thôi chứ không phải của mọi người?!”

Đức Giáo Hoàng tiếp: “Không phải thế đâu! Lời kinh chúc tụng Chúa là lời cầu mà tất cả các tín-hữu đều làm chứ đâu riêng gì bậc giảng-dạy hoặc đấng-bậc nào khác đâu chứ. Anh chị em đều biết rõ: Thánh Vịnh là Sách gồm câu ca chúc tụng Chúa và đó cũng là lý do và ý-nghĩa của Kinh Vinh Danh và Tiền Tụng mọi người vẫn hát trong thánh lễ...” (xem Bản tin có tựa đề: “Francis: if you can cheer for a team, you can pray”, The Catholic Weekly 09/02/2014, tr. 6)

            Nói như Đức Giáo Tông nhà mình ở vào thời buổi này, là nói như mọi người vào thời trước: “Hát, là nguyện cầu đến 2 lần.” Vậy thì, nay xin bạn và tôi, ta nghe thêm câu hát đã cất lên ở buổi nhạc “Hát Cho Nhau Nghe” năm thứ 8 tức, cuối năm 2013 ở Sydney, với chủ đề “Những Nẻo Đướng Quê Hương” có lời ca như sau:

            “Ngàn dâu xanh ngát mấy nếp tranh xa mờ,
Tiếng sáo bay dập dìu đường về thôn xưa.
Tình quê lai láng dưới trời thu,
Khói xây thành chập chùng xa đưa.
Cành tơ liễu thấp thoáng bên hồ,
Mùa nhớ nhung dòng nước lững lờ.
Ta ra đi một chiều thắm
Vang lời ca buồn trong khóm lá
Nỗi u hoài ngày tháng khôn nguôi.”
(Việt Lang – bđd)

“U hoài (nhiều) ngày tháng”, “(rất) khôn nguôi”, có lẽ và cũng có thể là của nhiều người,  Chí ít là những vị chả nhớ gì chuyện kinh kệ mà chỉ nhớ lời ca, những là:

“Miền xa thương nhớ,
Tình quê hương thiết tha
Buồn lắng nhắn theo lời gió.
Mùa trăng êm tiếng tơ một trời còn vương.
Ôi buồn nhớ quê hương!”
(Việt Lang – bđd)

Lời ca/tiếng hát của người nghệ-sĩ ở đời, chí ít là những người rời xa khung cảnh hiền hoà của quê nhà êm ắng, vẫn như thế. Còn, các giáo sĩ hoặc đạo sĩ ở nhà thờ/nhà thánh thì sao?  
Quả, đây là một trong những câu hỏi khá “hóc búa” gửi bạn và tôi; thôi thì, có hóc hay không hóc, và búa có nện đầu ta cho ra tư tưởng hay không, xin cứ để đó hạ hồi rồi sẽ tính. Nay mời bạn/mới tôi, ta tính chuyện nhà Đạo có đề tài như sau. Trước hết, nay tính đến ý-kiến/ý cò của vị nhân-sĩ cũng rất Đạo, từng bộc bạch như bên dưới:

“Trong một phỏng-vấn rất chớp nhoáng, đạo sĩ nọ có tên là Herpreet Grewal sinh hoạt rất đều đặn nơi trang mạng “The Clash Blog” đã tóm gọn nỗi “thôi thúc linh đạo” trong sách ông viết với để-tài nổi-cộm rằng: “Ở chương cuối, tôi đã cảm-tạ bạn đạo nào từng cùng tôi san sẻ hành-trình xuyên-suốt trong Đạo. Nhưng, có một điều khiến tôi nghĩ ngợi mãi là mình cũng nên nói thêm với mọi người, điều này là câu trích-dẫn từ thánh Tôma Akinô vẫn từng bảo: Ai muốn đạt hạnh-phúc mình tìm kiếm, cũng thấy được niềm vui trong sáng-tạo nhiều thứ nhưng chẳng có thứ nào mà người sáng tác/sáng-tạo tìm được nơi linh đạo hết.

Có người lại cứ săn tìm quyền lực, tiếng tăm hoặc thú vui xác thịt cùng tiền bạc hoặc thứ gì khác. Riêng tôi, tôi vốn có sơ sơ một chút quyền, nên cũng chẳng kiếm tìm thêm nữa mà làm gì, mấy thứ ấy. Phần tôi vẫn dõi theo cung-cách kiếm tiền, cùng vui thú này khác nhiều hơn những gì mình đáng được hưởng; vậy mà, những thứ đó có làm cho tôi sung sướng chi thêm đâu. Tôi lại cũng có đôi chút tiếng tăm và nhiều thứ khác, nhưng nay lại nghĩ tất cả đều ra vô-nghĩa, chẳng hay ho gì.

Bởi thế nên, cả 4 thứ trên nay có chung một mẫu-số, là: sự tự cao tự đại, ra chiều có tiếng tăm, vv...  tất cả chỉ là những cái đem đến cho “tôi, những tôi và mỗi tôi mà thôi”. Quả thật, giả như bạn và tôi, ta kiếm tìm: lòng thương xót, sự hiền-lành/tử tế, cùng các sinh-hoạt từ-thiện và tình thương-yêu, thì lại khác. Cái khác là ở chỗ: mình nên bỏ sức-lực ra để làm cho người khác được hạnh-phúc/sướng vui nhiều hơn, rồi thì cuối cùng, mình cũng sẽ thấy vui. Điều đó đã giảm bớt đi một số điều tôi từng cố tạo cho mình trong đời, tức: 250 ngàn lần hoặc lượt trị bệnh chân/khớp cho người khác bớt đau và chơi nhạc cho cả triệu người nghe, cốt để thực-hiện quyết tâm tôi có được. Thành thử, ngày hôm nay, vấn đề là ta cần phải làm nhiều hơn nữa những chuyện như thế cho mọi người. Với tôi, đó là bí kíp cuộc đời của con người.” (xem Bản tin trên The Catholic Weekly 09/02/2014 có đề-tựa: “Mercy, Charity the Secret” tr. 9)

Những điều trên, tưởng chừng nghe quen, nhưng thực tế lại ít thấy từ miệng lưỡi những con người thường tình ở trong đời, tuyệt nhiên không phải của đấng bậc giảng dạy trong Đạo. Người thường trên sân khấu nghệ-thuật lại vẫn tỏ-bày bằng lời ca tiếng hát, rất như sau:

            “Lòng say mê dấn bước ra đi
Vì núi sông ca khúc nguyện thề.
Bên nương dâu đường xanh ngát
Ta về đây chiều mơ gió mát
Bóng chiều tà tràn thắm hương quê.”
(Việt Lang – bđd)

“Lòng say mê”, “thắm hương quê”, đôi lúc cũng được hiểu như lòng mê say, thắm tình người đi Đạo rất đức hạnh. “Lòng say mê” trong Đạo, đôi khi còn thấy ở nhiều người/nhiều vị cứ “xục xạo” những vùng “thắm hương quê” để tìm cho ra nơi nào có người báo cho biết: Đức Nữ Trinh Maria đã hiện hình theo cách nào đó để báo mộng hoặc cho biết lúc còn sống về việc gì đó, để rồi bà con kéo nhau đi xem cho biết.
Báo gì thì báo, không biết các vị ấy có báo cho mọi người biết một tin hoặc sự việc được Đức (thánh là) Cha Phanxicô vừa cảnh-báo, như tờ báo Đạo ờ Sydney từng đưa bài báo từ thủ-đô Vaticăng do nhà báo có tên là Carol Glatz viết như sau:

“Nhiều thị-kiến có nội-dung về chuyện Đức Mẹ hiện ra ở đâu đó, nếu hiểu theo tinh thần hoặc tình-tiết sai lạc, có thể tạo ra những ngộ-nhận khiến giáo-dân xa dần Lời Chúa từng căn-dặn. Đó là ý tưởng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô từng cảnh-cáo nhiều người.

Tính tò mò/xục xạo tìm chuyện lạ hoặc phép lạ Mẹ hiện ra càng làm cho người dân đi Đạo xa rời tinh-thần Phúc Âm, xa rời Chúa Thánh Thần, cũng như niềm vui an bình và hy vọng, xa vời sự vinh-quang và nét diễm-kiều của Chúa. Đó là ý chủ lực được Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giảng giải trong bài chia sẻ Lời Chúa vào thánh lễ tại nhà khách Vaticăng hôm 14/11/2013.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn dẫn giải: Chúa của ta vẫn dạy rằng: Vương quốc Nước Trời không đến với con người theo cách hấp dẫn những người hiếu-kỳ để tìm đến, giống như thế. Đức Phanxicô diễn-giải bài Tin Mừng thánh Luca đoạn 17 câu 20-25, trong đó có đoạn mô tả đám Pharisêu hỏi Chúa: Bao giờ thì Nước Thiên-Chúa đến? Ngài đáp lời họ và nói: Nước Thiên Chúa không đến như điều ta quan sát được. Và người ta sẽ không nói: "Ngài đang ở đây hay ở kia kìa!” , vì Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông." ( Lc 17: 20) Và Ngài dạy các môn đệ của Ngài đừng nên chạy theo các dấu chỉ bề ngoài về ngày Chúa Quang Lâm lần tới...

Và Đức Giáo Hoàng Phanxicô giảng giải tiếp: “Tính hiếu-kỳ/xục xạo chỉ thúc-dẩy con người tìm xem Chúa/Mẹ đang hiện ra ở nơi nào hoặc khiến ai đó tự hào nói: tôi thấy Chúa/Mẹ hiện ra ở đây, ở đó, có nói với tôi điều này điều nọ. Chúa/Mẹ đâu phải là Giám đốc Bưu điện gửi thiệp mỗi ngày đi khắp nơi, đâu! Nước Chúa đang ở giữa chúng ta. Đừng bao giờ tìm điều lạ như các phép lạ, hiện tượng lạ, bởi vì thế giới này vẫn còn nhiều người hiếu-kỳ chỉ tìm biết những thứ đó. Tính hiếu-kỳ, làm ta xa rời tính khôn-ngoan, bởi họ chỉ thích những tin tức giựt gân, các tin nảy lửa để thoả mãn tính tò mò, tọc mạch của ngày thường. Đây là tinh thần đào thoát, đãng trí khiến ta xa rời Chúa, tinh-thần nói năng linh tinh, quá lời, tính tò mò/tọc mạch rất trần thế chỉ khiến ta phân vân, lẫn lộn thôi. (xem Bản tin trên The Catholic Weekly 24/11/2013: Francis warns on ‘visions’ of Mary, tr. 7)

Gì gì đi nữa, nói đi thì lại nói lại, tức là: nói những lời khích-lệ để cho vui, hoặc nói và kể những chuyện khá “phiếm” để bà con/cô bác nghe cho đỡ tủi. Tủi, nhưng không hổ vì từng nghe biết và từng thực hiện để xem sao. Truyện kể, là những chuyện để nghe cho vui. Nhưng trước khi kể, lại cũng xin mời bạn/mời tôi, ta nghe thêm lời ca/tiếng hát người nghệ-sĩ từng lấy hứng: sau:

“Lòng trai muôn thuở những bước chân giang hồ
Kiếp sống tung bụi mờ một chiều chia phôi.
Đường đi xa tắp tháng ngày trôi,
Nhớ nhung hoài nhạc sầu chơi vơi.
Này đây khóm lá,
Này đây bao nếp tranh mờ xóa những khi chiều xuống.
Này đây bao thiết tha êm đềm tình thương.
Ôi buồn nhớ quê hương!”
(Việt Lang – bđd)

Nghe nghệ sĩ hát “nhớ quê hương” rồi, bạn và tôi ta cứ tiến vào vườn truyện kể với cốt chuyện như sau:

Chuyện đạo tôi nghe được là như sau:
Có thầy nọ sống đời tu hành rất mực thánh thiện. Không kể những lúc bắt buộc phải nhín chút thời gian dành cho các sinh hoạt cần thiết của đời thường, thầy luôn cố gắng thu xếp tối đa thời gian trong ngày để cầu nguyện, tụng kinh, ngồi thiền, v.v…

Đầu óc thầy hầu như không còn chỗ nào trống trải cho các tà niệm sái quấy có thể thừa cơ len lỏi vào. Sau nhiều năm dài tu hành tinh nghiêm, cẩn mật như thế, thầy thấy mãn nguyện trước sự tiến bộ tâm linh. Thế rồi khuya hôm nọ, sau khi xong cữ thiền giờ Tý, thầy đi ngủ và mơ thấy mình dự một buổi tiệc lớn gồm toàn những bậc đạo cao đức trọng. Trong lúc chủ tiệc chưa ra tiếp khách, mọi người lần lượt được rước tới bàn ăn rất to và dài. Ai cũng có chỗ ngồi trang trọng theo đúng thứ bậc vì chủ tiệc đã gắn sẵn trên mặt bàn những tấm thẻ nhỏ ghi họ tên từng thực khách. Thầy thấy mình được vinh dự xếp ngồi gần chủ tiệc, nhưng ở vị trí thứ nhì. Vị trí thứ nhất dành cho người bán tạp hóa ở khu phố không xa nơi thầy cư trú.

Sáng hôm sau, thầy tìm tới tiệm tạp hóa, lựa một góc và nhẫn nại đứng quan sát rất lâu. Tiệm không lớn lắm nhưng lúc nào cũng có khách hàng vào ra nườm nượp. Chủ tiệm chẳng hở tay bán hàng, thu tiền, thối tiền… vẻ mặt lúc nào cũng tươi cười, nói năng hòa nhã… Tuyệt nhiên không thấy chủ tiệm có cử chỉ, động tác đặc biệt gì tỏ ra ông đang tĩnh tâm hay cầu nguyện. Nhân một lúc ngớt khách, thầy bước tới chào chủ tiệm và kể lại giấc mơ kỳ lạ. Chủ tiệm ôn tồn nói: “Tôi cần chiết dầu ăn từ cái thùng hai mươi lít ra hai mươi cái chai xếp sẵn ở góc kia. Xin thầy giúp một tay. Đừng để chai nào đầy quá hay vơi quá. Đừng làm sánh dầu ra ngoài chai nhớp nháp. Lát nữa sẽ tiếp tục câu chuyện của thầy.”

Thầy chiết dầu vừa xong thì đúng lúc chủ tiệm được ngơi tay bán hàng. Ông ta bước tới hỏi: “Nãy giờ cắm cúi lo chiết dầu ra chai, trong đầu thầy có giây phút nào nhớ nghĩ tới Trời tới Phật không?” Thầy bẽn lẽn: “Tôi làm không quen, ráng tập trung rót dầu vào từng chai theo đúng yêu cầu của ông, mệt toát mồ hôi. Do đó chẳng được phút giây nào rảnh trí mà nhớ nghĩ tới Phật Trời!” Chủ tiệm cười hiền: “Nếu thầy bận bịu buôn bán như tôi cả ngày, lu bu quanh năm suốt tháng, thì tâm thầy ắt xa Trời xa Phật mịt mù luôn! Tôi không có phước lớn để được rảnh rang chuyên lo tu hành như thầy. Tôi chỉ ráng tập thành thói quen cho tâm tôi lúc nào cũng nhớ Trời nhớ Phật. Khi bán hàng cho khách tôi nguyện không để ai phải phiền lòng vì bị cân non đong thiếu. Khi chiều chuộng khách hàng tôi nguyện không để ai mích lòng vì thấy tôi thiên vị. Gặp khách hàng xấu tính, tôi nói cười nhã nhặn, thầm nhắc nhở: Thánh Thần giả dạng thường dân tới thử thách mình đây. Tôi tu như vậy đó, thưa thầy”.  Huệ Khải

Trích dẫn truyện kể như thế, dù có là chuyện nhà chùa hay chuyện của nhà Chúa, cũng thấy vui. Vui, là bởi bà con cũng như tôi/như bạn, là: ta vẫn nhận ra được đôi điều trên đời. Không chỉ mỗi lời căn-dặn/nhủ khuyên của đấng bậc nhà thờ thôi, mà là lời bộc-bạch ở khắp mọi nơi trong đời. Đó là ý-hướng “vào đời” để tìm Đạo, rất đích thực.
Đó, là gặp gỡ Đức Kitô cả nơi những người không cùng Đạo với mình. Đó, là tinh-thần “đại kết” trong tâm hồn, chứ không bằng mồm mép hay miệng lưỡi. Tự nhủ rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm Lời Vàng khi xưa Chúa từng dạy:

Khi cầu nguyện,
anh em đừng lải nhải như dân ngoại;
họ nghĩ rằng:
cứ nói nhiều là được nhận lời.8
Đừng bắt chước họ,
vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì,
trước khi anh em cầu xin.”
(Mt 6: 5-6)
    
Tâm niệm Lời Chúa dặn, tưởng cũng nên hiên-ngang mà thực hiện. Thực-hiện việc nguyện-cầu không chỉ bằng kinh-kệ có sẵn cứ đọc lai rai, dài dài tính số lần đọc và số kinh. Tâm và niệm, để rồi quyết thực-hiện tinh-thần nguyện-cầu chứ không phải nội-dung của câu kinh đầy những xin. Tâm và niệm, có quyết-tâm để sẽ không có đấng nào khác, trách-móc hoặc chỉ bảo nhiều hơn Chúa.
Tâm niệm thế rồi, ta sẽ hiên ngang đầu cao mắt sáng “đi vào đời” để gặp Chúa nơi người đời, và trong đời người cũng rất “đời”.

Trần Ngọc Mười Hai
Đã và đang rắp ranh “Vào đời” như thế
để học hỏi mọi điều hay từ người đời.
Trong đời người.  


  

No comments: