Chuyện
Phiếm đọc trong tuần thứ Mười Thường Niên Năm C 09-6-2013
“Nếu có yêu tôi thì hãy
yêu tôi bây giờ!”
Đừng đợi ngày mai, đến lúc tôi qua đời
Đừng đợi ngày mai, đến khi tôi thành mây khói
Cát bụi làm sao mà biết mỉm cười.”
(Đức Huy – Nếu Có Yêu Tôi)
(1Tim 3: 10-18)
Vâng. Đúng thế. Câu hát này bần đạo
lại được nghe Khánh Ly hát thêm lần nữa, vào buổi văn nghệ “Tiếng Hát Bằng
Kiều” ở Sydney, hôm 10/5/2013. “Nếu có yêu tôi…” có
thể là lời nhắn của ai đó gửi đến mỗi người trong ta. Cũng có thể là lời nhắn
gửi của cái-gọi-là “Cầm, Kỳ Thi, Hoạ” được nhân-cách-hoá, cũng không chừng!
Vâng. Đúng vậy. Lời nhắn đây, gồm những câu và những chữ rất hi hữu:“Đừng
đợi ngày mai, đến lúc tôi qua đời…” rồi mới hỏi hoặc mới thích, e sẽ muộn.
Vâng. Có thể là như thế. Như thế,
tức: trong đời người vẫn có những câu hỏi hoặc câu nhắn không khác thế là bao
nhiêu. Như thế tức hỏi rằng: trong sống đời đi Đạo, nhiều người vẫn sống bằng con
tim hoặc quan năng của mình, rất thức thời! Con tim và quan năng này, được
triển khai/diễn tả qua nghệ thuật rất lớn lao của nhà Đạo, ở đâu đó. Câu hỏi và
câu nói, hôm nay, còn là câu hối thúc bần đạo lục lọi hầu kiếm tìm một giải đáp
cho phải lẽ, dù đôi lúc không đúng với thực tại cuộc sống.
Có những câu hỏi/đáp tựa hồ như thế.
Có những lời hát cũng tương tự như lời nhắn nhủ được nghệ sĩ hát tiếp ở bên
dưới:
“Nếu có bao dung, thì hãy bao dung bây giờ.
Đừng đợi ngày mai, đến lúc tôi xa đời.
Đừng đợi ngày mai, biết đâu tôi nằm im hơi.
Tôi chẳng làm sao tạ lỗi cùng người.”
(Đức Huy – bđd)
Với một số người,
nằm im hơi hay tạ lỗi cùng người vẫn có thể là câu hát tiếp, rất ý nghĩa:
“Có nhớ thương tôi, thì nhớ thương bây giờ.
Đừng đợi ngày mai, lúc mắt tôi khép lại.
Đừng đợi ngày mai, có khi tôi đành xuôi tay.
Trôi dạt về đâu, chốn nào tựa nương?”
(Đức Huy –bđd)
Nói cho đúng, có
hỏi và đáp về nhiều thứ hoặc nhiều điều trong đạo, cũng tựa hồ lời thư của người
viết có tên là Michael McGirr, tác giả cuốn “Finding
God’s Traces” từng đưa ra vài ba thắc mắc gửi đến danh hoạ Rembrandt để nối
lên sợi giây liên-kết giữa hội-hoạ và Đạo Chúa, như sau:
“Thưa ông Rembrandt,
Chắc tôi phải thú thật với ông ngay ở đây, rằng: tôi đã có
dịp đọc mẩu quảng cáo đăng trên báo địa phương thấy có người đã dùng tên ông
làm thương-hiệu. Riêng tôi, vẫn thích cái cung-cách đầy tự tin đến độ bạo dạn
khi ông ký tên lên hoạ-phẩm nổi bật trong giòng sử Tây phương đúng vào lúc có
nhiều vị dám in hình vẽ của ông lên thành xe tải, với giòng chữ: “Tranh Rembrandt và
những chuyện kỳ quặc”. Kỳ quặc đây, là ở điểm
danh hoạ Rembrandt là hoạ sĩ tên tuổi người Hoà Lan sinh năm 1606 và chết năm
1669 có thể cũng muốn thấy xảy ra những chuyện như thế. Và từ đó, tôi đặt giả
thuyết: nếu ông còn sống đến hôm nay, hẳn ông cũng sẽ lảng vảng đi quanh quất chiếc
xe tải vẽ đầy những hoa hoè hoa sói, giống như thế!
Rembrandt xưa của tôi lại là ông công nhân, con trai của người
thợ phay/tiện cùng với anh em mình làm nghề nướng bánh và sửa giày dép. Với
ông, nghệ thuật là công việc hằng ngày đầy hấp dẫn của cuộc sống. Ông chẳng bao
giờ làm giàu nhờ vẽ tranh để sống, nhưng ông vẫn phải đương đầu với nhiều thử
thách gay go trong đó có buồn đau, đơn độc cùng các khó khăn tương tự. Nhưng
ông là doanh gia từng làm nên nhiều khác biệt.
Có hai sự việc khiến ông được nhiều người biết đến và cảm
kích rất mực, đó là: vẽ chân dung tự thuật và tạo tranh vẽ rút từ truyện Kinh
thánh. Đó là hai mặt trên cùng một đồng tiền kẽm phối hợp để triển khai đặc
tính linh-đạo súc tích, đầy kiếm tìm.
Thưa ông Rembrandt,
Ông là người đã tạo ra nhiều bức tranh chân-dung tự-thuật
nói lên các giai đoạn đường đời với nét vẻ buồn/vui khác biệt. Khác biệt đây,
không do tác giả muốn diễn tả sự phù phiếm/vu vơ hoặc tính vị kỷ của con người,
nhưng ngược lại mới đúng. Các chân-dung tự-thuật do ông vẽ, có thể đã khởi đầu
cho nhiều cố gắng gây ấn-tượng, nhưng thực chất nó là những kiếm tìm không
ngừng nghỉ. Kiếm và tìm sự thật về chính mình, về người mình luôn có mặt xấu xí
và nhiều khía cạnh giống như thế. Ông là người không biết hãi sợ khi nhìn lại
chính mình ở cự-ly rất gần.
Cụ thể thì như thế. Chẳng hạn như, khi ông quyết vẽ lên nhiều
cảnh-trí rút từ Kinh thánh của Đạo Chúa, thì chiều sâu tâm-thức mang tính chất
rất người nơi bản vẽ đã trở thành nét vẻ tuyệt vời. Có điều lạ, là có lần ông
tự vẽ chân dung của chính mình vào năm 1658 cách sao cho nó mang dáng vẻ vương
giả một chút, lại chính là lúc căn hộ và tài sản của ông bị người ta đem đi đấu
giá bán cho công chúng. Điều đó còn nói cho người xem tranh biết rằng: chân
dung tự-thuật của ông chẳng liên quan đến những gì ông sở-hữu.
Về khía cạnh này, có hai bức độc đáo mà theo tôi, ông nên
xem chung một lúc là bức “Xuống khỏi thập giá” (1633), còn bức kia là bức “Chúa trên đường
Emmaus” (1629). Bức tranh đầu, vẽ hình
Chúa trông mềm mại, ủ rũ là thế mà phải mất 4 người mới nâng nổi Ngài. Theo
tôi, đây là hình ảnh cuối nói lên tấm thảm-hoạ nơi người phàm. Nhưng, toàn bộ
thi hài của Chúa lại đẫm mình trong nguồn sáng rất mãnh liệt. Còn bức “Chúa
trên đường Emmaus” lại dựa vào
trình-thuật kể về những ngày tháng sau khi Chúa trỗi dậy từ cõi chết, cho thấy
Chúa lu mờ dần trong bóng tối đầy ảm đạm. Dù thế, tranh của ông đã chứa đựng
một sự thật rất sâu sắc. Sự thật là: Đức Giêsu trên thập-giá đã đưa toàn thể
nhân loại vào với ánh sáng, còn Chúa Phục Sinh lại đã hiện thân cho nhiệm-tích
sống động của Đức Chúa sống giữa chúng ta.
Thưa ông Rembrandt,
Ông cứ dấn bước về phía trước mà vẽ lên căn hộ của ông trước
khi bọn tôi đưa ra thị trường địa ốc. Và tôi đây, tôi những muốn ông vẽ cả phần
hậu trường của mọi thứ. Quả thế, ông hãy chú tâm đến những nơi mà ít người để
mắt tới. Hãy đem chúng vào với ánh sáng. Bởi, chính đó là tên tuổi của những người
cùng họ/cùng tên với ông đã vẽ lên toàn cảnh của thế giới nhân trần này.
Nay kính,
Michael McGirr
(x. Michael
McGirr, A Letter to a Painter, Australian
Catholic Easter 2013, tr. 16)
Thế đó, là tương
quan giữa hội-họa và Đạo Chúa, đã phần nào kể hết những điều tương tự cũng rất “chân-thiện-mỹ”.
Thế đó, cũng là những điều và những sự khiến ta có thể nói mà không sợ quá đáng,
rằng: Đạo mình lâu nay vẫn có quan hệ khá chặt với nghệ thuật, đặc biệt là
ngành hội hoạ, rất tượng hình.
Nếu
theo dõi Kinh Sách Cựu và Tân Ước, người đọc hẳn sẽ thấy là: ngay từ đầu, Đạo Chúa
đã diễn tả ảnh hình một Đức Chúa theo hình tượng mà các nghệ nhân tưởng tượng. Tưởng
tượng đó là thần tượng, tức thần linh được đúc tượng theo hình hài có mầu/có sắc
nhưng không chắc. Nhiều lúc và nhiều khi, nghệ nhân trong Đạo ta lại cứ nắn/đúc
nên tượng, nên hình đầy mầu sắc rồi tưởng đó là thần tượng chứ sự thật chỉ là tượng
thần rất phàm trần, mà thôi.
Vào
thời của Đế quốc La Mã, người Đạo Chúa vẫn thấy sự giằng co giữa lo sợ về thần
tượng và lòng ao ước có được ảnh hình đích thực để tạo nên nơi phượng thờ đẹp
đẽ mà nguyện cầu. Vào lúc ấy, các tân tòng vừa trở về với Đạo dễ nhào trộn ảnh
hình của Thiên Chúa với hình tượng của các thần khi trước mình đã theo. Lại
thêm vào sự trộn lẫn này, là ý tưởng về việc Chúa tạo dựng con người theo ảnh
hình của Ngài. Do đó, có sự trộn lẫn kéo dài nhiều thế kỷ.
Lịch
sử cho thấy, trong quá khứ, nhiều vị hoàng đế từng cấm con dân đi Đạo tạo ảnh
Chúa giống con người rồi đặt ở nhà thờ. Có vị còn nại vào luật Môsê ngăn cấm
người Do thái phủ phục trước các ảnh tượng Đức Chúa giống như thế.
Giòng
chảy lịch sử, lại cũng chứng tỏ cho mọi người thấy được hiện tượng cãi tranh,
biện luận về sự kiện: đặt ảnh/tượng về Chúa đặt ở nhà thờ, không xứng hợp. Và,
đó có thể là một trong các lý do có sự khác biệt và tách bạch giữa
Thiên-Chúa-giáo và Đạo chính thống ở phương Đông, hồi thế kỷ thứ 8.
Cuối
cùng ra, tất cả đi tới thỏa hiệp công nhận rằng: nghệ thuật, dù gi đi nữa, cũng
phải phản ánh và/hoặc có liên quan đến niềm tin, đúng truyền thống. Nói cách
khác, truyền thống dạy rằng: các ảnh/tượng ở nơi thờ phượng phải là những
tuyệt-tác thực sự mang tính “chân-thiện-mỹ”, mới được phép. Nói khác đi, nghệ
thuật tượng-hình phải là nghệ-thuật tuyệt phẩm, do nghệ nhân có kỹ năng phải
rất chuẩn mới được phép đưa vào nhà thờ, để tụng ca vinh danh Chúa, mà
thôi.
Lại
nữa, trong đời người, có nhiều sự việc nhìn qua người người cứ tưởng đó là nghệ
thuật rất thật, nhưng kỳ thực vẫn chỉ là sự thật ở đời và trong đời được diễn
tả thật ăn khách, mỹ miều, gồm nhiều thứ. Nhiều thứ và nhiều sự, rất giống
truyện kể ở dưới cốt chứng minh rằng cuộc đời con người không chỉ mỗi đẹp như
nghệ thuật thôi, mà còn mang nhiều ý nghĩa, rất “chân, thiện, mỹ”, nữa:
“Truyện rằng:
Có một cậu học sinh 18 tuổi đang gặp khó khăn trong việc trả tiền học.
Cậu ta là một đứa trẻ mồ côi, và cậu ta không biết đi nơi đâu để kiếm ra tiền.
Thế là anh chàng này bèn nảy ra một sáng kiến. Cậu ta cùng một người bạn khác
quyết định tổ chức một buổi nhạc hội ngay trong khuôn viên trường để gây quỹ
cho việc học.
Họ tìm đến người nghệ sĩ dương cầm đại tài Ignacy J Paderewski. Người quản lý của
Paderewski yêu cầu một khoản phí bảo đảm $2000 để cho ông ấy được biểu diễn.
Sau khi họ thoả thuận xong, hai người sinh viên ấy bắt tay ngay vào công việc
chuẩn bị để cho buổi trình diễn được thành công.
Ngày trọng đại ấy cuối cùng đã đến. Paderewski cuối cùng cũng đã biểu diễn tại
Stanford. Thế nhưng không may là vé vẫn chưa được bán hết. Sau khi tổng kết số
tiền bán vé lại, họ chỉ có được $1600. Quá thất vọng, họ đến chỗ của của
Paderewski để trình bày hoàn cảnh của mình. Hai người sinh viên ấy đưa Paderewski
toàn bộ số tiền bán vé, cùng với 1 check nợ $400, và hứa rằng họ sẽ trả số nợ
ấy sớm nhất có thể.
- Không! Paderewski nói - Cái
này không thể nào chấp nhận được.
Ông ta xé tờ check, trả lại $1,600 cho hai chàng thanh niên
và nói :
- Đây là 1600 đô, sau
khi trừ hết tất cả các chi phí cho buổi biểu diễn thì còn bao nhiêu các cậu cứ
giữ lấy cho việc học. Còn dư bao nhiêu thì hãy đưa cho tôi.
Hai cậu sinh viên ấy vô cùng bất ngờ, xúc động cảm ơn
Paderewski..
Đây chỉ là một việc làm nhỏ, nhưng đã chứng minh được nhân
cách tuyệt vời của Paderewski.
Tại sao ông ấy có thể giúp hai người mà ông ấy thậm chí không hề quen biết.
Chúng ta tất cả đều đã bắt gặp những tình huống như vậy trong cuộc sống của
mình. Và hầu hết chúng ta đều nghĩ: "Nếu chúng ta giúp họ, chúng ta sẽ được
gì ?” Thế nhưng, những
người vĩ đại họ lại nghĩ khác: "Giả sử chúng ta không giúp họ, điều gì
sẽ xảy ra với những con người đang gặp khó khăn ấy?” Họ không mong đợi sự đền đáp. Họ làm
chỉ vì họ nghĩ đó là việc nên làm,
vậy thôi.
Người nghệ sĩ dương cầm tốt bụng Paderewski hôm nào, sau này trở thành Thủ Tướng của Ba Lan. Ông ấy là một vị
lãnh đạo tài năng. Thế nhưng không may chiến tranh thế giới nổ ra, và đất nước
của ông bị tàn phá nặng nề. Có hơn một triệu rưỡi người Ba Lan đang bị chết đói,
và bấy giờ chính phủ của ông không còn tiền để có thể nuôi sống họ được nữa.
Paderewski không biết đi đâu để tìm sự giúp đỡ. Ông ta bèn đến Cơ Quan Cứu Trợ
Lương Thực Hoa Kỳ để nhờ sự trợ giúp.
Người đứng đầu cơ quan đó chính là Herbert Hoover,
người sau này trở thành Tổng Thống Hợp
Chủng Quốc Hoa Kỳ. Ông
Hoover đồng ý giúp đỡ và nhanh chóng gửi hàng tấn lương thực để cứu giúp những
người Ba Lan đang bị đói khát ấy.
Thảm họa cuối cùng cũng đã được ngăn chặn. Thủ Tướng Paderewski lúc bấy giờ mới
cảm thấy nhẹ nhõm. Ông bèn quyết định đi sang Mỹ để tự mình cảm ơn ông Hoover vì cử chỉ cao quý của
ông ấy đã giúp đỡ người dân Ba Lan trong những lúc khó khăn.
Thế nhưng khi Paderewski chuẩn bị nói câu cảm ơn thì ông Hoover vội cắt ngang và nói
:
-Ngài không cần phải cảm ơn tôi đâu, thưa ngài Thủ Tướng. Có
lẽ ngài không còn nhớ, nhưng vài năm trước, ngài có giúp đỡ hai cậu sinh viên
trẻ tuổi ở bên Mỹ được tiếp tục đi học, và tôi là một trong hai chàng sinh viên
đó đấy.”
Truyện kể thì như thế. Thật ra, cũng
không nói hết được những gì bần đạo muốn nói về câu chuyện nghệ thuật ở nhà
Đạo. Nhưng, người kể lại có lời bàn rằng: “Thế
giới này đúng thật tuyệt vời, khi bạn cho đi thứ gì, bạn sẽ nhận lại được những điều tương tự.” Đúng thế. Thế giới này vẫn
có những chuyện như thế: khi mình cho đi, dù trong nghệ thuật hoặc ở nhà Đạo,
thì sẽ nhận lại được những điều tương tự. Nhưng, tương tự là tương tự thế nào?
Cũng có thể là lời cuối cùng một bài hát, cũng là thế:
“Có tốt với tôi, thì tốt với tôi bây giờ
Đừng đợi ngày mai, đến lúc tôi xa
người
Đừng đợi ngày mai, đến khi tôi phải
ra đi
Ôi muộn làm sao nói lời tạ ơn.”
(Đức
Huy – bđd)
Cũng
có thể là những lời dẫn giải và diễn giải khác, cũng khác hẳn. Và diễn giải của
nhà Đạo, vẫn tương tự như lời dẫn rất hạnh đạo, như sau:
“Các trợ tá cũng vậy,
phải là người đàng hoàng,
biết giữ lời hứa, không rượu chè say
sưa,
không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn;
họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin
trong một lương tâm trong sạch.”
(1 Tim 3: 5-9)
Thật ra thì, bậc thánh-hiền nói rất chung có thể áp dụng trong nhiều
trường-hợp. Nhưng trường hợp của nghệ thuật trong Đạo, ta cũng nên hướng về lời
căn dặn khác của đấng thánh như:
“Tôi viết cho anh thư này, dù vẫn hy
vọng sớm đến với anh.
Nhưng nếu tôi chậm trễ, thì thư này sẽ cho anh biết
phải ăn ở thế nào trong nhà của Thiên Chúa,
tức Hội Thánh của Thiên Chúa hằng sống,
cột trụ và điểm tựa của chân lý.
Phải công nhận rằng: mầu nhiệm của đạo thánh thật là cao cả,
đó là:
Đức Kitô xuất hiện trong thân phận người phàm,
được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính;
Người được các thiên thần chiêm ngưỡng,
và được loan truyền giữa muôn dân;
Người được cả hoàn cầu tin kính,
được siêu thăng cõi trời vinh hiển.”
(1Tim 3: 10-18)
Là
Kitô-khác, tức cũng phải sống như Đức Kitô. Sống rất “chân, thiện, mỹ” không
chỉ trong nhà Đạo mà thôi, nhưng là sống Đạo một cách rất “chân, thiện, mỹ” ở
đời với người đời, rất ngoài Đạo. Sống như thế, tức sống cùng và sống với mọi
người, cả những người vẫn hát những lời nhắn-nhủ rất ý nghĩa, vẫn bảo rằng:
“Rộn ràng một nỗi đau
Nghẹn ngào một nỗi vui
Dịu dàng một nỗi đau
Ngậm ngùi một nỗi vui.”
(Đức
Huy – bđd)
Vui
hay đau, đau nhưng mà vui, vẫn là trạng thái rất tâm-linh lình xình một đời
người. Một đời của những người vẫn nghe lời nhắn nhủ phải sống rất “chân, thiện,
mỹ” suốt đời, với người đời.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn nghe nhiều lời nhắn
và nhủ
giống như thế suốt một đời
mà vẫn quên.
No comments:
Post a Comment