Friday, 9 November 2012

“Ngàn năm thương hoài, một bóng người thôi,”



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 33 thường niên năm B 18.11.2012

“Ngàn năm thương hoài, một bóng người thôi,”
“Tình đã khơi rồi, mộng khó nhạt phai.
Trăng khuyết rồi có khi đầy, ngăn cách rồi cũng xum vầy
                 Mây bay bay hoài ngàn năm.
                                   (Phạm Mạnh Cương – Thương Hoài Ngàn Năm)
(STK 1: 23-24)
             “Thương hoài ngàn năm” vẫn mây bay! Ối chà, là thương nhớ! “Mộng khó nhạt phai” vẫn rất dài. Chao ôi, là tình tự. Tình tự nhớ thương, có bóng hình ghi chú chỉ một người. Và, người ấy cũng vẫn là người tình trăm năm, thương hoài hoài.
            Vâng. Bần đạo/bầy tôi hôm nay có hỏi cũng là hỏi lấy lệ, chứ có ma nào trả lời/trả lẽ cho ra nhẽ đâu. Dù, lẽ lời ở nhạc bản vẫn là sự thật rất thực! Thôi thì, sự thật có rất thực hay không, vẫn xin mời bạn/mời tôi, ta nghe thêm một đoạn nữa rồi sẽ tính:

“Lòng như con thuyền, đổ bến tình yêu.
Ngại gió mưa chiều, thuyền vẫn còn neo.
Ai đó dù có hững hờ, ai đó dù đã âm thầm,
Ra đi ôm trọn niềm thương.”
(Phạm Mạnh Cương – bđd)

            Thật ra, khi đặt bút viết đôi giòng này, hẳn nghệ sĩ họ Phạm tên Mạnh Cương từng suy nghĩ rất lung về thân phận người tình trăm năm vẫn mang theo một bóng hình thoạt nhìn đã nhớ. Và hôm nay, vì nhớ đến bóng hình người tình “thương hoài ngàn năm” cũng rất thương.
            Thương người tình ở đây hẳn sẽ không thương ai khác ngoài bạn đời chung tình từ muôn thuở mà người đầu đời ở cõi địa đàng, từng bày tỏ:

“Con người nói:
"Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!
Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra."
Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình,
và cả hai thành một xương một thịt.”
(Sáng Thế Ký 1: 23-24)

            Nói theo kiểu “người từ trăm năm về thăm …địa đàng”, thì tiên tổ đầu đời hẳn đã “gắn bó với vợ mình nên cả hai đã thành một xương một thịt.” mới “thương hoài ngàn năm” đến là thế, chứ bằng không chả chắc ai lại làm thế! Tuy thế, vấn đề ở đây cũng lại hỏi: thương người được ngàn năm ư? Thương, là nam nhân thương nữ phụ, hay phụ nữ thương nam nhân đến như thế? Thương nhau ngàn năm, có cần đi đến hôn nhân/hôn ước của chúng mình?
Và, khi nữ phụ đầu đời thay đổi tính tình, lại đã dám tự mình ăn quả cấm rồi còn trao cho nam nhân là kẻ mình “thương hoài ngàn năm” thì chắc gì cả hai sẽ còn chung sống đến ngàn năm mây bay chăng? Nói cách khác, hôn nhân/hôn ước có ích lợi gì và có là điều cần thiết để giữ chân hai người sống mãi sống hoài ngàn năm không? Để trả lời, có lẽ cũng nên coi xem các học giả/học thiệt có ý kiến gì để luận bàn chăng? Trước hết, là ý kiến của học giả trời Tây, bên ấy, có lời rằng:

“Từ năm 2000 đến 2010, các nhà khảo sát có đưa ra thành quả nghiên cứu nói rằng: một phần ba những người lập gia đình/sống có hôn ước, vẫn bền bỉ ở với nhau hơn so với mười phần trăm người sống độc thân, chẳng chịu lấy vợ lấy chồng.
Nói cách khác, hôn nhân/hôn ước mang lợi ích đến cho nam nhân nhiều hơn phụ nữ. Và, đối với những người sống như thế, thì hầu hết nữ giới sống tốt lành hơn nam nhân, đó là điều chắc. Hầu như phân nửa (đúng ra phải nói là 46%) con số những người này sẽ còn sống ít nhất thêm 3 năm nữa nếu họ chịu lập gia đình, tức là: với đàn ông/con trai, sống đời đơn độc, thì chỉ mỗi 3% số người như thế đạt được trạng thái nói ở trên.
Nói cho cùng, chuyên gia xạ trị Bs Elizabeth Nichols, người từng thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu, đã tiết lộ: “Tình trạng phối ngẫu là yếu tố quan trọng cho thấy chuyện sống còn đối với bệnh nhân ung thư phổi nào sống đời gia đình sẽ tiến bộ hơn. Lý do tại sao có sự việc này, thật ra cũng chưa rõ, nhưng thành tựu vừa rồi có cho biết yếu tố quan trọng là: xã hội góp phần không nhỏ trong quản lý cũng như chữa trị cho bệnh nhân ung thư phổi.” (x. Carolyn Moynihan, Marriage, a miracle cure, MercatorNet 11/9/2012)

            Thật ra, nói theo kiểu các nhà nghiên cứu thì như thế, tức nói có thực và có nghiệm, rất hẳn hòi. Còn như nghệ sĩ, thì cũng chỉ nói cùng một ý tưởng nhưng chưa chắc đã thực nghiệm hoặc xét nghiệm, mà lại nói kiểu văn hoa chữ nghĩa, rất như sau:

                        “Thời gian âm thầm như nước về khơi.
Lòng trót yêu người tình khó đổi thay.
Hoa thắm rồi có khi tàn,
Tình ấy chỉ đến một lần.
Tâm tư thương hoài ngàn năm.”
(Y Vân – bđd)

            Nói đến hôn nhân theo kiểu nhà Đạo, lại sẽ bảo: nam nữ sống chung cùng nhau vẫn là hợp đồng keo sơn theo cách nào đó cho thấy hai bên đã quyết thực hiện cuộc chung sống tốt đẹp. Còn mọi việc trong đời, thì tuỳ con người đối xử với nhau ra sao, có giống như hợp động đã chứng thực. Nếu thế thì, ly thân ly dị, do đâu có vấn đề?
            Nói gì thì nói, từ phần sâu thẳm của con tim, đôi bên nam nữ có hôn ước/phối ngẫu, từng biết chắc và rất thật rằng: hợp đồng chung sống không là mớ giấy lộn như hợp đồng thương vụ hoặc giao kèo vay nợ bằng miệng, cũng rất khác. Thật ra thì, một khi đã tin vào Đạo Chúa dạy, cũng phải hành xử như người đi Đạo vẫn cứ coi hôn nhân như nhiệm tích Chúa thiết lập, mà thôi.
Những ai tin tưởng vào tình thương-yêu không điều kiện, sẽ thấy là: chung sống “nên một”, một thân một mình giữa nam/nữ, đôi lúc cũng không đơn giản hoặc dễ dàng như ký kết hợp đồng, tưởng đã xong. Nhưng, thấy khó. Có khi còn ngã quỵ, tuyệt vọng, hoặc chán chường nữa. Nói cho cùng, động thái an toàn tạo tin tưởng, vốn giúp giải quyết mọi trục trặc về thể xác lẫn tâm linh, là động thái rất cần thiết, cho mọi người.
Rất nhiều lần, để tránh trường hợp chán ngán nhau, chán cả đường đi lối về của nhau, khiến có lúc một trong hai bên ký kết hợp đồng “thương hoài ngàn năm” vẫn phải tìm đến chất xúc tác để còn ở với nhau, mà không chán. Trường hợp cụ thể, thấy ở đời thường như truyện kể, ở dưới:

“Lấy nhau cũng xấp xỉ 3 chục niên, hai vợ chồng thấy mình tối ngày cứ đi ra rồi lại đi vào, nhìn nhau mà chẳng nói đến phát chán, bèn rủ rê ra ngoài vài phút giây, cho đỡ căng thẳng thần kinh. Người vợ rất bén nhạy về chuyện này, bèn đề nghị: hai ta dạo p[hố ngắm nhìn cảnh vật cùng người mình ở đâu đó, nhé hỡi anh…
Cả hai đi được một lúc cũng khá lâu, ngoảnh lại người vợ chẳng thấy chồng đâu. Lo quá, bà liền gọi điện cho chồng bằng di động. Bỗng nghe tiếng ông chồng yêu quí ở đầu giây bên kia, bèn hỏi ngay:
-Này, anh đang ở đâu, sao em nhìn mãi vẫn không thấy?
-Anh đâu có bỏ em đâu mà sợ. Nói đùa chứ. Em có còn nhớ cái tiệm nữ trang mà năm năm trườc đây, hai đứa mình vào ngắm thấy chiếc vòng kim cương quá trời đẹp không? Khi ấy, anh chẳng đào đâu ra tiền nên đành lủi thủi về nhà đó…?
-À, à, em nhớ ra rồi, phải tiệm đó ở gần nhà mình không?
-Đúng ngay chóc.
-Thế, anh có nhớ là anh hứa sẽ mua cho em một cái giông giống như vậy không. Có phải hôm nay anh đang ở đó lựa hàng chứ gì?
-Không đâu, anh đang trong tiệm này lấy hứng hẹn một ngày gần đây anh đến lấy…
-Tiệm nào vậy anh?
-Mau đến đón anh đi cưng. Anh đang ở quán cà-phê cạnh đó. Cũng chỉ sương sương qua ngày, chứ anh vẫn “thương hoài ngàn năm” em cưng của anh thôi.”
            Kể thì cũng lạ. Lạ ở chỗ: ở với nhau có đến gần 3 chục năm dài ròng rã, sao không chán. Hoặc có chán, sao không chia tay, rời bỏ? Không rủ nhau ra toà ký giấy ly thân/ly dị vậy? Chắc rằng, có lý do nào đó giữ chân được cả hai người? Vậy, lý do là do lý lẽ gì? Lý tưởng có là lý lẽ để tưởng nhớ hay không?                
            Nhà Đạo vẫn coi mọi sự đều là ân lộc trời cho, tựa hồ như Kinh Sách vẫn bảo:

                        “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy,
nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.
Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ,
họ đã không có khả năng;
có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn;
lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời.
Ai hiểu được thì hiểu."
                        (Mt 19: 12)

            Thánh Mátthêu viết “Ai hiểu được thì hiểu”, tức câu nói này không dễ gì hiểu được cách trơn tru. Nhưng, người người vẫn cảm nhận được như chuyện về hôn nhân, hôn ước, với chung tình. Học giả trong/ngoài Đạo, nhiều vị cũng đạo đạt/thông suốt nhiều thứ. Dù, không hiểu và nói như thánh sử bảo: có người “bị người ta hoạn”, có người lại không “tự ý không kết hôn vì Nước Trời”, nhưng vẫn thông hiểu chuyện khó hiểu ở Nước Trời.  Về vấn đề hôn nhân truyền thống, thì một trong các vị ấy nay đà bày tỏ như sau:

“Người Công giáo hiểu rằng hôn nhân nam nữ có nhiều điều để ca ngợi và tuyên dương. Một số cặp uyên ương, đối với họ, đây là cung cách để sống cuộc đời cũng rất dễ, dù họ không đồng ý với những gì Giáo hội dạy. Nhất thứ, từ ngày có hiến chế Humanae Vitae khá gò bó, khó khăn, gây bứt rứt. Nhìn cho kỹ, sẽ thấy: trẻ bé vẫn là kẻ chịu cảnh sống oái oăm trong gia đình và xã hội, khi hôn nhân và gia đình bị gãy đổ. Từ đó, gây ảnh hưởng đến động thái tính dục và việc đồng công kiến tạo loài người, khi kết hôn.
Cũng thế, nhiều người lại cứ hiểu rằng hôn nhân/gia đình sẽ không tồn tại, ngoại trừ những người coi đó như một chọn lựa hấp dẫn. Luật tự nhiên dạy rằng: khát vọng có là thủ phạm của những lắt léo qua tội và lỗi, thì vẫn còn đó tương quan nền tảng giữa khát vọng và sự tử tế. Các nhà tranh đấu cho phụ nữ được đồng quyền lại cũng biện luận rằng: người ủng hộ hôn nhân truyền thống, vẫn dựa trên sự khống chế của nam nhân trên nữ phụ và vẫn ỷ lại vào sức chịu đựng của nữ giới rồi coi đó như phương thức mình dùng để biện minh cho lề thói vẫn khuynh loát, lạm dụng và có khi còn dùng cả bạo lực nữa.
Văn hoá nào đặt nặng chuyện nam nữ bình đẳng hoặc chú trọng nhiều về nữ quyền, thì Hội thánh sẽ bác bỏ việc ấy không nuơng tay. Phụ nữ độc thân, cả đến bà mẹ đơn chiếc, vẫn quyết tìm cho được người bạn trai hoặc nam nhân nào vừa ý để tỏ tình hoặc sống thuỷ chung hoặc chỉ sống đối xử với nhau như người bạn, thì cũng khó. Trong khi đó, Hội thánh lại vẫn muốn để nhiều năng lượng ra mà dẹp bỏ vai trò của nữ phụ trong các chức vụ quan trọng, thế nên thách đố cấp bách nhất hiện thời, vẫn là làm sao để giáo dục cảm xúc và tính dục cho nam nhân thì hơn.
Hội thánh xưa nay vẫn biết tội và chuyện gục ngã luôn đan kết với nhau ẩn bên trong con người; thành thử, khi hôn nhân gãy đổ thì đó là lúc ý tưởng tàn bạo, độc ác sẽ thắng thế.” (x.Tina Beatie, Gs Đại Học Roehampton, Luân Đôn, Commonweal, 16/01/2012)

Về với thi ca/âm nhạc, nghệ sĩ ngoài đời nhận định chuyện “thương hoài ngàn năm” không đến nỗi cao siêu/gẫy gọn đến như thế. Ý/lời của nghệ sĩ viết nhạc vẫn giản đơn, gọn nhẹ hát như sau:

            “Thời gian âm thầm như nước về khơi.
            Lòng trót yêu người tình khó đổi thay.
            Hoa thắm rồi có khi tàn,
            Tình ấy chỉ đến một lần,
            Tâm tư thương hoài ngàn năm.”
            (Phạm Mạnh Cương – bđd)

Thương hoài ngàn năm”, hay chung thuỷ trong sống đời hôn nhân ở đời thường, vẫn là những gì người người mong muốn. Mong muốn hơn cả, là lũ trẻ nhỏ ở đời vẫn sống hồn nhiên ngây thơ. Dù, trời có đổ. Dù, bão táp mưa sa cứ dồn dập đổ sập, vẫn nhớ lời Thánh Hiền nhủ khuyên để sống. Sống với lời như, như sau:

            “Thưa anh em,
Chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy sống tiết độ,
mặc áo giáp là đức tin và đức mến,
đội mũ chiến là niềm hy vọng ơn cứu độ.
Vì Thiên Chúa đã không định cho chúng ta phải chịu cơn thịnh nộ,
nhưng được hưởng ơn cứu độ,
nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
Đấng đã chết vì chúng ta,
để dầu thức hay ngủ, chúng ta cũng sống với Người.
Vì thế, anh em hãy an ủi nhau và xây dựng cho nhau,
như anh em vẫn làm.”
(1Thes. 5: 8-11)

            Với lời nhủ khuyên như thế, thì dù thành công hay thất bại ở tình trường hoặc hôn nhân, thiết tưởng nguời người hãy vui lên mà tiến bước. Bước, những bước thận trọng nhưng rất vững trong tình thương yêu của Đức Chúa, Đấng luôn nâng đỡ mọi người dù ngã quỵ.
            Để trân trọng lời nhủ của đấng thánh hiền, cũng nên an ủi nhau bằng một truyện kể nhè nhẹ, để dễ nhớ như sau:

“Nữ phụ nọ, một hôm tình cờ lôi cây đèn đồng ra chùi cho bóng, bất chợt thấy thần đèn hiện đến bèn xin ước:
-Có phải ngài là vị thần vẫn cho mọi người ba điều ước nguyện chăng?  
-Không. Ta là thần chỉ ban duy nhất một ước nguyện thôi. Thế hôm nay, con ước những gì nào?
-Ngài hãy nhìn kỹ vào bản đồ này đã, rồi sẽ biết. Con đây muốn rằng từ rày về sau, tất cả mọi nước có mặt trên bản đồ này sẽ không còn tranh chấp chém giết nhau nữa, nhưng vẫn sống hiền lành chung thuỷ như vợ chồng con đây.
-Ấy! Ấy! Chớ vội vàng. Ta đây từng chiến đấu đến ngàn năm u hoài, ta không thể làm được việc ấy. Thôi đừng nói giông dài nữa, hãy chọn đi chỉ một ước nguyện mà thôi nhé.
-Thế thì, con đây chỉ xin duy nhất một ước nguyện là được sống trăm năm với một người. Mà, người đó không phải là người tối ngày chỉ nằm dài nơi sa-lông suốt ngày xem hơn chục người cứ tranh nhau chỉ một quả bóng. Hoặc người nào đó, cùng một sở thích như con là chỉ muốn đi mua sắm khu phố đắt tiền, lại chịu chơi cho con sắm đủ mọi thứ.
-Nếu thế, phiền con cho ta xem lại bản đồ của con có xứ miền nào gồm những như thế hay không, nhé.”
    
            Truyện kể mang tính tiếu lâm chay hay mặn cũng mặc. Người kể vẫn thích mỗi một chi tiết về những điều tựa như nghệ sĩ năm xưa vẫn cứ hát, để làm bằng cho lập trường “thương hoài ngàn năm” của đôi trai tài gái sắc rất như sau: 

                        “Thương hoài ôi ngàn năm còn đó,
                        Đá mòn mà tình có mòn đâu
                        Tình đầu là tình cuối, người ơi!
                        Suốt đời mình nguyện câu lứa đôi.”
                        (Phạm Mạnh Cương – bđd)

Nghe hát rồi, tưởng cũng nên đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta hãy để lòng mình lắng đọng mà liên tưởng đến tình huống nhè nhẹ, dễ mê, vào mọi lúc.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn cứ vui với lời khuyên nhẹ
của các thánh ở trong Đạo, ngoài đời.   

No comments: