đời mất vui khi bạc chẳng còn”
(Quan Chí Thành – Tình chết theo tiền)
(Mt 19: 23)
Có thể nói, thêm một lần nữa, Đông Tây lại đã gặp nhau ở “trí lớn”, với nhạc…. “tiền”. Quả y như đầu đề bài hát “money, money, money” của nhóm ABBA, thời còn sung túc. Lời nhạc này, nói lên một điều: “Tiền, tiền, tiền!… một điều mọi người vui thích, chốn giàu sang.” Đây là lập trường mà nhóm hát ABBA, đã công khai phổ biến, rất nhiều năm. Từ thập niên ’60 không lâu, sau những ngày buồn niên biểu “một chín bẩy lăm”, người dân thị thành lại được nghe rền vang câu ca rất nghịch nhĩ. Vẫn cứ truyền tụng ở chốn nhân gian, một lời ví:
“Tiền, là tiên là Phật,
là sức bật tuổi trẻ
là sức khoẻ người già… ” (Tục ngữ - ca dao)
Nói nào ngay, phần lớn lời ca/câu ví hát ở trên, đều cho rằng: với tiền, con người có thể “mua được tất tần tật. Tiên cũng được. Phật thì cũng thế. Thế còn, nhà Đạo thì sao? Hiểu thế nào khi ta nghe những quả quyết, như bên dưới:
“Thầy bảo thật anh em,
người giàu có,
thật khó vào được Nước Trời.”
(Mt 19: 23)
Nghe lời này, hẳn vẫn nhiều người thắc mắc, cứ hỏi nhỏ: “khó vào được Nước trời” là vào nơi mô? Chỗ nào? “Khó” ở đây, có nên hiểu theo nghĩa “không được”, chăng? Nếu trả lời, là: “có”, e rằng Đạo mình chủ trương không được làm giàu? Để trả lời, có người còn tìm cách biện giải: cụm từ “giàu có”, “khó vào được” ở tiếng A-ram, là ngôn ngữ mang tính cường điệu. Kích bốc. Chẳng hợp thời. Có hợp chăng, cũng chỉ nên hiểu theo tinh thần của Phúc Âm, thôi.
Hiểu câu trên, theo bối cảnh “hỏi - đáp” giữa Đức Kitô và người thanh niên giàu có trong kinh thánh, chỉ mong làm điều lành, để được sự sống đời đời, có lẽ nên đặt mình trong mặc khải Chúa ban cho. Mặc khải của Ngài, là sự “hoàn thiện”, quyết theo tinh thần khó nghèo, để dấn bước theo Chúa. Theo Ngài, về muôn lối. Theo Ngài, để đi vào chốn Nước Trời, hằng mời gọi.
Hiểu rõ câu trên, theo thiển ý, cũng nên quay về với bối cảnh buổi đầu đời, ở núi thánh có “8 điều Phúc thật”. Khi ấy, rõ ràng Đức Chúa quả quyết về những “Phúc lành” đầu, rất căn bản. Phúc lành ấy, là tinh thần quan tâm đến người khác. Tinh thần của người đang sống trong Nước Trời trần gian:
“Phúc cho những kẻ có tinh thần khó nghèo,
vì Nước Trời là của họ.”
(Mt 5: 3)
Tiếp đến, trong tình hình nhiều người còn thắc mắc, Đức Chúa đã có thêm, một lời khuyên:
“Nếu anh muốn nên hoàn thiện,
hãy bán hết tài sản của anh
và đem cho người nghèo,
anh sẽ được một kho tàng trên trời.
Rồi đến theo Tôi."
(Mt 19: 23)
Và, giống nhiều người giàu có, và cũng có giàu, thánh sử Mát-thêu còn ghi rõ, một phản ứng:
“Nghe lời đó,
người thanh niên buồn rầu bỏ đi,
vì anh có nhiều của.”
(Mt 19: 24)
Với người Do Thái thời bấy giờ, có nhiều của cũng tương tự như đang ở tình trạng những “tội” và lỗi. Cần xa lánh. Nhưng, ở trình Tin Mừng thánh Luca, còn ghi rõ: Đức Chúa vẫn giao du thân mật, cả với người giàu có của, kẻ phạm lỗi. Đến như anh trọc phú Za-kêu, từng khiến các luật sĩ/kinh sư, giới “đấng bậc” đầy mình, còn phải kêu:
“Nhà người tội lỗi
mà Ông ấy cũng lân la đến trọ!
(Lc 19: 7)
Với người bảo thủ, có tiền/có của, được liệt chung cùng nhóm với phường “tội lỗi”. Rất khó vào được Nhà của Chúa. “Nhà” ở đây, tức là “nhà này”, là “cộng đoàn tình thương” của Nước Trời. Đâu có là chốn cao xa, 9 tầng mây vần vũ ấy. Nơi, mà phi hành gia Yuri Gagarin của Liên xô thời đó, có câu nói bất hủ, mà hơi ngớ ngẩn: thiên đàng ở đâu, sao tôi chẳng thấy!
Nói cho đúng, phải hiểu Thiên đàng hoặc “Vương quốc Nước Trời” là nơi chốn Đức Chúa đem ơn cứu độ, dồi dào đến:
“Hôm nay,
ơn cứu độ đã đến cho nhà này,
bởi người này
cũng là con cái Áp-ra-ham.”
(Lc 19: 9)
Với Cựu Ước, là con cái Áp-ra-ham, tức đã giàu. Và đã sang. Sang giàu - Hạnh phúc, hiểu theo quan niệm của người xưa, như tổ phụ I-sa-ác, từng nói:
“ Xin Thiên Chúa ban cho con
sương trời, với đất đai mầu mỡ..”
(Kn 27: 28)
Và:
“Ta đã làm giàu cho Áp-ra-ham.”
(Kn 14: 23)
Xem như thế, giàu và sang, không nằm tại của-cải vật-chất, những tiền, tiền và tiền. Như nhóm ABBA, thường ca hát. Cho bằng, chính ở nơi tình thương ta đem đến, với muôn người. Cả những người có lỗi. Thiếu thốn. Bần hàn. Hoặc, nói theo kiểu thời đại, là kẻ “ngoài luồng”, chưa biết Chúa. Bởi, khi nhìn vào đám dân con đông đúc, mỡ mầu, Chúa không nhìn theo kiểu của người thời đại, mà hỏi: anh/chị có bao nhiêu nhà lầu? Bao nhiêu cổ phần/chứng khoán, để trong “băng”? Nhưng, Ngài chỉ xét: tình thương yêu ta có bày tỏ với hết mọi người. Cả những người không tiền, rất túng thiếu. Thế thôi.
Chuyện nghèo khó hoặc thương người, ta không chỉ thể hiện bằng môi bằng môi bằng miệng, mà thôi. Nhưng, còn phải như Za-kêu anh-thu-thuế-bị-mọi-người-chê, nhưng lại được Chúa đoái hoài đến ở lại. Chính Za-kêu là người bị-chê-bai/xa lánh, đâu cần biết là mình “khó vào được Nước Trời”, cứ phát biểu:
“Thưa Ngài,
đây phân nửa tài sản của tôi,
tôi cho người nghèo;
và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì,
tôi xin đền gấp bốn."
(Lc 19: 8)
Nói cho cùng, với người xưa, Za-kêu là anh giàu bẩn. Không sang. Chuyên ăn chặn tiền bạc, của người khác. Và bởi, xã hội có quá nhiều những tay chuyên ăn trên đầu trên cổ người khác, nên người cùng đinh, vẫn cứ nghèo. Được Chúa đoái hoài, anh mới sực tỉnh. Sực tỉnh về thế đứng của mình. Và có sực tỉnh, anh đã quyết định đổi thái độ. Đổi lối sống. Nay, đã quan tâm đến người túng thiếu, có nhu cầu.
Thời nay, vẫn còn đó những người giàu có nứt đố - đổ vách, không ăn chặn của ai, nhưng đã sực tỉnh. Sực tỉnh hẳn, để choàng dậy, không còn say men chiến thắng. Không còn tìm cách sống trên đầu trên cổ người khác. Chí ít, là người nghèo. Những người sực tỉnh, nay đã rời bỏ vị thế cao sang, chốn giàu có nhất nhì thế giới. Họ rời bỏ, để trở về “làm một cái gì đó”, tốt đẹp hơn cho nhiều người. Người nghèo. Người túng thiếu. Thiệt thòi. Những người, không có khả năng sống phận người thường, như mình. “Za-kêu” hôm nay, còn rất hiếm, nhưng đã thấy xuất hiện. Đã có thật. Và làm thật, như vợ chồng nhà tỷ phú công ty Microsoft, mang tên rất Gates.
Trong bài viết gửi tờ Time, với đầu đề “Làm sao chữa chạy nền tư bản”, nhà tỷ phú này góp ý:
“Lâu nay, nền tư bản cải thiện đời sống cả tỷ người, trên thế giới. Nhưng nhiều tỷ người khác vẫn còn bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Những người này, còn kẹt lại trong cảnh nghèo đói, khốn khổ vì các căn bệnh trầm kha. Chẳng biết làm thế nào để ra khỏi nơi ấy, mà dựng xây cuộc sống, cho tốt đẹp. Chính quyền các nước và các tổ chức vô vị lợi, cũng đã thực hiện nhiều công trình có giá trị, để giúp họ. Nhưng, nếu ai cũng đơn thương độc mã, tự lo liệu cách thức, thì kết quả chẳng đến đâu.
Muốn đạt kết quả khả quan, ta cần một nền tư bản sáng tạo, quyết dải tràn ra bên ngoài, đến với lực lượng thị trường có khả năng sáng tạo. Có thế, các công ty/xí nghiệp mới đã nhìn thấy được điều lợi, nên đã nỗ lực thêm hầu giúp những người có nhu cầu, sống khá hơn. Cần có thêm đường hướng mới, khả dĩ đưa nhiều người vào hệ thống của tư bản; một hệ thống, từng làm nhiều điều tốt đẹp, cho thế giới.
Cụ thể hơn, gần hai năm qua, tập đoàn R.E.D. đã bỏ ra cả 100 triệu đô cho Quỹ Toàn Cầu để nghiên cứu chống bệnh Liệt Kháng, bệnh Lao và Sốt rét ngã nước, ngõ hầu đưa thuốc men đến cho 80,000 người ở các nước nghèo. Và, có hơn 1.6 triệu người đã được xét nghiệm chống HIV, dương tính. Xem như thế, nền tư bản sáng tạo đã hoạt động, rất hiệu quả.
Ngày nay, tuổi thọ trung bình của mọi người dân trên thế giới, đã gia tăng đạt mức đáng kể. Hiện nay, đã thấy nhiều người đi bầu phiếu, hơn trước. Nhiều người đã biết và dám phát biểu quan điểm lập trường của cá nhân mình. Cũng như, đã hưởng được tự do kinh tế, nhiều hơn trước. Nhưng vấn đề, là: cuộc sống đã thấy khá hơn, nhưng vẫn chưa đủ nhanh. Và, không phải là ai cũng được như thế. Nhiều tỷ người hiện nay vẫn chỉ kiếm sống được có $1 đô, một ngày. Họ vẫn không đủ cơm ăn, áo mặc. Không có nước trong lành, để uống. Và, nhiều người vẫn chẳng biết đến đèn đóm, điện lực, là gì.”
Và tỷ phú Bill Gates đi đến kết luận:
“Hơn 30 năm qua, Paul Allen và tôi đã khởi công thiết lập công ty Microsoft, là vì chúng tôi muốn rằng: mọi thành viên của phong trào, mọi bàn giấy, mọi nhà đều có vi tính. Cách đây 10 năm, Melinda và tôi cũng đã bắt đầu thiết lập quỹ tài trợ, là bởi muốn làm thành viên của một phong trào khác lạ. Phong trào xây dựng một thế giới trong đó không còn ai sống với thu nhập quá thấp, chỉ $1 đô/một ngày. Và, sẽ không còn ai chết vì các bệnh, mà nay ta biết cách ngừa. (Bill gates, How to fix Capitalism, Time
Về với Phúc Âm, sở dĩ anh-nhà-giàu-bị-mọi-người-chê là Za-kêu xưa biết lắng nghe tiếng Chúa bảo ban, đã đổi thay tâm tình và có thái độ. Nên, “nhà anh” được Chúa vui lòng nán lại, nghỉ đêm. Đổi thay, cả tâm tình lẫn thái độ, bởi anh đã nhận ra cứu cánh, của cuộc đời. Không còn ham tăng lợi nhuận, ung dung sống một mình một cõi, chẳng ai chơi. Nhưng, đã biết thực hiện lời Chúa, để trở nên công cụ trải rộng tình thương yêu đùm bọc, với người nghèo.
Za-kêu hôm nay, là người cũng biết lắng nghe lời Chúa. Cũng chỉ xin và chỉ cầu được “hằng ngày vừa đủ”, cơm áo/gạo tiền. Za-kêu hôm nay, có thể là chàng nông dân vùng đồng hoang cỏ cháy đất miền Mê-xi-cô xa xôi, ở truyện bên dưới:
“Nhà kinh doanh người Mỹ hôm ấy, ghé động đình hồ ở đất miền Mê-xi-cô nhỏ bé ấy, để vui chơi - câu cá. Ông chợt thấy nông dân nghèo người Mễ, đang bỏ chiếc thuyền nan, đủng đỉnh cắm cần câu, thoải mái. Bên trong thuyền, đã thấy vài chú cá chẽm rẫy rụa, chờ chết. Doanh gia người Mỹ lấy làm lạ, bèn cất lời ngợi khen nông dân, rồi hỏi:
-Câu được nhiều thế, chắc là anh cũng phải mất nhiều thì giờ, lắm đấy nhỉ?
-Ồ, không lâu lắm đâu. Chỉ dăm ba phút phù du, thôi!
Nói rồi, người nông dân sửa soạn ra về. Rất ung dung. Nhàn nhã.
Doanh gia người Mỹ càng ngạc nhiên hơn, bèn gọi với:
-Sao anh không ở lại lâu thêm chút nữa, rồi hẵng về? Có thể, anh sẽ được nhiều hơn thế nữa?
-Như thế cũng khá đủ cho bữa cơm đạm bạc, với gia đình, rồi!.
-Ấy nhưng, anh sẽ làm gì với quãng thì giờ còn lại?
-Tôi thường ngủ trễ. Chỉ câu có ít cá. Chơi giỡn với đàn con. Nghỉ trưa với bà xã một chút, rồi thong thả đi về cuối thôn làng, mua dăm ba thứ cần dùng, chặp tối. Sau đó, nhắp ba ngụm đế lai rai, cho đỡ buồn. Rồi, chơi Tây Ban Cầm vài bản với bạn bè, cho khỏi quên. Đời của bọn tôi vẫn cứ bận rộn, là thế đấy, thưa doanh gia.
-Tôi đây xuất thân Đại Học Havard có bằng Cao học Kinh doanh. Để tôi xem có cách nào giúp anh một vài công việc nho nhỏ, cho nhẹ gánh. Nghĩa là, lên kế hoạch sao cho đời nó có lý do để mà sống, ấy mà. Việc đầu tiên, có lẽ là anh phải để nhiều giờ ra câu cho thật nhiều cá. Tiến hành việc lựa các đóng thùng. Mua ghe. Lúc đầu mình chỉ mua vài chiếc ghe nhỏ, vừa đủ chứa. Sau này khá hơn, ta mua tầu lớn nhiều công suất. Để cuối cùng mình có cả một đoàn tầu đánh bắt, rất hiệu năng. Ta lập xưởng máy, đóng hộp. Rồi xuất khẩu. Kiểm soát nguồn hàng dễ bị cạnh tranh. Tiếp đến, có lẽ anh phải rời bỏ căn làng nhỏ bé này, dời về thủ đô. Sau đó, tiến dần về Los, rồi là Nữu Ước, khi ấy sẽ làm chủ cả một công ty vững mạnh, tầm cỡ quốc tế, mới được.
Nông dân người Mễ, bèn hỏi nhà kinh tế:
-Nhưng này hỡi ngài kinh bang tế thế, làm như thế mất bao lâu?
-15 đến 20 năm.
-Sau đó, thì sao, thưa ngài?
-Đó là lúc bạn đạt mức chóp đỉnh. Khi thời tới, bạn mới tuyên bố bán cổ phần, tăng gia mở rộng nguồn vốn. Và, trở nên giàu có, triệu phú tỷ phú, chẳng mấy chốc.
-Triệu phú, tỷ phú ư? Rồi sau đó?
-Rồi thì, bạn về hưu. Trở về tìm chốn thôn làng hẻo lánh. Ngủ trễ. Câu cá chỉ chút ít thôi. Chơi đùa với trẻ nhỏ, con cháu. Nghỉ trưa với bà xã. Tản bộ về cuối thôn làng, nhắp ba ngụm đế với bầu bạn, rồi chơi Tây Ban Cầm cho đỡ nhớ với bạn hiền.
-Tức là, ngài có ý muốn nói: để trở thành người có Cao Học Kinh Doanh, ngài cũng từng ngang qua các chặng đường như thế đấy chứ gì. Phải chăng, làm người giàu có, học cao hiểu rộng là như thế, để rồi cũng trở về trạng thái “tàn tàn” như tôi đây, bây giờ? Như thế, thì giàu để làm gì? Có, để làm chi, cho mệt lính?
Giàu có – thảnh thơi, hay nghèo túng – mệt lính, vẫn là quan niệm của nhiều người. Chí ít, là của người nghệ sĩ trong bài hát “Tiền”, thời buổi trước:
“Ôi! Lắm tiền mà đời chắc gì vui,
trong cõi đời chỉ mong được thảnh thơi
người không vì tiền, thì cũng vậy thôi.
Tiền! Tiền thật nhiều, mà tiền đâu biết yêu.” (Song Ngọc – Tiền)
Đúng thế. Za-kêu ngày nay, nhìn thấy nhan nhản. Có thể là bạn, là tôi. Tiền không nhiều. Đường đời, không thiếu cảnh tình bạc tiền đủng đỉnh. Rất thảnh thơi. Nhưng dù thảnh thơi hoặc khá rảnh, chắc ta cũng chẳng thể nào quên câu nói, của bậc hiền nhân, nhiều thuở trước. Tiền là bạc. Chứ đâu là sức bật. Của mấy ai.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ nhủ thầm
Nhiều lần
Như thế.
No comments:
Post a Comment