trời không mưa, anh cũng lạy trời mưa
anh lạy trời mưa phong toả đường về
và đêm ơi xin cứ dài vô tận…
Anh cứ xin mưa phong toả đường về
Anh vẫn xin mưa phong toả đường về.
(Ngô Thuỵ Miên – Tháng sáu trời mưa)
(Châm ngôn 3: 20)
Có một lần, nhân buổi trình làng “Chuyện Phiếm tập I”, có bạn đến với tác giả thân mật hỏi: cơ duyên nào đưa đẩy anh cầm bút viết “chuyện phiếm”, thế? Một lần khác, lại có người em linh mục trẻ viết một bài trên blog “giađìnhanphong”, đã phân minh:
“Nói đến phiếm, chuyện phiếm, người ta thường nghĩ đến ‘chuyện đùa vui, không thiết thực, không đâu vào đâu…(x. Từ điển TVPT, tr. 710), kiểu bác Mười Hai có nói trong bài nọ: ‘Phiếm ở đây, là phiếm cho vui…’ nhưng đọc nhiều bài của tác giả phiếm, đôi khi cũng thấy đau đầu kinh khủng!”
(Lm JB Hồ Quang Lâm, giadinhanphong.blogspot.com).
Vào lần khác, bần đạo cũng đã phân minh: phiếm hôm nay, dù về Đạo hay chỉ mỗi chuyện đời, là nói với nhau. Và cho nhau. Nói hai chiều. Có nghe và có nói. Thế mới vui. Vui nhất, là: từ khi viết phiếm, bần đạo nói rất ít. Chỉ dám sẻ san những điều mình nghe biết. Nghe nhiều. Viết in ít. Nhưng, nhất định không giảng. Dù chỉ giảng duy nhất, cho một người.
Và có lẽ, bởi nghe nhiều, nên bần đạo cảm nhận được tính thơ văn đậm nét nơi tư tưởng của đàn anh, nơi nhà Đạo. Và cả với bầu bạn, trong đời. Đời có Đạo, có người. Và, thơ văn đậm nét ấy, có thể chỉ là nhạc bản được trích dẫn ở trên. Có thể là, tư tưởng sâu sắc của Kinh Sách, ở bên dưới:
“Nhờ tri thức của Người,
vực sâu được khai mở
và mây trời đổ mưa.
(Cn 3: 20)
Có thể, vẫn chỉ như nhận định vào cuối đời của một Hồng Y trọng tuổi, nay truyền đạt:
“Những người lâu nay giữ vững niềm tin, hiện giờ chẳng còn muốn người khác đem đến cho mình thứ lương tâm không mấy tốt đẹp, nữa. Nhưng, họ cần nhiều hỗ trợ để mong giữ lương tâm nhạy bén, thẳng thắn. Một điều mà chắc chắn mọi người sẽ cần đến, là chất xúc kích liên hồi để ta có thể suy tư. Nghiền ngẫm…
Quả thật, ta vẫn cần đến lề luật và qui định ranh giới để sống, nhưng Thiên Chúa chẳng cho phép bất cứ một ai tạo lằn ranh hạn chế với qui định quyết cột trói Ngài bằng luật lệ. Ngài vượt lên trên mọi lằn-ranh hạn chế, con người tạo ra.
Về những người chưa có niềm tin, ư? Khác tôn giáo ư? Chúng ta thường có thói quen hay nói với họ về nền tảng đạo đức, ta vẫn sống. Nhưng, mọi người vẫn có thể cùng chung nguyện cầu với những người có niềm tin khác với mình. Hãy thân mời họ đến cùng nguyện cầu, chung với ta. Mỗi khi có dịp, ta cũng nên tham dự nghi thức nguyện cầu hoặc tế lễ của các người anh em/chị em thuộc tôn giáo khác. Làm như thế, không có nghĩa sẽ đẩy ta xa rời Đạo Chúa. Không hẳn là như thế. Nhưng, có làm thế, ta mới đào sâu hơn ý nghĩa của chính cội nguồn niềm tin, ở trong ta. Đừng hãi sợ, là mình sẽ phải giáp mặt với những gì xa lạ, và khác biệt. Bởi hiện nay, nền văn minh tiên tiến đang có vấn đề lớn ta phải đương đầu, là: có sự thiếu xót quan trọng trong sự tin tưởng lẫn nhau. Thiếu niềm tin cần có, thì sự quan hệ giữa những người đang sống trong cùng hành tinh, nhưng khác địa danh, khác chính kiến, sẽ chẳng còn ý nghĩa.” (ĐHY Carlo Maria Martini, SJ – Chuyện nói buổi tối ở Giêrusalem, laRepublica.it
Phiếm, là dám nói lên những điều nghe qua có vẻ nghịch nhĩ. Nhưng rất thực. Và rất đúng. Nói vào buổi tối, hay ban ngày, điều đó không quan trọng. Nhưng, tuyệt nhiên không chỉ phán thôi. Nhưng, nói ở mọi nơi. Khắp chốn. Ở đời thường. Một đời có đủ chuyện Đạo. Lẫn việc đời. Có nhạc bản với nhịp điệu. Có âm vận thi ca rất “nền nã”, như sau:
“Tháng sáu trời mưa, em có nghe mưa xuống
trời không mưa, em có lạy trời mưa…” (Ngô thuỵ Miên – bđd)
Tháng sáu hôm nay, không hẳn là năm tháng của niên lịch, trời đất. Cũng chẳng là, ngày tháng của những chiêm bao, mộng mị. Nhưng, là những giờ phút tháng ngày của ân huệ trời mưa, Chúa đang rưới. Chúa rưới mưa vào ngày lễ Ngũ Tuần, những năm về trước. Và cả ngày Ngũ Tuần của năm nay. Của ngày hôm nay. Ngày, mà mọi người còn gọi: là ngày hội của đám trẻ trung. Có liên hoan. Có vui mừng. Ngày, mà mọi người được lĩnh nhận thần lực, của Thánh Linh. Lĩnh nhận, để rồi mình làm nhân chứng cho Ngài. Không chỉ là với người nhà Đạo. Nhưng, muôn người. Ở đời.
Về ơn mưa móc, Thầy Chí Thánh từng quả quyết:
“Người cho mặt trời của Người
mọc lên soi sáng kẻ xấu
cũng như người tốt,
và cho mưa xuống
trên người công chính
cũng như kẻ bất chính.
(Mt 5: 45)
Ơn mưa mà Chúa phú ban, không chỉ đổ tràn nội nhật tháng sáu, của mỗi năm. Cũng chẳng tặng riêng cho dân con nhà Đạo, một đời. Mà, cho hết mọi người. Mỗi ngày. Như nội dung bài thánh vịnh ta thường hát, như sau :
“Ta sẽ đổ xuống
muôn hồng ân,
cho Xi-on
được lương thực dồi dào,
và ban cho kẻ nghèo
được no nê cơm bánh.”
(Tv 132: 15)
Hồng ân ấy, Ngài đổ xuống như mưa. Mưa Hồng Ân. Mưa cơm bánh từ trời, người xưa từng gọi manna, ơn mưa móc. Mưa ân sủng, người người vẫn trân qúi. Trân trọng và yêu quí, như Phê-rô thánh-nhân từng nhắc nhớ:
“vì họ cũng được hưởng sự sống
là hồng ân Chúa ban.”
(1P 3: 7)
Hôm nay, ở nơi nào, cũng đều có mưa. Mưa hồng ân “rơi không ngớt” hay chỉ là “mưa phong toả đường về”, theo diễn tả của người nghệ sĩ dẫn ở trên. Hoặc, vẫn là mưa “tình nồng thắm”, gửi đến cho dân con/mọi người, ở muôn nơi. Mưa tuôn theo nhiều kiểu. Có kiểu rất thời thượng, đương đại, như truyện kể ở bên dưới:
“Như thường thấy, vào những ngày của Chúa: vị mục sư từ tốn bước lên bục giảng nói đôi lời tâm huyết với bà con tham dự. Trước khi ban bố Lời của Chúa, vị mục sư dành để đôi ba phút riêng tây hầu vắn tắt giới thiệu một thừa-tác-viên khách lạ, khá trọng tuổi, đến với cộng đoàn chiều hôm ấy.
Khi giới thiệu, mục sư chỉ đơn giản nói rằng: vị thừa-tác-viên khách lạ là một trong những người bạn thân thiết nhất của ông, thời niên thiếu. Vị này sẽ lên nói đôi câu để san sẻ những gì ông trân trọng nhất, trong phụng tự. Được giới thiệu, vị thừa tác viên trọng tuổi bước lên bục, đứng cạnh vị mục sư, bắt đầu nói:
Có 3 người, một ông bố, một người con và người kia là bạn của con mình, cùng lên thuyền ra khơi, chạy gần bờ. Thuyền đi được một quãng, bỗng dưng phong ba từ đâu dồn dập tới, ngăn chặn mọi nổ lực của ba người, khiến họ không thể quay đầu về với đất liền. Sóng vỗ cao, tới tấp dồn dập đánh liên hồi, khiến người cha có kinh nghiệm đi biển rất nhiều lần, vẫn không thể giữ cho thuyền ở thế cân bằng, đành để sóng xô đẩy thuyền lật úp, gần mạn bờ.
Vị thừa-tác-viên trọng tuổi bèn do dự, ngừng câu truyện kể chừng dăm phút, nhìn về phía hai người bạn trẻ ngồi ở hàng đầu, thích thú chờ nghe tiếp câu truyện kể.
Ông tiếp tục: người cha vội chụp dây phao cứu hộ và định thần biết rằng mình phải có quyết định khó khăn nhất đời ông là: ông sẽ ném giây phao cho đứa nào đây, con trai hay người bạn của con nình. Ông chỉ có vài giây ngắn để quyết định. Và, người cha biết con ông là một tín hữu ngoan đạo, còn bạn của con, thì không. Ông không còn thời gian để cân nhắc nữa. Phải quyết định ngay, vì cơn sóng dữ tiếp tục nổi như cồn và hai người trẻ đang chiến đấu, trong tuyệt vọng. Ngay lúc ấy, người cha kêu lớn tiếng: “Hai ơi, cha thương con lắm!”. Cùng một lúc, ông ném dây phao cứu hộ cho người bạn trẻ của con ông.
Thoạt khi ông kéo được người bạn của con trai ông về gần với chiếc thuyền lật úp, thì đó cũng là lúc ông thấy con mình đã chìm hẳn trong cơn sóng căm hận, đi vào vùng tăm tối của biển đen. Thân xác của con ông, sẽ không bao giờ được tìm thấy.
Kể đến đó, hai người trẻ đang nghe giảng bỗng ngồi thẳng người, hồi hộp chờ đợi từng tiếng và từng lời thốt ra từ miệng của vị thừa-tác-viên trọng tuổi. Và, câu truyện được kể tiếp: Người cha, tin chắc con trai mình sẽ về nơi vĩnh hằng, có Đức Chúa. Và ông không thể sống nổi với ý nghĩ, là: bạn của con ông không chắc đã được vào với Nước Chúa, vì anh không hề nhận biết có Thiên Chúa…Vì thế, ông quyết hy sinh con của mình để cứu vớt, bạn của con.
Truyện ở đây, đích thị nói lên lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Chính vì tình thương yêu bao la Ngài làm cho chúng ta, Thiên Chúa đã hy sinh Con Một của Ngài để cứu vớt hết mọi người.
Nói đến đây, người kể mời gọi và thúc giục mọi người hãy hoan hỷ đón nhận sự hy sinh cao cả của Đức Chúa và hãy nắm bắt dây phao cứu hộ Ngài ném cho chúng ta trong lễ này”. Nói xong vị thừa-tác-viên trọng tuổi bước về chỗ ngồi của ông, ở hàng ghế cạnh những người trẻ. Cả nhà thờ chìm đằm trong yên lặng. Để suy nghĩ.
Vị mục sư bước chậm rãi lên bục và kết thúc bài giảng bằng lời mời ngắn gọn mọi người đáp ứng ý tưởng của vị thừa-tác-viên khách đưa ra. Quá xúc động về câu truyện kể, nên không ai đáp lại điều gì.
Sau buổi lễ, hai người trẻ ngồi ở hàng đầu đến gặp vị thừa-tác-viên khách lạ, và thưa với ông:”Bài chia sẻ của ông rất xúc động. Nhưng, con không nghĩ là trong thực tế cuộc đời, lại có người cha nào dám hy sinh mạng sống của con mình chỉ để hy vọng rằng bạn của con sẽ có cơ hội lĩnh nhận một niềm tin, đến như thế.”
Đưa mắt nhìn xuống cuốn Thánh kinh đã sờn gáy cầm trên tay, ông nhoẻn nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt gầy guộc, và đáp lại: “Này bạn trẻ, anh đã nhìn ra điểm cốt lõi rồi đó”. Rồi ông nhìn hai người trẻ bằng cặp mắt thân tình, và nói: “Anh không tin điều đó đã thực sự xảy ra ư? Như lão tôi đang đứng cạnh đây để kể cho anh về điều mà chính Chúa đã hy sinh Người Con Một của Ngài cho lão tôi. Anh bạn xem đó…Lão tôi đây chính là người cha trong truyện kể; và vị mục sư của anh đang đứng kia lại chính là bạn của con trai lão tôi, năm xưa đó.”
Nghe kể truyện, hẳn bạn và tôi, ta đều vẫn nghĩ: truyện kể ra, chỉ để minh hoạ cho hành động đầy ắp những thương yêu của Đức Chúa. Ngài quả đã ban ơn mưa móc, những “manna” ân huệ, cũng là để ban cho hết mọi người. Chẳng trừ ai. Mưa “Manna”, hay cơn mưa bình thường, khi đã rơi xuống, đều làm ướt đầu em tôi, ướt áo bạn, cả thân mình tôi. Mưa ân huệ, đâu có gạn lọc cho riêng ai. Đâu có kỳ thị, chừa một ai.
Thực tế đời thường, thường là như thế. Làm cha làm mẹ, chắc ta cũng khó có thể hành động như vị thừa-tác-viên trọng tuổi, nơi truyện kể. Nhưng, có một điều khiến ta có thể đoan quyết được, đó là: mình vẫn có thể đến với hết mọi người. Cả người trong Đạo, lẫn ở ngoài. Đến, như cha già Hồng y Carlo Martini đã xác quyết như trên. Đến, giúp đào sâu thêm được đức tin.
Hãy cứ ra khỏi vỏ sò cục bộ - địa phương, riêng tây. Của tôi và bạn. Ra khỏi nơi đó, bạn và tôi, mình sẽ thấy còn rất nhiều việc để làm. Làm trong say mê. Phấn khởi. Suốt một đời.
Trần Ngọc Mười Hai
vẫn kỳ vọng
rằng bạn và mình,
ta rồi sẽ thế.
No comments:
Post a Comment