Wednesday, 3 October 2018

“Hầy hô, hây hồ hây hồ”


Chuyện Phiếm đọc trong tuần 27 Thường niên năm B 07-10-2018

“Hầy hô, hây hồ hây hồ”
Ta đi vô vườn dừa”.
(Phạm Duy – Dã Ca Ngày Mùa)
(Rm 12: 12-13)
Vừa rồi, bần đạo bầy tôi đây được đọc một bài do đàn em trong Dòng là Lm Lê Quang Uy DCCT viết dưới đầu đề là “Thời nay sao cái gì cũng vội”, bèn nảy sinh một ý tưởng đặt ra câu hỏi khác bảo rằng: “Thời nay, sao thấy nhiều người cứ dÙng các chữ vô và vô cũng khá nhiều!” Này nhé, những là “Vô cảm”, “vô lại”, “vô thần” và nhiều thứ vô khác nữa.

Vô, đây là “Không” và “không”. Phải chăng, nói thế là vì húy với chữ “Có” ở Kinh thánh khi Giavê Thiên Chúa tuyên bố Ngài là “Đấng Có”?

Cách nay không lâu, bần đạo được dự thêm một buổi “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney được tổ chức dưới chủ đề “Quê Hương Trong Tôi”. Hôm ấy, có “hát sĩ cây nhà lá vườn” đã cất lên những lời ở nhạc-bản Dã Ca Ngày Mùa của Phạm Duy có thêm những lời sau đây:

Hầy Hồ Hây Hô Hấy Hố
Ta đi vô vườn dừa
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Nhịp nhàng khoan thai bước khẽ
Đi trong mưa nhè nhẹ
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Gà chuồng le le gáy rõ
Ta nghe ta đợi chờ
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Ngoảnh nhìn bên ta vẫn nhớ
Ôi êm ru ngày mùa
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Hây Hố Hây Hô Hây Hô Ngày mùa
Hây Hố Hây Hô Hây Hô Êm ru...

Hây Hồ Hây Hô Hấy Hố
Ta đi qua cầu này
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Nhịp cầu tre soi nước soáy
Ta nghe ta lạnh đầy
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Và dòng sông con nhấp nháy
Di quanh quanh hoài hoài
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Ngoảnh nhìn bên ta vẫn thấy
Ôi êm ru ngày dài
Hây Hô Hây Hô Hây Hô

Hôm nay đây, ngồi buồn im lặng trong một góc phòng vào mùa Đông ở Sydney nhưng không lạnh, bần đạo chợt nảy ra trong đầu một tư-tưởng cũng hơi “ngộ”, bèn trích-dẫn ra đây để mời bạn và mời tôi, ta cùng thưởng-lãm giòng suy-tư ngắn, sau đó tiếp-tục tham-gia hát những ca-từ cứ lặp đi lặp lại mãi chữ “Hây hồ”, rồi “Hầy hô”, những hư-vô, vô độ, rất vô tình, rằng: 

Hây Hồ Hây Hô Hấy Hố
Ta đi qua vườn ngoài
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Dạt dào dăm ba gốc chuối
Cây không cao buồng dài
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Ôm ộp oang oang ếch nói
Ta nghe ta nguôi ngoai
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Ngoảnh nhìn bên ta vẫn đấy
Ôi êm ru ngày dài
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Hầy hồ Hây hô Hấy Hố
Ta đi trong vườn đời
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Lòng mình ươm cây kết trái
Ươm hoa ươm cỏ dại
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
Ngọt nhạt hay chua cũng khoái
Ta yêu khu vườn này
Hây Hô Hây Hô Hây Hô
(Phạm Duy – bđd)

“Ta đi vô vườn nhà” hôm nay và mai ngày, lại cũng nghe và thấy nhiều vấn-đề đặt ra, để ta nghĩ và suy đến liên-tu bất tận, thật nhiều điều. Suy cho nhiều, là bởi đề-tài hôm nay và có thể trong nhiều ngày nữa, cũng là về tên tuổi và chức vụ của các đấng bậc ở Kinh Sách, rất thánh thiêng, như các đấng được gọi là “Kinh Sư” , “Ký lục” , toàn những Pharisêu là các đấng bậc vị vọng rất hiển-hách.

Hôm nay, đấng bậc cha/bác ở Sydney có tên là Lm John Flader, đã giải-đáp đôi ba thắc mắc nho nhỏ từ một giáo-hữu gửi về, những hỏi rằng:

“Kính thưa Cha,
Trong Kinh thánh, người đọc thường thấy thánh sử nói nhiều về người Pharisêu và Ký lục, hoặc ai khác nữa. Xin Cha giải thích cho biết, các vị ấy là ai? Có vai trò gì trong xã hội hoặc nhóm hội tôn-giáo thời của Chúa. Xin cảm ơn Cha trước.” (Độc-giả báo The Catholic Weekly gửi thư về nhờ đấng bậc giảng giải mà không ghi tên tuổi).

Viết thư gửi về tuần báo Công giáo Sydney mà lại không ghi tên tuổi, đó là chuyện thường ngày ở huyện. Chí ít là huyện nhà Đạo rất Công giáo ở Sydney. Thôi thì, hễ có thư gửi về hỏi han đủ mọi thứ, thì thế nào đấng bậc nhà mình cũng vui sướng đến mê tơi rồi. Chẳng cần ghi tên tuổi hoặc vỏn vẹn chỉ tên gọi mà thôi cũng chẳng làm đấc bậc bận tâm, dù âm thầm.

Thôi thì, đã có người hỏi, thì đấng bậc nhà Đạo ở Sydney sẽ có lời giải, như sau:

“Thưa anh/chị,
“Trước hết, tôi xin nói ngay ở đây rằng, với người theo Do-thái-giáo thời Đức Giêsu sống, thì: các đấng bậc vị vọng mang danh Pharisêu, hay Xađuxê đều là chức sắc nhà Đạo lập thành hai nhóm người chính có lai-lịch và tầm nhìn rất khác-biệt về một số chủ-đề.

Hầu hết những người Pharisêu khi xưa đều thuộc đảng/phái chính-trị hoặc phong-trào/trường-phái tư-tưởng rất khác-biệt, vào thời Chúa. Gọi các đấng bậc khi xưa là “Pharisêu” thực-sự cũng để chỉ-định các đấng bậc “đứng biệt lập” hoặc “cách biệt.”

Nhóm Pharisêu nổi trội vào giữa thế-kỷ thứ hai trước Công nguyên, sau khi có nhân-vật nọ tên là Judas Maccabeus, một người thuộc nhóm Hasmonê đã đánh bại lực-lượng Saleucid dưới thời vua Antiochus Êpiphanes trị vì (X. Maccabê quyển 2).

Nhóm Seleucid đã phạm lỗi phỉ báng Đền thờ rồi đổ cho người Do-thái-giáo vi-phạm luật-lệ bằng cách thuận theo thói-tục của nhóm Seleucid trong đó có cả việc ăn thịt heo bị cấm nghiêm-nhặt. Cháu nội của ông Judas Maccabeus là Gioan Hyrcanus đã thiết-lập chế-độ quân-chủ theo kiểu mới do các thượng-tế đặt ra với mục-đích tiếm-vị cả về chính-trị lẫn tinh-thần.

 

Trong khi đó, nhóm người Pharisêu vẫn luôn dạy, rằng: người Do-thái-giáo phải sống tinh-sạch cả khi tổ-chức nghi-lễ phụng-thờ bằng việc tách rời khỏi tập-tục tin-tưởng và lề-thói của Hy-Lạp cũng như người ngoại-cuộc chỉ biết tuân theo các tập-tục thuộc giòng-dõi Sêleucid mà đám người Maccabê luôn kình-chống. Thế nên, tên của họ được gọi là Pharisêu, tức: những người ly-khai khỏi mọi nhóm.

 

Người Xađuxê lại cũng trổi-bật vào giữa thế-kỷ thứ hai trước Công nguyên, nhưng họ thuộc giai-cấp ở trên cao chuyên lo về xã-hội và kinh-tế, trở-thành nhóm tuyển-chọn bên trong xã-hội Do-thái-giáo. Tên của họ xem như xuất từ tự-vựng “Zadok” tức: các thày thượng-tế phục-vụ tại Đền thờ do Vua Salômôn ra lệnh xây cất.

 

Nhóm Xađuxê chuyên đặc-trách các vai trò chính-trị, xã-hội và tôn-giáo, rât khác nhau, kể cả vai-trò thượng-tế và bảo vệ Đền thờ. Việc này đã tạo cho họ một thế-đứng hưởng mọi đặc-quyền/đặc lợi trong dân-gian, lý do là vì người Do-thái-giáo vẫn coi các vị này thuộc giai-cấp cao nhất trong xa-hội.

 

Nhiều người tin rằng các vị này đã tuyệt-tích năm nào đó sau khi Đền thờ bị phá-hủy, tức hồi thập-niên 70 ở thế-kỷ đầu. Một trong những khác-biệt lớn giữa nhóm Pharisêu và Xađuxê là tùy cung-cách xử thế của họ đối với Luật Môsê.

 

Nhóm Xađuxê chỉ quan-niệm coi Luật trên giấy hoặc Torah như nguồn gốc uy-quyền thánh-thiêng do Trên ban và họ diễn-giải luật lệ một cách từng chữ. Trong khi đó, nhóm Pharisêu lại tuân-giữ cả luật Torah viết thành chữ và hệ-thống truyền-khẩu đã phát-triển quanh đó.

 

Hệ-thống truyền-khẩu bao gồm việc duy-trì các luật-lệ và thói-tục mà giới thày cả hoặc thày dạy đã thêm vào đó nhiều thứ trải qua nhiều thế-kỷ qua.

 

Nhóm Pharisêu và các bậc thông-thái hoặc thày thượng-tế vẫn cứ duy-trì mọi luật rồi bảo rằng hệ-thống lề-luật truyền miệng này, tức luật Talmut đã có nguồn gốc trên núi Sinai cùng lúc với luật Torah.

 

Vì thế nên, với người Pharisêu, thì luật Torah tự thân không phải là thứ Luật cố-định một lần rồi thôi, nhưng là một tiến-trình giải-thích và áp-dụng trong đó Thiên-Chúa vẫn can-dự. Bắt nguồn từ đây, một trong các nguyên-lý xuất tứ nhóm Pharisêu tạo sự khác biệt giữa họ và các nhóm khác cả nhóm Xađuxê nữa, vẫn quả-quyết rằng: tất cả mọi người Do-thái-giáo đều phải tuân-giữ một cách tỉ-mỉ các luật-lệ trong đời sống thường nhật của họ kể cả các hình-thức tế-tự trong thanh-sạch vốn áp-dụng cách triệt-để trong việc phục-vụ ở Đền Thờ mà thôi.

 

Tỉ dụ như, khi Đức Giêsu đến ăn uống tại nhà người Pharisêu, thì có người lên tiếng ngỡ-ngàng khi thấy Ngài không rửa tay trước khi ăn. Khi ấy, Đức Giêsu đã quở trách người Pharisêu chỉ chú-trọng lau chùi bên ngoài chén dĩa trong khi bên trong thì đầy dẫy những thói-tật yếu kém; chỉ để tâm đến chuyện thu thế thập-phân trên rau quế rau răm trong khi đó lại quên cả chuyện chính-trực lẫn việc kính yêu Đức Chúa, như Tin Mừng còn ghi chép:

 

“Đức Giêsu đang nói, thì có một ông Pharisêu mời Ngài đến nhà dùng bữa. Tới nơi, Ngài liền vào giường ăn. Thấy vậy, ông Pharisêu lấy làm lạ vì Ngài không rửa tay trước bữa ăn. Nhưng Chúa nói với ông ấy rằng: "Ấy đó, các người Pharisêu, bên ngoài chén đĩa, thì các ngươi rửa sạch, nhưng bên trong các ngươi thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà. Đồ điên dại! thế thì Đấng dựng ra bên ngoài lại đã không dựng nên bên trong sao?

 

Song, trong có gì thì bố thí đi; và này: mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi. Khốn cho các ngươi, hỡi người Pharisêu! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà lại nhãng qua lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa: chính các điều này phải thi-hành mà đừng sao lãng các việc kia. Khốn cho các ngươi, hỡi các người Pharisêu! Các ngươi chuộng chỗ nhất nơi hội-đường cùng bái chào ngoài công-trường. Khốn cho các ngươi! Các ngươi như mả ẩn tàng, thiên hạ giẫm lên mà không biết."  (Lc 11: 37-42)

 

Chính vì lý do này, mà hôm nay ta dùng tên gọi “Pharisêu” để chỉ người nào đó cứ tỉ mỉ về việc giữ luật đạo nhưng lòng trí lại đặt không đúng chỗ.

 

Ngoài ra, sự khác biệt giữa người Pharisêu và nhóm Xađuxê được thánh Phaolô mô-tả khá kỹ sự khác biệt khi thành-nhân đem ra trước tòa án của người La Mã và kêu gọi nhóm Sanhêdrin tự bảo vệ chính họ, bằng những câu  như sau:

 

“Ông Phao-lô nhìn thẳng vào Thượng Hội Đồng rồi nói: "Thưa anh em, cho đến ngày hôm nay, tôi đã ăn ở trước mặt Thiên Chúa với một lương tâm hoàn toàn ngay thẳng." Nhưng thượng tế Khanania truyền cho những người phụ tá đánh vào miệng ông Phaolô. Bấy giờ ông Phaolô nói với ông ấy: "Bức tường tô vôi kia, Thiên Chúa sẽ đánh ông! Ông ngồi xử tôi chiếu theo Lề Luật, mà ông lại ra lệnh đánh tôi trái với Lề Luật!" Những người phụ tá nói: "Vị thượng tế của Thiên Chúa mà mi dám nguyền rủa sao?" Ông Phaolô trả lời: "Thưa anh em, tôi không biết đó là thượng tế; quả có lời chép: Ngươi không được nguyền rủa người đầu mục trong dân."


Ông Phaolô biết rằng một phần Thượng Hội Đồng thuộc phái Xađốc, còn phần kia thuộc phái Pharisêu, nên ông nói lớn tiếng giữa hội nghị: "Thưa anh em, tôi là người Pharisêu, thuộc dòng dõi Pharisêu; chính vì hy vọng rằng kẻ chết sẽ sống lại mà tôi bị đưa ra xét xử." Ông vừa nói thế, thì người Pharisêu và người Xađốc chống đối nhau, khiến hội nghị chia rẽ.

 

Thật vậy, người Xađốc chủ trương rằng chẳng có sự sống lại, chẳng có thiên sứ hay quỷ thần; còn người Pharisêu thì lại tin là có. Người ta la lối om sòm. Có mấy kinh sư thuộc phái Pharisêu đứng lên phản đối mạnh mẽ: "Chúng tôi không thấy người này có gì là xấu. Biết đâu một vị thần hay một thiên sứ đã nói với ông ấy?" Hai bên chống đối gay gắt đến nỗi vị chỉ huy sợ người ta xé xác ông Phaolô, nên mới ra lệnh cho lính xuống lôi ông ra khỏi đám người đó mà đưa về đồn.”  (Công vụ 23: 1-10) (X. Lm John Flader, Pharisees and Sadducees: one faith, two vies, The Catholic Weekly 01/7/2018 tr. 21)

 

 

Bằng việc này, ông Phaolô đã tạo sự chia rẽ/cãi cọ giữa nhóm Pharisêu và Xađuxê đến nổi đóa. Thế mới biết, sự khác biệt giữa những người thuộc trường-phái khác nhau trong cùng một Đạo, thường vẫn gây rẽ chia, xào xáo đến vô tận.

 

Thế mới hay, sống một đời đi Đạo, không thể chỉ biết đến luật và luật mà thôi, nhưng còn phải biết sẻ san sự hiểu biết lề luật cho đúng đắn, để rồi mọi người sống đích-thực luật “thương yêu” của Đạo Chúa, rất muôn thuở.

 

Sống trong đạo-giáo nào đi nữa, khi đã mang danh-chức và sứ-vụ của đấng bậc chủ-quản rồi, thì người ấy đều thấy mình ở thế “hơn hẳn”, tức người đời gọi là thế “thượng phong”, ăn trên ngồi chốc, rất “mâm cao cỗ đầy”.

Ở đây nữa, dù có thuộc về đạo-giáo nào đi nữa, thì: đấng bậc quyền cao chức trọng trong Đạo ấy vẫn thấy mình có bổn phận này là: luôn luôn tỏ mình “đầu cao mắt sáng” nêu gương lành thánh cho người đời, trong đạo.                     

Đi đến cùng kỳ lý, còn là và phải là: đi theo cùng một “tuyến đường” như đấng bậc khác khá ư vị vọng là Gm John Shelby Spong, là đấng bậc từng viết những giòng chảy “khá nóng bỏng” như sau:

“Lâu nay, tôi từng tuyên bố với nhiều người, rằng: Hiểu cho đúng, cũng chẳng có sự kiện Đức Giêsu chịu cám dỗ suốt 40 ngày trong sa-mạc như nhiều người từng hiểu. Và, cũng chẳng có sự việc Đức Giêsu từng có “Bài Giảng Trên Núi” đâu. Hai thuật truyện này được viết lên thành truyện kể là để mô-tả chân dung Đức Giêsu sống lại kinh-nghiệm sinh-động của tổ-phụ Môsê, mà thôi. Và, cũng chẳng có sự-kiện ông Lazarô trỗi dậy từ cõi chết.

 

Đây chỉ là giòng chảy kinh-nghiệm sống mà nhóm người hành đạo theo trường phái của ông Gioan muốn trở về với truyện kể để biến dụ-ngôn của tác-giả Luca thành một sử-liệu, mà thôi…

 

Cũng thế, trước đây, tôi cũng từng bảo: truyện kể về sự việc nhân rộng số bánh và cá cho nhiều người được ăn chẳng phải là phép lạ cả thể gì hết, mà đơn giản chỉ là cố gắng của cộng-đoàn tín-hữu thời ban đầu muốn đưa câu chuyện về hai ông Êliya và ông Êlisha đem vào pha-trộn với truyện kể về Đức Giêsu cho hấp-dẫn, thế thôi.

 

Lại nữa, truyện kể về người Pharisêu và người thu thuế nọ, hoặc cả đến câu truyện về “Người Con Đi Hoang”, “Người Samaritanô nhân-hiền, và/hoặc ngày Phán xét chung cuộc xếp riêng chiên và dê qua hai bên và nhiều truyện kể khác, vẫn không phải để nhớ các sự kiện trong sử liệu của Do-thái-giáo mà chỉ muốn minh-họa các bản-văn Torah để nói rằng con người “không chỉ sống bằng bánh trái mà thôi, nhưng là: mỗi lời nói được trích-dẫn đều xuất từ môi miệng của Thiên Chúa.” (X. Gm John Shelby Spong, Liberating the Gospels, reading the Bible with Jewish Eyes, HarperCollins SanFrancisco 1997, Epilogue, tr. 322 323).

 

Xem thế thì, chuyện gì đi nữa, cũng đều có cái lý của nữa. Chí ít là, lý và lẽ ấy phải được đặt trong bối-cảnh văn-chương/lịch-sử một thời của người viết hoặc người kể lại.

Thế đó, là đôi điều góp nhặt từ sách vở, mà bần đạo bày tôi đây thâu tóm từ các năm tháng ngày giờ rất xa xôi, hoặc chỉ mới đây, cũng qui về một mục-đích san sẻ với bạn bè người thân hay người đọc, rất cận lân.

Thế đó, là đôi điều chỉ chớm gợi ý, để rồi người đọc lại cũng sẽ san sẻ thêm cho người viết những giòng này để “tỏ con ngươi” con nhà Đức Chúa Trời, đầy lộc thánh.

Thế đó, còn là ao ước cũng không nhỏ, của người viết hôm nay, và mai ngày. Viết cho nhiều và cho lắm cũng để đề-nghị người đọc và bạn bè, ta quay về với lời vàng bậc thánh hiền có những câu bảo rằng:


“Hãy mừng vì mối hy vọng,
Hãy kiên nhẫn trong gian truân,
Hãy chuyên cần cầu nguyện.
Hãy chia sẻ sự túng thiếu của các thánh
Hãy ân cần cho khách trọ nhà.”
(Thư Rôma 12: 12-13)

Suy thế rồi, nay đề-nghị bạn/đề nghị tôi, ta đi vào cuộc sống có rất nhiều sai-trái/khác biệt khó có thể giải quyết trong thoáng chốc. Chi bằng, ta cứ nghe theo lời đề-nghị của bậc thánh-hiền để rồi cất lên bài hát “Thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ”, một ngõ ngách có những cung-cách khiến ta sống tuy riêng tư nhưng lại thích-hợp với đạo, hơn bao giờ hết.


Trần Ngọc Mười Hai
Và những giòng chảy xuyên suốt
Nhưng không xuyên phá tâm can
của bạn bè người thân đang đọc những giòng này
rất hôm nay. 

No comments: