Saturday, 27 August 2016

“Lìa nhau cho tim bốc cháy,”



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 23 mùa thường niên năm C 04/9/2016

“Lìa nhau cho tim bốc cháy,”
Thù sâu lan khắp ư lan khắp địa cầu.
Lìa nhau cho nhau giá buốt,
Tình thương chôn dưới chôn dưới hận sầu
Lìa nhau đem theo đói khát nhục nhằn,
Lìa nhau cho giấc dài trở trăn.”
(Nguyễn Đức Quang – Lìa Nhau)

(Lc 12: 32/ 12: 50)

Còn nhớ, có lần bầu bạn trong nhóm sinh-hoạt văn-học/nghệ-thuật thuộc loại “bỏ túi” ở Sydney, Úc Châu có nói với bần-đạo bầy tôi đây, rằng: “Chừng như nhạc Việt mình ít có giai-điệu ồn-ào, vui-tươi/nhộn-nhịp như nhạc của người nước ngoài, đấy chứ?” Có lẽ vì nơi quê-hương ta xảy ra quá nhiều chiến-tranh và chia-cắt khiến người mình mới “lìa nhau” ra như thế!  

Nghe hỏi, bỉ-nhân đây bèn lục-lạo các bài mình từng trích-dẫn khi viết “phiếm” mới thấy rằng: nhận-định trên đây rất ư là thực-tế. Nó đúng thực và tinh-tế như nhận-xét của người xưa thời thực-dân từng minh-chứng bằng những ca-từ lặp đi lặp lại đến buồn đau với những cụm-từ “lìa nhau” và “lìa nhau” như câu hát tiếp:

Lìa nhau cho gian nan.
Lìa nhau cho bẽ bàng.
Lìa nhau cho gian dối lan tràn.
Lìa nhau cho non nước bước phiêu lưu.

Lìa nhau cho nhau luống đất,
ngày nay không lúa,
không lúa không mầu.
Triều sông dâng theo uất ức,
tràn lan trôi khắp, trôi khắp quê sầu.

Lìa nhau đem theo tiếng nói ngọt ngào.
Lìa nhau cho chút lòng làm cao.
Đàn trâu đi bơ vơ, bên nhà xiêu nước mắt mờ.
Lìa nhau cho kiếp sống xác xơ.
(Nguyễn Đức Quang – bđd)

Áp-dụng vào sinh-hoạt phụng-vụ nhà Đạo, nhiều lúc và lắm khi câu nhận-định trên xem ra cũng tương-tự.

Chẳng nói giấu gì bạn đọc hoặc các bạn không thích đọc mà chỉ thích hát hoặc nghe câu ca/tiếng hát xưa/cũ thời ông bành-tổ của bần-đạo vẫn được nghe hoài và hát mãi những lời cầu sau thánh-lễ rất Misa mừng kính Đức Maria, như:

Lạy Mẹ xin yên ủi chúng con luôn luôn.
Mẹ từ bi xin phá những nỗi u buồn.
Vì đời con gieo rắc biết bao đau thương.
Và tràn lan gai góc vướng trên con đường.

Ơ, Mẹ rất nhân từ,
Mẹ quên sao được hôm xưa.
Lời Mẹ hứa khi ở trên núi kia.
Lúc mà Chúa sinh thì,
Mẹ đứng âu sầu lặng yên.
Là Mẹ chúng con,
Mẹ xin lĩnh quyền.”
(Nguyễn Khắc Xuyên – Lạy Mẹ Xin Yên Ủi)

Câu hát trên đây, lại đã đưa dẫn bần-đạo đi vào một rừng sách gồm các cuốn có những giòng tư-tưởng/nhận-định khá “lìa nhau” như sau:

“Thật cũng lạ, là: có những tuyên-ngôn cho rằng bất cứ văn-bản viết bằng chữ nào trong lịch-sử gồm lập-trường hoặc từ-vựng đều chứa đựng “Lời của Chúa” hết. Khẳng-định như thế, tức bảo rằng Thiên-Chúa cũng rất giống con người là ở chỗ: Ngài cũng có khả-năng nói bằng lời cho một dân-tộc nào đó rất cá-biệt bằng thứ ngôn-ngữ mà dân-tộc ấy hiểu được và từ đó hiểu rằng Thiên-Chúa cũng đầu-tư vào các chi-tiết vụn-vặt của đời sống phàm-trần một cách thân-thương, mật-thiết rất đặc-biệt.

Quả thật rất rõ là: tuyên-ngôn ấy lâu nay vẫn được thế-giới Tây-Phương luôn coi đó là Thánh Kinh của Đạo Chúa. Trong khi đó, các đạo-giáo khác cũng làm như thế, thì Đạo Chúa lại chẳng bao giờ coi các “tuyên-ngôn” của bạn đạo mình một cách nghiêm chỉnh hết. Nói khác đi, thì bất cứ tuyên-ngôn tương-tự xuất từ cội-nguồn ngoài Kitô-giáo rõ-ràng đều bị coi là phi-lý. Không cần phải đi đâu xa mới nhận ra được điều này mỗi lần tín-hữu Đạo Chúa tụ-tập nhau ở nhà thờ để cử-hành Tiệc lễ người nghe đều thấy câu “Đó là Lời Chúa” trước khi người đọc sách kết-thúc một đoạn trích ở Kinh Sách.

Quả thật, khi tuyên-xưng lời kết một bài đọc trong Tiệc Thánh-thể bằng các cụm-từ như thế, người nghe đọc lại sẽ hoan-hỉ thưa: “Tạ ơn Chúa”, rất rõ rệt.

Ở một số Giáo-hội có cơ-cấu ít kiên-cố hoặc tập-trung nhấn mạnh về Phúc Âm hơn, thì người đọc Tin Mừng Tân-Ước lại sẽ kết-thúc bằng một tuyên-ngôn khác, như vẫn bảo: “Xin Đức-Chúa Trời ban thêm ơn lành cho việc đọc Lời của Ngài ở nơi đây.”

Khi người đọc câu tuyên-ngôn này bằng tiếng Anh, người đọc bao giờ cũng dùng đại-từ giống “đực” để chỉ Đức Chúa Trời. Như thế có nghĩa: Thiên-Chúa là nam-nhân. Điều này không gây cho các Hội-thánh bất cứ một quan-ngại chút nào hết. Nhưng, riêng bản thân tôi, lại thấy đó là chuyện dị kỳ, khó chấp-nhận…” (X. Tgm John Shelby Spong, A claim that cannot endure, Exposing the Bible’s Texts of Hate to Reveal the God of Love, Harper Collins Publishers 2005 tr. 15-16)

Nhận-định của Tổng-giám-mục Anh-giáo John Shelby Spong trích-dẫn ở trên, có lẽ đối với một số tín-hữu khác đạo hoặc khác giáo-phái thấy đó là lý-do gây nên sự “chia lìa” giữa những người cùng thờ GiaVê Thiên-Chúa.

Bần-đạo bầy tôi đây thật sự không lấy đó làm điều, bèn tự-nhủ: hay ta thử nghe thêm ít câu hát hoặc đọc lại vài truyện kể nào đó may ra cũng thấy được lằn sáng cuối đường hầm thay cho việc ngồi đó cứ nghĩ đến chia rẽ với “Lìa nhau” cũng được đấy. Nghĩ vậy, nên bần-đạo lại mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm đôi câu khác trong nhạc bản “Lìa nhau” ở trên, như bên dưới rồi hãy xem:

“Lìa nhau mây đen lớp lớp,
về đây che khuất, che khuất mẹ hiền
Mẹ buồn nhìn đời khốn khó,
đàn con gieo thêm lắm, thêm lắm ưu phiền.
 
Mẹ khuyên khuyên con tiếng nấc nghẹn ngào:
à ơi con hỡi đừng lìa nhau.
Đạn bay trên non cao,
hay đạn tuôn về xóm nghèo
Lìa nhau cho non nước tiêu điều.”
(Nguyễn Đức Quang – bđd) 

Đã “lìa nhau mây đen lớp lớp” thế rồi, thì còn gì nữa mà khuyên với nhủ mấy đứa con “tiếng nấc nghẹn ngào”? “Lìa nhau cho non nước tiêu-điều”, rày như tác-giả là Tổng Giám Mục John S. Spong  lại nói lên đôi điều khá sầu buồn nhận thấy ở Kinh Sách, như sau:

“Vốn xác-tín rằng Đạo Chúa có cơ-chế tổ-chức đã và đang đòi-hỏi sức-mạnh/quyền-uy cho Giáo-phái của mình mà phần lớn các đòi hỏi ấy lạ bén rễ sâu nơi tuyên-ngôn Kinh thánh bảo rằng tiếng/giọng và Lời của Chúa không còn được ai nghe thấy tận bên trong Sách thánh nữa.

Chính vì thế, nay tôi mời gọi mọi người hãy cùng nhau leo lên đỉnh núi để từ đó ta có thể xem xét/ngắm nhìn cơn gió đầy uy-lực cực-kỳ, coi xem các trận động đất và lửa ngọn tàn-phá không chỉ mỗi thần-tượng tín-điều bắt buộc mọi người phải tin, nhưng cả đến Kinh thánh, Giáo-hội, nhất nhất vẫn có thói-quen che-đậy không cho ta thấy được những gì thật sự là Thực-chất của Thiên-Chúa.

Và khi mọi sự đã bị tàn-phá đến vỡ toang rồi, thì hy-vọng của tôi sẽ là: cả chúng ta nữa lúc đó cũng sẵn sàng để vẫn còn nghe được tiếng/giọng nhỏ-nhẹ của sự lặng-thinh vốn dĩ khuyến-khích ta trở về với lời gọi mời mà theo tôi, đó là bản-chất của những gì có nghĩa trở-nên đồ-đệ của Đức Giêsu. Và rồi, ta có bổn-phận dựng-xây một thế-giới trong đó mỗi người và mọi người đều có thể sống đầy-đặn hơn, yêu-thương một cách phung-phí hơn nữa và trở thành con người mà Thiên-Chúa muốn mỗi người trở nên như thế.

Bằng lời gọi mời này, ta sẽ phản-đối tất cả những gì làm cho cuộc sống của bất cứ ai cũng không bị suy-giảm, giản-lược dù có khác-biệt về giòng giống, sắc-tộc, bộ-lạc, giới-tính hoặc hướng-chiều về phái-tính khác hoặc ngay đến đạo-giáo nữa.” (Xem thêm Tgm John Shelby Spong, A Claim that Cannot Endure, sđd tr. 25-26)

Xét lập-trường và nguyên-nhân gây nên việc “Lìa nhau” theo ý đấng bậc ở trên xong, nay ta lại mời nhau đi vào vườn thượng-uyển có những hoa thơm/cỏ lạ đầy những Lời Vàng Ngọc của bậc thánh-hiền khi xưa từng nhất-quyết:

“Anh em tưởng rằng
Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao?
Thầy bảo cho anh em biết:
không phải thế đâu,
nhưng là đem sự chia rẽ.
Vì từ nay,
năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau,
ba chống lại hai, hai chống lại ba.”
(Lc 12: 51-52)

Sống hài-hoà/bình-an hay đầy những cảnh “Lìa nhau” như thế, đó là tiền-đề và phản-đề của một biện-chứng bàn về cuộc sống thực ở đời của nhà Đạo. Đấng Thánh-hiền nói thế là để cảnh-giác người đọc và nghe Lời Ngài. Để rồi, tác-giả Tin Mừng lại ta dẫn về tổng-đề rất “có hậu” như sau:

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé,
đừng sợ!
vì Cha anh em
đã vui lòng ban Nước của Ngài
cho anh em.”
(Lc 12: 32)

Vâng. “Nước” của Ngài đã được ban cho ta như thế rồi. Còn gì đâu nữa mà âu sầu, sợ sệt! Vâng. Nghe những Lời chắc-nịch của Ngài thế rồi, nay ta cứ tiếp-tục mời nhau dấn bước vào vùng trời đầy truyện kể để tìm cho ra câu nói hoặc cốt truyện ý-nhị dù truyện kể có hơi cường-điệu hoặc nhàm-chán như một triết-thuyết, vẫn không ngại.

Vậy thì, ta cứ đi thẳng vào truyện kể nói về sự thật ở đời cũng rất “Lìa nhau”, như sau:

“Truyện kể, là về người lính nọ, cuối cùng ra cũng đã trở về với gia-đình sau nhiều trận-chiến ác-liệt ở Việt Nam, vào thời ấy, như sau:

Từ San Francisco, anh con trai gọi điện cho cha mẹ mình, rằng:
-Ba mẹ ơi, con đã về lại quê nhà rồi, nhưng con có một chuyện muốn xin với ba mẹ. Con có người bạn đang trong cảnh ngặt-nghèo nên muốn đưa anh ấy về nhà cùng sống với con.
-Chắc chắn rồi, hỡi con trai yêu quý, cha mẹ anh vui vẻ nói: Ba mẹ rất muốn gặp bạn của con”.
-Nhưng có điều con muốn nói trước với ba mẹ là: bạn con bị thương khá nặng trong chiến tranh. Anh ta hơi đãng trí và chỉ còn mỗi cánh tay và một chân thôi. Anh không có nơi nào để về sống, và con muốn anh ấy đến sống với gia đình ta, ba mẹ nghĩ sao?
-Ấy chết! Ba mẹ xin lỗi con, con trai yêu quí của Ba mẹ… Có lẽ ta có thể giúp anh ấy tìm nơi nào khác để sinh sống cũng được vậy!
-Không đâu, ba mẹ à, con muốn anh ấy đến ở chung với gia đình mình cơ.
-Con à! Con có biết là con đang yêu cầu ba mẹ làm một điều quá sức hay không? Đem về nhà mình người bạn tàn tật như vậy sẽ là gánh nặng khủng khiếp cho ba mẹ đấy. Ba mẹ còn có cuộc sống riêng-tư của mình nữa chứ, ba mẹ không thể để điều ấy làm ảnh hưởng tới cuộc sống riêng của gia-đình ta. Ba nghĩ: con hãy về nhà và quên anh bạn của con đi. Anh ấy rồi cũng sẽ tìm ra cách tự lo-liệu cho cuộc sống của mình đấy thôi

Lúc ấy, người con bèn gác điện thoại, không nói gì nữa. Cha mẹ anh không nghe thấy gì từ đầu giây bên kia nữa. Song, ít ngày sau, họ đột-nhiên nhận được cú điện-thoại từ đồn cảnh sát San Francisco gọi về bảo cho biết: Con trai ông bà đã qua đời sau khi bị ngã từ ban-công trên cao-ốc xuống đất, cảnh sát đã thông-báo cho ông bà như vậy. Cảnh sát San Francisco quyết được rằng đây chắc chắn là một vụ tự-vẫn có suy-tính.

Cha mẹ người lính trẻ, trong cơn đau-đớn tột bực, đã vội bay tới San Francisco và ông bà được dẫn tới nhà xác thành-phố để nhận-diện thi-thể của người con trai. Họ nhận-diện đúng là anh ta, người con trai yêu quý của hai ông bà. Nhưng đột nhiên, hai ông bà kinh-hãi không thốt nên lời, khi nhận thấy điều mà trước đó họ không hề hay biết, đó là: con họ chỉ còn duy-nhất có một tay và một chân thôi.”

Thế rồi, những giọt nước mắt đau thương/ân-hận đã bắt đầu tuôn, nhưng tất cả đều đã quá muộn. Cha con gia-đình này, nay đã “lìa nhau” không được sống chung với nhau nữa, dù có muốn.” (Truyện kể lan nhanh qua điện-thư vi-tính rất thường ở thời này)    

Truyện kể chỉ có thế. Không nhàm và cũng chẳng chán, vẫn như chuyện thường ngày ở huyện, mà lại là huyện Tây Phương rất cực-lạc. Nhưng người kể hôm nay lại đã gửi đến người nghe, một cảm-nhận như sau:

Bạn đừng bao giờ đối xử phân-biệt/kỳ-thị với người khác. Bởi, bạn sẽ không biết được người thực sự bị tổn-thương đây là ai hết. Hãy cứ bao-dung/độ-lượng với mọi người và nghiêm-khắc với chính mình! Nếu mọi người trong ta đều có thể để lòng bao-dung/nhân-ái với người lạ giống như người thân của mình, thì thế giới này rồi đây sẽ tốt đẹp dường bao.”

Bởi, với lòng từ-bi/bao-dung, ta có đủ sức để mài/dũa bất cứ hòn đá vô-tri vô-giác nào đi nữa thành viên ngọc quí lung-linh chiếu sáng. Ta cũng sẽ đủ sức biến những việc khó-khăn thành dễ-dàng; đủ sức biến người tầm-thường hay khuyết-tật thành vĩ-nhân, cũng không khó.” (Bạch Mỹ sưu-tầm)

Truyện kể gọn nhẹ là như thế. Thi-ca âm-nhạc ở đâu cũng như vậy. Cũng có câu ca hoặc điệu hát thoạt nghe có vẻ âu-sầu/buồn-bã, nhưng hễ nghe hoài, nghe kỹ sẽ không còn thấy nhàm thấy chán như ai đó đã cất lên giai-điệu đầy hưng-phấn, quyết-tâm như sau:

“Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên.
ca ngợi quê hương của chúng ta.
bằng niềm tin chứa chan trong tim,
người thanh niên.

Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên.
Cuộc đời đang dang tay đón ta.
Bằng yêu thương ta đi xóa tan,  
mọi căm hờn.

Đừng ngồi yên, nghe tiếng khóc quanh mình
đừng ngồi yên, trên nhung gấm vô-tình hỡi bạn thân!
đừng vùi lương tri dưới gót chân.
đừng nhìn tha-nhân
đang kêu gào chống ngục tù xin công bằng, đòi cơm áo.

Đừng đùa vui khi đói khát vẫn còn.
đừng đùa vui khi áp-bức vẫn còn, nhân-loại ơi!
Đừng làm quê hương thêm tả tơi.
Đừng khoe-khoang trên những xác người
đã ngã gục chết cho đời được thêm vui.

“Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên!
Ngợi ca quê hương của chúng ta.
Bằng niềm tin chứa chan trong tim,  
người thanh niên.

Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên.
Cuộc đời đang giang tay đón ta.
Bằng yêu thương ta đi xóa tan mọi căm hờn.
(Lê Hựu Hà – Bài Ca Tuổi Trẻ)

Đúng thế. Dẫu có ra sao, cũng đừng sợ! Sợ gì mà không hát lại những câu ca buồn-bã rất “lìa nhau” hoặc chia-lìa như sau:

“Lìa nhau cho nhau luống đất,
ngày nay không lúa,
không lúa không mầu.
Triều sông dâng theo uất ức,
tràn lan trôi khắp, trôi khắp quê sầu.

Lìa nhau đem theo tiếng nói ngọt ngào.
Lìa nhau cho chút lòng làm cao.
Đàn trâu đi bơ vơ, bên nhà xiêu nước mắt mờ.
Lìa nhau cho kiếp sống xác xơ.
(Nguyễn Đức Quang – bđd)

Vâng. Thế đó là niềm vui có gọi mời “Đừng sợ bạn ơi!” gặp thấy trong mọi nỗi buồn cuộc đời, dù rất chán. Và, dù có “Lìa nhau cho tim bốc cháy những ‘thù sâu lan khắp địa cầu”. Cả vào khi ta hát những câu “Lìa nhau đem theo tiếng nói ngọt-ngào”, “chút lòng làm cao”, “nước mắt mờ”, “xác xơ”, một kiếp sống rất ơ-hờ, thờ-ơ, rất đáng chán!

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc thấy đời mình
Cũng khá nhàm và hơi chán
nhưng không sợ.
Vẫn đầu cao mắt sáng
Nhìn về phía trước có tương-lai mầu hồng
đầy sức sống,
Rất miên-trường.

No comments: