Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ
20 mùa thường niên C 14/8/2016
“Chiều hôm qua lang thang trên đường,
Hoàng hôn xuống chiều thắm muôn hương.
Chiều hôm qua mình tôi bang khuân,
Có mùa thu về tơ vàng vương vương.”
(Cung
Tiến – Thu Vàng)
(1Cor 2: 1-3)
Thu vàng – Lá vàng – Hoàng hôn xuống! Chao ôi, là ảnh-hình của ai đó có
hôn-hoàng một cuộc đời, đầy mùa thu. Lang
thang – Bâng khuâng – Vẫn một mình! Ối chà, là cảnh-tình của tôi đây vẫn một
mình “có mùa thu về, tơ vang hiu hắt, rất
vương vương”.
Vâng.
Thu Vàng, với trời thơ là như thế.
Vâng.
Tơ vàng, với đời nhà Đạo, đôi lúc cũng như vậy. Như thế và như vậy, cũng “bâng
khuâng”, “hiu-hắt”, rất “não-nề” một đường đời. Đời, của đấng bậc ở trên cao
tít có những chiều nghe lá vàng não nề rơi như thế không?
Câu
hỏi đại-loại như thế và như vậy, vẫn được gióng lên với dân con Đão Chúa sống đời
này, khắp muôn nơi. Hỏi thì hỏi, chứ câu trả lời đâu nào giống ý/lời nhạc-bản
mà người nghệ-sĩ còn hát tiếp! Nay, xin bạn và xin tôi, ta lại nghe tiếp những
lời nhè nhẹ ở câu ca được các nghệ-sĩ “cây nhà lá vườn” hát ở quán nhạc “Hát
Cho Nhau Nghe” hôm 2/7/2016 kỷ-niệm 10 năm ra mắt, vẫn hát rằng:
“Mùa Thu vàng tới, là mùa lá vang rơi.
Và, lá vang rơi, khi tình Thu vừa
khơi.
Nhặt là vang rơi xem mùa lá còn tươi.
Nghe chừng như đây màu tê-tái.”
(Cung
Tiến – bđd)
Vâng.
Cứ như thế và như vậy, lại là tình-tự của bần-đạo bầy tôi đây khi “lang thang
trên đường” lại cứ nhớ đến những tình-huống ở Đạo Chúa có nhiều sự-kiện bắt mọi
người phải suy-tư. Suy và xét trong chốn riêng-tư, bầy tôi đây đã bắt chụp được
một vài tư-tưởng nảy-sinh từ đâu đó chốn nhà Đạo và ngoài đời cũng rất “thơ”
nhưng không “mộng”. Thơ mộng chăng, chỉ thấy trên giấy bút, có giòng thơ và nét
nhạc còn hát mãi, những lời tình buồn như sau:
“Chiều hôm qua lang thang trên đường,
Nhớ, nhớ buồn buồn với chán-chường.
Chiều hôm nay, trời nhiều mây vương,
Có mùa Thu vang bao nhiêu là thương.”
(Cung
Tiến – bđd)
Vâng.
Suy và xét trong chốn riêng-tư hạn hẹp hay ngoài đời rộng khắp, cứ dẫn đưa người
đọc như bần đạo đây vào chốn miền trầm-lắng có tiếng giọng hoặc going chảy đầy ắp
những tư-tưởng để ta tha hồ mà xem xét cùng tư-lự như sau:
Suy
và xét, là xét những điều được đấng bậc vị vọng chốn cao tít, vừa tâm-tình ở
nhà Đạo hôm rồi, với những lời dầy đặc một âm-hưởng, mà rằng:
“Cha đau lòng khi thấy trong giáo xứ
có một lịch trình làm việc để rồi sau giờ làm việc quy định, thì không còn linh
mục, không phó tế, không giáo dân ...’
Khi thốt lên những lời này trong buổi
Toàn xá cho Phó tế, Đức Giáo hoàng Phanxicô chắc chắn không nói đến những cơ cấu
làm việc hiệu quả có thể bảo đảm phục vụ ‘không ngừng’ cho mọi tín hữu. Ngài
cũng không hẳn mong muốn một thế hệ linh mục biến đổi gene, có thể không ăn
không ngủ để làm việc mục vụ mọi giờ cả ngày lẫn đêm, hay nói cách khác là
24/7. Đặc biệt ở phương Tây, tuổi trung bình của các linh mục Công giáo đang
ngày càng tăng, con số cũng ít hơn, và càng khó để duy trì số lượng giáo xứ như
hiện thời.
Điều mà Giám mục thành Roma muốn nhắc
nhở chúng ta là, làm giám mục, linh mục và phó tế, không phải là một nghề nghiệp
hay một công việc với lịch trình làm việc cố định. Mà làm linh mục, phải là sứ
mạng và phục vụ, dâng về Thiên Chúa bằng cách phục vụ dân Ngài. Sống giữa dân
Chúa.
Đây là lý do vì sao Đức Phanxicô nhắc
nhở các mục tử phải học cách tách mình khỏi những lịch trình, họ phải sẵn sàng
để phá ngang sự nghỉ ngơi mà họ xứng đáng có được, bỏ qua một phút thư thái hay
đọc một quyển sách, để gặp người đang gõ cửa nhà xứ, người đến để xin giúp đỡ,
tìm sự an ủi, tìm lời khuyên. Bởi chính sự chào đón này, sự gặp gỡ, sự sẵn sàng
lắng nghe, phục vụ những người tìm đến ngoài giờ, làm cho người mục tử trở nên
độc nhất vô nhị, khác biệt hẳn với bất kỳ cái gọi là nghề nghiệp nào.
Do đó, những ai nghĩ rằng Đức Phanxicô
mong muốn đua nở những sáng kiến hay hoạt động tự phát trong giáo hội để làm tiếp
thị cho đạo, thì họ hoàn toàn lầm to rồi. Không cần phải thêm bất kỳ hoạt động
mới nào, cũng như không cần những chiến lược tiếp thị để gặp được những người
đang túng thiếu về vật chất lẫn tinh thần.
Vài ngày trước đó, nói chuyện với các
giám mục Ý, Đức Phanxicô đã nói rằng, ‘với nhiều hy-vọng và an ủi ...hãy trở
nên người lân cận với từng người, chia sẻ với sự hắt hủi và đau khổ của họ. Từ
bỏ những tự quyết của mình, không còn một lịch trình cần phải bám chặt, nhưng mỗi
sáng ký thác thời gian cho Chúa để tự do gặp gỡ và để mọi người gặp gỡ mình.
Như thế, các linh mục của chúng ta không quan liêu cũng không phải là một viên
chức giấu mặt trong hệ thống, linh mục không được thánh hiến để làm điều hành,
cũng không phải làm việc với động lực một tiêu chuẩn hữu hiệu.
Mà là một người nô bộc của sự sống,
người bước đi cùng với tâm hồn và nhịp đập của người nghèo, đồng thời được
phong phú hóa nhờ họ. Con người của hòa bình và hòa giải, một dấu chỉ và khí cụ
của sự ân cần của Thiên Chúa, chăm chú lan truyền sự tốt lành với lòng nhiệt
tâm. Một con người không chỉ dễ tìm, mà còn biết cách tìm thấy những người đang
cần mình.” (Andrea Tornielli, Vatican Insider, J.B.
Thái Hòa chuyển dịch)
Giòng
tin tức ở trên đã chính-thức đi vào một nhận-định, đại để thì như thế. Giòng chảy
phản-hồi riêng-tư nhiều ứng-xử, có lẽ rồi ra cũng không giống nhiều như vậy. Giống
như thế và không giống nhiều như vậy, vẫn là hai mặt của cùng một sự thật ở đời
và trong đời. Sự thật, như thể bầy tôi đây đang suy-tư hoặc chỉ tư-lự về nhiều
tình-huống có những câu hỏi hoặc giòng chảy đầy khúc-mắc về chuyện đạo, chuyện
đời đã khiến bạn đạo cùng tôi phải lao mình vào chốn truyền-thông/báo đài để
lùng tìm câu đáp trả.
Và lời
nhắn-nhủ của Đức Phanxicô phải chăng chỉ để nhắc-nhở các đấng bậc mục-tử nhớ ba
lời khấn-hứa lúc thụ-phong chức-vụ hoặc sống đời sĩ-tử của Dòng tu, là:
Khó-nghèo, khiết-tịnh và tuân-phục. Lời nhắc-nhở đây có thể cũng là lời nhắn với
tất cả con dân trong Đạo, cả đến tín-hữu và giáo-dân nói chung, cốt để mọi người
đừng quên cố-lõi của Đạo luôn nhắc nhở về Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu, vẫn rất mực.
Nhắc và nhở, mọi người đừng quên lý-tưởng sống đúng chức-năng/ơn gọi của mọi
người dù ở vai-trò nào đi nữa.
Nhắc
và nhở, của đấng bậc ở chốn trên cao tít-mù-tắp của nhà Đạo, còn làm bạn và
tôi, ta nhớ và nghĩ đến đấng bậc khác cũng có vai-trò mục-tử chuyên chăn dắt
người dấn bước theo chân mình sống đạo làm người, nhưng khác Đạo, bằng những lời
vàng sau đây:
Trên đời này,
+ Có 2 thứ bạn nên tiết kiệm, đó
là sức khỏe và lời hứa.
+ Có 2 thứ bạn phải cho đi, đó là tri thức và lòng tốt.
+ Có 2 thứ bạn phải thay đổi, đó là bản thân và nhận thức.
+ Có 2 thứ bạn phải giữ gìn, đó là niềm tin và nhân cách.
+ Có 2 thứ bạn phải trân trọng, đó
là gia đình và hiện tại.
+ Có 2 thứ bạn phải tự mình thực hiện, đó là lao động và chịu trách nhiệm về
việc mình làm.
+ Có 2 thứ bạn phải lãng quên, đó là đau thương và hận thù.
+ Có 2 thứ bạn phải khắc ghi, là công ơn Mẹ Cha và sự giúp đỡ của người khác.
+ Có 2 thứ bạn buộc phải có để là người thành công, đó là đam mê và lòng kiên
trì.
+ Có 2 thứ bạn không được làm, đó là hãm hại người khác và phản bội lòng tin.
+ Có 2 thứ bạn phải bảo vệ, đó là danh tín và lẽ phải.
+ Có 2 thứ bạn phải chấp nhận, là cái chết và sự khác biệt.
+ Có 2 thứ bạn phải kiểm soát, đó là bản năng và cảm xúc.
+ Có 2 thứ bạn phải tránh xa, đó là cám dỗ và sự ích kỷ.
+ Có 2 thứ bạn luôn phải xử dụng mà đừng hà tiện, là tiền bạc và kinh nghiệm.
+ Có 2 thứ bạn không được sợ sệt, là cái ác và sống thật.
+ Có 2 thứ bạn phải nuôi dưỡng, là tình yêu và sự bao dung.
+ Có 2 thứ mà bạn cần phải đạt được trong cuộc sống, đó là thành đạt và hạnh
phúc.
+ Có 2 thứ bạn phải luôn sẵn sàng, đó là khó khăn và ngày mai.
Và, có 2 thứ mình nên ghi nhớ, là
thực hiện những điều trên cho thật tốt trong cuộc sống hàng ngày.
Làm
gì thì làm. Sống sao thì sống. Có sống theo cung cách cùa giáo-dân bình-thường ở
dưới trướng hoặc sống chức-năng phục-vụ cộng-đoàn của mình qua tư-cách một mục-tử,
vẫn là sống như lời căn dặn của mục-tử ngoài Đạo rất đạo-hạnh, rất như thế.
Sống sao
thì sống. Sống có chất-lượng của người đạo-hạnh, trong đời vẫn có rất nhiều thứ
cần gìn giữ, nhưng còn tuỳ. Tuỳ bạn, tuỳ tôi, ta cần sống sao để mọi người còn
biết mà nhớ cùng bắt chước.
Thế đó,
còn là đề-nghị thân thương của người viết họ Nguyễn tên thị Bích nay kể lể, ở
bên dưới:
“Người đàn bà đến bên cửa sổ ghé mắt nhìn ra ngoài trời. Qua lớp mưa mù
dầy đặc trắng xoá ngoài kia bà chẳng nhìn thấy được gì ngoài những tia chớp xé
toạt không gian kèm theo hàng loạt tiếng sấm như long lỡ đất trời. Thời tiết
chiều nay quá xấu, xấu hơn người ta đã dự đoán và xấu hơn sự suy nghĩ của
Quang, đứa con trai lớn của bà. Đã mấy tháng rồi nó mới có dịp bay về thăm bà
vậy mà hôm nay trời lại mưa bão quá chừng!
Trước khi lên máy bay nó còn gọi báo cho bà biết:
-Bên đây thời tiết đẹp lắm má! Mong rằng khi con bay sang đến Cali thì
trời quang mây tạnh, con sẽ chở má đi ăn và ở chơi với má đến tối mới về lại
khách sạn.
Bà biết Quang đã đặt mua vé máy bay hơn hai tuần trước nên chuyện mưa
bão hoàn toàn là do "ý trời". Hôm Quang gọi điện thoại báo tin sẽ
sang thăm và ở chơi gần một tuần lễ, bà thật vui mừng và không tin vào tai
mình, nhưng vẫn thấy lo lo trong lòng nên đã hỏi lại:
-Lần này con qua thăm má lâu vậy mà sao lại đi có một mình vậy con?
Quang hiểu ý má nên nói ngay để bà yên tâm:
-Hè này ba má vợ con từ Việt Nam sang thăm và ở chơi với tụi con trong
vòng ba tháng.
Họ đã ở nhà con được sáu tuần rồi, giờ đây muốn đi thăm bà con ở những
tiểu bang khác. Nhân tiện mấy đứa nhỏ được nghỉ hè nên vợ con sẽ dắt chúng đi
chơi cùng ông bà Ngoại. Con nghĩ đây là dịp hay nhất để sang "hủ hỉ"
với má ít hôm để má đỡ buồn!
Bà có tất cả ba người con. Quang là anh cả và cũng là đứa quan tâm đến
bà nhất nhưng ông trời cũng khá trớ trêu nên hai mẹ con gần như lúc nào cũng
sống xa nhau. Hồi nó mới 13 tuổi đã phải theo ba xuống tàu vượt biên. Gần mười
năm sau hai má con mới gặp lại thì nó đã trưởng thành và thường xuyên phải đi
công tác xa nhà hai người cũng ít có dịp sống cạnh nhau. Nó là đứa vất vả với
gia đình nhiều nhất và cũng là đứa có hiếu nhất trong mấy anh em. Ngay từ những
ngày mới đặt chân lên nước Mỹ nó đã đi bỏ báo, chạy bàn làm đủ thứ việc để kiếm
tiền phụ giúp ba lo cho má và hai em còn kẹt ở lại Việt Nam.
Rồi đến khi xong lớp mười hai thay vì vào Đại Học thì nó lại quyết định
theo khóa đào tạo chuyên viên kỷ thuật hai năm để sớm ra trường kiếm việc làm
phụ giúp ba bảo lãnh một nữa gia đình sang Mỹ đoàn tụ. Phải chờ đến khi nhà cửa
đã ổn định, các em đã vào đại học hết nó mới chịu quay lại trường để lấy bằng Kỹ-Sư
Xây-Dựng.
Hai đứa em nó thì may mắn hơn thằng anh rất nhiều vì không phải nếm mùi
"vượt biên" và lúc nào cũng có mẹ bên cạnh chăm sóc. Có lẻ chính vì
thế mà tụi nó không có những đức tính chịu thương, chịu khó như anh của chúng.
Con gái lớn của bà sau khi xong trung học thì vào Y Khoa rồi tốt nghiệp Bác Sĩ
một cách khá dễ dàng, nó ra trường hai năm sau thì kết hôn với anh chàng Mỹ
trắng lớn hơn vài tuổi và cùng học chuyên ngành Giải-Phẫu. Cuộc sống của hai vợ
chồng nó cũng khá hạnh phúc. Bà mừng cho con gái của mình.
Riêng thằng Út sau khi xong Đại Học ngành Tài Chính đã về đầu quân cho
một hãng xe hơi khá nổi tiếng trong vùng. Làm được vài năm thì nó kết hôn với
một cô Việt Nam vốn thuộc dòng danh gia quý tộc từ trước năm 1975 tại Sàigòn.
Vợ chồng nó cũng khá đầm ấm. Bà cũng mừng cho thằng Út của mình.
Tuy nhiên, điều lo lắng nhất của vợ chồng bà là Quang đã ngoài ba mươi
tuổi mà vẫn chưa chịu cưới vợ. Thấy ba má cứ hối thúc chuyện vợ con thì nó bảo:
-Má ơi! Mấy cô Việt Nam lớn lên bên này nhìn cao lắm con với không tới
nổi đâu, còn mấy nàng người Mỹ thì lại không phù hợp với tính cách của con.
Chắc ba má còn lâu lắm mới có "cháu Nội đích tôn" để ẵm bồng!
Ấy vậy mà chỉ vài năm sau đó khi nhà máy chuyển sang làm việc ở Florida
thì Quang tình cờ quen với một cô du học sinh Việt Nam mới ra trường và đang
đến hãng nó xin việc. Hai đứa quen nhau, yêu nhau và tiến đến hôn nhân như là
một duyên phận được sắp xếp từ kiếp nào! Bà cũng mừng cho tụi nó quá!
Có thể nói đây là khoảng thời gian viên mãn nhất của gia đình bà khi con
cái đã lớn, đều thành đạt và có cuộc sống khá ổn định. Sau những chia cắt, mất
mát, hy sinh giờ đây vợ chồng bà đã có thể mỉm cười khi thấy thành quả của mình
gieo trồng bấy lâu nay đã sinh quả ngọt.
Nhưng rồi tai ương hoạn nạn bỗng đổ xuống cho gia đình bà một cách bất
thình lình!
Mười năm
trước chồng bà được phát hiện có khối u trong trong não. Bệnh trạng của ông
biến chuyển quá nhanh và ông đã ra đi chỉ trong vòng vài tháng sau đó. Ông mất
quá bất ngờ khiến cho bà thật sự bị hụt-hẫng, biết bao dự tính mà hai vợ chồng
bà đã phát thảo cho tuổi già của hai người đành phải bỏ dở dang. Năm đó bà mới
62, vẫn còn đi làm part-time nhưng vì tinh thần và sức khỏe quá suy sụp nên các
con đã khuyên thôi má hãy về hưu sớm đi, tụi con đủ khả năng lo cho má mà. Bà
cũng không thể nào làm khác hơn vì thấy sức khỏe của mình ngày càng xuống dốc
trầm trọng!
Khi chồng mất rồi bà mới cảm nhận hết nổi trơ trọi trên đời. Bốn mươi
hai năm cùng sánh bước bên nhau, tuy có một khoảng thời gian chia cắt nhưng họ
vẫn luôn tin tưởng sẽ có ngày trùng phùng.
Giờ đây chỉ còn lại một mình bà
lủi thủi ra vào trong căn nhà trống, bà bắt đầu thấy sợ bóng đêm, sợ một mình,
sợ ngày dài và sợ cả đêm thâu. Bác sĩ cho biết bà đang bị trầm cảm nặng, trước
mắt cần phải thay đổi môi trường sống thì mới mong thuyên giảm.
Ba đứa
con họp lại bàn với nhau sẽ đưa má về ở với ai? Trước tiên vợ chồng Quang có
mời bà sang ở với tụi nó, bà cũng muốn lắm nhưng ngặt một nổi nó cứ đi công tác
xa nhà luôn nên bà ở lại Cali vẫn hay hơn. Dẫu sao bên này bà vẫn còn hai đứa
con và đám cháu Nội, Ngoại. Nhưng giữa đứa con gái và thằng Út bà sẽ chọn ai? Nhất
định bà không muốn sẽ trở thành người-nước-ngoài khi sống trong gia đình của
con gái mình, tụi nó nói toàn tiếng Mỹ, làm sao bà có thể hoà nhập được. Cuối
cùng bà quyết định về ở với thằng Út, vợ nó đang mang bầu đứa thứ hai bà nghĩ
mình sẽ có thể "hụ hợ" chúng trông chừng đám cháu nội sau này.
Nghĩ như
thế nên bà quyết định bán căn nhà bốn phòng ngủ của mình để đưa tiền cho thằng
Út mượn-vốn-làm-ăn. Với số tiền của bà cộng thêm tiền của ba má vợ, tiền vay
ngân hàng và tiền dành dụm của hai vợ chồng nó bấy lâu nay cũng tạm đủ cho
thằng Út "ra riêng" mở một đại lý bán xe khá khang trang. Đồng thời
từ ngôi nhà nhỏ ba phòng ngủ hai vợ chồng nó đã mua một căn nhà trên núi thật
tráng lệ.
Lúc còn
sống trong căn nhà nhỏ mỗi ngày bà còn thấy thằng Út, nhưng từ khi dọn sang nhà
mới bà hầu như không thấy mặt con mình đâu nữa cả. Nó đang bơi trong cả núi
công việc nên làm sao có thời gian dành cho bà! Thêm vào đó căn nhà rộng lớn
thênh thang quá, nó dường như kéo tình mẹ con của bà ngày càng xa thêm. Khi
thằng Út đi làm về thì bà đã an giấc, vào buổi sáng lúc bà đang lui cui lo điểm
tâm sáng cho cả nhà thì nó từ trên lầu đi xuống tai vẫn áp vào cái điện thoại,
nó đưa tay vẫy vẫy như chào bà rồi đi thẳng vào garage lấy xe đến chỗ làm.
Chỉ vào
dịp cuối tuần thì thằng Út mới nghỉ trọn vẹn ở nhà vào ngày Chúa Nhật. Đây là
lúc nó dành thời gian cho vợ con của nó! Thường gia đình nó hay đi chơi cả
ngày, khi về đến nhà thì vợ chồng con cái kéo nhau lên lầu, sau khi hỏi thăm bà
vài câu xã giao lấy lệ. Mùa hè gia đình nó đi chơi xa có khi một hay hai tuần
mới về.
Bà ở nhà
bơ vơ, buồn tủi, đơn độc. Lúc đó bà chỉ biết khóc thầm một mình với mây trời,
hoa lá và chim chóc trong vườn.Còn đứa con gái của bà thì cũng không khá hơn em
nó chút nào. Từ ngày bà dọn về sống với thằng Út nó chỉ ghé thăm bà "năm
khi, mười họa" lấy cớ bây giờ má ở xa quá và cao quá con phải lái xe cả
tiếng đồng hồ mới đến nơi. Nó luôn than thở rằng lúc này con phải vừa đi dạy,
vừa làm việc trong bệnh viện nên bận lắm má à! Bà chỉ biết cười buồn mà chẳng
nói được lời nào!
Khoảng
thời gian này niềm vui hiếm hoi nhất của bà là mỗi lần Quang về thăm. Đó là dịp
duy nhất mà gia đình cùng sum họp bên nhau. Trong một lần cả nhà đang quây quần
bên bàn ăn thì bà buông đũa nhìn từng đứa con của mình rồi chậm rãi nói:
-Má xin
các con hãy giúp má thực hiện ước nguyện cuối cùng của đời mình.
Mọi người
bỗng im lặng và đổ dồn ánh mắt về phía bà. Quang hỏi bà với giọng khá ôn tồn:
-Chuyện
gì vậy má. Má hãy nói cho mấy anh em tụi con biết ngay đi.
Bà cười
buồn và chậm rãi nói:
-Má muốn
vào Nursing Home ở con à! Má nghĩ trong đó sẽ tốt cho má và tốt cho cả … các
con nữa. Từ nay các con không phải lo lắng nhiều cho má như trước!
Quang im lặng suy nghĩ vài giây
rồi ngẩng lên nhìn hai đứa em. Chúng nó đang cuối mặt lẫn tránh ánh mắt của
anh. Quang đã hiểu ra tất cả rồi và bằng giọng khá điềm tĩnh, anh nói:
-Ngày mai
chúng con sẽ chở má đi chọn Viện Dưỡng Lão. Nếu má thấy ưng ý cái nào nhất thì
tụi con sẽ thu xếp cho má vào ở ngay trước khi gia đình con về lại Florida. Con
hứa trong thời gian tới sẽ bay qua thăm má thường xuyên hơn.
Sáng hôm
sau thằng Út lấy cớ có hẹn với khách hàng và cô con gái của bà bảo phải trực
bệnh viện nên cả hai không thể đi cùng. Chỉ có vợ chồng Quang dẫn bà đi chọn
Nursing Home. Mặc cho Quang nài nỉ khuyên bà hãy chọn một nơi "cao
cấp" chút để ở nhưng bà nhất định từ chối. Cuối cùng bà đã vào sống trong
Viện Dưỡng Lão này vì thấy không khí và cách phục vụ của mọi người khá chu đáo,
thân thiện. Nhưng điều quan trọng nhất khiến bà đưa ra quyết định này là vì nó
nằm ở khoảng giữa và không xa nhà của hai đứa con là bao, cũng tiện đường cho
tụi nó có đi đâu thì dễ dàng tấp vô thăm bà.
Những suy
tính của bà tưởng sẽ khả thi nhưng suốt thời gian hơn ba năm bà sống trong Viện
Dưỡng Lão cho đến nay thằng Út chỉ đến thăm bà đếm chưa đủ trên mười đầu ngón
tay. Lý do nó đưa ra chính đáng quá mà, má ơi dạo này con mới mở thêm một cái
chi nhánh bán xe nữa ở tiểu bang khác nên phải bay đi bay về như con thoi. Mỗi
lần nó đến thăm bà chừng độ nữa tiếng là tối đa nhưng nó nói chuyện với bà thì
ít mà nói với cái điện thoại của nó thì nhiều. Bà đâm ra mang mặc cảm làm phiền
nó, nên có lần bà đã bảo:
-Chừng
nào con có thời gian rãnh rỗi thì thu xếp vô thăm má. Má ở trong này cũng tốt
lắm, các Bác Sĩ, Y Tá và nhân viên đều rất tận tình, chu đáo. Con cứ yên tâm mà
lo công việc của mình.
Thế là
sau này nó chỉ nhắn tin "thăm" bà trên điện thoại là chủ yếu. Vậy
cũng tốt cho nó và cả cho bà. Bà khỏi phải mong ngóng và chờ đợi những lần nó
đến thăm và nếu vì lý do gì đó nó không đến được thì bà sẽ không phải buồn suốt
mấy ngày liền. Thêm một điều nữa là từ ngày dọn vào đây sống bà không hề thấy
bóng dáng của con dâu và ba đứa cháu Nội đâu cả. Bà nhớ ba đứa cháu của mình
nhiều lắm vì bà cũng đã từng gần gũi, chăm sóc chúng suốt năm năm trời rồi còn
gì. Sau này bà mới biết rằng hai vợ chồng thằng Út không muốn dẫn con vô đây
thăm bà Nội vì sợ môi trường sống của người già sẽ dễ lây bệnh cho tụi nhỏ!
Con gái
của bà thì cũng không hơn gì em nó. Lúc trước nó hay tạt vô thăm bà trên đường
đi làm về nhưng cũng chỉ là vài tháng một lần, mà lần nào nó cũng đều than rằng
lúc này con bận dữ lắm vì sắp tới Mark và Ben sẽ vào Đại Học, tụi con đang cật
lực kiếm tiền để chuẩn bị cho hai anh em nó vào Harvard hay Yale. Tính sơ sơ
chi phí của hai đứa sau bốn năm cũng cỡ nữa triệu đô la là ít. Đây cũng là một
lý do chính đáng nó đưa ra khi không thể vào thăm bà thường-xuyên-như-trước. Bà
chỉ nuốt nước mắt vào lòng.
Nhớ mới
ngày nào lúc ba mẹ con còn ở lại Việt Nam, khi chồng và con trai còn ở đảo, mỗi
ngày bà phải đi buôn bán nên thường gửi con cho hàng xóm ngó chừng dùm. Chiều
nào về tới nhà cũng thấy hai chị em nó mếu máo đứng chờ; hôm nào bà nghỉ bán
thì tụi nó mừng lắm, xúm-xít bên má không rời nữa bước. Giờ đây mọi việc đã
khác xưa rồi! Các con nay đã lớn. Bà thì đã già. Tụi nó cần gì ở bà nữa chứ!
Càng nghĩ
bà càng thương cho thằng Quang. Cứ mỗi buổi chiều sau khi ra khỏi hãng là nó
gọi nói chuyện với bà suốt đoạn đường lái xe về nhà. Rồi thì cách vài tháng là
nó bay sang thăm bà một lần, nếu là dịp lễ thì nó đi với vợ con, thường thì nó
bay sang một mình ở chơi với bà từ chiều Thứ Sáu đến chiều Chúa Nhật thì về, để
sáng thứ hai đi làm sớm. Hai mẹ con tuy xa nhưng cũng thật gần. Nó là niềm an
ủi duy nhất mà bà có được ở tuồi gần đất xa trời này.
Vào sống
trong Viện Dưỡng Lão lâu ngày bà càng thấy thương cho những người đồng cảnh ngộ
như mình. Cho dù họ là Trắng, Đen, Vàng hay… "pha trộn" thì họ và bà
cũng đều có chung một nổi buồn của tuổi già như nhau.
Ở trong
này, mỗi khi ai đó có con cái sắp sửa vô thăm là dễ biết lắm. Họ sẽ chộn rộn
chàng ràng suốt từ mấy hôm trước. Họ nói năng huyên thuyên, cười đùa luôn
miệng. Đó là dịp cho họ lôi những bộ cánh lâu ngày được cất kỷ trong tủ ra mặc
thử, đi tới đi lui ngắm nhìn mình trong gương, như sắp chuẩn bị đi dự giải Oscar.
Thiết nghĩ vào thời điểm 50 hay 60 năm trước thì buổi hẹn hò đầu tiên của họ
chắc cũng chỉ hân hoan và hạnh phúc đến thế là cùng!
Có lần
một bà Mỹ Trắng sống cạnh phòng bà sang khoe rằng ngày mai con trai của bà ấy
sẽ đến thăm và chở đi xem phim vì là Sinh Nhật 80 tuổi của bà. Nhiều người đã
đến chúc mừng cho bà mẹ hạnh phúc này. Tới ngày hẹn, bà mẹ đó đã dậy thật sớm,
ngồi trang điểm hàng giờ thật cẩn thận trước gương và thay bộ đầm mới nhất chưa
một lần mặc qua rồi chờ con trai đến đón. Thời gian chậm rãi trôi qua một giờ,
hai giờ… cho đến bốn, năm giờ đồng hồ sau bà vẫn không thấy bóng dáng con mình
đâu cả. Bà sốt ruột gọi cho nó nhưng điện thoại đã tắt mất rồi!
Cuối
cùng, một nhân viên của Nursing Home với vẻ mặt đầy ái ngại đã mang đến trao
cho bà một bó hoa thật lớn, thật đẹp và một tấm thiệp với biết bao lời lẽ thật
hoa mỹ. Lý do con bà không đến được vì có công việc đột xuất vào giờ chót và
anh ta hứa sẽ đến thăm mẹ vào một-dịp-khác.
Bà mẹ đáng thương kia đã ôm bó
hoa và chết lặng trong lòng. Không ai dám bước đến để an ủi bà một lời nào cả.
Bà lẳng lặng ôm bó hoa vô phòng mình, lẳng lặng đặt nó lên giường và sáng hôm
sau bà đã lẳng lặng ra đi với chiếc áo đầm mới tinh còn mặc trên người.
Người mẹ
tội nghiệp kia cũng mang một chứng bệnh tim như bà, cũng có một đứa con bận rộn
như hai đứa con của bà. Tuy nhiên, sức chịu đựng của bà xem chừng tốt hơn người
mẹ kia vì con gái và thằng Út cũng đã từng thất hứa với bà khá nhiều lần!!!
Cũng từ sau cái chết của bà-hàng-xóm mọi người đã cảnh báo với nhau rằng không
được tin bất kỳ lời hứa hão nào cả, dù cho đó là lời hứa của núm ruột mà mình
đã đẻ ra!
Mải lo
suy nghĩ miên man mà bà quên khuấy rằng mưa ngoài trời đã tạnh từ bao giờ. Ngó
nhìn đồng hồ. Ôi chao trễ quá rồi! Quang có nói khoảng ba giờ máy bay sẽ đáp
xuống, con đi hành lý rất gọn nhẹ nên sẽ ra mướn xe liền; chắc trễ lắm là năm
giờ con sẽ đến chỗ của má. Bây giờ đã gần tám giờ tối rồi nhưng vì mùa hè nên
trời vẫn còn sáng, bà nghĩ chuyến bay của con mình chắc đã tạm hoãn ở đâu đó và
có lẽ nó cũng sắp đến rồi. Bà nhìn ra cửa sổ lần nữa, những tia nắng yếu ớt bắt
đầu chiếu xuyên qua các đám mây đen còn lãng đãng trên cao. Từng mảng bầu trời
trong xanh dần xuất hiện sau gần một ngày lẫn trốn biệt tăm.
Trong
niềm vui mừng khôn tả bà lục trong ngăn kéo lấy thỏi son đã lâu ngày không dùng
tới, bà cầm nó lên định tô phớt hồng đôi môi của mình thì mắt bà bỗng vô tình
dừng lại ở cái TV đang treo trên tường. Tiếng cô xướng ngôn viên đang thông báo
trong mục Breaking News cho hay chiếc máy bay mang số 707 của hãng hàng không
XXX đến từ Florida đã gặp tai nạn khi đáp xuống đường băng tại phi trường Los
Angeles vào lúc 3:10pm chiều hôm nay do thời tiết quá xấu. Một nhân viên của
phi hành đoàn và vài hành khách đã bị thương nặng, những nạn nhân đã được đưa
vào bệnh viện hiện trong tình trạng khá nguy kịch. Mọi chi tiết sẽ được thông
báo sau.
Thỏi son
trong tay bà rơi ngay xuống đất. Bà thấy như mọi thứ đều tối sầm lại. Ngay khi
lúc đó bà nghe ngực mình đau khủng khiếp như không còn đủ hơi sức để thở.
Bà cũng không còn kiểm soát được tứ chi của mình nữa nên đành để nó đổ quỵ
xuống sàn nhà. Trong giây phút giữa đôi bờ sanh tử bà bỗng nghe tiếng con trai
của mình gào lên thản thốt: "Má ơi! Con đây nè má!" Bà cố nhướng mắt
lên nhìn gương mặt thân yêu của con mình lần sau cuối, mỉm môi cười đầy mãn
nguyện với nó, rồi thanh thản từ từ khép mắt lại.
Một chiều
mưa bão trong Nursing Home có một người mẹ đã vĩnh viễn ra đi và có một đứa con
đã vĩnh viễn mất mẹ!
Chuyện
bình thường cũng như bao chuyện bình thường khác đã xảy ra trên thế gian! Người
ta đến cuộc đời này với những hạnh phúc, những khổ đau rất riêng và cũng rất
chung để rồi lần lượt ra đi sớm hay muộn, trước hay sau … không trừ một ai! Kiếp
người vốn dĩ chỉ là duyên hợp. Chỉ là vô thường!” (Nguyễn
Bích Thủy, Một Kiếp Phù sinh)
Nói gì
thì nói. Sống sao thì sống. Sống, nhưng vẫn nói và làm thật đúng “đạo làm
người” và “Đạo” của người có niềm tin vào Đạo Chúa, cùng đạo làm người, hãy
nghe lời đấng thánh hiền-lành từng khuyên nhủ:
“Khi tôi đến với anh chị em,
tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc
triết lý cao siêu
mà loan báo mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Vì hồi còn ở giữa anh chị em,
tôi đã không muốn biết đến chuyện gì
khác ngoài Đức Giêsu Kitô,
mà là Đức Giêsu Kitô chịu đóng đinh
vào thập giá.
Vì thế, khi đến với anh chị em,
tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run rẩy.
Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời
lẽ khôn khéo hấp dẫn,
nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực
của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa.
Có vậy, đức tin của anh chị em
mới không dựa vào lẽ khôn ngoan người
phàm,
nhưng dựa vào quyền năng của
Thiên-Chúa.”
(1 Cor
2: 1-5)
Cũng rất
đúng. Nếu cứ cậy vào quyền-năng hoặc phù-phép do mình tạo ra, chắc cũng chẳng
có ai còn nghĩ tới Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu hằng đùm bọc giùm-giúp hết mọi người,
mời được thế.
Thế đó,
là trọng-tâm của giòng phiếm rất hôm nay, xin được gửi đến với bạn và với tôi,
trong cõi này.
Trần Ngọc Mười Hai
Và những tháng ngày
Thường suy-nghĩ rất lung
Là như thế.
No comments:
Post a Comment