Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 18 mùa
thường niên C 31/7/2016
“Ta yêu em lầm lỡ!”
Bây giờ đường nào đi!”
Em yêu ma quỷ dữ,
Đã đến gieo sầu bi
Em là cây cỏ úa,
Em đến gieo buồn thương!
(Trịnh Công Sơn – Ta Yêu Em Lầm Lỡ)
(Công Vụ 20: 7)
Đã yêu Em, sao còn nói chữ “lầm lỡ”? Đã lỡ-lầm, sao còn thấy
mình vẫn cứ yêu? Yêu hay không, vẫn là nét diễm-kiều tràn đầy do tình-thương
đem đến. Dù, tình đó có là tình người, tình bạn hoặc tình nhân-thế, rất dễ yêu.
“Yêu lầm lỡ”, lại
vẫn được nghệ-sĩ hát lên bằng cả hơi thở có những lời lẽ rất như sau:
“Ta cho em tất cả.
Hỡi nụ hôn tình đầu!
Bây giờ tình tan vỡ.
Ta còn lại thương đau.
Ta yêu em lầm lỡ.
Ôm vòng tay dại khờ.
Em là loài hoang thú
Ta vất vả tinh khôn.
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Yêu lầm lỡ, cũng có thể lầm và lỡ thế nào đi nữa, hãy cùng nhau hát tiếp ca-từ tuyệt-vời,
như sau:
“Loài phù hoa mắt mờ.
Bạc vàng phấn son mơ.
Nơi mộ hoang lạc thú.
Em bước hỏng lửng lơ.
Ôi! chông gai đầy lối,
Cất bước đi về đâu?
Một lần ta lầm lỡ,
Trăm đường còn sầu đau!
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Ôi! Chông gai đầy lối, đó là tình-tự của người
đời, ở với đời. Và, tình người đi Đạo có bao giờ “lầm lỡ” với Đức
Chúa-là-Tình-Yêu theo kiểu-cách của nhà Đạo chứ? Và, một trong các kiểu cách mà
người nhà Đạo vẫn diễn-tả bằng hình-thức/phong-cách được đấng bậc đưa ra, qua
hỏi/đáp sau đây:
“Thưa Cha, con
không hiểu tại sao các Chủ-nhật là ngày của Chúa, mà lại được Giáo-hội cử-hành/mừng
kính long-trọng vào Chủ-nhật, thay vì thứ Bẩy tức ngày Sabát, của người Do-thái
vậy? Xin Cha cho con một giải-thích thoả-đáng để con còn biết được mà trả lời của
bạn bè của con ở các nơi cứ hỏi hoài hỏi mãi mà chẳng biết nói làm sao, đây.
Cảm ơn cha rất nhiều.”
Thế đó, là câu hỏi của nữ giáo-dân mộ-đạo chuyên-chăm chuyện
nhà thờ/nhà thánh, mới hỏi han những điều như thế. Chứ, người thường làm gì có thì-giờ
mà hỏi-han/vấn nạn, mất thời-gian.
Thế nhưng, có là thắc-mắc hay vấn-nạn từ đâu đó, ngắn gọn
hay dài giòng, nay vẫn cứ mời bạn/mời tôi, ta đi vào giòng diễn-giải có lời lẽ
đạo mạo và đạo-đức như sau:
“Câu hỏi anh/chị đưa ra, hẳn đã qui về điều thứ 3 trong 10 điều răn có ghi
rõ ở sách Xuất-hành, cứ nói rằng:
“Trong sáu ngày,
người ta sẽ làm việc,
nhưng ngày thứ bảy là một ngày sabát,
một ngày nghỉ hoàn toàn, dâng Đức Chúa:
kẻ nào làm việc trong ngày sabát
sẽ bị xử tử.”
(Xh
31: 15)
Điều thứ 3 lại đã ghi: “Nhớ tuân-giữ các ngày lễ buộc!” như đã dặn. Với người Do-thái-giáo, thì: ngày
Sabát là ngày thứ bẩy trong tuần, tức: ngày dành riêng để ta nghỉ-ngơi,
tĩnh-dưỡng như Giavê Thiên-Chúa đã giải thích rõ ở Cựu Ước.
Ngõ hầu nắm rõ lý-do của việc này, ta cũng nên trở về với công-cuộc
tạo-dựng trời đất có ghi ở sách Sáng Thế Ký, như sau:
“Ngày thứ bảy,
Thiên Chúa đã hoàn thành công việc
Người làm.
Khi làm xong mọi công việc của Ngài,
ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi.
Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ
bảy và thánh hoá ngày đó,
vì ngày đó Ngài đã nghỉ,
ngưng làm mọi công việc sáng tạo của
Ngài.”
(Sáng Thế Ký 2: 2-3)
Về câu hỏi: kể từ lúc nào Đạo Chúa của
ta dời một ngày để nghỉ-ngơi phụng thờ Thiên-Chúa vào Chủ nhật, thế? Sự việc
này, xảy ra gần như tức khắc, cách tự phát. Sách Công Vụ Tông Đồ được viết vào
thập-niên 70 thế-kỷ đầu, có nói rõ, là:
“Ngày thứ nhất trong tuần,
chúng tôi họp nhau để bẻ bánh.
Ông Phaolô thảo-luận với các anh em,
và vì hôm sau ông ra đi,
nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến
nửa đêm.”
(Cv
20: 7)
Nói cho cùng, thì: với thời xưa, ngày
đầu tuần chính là ngày Chủ-nhật và việc cử-hành nghi-thức bẻ bánh, hay Tiệc
Thánh-Thể hoặc lễ Misa, cũng đều thế. Sách Điđakê xuất-hiện khoảng cuối thế-kỷ
thứ nhất, cũng có nói: “Vào các ngày của Chúa, hãy tụ-tập nhau lại mà bẻ bánh
và cảm-tạ Chúa.” (Didache
14: 1a). Đó, là lần đầu tiên Giáo-hội dùng cụm từ “Ngày của Chúa” để chỉ về
ngày Chúa-nhật.
Kitô-hữu thời tiên-khởi, cũng đã
tụ-tập vào các ngày Chúa-nhật để cử-hành Tiệc Thánh như thế. Nhưng lúc đầu,
nhiều vị trong Giáo-hội cũng vẫn tiếp-tục đến với hội-đường Do-thái-giáo vào
ngày thứ Bẩy như dạo trước. Tông-thư “Dies Domini” (tức: “Ngày của Chúa”) viết
năm 1998, rõ rang thánh Gioan Phaolô đệ Nhị có nói: “Các thánh tông-đồ và
đặc-biệt là thánh Phaolô lúc đầu cũng tiếp-tục đến hội-đường để rao-giảng Tin
Mừng Đức Giêsu Kitô bằng và bàn-luận ‘lời các ngôn-sứ đọc vào ngày Sabát’ (Cv
13: 27).
Một số cộng-đoàn khi trước cũng giữ
ngày Sabát cùng với việc cử-hành thánh-lễ Chúa nhật. Tuy nhiên, không lâu sau
đó, một số vị đã tách-bạch hai ngày này rõ ràng hơn, phần lớn là để phản-ứng
với Kitô-hữu khi trước theo Do-thái-giáo, vẫn nhất-định duy-trì việc giữ luật buộc
ở thời trước.” (Điđakê
đoạn 23)
Lý-do chính khiến ta tụ-tập ngày
Chúa-nhật và gọi đó là “Ngày của Chúa”, là vì: ngày ấy, Đức Kitô đã trỗi dậy từ
cõi chết vào đầu tuần (Ga 20: 1). Cũng hệt thế, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
vào ngày Ngũ Tuần lại cũng được mừng kính vào Chúa-nhật, rất trọng-thể. Tuy
nhiên, tín-hữu thời tiên-khởi còn đi xa hơn bằng cách kết-hợp ngày đầu tuần vào
với ngày thứ nhất khi Thiên-Chúa tạo dựng trời đất muôn vật.
Thánh Gioan Phaolô đệ Nhị lại cũng bảo:
“Suy-nghĩ của Kitô hữu chúng ta luôn nối-kết cách hài-hoà với Phục Sinh xảy đến
vào đầu tuần”, cùng với ngày thứ nhất trong chuỗi ngày Chúa tạo-dựng trời đất. (Stk 1: 2 - 2:4). Nối kết này, giúp ta hiểu Phục Sinh như một
khởi-đầu tạo-dựng xem đó như hoa quả đầu mùa là Đức Kitô quang-vinh mà thánh
Phaolô tông-đồ gọi Ngài là “Trưởng-tử sinh trước mọi loài thọ-tạo” (Côlôsê
1: 15) và “Trưởng tử trong số những người
từ cõi chết sống lại” (Côlôsê 1: 18; Điđakê 24). Điều đáng kể, là như thể ánh-sáng được tạo-thành ngay từ ngày đầu, và Đức
Kitô là “ánh-sáng thế-gian” (Gioan 8: 12)…
Vào giữa thế-kỷ thứ hai, thánh Justinô
đã sử-dụng chủ-đề này để luận-bình về ý-nghĩa ngày đầu trong tuần được
định-danh theo sau mặt trời ở tiếng La-tinh, khi bảo rằng: “Chúng ta tụ-tập nơi
đây vào ngày mặt trời, bởi lẽ đó là ngày đầu-tiên [tiếp theo sau ngày Sa-bát ở
Do-thái-giáo, nhưng đây cũng là ngày đầu-tiên] khi ấy Giavê Thiên-Chúa
phân-định sự vật khỏi tối-tăm bao trùm, tạo-thành vũ-trụ vạn-vật; và cũng vào
ngày này Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu-Chuộc chúng ta khỏi cõi chết” (1 Apol. #67).
Tín-hữu thời tiên-khởi qui về Đức Kitô
là “mặt trời công-chính” và vì thế mới ăn-khớp với những điều mà các vị ấy muốn
vinh-danh Ngài vào ngày này hơn việc phụng-thờ mặt trời như dân ngoại vẫn làm.
Thế nhưng, Chúa-nhật lại cũng là ngày
thứ tám và ta gọi được thế là để nhắc đến ngày tháng không có kết-thúc, tức
cuộc sống miên-trường ở chốn vĩnh-cửu nghỉ-ngơi mãi với Chúa. Thánh Âu-tinh
viết trong cuốn “Lời xưng-thú” có xin Chúa ban cho chúng ta “sự an-bình
lặng-thinh, tức sự hài-hoà của ngày Sa-bát, một hài-hoà không có chiều tà nào
hết” (Lời Xưng thú đoạn 13, câu 50).
Thánh Gioan Phaolô đệ Nhị trích lời
thánh Basil có giải-thích rằng: “Chúa-nhật quả thật tượng-trưng cho ngày
độc-nhất vốn dĩ theo sau thời hiện-tại, là ngày không có kết-đoạn cũng chẳng có
buổi sáng hoặc buổi chiều gì hết, là thời bất-tử không bịết đến già-nua, lãi
hoá bao giờ. Chúa-nhật là ngày báo trước không ngừng sự sống không có đoạn-kết
vốn dĩ canh-tân niềm hy-vọng của các tín-hữu đi theo Đức Kitô và khích-lệ họ
trên đường họ vẫn đang đi. (x. On the Holy Spirit đoạn 27 câu 66, Điđakê #26)
Xem thế thì, Chúa-nhật là ngày ta
cử-hành mừng-kính Phục-sinh vào mỗi tuần, tức “Ngày của mọi ngày” và như thế mới
có ý-nghĩa quan-trọng với sự sống của mọi người.” (Lm John Flader, Why is the Lord’s Day celebrated on Sunday
instead of Saturday, The Catholic Weekly 17/4/2016, Question Time, tr. 18)
Nói gì thì nói, tham-dự Tiệc Thánh Lòng Mến ngày Sabát
hay đầu tuần, tức Chủ-nhật, được nhiều người hiểu: đây là thời-gian đẹp nhất để
ta và mọi người cùng nhau nguyện-cầu cùng Chúa Cha. Bởi, Tiệc thánh Lòng Mến có
nghi-thức để ta và người cùng đọc câu kinh “Lạy
Cha” đầy ý-nghĩa do Đức Giêsu dạy.
Nguyện cầu ở Tiệc thánh, còn là và vẫn là cách nguyện và cầu
như nhận-định của đấng bậc từng nói ở bài giảng bên dưới:
“Khi dạy dân con đồ đệ biết cách mà
nguyện cầu cho đích đáng, Đức Kitô nhắc mọi người, một chân lý. Chân lý ấy, tóm
gọn nơi lời khuyên: “Anh
em cứ xin thì sẽ được, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.” Và: “Ai trong anh em là người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì
cá lại lấy rắn mà cho nó ư?” (Lc 9-10)
Thoạt nghe, tưởng chừng như có nghịch
lý, khác thường ở lời Ngài. Nếu Thiên Chúa Cha trên trời chăm lo cho ta đủ mọi
điều, thì tại sao ta lại cứ liên tục xin-xỏ mãi như thế? Cầu nguyện, như Đức
Kitô dạy, không phải cứ lải-nhải như dân ngoại. Hẳn mọi người đều nắm vững được
rằng: Cha chỉ phú-ban những gì ta cần, chứ không phải những gì ta muốn hoặc ưa-thích.
Bởi, những gì mọi người ưa thích, chỉ là ưa và thích những là vật-chất tạm bợ, gồm
tóm cho riêng mình, thôi.
Cách hay nhất để nguyện cầu, là: hãy
tìm-hiểu xem mình đang ở vị-trí nào trong tương-quan với Chúa. Với mọi người và
với thế-giới ở quanh ta. Liên lỉ nguyện cầu -nhưng không phải là cứ ê a sớm tối- nhưng là giúp ta định ra được những gì mình cần
có và cần làm.
Và, liên lỉ nguyện cầu, còn giúp ta biết
lọc-lựa, cả lời kinh. Việc nguyện cầu, giúp ta làm sang-tỏ giá-trị nội-tại cũng
như niềm hy-vọng mình đang có. Có nguyện-cầu như thế, ta mới chú-tâm đến những
gì mình thật cần, để được cứu. Nguyện-cầu, là cầu và mong Chúa thực-hiện điều
Ngài muốn ta làm theo ý Ngài.
Nói tóm lại, mục-đích tối-hậu của việc
nguyện-cầu, là biết đầm mình trong tương-quan với Chúa, với mọi người quanh ta.
Đi vào với tiệc long-mến hôm nay, ta sẽ cùng với người anh/người chị trong Hội
thánh, cứ chung-vai sát-cánh mà nguyện-cầu cho mọi người sẽ mãi mãi ở lại trong
tương-quan với Cha. Để rồi, cùng với Đức Kitô, ta sẽ thực-hiện thánh-ý Cha
trong mọi hoàn-cảnh của đời thường.” (X.
Lm Richard Leonard sj, Suy Tư Tin Mừng tuần
thứ 17 thường niên năm c, www.suyniemloingai.blogspot.com
17/7/2016)
Nói
gì thì nói, có tham-dự phụng-vụ Tiệc Thánh ngày Sabát hoặc ngày-của-Chúa tức Chủ-nhật,
cũng là để cùng nhau tôn-dương cảm-tạ Thiên-Chúa-là-Tình-Yêu qua và bằng
hành-động cụ-thể biến yêu-thương thành hiện-thực.
Nói
gì thì nói, nói chuyện tu-đức hoặc giáo-lý niềm-tin là nói như thế. Nói, về
tình-thương-yêu đùm bọc trên thực-tế cuộc đời, còn là và mãi mãi là: nói theo
truyện kể để dễ nhớ. Nói, như kể cho nhau nghe đôi ba câu truyện đại để cũng dễ
nhớ, mà người kể truyện đã đặt tiêu-đề là “Không nên so-sánh”, như sau:
“Trong cuộc sống không nên so sánh, một người lái chiếc xe Mercedes-Benz
giá 4 tỷ, nhưng họ có thể vay ngân hàng tới 20 tỷ, cuộc sống của họ thực sự
đang rất khốn đốn.
Một người đi chiếc
xe Volkswagen 500 triệu, nhưng họ có thể đang nợ ngân hàng tới 2 tỷ đồng, cũng
đang ở trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng.
Một người đi chiếc
xe đạp điện 6 triệu, nhưng họ vẫn có 60 triệu gửi ngân hàng. Họ sống một cuộc
sống an nhàn.
Lúc 3 người gặp
nhau ở trên đường, người đi xe đạp điện ngưỡng mộ người lái xe Volkswagen,
người lái xe Volkswagen ngưỡng mộ người lái xe Mercedes-Benz, người lái xe
Mercedes-Benz lại mong muốn có được cuộc sống như người đi xe đạp điện.
Đây chính là thực
tại trong xã hội, ai cũng có thể trở thành nô lệ của đồng tiền, nô lệ của cuộc
sống!
Mèo thích ăn cá,
nhưng mèo lại không biết bơi. Cá thích ăn giun, nhưng cá lại không thể lên bờ.
Thượng đế mang đến cho bạn rất nhiều thứ hấp dẫn, nhưng lại không cho bạn dễ
dàng đạt được nó.
Nhưng, cũng không
thể cứ đổ máu thì kêu đau, sợ tối thì bật điện, nhớ nhung thì liên lạc, ngày
hôm nay với bạn là chuyện lớn, nhưng có thể ngày hôm sau lại là chuyện nhỏ.
Cuộc đời giống như cây bồ công anh, nhìn có vẻ tự do, nhưng kỳ thực lại là thân
bất do kỷ.
Có những chuyện không phải là không thèm lưu tâm, mà là có lưu tâm cũng chẳng
làm được gì. Chỉ biết dốc toàn lực của mình để ứng phó là được, cuộc đời không
có nếu, chỉ có hậu quả và kết quả …
Đời là bể khổ, bây giờ bạn không khổ, sau này sẽ càng khổ!
Vạn sự tương sinh tương khắc, không có lên thì không có xuống, không có thấp
thì không có cao, không có đắng thì không có ngọt.
Chỉ khi biết thế nào là mệt mỏi, thì mới cảm nhận được thế nào là an nhàn; nếm
qua cay đắng thì mới biết thế nào là ngọt bùi. Nhân lúc đang còn trẻ, dũng cảm
bước đi, nghênh đón phong sương gió mưa, tôi luyện bản thân, có thể độ lượng,
có thể nhìn xa trông rộng, thì hạnh phúc mới đến.
Trên thế giới này ngoại trừ bạn ra, thì không có ai có thể thực sự giúp đỡ bạn,
nếu có giúp thì cũng chỉ là tạm thời. Rất nhiều người đã từng nếm thử “trứng
luộc trong nước trà”, vỏ trứng nứt càng nhiều, thì trứng ăn càng ngon miệng.
Tương tự như vậy,
trong cuộc sống trải nhiệm càng nhiều, trắc trở càng nhiều thì sẽ càng có hương
vị. Trứng gà bị vỡ do tác động từ bên ngoài là đồ ăn, bị vỡ do tác động từ bên
trong thì chính là sinh mệnh. Cuộc sống cũng vậy, làm vỡ từ bên ngoài là áp
lực, làm vỡ từ bên trong chính là trưởng thành.
Nếu bạn chờ người khác làm vỡ bạn từ bên ngoài, thì nhất định bạn sẽ là món ăn
của người khác; nếu bạn có thể đánh vỡ chính mình từ bên trong, như vậy bạn sẽ
thấy rằng mình đã thực sự trưởng thành, cũng giống như là được tái sinh.
Nhìn thấy con bướm đang giãy-giụa muốn thoát ra khỏi cái kén, có người hảo-tâm
giúp nó thoát ra. Nhưng không ngờ rằng, sau khi con bướm thoát ra ngoài, nó lại
không thể duỗi đôi cánh ra được, và cuối cùng thiệt-mạng.
Giãy-giụa chính là điều con bướm cần làm để trưởng-thành, lúc đó bạn giúp nó
thoải-mái, nhưng sau này nó sẽ không có đủ sức mạnh để đối mặt với những thử-thách
sẽ phải gặp trong cuộc đời.
Nếu bạn muốn hóa-thân
thành con bướm, thì bạn phải chịu-đựng được nỗi khổ của quá-trình giãy-giụa ở
trong kén, vậy thì mới có thể dang cánh bay cao được.
Trong cả cuộc đời, bạn phải tôn-trọng bao nhiêu người, thì sẽ có bấy nhiêu
người tôn-trọng bạn.
Bạn tin-tưởng bao nhiêu người thì sẽ có bấy nhiêu người tin-tưởng bạn.
Bạn có thể giúp bao
nhiêu người thành-công, thì sẽ có bấy nhiêu người giúp bạn thành-công!
Trên thế-giới này, người giàu có nhất, thường là người vấp ngã nhiều nhất.
Người có thể thành-công là người mỗi lần vấp ngã, không chỉ có thể đứng dậy, mà
vẫn có thể kiên-trì tiếp-tục bước đi. (Nguồn: Sưu tầm)
Truyện
kể trên, có thể không xứng với chủ-đề bạn và tôi, ta bàn chuyện nhà Đạo ở nhiều
nơi dù nhiều người không đồng ý như thế. Nhưng, đã là truyện kể không để
minh-hoạ cho điều mình cố ý nêu ra, đôi khi chỉ là cơ-hội để ta nhìn vào cuộc sống
có nhiều ý-nghĩa; của những suy-tư vớ-vẩn chẳng ăn-nhập chuyện gì, nhưng dễ nhớ
và dễ hiểu hơn chuyện nhà Đạo.
Nói
gì thì nói, nói mọi chuyện bằng truyện kể và thơ/văn-âm/nhạc vẫn thích hơn là nói
bằng những biện-luận có mở đề, phản-đề và tổng-đề, như một triết-thuyết không-kịp-sống
thực trước đã, mà chỉ kịp nói lý và luận bàn cùng minh-định như thế rồi, nay ta
cùng nhau quay về lại với nhạc-bản ở trên, mà hát những câu thêm-thắt, rất như
sau:
“Ta yêu em vất vả,
Ôi! lần cuối lần đầu.
Em là cành gai sắc,
Cho thịt nát xương đau.
Yêu em nên mất cả,
Vỡ nụ hôn tình đầu.
Yêu là sầu chất-chứa,
Yêu còn được là bao?
Người ngoảnh lưng giấu
mặt,
Cuộc đời mới đi xây.
Đi van xin hạnh phúc,
Nô lệ nào rủi may.
Ta thương em nhỏ bé,
Với giấc mơ bạc vàng.
Em là cây cỏ úa,
Ta là loài ma hoang.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Nói gì thì nói, nói bằng thi-ca/âm-nhạc hoặc bằng luận-lý/biện-luận
chi bằng ta đi vào vườn hoa Lời Vàng có những dặn dò như sau:
“Có một lần Đức Giêsu cầu nguyện ở nơi kia.
Ngài cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ
nói với Ngài:
‘Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu-nguyện,
cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông.’
Ngài bảo các ông:
‘Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
‘Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến…”
(Lc
11: 1-4)
Và tiếp theo đó, Ngài
còn dặn thêm:
“Thế nên Thầy bảo anh em:
anh em cứ xin thì sẽ được,
cứ tìm thì sẽ thấy,
cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.
Vì hễ ai xin thì nhận được,
ai tìm thì thấy,
ai gõ cửa thì sẽ mở cho.”
(Lc 11: 9-10)
Xem
thế thì, có cầu-nguyện hay cầu xin điều gì đi nữa, cũng hãy cùng nhau làm việc
ấy trong yêu-thương giùm giúp, hết mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc vẫn nhủ lòng mình
luôn phải như thế để còn thương.
Thương người, thương ta,
thương cả-và-thế-gian
hết mọi người.
No comments:
Post a Comment