Saturday, 26 March 2016

“Đưa bé đến trường bằng xe anh đạp.”



Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ 2 Phục sinh năm A 10/4/2016

“Đưa bé đến trường bằng xe anh đạp.”
Khi bước ra đường bình minh mới lên.
Ba má đã khuyên mình nên đi sớm.
Em hãy leo lên để anh đi liền!”
(Phạm Duy – Đức Bé Đến Trường)

(Năm xưa trên cây xồi, Mẹ Maria ôi thôi!)

Bần đạo đây, mỗi lần viết chuyện phiếm, thường trích-dẫn rất nhiều nhạc bản tình-ca ướt-át, hoặc nhạc đồng quê, sinh-hoạt thật không thiếu. Duy, có nhạc trẻ nhỏ như hôm nay, thật cũng ít.

Chính vì ít, nên bần đạo cũng chẳng bận tâm nhiều đền âm-giai, tiết-điệu mà nhiều lần chỉ chú ý đến ca-từ/lời lẽ sao cho thích hợp với chủ-đề mình muốn bàn mà thôi. Thú thật thì, nhạc đời về tình yêu-đương đôi lứa, thấy rất nhiều. Còn về tình đời bé nhỏ của trẻ em, thật rất ít. Ít-oi, như các lời ở dưới vẫn ca rằng:  

Đưa bé đến trường từ nơi xóm hẹp.
Qua những con đường vòng quanh đã quen.
Ra tới công viên ngựa xe như nước.
Len giữa đám đông chật như đóng nêm.
Trên xe, trên xe em nói huyên thuyên.
Bao nhiêu, bao nhiêu chuyện cổ tích tiên,
anh tuy nghe luôn, anh vẫn quên liền.

Thôi em, thôi em con dốc nghiêng nghiêng.
Anh đang leo lên nghẹt thở đứng tim.
Xin em im đi cho anh gắng anh đạp!
Xe lăn bon bon chuông bấm kinh coong.
Đang đi em xin ngừng lại gốc soan,
cho em giơ tay em hái hoa đẹp.

Thôi em, thôi em ta hãy đi mau.
Không ai, không ai chờ đợi bé đâu.
Anh nghe như chuông nơi mái trường reo. “
(Phạm Duy – bđd)

Thú thật với bạn đọc, rằng thì là: viết phiếm mà không kèm giòng nhạc êm ái, có tiết-điệu diễm-kiều/ủy mị, thì rất khó. Khó là bởi, viết mãi rồi thấy mình toàn những nói và nói, chẳng để người đọc lắng nghe. Mà, người đọc nào chịu nghe nếu không có giòng âm-nhạc ướt-át/trữ-tình cơ chứ. Thế nên, hôm nay, trước khi đi vào chi-tiết cần viết phiếm, xin mời bạn ta nghe thêm ít câu nữa:

Xe đi loanh quanh, mưa xuống nhanh nhanh.
Chân anh, chân em tràn ngập nước văng.
Anh em ca lên cho đỡ run lạnh.
Ca lên, ca lên câu hát anh em.
Ta thương yêu nhau, đời là cõi tiên.

Nay mai xa nhau, kỷ niệm chẳng quên!
Đưa đón em bằng một xe móp mẹp.
Đưa đón em bằng tình anh với em.
Đưa đón em sao mà vui tha thiết.
Đưa đón em như là đưa người tình.
Mai mốt em thành người trong xã hội.

Chức lớn sang giầu, nổi danh khắp nơi.
Em có đi chơi bằng xe hơi mới.
Xin chớ cán xe đạp của anh, bé ơi!
Xin chớ cán xe đạp của anh, bé ơi!
(Phạm Duy – bdd)

Nói gì thì nói. Viết gì thì viết. Viết cho lắm, cho nhiều mà không nghe người đọc phản-hồi, thì hỏng bét, đấy bạn ạ. Bởi thế nên, hôm nay, bần đạo đã từng nghe người đọc có bạn phản-hồi về chuyện hôm trước bần đạo nói về việc tôn-sùng Đức Maria, vẫn chưa đủ ý, đủ lời.

Thật vậy, nay bèn xin phép bạn đọc, ta nghe thêm đôi điều về chuyện này. Trước nhất là lời lẽ của đấng bậc thày dạy, rất thần-học, rằng:

“Thật ra thì, lối bắt-chước Thiên-Chúa một cách trực-tiếp như thế, lại vắng bóng ở thư đích-thực do ông Phaolô soạn. Bởi lẽ, ông cũng có khuyên những ai dõi bước theo chân ông hãy sao/chép gương lành của Đức Kitô mà thôi.

Thế nhưng, do bởi ta chỉ hiểu biết rất ít về Đức Giêsu do ông Phaolô trưng-dẫn tựa như lời ông dặn tín-hữu dân ngoại: hãy theo mẫu gương của chính ông hoặc các cộng-sự-viên gần ông nhất, là thứ mẫu và gương họ tạo về Phaolô như lời lẽ trong thư thứ nhất Côrintôi đoạn 11 câu 1 từng tuyên-bố: “Anh em hãy bắt chước tôi, cũng như tôi đối với Đức Kitô.”

Và, đoạn 4 câu 16 trong thư này, ông còn thôi-thúc tín-hữu nhiều hơn nữa về chuyện bắt-chước như sau: “Vậy, tôi khuyên anh em hãy biết theo gương tôi.”

Theo cách các nhà mô-phạm vẫn tỏ-bày, thì điều này có vẻ như lời khuyên-bảo về Đạo gửi đến tín-hữu ở Côrintô, ông Phaolô đề-nghị họ hãy sống và làm như ông từng thiết-lập quan-điểm mới về đạo-lý trong đó tín-hữu thấy mình trước nhất có được trạng-huống này là từ Đức Kitô; thứ đến là do Thiên-Chúa mà ra.

Với một Người Cha ở rất xa và một Đức Kitô không diện-mạo rõ ràng, thì lời khuyên của ông Phaolô đưa ra là dành để cho các tín-hữu mới tòng-đạo còn nhút-nhát khiến họ có thể xem những người gần-gũi với họ xem có ai khiến họ tin-tưởng được hay không, mà thôi.

Xem như thế, đã bắt-đầu thấy có xu-hướng rất dễ thấy nơi các vị theo Công giáo hoặc Chính-thống-giáo tạo khuôn-mẫu, những người môi-giới và trung-gian hoà-giải giữa các kẻ tin và Thiên-Chúa. Các người trung-gian khi xưa, là: Đức Kitô và ông Phaolô. Và sau này, nhờ nguồn hứng của cộng-đoàn Phaolô khi ấy, là: Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu Đấng-bậc trong một số nguồn-cội của Đạo Chúa lại có khuynh-hướng được đối-xử gần như nữ-thần, ít ra là Đấng Thứ Tư trong Bốn Ngôi Thần Thiêng Thánh ái.

Vào các thế-kỷ đầu của Hội thánh, các Đấng được các thánh tử-vì-Đạo gộp chung lại làm một và từ đó, một số các thánh khác ngày càng làm như thế. (Xem Gs Geza Vermes, Khuôn Trăng Diện mạo Ngài thay đổi: Đức Giêsu và cuộc sống trọn lành theo ông Phaolô,

Những giòng suy-niệm trên đây đại-ý muốn bảo rằng: Đạo của ta cũng đã tạo hình-tượng để dân con mọi người tôn-thờ và bắt chước Đức Maria là mẹ hiền của Hội-thánh luôn thương-yêu, che chở và cầu bàu cho con cái của Mẹ. Tuy nhiên, chừng như ta lại cứ tôn-sùng/phụng thờ Mẹ quá độ, đến là thế.  

Tôn-sùng Mẹ đến như thế, như thể nghệ-sĩ già họ Phạm đã đưa lên thành ca-khúc, rất như sau:

“Đón bé ra trường, chiều mưa hoang lạnh.
Manh áo tơi trùm cả em, lẫn anh.
Thương chiếc xe xanh, nhỏ xinh ướt át.
Nhưng ấm trong tim hồi chuông giáo đường.
Đón bé ra trường, chiều mưa xám xịt.
Đi giữa hai hàng đèn đêm đứng im.

Em bé co ro ngồi ôm tay lái.
Anh cũng so vai còng lưng tiến lên.
Nhưng em không quên em nói, em khoe.
Hôm nay cô cho mười điểm, thích ghê!
Nhưng đôi tai anh đâu có nghe gì.

Thôi em, thôi em khi nước mưa tuôn,
xe đang đi trên đường hẹp đất trơn.
Em im đi cho anh gắng anh đạp!
(Phạm Duy – bđd)

Tôn-sùng hay phụng-thờ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ loài người, cũng là biểu-tượng của sự tôn-trọng và cảm-kích tình mẫu-tử trong đời người. Kể nhiều về tình này, chắc mỗi người và mọi người đều kích-động, mủi lòng, như truyện kể dài ở bên dưới để minh-hoạ cho bài phiếm hôm nay.

Truyện, là truyện như thế này đây:

“Tôi không khó khăn nhận ra mẹ khi bà vừa bước ra khỏi trạm kiểm soát an ninh phi trường. Một tay kéo chiếc valy nhỏ, một vai mang chiếc xách tay, mẹ thong dong như trôi theo dòng người. Dáng mẹ trông mảnh mai, thanh nhã, linh hoạt dù rằng đã ở cái tuổi tám mươi. Tóc đã bạc phơ. Chiếc áo sơ mi màu trắng như giúp khuôn mặt mẹ tươi tắn hơn ngày tôi gặp mười lăm năm trước. Mẹ đưa mắt tìm kiếm. Tôi giơ tay vẫy. Bà mừng rỡ vẫy lại. Tôi cười khi mẹ đến gần:
-Chào mẹ!
Mẹ buông rơi chiếc va ly, mở vòng tay ôm ghì lấy tôi. Tôi cũng ôm xiết mẹ mà sao không cảm nhận chút nồng ấm nào.

Từ khi chưa đầy một tuổi, ba mẹ tôi đã đành đoạn bỏ rơi tôi. Thôi nôi, ngoại cúng kiến van vái. Lên ba, ông ngoại mất. Lên năm, bà ngoại lìa đời. Cậu mợ tôi thừa hưởng gia sản nên… thừa hưởng luôn việc săn sóc dưỡng dục tôi. Vì vậy mà khi khôn lớn, tôi hầu như quên hẳn mình còn đủ cha đủ mẹ.

Tôi lái xe vào trung tâm thủ đô, chạy vòng vòng cho mẹ xem phố xá rồi quẹo sang đường Constitution. Tôi chỉ mẹ xem đài tưởng niệm Washington, tòa Bạch ốc và hứa một ngày khác sẽ đưa mẹ vào xem tận bên trong. Mẹ nói mẹ muốn ưu tiên gặp em của mẹ, còn việc tham quan chừng nào cũng được. Tôi cho mẹ biết cậu mợ đang chu du Âu châu, hai tuần nữa mới về. Sợ mẹ hiểu lầm, tôi giãi bày:
-Cậu mợ ghi tên đi chơi trước ngày mẹ báo tin qua đây nên không hủy bỏ được. Con đã xin nghỉ một tháng. Trong tháng đó mình sẽ đi một vòng sơ khởi nước Mỹ. Mẹ sẽ gặp em trai mẹ vào tuần lễ thứ ba...

Tôi ngưng nói khi thấy mẹ xoay mặt về khung cửa kính. Nhân lúc xe qua cầu, tôi cất cao giọng:
-Đây là sông Potomac. Đi xuôi dòng sẽ trông thấy một phần hình ảnh rất đẹp của thủ đô. Nhà của con phía thượng dòng cách đây độ nửa giờ.

Mẹ vẫn nhìn quang cảnh thành phố, chỉ có tiếng “thế à” hờ hững vang lên. Tôi nhìn đồng hồ và mừng là đã tới giờ cơm chiều. Tôi nói nhỏ nhẹ:
-Suốt ngày đêm trên máy bay, chắc mẹ thèm cơm. Khu thương mại Eden của người Việt vùng này có một nhà hàng nấu món canh chua cá bông lau, cá kho tộ ngon lắm!
Bà nói giọng mệt mỏi:
-Nói chung thì mẹ thèm một tô phở.
Một cái gì nghẹn ngào đột ngột trào dâng trong tôi. Hai mươi năm tập kết ra Bắc mẹ đã bị đồng hóa. Không chỉ thay đổi cả giọng nói, ngôn từ mà lơ là luôn cả món ăn ưa thích của miền Nam. Tôi ngờ rằng bà không phải là người sinh ra tôi… Tôi đưa mẹ vào tiệm Phở Xe Lửa và gọi tô đặc biệt. Mẹ khen ngon hơn phở ở Sài Gòn. “Nhưng vẫn thua phở Hà Nội”, tôi nhanh nhẩu tiếp lời. Mắt mẹ thoáng chút ngạc nhiên rồi lặng lẽ quan sát xung quanh…

Tôi cũng quan sát bà. Tôi giống mẹ lạ lùng. Chắc chắn nhìn chúng tôi, không ai nghĩ khác hơn là mẹ và con. Mà giống mẹ để làm gì khi tâm hồn chúng tôi không có chút gì hòa điệu… Tôi nhấn một chiếc nút trên trần khi xe sắp quẹo vào driveway và lái thẳng vào garage. Trong khi tôi mở cóp nhấc xuống các hành lý, mẹ đi ra phía trước đường. Tôi bước đến bên mẹ khi bà ngắm nghía ngôi nhà, trầm trồ:
-Nhà của con đây hả? To và đẹp quá, ngoài tưởng tượng của mẹ. Quang cảnh cũng thật sáng sủa tươi mát.
Tôi cười buồn:
-Chúng con mới mua năm ngoái và chắc cũng sắp bán…
Giọng mẹ thảng thốt:
-Tại sao thế?
Tôi nắm cánh tay mẹ dìu đi:
-Mẹ vào nhà nghỉ ngơi. Từ từ rồi mẹ sẽ biết...
Tôi bấm số liên hợp và mở toang cánh cửa. Mẹ bước vào, đứng sững người trên tấm thảm nhỏ mang chữ welcome. Dường như mẹ không tin những gì mẹ đang thấy. Mẹ ngập ngừng bước đi, mắt dừng lại từng vật trang trí ở phòng khách, phòng gia đình, miệng lẩm bẩm lời tán thưởng. Khi mẹ hướng về khu bếp, tôi biết mẹ sẽ ở đây lâu hơn nên lặng lẽ trở ra ngoài mang hành lý vào nhà.

Khóa cửa xong, tôi đảo mắt tìm mẹ. Bà đang ở trong phòng đọc sách, đứng lặng yên trước bàn thờ. Mẹ không nhìn các tượng Phật rất đẹp tôi thỉnh tận Thái Lan. Mắt mẹ đang đăm đăm nhìn di ảnh của Huy. Anh mặc áo tiểu lễ hải quân với dây biểu chương, trên một nắp túi là chiếc huy hiệu hạm trưởng và bảng tên Lê Quang Huy. Bên kia là hai hàng huy chương nhiều sắc màu khác biệt. Và Huy đang tươi cười… Mẹ nói bằng giọng ngạc nhiên mà bình thản:
-Sao con không nói gì với mẹ?
Tôi lắc đầu:
-Để làm gì? Mẹ có biết gì về ảnh đâu và chắc cũng không ưa ảnh!

Mười lăm năm trước, khi về chịu tang ba tôi, tôi đã từ chối trả lời mọi câu hỏi của mẹ. Tôi muốn cho thấy khi bà đã có can đảm bỏ rơi tôi thì tôi cũng có can đảm coi như đời tôi không dính dáng gì tới bà. Mãi gần đây, khi mẹ ngỏ ý muốn qua thăm chúng tôi, Huy khuyên tôi nhận lời, dù gì bà cũng là người sinh thành ra mình. Tôi nghe lời khuyên nhưng chỉ một mình tiếp đón mẹ. Huy chết bất thần vì cơn đột quỵ. Mẹ nhìn khắp bàn thờ rồi quay phắt sang tôi:
-Sao không thấy con thờ ba con?
-“Thờ ba? Tại sao con phải thờ ba?

Mặc dù đã tự nhủ, tôi vẫn không dằn được cơn bực tức bùng vỡ.
Mẹ quay đi, lặng lẽ thắp nén nhang cắm vào lư hương, nhìn Phật Bà, nhìn Huy rồi thở dài lặng lẽ bước lên thang lầu. Tôi đã từng nghe nhiều tiếng thở dài tương tự của mẹ trong suốt thời gian mười ngày về dự đám táng ba tôi. Tôi đã cho bà thấy tôi không chỉ dửng dưng với người chết mà còn lạnh lùng với cả người còn sống. Liệu có ai cư xử khác tôi khi suốt quãng đời dài gần bốn mươi năm mà chỉ vài lần được nghe nhắc đến mẹ cha mình bằng lối bông đùa.

Năm tôi lên mười bốn, sau trận Mậu Thân khói lửa khắp Chợ Lớn Sài Gòn, một bữa, lần đầu tôi nghe cậu nhắc tới ba mẹ.

Trong bộ đồ trận rằn ri mang lon trung tá, cậu ra vẻ trịnh trọng:
-Nè, Phượng! Con có biết là suýt nữa con đã có dịp trùng phùng ba mẹ con không?
Trong khi tôi tò mò lắng nghe, cậu tỉnh bơ tiếp:
- Nhưng vì cậu thấy họ không xứng đáng làm bậc cha mẹ, cậu đã đuổi họ về mật khu rồi!
Tôi thường cười với mỗi cợt đùa của cậu nhưng lần đó tôi mím môi muốn khóc. Năm hai mươi mốt tuổi, khi tôi đưa Huy về nhà giới thiệu nhân buổi tiệc mừng cậu thăng cấp tướng, cậu nói nhỏ vào tai tôi:
-Chà chà! Như vầy là kẹt cậu rồi! Con mà chọn tên hải quân đó làm chồng thì cậu khốn khổ với chị cậu. Tuy nhiên, nếu con… năn nỉ cậu, cậu cũng liều cho con làm… bà thiếu tá.

Tôi vẫn cười thầm về chuyện này vì bốn tháng sau, sự thể đảo ngược. Chính cậu lại là người phải “năn nỉ” tôi để cả gia đình được lên tàu của Huy rời khỏi Việt Nam.Chúng tôi thành hôn ở Mỹ. Huy trở lại đại học, tôi đi làm ngày đêm. Rồi lần lượt hai đứa con ra đời. Huy ra trường đi làm. Tôi vào đại học. Vất vả mà hạnh phúc. Tôi quá bận rộn để nhớ về quê cha đất tổ, cho tới mười năm sau tôi mới lại nghe tin tức ba mẹ. Lại vẫn do cậu đưa tin. Cậu tôi cho biết đã liên lạc được với chị của mình.

Không lâu sau đó tôi liên tiếp nhận được thư ba mẹ tôi bày tỏ lòng khao khát mong nhận được thơ tôi và hình ảnh gia đình. Và tiếp đến là những lá thư mong mỏi tôi về Việt Nam. Tôi nhận thư, tôi đọc, lòng ngơ ngẩn, bâng khuâng nhưng không có chút hứng thú trả lời. Thậm chí nhiều năm sau, cái tin ba tôi đau nặng cũng chỉ được đón nhận với lòng dửng dưng. Huy bảo tôi nên về. Cậu mợ gọi điện bảo tôi phải về. Tôi thưa với cậu mợ rằng tôi không có cha mẹ nào khác ngoài cậu mợ nhưng cậu mợ tiếp tục thúc bách và giảng đạo lý. Tôi rủ cậu mợ cùng về. Cậu bảo cậu không muốn giỡn mặt với chính quyền cộng sản.

Cuối cùng tôi khăn gói một mình lên đường. Thời điểm này chúng tôi còn nghèo nên Huy đành ở lại với hai con. Nhưng đoạn đường quá xa để ba tôi không thể chờ. Ông vĩnh viễn ra đi vài giờ trước lúc tôi bước vào ngôi nhà xưa. Dù vậy tôi vẫn còn kịp nhìn mặt ba tôi. Nhìn chỉ một lần mà vẫn đủ để khuôn mặt già nua, khắc khổ, hoàn toàn xa lạ đó theo tôi về tận xứ Mỹ.

Thỉnh thoảng nhân một liên tưởng về dòng họ ai còn ai mất, khuôn mặt của ông lại hiện ra cùng với những tiếng thở dài của mẹ. Thế mà tuyệt nhiên, tôi không hề nghĩ đến việc thờ phượng ông…Mẹ nằm trong buồng riêng suốt đêm ngày, mãi đến tối hôm sau mẹ mới tươi tỉnh hẳn. Tôi rủ mẹ đi ăn đồ biển. Mẹ ăn tự nhiên, ngon lành. Nếm đủ tôm cua nghêu sò ốc hến. Luôn cả hào tươi. Lâu lắm mới có dịp ăn ngoài, tôi cũng tận lực nuốt. Trên đường về nhà, mẹ hỏi:
-Cậu bảo con có hai thằng con trai. Chúng nó đâu mà mẹ chưa gặp?
-Tụi nó đều đã lập gia đình. Mỗi đứa ở mỗi tiểu bang khác nhau, khá xa. Đứa lớn ở Georgia, có hai con, đứa nhỏ ở Texas, đang chờ con đầu lòng. Con đã sắp xếp để mẹ đến chơi với chúng nó, mỗi đứa vài ngày, sau khi mẹ gặp cậu mợ.
Mẹ nhìn tôi, dò hỏi:
-Con ở đây một mình sao?
Tôi gật đầu:
-Vì vậy mà con có ý muốn bán nhà này về sống với mấy đứa nhỏ, luân phiên mỗi đứa một thời gian. Tụi nó đang năn nỉ con về ở chung.
Giọng mẹ ngập ngừng:
-Phải thú nhận rằng mẹ vừa trông thấy căn nhà này là mê ngay. Nếu con bán thì bán cho mẹ. Mẹ con ta sẽ ở đây, mãi mãi tới ngày mẹ chết…

Tôi đăm đăm nhìn mẹ. Tôi đã biết từ lâu là mẹ rất giàu, chỉ ngạc nhiên về ý cuối. Nó đến quá bất ngờ như là một nhánh gai quẹt vào người. Tôi nghe xót đau, khó chịu. Tôi không chuẩn bị việc này, cũng không muốn nó xảy ra. Đầu óc tôi đông cứng. Chợt hình ảnh Huy hiện ra, miệng cười cười. Ba tháng nay, từ ngày anh mất, khi tôi gặp điều gì khó xử là anh lại hiện về. Nụ cười của anh luôn luôn giúp tôi tìm giải pháp. Tôi thấy bao nhiêu phiền phức nếu cho mẹ ở chung.

Tôi đã quen với cuộc sống không có mẹ. Chỉ mới hai mươi bốn tiếng đồng hồ “có mẹ” mà tôi đã chịu đựng biết bao gượng ép. Mẹ nhìn tôi dò hỏi. Tôi nói:
-Con mới mất anh Huy. Con cần một thời gian yên tĩnh.
-Mẹ cũng cần có thời gian sắp xếp mọi việc ở Việt Nam. Năm tới mẹ trở qua sống hẳn với con. Con đồng ý chứ?

Tôi không biết nói gì hơn. Tôi như nghe tiếng Huy văng vẳng:
-Đừng làm mẹ buồn!
Tôi cố nhìn vào bóng đêm loang loáng tìm hình bóng Huy nhưng chỉ thấy ánh đèn đỏ vừa bật ở ngã tư…
Sau năm ngày dạo chơi phố xá và ngắm cảnh Nữu Ước, chúng tôi dành hai đêm thử thời vận ở sòng bạc Atlantic City. Thánh nhân đãi kẻ khù khờ, cả hai mẹ con thắng lớn. Chúng tôi về đến nhà, tẩy rửa xong lớp bụi đường thì trời tối hẳn. Tôi thấy mệt mỏi nhưng mẹ tỉnh bơ đề nghị để mẹ nấu ăn ở nhà. Tôi nói sẽ ăn ở nhà nhưng mẹ khỏi nấu. Mẹ không tỏ gì ngạc nhiên khi tôi gọi thức ăn bằng điện thoại. Bà ngồi thoải mái trong bộ ghế êm ái, xem truyền hình đưa tin thế vận hội. Tôi sắp đặt chén đũa, khăn ăn và nước ngọt rồi ngồi xuống cạnh mẹ.

Chợt mẹ quay sang tôi, giọng ngập ngừng thiếu tự nhiên:
-Mẹ phải nói với con chuyện này. Em trai con muốn nhờ mẹ hỏi con giúp nó một việc.
Em trai tôi? Tôi từ từ hình dung đứa em trai của mình. Tôi đã nhớ ra một hình dáng hiền hòa thường quanh quẩn gần tôi. Cũng như cậu và mẹ, em tôi nhỏ thua tôi năm tuổi. Nhưng nó khác với tất cả chúng tôi là đã không chào đời ở miền Nam.
Tôi nhìn mẹ chờ đợi. Giọng mẹ đều đều:
-Đứa con gái út của nó học rất giỏi. Năm tới lên đại học. Nó muốn nhờ con giúp cháu qua học bên này. Nó không muốn cho cháu ở nội trú. Nó xin cho cháu ở với con. Cơ bản là con không phải tốn kém gì hết. Mẹ sẽ lo đi chợ, nấu ăn cho cả nhà...

Cơn giận chợt ứ lên ngực làm tôi khó thở. Tôi hít vào một hơi thật sâu. Tôi biết là mở miệng lúc này tôi sẽ nói ra lời cay độc. Tôi nhìn ra ngoài trời đang đổ mưa với những ánh chớp liên hồi. Tôi nhớ tới những cơn mưa đầy sấm sét trong căn nhà thênh thang thuở lên mười. Thuở đó cậu tôi đổi đi đơn vị xa và mợ theo cậu. Người giúp việc thì ngủ gần bếp, xa căn buồng riêng biệt của tôi. Tôi đã vô cùng sợ hãi và từng ước ao có được một đứa em. Bây giờ tôi đâu còn cần. Tôi nói chầm chậm:
-Thì ra mẹ qua đây không phải vì con mà vì tương lai cháu nội của mẹ!
Bà nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên:
-Con nói gì lạ vậy. Tất nhiên mẹ qua đây là vì con, bởi vì mẹ muốn bù lại thời gian ba mẹ bỏ bê con. Mẹ không hề vì cháu nội. Nó chỉ ngỏ lời sau khi biết ý định của mẹ.
Mẹ đưa tôi lá thư cầm sẵn:
-Đây là thư nó gửi cho vợ chồng con.
Tôi hững hờ nhận.
Mẹ tiếp:
-Thật ra nó cũng đã hỏi các thủ tục xin ở nội trú. Không có con ở đây, con của nó vẫn qua đây học. Mẹ thấy điều quan trọng là có người ruột thịt cận kề, coi sóc, nhắc nhở.
Tôi cười chua xót, không còn ngăn được lời mai mỉa:
-Ruột thịt? Có là ruột dư với thịt thừa! Và mẹ đã từng cắt bỏ không thương tiếc!
Mẹ nhìn tôi đăm đăm:
-Con vẫn còn giận mẹ đến thế sao? Lần con về, mẹ đã hết lời giải thích…
-Con vẫn nhớ các lời giải thích đó: Ba mẹ đâu có muốn xa con, chẳng qua chỉ vì muốn góp phần giành độc lập, thống nhất đất nước.
-Thì đất nước đã độc lập thống nhất, sao mẹ và cháu nội không ở Việt Nam mà hưởng. Mẹ buông tiếng thở dài. Tôi cũng chợt nhận ra mình vừa buông lời xỉa xói hỗn hào. Tôi trầm giọng:
-Con xin lỗi. Hễ nhớ đến những ngày con bị bỏ rơi là cứ muốn nổi xung thiên…
-Mẹ phải làm gì để được con tha thứ, quên đi chuyện cũ. Con nghĩ lại đi. Ba mẹ đâu có gửi con cho ai xa lạ. Người đó chính là ba mẹ ruột của mẹ. Con lúc nào cũng nhận được trọn vẹn tình thương và chăm sóc…

Tôi cố giữ giọng bình thường:
-Ba mẹ ruột của mẹ chớ đâu phải ba mẹ ruột của con! Suốt tuổi thơ của con, con bị bạn bè cười nhạo là đứa trẻ mồ côi, là con không cha không mẹ!

Nước mắt tôi tự dưng ứa ra, rơi dài xuống. Mẹ đứng lên, bước lại ôm choàng lấy tôi. Tôi khóc nức nở trên vai mẹ. Khi muộn phiền đã dịu xuống, tôi nhìn thẳng vào mắt mẹ:
-Mẹ không thấy là mẹ không công bằng sao? Lúc con ở cái tuổi rất cần sự săn sóc của ba mẹ thì ba mẹ bỏ đi biền biệt. Còn bây giờ, khi mẹ muốn ở gần con thì mẹ đã bước vào cái tuổi gần đất xa trời, cái tuổi mẹ cần con chớ con không cần mẹ. Thật lòng mà nói, cho tới giờ phút này, con không một mảy may cảm thấy chút gì thương yêu mẹ, thì nói chi thương yêu cháu.

Mẹ ôm mặt, thân hình thả rơi lên ghế. Tôi nghe tiếng nấc của mẹ và nghe lòng chùng xuống. Tôi nói nhanh như sợ không còn nói được:
-Nhưng có điều chắc chắn là con cũng không thể chối bỏ mẹ không phải là mẹ của con. “Chừng nào mẹ muốn ở với con, mẹ cứ ở. Chừng nào mẹ muốn đi, mẹ cứ đi.” Điều em con muốn, cháu con muốn, con khó mà nói được lời từ chối!

Mẹ vẫn ngồi yên, thút thít khóc. Đúng lúc tôi muốn ngồi xuống ôm lấy mẹ thì tiếng chuông reo. Tôi thở hắt ra, bước về phía cửa nhận thức ăn mang tới…Rời San Francisco trên chiếc xe chở khách chúng tôi ôn lại những địa điểm đã viếng thăm qua ba ngày ở vùng vịnh. Mẹ tỏ vẻ hài lòng đã được chính mắt chiêm ngưỡng chiếc cầu nổi danh Golden Gate. Mẹ cũng yêu thích cái công viên cùng tên với khung cảnh nên thơ thanh bình mà mẹ gọi là hồ Tịnh Tâm.

Hai ngày ở San Jose, ấn tượng nhất đối với mẹ là những hình ảnh sinh động, huy hoàng và lạ mắt của vô số loài sống dưới nước hiển hiện ngay trước mắt trong Monterey Bay Aquarium. Khi chúng tôi về tới quận Cam. Cậu và các con cháu đón chúng tôi ở bến xe, chỉ thiếu có mợ.

Khi tôi thông báo mẹ sẽ sang thăm gia đình cậu, cậu nói sẵn sàng gặp mẹ nhưng từ chối cho chúng tôi tạm trú. Nhà cậu mợ rất rộng, nhiều buồng ngủ. Vợ chồng con cái tôi mỗi khi qua Cali là ở nhà cậu mợ hà rầm. Cậu mợ hẳn phải đau lòng khi lần này để tôi ở khách sạn chỉ vì… có mẹ!. Mợ không muốn chứa mẹ trong nhà. Hai đứa em trai của mợ đều bị tập trung, một bỏ xác trong rừng Yên Bái.

Mỗi ngày trong suốt một tuần, cậu lái xe đến khách sạn đón chúng tôi đi viếng thăm hết nơi này đến nơi khác. Ngày đầu, cậu dành cho khu Little Saigon. Mẹ thú nhận là rất ngạc nhiên về mức phát triển quy mô và sự phồn vinh sang giàu của người Việt tỵ nạn. Những ngày kế dành cho danh lam thắng cảnh. Có ngày chúng tôi bay khỏi thành phố đỏ đen Las Vegas về phía Bắc để chiêm ngưỡng Grand Canyon vô cùng kỳ vĩ ngoạn mục. Cậu thường dùng khoảng thời gian di chuyển để hỏi mẹ về gia đình và dòng họ ở quê nhà. Cậu cũng kể về cuộc đời của cậu trong suốt nửa thế kỷ không gặp chị. Tôi vô cùng thú vị được nghe hai chị em nhắc lại những kỷ niệm thời họ sống bên nhau…

Đêm chót trước khi rời Quận Cam trở lại Maryland chúng tôi được cậu mời một bữa tiệc cá 7 món, đặc sản Cali. Khi chúng tôi đến nhà hàng, tôi thật sự ngạc nhiên và vui mừng khi thấy có cả mợ hiện diện. Mợ đứng lên vui vẻ chào hỏi và mời mẹ ngồi bên cạnh. Mợ vốn hoạt bát, nên mẹ lúc nào cũng cười tươi. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Lúc chờ tính tiền cậu hỏi mẹ bao giờ về Việt Nam. Mẹ bảo còn lâu, khoảng sáu tháng nữa. Và năm tới có thể là qua ở luôn. Cậu gật gù nhìn mẹ rồi nhìn tôi.

Tôi tưởng cậu tán thành quyết định của mẹ nhưng cậu chậm rãi nói:
-Phải nói là rất ngạc nhiên khi nghe chị tính qua Mỹ ở luôn. Chị biết không, khi xưa nhiều người chủ-trương đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào! Mấy chục năm qua, Ngụy đã nhào Mỹ đã cút thế mà giờ đây có người từng đánh đuổi Mỹ lại cứ muốn … “cút” theo Mỹ!

Tôi bật cười nhưng kịp hãm khi thấy mặt mẹ sa sầm… Về Maryland, theo dự trù chúng tôi nghỉ ngơi ba ngày trước khi bay xuống Georgia và Texas. Nhưng chỉ mới qua đêm, buổi sáng mẹ buồn rầu đổi ý. Mẹ muốn về ngay Việt Nam. Tôi ngỡ ngàng. Nhưng tôi chợt hiểu ra. Câu trêu chọc của cậu đã chạm tự ái mẹ.”

Truyện kể thì như thế. Chẳng có ý tuyên-truyền chính-trị quốc/Cộng, cũng chẳng muốn phổ biến thói quen tôn sùng Đức Mẹ đến độ thờ lạy. Có nhớ, có lần bần đạo chợt nhận ra ca-từ ở bài hát mình vẫn cùng hát với cộng-đoàn tình-thương đến 60 năm trong đó có câu:

NĂM XƯA TRÊN CÂY SỒI
LÀNG FATIMA XA XÔI,
CÓ ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI
HIỆN RA UY LINH SÁNG CHÓI.
MẸ NHẮN NHỦ NGƯỜI ĐỜI
HÃY MAU ĂN NĂN ĐỀN BỒI,
HÃY TÔN SÙNG MẪU TÂM ,
HÃY NĂNG LẦN HỘT MÂN CÔI.
MẸ MARIA ƠI! CON VÂNG NGHE MẸ RỒI,
SỚM CHIỀU TỪ NAY THỐNG HỐI.
MẸ MARIA ƠI! XIN MẸ ĐOÁI THƯƠNG NHẬM LỜI
CHO NƯỚC VIỆT XINH TƯƠI,
ĐỨC TIN SÁNG NGỜI. 

Thôi, chết thật rồi, các cụ ạ! Xin gì không xin lại đi xin cho đất nước Việt Nam, ôi thôi! “đức tin sáng ngời” là thứ, là điều chỉ có Chúa mới cho thôi. Còn Đức Maria, dù là Mẹ Việt Nam hay Mẹ quốc tế, chỉ là Đấng hộ-phù, cầu bàu cùng Đức Chúa, mà thôi.
Nghĩ thế rồi, nay mời bạn mời tôi, ta cứ thế hiên ngang ngẩng đầu về phía trước, không phải để xin xỏ điều gì với Mẹ hiền rất Maria, mà để hát với lũ trẻ bài đồng ca mà rằng:

“Mai mốt em thành người trong xã hội.
Chức lớn sang giầu, nổi danh khắp nơi.
Em có đi chơi bằng xe hơi mới.
Xin chớ cán xe đạp của anh, bé ơi!
Xin chớ cán xe đạp của anh, bé ơi!
(Phạm Duy – bdd)

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn hát thật nhiều
Cho vui cuộc đời mình và đời người
Chứ không để xin xỏ, điều gì
Với một ai.  

No comments: