Saturday, 12 March 2016

“Hầy hô! Hây hồ! Ta đi vô vườn dừa,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thánh năm C 20/03/2016

“Hầy hô! Hây hồ!
Nhịp nhàng khoan thai bước khẽ
Đi trong mưa nhè nhẹ.
Hầy hô! Hây hồ! Hây hố!”
(Phạm Duy – Ngày mùa êm ru)
(1 Thessalônikê 5: 12-19)

Ít khi nào, bần đạo bầy tôi đây lại trích-dẫn hoặc trích-dịch những bài ca nghe rất “êm ru ngày mùa” như bài ở trên do nghệ-sĩ họ Phạm, sáng tác. Bài ca này, cứ hát đi hát lại mãi câu “Hầy hô!” với lại “Hây hồ!” suốt, chỉ mỗi nghe qua đã thấy oải.
Ấy là thế đấy! Có nghe đi/nghe lại cũng chỉ bấy nhiêu câu, rất ngày mùa như sau:

“Hầy hô! Hây hồ! Hấy hô!
Gà chuồng le te gáy rõ
Ta nghe ta đợi chờ…

Hầy hô! Hây hồ! Hấy hô!
Ngoảnh nhìn quanh ta vẫn nhớ,
Ôi êm ru ngày mùa…   

Hầy hô! Hây hồ! Hây hô hấy hô ngày mùa!
(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Ngày mùa có “êm ru” đến độ ca đi/hát mãi có mỗi câu như thế cũng chẳng thấy gì là êm và ru hết!
Thế nhưng, đời người có nhiều thứ cũng “êm-ru-bà-rù” nhưng lại ngán như cơm nếp nát, chẳng ai muốn ăn. Thật thế ư? Vâng. Không tin, xin quí chư huynh/chư đệ hay tỷ/muội ở ngoài đời hãy giúp giùm tìm hiểu thực/hư thế nào, rồi sẽ rõ.
Hôm nay, bầy tôi đây, chỉ muốn bàn chuyện nhà Đạo rất Công-giáo, thôi. Bàn chuyện đạo của người Công-giáo nhiều lúc suy đi/nghĩ lại, thấy cũng nản. Nản, nhưng vẫn xin bạn và tôi, ta cứ hạ hồi tính chuyện thích thú, còn bây giờ: hãy bàn chuyện gì có dính đến Đức Giáo Tông/Giáo-chủ, để xem sao. Hy-vọng sẽ êm ru không “bà rù” chút nào hết.
Chuyện Đức Giáo Tông với truyền-thông, có nhiều điều xem ra cứ bàn đi bàn lại, mãi không chán. Đúng thế, bạn ạ. Hết bàn rồi tán, lại còn tản-mạn những tin tức …mình về Đức Giáo Tông nhà Đạo mình, tưởng cũng được vài ba trang giấy, những viết và lách cho trọn một đời.
Chuyện Đức Giáo Tông, có gì mà ghê gớm thế?
Thôi thì, bạn và tôi, ta cứ từ từ tìm cách moi đầu/moi óc ra mà bàn suốt, rất như sau. Nhưng, trước hết và trên hết, là chuyện liên-quan đến hai ba vị Giáo chủ, đấy các cụ ạ.
Trước hết và trên hết, lại là chuyện mới xem ra, qua phỏng-vấn Đức Phanxicô ở đâu đó, trên máy bay hoặc với báo/đài của nước Ý xem ra cũng rất Đại-lợi, bởi bên cạnh đó lại có những chuyện bên lề, rất đáng bàn như sau:

“Trang mạng “Vatican Insider” của Ý cho biết: trong vòng 24 tiếng đồng-hồ sau khi công-bố phỏng-vấn, đã có hơn trăm bài báo và bình luận được đăng trên truyền-hình Trung Quốc. Trong bài xã-luận, Giám-đốc báo “Global Times”, nhật-báo tiếng Anh được xem như báo bán chính-thức của đảng Cộng-sản, cho rằng “thiện-chí của Đức Giáo hoàng góp phần làm dịu các quan-hệ giữa Trung-Quốc và Vatican.”

Báo Nhân-Dân khen ngợi sự khuyến-khích đối-thoại và kiến-tạo hoà-bình của Đức Phanxicô. Báo này có nhắc lại việc góp phần của Toà thánh trong quan-hệ ngoại-giao giữa Cuba và Hoa Kỳ. Báo này còn khẳng-định việc “xích lại gần nhau” giữa Trung Quốc và Vatican là điều mà nhiều người dân Trung quốc mong muốn”, nhưng cũng chận lại các người “chống-đối sợ rằng Vatican hy-sinh quyền-lực của họ.”

Một số người Công-giáo Trung quốc lo sợ kết-quả của việc “xích lại gần nhau” về ngoại-giao của Toàn thánh Vatican và Bắc Kinh là quá sớm, với cái giá phải trả là hy-sinh một số sự/việc, bắt đầu là việc tự-do tổ-chức Giáo-hội Trung quốc…” (Nguồn: cath.ch, Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển-dịch, phanxico.vn)

Có phản-ứng hay không phản-ứng, các sự-kiện mang tính chính-trị được lồng vào địa-hạt tôn-giáo, là chuyện “dài nhân dân tự-vệ” ở thời trước. Có tìm và hiểu hay không hiểu và tìm, thì các hệ-lụy rút từ công-bố chính-thức, mới là chuyện của ta và người, bàn đến hôm nay.
Chuyện của ta hôm nay, chỉ là “chuyện bên lề” gồm các tin (rất) tức ở nhiều nơi và của nhiều người. Tin (rất) tức …mình, lại vẫn là chuyện để ta ngồi buồn… bèn có đôi giòng chảy lai rai cho đỡ …ngứa cái miệng.
Và hôm nay, xin bạn và tôi, ta có đọc những giòng này hay không, cũng xin hai chữ bình-an, rồi đi vào sự việc rất “Đạo”, sau này. Nhưng, trước khi đi vào chi-tiết, cũng nên về lại với bài ca và nốt nhạc ghi trên, mà hát cho “êm ru ngày mùa” của Giáo-hội, là: hội của những người sống Đạo trong đời. Vậy, hãy cứ hát những lời rằng:

“Hầy hô! Hây hồ! Hây hô
Gà chuồng le te gáy rõ
Ta nghe đợi chờ…

Hầy hô! Hây Hồ! Hây hô!
Ngoảnh nhìn quanh ta vẫn nhớ
Ôi êm ru ngày mùa…

Hầy hô! Hây hồ! Hây hô…
Hầy hô! Hây hồ! Hây hô…
(Phạm Duy – bđd)

Vâng. Cứ ngoảnh lại mà nhìn quanh ta đi, sẽ thấy rất nhiều “sự” xảy ra không như mình tưởng hoặc nghĩ. Tức, những thứ và những sự rất “kể lể” như truyện kể ở bên dưới để “minh-hoạ” một lập-trường-sống vẫn nghe và vẫn nhìn theo cách con nhà có Đạo, ở đời thường, như sau:

“Truyện rằng:
Cô vốn là một người con gái xinh đẹp. “Vệ tinh” xung quanh cô nhiều không kể xiết, nhưng cô bỏ ngoài tai tất cả để chọn anh – một công nhân làm việc ở nhà máy, thu nhập còn không đủ cho 3 bữa ăn hàng ngày. Cô chấp nhận từ bỏ cả gia đình, thậm chí là công việc đầy tương lai của mình để cưới anh.
Sau khi kết hôn, anh và cô mượn được nhà kho của một người bạn, họ sắp xếp lại thành một tổ ấm giản dị. Mùa đông đến, căn nhà kho trống trải hút gió lại càng trở nên lạnh giá. Khi ấy chưa đủ tiền mua chăn, cô thường bị giật mình tỉnh dậy giữa đêm vì lạnh. Những lúc đó, anh chỉ biết ôm chặt cô vào lòng, dùng hơi ấm của cơ thể sưởi ấm cho cô.
Một ngày cô trở về nhà với vẻ mặt thất thần nhợt nhạt, anh lo lắng hỏi cô có phải bị bệnh rồi không? Cô chỉ mỉm cười nói: “Em hơi mệt thôi!” rồi hân hoan rút từ trong túi ra một tờ bạc nhét vào tay anh: “Chúng mình có tiền rồi anh ạ, mình đi mua một chiếc chăn thật ấm để đắp nhé.” Anh sững người ngạc nhiên nhìn tờ tiền trong tay cô, giọng run run: “Làm sao em lại có nhiều tiền vậy?” Cô vui vẻ kể lại cho anh tiền là do cô kiếm được khi đi phát tờ rơi. Cô phải đứng từ sáng đến tối mới được trả ngần ấy tiền. Nói rồi cô vội vàng kéo anh ra khỏi nhà, không cho anh hỏi thêm điều gì nữa. Họ mua môt cái chăn vừa tầm tiền. Từ đó, giữa đêm cô không còn bị giật mình thức giấc nữa.
Vài năm sau, anh tìm được công việc tốt hơn, rồi kiếm được nhiều tiền, tự mở công ty. Không bao lâu anh đã xây cho cô một ngôi nhà khang trang, mua ô tô cùng rất nhiều đồ dùng đắt tiền khác. Anh nói muốn dành cho cô một cuộc sống ấm no đầy đủ bù đắp lại những tháng ngày khó khăn vất vả trước đây. Cuộc sống bỗng vụt thay đổi khiến cô có phần bàng hoàng chưa kịp thích nghi với điều kiện mới.
Ngày chuyển nhà, anh bảo những đồ đạc cũ trong căn nhà kho của họ trước đây anh đều muốn vứt đi không giữ lại bất cứ cái gì. Nhưng cô khăng khăng nói muốn giữ lại cái chăn để đắp. Và rồi một thời gian dài nữa họ vẫn dùng cái chăn cũ ấy, giờ đây nó đã trở nên xù xì cũ kĩ, còn bị rách khá nhiều chỗ. Anh không ngừng phàn nàn với cô: “Thôi bỏ cái chăn cũ này đi em, mình có thể mua một cái chăn mới ấm áp và tốt hơn rất nhiều. Em xem cả nhà mình toàn những đồ đắt tiền, nhìn cái chăn cũ này trong nhà trông thật chướng mắt”. Nhưng cô vẫn cố chấp nhất quyết giữ lại cái chăn cũ ấy, vì chỉ khi đắp nó cô mới cảm thấy ấm áp và được che chở.
Một hôm, anh về nhà mang theo một cái chăn mới và nhất quyết bảo cô bỏ cái chăn cũ đi. Lần này dù không nỡ nhưng cô vẫn nghe theo lời anh. Từ đó, hàng đêm cô ngủ không còn ngon giấc nữa, trong lòng cô lúc nào cũng cảm thấy thấp thỏm lo lắng khiến cô lại không ngừng giật mình giữa đêm. Và mỗi lần tỉnh dậy như thế, hai mắt cô lại đầm đìa nước. Anh vốn không biết rằng để mua được cái chăn đó cô đã phải đi bán máu lấy tiền chứ không phải đi phát tờ rơi như cô nói với anh. Lần đầu tiên bán máu, biết bao đau đớn, cũng chỉ vì muốn có cái chăn này. Vậy mà anh lại nỡ vất bỏ nó. Cô dần cảm thấy anh không còn yêu cô như xưa nữa.
Một ngày anh có việc gấp phải ra ngoài, quên mang theo máy tính xách tay quen thuộc. Trên màn hình của anh vẫn hiện lên trang blog anh viết hàng ngày. Và cô bất chợt đọc được dòng chữ anh hình như mới viết không lâu.
“Ngày hôm ấy em từ đâu về khuôn mặt tái xanh nhợt nhạt khiến cho tôi lo lắng vô cùng. Rồi em nói em đi phát tờ rơi để mua chăn cho hai đứa. Tối hôm đó chúng tôi nằm ngủ ấm áp trong chiếc chăn mới, thấy em nằm cuộn tròn trong lòng tôi say trong giấc ngủ, tôi thương em biết bao. Đã bao đêm rồi em không được ngủ ngon đến vậy. Và rồi tình cờ tôi nhìn thấy trên tay em có một vết sưng nhỏ, dường như bị kim tiêm đâm vậy. Tôi bỗng hiểu ra tất cả. Hóa ra em nói dối tôi em đi phát tờ rơi, thực ra em đã đi bán máu để có tiền mua chăn, chỉ vì một cái chăn mà em đã phải khổ sở đau đớn đến vậy. Đêm đó tôi đã khóc vì thương em và cũng thầm hứa sẽ cố gắng làm việc, phấn đấu trở thành một người thành đạt, để có thể bù đắp lại những ngày tháng khốn khó này cho em. Và giờ đây tôi đã thực hiện được lời thề đó. Hôm qua tôi quyết định đến trạm hiến máu, tôi chỉ muốn cảm nhận một chút nỗi đau em từng trải qua. Khi chiếc kim tiêm đâm vào mạch máu, một cảm giác nhói buốt lan dọc khắp cơ thể. Nhưng tôi không thấy đau, ngược lại, rất hạnh phúc. Tôi lấy tiền bán máu và đi mua chiếc chăn mới này. Tôi muốn nó là món quà bất ngờ dành cho em…”
Nước mắt cô đã ướt đẫm tự độ nào. Hóa ra tình yêu của anh dành cho cô vẫn sâu đậm và lớn lao đến vậy. Mùa đông năm nay anh đã đổi máu của mình tặng cho cô chiếc chăn ấm, có lẽ đó cũng sẽ là chiếc chăn ấm áp nhất cô có trong đời…(Sưu tầm)

            Nên chăng áp dụng câu truyện trên vào trường hợp của các đấng bậc vị vọng trong đạo?
            Phải chăng, các cặp vợ chồng ngày nay vẫn sống đẹp như cặp phối-ngẫu trong truyện kể trên? Áp-dụng trường-hợp hành-xử của đấng bậc chốn chóp bu nhà Đạo, cũng thế ư? Cũng thế là thế nào? Phải chăng sự việc cũng đơn-sơ/chân-chất như nhiều người tưởng?
            Thôi thì, trước khi trả lời câu hỏi này, tưởng cũng nên về với vườn hoa thơm phức những lời vang đầy khuyến-dụ mà người đời gọi là Kinh Sách rất thánh, có những giòng như sau:

            Thưa anh chị em,
chúng tôi xin anh chị em hãy quý trọng
những ai đang vất vả vì anh chị em,
để lãnh đạo anh chị em nhân danh Chúa
và khuyên bảo anh em.
Hãy lấy tình bác ái mà hết lòng tôn kính những người ấy,
vì công việc họ làm.
Hãy sống hoà thuận với nhau…
hãy khuyên bảo người vô kỷ luật,
khích lệ kẻ nhút nhát,
nâng đỡ người yếu đuối,
và kiên nhẫn với mọi người.
Anh chị em hãy vui mừng luôn mãi
và cầu nguyện không ngừng.
Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.
Anh em hãy làm như vậy,
đó là điều Thiên Chúa muốn…”
(1 Thessalônikê 5: 12-19)

Chiếu lời vàng ở trên, nhiều bạn lại đến hỏi bần-đạo: phải chăng, đấng bậc ở chốn chóp bu nhà Đạo, đã từng thực-hiện lời dặn như thế, chứ? 
Hỏi những câu tương-tự, thì ai mà trả lời cho thoả-đáng, chứ! Vâng. Thay vì trả lời/trả vốn cho đúng cách/đúng sự thực, thiết tưởng ta cứ đi vào với lời bình (rất) luận hoặc nhận-định rất chuẩn của giới truyền-thông/báo chí, để rồi có lập-trường/nhân-sinh sao cho phải lẽ.
Vâng. Đúng như thế. Thôi thì, mời bạn và mời tôi, ta thử xét lời bàn của sử gia Vatican là Alberto Melloni từng phát-biểu về chuyến gặp mặt giữa hai đấng bậc chóp bu Công-giáo và Chính-thống Nga, sau đây:

“Alberto Melloni, một sử-gia chuyên về Vatican lại cũng biểu-lộ cho thấy, là: cuộc họp thượng-đỉnh ở Cuba hàm-ẩn ý-nghĩa của thứ địa-lý chính-trị, bởi lẽ cuộc họp mặt này lại diễn ra ngay vào lúc các nhà ngoại-giao tầm cỡ của Hoa-kỳ và châu Âu đang cùng nhau hợp-tác tính chuyện cách ly nước Nga khỏi vòng cương-toả của nước lớn. Giáo-hội Nga lại chặt-chẽ đặt mình cùng hàng với chính-phủ của nước này. Ông Melloni nói thêm: cuộc họp cấp cao với Giáo-hoàng Công-giáo chắc chắn phải có sự đồng-thuận của ông Putin. Chấp-thuận gặp gỡ, cho phép tổng thống nước Nga có được cung-cách khác-biệt mà ông có thể dùng đến hầu tránh khỏi mọi ly-gián. Với Putin, thì gặp gỡ như thế rất có lợi, bởi đây là thứ chính trị tùy thuộc địa lý/địa-hình của các nước.

Riêng Giáo Hoàng Phanxicô đã chứng tỏ mình là con người đầy tham-vọng, một diễn-viên ngoại-giao trên chính trường thế-giới. Ông giúp các nhà môi-giới bán-buôn có được sự hoà-giải giữa Hoa-kỳ và Cuba, và nhất thứ là ông lại đạt được sự tôn-kính từ ông Castro, tổng-thống Cuba. Đổi lại, ông Castro giúp giàn xếp các kế-hoạch gặp gỡ vào tuần tới.

Giáo Hoàng Phanxicô cũng thẳng-thắn tiến về phía trước để hoàn-thành một mục-đích khác mà lâu nay Vatican hằng trông ngóng, đó là việc tái-tạo các bang-giao quốc tế với Trung-Quốc. Giáo-hoàng Phanxicô từng cho biết ao-ước của ông muốn trở-thành vị Giáo-hoàng đầu tiên sang thăm nước Trung Hoa lục địa.

Tuần này, Giáo hoàng Phanxicô sẽ dùng cuộc phỏng-vấn với tờ Asia Times, một ấn-bản bằng tiếng Anh phát-hành tại Hồng Kông để chuyển-tải lời chúc mừng Năm mới Âm-lịch đến nước này và đưa ra lời trấn-an vốn dĩ bảo rằng: một nước Trung Hoa đang lớn mạnh không có nghĩa là đe-doạ cho ai hết.

Vị Giáo-hoàng này đã nói trong cuộc phỏng-vấn rằng: “Với tôi, Trung Quốc lâu nay vẫn là trọng-điểm của sự cao cả. Là một đất nước vĩ-đại; và hơn cả quốc-gia nữa, mà là một nền văn-hoá vĩ-đại có sự khôn-ngoan hiểu-biết rất vô-tận.” (X. Elisabetta Povoledo, Pope Francis set for historic meeting with leader of Russian Orthodox Chursh, New York Times 06/02/2016)

Xem xét thế rồi, nay ta cũng nên có giòng chảy lịch-sử về vai trò chóp bu trong Đạo, theo tầm nhìn của một số học-giả chuyên ngành, như sau:

“Khi đế quốc La Mã chinh-phục toàn thế-giới lúc ấy, giới ngoại-đạo đã triển-khai từ xứ miền Babylon lan rộng đến nhiều nước khác nhau và từ đó, hệ-thống đạo-giáo của La Mã cũng từ đó xuất-hiện với nhiều người. Điều này bao gồm cả ý-niệm cùng vai-trò của vị Trưởng-tế cao-cấp nhất mà người Âu Châu dùng cụm từ “Pontiff” là dựa vào tên tuổi của Pontifex Maximus. Thế nên, giới ngoại-đạo Babylon, lúc đầu được thể-hiện dưới triều vua Nimrod, sau này kết-hợp dưới quyền-uy thế-lực của một đấng trị vì là Julius Caesar. Khi ấy, vào năm 3 trước Công nguyên, là lúc Hoàng đế Julius Caesar đã chính-thức được coi là “Pontifex Maximus” của đạo-giáo bí-ẩn, nay thiết-lập tại Rôma.
Có điều lạ, là: vào thời Đức Giêsu đang rao giảng, người nghe Ngài giảng có mang đồng tiền kẽm khắc hình Hoàng đế Augustus Caesar (27-14 trước Công nguyên) đến cho Đức Giêsu coi, và Ngài hỏi: “Tiền này khắc hình ai thế? Và họ trả lời: hình Hoàng-đế Caesar…” (Mt 22: 17-22)

Các hoàng-đế La Mã (trong đó có cả Constantine thời sau này) đã tiếp tục duy-trì chức-năng của Trưởng-tế Pontifex Maximus mãi đến niên-biểu 376 khi Gratian vì các lý-do tôn-giáo đã từ chối nó. Ông ta coi danh-xưng và chức-năng này mang tính “ngẫu-thần” rất báng-bổ. Mãi cho đến khi ấy, Giám mục thành La Mã được nâng quyền-bính chính-trị và thanh-thế. Kết quả là, vào năm 378, Đức Giáo-hoàng Demasus, Giám-mục thành La Mã được bầu là Trưởng-tế tối cao, tức: Pontifex Maximus, là vị thượng-tế cao-cấp nhất của các quyền-lực thần-bí được chính-thức công-nhận.

Cũng từ đó, Rôma (tức: La Mã) đã được coi là thành-trì quan-trọng nhất trên thế-giới, và tín-hữu Đạo Chúa lại đã coi vị Giám-mục thành La Mã như “Giám-mục của các giám-mục” làm đầu Hội-thánh. Điều này gây ra tình-huống có một không hai trên thế-giới. Và, một người duy-nhất được coi là “Đấng làm đầu” của mọi tín-hữu cả Đạo Chúa lẫn giới ngoại-đạo. Đến khi ấy và vào các năm tiếp theo sau, giòng chảy ngoại-đạo và Đạo Chúa đã đan xen và cùng chảy với nhau và vào nhau tạo những gì được gọi là Hội thánh Công-giáo La Mã, dưới sự lãnh-đạo của vị Trưởng-tế cao-cấp nhất, mà ngày nay ta gọi là Đức Giáo Hoàng, hay Giáo-Chủ…” (X. Alexander Hislop, The Two Babylons, New York: Loizeaux Brothers 1959, tr. 207) 
             
            Nói thế tức bảo rằng: các tôn-giáo đều có gốc-nguồn từ ngoại-giáo ư? Có quá đáng lắm không? Có lẽ là không. Bởi đó là lịch sử hoặc dã-sử về các đạo-giáo cũng như Công giáo La Mã mình. Bởi, Đạo Chúa đâu do Đức Giêsu thiết-lập, nhưng lại xuất-phát từ Do-thái-giáo, rất Babylon. Babylon xưa, là nguồn-cội của nhiều Đạo đã biến-hoá và phát-triển khắp thế-giới theo chiều ngang/dọc và có thể cả chiều cao, cũng không chừng!
Có thể nói: dù muốn dù không, người người không thể chối bỏ lịch-sử ngàn năm văn-vật rất Babylon. Chí ít là chuyện Đạo và đặc-biệt là chuyện giữ Đạo và sống Đạo. Vấn-đề có thành hay không là hỏi rằng: dù ở hoàn-cảnh/môi-trường nào đi nữa, người ta –tức ta và người – đã và sẽ sống Đạo ra sao? Đạo ấy từ đâu đến? Do Ai? Và của Ai?
Hôm nay, nói thế không phải để chê-trách, cãi cọ chuyện này nọ, nhưng chỉ bảo nhau bằng ca-tư rất “êm ru” ở bài hát rất bên trên, rằng:

Hầy hô! Hây Hồ! Hây hô!
Ngoảnh nhìn quanh ta vẫn nhớ
Ôi êm ru ngày mùa…

Hầy hô! Hây hồ! Hây hô…
Hầy hô! Hây hồ! Hây hô…
(Phạm Duy – bđd)

Nhớ và hát thế rồi, hẳn tôi và bạn cũng sẽ không quên lời nhắc nhở của bậc thánh-hiền vẫn cương-quyết nhắc hoài và nhắc mãi những câu như:

“Hãy sống hoà thuận với nhau…
hãy khuyên bảo người vô kỷ luật,
khích lệ kẻ nhút nhát,
nâng đỡ người yếu đuối,
và kiên nhẫn với mọi người.
Anh chị em hãy vui mừng luôn mãi
và cầu nguyện không ngừng.
Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.
Anh em hãy làm như vậy,
đó là điều Thiên Chúa muốn…”
(1 Thessalônikê 5: 12-19)

Sống vui mừng, hoà-thuận mãi với mọi người. Hẳn, đó là lời khuyên và bàn rất muôn thuở.

Trần Ngọc Mười Hai
Nay chả dám khuyên
Chả dám bàn với những ai
ngoài chính mình mình, mà thôi.

No comments: