Saturday, 12 December 2015

“Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 4 Mùa Vọng năm C 20/12/2015

“Một mùa sao sáng đêm Noel Chúa sinh ra đời,”
Người hẹn cùng tôi: “Ngày về khi đất nước yên vui”.
Quỳ lại Mẹ MARIA, lòng Mẹ từ bi bao la.
Tấu khúc nhạc lên xin ơn trên ban cho nhà Nam.”
(Nguyễn Văn Đông – Mùa Sao Sáng)
(Cv 17: 11-12 )
            Đành rằng, khi viết giòng nhạc này, có thể người viết cũng từng nghe biết hoặc tin tưởng chuyện trăng sao soi sáng đêm đen dày đặc ngày Đức Giêsu giáng hạ làm người, nữa đấy.
            Đành rằng, người thường ở huyện, chí ít là huyện nhà rất Việt-Nam chẳng bao giờ đặt vấn-đề về sao sáng dẫn lối chỉ đường cho ba bốn vua/quan/đạo-sĩ ở đâu đó, kéo đến xứ sở nhỏ bé của Do-thái để mừng chúc với dâng quà cho Hài-nhi Chúa rất Giêsu.
            Đành rằng, các bổn đạo và kẻ tin vào sự việc Đức Chúa giáng-hạ-làm-người vẫn cứ tin và tưởng những chuyện sao băng/sao xẹt soi-sáng thôn-làng Bê Lem là chuyện rất “thật như đếm”. Nhưng, cũng nên thêm một lần để kể về các sự-kiện loanh quanh việc Thiên-Chúa Giáng-hạ, có đúng lịch sử hay không, cũng chưa biết.
            Nhưng trước khi đi vào chi tiết, tưởng cũng nên nghe thêm đôi ca-từ rất quen tai cứ nghe hoài nghe mãi ở trên đài hoặc dĩa nhựa, vi-tính rất trữ-tình như sau:

“Từ mùa Đông trước qua mùa Đông tiếp theo sau này.
Người bạn còn đi mà niềm tin vẫn thắm trên môi.
Giặc tràn về quê hương tôi, giặc diệt niềm tin Kitô.
Lớp lớp đàn chiên quyết sáng danh Chúa trên trời cao.

Đêm nay tôi nhớ người chưa trở lại, chênh chếch mùa sao lạc loài.
Ôi những mùa sao lẻ đôi.
Cho tôi thương nhớ mùa sao ngày nào, thương những mùa sao hồng đào.
Ôi những mùa sao cách xa.

Một mùa Đông giá hang Bê-Lem Chúa sinh ra đời.
Một trời đầy sao nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao.
Lạy Mẹ Đồng Trinh ban ơn, người Việt càng thương nhau hơn.
Đất nước này đây sáng đức tin Chúa trên trời cao.”
(Nguyễn Văn Đông – bđd)

            Nghe thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta đi vào phần biện-giải về những chuyện có nên hay không nên tin vào dụ-ngôn/truyện kể ở Sách thánh, để còn học hỏi thêm nhiều điều về sau. Cả về chuyện Hài-nhi Giêsu sinh ra trong “Hang Bê-Lêm” được “Ba bốn Vua/quan lãnh-chúa hoặc đạo-sĩ” ghé viếng, thực hư thế nào, hay chỉ mỗi thế này, mà thôi:

“Nếu hỏi rằng truyện Đức Giêsu sinh ra làm người có dính gì tới lịch-sử nhân-loại không? Thì xin trả lời rất ngắn gọn, như thế này:

Bằng vào cụm từ “Đức Giêsu Lịch Sử”, tôi có ý nói đến một người từng lữ-hành trên các đường đất gồ ghề đầy cát bụi, ở Galilê. Đức Giêsu lại cũng rong ruổi đường trường, từng ăn uống với nhiều người; và, Ngài lại đã giảng-dạy nhiều điều về Vương Quốc Nước Trời, nữa.

Cuối cùng, Ngài đã bị bắt và đem đi xử tử, đó là điều mà các nhà nghiên-cứu lâu nay từng xác-quyết một chứng-thực về Ngài, theo sử-tính.

Tuy nhiên, có một số truyện mà nhiều người từng nghe/biết về Đức Giêsu, lại thấy không có chút ánh sáng nào soi-rọi để ta có thể coi Ngài như Nhân-vật Lịch-sử trổi bật, hết.

Tôi muốn qui-chiếu các truyện về thời thơ-ấu và việc sinh-hạ Hài Nhi mà ta vẫn nghe biết vào mỗi dịp lễ trong đó có nhân-vật chính là Đức Maria và ông Giuse lại đã đặt Hài Nhi Giêsu nằm trong máng đựng cỏ dành cho bò lừa ăn. Hiện-trường diễn-tiến việc Đức Giêsu xuất hiện với đời thường còn có các mục-đồng chăn cừu, thêm các nhà thông-thái từ phương Đông đến, và cả đến thiên-thần tả/hữu vẫn ở quanh Ngài.

Truyện Đức Giêsu sinh hạ làm người, là một dụ-ngôn giả-tưởng mang tính-chất rất tôn-giáo, nếu ta muốn gọi thế cho gọn nhẹ. Riêng tôi, sẽ tìm cách trưng-dẫn các dấu-chỉ cho thấy điều này không có ý bảo rằng: những chuyện như thế không phải là không có giá trị.

Nhưng, điều tôi muốn nói ở đây, chỉ có ý bảo là: ta không nên hiểu các truyện kể như thế theo “từng chữ” có tính lịch-sử, đã minh xác. Đúng hơn, ta chỉ nên coi đó như khúc nhạc dạo đầu cho toàn-bộ vở nhạc-kịch diễn-tấu trên sân-khấu Broadway, NewYork mà thôi.

Nhạc dạo đầu, bao giờ cũng bắt kịp chủ-đề được trình-tấu mà các nghệ-sĩ diễn-tả cách trọn-vẹn ở tuồng kịch. Và ở đây, hai tác-giả Mát-thêu và Luca, lại đưa ra hai phiên-bản dị-biệt trong truyện Đức Giêsu chào đời. Bởi thế nên, nhạc “dạo đầu” bao giờ cũng khác nhau, ở nhiều chỗ.” (Xem Gs John Dominic Crossan, Giêsu Hỡi Ngài là Ai? Chương 2 nxb Phương Đông 2016)

            Bần-đạo nay nhân dịp nghe lại vài nhạc-bản Giáng-sinh rất đời, bèn thấy hoảng. Hoảng, vì thấy nghệ-sĩ ngoài đời cứ đặt nặng vào giòng chảy ướt-át, uỷ-mị rồi lôi kéo người nghe bằng những lời thêm thắt cho hấp-dẫn mà quên đi khía-cạnh chính-đáng, rất thật/hư. Rồi từ đó, đã vội kết tội, là: người Đạo Chúa cũng tin vào những chuyện dân-gian, thần-thoại không có thật.
            Người ngoài Đạo, lâu nay cứ bị mang tiếng là dị-đoan/mê-tín nhiều quá sức, nên đôi lúc cũng muốn quay ngược trở lại tố-cáo người Công-giáo cũng như vậy.
Hôm nay, bần đạo đây vốn thuộc giới thấp hèn còn ngu dốt nhiều về nhiều chuyện, không dám múa bút bon-chen chuyện cãi vã/đấu-tranh ở đời thường về chuyện tin rất mê, như mê-tín hoặc chuyện đoan chắc những chuyện di-kỳ, được gọi là dị-đoan. Nhưng, chỉ muốn ngồi buồn kể chuyện cho đám “trẻ người non dạ” có đầu óc tinh-thông khoa-học, không còn thiết-tha chuyện thần-học tu-đức nữa.
Vốn là dân ngu-muội nhiều thứ chuyện, nên bần-dạo vẫn phải chạy vạy tìm đến các đấng-bậc tinh-thông rất nhiều chuyện để giúp đỡ hầu suy-tư cho phải lẽ, đúng cách. Bởi thế nên, cũng cứ xin bạn bè người thân đọc những giòng này cứ là tha cho bần-đạo, thật biết ơn.
Nói xa nói gần, chi bằng nói thật về những tâm-tưởng của một số vị từng khuyến-cáo chức-sắc kẻ tin hãy cẩn-thận kẻo cũng bị mang tiếng là dị-đoan mê-tín rất nhiều điều.
Số là, cách nay không lâu bần-đạo đây được một bạn chí-thân “quẳng” cho cuốn sách nói về những chuyện bí-nhiệm nơi đạo-giáo xuất từ xứ miền Babylon, bên đó, có đầu đề là “Babylon Mystery Religion” cũng rất ngắn, nhưng lời lẽ lại chắc nịch như đinh đóng cột, như một với một là hai.
Nay không dám nói dài, nói dai và nói dở. Chỉ dám trích/dịch đôi ba đoạn để bầu bạn khắp nơi có cơ-hội giết thì-giờ rảnh-rỗi không biết làm gì, bèn nghĩ quanh nghĩ quẩn, thế thôi.
Rào đón thế rồi, nay lại mạo muội xin phép bà con cho bần-đạo được trích và dịch đoạn văn rất “nổi cộm” ít thấy trên thị-trường chữ-nghĩa, rất như sau:

“Đạo-giáo huyền-nhiệm của Babylon, lâu nay được mô-tả một cách đầy biểu-tượng ở sách Khải-huyền là sách cuối của Tân Ước có những giòng như sau: ‘tôi thấy một người đàn bà, ngồi trên một Con Thú đỏ thẫm, con Thú ấy mang đầy những danh-hiệu xúc-phạm đến Thiên Chúa, và có bảy đầu mười sừng. Người đàn bà mặc áo đỏ tía và đỏ thẫm, trang sức toàn bằng vàng, đá quý và ngọc trai, tay cầm một chén vàng đầy những thứ ghê tởm và ô uế, tức là sự gian dâm của nó. Trên trán nó, có viết một tên mang ý nghĩa huyền bí: "Babylon vĩ đại, mẹ đẻ ra các gái điếm và các thứ ghê tởm trên trần gian.” (Kh 17: 2-6)

Khi Kinh-thánh dùng ngôn-ngữ biểu-tượng chẳng hạn như, ở đây là cụm-từ “người đàn-bà”, thì ta hiểu rằng tự-vựng ấy biểu-trưng cho Hội-thánh của chúng ta. Ở một số các đoạn sách khác như Êph 5: 27, Kh 19: 7, 8, Hội-thánh thực của ta, lại rất giống các nàng trinh-nữ, các cô dâu không tì-tích, hoặc phụ-nữ không một vết nhơ.

Còn,  sách Khải-huyền đây, lại đưa ra ảnh-hình phản-chống, đối-chọi lại Hội-thánh thực-thụ khi nói đến “người đàn bà” ở trong Sách, là nói về người nữ-phụ nhơ-uế/không trong-sạch, một gái điếm.

Và, nếu là điều đúng đắn để gán-ghép lối biểu-trưng này cho một hệ-thống nào đó của Giáo-hội, thì rõ-ràng là tác-giả Gioan Tin Mừng muốn nói đến một Giáo-hội ô-uế từng ngã-gục, mà thôi. Và, Sách thánh gọi đó là Đạo huyền-nhiệm của Babylon.

Khi tác-giả Gioan Tin Mừng viết lên sách KHải-huyền, thì Babylon, một thành-phố, khi ấy đã bị tàn-phá chỉ còn là đống gạch vụn, như các ngôn-sứ ở Sách Cựu Ước đã nói tiên-tri về một Babylon rất đạo-giáo. Và, cho dẫu thành-phố Babylon từng bị huỷ-diệt đi nữa, thì các ý-niệm và tập-tục trong Đạo phát-xuất từ Babylon vẫn tiếp-tục tồn-tại và được truyền-lan sang nhiều nước trên thế-giới như một đạo-giáo tốt đẹp.

Thành ra, vấn-đề là hỏi rằng: đạo-giáo xuất tự Babylon, là đạo nào? Đạo đây, khởi đầu ra sao? Với thời hiện-đại, sự việc như thế có nghĩa gì với người thời-đại? Việc ấy có gắn chặt vào với những gì được mô-tả ở sách Khải-huyền do tác-giả nọ được gán cho ông Gioan Tin Mừng không?

Ngược trở về với quá-khứ, chỉ ít lâu sau ngày “Đại Hồng Thủy” xảy đến, thì mọi người đã bắt đầu chuyển từ các vùng đất phía Đông và rồi đi về vùng đồng bằng được gọi là “vùng đất Shinar, rồi định-cư tại đó.’ (Stk 11:2). Và cũng chính trên phần đất Shinar này, thành-phố Babylon được dựng-xây, sau trở thành đất nước Babylonia hoặc về sau còn gọi là Miền Tiểu Á...

Dựa trên các kết-luận rút từ nhiều nguồn thông-tin dẫn đến ta ở lịch-sử, truyền-thuyết và huyền-thoại, tác-giả Alexander Hislop đã ghi xuống từng chi-tiết cách-thức đạo-giáo của Babylon đã triển-khai ngang qua nhiều truyền-thống dân-gian trong đó có kể về thần Nimrod, về người vợ phàm-nhân của ông là Semiramis và người con trai của họ là phân nửa thần có tên là Tammuz…

Người mẹ của thần Tammuz có lẽ cũng đã nghe được lời tiên-tri đoán trước việc Đấng Thiên-Sai được sinh-hạ từ một nữ-phụ (Stk 3: 15), bởi sự thật về chuyện này được mọi người biết từ thời nguyên-sơ. Nên, bà mẹ Tammuz cho rằng con trai bà được thụ-thai một cách siêu-nhiên và con của bà từng là hạt-nhân chính-yếu đã được hứa ban, sẽ trở thành “Đấng Cứu Chuộc”. Và đạo-giáo này cứ thế lan rộng, đến độ người người thời bấy giờ không chỉ phụng-thờ Người Con là Đấng Cứu-độ thôi, mà cả người mẹ sinh hạ ra ngài nữa…

Kịp đến lúc, Đạo Chúa đã đến phải giáp mặt với đạo “ngoài luồng” của Babylon theo nhiều hình-thức nhau do Đế-quốc La Mã thiết-lập. Kitô-hữu thời Giáo-hội tiên-khởi đã chối-bỏ bất cứ thứ gì có liên-quan đến tập-tục và niềm tin của đạo. Từ đó, dẫn đến nhiều cuộc quẫn-bức, bách-hại những ai tin-tưởng vào Đạo của Chúa. Nhiều tín-hữu bị kết-án tử và bị ném cho thú dữ ăn thịt, hoặc đốt xác làm đuốc sống và/hoặc nhiều cách dã-man khác, cho đến chết.

Kể từ khi, hoàng-đế La Mã tuyên-bố hồi-hướng trở về với Đạo Chúa, mọi cuộc bách-hại được lệnh chấm dứt. Các giám-mục được tôn-trọng và kính-nể. Giáo-hội bắt đầu được chính-thức công-nhận và ban cho quyền-lực trải rộng trên khắp thế-giới. Nhưng, để được như thế, Đạo Chúa đã phải giá rất đắt và cũng phải nhượng-bộ rất nhiều thứ với ngoại-giáo. Và cuối cùng, thay vì Giáo-hội tách rời khỏi thế-giới trần-tục, lại trở nên thành-phần của thế-giới ấy...

Cũng từ ngày đó trở đi, đã có sự lẫn lộn/hoà trộn giữa Đạo của Chúa và ngoại-giáo cũng rất nhiều, chí ít là tại Rôma. Và cũng từ đó, đạo của ta trở-thành Giáo-hội Công-giáo La Mã. Dĩ nhiên, có rất nhiều điều chứng-tỏ người đi Đạo của ta rất thánh-thiện, và sốt-sắng đạo-hạnh, nhưng ta cũng không thể nào bài-bác hoặc chối-bỏ gốc-gác mang tính-cách rất dân ngoại, có từ thời này…” (Xem Ralph Woodrow, Babylon-Source of Falso Religion, Ralph Woodrow Evangelistic Association 1966, 1981 edition tr. 7-12)    
 
            Trích và dịch các đoạn văn ấy rồi, nay xin thay-đổi bầu khí bằng cách mời bạn và mời tôi ta lại ngâm nga hát nhạc đời có những ca-từ về Đạo-giáo cũng như sau:
   
“Một mùa sao sáng
ôi mùa sao chói chang muôn đời.
Vạn lời truyền rao
nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao.
Lạy Mẹ Đồng Trinh ban ơn,
người Việt cùng thương nhau hơn.
Đất nước này đây
sáng đức tin Chúa trên trời cao.”
(Nguyễn Văn Đông – bđd)

Thế đó là chuyện Đạo ở trong đời. Chuyện Đạo ở đây, có thể là chuyện đạo-đức, đạo-hạnh và có lẽ cũng rất cương-thường đạo-lý của đời người, dành cho người đời.
Lại có câu chuyện không mang tính đạo-mạo hoặc đạo nghĩa của đạo-giáo nào hết, nhưng vẫn là chuyện rất đạo cốt để giúp mọi người sống tốt đạo làm người, như sau:  

“Lúc còn là một thiếu niên, một lần, tôi được cha dẫn đi xem xiếc. Khi nhập vào hàng người đang xếp dài trước quầy vé, tôi chú ý đến một gia đình đứng ngay trước chúng tôi. Họ có đến những 8 đứa trẻ mà đứa lớn nhất có lẽ chưa đến 12 tuổi. Nhìn dáng vẻ những đứa bé ấy có thể đoán được gia đình chúng không giàu có.

Quần áo chúng không phải loại đắt tiền nhưng sạch sẽ và tươm tất. Và đó là những đứa trẻ biết cách cư xử. Cứ nhìn cái cách từng 2 đứa một nắm tay nhau xếp hàng sau bố mẹ chúng thì rõ. Chúng nói huyên thuyên một cách đầy phấn khích về những chú hề, những con voi và những trò xiếc khác mà chúng sẽ được xem tối nay. Rõ ràng chúng chưa từng đến rạp xiếc bao giờ. Buổi tối ngày hôm nay thật sự rất đặc biệt với cả 8 đứa trẻ ấy.

Cha mẹ chúng đang đứng ở đầu hàng với vẻ mặt hãnh diện nhất mà họ có thể. Người phụ nữ nắm lấy tay chồng, nhìn ông một cách dịu dàng. Ngay lúc ấy, người bán vé ngẩng lên và hỏi người đàn ông số vé ông ta cần. Người đàn ông trả lời đầy hứng khởi: “Cho tôi 8 vé trẻ con, 2 vé người lớn để tôi có thể dẫn cả nhà mình vào xem xiếc.”

Nhưng, khi người bán vé báo giá của 10 chiếc vé, bàn tay người vợ đột ngột rời khỏi tay chồng, đầu bà ta gục xuống. Mặt người đàn ông hơi tái đi. Ông ta tiến lại quầy vé gần hơn và hỏi : “Anh nói giá bao nhiêu?”

Người bán vé bình thản lập lại giá của 10 chiếc vé, nhưng người đàn ông không có đủ tiền. Làm sao ông ta có thể quay lại và bảo với 8 đứa con của mình rằng ông ấy không đủ tiền để dẫn chúng vào xem xiếc?

Chứng kiến tất cả những gì xảy ra, cha tôi lặng lẽ lấy từ trong túi ra tờ 20 đô và thả xuống đất. Sau đó, ông cúi xuống nhặt lên và vỗ vai người đàn ông, nói rất tự nhiên: “Xin lỗi, thưa ông, cái này vừa rơi ra từ túi ông”.

Người đàn ông hiểu những gì đang diễn ra. Ông không cầu xin của bố thí nhưng rõ ràng ông có thể đoán đây là sự giúp đỡ trong một tình huống ngặt nghèo. Bối rối trong giây lát rồi ông ấy nhìn thẳng vào mắt cha tôi, chụp lấy tay cha bằng cả hai bàn tay như muốn vắt kiệt tờ 20 đô, một giọt nước mắt rơi lặng lẽ xuống má, đôi môi mấp máy một cách khó khăn:
-Cảm ơn, cảm ơn ông rất nhiều. Điều này thật sự ý nghĩa với gia đình tôi lúc này.

Sau khi nhìn cả gia đình người đàn ông khuất sau cánh cổng rạp xiếc, tôi và cha đón xe buýt về nhà, đơn giản bởi vì số tiền còn lại trong túi cha không đủ để mua vé cho hai cha con. Thật sự thì chúng tôi cũng chẳng dư dả gì! Nhưng tôi không hề giận cha. Những gì cha đã làm lúc đó đáng giá hơn cả ngàn buổi xem xiếc.” (truyện kể về đạo làm người trên mạng vi-tính, cũng rất đạo)

Sống theo lẽ đạo làm người ở đời, không hẳn là “chuyện nhỏ” dễ làm hoặc dễ nhớ để làm. Làm cho người và cho chính mình. Trong đời người, cũng có những lúc, những thời mà người đời thường vẫn cứ quên sót. Quên chuyện chính, mà chỉ nghĩ chuyện phụ.
Cũng hệt thế, có những lúc, những buổi mình và người cứ đọc Kinh Sách hay kinh kệ, chỉ lấy lệ, cốt cho qua. Hoặc, đọc rất nhiều nhưng chỉ theo thói quen tốt và lành. Cũng có lúc người mình kể về chuyện Đạo rất hay mà chẳng hiểu được ý người viết dụ-ngôn/truyện kể muốn nói gì, huống chi là Lời Chúa, rất dễ hiểu.
Sống theo lẽ Đạo của người đi Đạo, nhiều lúc cũng không khác mấy. Sống và giữ Đạo, chừng như người và mình vẫn chỉ như sống sao đó để chứng-tỏ là mình thuộc Đạo gốc, đạo “ròng” mà quên mất rằng mình chỉ đi Đạo lòng vòng, có thế thôi.
Nói xa nói gần chi bằng nói rất thật bằng câu ca, truyện kể cũng đáng nể, để khỏi quên. Nói và kể bằng những lời hoặc câu chuyện kể rất “tếu”.

“Truyện rằng:
Có ông thói bói không mù nhưng chuyên nói những chuyện rất thật, trên đời cho một người đàn ông đến hội ý với ông ta rằng:
-Nửa phần đầu của cuộc đời, ông sẽ phải khổ tâm rất nhiều vì thiếu tiền bạc/của cải hoặc những gì mình ước-muốn, nhưng sau đó, ông sẽ đỡ hơn nhiều.
-Ơ kìa, tại sao thế? Có phải vì tôi sẽ kiếm ra được nhiều tiền và giữ mãi của cải mình kiếm được, không thầy?
-Không phải thế đâu! Chỉ vì, ông sẽ quen với việc ấy thôi….”

            Cũng có thể, nhiều người nghe kể như thế, sẽ không đồng ý cho lắm. Bởi, trên thực-tế, làm gì có thầy bói mù hay bói “mu rùa” nào lại tuyên-bố với thân-chủ mình những chuyện như thế.
            Cũng có thể, đó chỉ là truyện kể để bầu bạn nghe cho vui, rồi minh-hoạ cho những điều mình chứng-xác với người khác hoặc quyết-tâm với chính mình.
            Cũng có thể, đây chỉ là chuyện đời thường chỉ để dẫn đưa bạn và tôi đi vào với lời vàng do bậc thánh-hiền xưa nay, từng xác-quyết về việc tiếp-cận Lời Chúa, như sau:

Những người Do-thái ở đây cởi mở
hơn những người ở Thessalônikê:
họ đón nhận lời Chúa với lòng nhiệt tâm,
ngày ngày tra cứu Sách Thánh
để xem có đúng như vậy không.
Và nhiều người trong nhóm họ tin theo;
về phía người Hy-lạp,
cũng có nhiều phụ nữ thượng lưu
và nhiều đàn ông cũng tin theo như thế.”
(Cv 17: 11-12)

Xác-quyết thế rồi, nay mời bạn và tôi, ta cứ hiên ngang hước thẳng về phía trước. Để rồi, quyết sẽ làm như lời dặn ở trên. Hiên-ngang thực-hiện điều tốt-lành ngang qua lời ca, tiếng hát vẫn nhủ rằng:

“Một mùa sao sáng
ôi mùa sao chói chang muôn đời.
Vạn lời truyền rao
nghìn hào quang chiếu sáng ngôi cao.
Lạy Mẹ Đồng Trinh ban ơn,
người Việt cùng thương nhau hơn.
Đất nước này đây
sáng đức tin Chúa trên trời cao.”
(Nguyễn Văn Đông – bđd)

Nghệ-sĩ đời, mà còn viết và hát được như thế, sao ta lại không làm như thế? Vậy thì, hỡi bạn và tôi, ta hãy hát những lời tương-tự, để rồi “Người Việt cùng thương nhau hơn, sáng đức tin Chúa trên trời cao!”
“Sáng đây”, không chỉ mỗi đức tin rất trừu-tượng hay tưởng-tượng. Mà, còn sáng cả tâm-tình thương-yêu nhau, hơn bao giờ hết. Rất Giáng Sinh.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn mừng Giáng Sinh
Trong tâm-tình sáng láng
Nhiều hơn sao.

No comments: