Saturday, 10 October 2015

“Tình là một truyện muôn màu”,




Chuyện Phiếm đọc trong tuần 29 thường niên Năm B 18/10/2015

“Tình là một truyện muôn màu”,
Tình là mình hạnh phúc thật mau
Tình là một bài thơ sầu
Tình là một niềm nhớ thương nhau.”
(Văn Phụng – Tình)

(Phil 1: 7-10)

“Là bài thơ sầu”, “là mình thành nhớ thương nhau”, sao? Phải chăng, đó là thứ “Tình” của người mình, còn đó rất nhớ thương? Trả lời câu ở trên, bần đạo xin thưa như thế này:
            Hồi còn nhỏ, bần đạo thích được các anh chị dắt đi phố Lê Lợi Sàigòn và cứ dừng lại xem chàng trai nọ đứng ở góc phố cứ chìa 3 cây bài “Tây-Đầm-Xì” tráo qua/tráo lại rất nhanh rồi đố người đi đường xem cây “Xì Cơ” trốn đâu rồi? Bần đạo đây, nghĩ mình tinh mắt bèn chỉ vào chỗ nó vừa hiện rõ mồn một, nhưng khi chàng trai lật cây bài ra xem, mới thấy trật-lấc, thế mới chết.
Kịp khi lớn lên, bần đạo lại cũng gặp một tay ảo-thuật sừng sỏ khác, là Lm Tiến Lộc CSsR chuyên làm trò tiểu xảo, cũng chìa ra cho mọi người xem nguyên bộ bài “cào”, xào qua/xào lại rồi bảo bé em gần đó rút bất cứ cây nào đưa cho ông để bỏ vào giữa. Bần đạo khi ấy lại thấy có em bé rút được cây “Xì cơ” rồi lật úp đưa cho nhà ảo-thuật tìm. Chẳng biết ảo-thuật-gia Tiến Lộc xào xáo thế nào rồi chìa cho người rút đúng cây bài giấu kín, là cây “Xì cơ” có trái tim cũng rất tình.
Kể chuyện trên, bần đạo muốn nói lên rằng: “Tình người” đầy trữ-tình gồm tóm nơi cây “Xì cơ” dù có là “chuyện muôn mầu”, “thơ sầu”, hoặc bài cào sao đó, vẫn là chuyện của người đời, rất mọi thời.
Kể thế rồi, nay bần đạo đây lại mời bạn/mời tôi, ta nghe tiếp câu hát khác, lại vẫn bảo:

“Tình đẹp tựa mùa thu vàng,
Tình mình nhiều mộng ước miên man.
Tình là một chuyện huy hoàng,
Tình mình là thành nhớ hoang mang.
Yêu nhau khi xuân tươi thắm,
Yêu nhau trong tiếng ca tiếng đàn.
Yêu nhau trong muôn tia nắng,
Yêu nhau trong ánh trăng mơ màng.
Yêu nhau khi sương thu rơi,
Yêu nhau khi hoa lá xanh tươi.
Yêu nhau khi mưa đông rơi,
Yêu nhau Yêu nhau mãi suốt đời.”
(Văn Phụng – bđd)

Có là chuyện gì đi nữa, thì “Tình Người” vẫn là thứ tình đời lúc này lúc khác, rất khác biệt. Có lúc, nó là tình-tự giữa hai người, mà thôi. Có khi, nó lại là thứ tình-tiết của hết mọi người, gửi đến muôn người. Có lần, nó lại là thứ tình phải có như người nhà Đạo vẫn bảo con dân dưới trướng, ở muôn nơi.
Là tình Đạo hay tình đời, cũng vẫn là giòng chảy tình người ở dưới thế, khác với tình của động/thực-vật xinh tươi, bền muôn kiếp.
Tình nhà Đạo hôm nay, gặp lúc có nhiều người thắc mắc hỏi han, để bề trên truyền-tải một định-nghĩa khá chắc nịch.
Nói về “tình muôn mầu” ở nhà Đạo, vừa qua bần đạo lại hân-hạnh được “dự giờ” buổi học tập/bàn luận về chi-tiết nghe hơi lạ. Nay, ghi lại đôi giòng để bạn và tôi, ta san sẻ cho nhau. Sẻ san, bằng những câu/những lời lẽ nghe mãi vẫn không quên/không chán. Chán và quên sao được, khi câu chuyện này lại liên-quan đến mọi người và chính mình.
Thế nên, trước khi đi vào chi-tiết về những tình-tự, mời bạn/mời tôi, ta thử bước vào vườn hoa truyện kể để minh-hoạ, cho nhẹ nhõm.

Truyện rằng:

            Đệ tử đi một lúc lại quay lại hỏi Sư Phụ
"Một người đang có bà vợ xinh đẹp, nay bảo người ấy nhường vợ lại cho con có được không?"
Sư phụ trả lời "Không được!"
Đệ tử: "Tại sao?"
Sư phụ: "Vi` nếu được thì ta đã xin nhường trước rồi".
Đệ tử chới với: "Vậy thì` phải làm sao?"
Sư Phụ điềm tĩnh nói "Con hãy kiếm một cô trinh nữ xinh đẹp hơn để xin hoán chuyển với vợ ông ta."
Đệ tử suy nghĩ một lúc rồi nói "NO, NO, NO...Bộ tui ngu sao sư phụ?"
Sư phụ: "Thê' thi` mày là Sư Phụ tao rồi. Dẹp đi con!"
            Truyện kể rồi, nay ta đi vào vấn-đề chính là “Tình” của con người trong đó có phần diễn ý như sau:

“Về lịch-sử, và trên thực-tế vẫn thế, giòng đời nhân-loại thấy biến-hoá thứ tình người diễn-biến giữa hai nhân-vật mà Tạo-hoá đã tác-thành, là tình mẹ cha, tức tình mẫu tử và phụ-tử.

Dựa trên nền-tảng này, nhiều nền văn-minh/văn-hoá khác nhau lại đã dựng-xây đời người ở trong đó. Đây, không là chuyện ngẫu-nhiên, huyễn-hoặc mà là cung-cách thực-thụ mà thiên-nhân/vạn-vật đã tìm thấy cho chính nó. Chính phát-xuất tự thứ tình khác-biệt của mẹ cha, mà sự sống của trẻ nhỏ đã xuất-phát và san-sẻ.

Rồi từ đó, tình người phát-triển liên-hồi biến thành thứ tình khác phái này nọ nơi cung lòng của con người ở mỗi phía. Chính từ đây, nảy sinh sự khác-biệt và/hoặc tương-tự ở con người. Là người, mỗi phái-tính hoặc mỗi phía/mỗi bên đều giống nhau vì cùng là con người và cũng khác-biệt nhau qua tư-cách của con người.

Trước nhất, con người tăng-trưởng là do tình người thân-thương nơi tính-chất giống nhau, rất tương-tự về phái-tính, tức thứ tình cùng phái vẫn là chuyện tự-nhiên khi con người thương yêu/mến mộ nhau vì thấy người khác lại cũng giống như mình. Và rồi, theo bản-năng, lại cũng ghét bỏ các khiá-cạnh nào đó khác-biệt mình.

Thành thử, ngay từ buổi đầu đã thấy xuất-hiện sự thể các người anh/người chị một phần nào được xã-hội-hoá cả về tình thương. Con người thời đầu sống theo đoàn-lũ/đám đông, và rồi đoàn ấy lại giết đi vị lãnh-tụ (tức bậc cha/chú) để thay thế. Rồi từ đó, phóng ngoại thuyết tự kỷ của Narcisse chuyên chiêm ngắm nét đẹp của bản thân. Chỉ vào thời sau này, trong lịch-sử nhân-loại, mới có mối tình giữa người khác phái, đã trồi lên. Ở tình này, hàm-ẩn thứ tình-tự mà tiếng Đức gọi là “Aufhebung” (tức tình đậm sâu) xuất khỏi tình tự-kỷ rất Narcisse.

Tình khác phái, lại mới mẻ và chế-ngự thứ tình cùng phái tính, Nhưng, vẫn không hoàn-toàn loại bỏ nhau, dù nhiều người có cảm-giác là mình từng có hoặc phải làm như thế. Đây là thứ tình nào đó cần diễn-tả cho đủ sắc-thái, rất mỹ-miều.

Từ đó đã thấy rằng: Tình gia-đình như ta biết, chỉ phát-triển vào giai-đoạn muộn-màng từ “tình người khác phái” vốn phát-triển cũng khá chậm. Thành thử, tình mẹ/cha cũng như tình mẫu tử và phụ-tử đều ra như thế. Muốn hiểu biết về tình này, cần hiểu rõ tình phu-phụ là tình có cam-đoam/cam-kết sống cả đời. Đây, là cung-cách để ta tiếp-cận những gì khác-biệt với ta, vượt quá cuộc sống ngắn-ngủi của con người. Điều này còn có nghĩa: đây là phương-cách giúp ta giáp mặt được sự chết cũng như sự sống, rất khác-biệt.” (Xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Between two wars, Australian Catholic University Workshop 22/8/2015, tr. 6)

Cuối cùng thì, có đồng ý hay không với thứ “Tình” muôn mầu/muôn sắc rất con người như thế không có nghĩa là: con người của ta sẽ cứ trẻ mãi/không già. Thế nên, lại có thắc-mắc những hỏi rằng “Tình người”còn giữ mãi muôn mầu/muôn sắc hay không, khi về già? Đó là đại-ý của nhận-định ở bên dưới, vốn dĩ cho thấy các sắc mầu thực-thụ của tình người khi về già như sau:

“Khi ta già, không phải già về hình dáng, tuổi tác mà già về nhận thức. Ta dần dần vô cảm với những vui buồn của cuộc sống, với những cuộc gặp gỡ, chia tay vì ta nhận ra đó là những vô thường của cuộc đời, thoáng đến rồi thoáng đi!
Khi ta già, ta không còn những ham muốn của trẻ con, thay vì muốn nổi trội, muốn người khác công nhận thì ta lại muốn tự mình thừa nhận chính mình!
Khi ta già,ta không còn thích so sánh mình với những người khác vì ta hiểu mỗi người luôn có những ưu, khuyết điểm khác nhau, ta sống thật với những suy nhĩ, cảm xúc của mình vì ta hiểu chỉ có ta mới biết ta muốn gì và ta cần gì trong cuộc sống này.
Khi ta già, ta không còn thích chạy theo những mối tình chóng đến, chóng đi, ta luôn muốn tìm một ai đó hiểu mình, một bàn tay luôn nắm lấy tay ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Khi ta già, ta không còn dùng từ ‘nếu mà, giá mà...’ vì ta hiểu có những thứ trong cuộc sống đã xảy ra thì không thể quay ngược thời gian lại, và ta phải chấp nhận, đối mặt với nó.
Khi ta già, ta không còn thích tranh luận vì những quan điểm sống khác nhau, vì ta hiểu mỗi người luôn có một đời để sống, ai cũng có quyền chọn lựa và đi những con đường khác nhau, chỉ cần mỗi chúng ta phải có trách nhiệm  với những gì chúng ta đã chọn và con đường đó không gây ảnh hưởng xấu tới ai.
Khi ta già, ta không nên vội đánh giá một người là xấu hay tốt, đúng hay sai, mà ta hiểu trước tiên là phải nhìn lại mình đã tốt hay chưa, đặt mình vào hoàn cảnh người khác, và ta nên nghĩ ta có quyền phê bình người khác hay không khi mà bản thân ta chưa thật sự tốt?
Khi ta già, nhìn thấy những lỗi lầm của người khác, ta không còn chê trách, chế diễu mà cảm thấy thương họ nhiều hơn và luôn muốn tìm cách giúp họ chuộc lại lỗi lầm. Và chính họ là những là những tấm gương giúp chúng ta phản chiếu, cảnh tỉnh lại chính mình!
Khi ta già, ta chợt nhận ra ý nghĩa của những cuộc gặp gỡ, chia tay, những mất mát, thất bại, thành công trong cuộc sống đều có ý nghĩa riêng của nó!
Khi ta già, ta càng nhớ về quá khứ, trân trọng những kỷ niệm đẹp mà ta đã có, những tình thương yêu mà người khác dành tặng cho ta, ta chợt nhận ra  đã có một thời  vụn vặt, trẻ con; nhìn lại những nỗi buồn với tâm trạng bình thản hơn.
Khi ta già, ta không còn dùng những từ ‘để mai nhé, để sau này’ vì ta hiểu cuộc sống nay không ai biết trước những gì mà ngày mai sẽ xảy ra, và ta sẽ trân trọng hơn những giây phút của hiện tại.
Khi ta già, ta không còn hứa nhiều như trước và không nên hứa khi ta chưa chắc đã giữ được lời hứa đó hay không vì ta hiểu mỗi lời hứa có thể mang lại hy vọng, niềm vui cho ai đó cũng như những nỗi buồn, thất vọng cho họ nếu những lời hứa không được thực hiện.
Khi ta già, ta chợt thấy bình yên khi nhìn nụ cười trẻ thơ,vẻ đẹp trong sáng mà một thời ta cũng vậy. Ta thích ngắm nhìn ngày mới lớn lên, những giọt sương đọng lại trên lá, những bông hoa mới nở, những tia nắng nhạt dần khi hoàng hôn buông xuống.
Khi ta già, ta thầm cám ơn những gì cuộc sống ban tặng cho ta, tình cảm thiêng liêng của gia đình, bạn bè, những người luôn nâng đỡ ta vượt qua những chông chênh của cuộc đời; những thất bại, khó khăn làm ta ngày một trưởng thành. Những người cần sự giúp đỡ của ta giúp ta thấy cuộc sống mình ngày càng ý nghĩa hơn!
Và khi ta thật sự già, ta biết rằng hạnh phúc là cho đi chứ không phải là nhận; yêu thương một ai đó là làm cho họ hạnh phúc, không phải là chiếm hữu. Ta nhận ra mỗi con người đều có những lỗi lầm riêng của mình. Và ta hiểu, tha thứ, khoan dung cho người khác cũng chính là tha thứ, khoan dung cho chính mình. Ta yêu hơn cuộc sống này, yêu thương mọi người cũng như yêu thương chính bản thân ta.”

Như thế là, già đâu không biết, chỉ biết có một điều, rằng: tình người, tình ta và tình của mọi người đối với nhau, sẽ không bao giờ già cả. Đó, là ý-tứ trổi-bật được người viết nhạc, ghi lại những giòng chảy đầy thương yêu rất hết tình, như ở dưới:
  
“Tình là một chuyện âu sầu
Tình là mình nhiều nỗi thương đau
Tình là một chuyện chia lìa
Tình là mình thổn thức -dêm khuya
Tình đẹp tưạ mùa thu vàng
Tình là mình lệ ướt rơi tuôn
Tình là một chuyện đau lòng
Tình là mình mỏi mắt chờ trông

Yêu nhau chi cho thương nhớ
Yêu nhau chi khiến đôi mắt mờ
Yêu nhau sao không đi tới
Yêu nhau sao đã quên nhau rồi
Yêu nhau chi cho tan mơ
Yêu nhau chi cho mắt hoen mờ
Yêu nhau chi cho thương đau
Yêu nhau chi cho mãi âu sầu.”
(Văn Phụng – Tình)

Tình người, thật ra cũng chẳng “âu sầu mãi” đâu. Bởi, khi đã “yêu nhau (rồi) sao (ta lại) không đi tới?”. Và, khi đã “yêu nhau (rồi) sao (cứ) quên mau?” Phải chăng, là vì quên-lãng nên người nghệ sĩ hôm nay mới nhắc nhở bằng câu hát:

“Đành rằng tình là âu sầu,
Đành rằng tình là nhớ là đau.
Đành rằng tình là chia lìa,
Đành rằng tình là khóc đêm khuya.
Đành rằng tình là ..đau buồn,
Đành rằng lệ mình ướt rơi tuôn.
Đành rằng tình là ..đau lòng,
Đành rằng tình là mãi chờ mong.
Nhưng sao ta mơ yêu mãi,
Nhưng sao ta vẫn thương nhớ hoài.
Mơ yêu đương trong tia nắng,
Say sưa trong ánh trăng mơ màng.
Bâng khuâng khi sương thu rơi,
Cô đơn khi hoa lá tơi bời.
Lang thang khi mưa rơi rơi,
Mơ yêu đương mơ mãi suốt đời......
(Văn Phụng – Tình)

Phải chăng, đó lại là và vẫn là thứ “Tình” cũng rất người, ở ngoài đời? Thế thì, tình người ở nhà Đạo, sẽ ra sao? Trả lời câu này, thiết tưởng bạn và tôi, ta cũng nên tìm vào vườn hoa đầy thứ tình ở Kinh Sách rất trong Đạo có những lời nhủ khuyên, như sau:

“Tôi có những tâm tình như thế đối với tất cả anh em,
đó là điều hợp lý, bởi vì tôi mang anh em trong lòng tôi.
Khi tôi bị xiềng xích,
cũng như lúc tôi bênh vực và củng cố Tin Mừng,
anh em đều thông phần vào ân sủng tôi đã nhận được.
Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi:
tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả,
với tình thương-yêu của Đức Kitô Giêsu.
Điều tôi khẩn khoản nài xin,
là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào,
khiến anh em được ơn hiểu biết
và tài trực giác siêu nhiên,
để nhận ra cái gì là tốt hơn.”
(Phil 1: 7-10)

Nghe lời khuyên nhủ thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta cứ hăng say hát lại và hát mãi lời người nghệ-sĩ vẫn hát những ý/lời sau đây:

“Tình đẹp tựa mùa thu vàng,
Tình mình nhiều mộng ước miên man.
Tình là một chuyện huy hoàng,
Tình mình là thành nhớ hoang mang.
Yêu nhau khi xuân tươi thắm,
Yêu nhau trong tiếng ca tiếng đàn.
Yêu nhau trong muôn tia nắng,
Yêu nhau trong ánh trăng mơ màng.
Yêu nhau khi sương thu rơi,
Yêu nhau khi hoa lá xanh tươi.
Yêu nhau khi mưa đông rơi,
Yêu nhau Yêu nhau mãi suốt đời.”
(Văn Phụng – bđd)   

Vâng. Cứ thế, mà yêu nhau. Yêu mãi yêu hoài thật đậm sâu, rất dài lâu. Yêu thế rồi, tự khắc sẽ thấy niềm vui lây lan đến với mọi người ở đời. Hết mọi thời.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn muốn nói lên
những lời yêu đương ấy
với chính mình.
Và mọi người.
 

No comments: