Saturday, 30 May 2015

“Trong quan tài buồn hồn nghe thêm trống vắng”,



Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau lễ Mình Máu Chúa Năm B 06/7/2015

“Trong quan tài buồn hồn nghe thêm trống vắng”,
Tóc chưa xanh một lần nhưng tim nghe đã thương thân
Trong cơn gọi hồn đời nghe xa xôi lắm
Gót chân đi chưa mòn đường tình nay đã phai dần.
(Lê Hựu Hà – Phiên Khúc Mùa Đông)

(Ga 11: 36/Mt 27: 3-5)
Quan tài buồn? Đã như thế, sao Elvis Phương lại hát: “Hồn nghe thêm trống vắng”? Hát rồi, anh còn thêm lời buồn của tác giả, những là: “Gót chân đi chưa mòn đường tình, nay đã phai dần”.
 Vâng. Có thể là như thế. Như thế, tức là bạn và tôi, ta đã đồng ý với ca-từ cùng ý-tứ của người viết lời và nhạc, rất Lê Hựu Hà! Như thế, lại có thể là bạn hoặc tôi, ta chưa nghe câu nào khác, cũng nói về “quan tài buồn”, như câu: “Chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ!” Bần đạo đây, cũng không biết câu nào có trước câu nào sau.
Nhưng, có câu nói “trại” mà bần đạo cứ nói đi nói lại với bà chị ruột lâu nay vẫn sống ở Orange County, xứ Bông Kỳ rằng: “Chưa thấy Hoa Kỳ, chưa đổ lệ!” Tội nghiệp. Bà chị của bần đạo thuộc loại chân-phương thứ thiệt cứ tưởng là chê Hoa kỳ của chị, là nơi mà nhiều người từng đi đi/về về cũng khá nhiều lần, mà sao chẳng thấy ai đổ lệ hết vậy?
Chỉ đổ lệ xót thương cho thân phận bạn hiền của Đức Giêsu ở truyện Tân Ước cứ hiểu là: hễ thấy quan tài tức ngôi mộ của ai đó bạn bè người thân tự khắc sẽ đổ lệ hơn một lần trong đời, như sau:

“Thấy cô khóc,
và những người Do-thái đi với cô cũng khóc,
Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến.
Ngài hỏi:
"Các người để xác anh ấy ở đâu?"
Họ trả lời:
"Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem." Đức Giêsu liền khóc.
Người Do-thái mới nói:
"Kìa xem! Ông ta thương anh Lazarô biết mấy!"
(Ga 11: 36) 

Đấy. Thấy chưa? Đức Giêsu, dù Ngài chưa thấy quan tài đựng xác Lazarô-bạn-hiền là thế, nhưng Ngài vẫn “đổ lệ” khóc thương bạn hiền mình. Có thể, Ngài cũng khóc và thương, như ý/lời trong nhạc bản trên lại hát tiếp:

“Nước mắt ấy đã lau khô rồi.
Đôi môi ấy đã quen tiếng cười.
Cuộc tình lỡ đã phai nhạt rồi.
Người tình cũ đã xa ta rồi.
Tiếc nhớ mấy cũng thêm thừa.
Yêu đương biết nói sao cho vừa.
Cuộc tình đó để em vui đùa.
Đọa đày đó, giờ đã đến mùa.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Bần đạo đây, không mấy chắc người viết nhạc dạo ấy có nghe biết ý-từ “đổ lệ những khóc ròng” ở Tin Mừng chưa, nhưng lời lẽ anh viết không khác ý-từ của câu truyện, do mình viết.
Nhiều tác giả khác cũng nói về hiện-tượng “đổ lệ” của ai đó, khi nghe qua lời kể về tiếng khóc đã nghe thấy, dù chưa giáp mặt quan tài, hay “Bông kỳ” của bầy tôi đây, thế mới lạ. Lạ ở chỗ, như Tân Ước từng ghi chú rất rõ, như sau:

“Bấy giờ, Giuđa, kẻ đã nộp Người,
thấy Người bị kết án thì hối hận.
Hắn đem ba mươi đồng bạc trả lại cho các thượng tế và kỳ mục mà nói:
"Tôi đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan."
Nhưng họ đáp: "Can gì đến chúng tôi. Mặc kệ anh!"
Giuđa ném số bạc vào Đền Thờ và ra đi thắt cổ.”
(Mt 27: 3-5) 

Thế nhưng, theo một số nhà chú-giải chuyên nghiên-cứu trình-thuật Tin Mừng được cho là do cộng-đoàn mang tên Juđa Iscariốt được khai-quật vào năm 2006, lại đã biện-luận về ý-tứ của Lời Vàng ở trên theo cách khác:

“Lâu nay tôi vẫn ngờ-vực về tính-chất sử-học khi kể về trường-hợp Giuđa Iscariốt trong truyện Tân Ước như một kẻ “bội-phản”. Các ngờ-vực ở trên dựa vào 5 yếu-tố coi như nhu-liệu có thể định-vị được, đó là:

Thứ nhất, đọc Tân Ước nhiều lần cho thật kỹ, ta sẽ thấy rằng ký-ức về người đàn ông mang tên Giuđa hiện-diện trong nội-vi vòng cung-cấm rất mật-thiết gồm các tông-đồ kề cận Đức Giêsu, lại không phải là quỉ dữ/ác thần và cũng không là kẻ bội-phản nào ai hết. Tin Mừng thứ tư do tác-giả Gioan ghi, đã qui-chiếu một vị tông-đồ mang tên Giuđa nào đó, chứ không phải Giuđa Iscariốt (đoạn 14 câu 22). Còn trình-thuật do tác giả Luca ghi, thì trong danh-sách 12 tông-đồ, cộng thêm tên của ông Giuđa Iscariốt là một Giuđa nào khác được định-danh là bào-đệ của tông-đồ Giacôbê thôi (Lc 6: 16). Ông Giuđa này, thay cho ông Tađêo ghi ở danh-sách các tông-đồ do tác-giả Mác-cô thuật ở đoạn 3 câu 14-19; và tác-giả Mátthêu ghi ở đoạn 10 câu 2-4. Cộng thêm vào đó, lại cũng có thánh-thư mang danh-tánh của tác-giả Giuđa nào khác đã viết, lại được tín-hữu thời tiên-khởi đưa thêm vào bộ Tin Mừng ở Tân Ước. Tác-giả sách này lại cũng mang tên Giuđê, tức cũng được định-vị một cách khác với danh-tánh của Giuđa; và thư này lại gọi ông là “người tôi-tớ của Đức Giêsu và bào-đệ Ngài là ông Giacôbê (Hậu)” (x. Tin Mừng Giuđê 1: 1) Như thế, tức là: các tín-hữu thời tiên-khởi cũng nhớ về một kẻ tin mang danh Giuđa hiện-diện trong nội-vi cung-vòng mật-thiết của Hội thánh vào thời đầu.

Điểm ngờ-vực thứ hai của chúng tôi, đến từ sự-thể bảo rằng: việc bội-phản Thầy mình, là do một thành-viên trong nhóm Mười Hai, nhưng không thấy ghi chép trong các cảo-bản do cộng-đoàn tín-hữu thời tiên-khởi cung-cấp. Danh-tánh của ông Giuđa, lần đầu tiên gặp thấy ở trình-thuật các tín-hữu của Đức Kitô do tác-giả Mác-cô được viết vào những năm đầu hồi thập-niên 80s sau Công nguyên. Trước thời-kỳ này, ta còn có cộng-đoàn Phaolô được biết đến trong những năm tháng kéo dài từ thập-niên 50s đến năm 64, sau Công nguyên. Lại nữa, ta còn có Tin Mừng “Nguồn” với tên gọi là Quelle từng bị thất-truyền lại là nguồn-cội các trình-thuật mà hai tác-giả Mát-thêu và Luca đã rút ra từ đó rồi thêm vào các truyện kể ở trình thuật do tác-giả Mác-cô từng viết sớm hơn khi ấy.

Bản-văn truyện kể do tông-đồ Phaolô viết, ta lại thấy ý-niệm về sự “bội-phản” xuất-hiện trước cả khi Đức Giêsu bị đóng đinh và chỉ dùng như cung-cách định-vị năm tháng ngày-giờ cho bài mình viết chứ không ghi-chú nội dung chi-tiết chút gì hết. Cụm-từ ‘bội-phản’ được đề-cập trong Bữa Tiệc Ly do tông-đồ Phaolô kể, chỉ cốt để nói về chuyện khai-mạc bữa Tiệc Cuối Cùng mà thôi. Tuy nhiên, khi ghi-chú như thế, tác-giả Phaolô lại đã đưa ra một tự-vựng từng được các dịch-giả bên tiếng Anh hồi thế kỷ thứ 7 sử-dụng và chuyển thành động-từ mang nghĩa “tạo- phản”, nhưng kỳ thực, ý của tông-đồ Phaolô chỉ muốn nói đến việc “chuyển-giao” chứ tuyệt-nhiên không mang mặc một nghĩa ‘tạo-phản’ hoặc ‘phản-tặc’ nào hết. Cũng nên nhớ: trong toàn-bộ các cảo-bản do tông-đồ Phaolô viết, không thấy có bằng-chứng nào cho thấy rằng: ông từng biết rõ rằng: việc phản-bội ấy đã xảy ra, là do một thành-viên trong Nhóm 12 tông-đồ ra tay làm như thế. Tuy thế, bản dịch tiếng Anh khi viết các truyện kể thời sau đó lại đã chêm thêm ý-nghĩa của việc ‘giao-nộp’ vào trong đó.

Lý-do thứ ba khiến tôi ngờ-vực về tính-cách sử-học của truyện kể về ‘bội-phản’ này, là ở việc: tác-giả Mác-cô lại đã đưa vào trình-thuật do ông ghi, vào khoảng thời-gian từ năm 70 đến 75 sau Công nguyên, qua đó ông có nói rõ việc một người đồ-đệ lại đã nhúng bánh vào chung chén rượu của Đức Giêsu (Mc 14: 20). Và rồi, tác-giả Mác-cô lại còn kể về việc ‘bội-phản’ này đã xảy ra vào giữa đêm hôm ở vườn Gethsêmani bằng một cái hôn-vào-má Ngài. Đây là lần cuối cùng, ta thấy tên của ông Giuđa được gọi là Iscariôt ở trình-thuật do tác-giả Mác-cô ghi lại.

Lý-do thứ tư khiến tôi ngờ-vực chuyện ‘bội-phản’ nói đây, được dàn-dựng theo cung-cách rất bi-ai/hoành-tráng vào giữa đêm hôm. Chuyện dàn-dựng, được lập nên theo cách rất gọn nhẹ đến độ các tác-giả Tin Mừng đều tin rằng đó là hành động đen tối nhất trong lịch-sử nhân-loại lại đã diễn ra giữa đêm tối đen như mực. Chuyện này trông giống như một nghi-thức phụng-tự nhiều hơn là sự-kiện lịch-sử.

Và lý-do khiến tôi ngờ tính-cách sử-học của bài viết, chính là tên tuổi của kẻ phản-bội được gọi là Giuđa, không là gì khác ngoài lối phát-âm bên tiếng Hy-Lạp của chữ Judah. Trong khi tên của kẻ phản-bội là tên ‘rất riêng’ tại đất nước của người Do-thái. Các lãnh-tụ đảng phái chính-thống ở nước này từng định-danh cho việc thờ-phượng do người Do-thái thực-hiện vào thời-điểm có các Tin Mừng được viết lên, về phong-trào Kitô-giáo ngày càng nổi lên quyết chống-đối mọi địch-thù của mình. Xem thế thì, cách hay nhất để áp-đặt sự trách-móc/đổ tội cho cái chết của Đức Giêsu là trút-đổ tội này lên Do-thái-giáo ‘chính-thống’ bằng cách nối-kết việc đặt tên kẻ bội-phản với toàn-bộ đất nước Do-thái. Khi yếu-tố kết-hợp nỗ-lực đặc-biệt để miễn lỗi cho thực-dân người La Mã bằng cách mô-tả tính chân-thật của Quan Philatô bằng việc rửa tay sạch rồi nói: “Ta vô-can trong việc tắm máu người này”, thế là việc trách-móc/đổ lỗi đã được bãi bỏ. Chính người La Mã mới là thủ-phạm giết Đức Kitô, nhưng mãi đến thập niên 80s sau Công nguyên, khi truyện-kể về Sự Thương Khó của Đức Giêsu được viết ra, thì các tác-giả Tin Mừng mới bị thúc-ép phải miễn-lỗi cho công-tố-viện người La Mã, là Quan Philatô và rồi đổ lỗi qui hết mọi tội  cho người Do-thái chính là dân-tộc giết Đức Chúa của mình. Và, đó cũng lại là lúc Giuđa bị gán cho là kẻ ‘bội-phản’ bị/được định-danh là một người trong nhóm Mười Hai từng là đối-tượng kéo dài hàng ngàn-năm sau này từ chủ-trương bài Do-thái qua hành-xử đầy tính bạo-lực bằng vào  việc giết-hại Nhân-vật trọng-đại ở Đạo Chúa.” (xem thêm Tgm John Shelby Spong, The Sins of Scripture, HarperCollinsPublishers tr. 199-204)

Lại cũng có một số học-giả chuyên-môn về Kinh Thánh lại đã xác-quyết tất không yếu mềm, rằng:

“Nhiều ngàn năm cho đến nay, các tín-hữu Đức Kitô đều vẽ lên chân-dung của Giuđa Iscariốt hệt như thể ác-thần/sự dữ đã nhập vào người ông. Lại nữa, do động-lực ghét ghen và/hoặc do Satan thúc-đẩy cách sao, ông vẫn bị coi là kẻ bội-phản, thứ người mà triết-gia Dante đặt vào tầng lớp chót cùng nằm dưới đáy hoả ngục. Tuy nhiên, Tin Mừng của tác-giả Giuđa Iscariốt lại  cho thấy chính tông-đồ Giuđa Iscariốt mới là người cận-kề đáng tin cậy nhất trong nhóm Mười Hai. Bởi, ngang qua ông, Đức Giêsu lại đã bộc-lộ toàn-bộ huyền-nhiệm sâu-sắc nhất cho riêng ông; đồng thời, ông chính là người được Thầy Giêsu có tin-tưởng lắm mới nói trước về cuộc thống-khổ của Ngài sắp diễn ra…” (x. Elaine Pagels & Karen L. King, Reading Judas, The Gospel of Judas and the Shaping of Christianity, Penguin Book 2007 tr. 3-5tt)

Hôm nay, khi được nghe nghệ sĩ đồng thời là người viết nhạc dám hát lên những ca-từ đầy nước mắt này, bần đạo bầy tôi chỉ muốn khóc. Khóc, không vì thương quá bạn hiền của Đức Chúa là Lazarô hoặc tông-đồ Giuđa Iscariốt rất cận-kề Ngài là thế nhưng vẫn bị hiểu lầm, mà vì nhiều người vẫn cứ hát và nói những tiếng giọng ỉ ôi, ôi thôi là sầu buồn.
Đời mình và đời người, quả thật vẫn có các sự/việc rất đáng khóc, nhưng sao vẫn không khóc được mà chỉ hát lên có ba lời trần tình, như sau:

“Tiếc nhớ mấy cũng thêm thừa.
Yêu đương biết nói sao cho vừa.
Cuộc tình đó để em vui đùa.
Đọa đày đó, giờ đã đến mùa.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Hát thế rồi, nay mời bạn và mời tôi, ta cũng đừng suy-tư nhiều quá để rồi lạ sẽ khóc; mà hãy cùng nhau đi vào vùng trời “truyện kể” rất dễ nể ngõ hầu nay mai mình sẽ không còn khóc nữa mà chỉ suy-tư nhiều về các sự-kiện tuy dễ-khóc nhưng không buồn, như sau:

Con người sợ những cái gì mập mờ, không rõ ràng.Khi gặp những cái không biết rõ, họ thường hay tưởng tượng, mà xu hướng thường là nghĩ đến những cái đáng sợ nhất.
Cũng có thể do bản năng tự vệ của con người, họ nghĩ ra như vậy để cảnh báo bản thân trước mối nguy hiểm nào đó.

Chuyện cận tử, thân trung ấm, lúc vừa mới chết thì hồn bay lơ lửng đâu đó, rồi vào đường hầm thấy toàn ánh sáng chóa lòa, gặp lại bà con đã chết từ lâu, kêu réo nhau la ới ới, chuyện đầu thai lại, chuyện tái sinh, chuyện ma quỷ, và còn nhiều thứ lắm lắm…có thật hay không có thật chẳng có ai biết được hết. Tin hay không là chuyện riêng của mỗi người.

Có người còn so sánh sự chết cũng không khác gì giấc ngủ mỗi đêm. Tối ngủ, mình chẳng còn biết gì hết, hổng khác gì như mình đã chết rồi. Sáng ra thức dậy như được tái sanh trở lại, sống thêm một ngày nữa. Mừng hết lớn.

Vậy sợ chết là sợ những gì mình không rõ, những gì bí mật mình chưa biết được.
Người ta sợ chết vì sợ thân xác bê bết máu me, nát bấy, xấu xí đi, sình thúi ghê tởm quá.

Trường hợp những giây phút trước khi phi cơ lâm nạn lao xuống đất chắc hành khách phải hãi hùng kinh hoàng tột độ. Đây là một thí dụ rõ rệt nhất về sự kiện sợ chết.
Có cả trăm câu hỏi được đặt ra nhưng chưa có câu giải đáp nào hết về sự chết. Mọi người cứ tưởng tượng thế nầy thế nọ cho nên thiên hạ vẫn còn lo và vẫn còn sợ chết.

Người đời thường nghĩ rằng hễ chết là hết, là trống không, là rơi vào vực thẩm âm u, là hư vô, tĩnh lặng. Chết rồi thì mình sẽ đi về đâu sau đó, rồi mình sẽ ra sao? Bởi vậy nên ai ai cũng đều sợ chết lắm.
Ai cũng phải có ngày chết hết. Đây là một sự thật. Chạy đâu cho khỏi. Đây là điều chắc chắn 100%, thật rõ ràng và là lẽ công bằng của trời đất..
Nhà chánh trị Benjamin Franklin (1706-1790) có nói một câu để đời: «Trên cõi đời nầy có hai việc không thể tránh khỏi được, đó là cái chết và thuế má.»

Nhận-định thế rồi, người kể hôm nay, lại nói tiếp đôi điều rất “vô thường” bằng một truyện kể khác, như sau:

“Cuộc đời thật vô thường, vậy phải biết trân quý sự sống. Thù hận, tranh đua, phân biệt, cố chấp, ganh tị, suy bì, hơn thua nhau từng tiếng, từng lời, từng chút một rồi cuối cùng cũng phải chết mà thôi.

Đến lúc đó thì ăn năn hối cải, than khóc, kể lể, luyến tiếc… làm chi cho mất công, muộn màng rồi bạn ơi. Tại sao hồi còn sống không biết sống cho hòa thuận, thương yêu nhau, giao hảo nhau trong tình người,biết thông cảm và tha thứ cho nhau?
Mọi người đều đến cõi đời nầy với hai bàn tay trắng, thì lúc ra đi cũng chỉ với hai bàn tay trắng mà thôi.

Tuy biết vậy nhưng vẫn lo, vẫn sợ. Ai ai cũng đều biết như vậy, nhưng hễ sao mỗi khi nghĩ đến chết thì thấy rờn rợn và hơi lo một chút. Bằng mọi giá họ phải níu kéo sự sống lại. Bỡi lý do nầy mà ngày nay khoa học đã sáng chế ra vô số kỹ thuật để kéo dài thêm sự sống... Nào là kỹ nghệ thuốc trường sanh, nào là kỹ nghệ ngâm xác trong khí lỏng liquid nitrogen để chờ ngày tìm ra thuốc trị liệu để tiếp tục…sống v.v…

Người ta sợ chết vì sợ mất người mình thương, sợ xa lìa người thân, bạn bè, xa lìa vợ con, chồng con, sợ không ai nuôi con mình, sợ rồi đây tụi nó sẽ...sống ra sao?, sợ mất đi cái tôi cùa mình, sợ mất hết tài sản của cải mà mình đã thật sự khổ công tạo dựng được trong suốt cả cuộc đời, cũng như sợ chưa thực hiện được những hoài bão mà mình hằng mong ước, và sợ bị lãng quên, v.v... (trích điện-thư của một bạn khác đạo từng gửi trên mạng rất ê hề, nhiều vô kể)

Biện-luận ra sao cũng đặng. Hát và nói thế nào cũng chẳng sao. Duy có điều, là: có kế hoặc hát nhiều cho lắm, ta cũng nên nhớ lại lời vàng của thánh-nhân hiền lành từng dặn dò mọi người bằng một chú thích, như sau:

Đức Giêsu liền khóc.
Người Do-thái mới nói:
"Kìa xem! Ông ta thương anh Lazarô biết mấy!"
Có vài người trong nhóm họ nói:
"Ông ta đã mở mắt cho người mù,
lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư?
(Ga 11: 354- 37)   

Có khóc được, hoặc được khóc như Đức Giêsu khi xưa hay không, thiết tưởng ta vẫn nên ca và hát ý/lời của người viết nhạc từng ê a, ca rằng:

Tiếc nhớ mấy cũng thêm thừa
Yêu đương biết nói sao cho vừa
Cuộc tình đó để em vui đùa
Đọa đày đó, giờ đã đến mùa.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Hát xong rồi, giờ đây hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ hiên ngang đứng thẳng để nghe tiếp những điều như thế diễn ra bằng các sự kiện trong đời, rất con người.
  
Trần Ngọc Mười Hai
Thật cũng chẳng hơn ai
Nhưng vẫn cứ phiếm để còn nhớ và thương
Những “quan tài buồn”
Thuộc tầm cỡ rất Giuđa Iscariốt.


           
  










No comments: