Saturday, 28 June 2014

“Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 14 mùa Thường niên năm A 06/7/2014

“Hãy yêu nhau đi khi rừng thay lá,”
“Hãy yêu nhau đi, giòng nước có trôi xa.
Nước trôi qua tim, đong đầy trí nhớ,
Ngày mai mong chờ, ngày sẽ thiên thu.”
(Trịnh Công Sơn - Hãy Yêu Nhau Đi)

(Ph 1: 28-29)
      Nếu bảo rằng, lời ca trên đây là lời khuyên-nhủ chứ đâu là ca-từ của nhạc bản, thì bạn và tôi, ta đều thấy đúng. Lại nữa, nếu tôi và bạn lại cứ nói: nhạc sĩ họ Trịnh, là nhà thơ lâu nay chỉ viết nhạc chứ đâu có là nhà mô-phạm chỉ nhủ khuyên, thì hẳn là người nghe lẫn người hát, đều thấy đúng!
      Rất không sai. Nếu chịu nghe tiếp những câu ca nhẹ nhàng nghệ-sĩ hát, sẽ thấy ngay: 

      “Hãy ru nhau trên, những lời gió mới.
Hãy yêu nhau cho, gạch đá có tin vui.
Hãy kêu tên nhau, trên ghềnh dưới bãi. 
Dù mai nơi này, người có xa người.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Hát thế rồi, chắc cũng có độc-giả hoặc bạn bè ở đâu đó, lại muốn nghe thêm nhiều câu nữa, thì này đây: xin mời quý vị cứ để tâm nghe kỹ sẽ thấy nhạc sĩ còn thêm chữ “Hãy” dày hơn nữa:

Hãy yêu nhau đi, quên ngày u tối.
Dù vẫn biết mai này, xa lìa thế giới.
Mặt đất đã cho ta, những ngày vui với,
Hãy nhìn vào mặt người, lần cuối trong đời.
Hãy yêu nhau đi, bên đời nguy khó. 
Hãy yêu nhau đi, bù đắp cho trăm nay. 
Hãy yêu nhau đi, cho ngày quên tháng.
Dù đêm bom đạn, dù sáng mưa bom.
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Thế đó, một bài hát có ca-từ như bài giảng lễ ở nhà thờ. Nhưng, ở vườn hoa truyện kể, bầy tôi đây lại thấy một đoạn viết thật rõ nghĩa không thua gì bài chia sẻ chốn thánh thiêng nhà Đạo, cũng rất bạo.
Ví thử bạn và tôi, có muốn nghe hoặc đọc những giòng kể lể như bầy tôi đây mới vừa đọc, hẳn cũng thấy ý-tứ câu truyện cũng rất lạ. Lạ đến độ ít thấy trên thị-trường chữ nghĩa rất ở đời. Nay, mời bạn và mời tôi, ta hãy thử nghe mà thưởng-lãm:

“Ít năm gần đây, tôi có gặp một người trẻ vốn dĩ là dân vô gia-cư, mất việc từ lâu nhưng lại thích chơi sang, tối ngày chỉ với bia/rượu chứ không màng thứ gì khác. Điều lạ kỳ ở đây, là: chuyện của anh lại dạy tôi nhiều thứ hơn ai khác về lòng thương xót hải-hà của Đức Chúa. Hơn hẳn nhiều bài “chia sẻ” tôi vẫn nghe nhiều ở nhà thờ.

Tên người bạn trẻ này là Michael, một người Úc “rặt” rất chánh-hiệu không cần bàn thêm, thường hay ngồi đó trên ghế-đá-công-viên- lạnh-căm-ôi-buốt-giá, tay cầm chai bia thứ thiệt nốc từng ngụm rồi từng ngụm, kịp khi tôi đến gần, anh mới ngưng. Mắt anh nhìn tôi rất chăm chú một lúc, rồi cứ ngước lên/nhìn xuống rất nhiều lần, như có điều gì muốn bảo thêm. Bỗng dưng, anh hỏi tôi một câu tương đối khá ngớ-ngẩn: “Này anh bạn, chắc anh đây cũng đi Đạo, phải không?” Vừa hỏi, anh vừa giơ cao chai bia đã gần cạn, như thể còn muốn uống thêm đôi ngụm, nhưng không còn giọt nào, bèn há hốc miệng như muốn nói thêm điều gì đó... không thành lời!

Tôi có cảm-giác “đứng sững” như trời trồng, chẳng biết nên dùng lời lẽ nào cho tiện để ứng-xử trước tình-huống xem ra cũng hơi lạ. Trong một thoáng rất nhanh, tôi định thần lại đôi chút, kịp nhận ra rằng: đây là cảnh-huống rất ít thấy nơi giới trẻ bê-tha như anh, nhưng lại có chút suy-tư về những chuyện khiến anh băn-khoăn không ít. Và, hệt như hành-xử của một người từng quen nhau lâu lắm, tôi bèn trả lời câu anh hỏi bằng giọng trầm-trầm mà bảo: điều anh nói, thật cũng đúng! Nói rồi, tôi chuẩn-bị tư-thế vẫn quen làm trong quá-trình giao-dịch với những bạn hay gây-gổ hoặc cãi-vã nhau về tôn-giáo. Tôi thấy anh như người thiệt-thòi/lép vế từng bị Giáo-hội ruồng bỏ, do không theo qui-định của Đạo. Nhưng không phải. Tôi đã nghĩ sai về anh.

Bỗng, anh phá lên cười rất vui rồi hất tay choàng vào người tôi như bạn tri-kỷ lâu ngày không gặp. Rồi, anh hỏi tôi một câu thật to như để mọi người ở quanh nghe cho rõ: “Chắc bạn mình thương-yêu Đức Giêsu tha thiết lắm nhỉ?” Câu anh hỏi, ra như chiếc búa tạ bổ lên đầu tôi đến choáng váng mặt mày. Thế rồi, không để tôi kịp có câu đáp nào cho đích đáng, anh liền bồi thêm câu khác có ý bảo: “Nói cho cùng, thì Đức Giêsu cũng là Đấng cao cả, đấy chứ!”

Lúc ấy, tôi cứ há hốc miệng ra, đi từ ngạc-nhiên này đến sững-sờ khác. Ngay khi đó, lại có thêm một sự việc khác thường xảy đến khiến tôi lại suy-nghĩ: chắc lâu lắm rồi, Michael không có người nào đến khuyên anh chịu khó tắm rửa và giặt giũ áo quần cho đàng hoàng, nên từ người anh bốc lên một mùi hôi rất khó chịu. Ngoài chuyện ấy, tôi thấy anh lảo đảo đi không vững như người chưa có hột cơm nào trong bụng, từ suốt sáng. Cũng có thể, chiều hôm ấy anh không biết là: những ngày sắp tới đây, không biết có ai mang đến tặng anh chút gì cho đỡ đói lòng không nữa? Tóm lại, sống ở thành-phố rộng lớn như thế này mà kiếm được chỗ độ-nhật không phải trả tiền, thật không dễ. Thế nhưng, đó là chuyện khác. Tôi và anh bỗng quên cả chuyện ăn uống, để rồi cứ bận tâm chuyện khác, do anh kể.

Có lúc, tôi chợt nghĩ: làm thế nào mà một người trẻ như anh lại đã đi từ giai-cấp khá giả, sống vui vẻ với ý-nghĩ giản-đơn về Đức Chúa của tôi, lại ra thế! Cứ xem cái lối ăn nói và cử chỉ bình-dị của anh, tôi hiểu được là anh có nhiều kinh-nghiệm sống thông-thoáng cũng rất nhiều. Bỗng thấy tôi như nghi-ngờ điều gì đó, anh bèn kéo tôi ngồi xuống, rồi đưa tôi vào hành-trình truyện kể về quá-khứ dông dài của anh. Đúng như tôi dự-đoán: hồi còn nhỏ, anh từng kinh qua nhiều khổ-ải, cũng bạo tàn không ít. Anh bồi thêm vào những ngờ-vực của tôi qua câu nói: “Hẳn bạn đang nghĩ về chuyện đời của tôi trong quá-khứ không mấy sáng-sủa, thì phải? Nếu bạn nghĩ thế, thì cũng đúng. Tôi đây từng kinh qua nhiều tháng ngày sống rất khổ-sở, để rồi trở thành “bợm nhậu” bê-tha như thế này đây! Cứ nhìn vào người tôi, rồi anh sẽ đoán ngay ra được thôi...”

Vừa nói, anh vừa kéo cánh tay áo xuống để lộ ra ngoài, những đường vân cẩu xâm mình ngoằn-nghoèo đến phát sợ. Vừa phô-trương thân-hình ghê-rợn như thế, Michael vừa kể cho tôi nghe về quãng đời còn trẻ khi anh đã rơi vào các vụ án hình-sự có đâm chém và chích choác, để rồi cứ thế kéo dài cuộc sống sa-đoạ không thua đám dân đen ở phố chợ, rất tệ-nạn.

Anh còn kể, trong quá-trình vào tù ra khám như cơm bữa, anh đã nhặt được cuốn sách do người đồng-cảnh để lại, sau khi anh ta chết rũ tù, bằng giòng chữ ở đầu sách có giòng chữ đầy nhắn-nhủ: nếu ai nhặt được cuốn này rồi nguyện cầu Đức Chúa và mở đại một trang ra đọc, sẽ tìm ra câu giải-đáp cho những gì mình kiếm tìm. Và, anh đã mở thử xem sao, bèn thấy giòng chữ viết rằng: “Nếu ai tin mình chỉ là tên vô-lại, chẳng có người nào đoái-hoài để mắt đến mình hết, thì hãy nhớ: Ta đây, vẫn thương-yêu ngươi rất mực, đã tha thứ ngươi cả những gì ngươi làm mà không ngờ hậu quả khó lường...”

Michael nói: lúc ấy anh nhớ rất rõ tự dưng hai hàng nước mắt từ đâu lăn trên gò má hom hem của anh đến độ anh chẳng biết làm sao diễn tả được tình-huống xảy ra từ đêm hôm ấy. Bất chợt, anh thấy mình như đã lành sạch mọi vết nhơ và trở-thành người khác hẳn. Và chuỗi ngày sau đó, anh bị xộ khám nhưng vẫn cố đọc sách ấy từ trang đầu đến trang cuối. Anh tiếp tục nói trong dáng điệu gật gù trên chai bia, rồi bảo nhỏ: “Dĩ nhiên, là tôi vẫn tiếp tục làm những chuyện sai trái chưa dứt nổi, nhưng nay thì Chúa đã ở cạnh bên, nên tôi không còn sợ gì nữa, sốt. Sáng sáng thức dậy, tôi thấy dường như Ngài đứng ở cuối chân giường tôi nằm, tay Ngài giang rộng như muốn đón chào tôi hay sao đó. Bạn biết đấy! Ngài thương tôi biết dường nào, cả khi tôi làm những chuyện xấu-xa, tệ-lậu rất nhiều. Ngài như vẫn ôm hôn chúc mừng tôi khiến nghĩ rằng: mình cũng sẽ qua được khó-khăn này, cũng chóng thôi.”

Nghe Michael kể chuyện đời tư của anh, tôi nghĩ bạn hiểu/biết sâu sắc bản-chất và tâm-can Chúa hơn tôi rất nhiều. Thật sự mà nói: tôi đi nhà thờ đều đặn mỗi tuần, nên dưới mắt của thế-giới sống chung quanh, ai cũng nghĩ là tôi thực-sự sống có trách-nhiệm của tín-hữu trong Đạo, không thiếu sót điều gì. Nhưng, bên dưới hình-thức sống đạo ấy, tôi thực-sự không biết gì nhiều về Chúa và cũng chẳng sống mật-thiết với Ngài cho bằng Michael, người bạn tôi vừa quen biết. Tôi thấy mình như người anh cả trong chuyện dụ-ngôn Tin Mừng kể về người em đi hoang, mà theo tôi: Michael mới là người khám-phá ra được tình thương đích-thực nơi người Cha nhân hiền, dù anh từng phạm lỗi, rất sai sót.

Tôi sống trong ngộ nhận, cứ cho rằng mình đã chiếm trọn tình thương của Chúa chỉ bằng những hành-động bề ngoài của mình. Trong khi đó, Michael lại nghĩ: anh chỉ là kẻ xấu xa, tầm-thường vậy mà người Cha Nhân Hiền vẫn yêu-thương anh, vô-điều-kiện. Michael lại đã nắm được sự thật từ thâm-tâm, cứ nghĩ rằng: dù anh có làm điều gì sai sót hoặc không làm gì nên chuyện, anh vẫn không sống bên ngoài tình-thương của Chúa. Và, bởi anh biết rõ tình-thương của Ngài là như thế, nên anh vẫn muốn ôm trọn tình-thương ấy cách đậm sâu, để rồi chính tình-thương của Ngài giúp anh biến-đổi, tận bên trong con người mình.

Từ hôm đó, tôi không còn dịp gặp lại Michael nữa; nhưng tôi vẫn nguyện-cầu để rồi sẽ không bao giờ quên đi ánh mắt lanh-lợi nhưng hiền-từ của anh, từng khiến tôi ngày càng xác tín thêm rằng lòng từ-ái, xót-thương của Chúa vẫn còn đó cho tôi, một cách vô điều kiện, như bao giờ”. (x. Mark Reidy, “Michael, a book, a promise and a lesson in the power of love”, The Catholic Weekly 01/6/2014 tr. 13).

Kể chuyện người, mà lại kể theo dáng dấp của bài văn viết như thế, quả thật rất đạt. Viết lách chuyện người/chuyện mình, đầy những “phiếm” theo kiểu bầy tôi đây vẫn “nhi-nhô”, chưa đạt thành-tựu như lòng mong ước, kể cũng phải.
Thôi thì, đã lỡ phóng lao những phiếm và phiến rồi, thì cũng đành theo lao, thôi. Thế đó, là “quyết tâm” rất nhỏ của bầy tôi mọn hèn này. Quyết như thế rồi, nay xin tiếp tục kể chuyện Đạo/đời với viết lách. Viết và lách, những chuyện rất “phiếm”, như sau:

“Có 3 ông bạn trung-niên đi câu cá. Đang lúc ngồi bên trên chiếc thuyền câu nhỏ ở giữa hồ, thì: bỗng dưng Đức Giêsu xuất-hiện đi đến bên cạnh thuyền. Vui mừng vì được gặp Chúa, người câu thứ nhất bèn lên tiếng:
-Thưa Chúa, con bị đau lưng từ ngày còn đi lính ở Việt Nam do miểng lựu đạn đâm vào, xin Chúa chữa cho con lành.
Đức Giêsu mỉm cười đưa tay chạm vào lưng ông. Thế là chứng đau lưng biến mất tiệt. Người câu thứ hai bị cận-thị rất nặng, nên mới đeo cặp kính dầy cộm rất khó khăn khi đọc sách, cũng như lái xe. Ông cũng xin Đức Giêsu chữa cho ông. Đức Chúa liền cầm lấy cặp kính cận của ông quẳng xuống nước, rồi Ngài đưa tay chạm vào mắt ông. Thế là, ông ta trông thấy rõ ràng như chưa bao giờ bị cận, hết.
Sau đó, Đức Giêsu quay sang người thứ ba, nhưng ông này vội xua tay, dứt-khoát từ chối:
-Xin Ngài đừng đụng đến con! Con đang lãnh tiền trợ cấp dành cho người tàn tật, thật đấy!...” (truyện kể trên mạng không thấy người kể ghi tên tuổi của người sáng tác).

Viết chuyện phiếm, mà lại kể toàn những truyện tếu, cũng chỉ để người đọc thấy vui, rồi tiếp-tục suy-tư, thì như thế. Hát cho hay, về tình yêu và cuộc đời, hẳn bạn và tôi, ta lại sẽ tiếp-tục cất lời ca của người nghệ sĩ vẫn hát rằng:

Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu.
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau.
Trái tim cho ta nơi về nương náu.
Được cuốn xuân nhiều, ngày tháng tiêu điều.
Như Một Lời Chia Tay.
Những hẹn hò từ nay khép lại.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)

Kể tryện vui, hay bàn về chuyện phiếm có thế nào đi nữa, cũng đừng quên “lời vàng thánh” do đấng bậc nhân-hiền lâu nay từng bảo ban như sau:

“Về bất cứ điều gì,
đừng sợ những kẻ chống đối anh em:
đó là dấu chỉ cho thấy họ sẽ bị hư vong,
còn đối với anh em,
thì lại là dấu chỉ ơn cứu độ.
Điều ấy là ân huệ Thiên Chúa ban.
Quả thế, nhờ Đức Kitô,
anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Người,
mà còn được chịu đau khổ vì Người.”
(Phillípphê 1: 28-29)
    
Còn nhớ, vào lần giảng lễ rất trọng ở nhà thờ Kỳ-Đồng hồi thập-niên năm ấy, cố linh-mục Giám-tỉnh Cao Đình Trị lại đã nói những lời đại để như sau: “Rao giảng cho người nghèo khó, không phải ta đến để dạy-dỗ họ nhiều điều/nhiều thứ, cho bằng họ mới là người dạy ta nhiều thứ/nhiều điều để ta biết là: khó nghèo, cực khổ vẫn phục vụ được nhiều người còn khổ cực hơn”.
Có thể, khi bảo rằng: “Người nghèo dạy ta rất nhiều điều/nhiều thứ”, vị giảng lễ nhắc tên ở trên muốn nói đến người nghèo nói chung, tức: những người cũng nghèo tiền/nghèo bạc, nghèo của cải/vật-chất hoặc kiến-thức rất tinh-thần vẫn nói về “tình nghèo” rất chung chung, mà thôi. Nhưng nếu đồng-thuận với người kể về tay tệ-nạn tên Michael ở trên, ta cũng nhận ra rằng; ngay những người bị coi là “tên-nạn” hoặc nghèo/hèn cũng đã “dạy” cho ta và cho mọi người rất nhiều điều, về tình thương-yêu Chúa dành cho người và cho ta, tức toàn-thể nhân-loại.
Đến đây, cũng trong chiều-hướng nhận ra nhiều điều/nhiều thứ từ nhiều người, bần đạo xin được trích dẫn thêm một bài học khác do hai nhà thần-học nổi-tiếng từng nói về thân-phận thực-thụ của Đức Giêsu ở xã-hội Do thái. Hai vị đó là Gs Richard G. Watts và Ts John D. Crossan ở Mỹ. Vị thứ hai là Giáo-sư thần-học từng có hơn 39 năm giảng dạy về triết-ly và thần-học tại Đại-học DePaul ở Mỹ, tác-giả một số sách nghiên-cứu về tính lịch-sử của Đức Giêsu. Nhị vị ở trên từng khẳng định về tính “nghèo” theo sử-học thấy được nơi con người của Đức Giêsu, như sau:

“Thế-giới La-Hy rõ ràng đã tách-bạch phân-cách người lao-động chân tay khỏi các vị thuộc giai-tầng không như thế. Xã-hội Do-thái thời đó, có 4 giai-cấp khác-biệt. Nhóm người đầu gồm những vị ở trên cao, chuyên quản-cai dân con mọi người, chỉ bao gồm 1 hoặc 2 phần trăm dân số, nhưng lại sở-hữu phân nửa đất đai hết mọi vùng. Nhóm thứ hai, gồm các thượng tế, rất có thể cũng sở-đắc phân nửa số đất-đai còn lại của chúng dân. Nhóm thứ ba, là những người quản-gia, chức-sắc rất quan-liêu từng gia-nhập binh-đội phục vụ giai-cấp trên, hoặc các thượng-tế. Và, nhóm ở dưới thấp gồm các nhà buôn, ban đầu thuộc giai-cấp thấp, nhưng sau này lại đã mon-men đạt giai-tầng cao hơn và có khi còn giành-giựt được quyền-lực nữa.

Giai-cấp ở dưới thấp, trước nhất là nông-dân chiếm phần đông dân-số ở Do-thái thời đó. Tiếp đến, là giới thợ gồm khoảng 5% số dân ở dưới, thấp hơn các nông-dân trong mọi giai-tầng xã-hội, bởi họ được tuyển từ giai-cấp nông-dân không sở-hữu chút đất đai hoặc của-cải nào hết. Cuối cùng, dưới lớp thợ là giai-cấp thoái-hoá khá trải rộng, bị đẩy lùi khỏi xã-hội hoặc xuống cấp trở-thành lớp người lao-động sống từng ngày, như: giới khất-thực hoặc người sống ngoài luật-pháp hoặc tệ hơn nữa, là đám tôi tớ cùng nô lệ ở cấp dưới.

Giả như Đức Giêsu xuất-thân từ một gia-đình chuyên hành nghề thợ mộc hoặc thợ nề, thì đương nhiên Ngài thuộc giai-cấp thợ tức thuộc vào giai-cấp còn thấp hơn nông-dân; như thế là, Ngài có khả-năng bị đẩy vào vị-thế nguy-hiểm nằm giữa lớp nông-dân và những người tụt-giảm giai-cấp. Vì thế nên, Đức Giêsu đã sống bên lề để tồn tại” (xem Richard G. Watts & John D. Crossan, Who is Jesus? Westminster John Knox Press1996 tr.30). 

Đấng bậc giảng-dạy chuyên nghiệp về lịch sử Đạo nói thì nói thế, nhưng vấn-đề đây cho thấy: Đức GIêsu thuộc tấng-lớp nghèo, nên Ngài rất cảm-thông với giới nghèo/hèn, ít lanh lợi như đám thợ thuyền hoặc giới ở trên. Vì thế nên, thời đó, có nhiều người đã dấn bước theo chân Ngài hầu cải-hoán thế-giới, cả ở trong lẫn bên ngoài xã-hội.
Cuối cùng thì, chỉ mỗi lớp người hèn kém/đói nghèo mới biết đỡ-nâng, chuyển-tải cho mọi người bài học quí giá để đời, ngõ hầu mọi người mới hy-vọng vào cuộc đổi đời khi ấy hoặc mãi về sau.
Cuối cùng thì, nhờ cảm-thông và cảm-nghiệm về cuộc đời nhiều hy-vọng, nên người nghệ-sĩ cũng như “người trong đạo” vẫn kêu gọi mọi người hãy cứ “yêu nhau đi”, như câu ca còn vang vọng suốt nhiều năm tháng, vẫn hát rằng:

Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu.
Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau.
Trái tim cho ta nơi về nương náu.
Được cuốn xuân nhiều, ngày tháng tiêu điều.”
(Trịnh Công Sơn – bđd)
   
Thành thử, vấn đề muôn thuở vẫn cứ là: “hãy yêu nhau đi”, và “hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu” như Chúa dạy, rồi ra sẽ có ngày người người thấy được mọi sự rày biến-đổi theo chiều-hướng cũng tích-cực, hiền hoà nhiều phấn-kích.

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc thấy cũng nghèo
Nhưng chưa thật nghèo trong sự sống
Nên phải nghèo hơn mới sống đúng nghĩa
cuộc đời người đi Đạo

No comments: