Saturday, 12 April 2014

“Anh mong chờ mùa Thu,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần Phục Sinh Năm A 20-4-2014

“Anh mong chờ mùa Thu,”
Trời đất kia ngả màu xanh lơ,
Đàn bướm kia buồn vui trên muôn hoa,
Bên những bông hồng đẹp xinh.”
(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – Thu Quyến Rũ)
(Tt 2: 1-5)

            Là “Thu quyến rũ”, ư? Nếu Thu ấy chỉ là một trong bốn mùa Xuân-Hạ-Thu-Đông, thì có gì mà đợi với chờ đến như thế? Đợi chờ rồi, hẳn sẽ lôi kéo biết bao nghệ sĩ cứ hát mãi những câu thơ đầy quyến luyến, quyến rũ hoặc quyến dụ đến độ cứ “ủ rũ” thân mình đến thế thôi!
            Vâng. Cũng có thể, nhạc bản “Thu quyến rũ” của hai nhà viết nhạc là Đoàn Chuẩn/Từ Linh lại có những điều để ta ngâm nga thêm đôi câu hát:

“Anh mong chờ mùa Thu,
Dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai,
Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay,
Mùa Thu quyến rũ Anh rồi”.
(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

À thì ra, là như thế! Thu mùa chờ mong, lại đã “quyến rũ” anh rồi. Quyến rũ hay quyến dụ, rồi cũng lại đưa anh/đưa chị vào chốn thiên thai thời hiện-tại mà ngay đến chim muông/loài thú hay gì gì nữa đều “không muốn bay” thế mới chết! Nhưng thôi, nay mời bạn/mời tôi, ta nghe tiếp bài hát trên xem có gì đẹp hơn, để mình còn bàn và luận đôi ba ý mọn với dân con nhà Đạo, hầu xem sao:

“Mây bay về đây cuối trời,
Mưa rơi làm rụng lá vàng.
Duyên ta từ đây lỡ làng,
Còn đâu những chiều.
Dệt cung đàn yêu.”
(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

Thế đấy! Là Thu quyến rũ, một thu mùa tựa hồ như thế! Thu mùa này, còn khuyến dụ cả những anh và em hãy ngước mắt mà xem thu mùa hôm nay lại cũng có “mưa bay về đây, cuối trời” để người vui. Nhưng, Thu quyến rũ đây còn cho thấy “duyên ta từ đây, lỡ làng!”còn đâu những chiều dệt cung đàn yêu!” cũng đều thế.
À thì ra, ở đời thường, lại có những buổi chiều cũng rất thu, hôm ấy, cả anh và em từng “dệt” cung đàn “yêu” đến mỹ miều để rồi cuối cùng, cũng lại kéo nhau về mà bàn luận những chuyện rất “Xưa rồi Diễm” ở nhà Đạo lẫn trong đời. Nhập cuộc bàn-luận theo kiểu tản mạn, bỏ túi hôm nay, bầy tôi đây lại đã nhận ra được những điểm then chốt trong đời sống, giống như sau:

“Theo quan-điểm của tờ New York Times hôm trước, đã viết dưới dạng tản mạn có đầu đề đại ý bảo rằng: Nếu tính bằng đô la tiền Mỹ thì giá cả để nuôi một đứa trẻ cho đến khi bé em không còn là trẻ con nữa, cũng “ngốn” một số tiền lên đến hai triệu đô chứ không nhỏ. Ví thử, gia-đình người Việt thường thường bậc-trung của mình vốn từng đẻ chỉ mỗi 5 bé em thôi, thì gia đình ấy cũng sẽ được liệt vào giới đại-gia giàu-sụ có tài sản lên đến ít nhất $10 triệu đô, chứ chẳng chơi. Nhà nào không kham nổi số tiền đó, thì chắc cũng phải phá sản mất thôi.

Trong một bài viết khá ngắn gọn, tác giả Nadia Taha đã làm con tính cộng trừ nhân chia này khác, nên mới phát-giác ra rằng giá tiền nuôi dưỡng trẻ bé sẽ lên rất cao nếu gia đình sống ở nội-vi thành phố New York City, chứ không ít...

Sau khi tính toán lời hơn lỗ thiệt, tác giả Tania Taha bèn nói tóm gọn như sau: “Là thân sinh phụ mẫu, nếu ta buộc phải có ít nhất một đứa con thôi và làm bất cứ thứ gì mà bậc cha mẹ phải làm để tặng sự sống có khởi đầu tốt đẹp, thì e rằng cũng phải mất ít nhất là 1 triệu 8 trăm ngàn đô, kể cả những thứ vừa được kể ở trên”.

Nghe Nadia Taha kể, bản thân tôi cùng với chồng mình thử suy nghĩ xem bọn tôi phải tốn mất bao nhiêu mới gọi là nuôi con cho lớn trọn rồi còn cho cháu đi học đủ thứ trường nữa. Cuối cùng, tôi quyết định bàn thử với các bà bạn khác xem các cụ ấy có cùng một ý nghĩ như Tania Taha không. Thì, câu trả lời của các bà có số con từ 2 đến 8 đứa, thì một số bà đã mô tả chuyện họ từng bỏ ra một khoản tiền kếch sù cũng không kém. Một số bà khác còn tốn cả vào những việc như trả tiền trường và tiền tiết kiệm, yểm-trợ tài-chánh, học bổng, nợ ngân-hàng, tiền kiếm vào các mùa nghỉ, vv...

Các bà đều phát hoảng mỗi lần nghĩ đến chuyện tiền bạc, giá cả nợ nần khi phải nuôi dưỡng con mình cho phải phép. Đa số các bà này đều bảo: Taha hơi quá khi đặt vấn-đề như thế, để rồi có thể nhiều bà cũng sẽ chào thua, không tiếp tục nuôi dưỡng con mình nữa. Một số bà khác, lại cũng cho biết: có lẽ không nên định giá việc dưỡng dục con cái vì như thế thì như việc bắt buộc mình phải làm rồi”. (xem Mary Cooney, How to Value a Child, MercatorNet 24/11/2012)

Thật ra không bàn thì thôi, chứ nếu tiếp tục bàn luận theo kiểu như tác-giả Nadia Taha từng nêu lên, có lẽ phần đông các bà mẹ sẽ phải chết khiếp hoặc sẽ mắc bệnh trầm thống, mất thôi. Tuy nhiên, cũng có vị lại không đặt vấn đề tiền bạc khi dưỡng dục con cái, cho bằng chỉ nói về những điều tốt đẹp đối với bậc phụ mẫu trong việc nuôi dạy con, thì tốt hơn. Thế nên, bằng đôi giòng ngắn gọn hơn, tác giả nọ có đề ra cái-gọi-là các phương-cách để trở thành bậc phụ mẫu tốt, từng viết như sau:

“Dù có thể có nhiều vị cho rằng: đây là chuyện “biết rồi khổ lắm nói mãi”, nhưng cũng nên ghi ra đây những điều ấy để nhắc nhở mọi người về phương-cách tốt đẹp mình chọn sống làm bậc cha mẹ của bầy trẻ.

Tuy là thế, theo ý riêng tôi, cũng nên tóm gọn và nhắc nhở một số ý-tưởng dễ thấy dễ nhận ra nhất để mình còn tiếp tục thực-hiện, chẳng hạn như: trong mọi trường-hợp cũng nên chứng tỏ cho con cái thấy mình thương yêu chúng biết là dường nào, hoặc: cứ tiếp tục tỏ bày sự kiên-nhẫn trong mọi tình-huống, và: có những hành-xử làm gương mẫu cho con mình, vv...

Lại cũng có một số sự việc hơi khó thực-hiện, như: hạn-chế các con không cho chúng chơi “ghêm” hoặc xem phim tập có đánh đấm, bạo-lực hoặc tình-dục trên truyền-hình nhiều như trước, tức cũng phải đưa ra một số giới hạn hoặc rào cản, đều là việc cần thiết, cố gắng mà làm...

Với các bậc cha mẹ còn trẻ, chí ít là các ông bố cũng nên bỏ giờ ra mà đọc truyện kể ngăn ngắn cho các con nghe vào lúc nào thuận-tiện... Và, một chuyện khác nữa mà hầu hết các bậc cha mẹ thường hay quên sót là: dù bận rộn nhiều công chuyện, cũng nên để một ít thì giờ ra sinh hoạt với con mình, chơi các trò chơi nào chúng thích biến thời gian ấy thành thời-điểm có chất-lượng để yêu thương một cách thực-tế, khi ấy mới thấy con trẻ của mình vẫn cứ là những linh-hồn nhỏ, rất thiên thần.

Nói cho cùng, làm gì thì làm, các bậc cha mẹ đích-thực vẫn phải để tâm chú ý đến nhu-cầu con cái chứng tỏ mình khuyến khích năng-động, chứ không ù-lỳ để mọi việc trôi qua như những tháng ngày nhàm chán với con cái. Tóm lại, vẫn cứ phải nhấn mạnh với con cái nhu-cầu hành xử như người tốt lành/hạnh đạo dù có rơi vào tình-cảnh khó khăn đến thế nào đi nữa. Vẫn cứ phải giáo dục con sống sao cho có thể tự-lực ngay từ nhỏ, để có động-thái độc lập, có thế thì sau này chúng mới có thể tự mình quyết định cho lối sống tư-riêng, biệt lập.

Cuối cùng, cũng nên thêm một điều, là: ở vào mọi tình-huống dù khó khăn, bẽ bàng, tuyệt vọng cũng nên có ý-hướng vui nhộn, nhẹ nhàng, giản-đơn, không câu nệ và nhất là đừng tạo cho mọi sự mọi việc trở nên trầm trọng, khó xử sự. “ (xem William West, 18 ways to be a better father, MercatorNet 23/11/2012).
          
Nói như kiểu nhà văn, nhà Đạo rất đạo mạo hoặc mô phạm thì nói như thế, cũng đáng nể. Nhưng nói theo kiểu của nghệ sĩ, lại sẽ hát như sau:

“Thu nay vì đâu tiếc nhiều,
Thu nay vì đâu nhớ nhiều,
Đêm đêm nhìn cây trút lá,
Lòng thấy rộn ràng,
Ngỡ bóng ai về”.
(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

“Thu nay vì đâu tiếc nhiều” phải chăng có người cũng tiếc khá nhiều không chỉ mỗi Thu mùa, những tiếc và nuối rất nhiều chuyện. “Thu nay vì đâu nhớ nhiều”, đâu chỉ nhớ những việc, hoặc những chuyện để đời trong giáo dục con cái có được nếp sống vui tươi, không tiếc nuối đến thế. Tiếc nhiều, là tiếc thời vàng son bản thân mình được giáo dục theo cung cách đạo đức mang tính nhắc nhở, rất như sau:

Mẹ tôi có cách dạy con không giống như những người mẹ khác trong làng, không roi vọt, không những lời quở trách, mắng nhiếc hay dọa dẫm. Mẹ dạy chúng tôi bằng những câu chuyện có hậu, những câu chuyện đời thường có kết cục gần giống nhưnhững cái kết trong truyện cổ tích, hay những tấm gương về người tốt trong cuộc sống thường ngày. Những câu chuyện của mẹ không có bà tiên, ông Bụt nhưng lại có đủ sức mạnh, để cảm hóa những tâm hồn non nớt ngày ấy của chúng tôi. Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng nhỏ của miền Trung. Bố tôi mất sớm. Nhà tôi có ba chị em gái, mình mẹ phải vất vả nuôi chúng tôi ăn học nên người.

Hiện tại, chị em chúng tôi đều thành đạt và đã có gia đình. Nhiều lúc, vì áp lực công việc tôi đã dạy con bằng những lời nặng nề, những câu dọa dẫm. Tất cả chỉ mong chúng nên người, nhưng ngược lại chúng lại buồn bã và đôi lúc lại tỏ ra… bất mãn với tôi. Bất chợt tôi nhớ về mẹ, nhớ về từng lời dạy dỗ ngày xưa. Những lời dịu dàng của mẹnhư một sự nhắc nhở cho tôi về tình yêu thương, sự quan tâm đến con cái nhiều hơn. Và chính tình yêu thương xuất phát từ trái tim để đi đến trái tim, nó đã có sức mạnh hơn những roi đòn, mắng nhiếc.
 
Mẹ tôi đã dạy chị em tôi rất nhiều, nhưng điều làm tôi nhớ và biết ơn mẹ nhiều nhất đó là mẹ dạy con bằng chữ “nghiệp”. Lạ thay, chỉ với một chữ giản dị ấy đã theo tôi suốt một đời. Không làm điều ác, không chửi bới người khác, phải luôn giúp đỡ những người yếu hơn mình. Nếu không sẽ gieo nghiệp”. Mà ai gieo nghiệp, thì sau này sẽ gánh cái nghiệp mà mình đã gieo, và tất nhiên sẽ khổ suốt đời. Nếu không bị báo ứng ngay trong kiếp này thì khi chết xuống…. âm phủ sẽ bị đày đọa. Hiểu một cách nôm na theo ý mẹ, đó là ở ác sẽ gặp quả báo ác.

Câu chuyện về chữ nghiệp của mẹ làm tôi nhớ mãi: Ngày ấy, nhà tôi có nuôi một con gà trống để dành giỗ cha, nhưng gần đến ngày giỗ thì bất thình lình bị hàng xóm bắt mất. Chị em tôi định qua chửi cho lão hàng xóm hay ăn cắp vặt biết tay. Nhưng mẹ tôi ngăn lại với lý lẽ: “Người ta ăn thì mình khỏi ăn, có gì đâu mà các con tức tối, bận tâm. Nếu sang chửi thì con gà cũng không sống lại, mà các con sẽ mang… nghiệp vào thân đấy. ác con thấy bà Gạo ở đầu làng không, vì kiếp trước ăn nói xấc xược, thích gây gổ, chửi nhau nên kiếp này miệng bị lệch qua một bên đó, các con thấy chưa?”.

Hình ảnh bà cụ miệng lệch sang một bên, thường hay thất thểu đầu làng cuối xóm để lượm ve chai, thoáng thấy chúng tôi đã sợ xanh mặt. Nên thôi, chúng tôi quyết định không cãi vã gì nữa. Và cho dù sau này lớn lên, lập nghiệp nơi khác, trong cách ứng xử với đồng nghiệp, hay bạn bè, ít có khi nào tôi gây gổ hay nói nặng lời một ai đó đã làm tổn thương mình.

Không những dạy con cách đối đãi hàng xóm, mẹ còn dạy chúng tôi biết yêu thương nhau bằng những cụm từ “nếu không…”. Nếu không làm việc đức, thì con cháu của chúng ta sẽ khổ. Nếu không biết nỗ lực vươn lên, thì suốt đời ta sẽ như một đám lửa tàn. Nếu không biết thương yêu, nhường nhịn thì chúng ta sẽ gặp rắc rối và cuộc sống sẽ chẳng có lúc nào bình yên." Bởi vậy, dù trong một gia đình toàn con gái nhưng ba chị em tôi không bao giờ đánh nhau hoặc ganh tỵ điều gì. Bởi chúng tôi thương và tin vào những lời mẹ dạy. Mặc dầu, những cụm từ đằng sau chữ “nếu không…” luôn xa vời với chúng tôi về một thế giới khác, ở cái… kiếp nào đó.

Nhiều lúc tôi ngẫm lại thấy cách dạy của mẹ haybiết bao nhiêu. Mẹ vừa dạy cho chúng tôi tình yêu, lòng tin vào những điều tốt đẹp, vừa dạy cách đối nhân xử thế. Ngày xưa, mẹ ít học lắm. Mẹ không học đến cao học như chúng tôi bây giờ. Nhưng những bài học về làm người chỉ ở mẹ mới có, những câu nói không có trong sách vở nhưng đã làm cho chúng tôi biết sợ, biết tin, biết yêu vào cuộc đời.

Với tôi, mẹ là người tuyệt vời nhất, là người đã vẽ nên những cái kết có hậu trong cuộc sống. Mà ở đó con người không biết làm điều ác, chỉ biết yêu thương và san sẻ. Bởi khi ta cho đi những gì, thì ta sẽ nhận lại những thứ ấy. Cảm ơn tình yêu, cảm ơn những lời dạy dỗ của mẹ, để cho chúng con trưởng thành, biết sống hơn trong cuộc đời đầy những lo âu và muộn phiền này”.
(Thanh Trâm - 03/26/2014 trích từ email bạn bè gửi hôm 29/4/20214)

Bỏ qua một bên quan-niệm riêng-tư của mỗi người về chữ “nghiệp”, mà chỉ nói về cung cách đối xử với con trẻ, tưởng cũng nên cứu xét tính-chất rất riêng về hạnh phúc trong nhớ nhung và nuối tiếc.  
Nhớ và tiếc, còn là tiếc và nhớ những điều mà thánh-nhân hiền từng dặn dò mọi người trong cộng-đoàn tín-hữu xưa nay, nhưng ít người nhớ. Nhớ tiếc nhiều, hơn cả mùa Thu, là nhớ những điều được dặn, rất như sau:

“Anh hãy dạy những gì phù hợp với giáo lý lành mạnh.
Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực,
vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại.
Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh,
không nói xấu,
không rượu chè say sưa,
nhưng biết dạy bảo điều lành.
Như vậy, họ sẽ dạy cho người vợ trẻ biết yêu chồng, thương con,
biết sống chừng mực, trong sạch, chăm lo việc nhà, phục tùng chồng,
để lời Thiên Chúa khỏi bị người ta xúc phạm.”
(Titô 2: 1-5)

“Dạy những gì phù-hợp với giáo-lý lành mạnh”,  không chỉ là dạy và dỗ đàn con bé bỏng mà thôi. Nhưng còn là, sống xứng đáng như mẫu gương cuộc sống của đấng thánh nhân-hiền đã từng sống trước, rồi mới dỗ và dạy đệ tử hoặc con cái mình.
Trong tâm tình quyết chí thực hiện những điều mình được dạy như thế để rồi mình sẽ hiên ngang đứng thẳng dậy mà hát lên những lời ca tuy ướt át, nhưng rất thực-tế, như sau:

“Anh mong chờ mùa Thu
Tà áo xanh nào về với giấc mơ
Mầu áo xanh là mầu Anh trót yêu
Người mơ không đến bao giờ. 
(Đoàn Chuẩn/Từ Linh – bđd)

Tà áo nào, dù xanh dù đỏ, cũng về với ước mơ, để rồi bạn và tôi, ta sẽ bảo nhau cứ thế mà tiến bước trong tâm-tình dắt-dìu, đùm bọc lẫn nhau để sẽ không có “sự cố” nào xảy ra với mình và với người, hết.

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc chẳng dám hát
những lời mong chờ Mùa Thu ra như thế,
nhưng vẫn cố
mở mắt xem bạn và người
có điểm tốt nào để theo gương
mà sống nốt quãng đời còn lại
rất mong chờ.   


No comments: