Saturday, 20 July 2013

“Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 17 thuờng niên năm C 28-7-2013

“Tôi không phải là vua nên mộng ước thật bình thường”
Như yêu một loài hoa trên vùng đá sỏi buồn phiền.
Loài hoa không hương sắc màu,
nhưng loài hoa biết khép lá ngây thơ.”
(Trần Thiện Thanh – Hoa Trinh Nữ)
(Ph 2: 1-4)
            Câu hát trên, tuy nghe nhiều lần nhưng chắc hẳn có vị cũng lấy làm lạ như bần đạo, nên vẫn hỏi: mộng và ước của người viết, có là ước và mộng do gặp được “Hoa Trinh Nữ” ở đời chăng? Bần đạo đây, cũng có nhiều mộng ước thật bình thường, thế mà đôi lúc vẫn không thấy nó thành hiện thực.
            Nói đúng hơn, mộng và ước của bần đạo thật rất nhỏ, có đó rồi lại không. Có hay không, cũng tựa như ân huệ Trời cho xong rồi rút lại; âu cũng là chuyện thường ngày ở huyện, rất Đạo nhà.
            Về “mộng ước thật bình thường” như người viết nhạc ở trên tâm sự, bần đạo đây cũng thường quan niệm tất cả là ân huệ, nên vẫn tạ ơn Trên cả vào khi trải qua đôi ba kinh nghiệm tương tự như khi ‘luận phiếm đường dài’ không phải lúc nào cũng ‘ron rả’ được tiếp nhận dài dài, mãi đâu. Đã chấp nhận viết lách, là chấp nhận một ‘phi phỏng’, tức: có đó rồi lại mất đó, như trong đời.
            Chuyện chỉ là: cách nay không lâu, đấng bậc rất có “thớ” trong nhóm chủ trương báo điện tử nọ có gửi cho bần đạo một tin tức...mình, đại để bảo rằng:

“Chuyện Phiếm Đạo Đời, ban Biên tập xin tôi ngưng vì có nhiều độc giả “complaint”... Tôi, thi thoảng thấy bài viết của anh có tư tưởng, lồng trọng văn chương dí dỏm...Nhưng, bá nhân bá tính, nên Ban Biên Tập quyết định xin ngưng đưa lên... Xin lỗi anh về chuyện này.”
(trích điện thư của một bạn hiền linh mục gửi bần đạo hôm 05/7/13)

            Bạn đạo trong Ban Biên Tập của ‘báo điện’ nổi cộm, lại không nói rõ có giòng chảy nào khiến bạn đọc những than và phiền, nên bần đạo chả biết “ất giáp mô tê” gì ráo trọi, chỉ dám tiếp tục nghe và ngóng cho kỹ, để xem bạn bè ở một số nơi còn góp ý, lại nhận được đoạn viết như sau:

“Có tư tưởng lồng trong văn chương dí dỏm, mà lại xuất hiện trong làng báo khô khan, thì làm sao sống dai hoặc sống dài dài được. Thôi thì bạn ạ! “Nhà Cha ta có nhiều chỗ ở”... Nơi nào không tiện để mình xuất hiện, cứ coi đó là “ân huệ”, rồi “rũ áo ra đi” tìm chỗ nào vui hơn!” 

            Nghe thế, bần đạo lại sẽ quyết tìm chỗ “vui hơn” mà đến chơi/trò chuyện hoặc ‘cà kê dê ngỗng’ với câu hát Karaôkê, như sau:     

“Qua một rừng hoang gió núi theo sang, giũ bụi đường trên vai,
Hái cây hoa dại lẻ loi bên đường, gọi là hoa Trinh Nữ.
Hoa Trinh Nữ, không mặn mà bằng nàng hồng kiêu sa.
Hoa đâu dám khoe màu cùng một nàng Cúc vàng tươi.
Hoa không bán hương thơm như nàng Dạ Lý trong vườn,
Nhưng Hoa Trinh Nữ đẹp, tựa chuyện tình hai chúng ta...”
(Trần Thiện Thanh – bđd)

“Tình hai chúng ta”, có thể là tình người nhà Đạo chỉ muốn viết và lách cho nhiều, để người đọc còn hiểu tâm trạng của nhà Đạo thời hiện tại; chứ không chỉ nói năng chuyện tư riêng, nhỏ mọn, Thế nhưng, viết lách sao cho khỏi bị “than phiền” là “nghề của chàng”. Chàng trai hiên ngang chỉ nói năng bằng ngòi bút, thôi. Nói năng, tuy không lăng nhăng, lằng nhằng nhưng vẫn có các vị đặt bút viết, gửi về toà báo tuần rất Đạo, chỉ đưa ra câu hỏi về chuyện nói năng “tung tăng”, như sau:

“Mới đây, tôi được mời đến tham dự buổi tụ tập nguyện cầu rất “đặc sủng” trong đó có khá nhiều người “nói tiếng lạ”. Riêng tôi, vẫn thấy khá lạ, nên tự hỏi: làm sao như thế. Nay xin hỏi: Hội thánh ta, có chuẩn nhận những điều như thế không?” (Lại thêm một câu hỏi của đấng bậc/người đọc có mặt mà không có tên, để ký hỏi cho riêng mình.)

            Riêng một mình hay thật nhiều mình, vẫn cứ là câu hỏi từ nhiều năm của người nhà Đạo rất chuyên chăm nhưng ít thấy sự lạ kỳ nào như thế. Nghe hỏi những điều như thế, đức thày nhà Đạo mình ở Sydney lại lấy giấy bút ra mà trả lời/trả vốn bằng một giải đáp khá quen, như sau:

“Trước nhất, ta hãy cùng nhau về với thánh kinh để xem Sách thánh có nói gì về chuyện này không. Ngay Đức Giêsu cũng từng nói tiên tri rằng: những ai tin vào Ngài, sẽ có khả năng nói tiếng lạ, như Tin Mừng thánh Mác-cô có chép: “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.” Mc 16: 17)

Mặc khải rõ ràng hơn, là vào Lễ Ngũ Tuần, khi ấy Thánh Thần Chúa ngự xuống với các thánh Tông-đồ, được kể lại trong sách Công cụ, như sau: “Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho. Lúc đó, tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do-thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các ông nói tiếng bản xứ của mình.” (Cv 2: 4-6)          

Về sau, khi thánh Phêrô đến nhà của viên bách quản người La Mã tên là Cornêliô ở Xêdarê và khi đó, cũng có quà tặng của Thánh Thần Chúa đổ xuống trên mình những người ngoài Đạo, là vì: “bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. (Cv 10: 6). Và rồi, lại có sự kiện tương tự ở Êphêsôkhi có một nhóm người cũng đã “nói tiếng lạ” sau khi được thánh Phaolô đặt tay lên đầu và nhận đón Thánh Thần Chúa, hệt như thế. (Xem Cv 19: 6)

Riêng thánh Phaolô cũng từng viết rất nhiều thư cho giáo đoàn Côrinthô về món quà “nói tiếng lạ”, kể cả quà tặng do Thánh Thần Chúa ban, như: “Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.” (1 Cor 12: 10)

Rồi cứ thế, thánh-nhân còn phân biệt ơn “nói tiếng lạ” và “ơn tiên tri”, mỗi ơn có mục đích khác nhau, như: “Thật vậy, kẻ nói tiếng lạ thì không nói với người ta, nhưng là nói với Thiên Chúa, bởi vì chẳng ai hiểu được: nhờ Thần Khí, kẻ ấy nói ra những điều nhiệm mầu.3 Còn người nói tiên tri thì nói với người ta để xây dựng, để khích lệ và an ủi.4 Kẻ nói tiếng lạ thì tự xây dựng chính mình; người nói tiên tri thì xây dựng Hội Thánh.5 Tôi muốn cho tất cả anh em nói các tiếng lạ, và nhất là tôi muốn cho anh em nói tiên tri. Người nói tiên tri thì cao trọng hơn người nói các tiếng lạ, trừ phi người này giải thích để xây dựng Hội Thánh.”(x. 1Cor 14: 2-5)

Thánh Phaolô cũng công nhận mình từng nói nhiều tiếng lạ, trong thư gửi giáo đoàn này, như: “Tôi cảm tạ Thiên Chúa vì tôi nói các tiếng lạ nhiều hơn tất cả anh em,19 nhưng trong cộng đoàn, thà tôi nói năm ba tiếng có thể hiểu được để dạy dỗ kẻ khác, còn hơn là nói hàng vạn lời bằng tiếng lạ.” (1Cor 14: 18-19)

Về sau, thánh-nhân đã tóm tắt mối tương-quan giữa ơn nói tiếng lạ và ơn tiên tri, bằng lời lẽ rất chắc nịch, rằng: “Cho nên, thưa anh em, anh em hãy khao khát ơn nói tiên tri và đừng ngăn cấm nói các tiếng lạ. Nhưng hãy làm mọi sự cách trang nghiêm và có trật tự.” (x. 1Cor 14: 39)

Ngang qua các đoạn thư trích dẫn ở trên, ta nhận ra được lời giải đáp cho câu hỏi mà anh/chị đặt. Thứ nhất, chẳng có gì xấu khi nói tiếng lạ, bởi đó là quà tặng từ Chúa Thánh Thần. Nếu các thánh Tông đồ có được quà tặng này vào Lễ Ngũ Tuần và thánh Phaolô cũng được ân huệ như thế, thì chuyện ấy đâu có gì là xấu xa đâu.

Thứ hai là, “nói tiếng lạ” trước nhất là hướng về Chúa mà cầu nguyện, chứ không phải nói cho những người đang hiện diện, và cũng chẳng để cho những người này hiểu. Nhiều vị có ơn đặc sủng cũng nhận ra rằng đây chính là ân huệ đặc biệt xảy ra trong buổi hội họp của họ, thôi. Nếu có ai cầu nguyện bằng “tiếng lạ” và những người trong buổi ấy nhận ra rằng Chúa Thánh Thần thực sự có mặt hôm ấy và đã thúc đẩy mọi người cùng nguyện cầu theo cách ấy. Ngài cũng lấp đầy mọi người bằng niềm tin và ơn huệ qua việc Chúa Thánh Thành hiển hiện, như thế.

Thứ ba là, quà tặng “nói tiếng lạ” là điều quan trọng, cần thiết hơn cả ơn nói tiên tri, ơn chuyển tải đến người khác Lời của Chúa, ngõ hầu để Chúa dẫn dắt họ sống. Cuối cùng thì, đây là sự việc từng xảy đến vào Lễ Ngũ Tuần khi đó các thánh tông-đồ đã sử dụng ơn “nói tiếng lạ” để cất nhắc những người hiện diện trong buổi đó ngõ hầu hiểu được thông điệp Chúa gửi đến cho mình.

Cuối cùng ra, theo nghĩa rất thực của sự việc Hội thánh hôm nay có được ơn “nói tiếng lạ” qua sự thể người nói đã sử dụng ngôn ngữ của mỗi nước và mọi nước. Thế kỷ thứ 6, có vị giảng thuyết ngưòi châu Phi từng giải thích sự thật này rằng: “Vì thế nên, giả như có ai nói điều gì cho mỗi người chúng ta, rằng: Anh chị em đã nhận được ơn Chúa Thánh Thần rồi, sao anh chị em lại không nói tiếng lạ?, thì câu trả lời phải là: ‘Tôi cần nói thứ tiếng của hết mọi người, bởi lẽ tôi thuộc về Thân Mình Đức Kitô, tức là Hội Thánh Chúa và Hội thánh của Ngài đang nói đủ mọi thứ tiếng, ngày hôm nay.(Xem. Sách Bài Giảng số 8, đoạn 1-3)(Giải đáp thắc mắc của Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 9/6/2013, tr. 10)

Nói năng bằng nhiều thứ tiếng, không chỉ mỗi “tiếng lạ” của nước nào đó cũng chưa quen, cũng là chuyện lạ, ở đời  Thế nhưng, nói năng bằng tiếng nước mình, của người mình, dù là “nói có tư tưởng, lồng trong văn chương dí dỏm” mà người bình thường đã thấy lạ, mà bậc trên lại không thấy, đó cũng là điều lạ, ở cõi đời.
Còn nhớ, vị “thánh cả của mọi thời” cũng thấy những điều như thế, khi ngài sống gần cận dân đen đời thường ở xứ miền Galát. Qua thư Galát, thánh Phaolô từng hướng-dẫn dân con nhà Đạo nhớ về ý nghĩa thực của thập giá Đức Kitô gửi đến mọi người. Thập giá đây, không hẳn chỉ là những o ép/bức bách khiến đôi bên, cả người trao tặng lẫn người nhận quà tặng, đều cảm kích.
Đúng ra, thập giá đây, là sự rất thật trên thực tế. Thực tế cuộc đời những cứng cỏi, sống sượng hoặc khó nuốt nhưng vẫn là khổ giá hình chữ thập, lại vẫn mang tính-chất rất tích-cực. Là con dân Đức Chúa, là những con người rất thật biết chấp-nhận mọi thách đố ở đời. Thách đố ấy, chính Chúa cũng gặp phải. Thách đố này, cũng là như thực-tại của thập giá cuộc đời, rất thập tự.
Còn nhớ, có lần bậc thày giảng dạy đã dẫn giải tư tưởng của thánh Phaolô xưa từng minh định về thập giá có ý nghĩa của cái-gọi-là “thứ đáng nguyền rủa” ở đời, như sau:

“Đức Giêsu từng bị treo lên cây gỗ có hình chữ thập. Lề luật Do thái ở kinh Torah, trong sách Đệ Nhị Luật cũng nói: những người bị treo lên cây gỗ, đều bị nguyền rủa/chúc dữ. Nguyền rủa vì nhiều sự. Chúc dữ vì Sách Luật. Nguyền rủa và chúc dữ do bởi Thiên Chúa của Sách và của Luật. Sự thật thì, có bị nguyền rủa/chúc dữ vì dư luận quần chúng, vì “lý lẽ rất chung của người bình thường thật đấy, nhưng được tôn kính.

Thế nhưng, hỏi rằng nguyền rủa/chúc dữ có nghĩa gì? Thì câu trả lời, sẽ là: họ sẽ đặt kẻ nhạo báng trên ta. Và có nghĩa là: chúng dân cứ kích bác, đẩy lùi ta ra khỏi hiện trường của sự sống rất hạnh phúc. Và, điều đó còn có nghĩa: khi ấy, ta sẽ bị tẩy chay, loại trừ hoặc trở thành cặn bã của cộng đoàn mà ta chung sống.” (xem Lm Kevin O’Shea CSsR, Phaolô, vị thánh của mọi thời, 2008, tr.83)

Nói cho cùng, thập giá cũng rất chung, hay những cực hình mình vẫn chịu ở đời thường, lại là những bất ưng, tranh chấp, hoặc lạy lục. Lạy và lục để có được nhiều chuyện, hệt như câu chuyện cảm nghiệm của người viết, lại những lời thêu thùa trong bài hát, như sau:        

Xưa thật là xưa nhớ mấy cho vừa nhớ mẹ kể đêm mưa
Có ông vua trẻ xuất binh qua rừng dẹp quân xâm lấn
Khi vua kéo quân về tình cờ gặp một giai nhân
Vua xao xuyến tâm hồn vời nàng về chốn hoàng cung
Truyền cho khắp nhân gian đem lụa là đến cho nàng
Trên ngôi cao chín từng hoàng hậu đẹp hơn ánh sao

Tôi không phải là vua nên nào biết đến xa hoa
Không ngọc ngà kiệu hoa không nệm gấm không cung son
Tôi chỉ là người lính phong trần, thấy hoa nhớ người yêu rất xa

Ngồi buồn ghi lại cảm nghiệm trong đời thường về những bất ưng, có bạn đạo nọi lại đã đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta quay về với thơ/văn của thánh hiền nhà Đạo, rày vẫn bảo:

“Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô
đem lại cho chúng ta một niềm an ủi,
nếu tình bác ái khích lệ chúng ta,
nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí,
nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau,
 thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn,
 là hãy có cùng một cảm nghĩ,
cùng một lòng mến,
cùng một tâm hồn,
cùng một ý hướng như nhau.
Đừng làm, chi vì ganh tị hay vì hư danh,
nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.
Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình,
nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.”
(Phil 2: 1-4)

Nghe thế rồi, thì hỡi bạn và hỡi tôi, ta lại sẽ cùng người nghệ sĩ, hát lên lời cuối của nhạc bản “Hoa Trinh Nữ” để thấy được, rằng: đời mình và đời người, còn có những đoá hoa lòng rất trinh trong vẫn cứ nở. Hoa trinh trong ấy, được nâng nhẹ, xếp trong tay, thật mê say, rằng: 

Nâng nhẹ một cây lá xếp trong tay lá ngủ thật mê say
Ngỡ đôi mi dầy khép đêm trăng đầy cài then cung ái
Tôi nghe thoáng qua hồn mình vừa thành một quân vương
Quân vương giữa hoa rừng lòng bàng hoàng nhớ người thương
Và mong ước mai sau khi tan giặc nước vua về
Cho giai nhân ngóng đợi chỉ một cành Trinh Nữ thôi.”
(Trần Thiện Thánh – bđd)

Nghe hát rồi, nay thử mời bạn mời tôi, ta nghe thêm truyện kể nhè nhẹ cũng về chuyện “nói năng” hoặc “viết lách” từng làm nhiều người bức bách hoặc “than phiền”, như sau:

“Tại cửa hàng sách, có bạn hang đến hỏi cố bán sách ngồi ở quầy thu tiền rằng:
- Côi ơi! Cho tôi hỏi sách "Gia đình hạnh phúc" nằm ở dãy nào vậy?
- Đây là sách thể loại hoang tưởng, nằm ở dãy số 1.
- Thế sách "Giữ trọn Đạo vợ chồng" thì sao?
- Dạ, ở dãy số 2, thể loại tiểu thuyết đấu đá.
- Vậy, sách "Cách quản lý tài chính để có thể mua nhà", thuộc loại gì thế?
- Để là sự tổng hợp chứng vọng tưởng, nằm trong thể loại sách tâm thần, dãy số 8.
- Thể còn "Làm thế nào để thăng chức"?
- Loại sách tội phạm hình sự này nằm dãy số 3.
- Cho tôi hỏi cô thêm câu nữa: các sách viết về chuyện phiếm đạo cô để ở đâu thế?
- Xin lỗi, tiệm sách chúng tôi không kinh doanh truyện cổ, xin ông đừng tìm vô ích!”...
(trích truyện kể gửi đăng trên mạng, năm 2012)

Thế đó, là lời giải về những chuyện lạ trong đời. Chí ít, là đời người đi Đạo vẫn có rất nhiều lạo xạo, nghe như truyện cổ: cổ điển lẫn cố tích, trích dịch cho mọi người.

Trần Ngọc Mười Hai
Nhiều lúc cũng muốn đạo đạt
đôi điều tuy khó nói,
nhưng không khó kể.
Gửi nhiều người.

No comments: