Saturday, 6 July 2013

“Tình yêu như nắng,




  
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ XV mùa Thường Niên Năm C 14-7-2013

“Tình yêu như nắng,
nắng đưa em về bên dòng suối mơ”
“Nhẹ vương theo gió,
gió mang câu thề xa rời chốn xưa.”
 (Ngô Thụy Miên – Riêng Một Góc Trời)
(Phl 2: 1-2)
            Mỗi lần, bần đạo nghe giọng Tuấn Ngọc hát lên những lời tương tự, là đã thấy ngay “Một góc Trời”, khá thời thượng. Góc trời thời thượng, nói nôm na thì: chẳng trời đất nào lại có góc, có cạnh ở đâu hết. Góc Trời rất riêng tây, mà bần đạo nay đề cập, là tình tự thấy rõ ở câu ca, vẫn hát tiếp:

            “Tình như lá úa, rơi buồn trong nỗi nhớ.
            Mưa vẫn mưa rơi,
            Mây vẫn mây trôi
            Hắt hiu tình tôi.”
            (Ngô Thụy Miên – bđd)

            À thì ra, góc trời riêng tây một cõi, là tình-tự của người viết nhạc và/hoặc của nghệ sĩ nay cứ hạt những là “lá úa”, “hắt hiu”, “như sương khói”. Tình tự người nghe nhạc, lại chỉ là những tình rất tự-sự của người đang sống với môi trường thực-tế cứ thấy đời mình như sương khói, “mơ hồ trong bóng tối” rất ê chề, hết cách chữa.
            Có thể, người nghe nhạc ở đâu đó, chợt thấy người nghệ sĩ vẫn cứ hát thêm câu khá âu sầu:

            “Tìm đâu thấy, tìm đâu thấy nữa
            Khi mùa đông về theo cánh chim bay
            Là chia cách đôi nơi
            Là, hạnh phúc rã rời, người ơi!”
            (Ngô Thụy Miên -  bđd)

            Chuyện rã rời đời người hôm nay, không chỉ là tình tự-sự giữa hai người, thôi. Mà, còn là và sẽ là sự rã rời nơi tình người đối với nhau và với không gian/môi trường không còn dễ sống và đáng sống nữa. Nhưng đã và sẽ một gãy đổ/rữa nát giả như con người, chứ không phải con vật ở rừng sâu, cứ tiếp tục gây vỡ đổ/rữa nát khiến môi trường sống không còn có thể sống lâu dài được nữa.
            Lập trường đây, không phải của riêng bầy tôi/bần đạo cứ xục xạo các chuyện kể hoặc vấn đề thời đại, thời mà đàn anh/đàn chị bậc trưởng thượng hay đặt vấn nạn này nọ. Bậc trưởng thượng nay ưu tư, uẩn ức rất âu sầu về tình thương hết mọi thứ, cả những thứ không chỉ là ưu-tư của người thường, như đấng bậc nọ từng ghi thư gửi Giáo Hoàng mới đắc cử, ở bên dưới:

            “Trọng kính Đức Giáo Hoàng Phanxicố đáng kính,
            Có nhiều điều và nhiều thứ khiến bản thân con vẫn muốn đề-cập đến trong thư này. Nhưng, con không biết bắt đầu thế nào cho phải lẽ. Bởi thế nên, nếu ngài cho phép con tâm sự chừng vài phút thôi, con sẽ san sẻ với ngài một vài ký ức của con như sau:
            Cách nay không lâu, tại xứ sở mà mọi người vẫn gọi là Úc Châu, con đã thong dong tản bộ vào một buổi sáng thứ Bẩy ở khu thương mại để xem dân cho biết sự tình. Lý do là bởi nước Úc của con vẫn có thói quen thích các khu thị tứ đồ sộ với nơi đậu xe thật to lớn đến độ con cứ tự hỏi, sao ở đây không ai chối bỏ sự thể về lửa luyện ngục rồi còn tin vào các khu thương-xá rất vĩ đại.
            Đặc biệt là sáng hôm ấy, con bước vào quán xá gọi một tách cà-phê nóng cho ấm lòng bèn thấy bàn bên cạnh lại là vị linh-mục mang cổ trắng khá nổi bật, cũng đang tìm cách gọi cà-phê như con. Vẫn đinh ninh ông là linh mục Anh-giáo hay sao đó, nhưng không rõ, bởi lẽ quây quần bên ông có đến bốn trẻ cứ gọi hết ba rồi lại bố rộn cả một góc trời. Trong số đám con đó, có một bé em cứ là đòi bố với ba mua cho được nhưng hai đôi giày khác nhau, một để chơi bóng tròn, một để chơi bóng bầu dục, kiểu của Úc.
            Cô con gái của ông lại cũng đỏ mặt tía tai vì cái túi sách của cô không có chỗ nào đặc biệt cho chiếc di động khá đắt tiền của cô. Trong khi đó, một bé còn trong nôi cứ là khóc inh ỏi, còn bé kia thì cứ xé nhỏ cái bánh tiêu đường rồi vứt vào bé em trong nôi.
            Vị linh mục kia cố gắng hết mình để sự việc được êm thắm, nhưng không xong. Ông bắt đầu mất bình tĩnh, chửi toáng kêu cả tên tục của cấp trên ra mà tả oán kể khổ. Và rồi, khi gỡ nắp đựng cốc cà-phê bằng giấy ra, bất chợt ông kêu tên cực trọng ra mà xin lỗi: Lạy Chúa, xin thứ tha cho lỗi của kẻ hèn mọn này.
            Trọng kính Đức Thánh Cha,
Kể chuyện này, con chỉ muốn nói rằng: với con, sự kiện này là dấu chỉ về cuộc sống mỗi ngày của đám con cái cha đang ở đây, chí ít là đấng bậc linh mục như vừa thấy. Linh-mục ấy, nay cho thấy mình cũng mon men sát lằn ranh chịu đựng trong cuộc sống, đến độ khó có thể làm hơn thế. Ông cũng đã nguyện cầu bằng lời lẽ xuất tự tâm can. Và trong trường hợp vừa kể, ông cũng đã hoà mình với những người đi mua sắm ở khu này khá tương tự như công việc cử hành và chiến đấu với thực tại rất thật vào một buổi sáng thứ bẩy rất thường tình. Lý do mà lâu nay một số người vẫn biện luận cho rằng Giáo hội mình cần phong chức linh-mục cho các vị có gia đình, là chuyện không mấy thực tế. Trên thực tế, chừng như Giáo hội ta đang bị chứng ưu tư buồn bã làm cho tê cứng. Có lẽ Giáo hội ta đang cần đến các linh mục nào có khả năng mở rộng vòng tay với thứ thực tại của thế giới đương đại, dù các ngài có chọn sống đời độc thân thanh khiết, thiết tưởng cũng bị một áp lực tương tự như thế.
Có thể ngài không tin chuyện con kể ở đây là chuyện thực tế, nhưng sự việc xảy ra hôm đó lại cứ trở về với đầu óc của con rất nhiều lần khi con nhớ lại có lần đã đọc được ở đâu đó đôi giòng chảy ngài từng tỏ lộ trước khi được bầu làm vị thượng hoàng của cả Hội thánh. Điều ngài viết, ai cũng nhớ rõ mồn một như sau:  
“Thật sự, thì tôi vẫn xác tín rằng: thời buổi hôm nay, chọn lựa căn bản để Hội thánh ta làm không phải là giảm thiểu hoặc bãi bỏ đi các giới lệnh này khác của Giáo hội; và biến giới lệnh này hay giới lệnh khác sao cho dễ thực hiện hơn, nhưng là: hãy cứ xuống phố đi vào các ngõ nhỏ để kiếm tìm đồng bào hầu hiểu rõ từng người, biết cả tên lẫn tuổi của họ; chứ, không phải chỉ là Giáo hội mình có bổn phận phải ra đi rao giảng Tin Mừng và coi đó như sứ mệnh được trao ban, mà: không làm thế, tự khắc sẽ tổn hại đến chính thanh danh của Giáo Hội. Rõ ràng là, nếu ta xuống phố đi vào đời có thể sẽ gặp phải tai nạn này khác xảy ra cho chính mình cũng không chừng. Nhưng riêng tôi, tôi vẫn một ngàn lần thích có một Giáo Hội bị tai nạn nhiều hơn là Hội thánh cứ bệnh hoạn mãi.” (x. Michael McGirr, A Letter to the Pope, Australian Catholics, Winter 2013, tr. 16)                    
           
            Thích chọn một giáo hội “sứt càng gãy gọng” vì tai nạn, hơn một giáo hội đau yếu, bệnh hoạn. Vâng. Đó là lựa chọn của đấng bậc ở trên cao. Nhưng, như thế chưa hẳn là chọn lựa của toàn-thể hội thánh Chúa. Cũng thế, nếu là nghệ sĩ tức là người thích hát những câu ca “một góc trời” nào đó, thì có lẽ bạn và tôi, ta sẽ lại hát tiếp câu trên, như sau:

“Người vui bên ấy, xót xa nơi này thương hình dáng ai,
Vòng tay tiếc nuối bước chân âm thầm nghe giọt nắng phai.
Đời như sương khó, mơ hồ trong bóng tối  
            Em df9ã xa xôi, tôi vẫn chơi vơi riêng một góc trời.”
(Ngô Thụy Miên – bđd)

            Góc trời riêng tây ấy, nay thấy chơi vơi, chẳng vì “Em đã xa rồi” cho bằng tình tự của tôi, của em, của rất nhiều người nay cứ níu kéo:  

            “Người yêu dấu, người yêu dấu hỡi.
            Khi mùa xuân vội qua chốn nơi đây,
            Nụ hôn đã mơ say, bờ môi ướt mi cay cay nay còn đâu.
            Tìm đâu thấy, tìm đâu thấy nữa
            Khi mùa Đông về, theo cánh chim bay
là chia cách đôi nơi là hạnh phúc rã rời, ngươi ơi!”
(Ngô Thụy Miên – bđd)

            Góc trời hội thánh hay cõi trời của tôi, của bạn và của mọi người, là cảnh-trí/môi trường ta sống đang ra như rã nát, bệnh hoạn rất không kém. Bằng chứng ư? Thật ra thì, bần đạo đây hay bạn bè các nơi cũng chẳng kiếm đâu ra được bằng chứng nào thuyết phục được mọi người. Chỉ dám cống hiến bạn đọc những giòng chữ này đôi ba truyện kể để ai cảm nghiệm được chừng nào, hay chừng nấy, thôi.
Trước hết là truyện tiếu lâm nhẹ nhưng có thật, để nói lên rằng: trong môi trường ta đang sống cũng có những chuyện lỉnh kỉnh, khá buồn cười để cho vui, trước khi đi vào câu chuyện nghiêm túc, đứng đắn:

“Báo “Unity”, một tập san do cộng đồng Công giáo ở miền đất phía Bắc Úc Châu có ghi lại một truyện kể về cụ bà cao niên cũng dễ nể, rằng: Hôm ấy, cụ lon ton bước từ khu thương mại ra bãi đậu xe chất đồ đạc vừa sắm sửa, bèn thấy 4 vị đàn ông lực lưỡng đang chễm chệ ngồi ở đó, miệng còn mủm mỉm như thách đố cụ bà cứ việc giải quyết cho hữu lý.

Thấy thế, cụ bà bèn bỏ mấy túi đồ vừa mới mua xuống đất, rút trong người khấu súng lục nhỏ nhắn bằng giọng hét vẫn rất lớn: “Bọn bay có biết là bà đây đang có súng và cũng biết cách xử dụng, chẳng thua ai không? Khôn hồn thì bước ra khỏi xe mà đầu hàng, cho được việc!”  

Mấy người đàn ông nghe thế, bèn răm rắp tuân lệnh, biến khỏi hiện trường ngay tức thì. Nhưng, kỳ lạ thay, cụ xỏ chìa khoá xe vào ổ rất đúng cách mà sao máy vẫn không chịu nổ. Và, cớ làm sao lại có hai thùng bia hiệu Victoria Bitter còn nguyên xi. Thêm vào đó, còn có quả bóng bầu dục nữa mới hết biết? Trong một thoáng rất nhanh, cụ bà phát hiện ra rằng mình đã chui lộn vào xe người khác, nhưng trễ mất rồi, bọn tứ quái kia biến đâu mất làm sao mà thanh minh thanh nga đây. Cụ bà nhìn quanh quất mới thấy xe của cụ đang nằm chình-ình cách đó không xa, bèn lên xe chạy thẳng đến đồn cảnh sát báo cáo sự việc. Cảnh-sát-viên ở đó không nhịn cười được, bèn chỉ vào 4 người đàn ông ngồi phía bên kia cũng vừa đến báo cáo rằng: xe của họ vừa bị một lão bà có súng đến cướp cạn.

Chuyện chỉ mỗi thế. Cũng may là: chỉ vì sơ xuất và lầm lẫn, nên chẳng bên nào bị phạt vạ hoặc ký giấy gì hết.” (x. The Catholic Weekly 16/6/2013 tr. 3) 

            Truyện kể đúng thật chỉ có thế. Nhưng, như thế không có nghĩa là người kể quên gửi gắm một bài học, bảo rằng: Nếu bạn bắt gặp bất cứ chuyện gì có liên quan đến môi trường nay đổi thay, cũng đừng ngại ngần mà quan tâm cho đúng cách. Chuyện về cụ bà ở trên đã lầm lẫn xe mình với xe người, chỉ vì môi trường/mặt bằng nơi bãi đâu cũng đã thay đổi kể từ ngày cụ ghé đậu không bao lâu.  
Lan man kể truyện nhẹ ở trên, là để dẫn nhập vào với câu chuyện ta mạn đàm về môi trường, thời buổi này. Nói chữ “môi trường” đôi lúc thấy cũng rộng và rắc rối. Bởi, nó dấy lên nhiều cuộc tranh cãi, rất mê say biện luận. Nói đến môi trường, có vị lại cứ liên tưởng đến sự việc rừng rậm/rừng thưa xưa rày đầy mầu xanh, nay chỉ lớt phớt đôi ba cây trơ cả gốc ngọn đến lo ngại. Có vị hễ cứ đề cập đến môi trường lại cứ lo cho loài thú hiếm nay truyệt chủng vì loài người ham đốn rừng lấy gỗ/lấy củi, khiến đất đai khô cằn thiếu nước, thiếu sức sống rất đáng sợ.
Nói đến môi trường hôm nay, còn hỏi là: nhà Đạo mình tính sao về những chuyện như thế? Nhà Đạo mình có trách nhiệm gì về gìn giữ môi trường cho dân con mình được sống? Và, có chăng một thần học môi trường?
Nói về môi trường hôm nay là nói rất nhiều giờ và nhiều thứ. Có những thứ/những sự mà người nhà Đạo nói hoài/nói mãi, không biết mệt. Không mệt, là bởi Đạo Chúa nói về môi trường từ thuở ban đầu của lịch sử, khi Giavê Thiên Chúa tạo dựng trời đất có con người, ở sách Sáng Thế ký. Rồi đến thánh vịnh lại cũng cất lời ngợi khen nét vẻ mỹ miều của thế giới, nơi ta sống. Thế giới đây, không chỉ là đất miền để ta khai thác đến tận cùng mà tồn tại. Nhưng còn để tạo vật nhìn vào đó mà ngợi ca kỳ công Chúa thiết lập. Chúa lập nên chốn ta sống, có cỏ cây hoa lá có cả sinh vật vẫn cùng với con người sống kết hợp/sẻ san hầu gìn giữ nó cho thế hệ sau có cơ hội mà sống sót.
Tin Mừng không đề cập trực tiếp đến chuyện môi trường sống của con người. Đức Kitô không nói rõ bằng Lời về cuộc sống có kết hợp với môi trường trong đó mọi sinh vật đều đang sống. Nhưng cuộc sống và cái chết của Chúa đã tạo cho tín hữu Ngài có thái độ đúng đắn với môi trường. Chính Chúa đã chứng minh bằng hành động và sinh hoạt của Ngài đối với Chúa Cha và thế trần do Ngài lập.
Chúa thương con người đến độ Ngài đã để cho Con Một Ngài tham gia vào cuộc sống ở dưới thế với con người và như con người. Giống và như con người, Ngài cũng có những băn khoăn, trăn trở, khổ đau và cuối cùng cũng chết đi để cứu vớt con người và trần thế. Chúa đến với thế trần, không chỉ để cứu mỗi linh hồn của con người mà thôi, nhưng Ngài còn cứu vớt cả thế giới để rồi đổi mới tất cả, cùng với con người.
Bằng Tin Mừng Ngài loan báo, Chúa tỏ cho dân con mọi người thấy được điều cần thiết giữ gìn cuộc sống ở trần thế, biết chiêm ngưỡng nét đẹp của vạn vật. Bằng sự kiện cụ thể, Ngài kể cho dân con mọi người các dụ ngôn bình dị liên quan đến thiên nhiên vạn vật, như: hoa quả, tiết trời, nhà nông trồng tỉa, gặt hái thành tựu của vụ mùa, nhất nhất tỏ cho mọi người thấy Ngài cảm kích sống với thế gian mà không màng chấp nhận mọi ràng buộc của môi trường hạn hẹp, nhiều bức bách. Và, Ngài chấp nhận đồng cam đồng khổ với con người, và cùng với mọi người kinh qua mọi giai đoạn của cuộc sống, rất giống nhau.
Sống trong môi trường cụ thể, con người nay giống Chúa vẫn gặp nhiều thách thức đặt ra cho chính mình. Thách thức thuộc đủ mọi tầm cỡ quyết chăm lo cho đất mẹ do Chúa tạo dựng. Thách thức ngày nay thấy rõ nơi thời tiết đổi thay, thực phẩm và nước uống cứ cạn dần. Thách thức còn thấy rõ, ở sự việc buộc mọi người phải tìm cách cải thiện cuộc sống nhờ y khoa, biến chế thực phẩm từ thiên nhiên ngõ hầu giúp con người sống dai, sống mạnh, sống phúc hạnh hơn khi trước.
Bước tiến của khoa học và kỹ thuật đã giúp cải thiện cuộc sống của con người cũng rất nhiều. Ngoài ra, các phương tiện con người đang có trong tay cũng giúp họ tìm tòi và phát triển nhiều giải phát thực tiễn hầu giải quyết mọi khó khăn đang gặp phải trong cuộc sống mà mội trường đang dần dà bị hủy hoại do nhiều thứ xúc tác, đến từ ngoài. Thách thức quan trọng và cuối cùng, là: con người vẫn phải thật thà và tự tin. Tin rằng: bằng vào thiện chí sẵn có cộng thêm sự hỗ trợ của ơn trên, ta cũng sẽ giải quyết được mọi khó khăn đặt ra cho môi trường mình hiện sống cùng và sống với.                          
Và, một thách thức khác không kém quan trọng, là: biết mình chỉ là tạo vật rất hạn chế; thế nên, luôn cần đến sự hiệp thông hỗ trợ từ mọi phía, mọi người. Có như thế, mình với ta vẫn cứ là một. Một con người. Một sức mạnh vốn dĩ có thể thực thi mọi điều tốt đẹp sao cho phù hợp với tình thương Chúa ban và tình người đang mở rộng chào đón mỗi người và mọi người. Để rồi, tất cả mọi người đều có thể ngồi cùng bàn mà thưởng lãm tình tự thương yêu được làm con Chúa, được sống với anh em trong môi trường rất con người.
Còn lại, chỉ mỗi việc là: làm sao đáp ứng được ước vọng từ nhiều người, nhiều phía. Cả từ phía của người thường rất nghệ sĩ vẫn hát câu ca vang vọng tận “một góc trời” có những lời như:

“Tìm đâu thấy, tìm đâu thấy nữa khi mùa đông
về theo cánh chim bay là chia cách đôi nơi,
là hạnh phúc rã rời, người ơi!
Một mai em nhé, có nghe thu về bên hang lá khô.
Ngàn sao lấp lánh, hát câu mong chờ em về lối xưa.
Hạ còn nắng ấm, thấy long sao buốt giá
Gọi tên em mãi trong cơn mê này mình nhớ thương nhau.”
(Ngô Thụy Miên – bđd)

Thật rất đúng. Trong cơn mê này, cơn mê của môi trường sống nay đi dần vào chốn rữa nát, vẫn cứ gọi tên em, gọi tên nhau mãi, trong cơn mê này mình nhớ thương nhau. Thương nhau, mình rất nhớ. Nhớ cả những lời được đấng thánh hiền vẫn bao ban, nhắc nhở, rằng:

“Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô
đem lại cho chúng ta một niềm an ủi,
nếu tình bác ái khích lệ chúng ta,
nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí,
nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau,
thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn,
là hãy có cùng một cảm nghĩ,
cùng một lòng mến,
cùng một tâm hồn,
cùng một ý hướng như nhau.”
(Phillip 2: 1-2)   

            Tâm tình ấy. Ý hướng này, bạn và tôi, ta đều nắm vững. Nắm vững rồi, chỉ còn mỗi việc, là: ta nhất quyết biến nó thành hiện thực. Hiện và thực, cho đời mình, đời người và đời cỏ cây/sinh vật trong môi trường sống ta trải nghiệm, tất cả đều vui/đều mừng như đấng thánh từng dặn dò, nhắn nhủ rất không nhiều, nhưng cũng đủ để nhớ mãi suốt cuộc đời.

            Trần Ngọc Mười Hai
            Vẫn thường tự nhắn và tự nhủ
            Những điều rất thường như thế.
   

No comments: