Sunday, 19 April 2009

“Người làm xiếc đi dây rất khó

Nhưng không khó bằng làm một nhà văn”

(Phạm Duy – Lời mẹ dặn).

(Hc 2: 12)

Bần đạo không phải là nhà văn. Chắc chắn, là như thế. Cũng, chẳng là gì cả. Chỉ làng nhàng, viết nhăng viết cuội đôi ba hàng, mà luận phiếm. Phiếm bậy bạ, để mình vui. Đời cũng vui. Chứ, nào dám mạo nhận là có tay/chân trong ngoài, làng thơ với âm nhạc! Không. Bần đạo chẳng khi nào dám mạo nhận tước vị ấy. Rất sợ. Sợ, vì chưa bước vào đã thấy khó. Khó lòng. Khó chịu. Rất khó khăn.

Mới đây, bần đạo lại bắt chụp được đôi giòng tư tưởng tuy không lạ, nhưng được coi là phương châm. Phương châm để sống, những khó/dễ thấy ở đời. Khó/dễ, tuỳ bạn bè cứ tách bạch:

-Dễ là khi, bạn có tên trong sổ địa chỉ, của người khác;

khó là lúc, bạn tìm được chỗ đứng, ở tim ai.

-Dễ là khi, bạn đánh giá lỗi lầm của người khác;

khó là lúc, bạn và ta nhận ra sai trái, của riêng mình.

-Dễ là lúc, mình làm tổn thương tình bạn, xưa rày vẫn quý;

khó là khi, mọi người cố ý gắn hàn vết thương đau.

-Dễ là khi, nói với nhau về tha thứ, cho kẻ khác;

khó là lúc, để người khác thứ tha lỗi lầm mình.

-Dễ là khi, bạn và ta ngủ say trong chiến thắng;

khó là lúc, ta và bạn cố gắng nhận mình bại trận.

-Dễ là khi, ta bận rộn chuyện yêu thương, chăm sóc,

khó là lúc, phục vụ mọi người, cả người mình không yêu.

-Dễ là khi, mình chỉ lo phẩm bình hành xử của người khác;

khó là lúc, cần tự kiểm để canh tân.

-Dễ là khi, mình cứ tiếp tục lỗi phạm với sai trái;

khó là lúc, ta muốn ngưng lại để rút bài học,từ lầm lỗi.

-Dễ là khi, mình chỉ biết tiếp nhận và tiếp nhận;

khó là lúc, ta thực hiện việc cho đi và cho mãi.

-Dễ là khi, cứ mải khuyên người về nhiều chuyện;

khó là lúc, có nhiều điều tốt mà ta chỉ làm mỗi một.

Vào vườn hoa phương châm được trích ở trên, ta sẽ lại gặp đôi lời vàng nhận định, rất nên làm. Làm, với quyết tâm. Làm, bằng nhiệt huyết. Là những việc, bạn và mình vẫn nghe quen.

Nghe rất quen, những câu hỏi cũng dễ và cũng khó như giáo điều/ luật lệ, đời vợ chồng. Dễ/khó, cả về nơi tổ chức nghi thức hỏi/cưới, ngoài nhà Đạo. Như hỏi đáp bên dưới, do đấng bậc vị vọng phụ trách, có tiếng tăm:

“Tôi có người con gái, xưa nay chẳng khi nào làm việc gì khiến bố mẹ phiền lòng. Nhưng vừa qua, cháu và chồng, đồng lòng đưa ra một quyết định, là: chọn nơi cưới hỏi rất khác thường, làm bọn tôi chưng hửng, bối rối. Cháu định tổ chức lễ cưới, ở nơi vườn; chỉ có vị chủ sự làm chứng từ, cho hôn ước. Cứ sự thường, tôi rất bực mỗi khi phải giải quyết những chuyện rối rắm như thế. Nhưng, hôm nay, vì vẫn muốn hỗ trợ cho quyết định của các con, nhất là lại có liên can đến cuộc sống, của các cháu, như tôi vẫn từng làm. Vậy xin hỏi: tôi có quyền và có lý do để khước từ, không tham dự các nghi thức như thế, được không?

Quả thật, lần này, điều khó nghĩ, không chỉ tạo ra cho bố mẹ/người thân, thôi. Nhưng, còn gây lúng túng cho cả người giải đáp trường hợp riêng biệt, nhiều bận tâm. Nhưng, nói gì thì nói, lần này đấng bậc giòng họ Flader, lại có những lời đáp, rất chững chạc. Uyên bác. Rất đáng quan tâm. Và, sau đây là câu trả lời, của “đức ngài”:

“Trong rất nhiều câu hỏi, mà giới linh mục chúng tôi nhận được, tôi nghĩ: câu hỏi trên là thường xuyên nhất. Cũng còn là câu hỏi hóc búa, vào bậc nhất. Của dân gian.

Đã từ lâu, tôi vẫn suy nghĩ/đắn đo về chuyện này, cũng ở cột báo đây. Và cuối cùng, tôi quyết định là: nên trả lời ở cột báo này, là hay nhất. Thật ra, thì đây không phải là câu hỏi tầm thường. Nên, cũng không thể có câu trả lời, dửng dưng, hay đơn giản, được.

Trong đời người, đôi khi ta đứng giữa hai điều tốt đẹp, ta khó có thể hoà giải được. Và, cũng đang trong tình trạng rất có nguy cơ sụp đổ. Nếu chỉ đơn giản chọn một trong hai điều tốt đẹp ấy, thì hậu quả không tránh khỏi, là: sẽ gây thương tổn, đem đến với điều tốt bên kia, là điều thấy rất rõ. Dĩ nhiên, cả hai điều tốt đẹp này đều tôn trọng sự thật về tình yêu; và về hôn nhân giữa hai người cùng theo Đạo Chúa, cũng đối ứng với gia đình và bạn bè/người thân của một hoặc cả hai người trong cuộc.

Những năm về trước, tôi cũng theo dõi đọc nhiều bài viết về vấn đề này. Tức là, một trong các vấn đề, thường kéo theo thái độ chống đối, không tham dự lễ cưới, ngoài nhà thờ. Hoặc đại để, là như thế. Điều tôi nói ở đây, không phải để chuẩn bị cho dư luận, ngõ hầu chấp nhận cho lập trường ấy. Hay là, để tôi giải thích như thế này, cho nó rõ.

Lâu nay, mọi người vẫn coi là ta cộng tác với sự dữ/ác thần, nếu ta có ý định tham dự nghi thức cưới/hỏi nào, không được Hội thánh công nhận. Hãy để qua một bên vấn đề xem người sắp sửa lập gia đình có thực sự coi hành động của mình là mắc tội hay không. Điều này hãy khoan nói tới. Có thể là, việc ấy chẳng mắc tội tình gì. Nhưng, khách quan mà nói, làm như thế cũng không được đúng cho lắm.

Theo thần học luân lý của Hội thánh, thì mọi người chúng ta không nên cộng tác vào các hành động mang tính lỗi phạm, của người khác. Thế nhưng, có nhiều trường hợp vốn dĩ khiến ta cũng có thể uyển chuyển, làm như thế.

Trước hết, tất cả mọi người chúng ta không nên công khai hợp tác vào các hành động như thế. Nghĩa là, không nên thoả thuận và cũng chẳng được phép chấp nhận tạo cớ vấp phạm, gây nên tội. Đây có thể, là trường hợp của người nào đó, khi thấy không có gì là sai quấy nếu tham dự nghi thức cưới/hỏi, không hợp lệ.

Trường hợp nêu ở trên, bạn có nói là mình không thoả thuận/hài lòng với những gì con cái hiện đang làm. Xem như thế, việc bạn hợp tác với con, không mang tính công khai/chính thức, nhưng đúng hơn, nên gọi đó là việc xảy ra trên thực tế.

Thứ đến, trên thực tế, ta có thể hợp tác, chỉ khi nào có lý do chính đáng và thích hợp, để mà làm. Càng thích đáng hơn, như trường hợp thấy rõ là hợp tác theo vị thế ở xa xa, đối với người trong cuộc, thì khi đó, lý do mà người người cần xác chứng, lại càng mạnh hơn. Chẳng hạn như, với đám cưới ngoài đời, người chủ lễ, các phù rể và phù dâu danh dự là những người có quan hệ hợp tác rất gần, hoặc sát cạnh hơn bất cứ ai nào khác, chỉ đến với tư cách người tham dự, thôi. Không có sự hợp tác của người thân cận, tức những người gần gũi này, thì đám cưới chẳng thế nào tiến hành. Bởi, vị chủ trì nghi thức cưới hỏi và hai người làm chứng, đều là những người rất cần có mặt, ngõ hầu đám cưới ấy, mới hiệu lực.

Thông thường, chẳng ai có thể hợp tác với đám cưới này nọ đến mức độ thân cận, gần gũi hơn như thế. Còn người khác, chỉ đến với tư cách tham dự, chỉ có thể hợp lực/hợp tác, từ xa xa, mà thôi. Bởi lẽ, dù không có người tham dự theo tư cách ấy, thì đám cưới vẫn cứ tiến hành, như thường.

Và người tham dự theo tư cách “xa xa” chứ không thân cận, càng minh xác việc thân hành đến tham dự của mình, nếu họ có lý do tương tự, hoặc chính đáng hơn. Lý do, có thể là những nhận định/suy tính khi nghĩ rằng, nếu không đến dự tiệc được tổ chức như thế, sẽ có nguy cơ làm suy giảm mối tương quan với người trong cuộc, buổi hỏi/cưới.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp, ta cũng không thế nào quyết đoán được như thế, một cách dễ dàng được. Bởi, đôi khi, chỉ sau khi quyết định không thể đến tham dự được, họ mới nhận ra rằng: hậu quả của việc mình không đến, đã tổn hại cho mối tương quan mật thiết giữa chính mình, với nhà đám. Nội một chuyện, không biết thế nào là phải/là đúng, cũng đem lại nhiều tranh luận và cãi vã đối với thắc mắc “không biết có nên tham dự những đám cưới/hỏi nhự thế”, không. Tranh và cãi, để khỏi phải quan ngại, sợ làm thương tổn cho mối tương quan vẫn có, đối với nhau.

Thành thử, nói thân cận/gần gũi là nói: việc tham dự đám cưới có liên quan hệ trọng thế nào với người thân quen, đang cưới/hỏi. Càng có lý do chính đáng, càng có lý để tham dự những buổi như thế, hơn nữa. Giả như người trong cuộc lại là bà con/thân thuộc của mình, thì khi ấy càng có lý để mà tham dự, hơn những người chỉ là họ hàng rất xa; hoặc, mới chỉ quen chỉ biết, có ít ngày.

Giả như, sau khi xem xét các tiêu chuẩn để đánh giá tình hình thực tế của buổi ấy, hễ ai nhất quyết tham dự đám cưới như thế, có thêm hai vấn đề, cần để ý. Thứ nhất, cần cho người trong cuộc tổ chức nghi thức cưới/hỏi kiểu đó, biết rõ là mình không đồng ý với chọn lựa mà đôi bạn đang thực hiện; nhưng, cũng giải thích rõ, rằng: mình muốn cho đôi bạn “trong cuộc” thay đổi ý kiến. Để rồi, sẽ tổ chức cưới/hỏi, ở nhà thờ.

Thứ đến, đôi bạn là “người trong cuộc” nhất định phải xa tránh, đừng làm cớ vấp phạm –điều mà người xưa hay gọi là “gương mù/gương xấu”- cho người khác, qua việc thân hành đến dự buổi nghi thức ấy. Làm như thế, cũng là để cho mọi người khác (tức ngoại cuộc) biết rằng: mình rất bất đồng với chuyện tổ chức đám cưới/hỏi ngoài nhà thờ, như thế. Nhưng sở dĩ mình đến dự, là vì tự thấy bó buộc phải đến, ngõ hầu không luột mất đi; hoặc gây nguy hiểm, cho tương quan giữa mình với đôi bạn, trong cuộc..

Dù rằng như thế, thật vẫn khó để quyết đoán xem rằng: nên hay không nên dấn thân tham dự, buổi ấy. Nhiều trường hợp, người có liên hệ mật thiết với gia đình, cũng cảm thấy khác chính kiến, khác lập trường về cả vấn đề này nữa. Trong tình huống như thế, tốt hơn hết, hãy nên tìm đến mà hội ý các vị mục tử; yêu cầu được các vị giúp đỡ. Giúp, là giúp cho mình có quyết định nên làm thế nào, là hay nhất.

Ít ra cũng nên biết, rằng: đâu phải cứ tham dự nghi thức cưới/hỏi như thế, là đã phạm phải tội/lỗi tày đình, đâu.

Gợi ý, cốt để phiếm như trên, bần đạo không có ý bảo: thế nào thì có tội, khi nào thì không. Bởi, tội hay không, có bao giờ lên được tới Chúa. Bởi, Ngài là Đấng, chẳng bao giờ vương vấn “tội” và lỗi”, của một ai. Ngài là Đấng tách bạch, sạch bụi trần. Chẳng có gì, làm Ngài phải bận tâm, dù là tội. Chỉ bận tâm, là khi dân con của Ngài, cứ tranh cãi và chấp nê. Tranh và cãi, để bảo nhau, làm gì thì nên tội? Làm gì, thì không. Chỉ nên để ý đến chuyện: mình có làm gì khiến tạo cớ vấp phạm, hoặc gây tổn hại đến tình thương/tương quan, mình vẫn có. Với nhau. Với Chúa.

Cứ như người nghệ sĩ làng thơ văn/âm nhạc, đã viết lên lời, như:

“Có lần tôi chót nói dối mẹ, Mẹ ơi

hôm sau tưởng phải ăn đòn.

Nhưng không, nhưng không Mẹ tôi chỉ buồn

Ôm tôi hôn lên mái tóc xanh rờn, Mẹ tôi trìu mến

Ngày xưa trước khi cha con nhắm mắt

Cha đã dặn rằng nuôi con suốt đời thành người chân thật.” (Phạm Duy – bđd)

Đặc biệt hơn, hãy nên về với nguồn mạch của những khuyên răn/dặn dò, từng nghe/biết:

“Khốn thay những tâm hồn hèn nhát,

những bàn tay rã rời,

và người tội lỗi lập lờ nước đôi.”

(Hc 2: 12)

Thật ra, vấn đề ở đây, không là “lập lờ nước đôi”, cho bằng: cứ sợ tội. Sợ những lỗi phạm. Sợ quá, đến nỗi quên mất mục tiêu của Lời Vàng Kinh Thánh, là dựng xây “tương quan Nước Trời” mình phải giữ. Chứ, không có ý khuyến khích thái độ quá “sợ tội”, đến độ chẳng dám sống. Hoặc, chẳng màng gì tình thương/tương quan của chúng ta.

Sợ tội, là tâm trạng không chỉ của một số khá đông người nhà Đạo. Mà, còn là của nhiều người ngoài Đạo. Ở dân gian. Dân gian hôm nay, có những truyện kể, về nói dối. Về thái độ, không trung thực. Thật thà. Cũng chả, có gì là vô tư. Thoải mái. Như truyện kể, ở bên dưới:

“Ngày nọ, một tiều phu mải chặt cây đốn củi, bên sông, mang về cho vợ. Bỗng chốc, dao/rựa rơi xuống nước, ở giữa dòng. Anh khóc rất thảm, đến độ Thượng Đế phải hiện đến, để ủi an. Thượng Đế hỏi, điều gì làm anh sợ hãi đến thế. Phải chăng, là tội? Anh đáp trả, chẳng qua vì dao/rựa rơi tuột xuống nước, hết gạo cơm. Bỗng, anh thấy Thượng Đế nhảy ào xuống nước, đem lên cây dao/rựa bằng vàng.Rồi Ngài hỏi:

-Phải chăng dao này của con?

-Thưa, không phải.

Thượng Đế lại nhảy xuống nước một lần nữa, cầm dao/rựa bằng bạc lên hỏi:

-Có phải là con dao này?

-Dạ, không phải cây ấy.

Lần thứ ba, Thượng Đế lao mình lần nữa, đem dao/rựa bằng sắt lên, rồi hỏi:

-Ý hẳn là cây này?

-Dạ thưa, chính nó. Xin Ngài cho con nhận lại.

Thượng Đế thấy bụng dạ thật thà, của tiều phu đốn củi, rất xúc động. Bèn cho anh cả ba cây, liền lúc. Người tiều phu vui mừng, đem cả ba dao/rựa về nhà, mừng với vợ. Ít ngày sau, có dịp cùng vợ đi đốn củi ở bên sông. Gặp đường trơn trượt, vợ anh sơ ý tuột chân rơi tòm xuống nước.Anh tiều phu một lần lại nữa kêu van, than khóc. Những mong Thượng Đế lại thương tình, mà giúp đỡ.Thượng Đế hiện về, hỏi lý do của đau buồn lần này, thì ra mới biết người vợ hiền của tiều phu, nay mất tích. Trong nháy mắt, Thượng Đế cũng làm cử chỉ như hôm trước, lôi lên bờ người nữ phụ tuyệt vời mang dáng dấp Jennifer Lopez, một mỹ nhân. Thượng Đế hỏi:

-Phải chăng nữ phụ này, vợ của con?

-Dạ thưa Ngài rất đúng!

Thượng Đế thấy, lần này tiều phu ta hết thật thà, bèn nổi giận và quở trách:

-Sao anh dám lừa gạt, cả đến ta?

-Dạ, xin Ngài niệm tình tha thứ. Chẳng phải con gian dối hay lừa gạt Ngài. Nhưng, nếu con cứ nói không phải mãi, Ngài sẽ trao cho con cả ba thứ dao cùng rựa như thế, sức đâu con gánh được cả ba!

Người kể hôm nay, đưa ra triết lý của câu truyện, không phải để nói lên lý lẽ “của dối gian”, cho bằng: ngay trong các lời ta viện lẽ, nhiều lúc ta cứ tưởng người người đều gian dối, nhưng không hoàn toàn là như thế. Người tiều phu đây, không có ý dối gian, hay phạm điều thiếu trung thực. Nên cứ ngại. Ngại rằng, nếu giữ sự thật đúng như luật lệ, sẽ chịu phải hậu quả, mất tương quan. Hoặc, có tương quan tình thân với nhiều đối tượng, cũng khó xử. Và, bỏ hết tương quan, dù có là người thân cận, gần gũi nhất.

Thành thử, triết lý của mọi việc, là: sự thể nào, cũng có đôi mặt. Vấn đề là, nên chọn phương diện nào, để vẫn giữ được tương quan mật thiết với người người. Chí ít, là người thân cận, gần gũi. Với Chúa. Với người. Không chỉ, những gì liên quan đến lề luật. Đến, từng nét chữ của lề luật. Như được dặn. Dặn, như bài “Lời mẹ dặn” có câu:

“Mẹ ơi chân thật là gì

Mẹ ơi chân thật là gì

Mẹ tôi ôm hôn đôi mắt

Con ơi! Một người chân thật

Thấy vui muốn cười, là cười

Thấy buồn muốn khóc, cứ khóc…

Yêu ai cứ bảo là yêu

Ghét ai cứ bảo là ghét.” (Phạm Duy – bđd)

Và lời cuối, người nghệ sĩ trong bài còn viết:

“Người làm xiếc đi dây rất khó

Nhưng không khó, bằng làm một nhà văn

Muốn trọn đời đi mãi không ngừng

Trên con đường, của lòng chân thật.” (Phạm Duy – bđd)

Đường dài lòng chân thật, nghĩ cho cùng, xem ra cũng khó. Khó, khi quyết định. Khó, vào lúc ra tay. Vào những lúc khốn khó. Chỉ có Chúa, biết lòng dạ của mình. Và của người.

Trần Ngọc Mười Hai

Nhiều lúc cũng thấy khó.

Rất nhiều chuyện.

No comments: