Saturday, 4 April 2009

“Này người yêu, người yêu anh ơi!”

Bên kia sông là ánh mặt trời…

(Nguyễn Đức Quang – Bên Kia Sông)

(2M 7: 9)

Viễn du ngày đầu năm, bần đạo được hân hạnh đặt chân lên thủ đô Amman, nước Gio-đan. Đất nước êm đềm. Đẹp và sạch. Sạch đẹp, hơn Kai-rô nước Ai Cập ngàn năm khô khan. Cũng sa mạc. Vùng Trung Đông. Sạch đẹp nơi đây, thấy rõ ở nét mặt dân con ông hoàng Hussein, nước Gio-đan có hơn 90% dân con Hồi Giáo. Sạch đẹp, và người người vẫn hân hoan giữ đạo, vẫn rất vui.

Bảo rằng, dân con Hồi giáo xưa nay rặt toàn những người cực (kỳ đa) đoan, đâu không thấy. Hồi giáo ở đây, cũng có thờ Thượng Đế. Có cung chúc, ca tụng thánh Allah. Tươi vui. Nề nếp. Bởi thế nên, dù ra khỏi đền thờ sau giờ kinh, rất cháy nắng, rất cực mệt, người người vẫn hớn hở. Hân hoan, vui cười. Vẫn cứ vui tươi, cười nói với chuỗi hạt trên tay. Mừng rỡ. Khấn nguyện.

Tình tự rỡ mừng trong khấn nguyện, đã được nghệ sĩ mình diễn tả bằng giòng nhạc êm, như:

“Này người yêu, người yêu anh hỡi!

bên kia đồi, cỏ hoa đan lối

bên kia núi, núi cao chập chùng

bên kia suối, suối reo lạnh lùng

là bài thơ, toàn chữ hư vô. “ (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Dân lành nhà Đạo con Đức Chúa, nay cũng có những tình tự rất phấn khởi. Hân hoan. Cởi mở. Hân hoan - cởi mở, chẳng phải vì “bên kia núi, suối reo lạnh lùng”, có còn là: “bài thơ toàn chữ hư vô”, hay không. Mà chính vì, nhà Đạo hôm nay đều đã tươi cười bảo ban nhau: “Chúa sống lại rồi! Ngài sống lại thật đấy, mình dám thưa!”

Dân con nhà Chúa, dám cả quyết về mặc khải Sống lại, không phải chỉ vào Phục Sinh ngày Lễ Hội, thôi. Nhưng, vào mọi ngày của Chúa, rất Phục Sinh. Bằng chứng ư? Rõ ràng, khi tuyên tín, người mình đều chẳng hát như thế sao? Hát rằng:”Tôi tin xác sẽ sống lại,và sự sống đời sau”!

Tin Chúa sống lại từ cõi chết, là tin như người Kitô-hữu thời tiên khởi, quyết một lòng. Ngược giòng lịch sử trước Công nguyên, sách Ma-ca-bê rõ ràng đà ghi rõ:

“bởi lẽ chúng tôi chết

vì Luật pháp của Vua vũ trụ,

nên Người sẽ cho chúng tôi sống lại

để hưởng sự sống đời đời."

(2M 7: 9)

Tin vào “sự sống lại từ cõi chết”, không chỉ là thành phần của niềm tin qua lời dạy mà Đức Giêsu đem đến. Mà, còn là động thái của môn đệ từng dõi bước theo Ngài. Tuy nhiên, ngàn năm về sau, người thời đại, lại nổi lên chống đối. Chống đến độ, khiến thánh Âu-tinh phải vụt thốt: “Không có tín điều nào nơi ở người tín hữu Đức Kitô lại gặp nhiều chống đối, bằng niềm xác tín rằng xác sẽ sống lại.”

Chống đối này, vẫn bắt gặp dẫy đầy ở Tin Mừng. Đây này, đoàn Xa-đu-xê, những giáo điều. Nơi kia, một kinh sư/Biệt phái, cùng thượng tế, vẫn loi nhoi. Loi nhoi chống đối, là chống mọi động thái/tín điều không để họ được chễm chệ, ngồi ở trên. Ngồi ở trên, để họ những phán và phán. Phán rất nhiều. Toàn những điều mang lợi ích đến cho riêng họ. Phán rằng: Đấng Mê-sia giải thoát chư dân khỏi quan lại cầm quyền, từng đô hộ. Lời phán của họ chỉ đặt nặng lên cuộc sống hiện tại, những hưởng thụ. Tuyệt nhiên, không về những điều mà họ cho là khô khan khó nhận, về đời sau.

Giáo huấn Đức Giê-su, thì khác. Ngài từng quả quyết, có khác biệt giữa đời này và đời sau. Người đời này, đều sẽ chết. Và khi chết, ai cũng chắc chắn là con cháu mình sẽ tiếp tục nối dõi tông đường. Còn đời sau, sẽ chẳng có ai buộc phải chết. Chẳng thấy ai, dựng vợ gả chồng cho con cháu, mà là tiếp tục sự sống. Xác chứng sự thật, Đức Giêsu căn cứ vào luật Môsê, mà bầu đoàn những người chống đối đều tuân giữ. Chính vì thế, ta có được khẳng định dứt khoát, về đời sau. Từ Đức Chúa:

“Về kẻ chết trỗi dậy,

chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy

trong đoạn văn nói về bụi gai,

khi ông gọi Đức Chúa

là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ram,

Thiên Chúa của I-xa-ác,

và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp.

Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết,

nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống,

vì đối với Người, tất cả đều đang sống."

(Lc 20: 37-38)

Tranh luận tới đây, tưởng chừng như kết thúc. Nhưng, đã âm ỉ một nhắn nhủ:

“Này người yêu, người yêu anh ơi!

Bên kia sông, đường vẫn còn dài.” (Nguyễn Đức Quang – bdd)

Đường còn dài, không chỉ người người vẫn còn muốn tranh luận, mà vì vẫn chẳng tin. Bởi thế nên, người nghệ sĩ lại đã diễn tả trạng huống ấy bằng lời ca, như sau:

“Trong cơn gió, thoáng nghe nụ cười

trong khe núi, thánh thót lòng người

lòng đòi tình vật vã khôn nguôi.” (Nguyễn Đức Quang - bdd)

Đã nhiều thời, Đức Giêsu lại trở thành chính vấn nạn, cho người đời tranh cãi. Họ cãi vã, về chuyện Chúa sống, rồi Chúa chết. Sống nghèo nàn. Rồi lại chết nhục trên khổ giá. Ngài có chết. Nhưng Ngài đã sống lại vinh hiển. Ngài không để cho sự chết cứ mỉm cười. Trêu ngươi vào mặt Ngài. Đó là một cãi vã từ nhiều đời, của bè Xa-đu-xê, rất cứng lòng. Đó, còn là khẳng định của Đức Giê-su về chính Ngài:

“Ngài phải đi Giêrusalem

chịu nhiều đau khổ do hàng niên trưởng

và thượng tế cùng ký lục,

và bị giết đi,

và ngày thứ ba sẽ sống lại.”

(Mt 17: 21)

Tin “vào sự sống đời sau” ở lời kinh Tin Kính, chắc chắn đưa dẫn ta vào với thế giới rực rỡ của lai thời. Nhưng, điều này không có nghĩa bảo ban ta quên đi đời này. Đúng hơn, là khuyến khích ta cải thiện đời này sao cho đời sau cứ thế vinh quang hơn. Các giáo phụ thời Công Đồng Vatican II cũng đã khuyến khích mọi người hãy triển khai cuộc sống ở dưới đất này, để nhìn vào trời mới đất mới, rất tương lai.

Tương lai rực sáng ấy, đã và vẫn nằm ở cụm từ “Amen”, rất xác tín. Quyết liệt. Xác tín và quyết liệt như các thánh xưa kia vẫn dẫn dụ mọi người, hãy vui mừng lên, trong niềm tin. Vui mừng và soi dọi nơi bản kinh Tin Kính. Để biết rõ niềm tin của mình đạt đến cỡ nào. Có đúng bài bản, như Hội thánh trông đợi không?

Tuyên tín, hay chỉ đọc kinh tuyên xưng, mỗi Chúa nhật vẫn phải là điều phản ánh đích thực, những gì bên trong ta đang có. Chứ không phải chỉ là lời nói, từ đầu môi. Tin hay đọc, cũng cứ làm giống như trẻ nhỏ ở nhà. Cứ nghe người lớn dạy bảo, đều vẫn tin. Vẫn hân hoan phấn khởi tin vào Chúa. Tin vào lời của người lớn, trong Hội thánh. Cùng thày cô. Như lời của bé em trong truyện kể, ở bên dưới:

“Ông bố Minh Giao, buồn rầu kể về tính đơn hiền cả tin của bé Loan, con ông mới sáu tuổi, nhưng đã biết viết vài hàng chuyện vãn với Chúa. Bé viết thư rất ngắn, sau đó nhờ bố bỏ vào phong bì gửi cho Chúa trên thiên đàng, bằng đường bưu điện. Chuyện bé viết, là chuyện về chú Missy, bạn thân của bé, vừa mới chết, như sau:

Lạy Chúa của con,

Có thể nào Chúa chăm sóc cho Missy của con, được không Chúa? Tội nghiệp! Missy của con vừa mới chết, Missy năm nay mới có 14 tuổi à. Nhưng Missy dễ thương lắm đó, Chúa ơi. Con nghĩ là giờ này em cũng đã sống lại và đang ở bên cạnh Chúa, trên thiên đàng. Missy chỉ mới chết hồi hôm, nên con nhớ Missy chịu không nổi.

Chúa ơi! Chúa có thương con, thì Chúa phải chơi với Missy của con, nữa đó nghe. Missy thích đùa giỡn với bóng nhỏ lắm. Missy vẫn vẫn tung mình lên để đón bóng, khi con ném lên trời. Missy còn biết nhảy xuống nước bơi lội một hồi, và vớt bóng nữa.

Thôi được, để con gửi cho Chúa bức ảnh của Missy, để khi thấy hình của Em, Chúa mới biết đó là Missy của con. Con nhớ Missy của con lắm, Chúa ơi.

Ký tên

Minh Loan, người con nhỏ của Chúa.

Ông bố Minh Giao chiều con, lấy thư của người con viết cho Chúa, bỏ vào phong bì rồi mang ra bưu điện để gửi. Ông không quên kèm theo một tấm hình mầu có chụp cả Missy lẫn Minh Loan, rồi đề tên người nhận là Đức Chúa, ở thiên đàng… Bé Minh Loan vội vàng dán thật nhiều tem, vì sợ đường xa, cho chóng đến nơi. Ông còn cất công chở Minh Loan ra bưu điện, chứng kiến con mình bỏ thư vào thùng xong đâu đấy, mới yên tâm. Ít ngày sau, đã thấy con của ông dò hỏi xem Chúa đã nhận được thư chưa.

Ông trả lời là rồi, xem ra có vẻ chắc chắn lắm.

Bỗng ngày hôm sau, về nhà đã thấy gói quà bọc giấy óng ánh vàng, ở trước cửa, đề tên người nhận: ”Gửi Minh Loan”… bằng tuồng chữ rất lạ.Mở ra, ông thấy có cuốn sách do tác giả Rogers viết, có tựa đề “Khi đàn gia súc chết đi.” Kẹp dính bên trong gói quà tặng sách là bức thư của Minh Loan viết, gói gọn trong phong bì còn để ngỏ. Ở trang bên kia, là bức hình Missy đang chơi giỡn với Minh Loan, có chú thích, như sau:

“Minh Loan, con

Missy đã tới thiên đàng rất an toàn. Bức hình của Missy giúp cho Cha rất nhiều điều. Cha đã nhận ra ngay chú ấy, không khó. Missy nay không còn ốm đau gì hết nữa. “Linh hồn” của Missy đang ở đây với Cha, cũng giống như đang ở trong tim của con. Missy vẫn muốn là chú chó ngoan, bạn thân của con đó.

Nay, mọi người không còn thân xác để sống ở thiên đàng, nên Cha cũng chẳng có túi để giữ bức hình của con. Bởi thế nên, giờ đây Cha gửi lại cho con trong cuốn sách này để con giữ mãi mà nhớ Missy.

Cảm ơn con đã viết bức thư rất hay cho Cha. Cha cũng cảm ơn ba má đã giúp con viết thư và gửi đến cho Cha nữa. Con thật diễm phúc có được người mẹ tuyệt vời. Cha đã chọn bà làm người mẹ đặc biệt, riêng cho con.

Cha gửi ban phép lành hằng ngày cho con. Hãy nhớ rằng Cha yêu con, không kể xiết. Tiện đây, Cha cũng cho biết thêm là muốn tìm Cha, thật rất dễ. Cha ở bất cứ nơi nào có tình thương yêu.

Thương con

Cha là Đức Chúa hằng sống của con.”

Truyện kể về bé em Minh Loan, chỉ muốn minh hoạ những điều vừa nói ở trên. Về, sự sống và nỗi chết. Về, sự sống lại của thân xác đã mai một. Mai một như bất cứ thụ tạo nào, đều như thế. Như loài cây ngủ vùi như chết suốt mùa Đông. Đã bừng dậy sống lại, vào khoảnh khắc miên trường, ngày xuân nắng. Sống chết là như thế. Sống lại, cũng như vậy. Chết, là chết trong giai đoạn. Sống lại, là sống mãi trong tình yêu. Với Thiên Chúa của Tình Yêu. Là Tình Yêu.

Vậy thì, hãy cùng người nghệ sĩ ở ngoài Đạo, hãy hát thêm một lời ca, như câu kết:

“Này người yêu anh ơi!

Đêm đêm lòng vỗ tình dài

Dây xanh quấn quít vào đời

Cho trái tình nở trên tiếng cười.

Này người yêu, người yêu anh hỡi!

Bên trong lòng nôi êm ái

Rắc nhẹ từng cánh sao rơi

Sẽ âm thầm mình em nghe thôi.” (Nguyễn Đức Quang – bđd)

Trần Ngọc Mười Hai

Cũng âm thầm

nói chuyện sống chết

nhưng không chỉ để

mình em nghe thôi.

No comments: