Sunday, 10 August 2008

“Này người yêu, người yêu anh ơi!”

Bên kia sông, đường vẫn còn dài. Này người yêu, người yêu anh hỡi! Bên kia đồng, cỏ non đan lối, trong cơn gió - thoáng nghe nụ cười. Trong khe núi - thánh thót lòng người Lòng đòi tình, vật vã khôn nguôi (Nguyễn Đức Quang – Bên Kia Sông)

(Ep 6: 18)

Đã nhiều lần, từ ngày mê nhạc sinh hoạt với phong trào, bần đạo cùng một số bạn, vẫn ưa thích các nhạc bản do nghệ sĩ Nguyễn Đức Quang sáng tác, hoặc phổ thơ. Nhạc của anh, không lê thê uỷ mị, như một số nhạc tình, ngoài đời. Lời ca anh viết, vẫn đậm đà tính phấn đấu, rất hăng say. Phấn đấu để sống. Hăng say để làm người. Làm người thường, đã không dễ. Nói gì chuyện làm người công chính. Thánh thiện. Rất phân minh.

Công chính – thánh thiện - phân minh, vẫn là mục tiêu của sự sống ở đời này. Chốn gian trần, rất nhiễu nhương. Vì cuộc sống vẫn nhiễu nhương, nên Phao-lô thánh-nhân mới minh xác cùng bàn dân thiên hạ, rằng:

“Theo Thần Khí hướng dẫn,

anh em hãy dùng mọi lời kinh

cùng tiếng van nài mà nguyện cầu luôn mãi.

Để được vậy, hãy chuyên cần tỉnh thức

và cầu xin cùng các thánh, hết thảy.”

(Ep 6: 18)

Nguyện cầu và chuyên cần tỉnh thức, là chủ trương của nhà Đạo. Hết mọi người. Ở trong, cũng như bên ngoài. Trong ngoài Đạo, như mới đây, vào dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới Sydney 2008, nhiều người ở Úc cứ mong ngóng được Đức Giáo Hoàng đến viếng thăm, trước là chủ trì Đại Hội và rồi xin lỗi nạn nhân các vụ xúc phạm tình dục, do người nhà Đạo vi phạm. Mong và ngóng sao cho hai vị “Chân Phước” trong vùng là Á thánh Mary McKillop và Peter To Rot được trở thành “thánh nhân”. Rất chính thức. Rất thực thụ.

Thất vọng không thấy Đức Giáo Hoàng tuyên bố cho phép hai vị trên, trở thành thánh nhân, thực thụ; nên, có độc giả tại Úc đã gửi thư lên Tuần Báo Công Giáo, đính kèm một thắc mắc, xin được giải thích về những khác biệt giữa các danh xưng chân phước, á thánh và thánh-nhân, thực thụ. Và, đức thầy linh mục John Flader, đấng bậc phụ trách giải đáp thắc mắc, có lời bàn như sau:

“Trả lời cho câu hỏi này, thiết tưởng ta cũng nên trở về với tiến trình tấn phong chân phước/á thánh, hoặc danh chức thánh-nhân thực thụ, ngõ hầu nắm rõ mọi việc diễn tiến có trước có sau. Và, cũng để đi tới phán quyết chung cuộc, qua đó cho thấy: ai được tấn phong “chân phước/á thánh”? Ai trở thành đấng bậc “hiển thánh”.

Tiến trình này, được ghi rõ trong tông thư Divinus Perfectionis Magister do Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II ban hành từ 25/01/1983, đã được Hội đồng Toà thánh Đặc trách các vụ án Phong thánh thực thi, ngay sau đó, kể từ 07/02/1983. Theo qui định mới, từ nay cho phép truy tầm tài liệu có liên quan, ngay từ cấp giáo phận.

Khi cứu xét, nếu thấy có ứng viên nào vừa qua đời, dù vị này nổi tiếng có phẩm hạnh rất thánh đi nữa, vẫn cần một thời gian ít nhất là 5 năm, kể từ ngày vị ấy thất lộc. Sở dĩ có qui định như thế, là để Giáo hội có đủ thời gian mà cân nhắc. Và, cũng để chứng tỏ là Thánh bộ Phụ trách đã khách quan đủ, khi thẩm định từng trường hợp, riêng rẽ. Trường hợp đặc biệt của Mẹ Têrêsa thành Calcutta, và Đức Giáo Hoàng Gio-an Phao-lô II, nhiều giới đã đồng loạt xin mau chóng phong thánh, nên đòi hỏi trên được miễn chuẩn.

Giáo phận nào có ứng viên được đề bạt xin phong thánh, đã từng sống và/hoặc chết ở đó, thì vị giám mục đứng đầu giáo phận, sẽ là người có trọng trách khởi sự điều tra, xem xét. Và, vị Giám mục này sẽ chỉ định người phụ trách gọi là Cáo-thỉnh-viên có bổn phận thu thập mọi thông tin về ứng viên được đề bạt. Khi đã được Đức Thánh Cha chấp thuận cho khởi sự, thì vị Giám mục trên sẽ triệu tập một toà án, và kêu gọi các nhân chứng đứng ra xác nhận mọi sự việc có liên quan đến cuộc sống và nhân đức thánh thiêng của ứng viên được đề bạt. Khi Đức Thánh Cha đồng thuận như thế, các vị có trọng trách sẽ gọi ứng viên được đề bạt là: “Đầy Tớ Chúa”.

Trong thời gian các nhà thần học thực hiện cuộc điều tra/xem xét các thư từ/bài vở của ứng viên được đề bạt, kể cả tác phẩm nào chưa hoặc không được phát hành, tỉ như: thư từ liên lạc hoặc các trang nhật ký/hồi ký, đều phải minh xác là tất cả những chứng từ ấy, không đi ngược lại niềm tin và đạo lý của Giáo hội. Và, phải chứng thực rằng, theo tinh thần nêu ở tông thư của Đức Giáo Hoàng Urban VIII, dân gian quần chúng vẫn chưa được phép chính thức tôn sùng đấng bậc được đề bạt. Dĩ nhiên, cho tới lúc ấy, mọi người chỉ được phép sùng kính vị này ở chốn riêng tư. Và, chỉ được thiết lập lời kinh trên giấy để nguyện cầu, mà thôi.

Khi Giáo phận sở tại hoàn tất công cuộc điều tra xong, thì các tài liệu có liên quan đến việc đề bạt và cứu xét, phải được gửi về Thánh Bộ Phụ Trách Vụ án Phong Thánh thuộc giáo triều La mã, mà lưu giữ. Khi ấy, Thánh Bộ sẽ chỉ định một Vị Đặc Trách Liên Lạc, ngõ hầu xem xét và chuẩn bị để đưa ra một Định Chế, tức tóm lược tài liệu có liên quan đến bản án phong thánh. Tóm lược này, gồm tiểu sử của ứng viên xin được đề bạt phong thánh, và chứng cứ nào khả dĩ thực thi tính cách thần học của niềm tin, nỗi hy vọng và đức bác ái. Các nhân đức chủ động về tính cẩn trọng, về sự công chính, lòng dũng cảm, tiết độ. Đồng thời, cả các nhân đức khác nữa, như: sự khiêm tốn, đức thanh khiết, vv…

Định Chế, sẽ do các nhà thần học được Thánh Bộ chỉ định, có quyền đưa ra phán quyết. Nếu đa số các nhà thần học chức năng tỏ ý đồng thuận với kết quả, thì bước kế tiếp sẽ được các hồng y và giám mục trong Thánh bộ này cứu xét.

Và, nếu các vị này tỏ ý đồng thuận, thì vị Bộ trưởng Thánh bộ này đệ trình kết quả của toàn bộ tiến trình lên Đức Thánh Cha xin duyệt. Khi đó, ngài sẽ ban lệnh phê chuẩn và cho phép Thánh bộ thảo ra một nghị quyết về Nhân đức anh hùng của ứng viên. Và, khi Nghị quyết này được đưa ra trước công chúng hoặc công khai loan báo cho mọi người được biết, ứng viên ấy sẽ được gọi là “Đấng Đáng Kính”.

Trường hợp tử vì Đạo, thì nghị quyết về sự kiện tử đạo sẽ thay thế nhu cầu điều tra xem xét các đức tính anh hùng của ứng viên.

Nhằm thực hiện thủ tục phong thánh, phải có chứng cứ xác minh là ứng viên trên đã thuận ban cho người xin một phép lạ. Gọi là phép lạ, thông thường các sự kiện này phải được minh chứng rõ rằng nền y khoa tân tiến không tài nào cắt nghĩa sự kiện ấy một cách tự nhiên. Và, việc này phải được các chuyên gia nhiều kinh nghiệm về y học kiểm chứng trong khuôn khổ của địa hạt xứng hợp. Và, cần có các nhà thần học được Thánh bộ chỉ định, đã thuận xét.

Nói cho cùng, phán quyết nhân bản về đặc tính thánh thiêng của một vị nào đó, là quá trình điều nghiên đưa dẫn đến quyết định chung cuộc về nhân đức anh hùng. Và sau đó, có sự xác nhận thần thiêng về phán đoán này, ngang qua tiến trình kiểm chứng rất kỹ càng về phép lạ, được ban.

Khi nghị quyết về phép lạ được ban hành, Đức Thánh Cha mới quyết định ngày tháng và nơi chốn tổ chức lễ phong thánh. Giai đoạn này, Đấng Bậc Đáng Kính trước đây, nay được gọi là “Chân Phước”. Và cùng từ đó, dân chúng được phép sùng kính. Nhưng, chỉ sùng kính trong khuôn khổ hạn hẹp về nơi chốn và/hoặc tại các nhà của dòng thánh/hội tu, nơi vị ấy từng sinh sống hoặc là thành viên. Phụng vụ Hội thánh sẽ chỉ định ngày mừng lễ cho Chân Phước và thiết lập bản kinh cho thánh lễ mừng kính, được phê chuẩn.

Muốn tiến đến bậc “Hiển thánh”, chân phước đây phải cần thêm một phép lạ khác xảy đến sau khi được phong làm Chân Phước. Và, mọi việc phải được kiểm chứng, xác đáng. Khi Thánh Bộ Phụ trách Phong thánh đã chuẩn thuận mọi chứng cứ về phép lạ thứ hai xong, Đức Thánh Cha lúc ấy mới phê chuẩn toàn bộ vụ án và lập ngày tấn phong “hiển thánh” cho vị Chân Phước, lâu nay là ứng viên. Mọi phán quyết về tính “hiển thánh” của các ứng viên đều đòi hỏi phải do chính Đức Giáo Hoàng tuyên bố, qua tư cách vô ngộ của đấng chủ quản Hội thánh.

Khi được tấn phong thành bậc “hiển thánh”, có Đức Thánh Cha chính thức dính dự, tên của vị thánh mới công nhận, sẽ được liệt kê nơi danh sách các thánh nam nữ, với tên của mình, có tước vị “Thánh”, ở trước. Vị “hiển thánh’ mới phong, sẽ được Giáo hội toàn cầu chính thức tôn kính. Và, giáo xứ cũng như nguyện đường, từ nay được phép lấy tên của vị thánh này, mà gọi.

Nhằm trân quý các bậc hiển thánh và di hài các ngài để lại, mỗi người hành xử một cách, khác nhau. Có vị quyết tìm cho được hài cốt, khăn tẩm của đấng bậc/người thân đem đặt lên bàn thờ, ở nhà. Có vị, lại để cho người thân ăn vận như thánh nhân, khi vị ấy ra đi, về nhà Cha. Tựa hồ giai thoại mang tính hài, nhằm thư giãn, như truyện kể ở bên dưới:

“Có vị cao niên nọ, vừa thất lộc. Người vợ được báo cho biết xác của ông chồng, nay đã chuyển về nhà quàn làm thủ tục cuối, trước khi đưa đi chôn. Mọi việc diễn tiến tốt đẹp. Đâu vào đấy. Để tỏ lòng tôn trọng ý muốn của người quá cố, từng sống một đời lành thánh, người vợ muốn cho chồng mình ăn vận tề chỉnh như bậc thánh nhân/quân tử, cả vào lúc ra đi về cõi chết. Nghĩa là, cũng “Com-lê - cà vạt” đầy đủ lệ bộ, mầu sắc rất đàng hoàng. Mặc dù, mầu đen áo vét ông đang mặc, trông đã khá. Nhưng, bà vẫn muốn sao cho sắc-mầu bộ áo của chồng đẹp hơn, phải mầu xanh. Và, bà tìm đến nhân viên nhà quàn, yêu cầu đổi áo. Bà trao cho nhân viên nhà quàn tấm ngân phiếu chưa viết số tiền, rồi nói:

-Vẫn biết yêu cầu như thế này sẽ gây khó khăn, và rất mắc tiền, nhưng quý vị cứ tìm hộ bộ đồ “com-lê” nào vừa khít, có mầu xanh nước biển cho chồng tôi mặc, tốn bao nhiêu tôi cũng trả. Khi tìm được, quý vị chỉ việc ghi số tiền vào ngân phiếu này, là xong.

Hôm sau trở lại, người vợ rất đỗi ngạc nhiên khi thấy cụ ông được nhân viên phụ trách nhà quàn cho mặc bộ đồ mầu xanh, rất đẹp. Rất vừa vặn. Người vợ bèn nói:

-Chà. Bộ áo này thật hết ý. Tôi hài lòng về công việc quý vị làm cho ông nhà tôi. Tốn hết bao nhiêu xin cho biết, để tôi ghi vào ngân phiếu.

Nhân viên đưa lại tấm ngân phiếu cho vợ người chết, rồi nói:

-Xin bà khách đừng quá bận tâm. Đây, chỉ là chuyện nhỏ. Hoàn toàn miễn phí.

Lấy làm lạ, bà vợ của người quá cố quyết gạn hỏi:

-Làm sao quý vị lại tìm được bộ áo vừa đẹp lại vừa nhanh như thế, lại còn không chịu lấy tiền?

-Thú thật với bà khách, là làm việc này, chúng tôi đâu có tốn công tốn của gì đâu. Bọn tôi vừa cho nhập nhà quàn xác của một yếu nhân khác, kích thước thân hình vừa đúng như ông nhà. Và ông này, lại ăn vận bộ đồ vía có mầu xanh đúng như ý của bà khách muốn. Và bọn tôi đề nghị với bà chủ bên kia xin trao đổi chiếc áo “com-lê”, và bà ấy đồng ý. Thế là,… bọn tôi chỉ việc đổi mỗi cái đầu, là xong!

Nghe kể, hẳn có bạn sẽ bảo: làm như thế thật không nên. Và đối với bậc thánh, cũng không phải. Nhưng, trở lại với nhạc bản ở trên, bạn và tôi sẽ nghe đâu đó lời người nghệ sĩ, vẫn cứ hát:

“Này người yêu, người yêu anh ơi!

Bên kia sông là ánh mặt trời

Này người yêu, người yêu anh hỡi!

Bên kia đồi, cỏ hoa đan lối

Bên kia núi, núi cao chập chùng

Bên kia suối, suối reo lạnh lùng

Là bài thơ, toàn chữ hư vô.”

Hư vô chăng, chỉ là quan niệm người nghệ sĩ, ở ngoài đời. Với nhà Đạo, bạn và mình vẫn tìm thấy lời lẽ chân tình, của thánh nhân:

“Hỡi dân thánh, các tông đồ và các ngôn sứ,

hãy mừng vui hoan hỷ,

vì Thiên Chúa đã xử công minh cho các ngươi.

(Kh 18: 20)

Xử công minh, Ngài đối xử với dân con mọi người, như bậc hiển thánh. An lành. Hiền hoà. Nhiều thương mến. Đến tôn sùng.

Trần Ngọc Mười Hai

Vẫn thần thánh hoá

tình thân thương

của mọi người

trong cuộc đời.

No comments: