Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em
Không! Không! Tôi không còn, tôi không còn yêu em nữa em ơi!
(Nguyễn Ánh 9 – Không)
(Lc 20: 21)
Nếu chỉ nghe, Elvis Phương hát lời ca trên đây rồi thôi, có lẽ bạn và tôi sẽ nghĩ là: hai người được nói trong bài hát, không còn yêu nhau nữa. Không yêu, có lẽ bởi vì:
“Tình đời thay trắng đổi đen
Tình đời còn lắm bon chen
Tình đời còn lắm đam mê
Nên tình còn lắm ê chề.”
(Nguyễn Ánh 9 – bđd)
Không hẳn là như thế. Bởi, nếu bạn và tôi, có dịp nghe dĩa nhạc DVD “Lặng Lẽ tiếng dương cầm”, thấy chuyên gia Vĩnh Lạc, phân tách ý nhạc/lời thơ của tác giả, mà anh gọi là “Quãng 5 quãng 4 và Nguyễn Ánh 9”, ta sẽ còn mang trong đầu rất nhiều điều, để phân vân. Bàn bạc. Rất nhiều điều, để phiếm. Phiếm chuyện đời. Phiếm cả chuyện Đạo.
Thật sự, thì tình đời nhiều lúc cũng chẳng “thay trắng đổi đen”, được nhiều thứ. Có thay hoặc có đổi, cũng chỉ vì người đời “còn lắm bon chen”. Còn lắm ”đam mê”. Nên, mới “ê chề”. Chỉ có thế. Dẫu sao, thì bạn và tôi, ta cũng đừng vội theo vết dấu chân người, để nói chữ “Không!” Không yêu. Không tin. Và, không tạo uy tín, với nhà Đạo.
Về những uy tín và niềm tin yêu đã ê chề, thì vừa qua ở Hội Thế Vận Bắc Kinh, đã xảy ra một hiện tượng rất ư lạ lùng. Được bật mí, ngay sau buổi lễ khai mạc đầy hoành tráng. Long trọng. Hùng vĩ. Số là, ban tổ chức Bắc Kinh có thói quen coi thường dư luận. Coi thường, cả chữ “tín” và chữ “yêu” của hàng triệu người dự khán. Dám đánh tráo, diện mạo và giọng hát của hai nghệ sĩ tuổi nhỏ, tên là Yang Peiyi và Lin Miaoke.
Đánh tráo hoặc tráo trở, chẳng thể nào là đặc điểm của người vốn có chữ “tín”, bấy lâu nay. Nhưng, với một cử toạ đông hàng tỷ người, vừa mới chứng kiến cảnh thề nguyền sẽ tôn trọng tinh thần thượng võ. Sau đó, lại cứ thản nhiên làm công việc đánh tráo hai người trẻ. Rất dễ tin. Thì đây, quả là hiện tượng ít thấy.
Có một điều, mà mọi người đều nhận ra, đó là: việc làm tráo trở kia, lại diễn bày ra trước mặt các em bé, rất còn trẻ. Tức, những người trẻ và bé, vẫn còn niềm tin yêu. Còn chữ “tín”. Hiện tượng trên, sẽ chẳng là gì đối với nền kinh tế chính trị, nhiều tráo trở. Chẳng cần ai tin. Nhưng lại rất tệ hại, đối với nền đạo đức - chức năng, của loài người.
Còn nhớ, có lần Đức Chúa từng khuyên bảo:
“Kẻ nào nên cớ vấp phạm cho
một trong những kẻ bé mọn
đang tin Thầy,
thì thà nó bị khoanh cối đá vào cổ
và nhận chìm xuống đáy biển,
còn hơn.”
(Mt 18: 6)
Đành rằng, đòi hỏi về đạo đức ở trên, là một đòi hỏi rất gay gắt. Không thể bỏ qua, hoặc coi thường. Bởi, nó có tính nghiêm trọng, được coi như gương mẫu cho mọi người, để mà sống. Chí ít, là những gương và mẫu về “chữ tín”. Còn nhớ, các cụ nhà mình khi xưa, vẫn có câu nói để đời, khuyên con cháu dứt quyết một điều: một sự bất tín, vạn sự không tin.
Không tin, ở đây không phải bởi vì ta chưa nhìn ra được sự thật, Chúa vẫn nói. Không tin và chẳng giữ chữ “tín”, là bởi mọi người quanh ta không muốn bị lừa đảo. Tráo trở. Và, cũng chẳng muốn nên cớ vấp phạm, cho trẻ nhỏ. Nhưng, ở hội thế vận Bắc Kinh năm 2008, người ta đã làm cả hai chuyện đánh tráo và đảo lừa, không nương tay. Chẳng sợ gì.
Đánh tráo và đảo lừa, đã trở thành chuyện lớn, rất nghiêm trọng vì nên cớ vấp phạm, cho trẻ bé. Nói nghiêm trọng, là bởi tinh thần của vận hội thế giới xưa nay, vẫn là nguồn hứng khởi cao sang, được đề cao, mang đến với giới trẻ. Nhất là giới trẻ thế giới, mới vừa cùng nhau quây quần, họp mặt. Tuổi trẻ họp mặt, lúc nào cũng đề cao tinh thần thượng võ, không đảo lừa. Chẳng đùa giỡn với niềm tin. Với chữ “tín”. Tức, tính chính trực, trong mọi chuyện.
Về tính chính-trực, hẳn ai cũng còn nhớ lời thư tâm tình của thánh Phao-lô gửi đồ đệ Ti-tô:
“Chính anh hãy làm gương
về mặt đức hạnh.
Khi anh giảng dạy,
thì đạo lý phải tinh tuyền,
thái độ phải đàng hoàng,
lời lẽ phải lành mạnh…´
(Ti 2: 7)
Xem thế thì, đức hạnh trong gương mẫu, tinh tuyền trong đạo lý, và đàng hoàng nơi thái độ, nhất nhất đều có thể gọi đó là: chính và trực. Và chính trực, là đức tính cần áp dụng cho hết mọi người. Cả người nhà Đạo, lẫn kẻ lươn lẹo chốn bán buôn. Tuyên truyền.
Trong buôn bán, ta vẫn thấy cụm từ “In God we trust” (“ta tin tưởng nơi Đức Chúa”) trên hầu hết các tờ giấy bạc vô tri vô giác của Hiệp Chủng Quốc, nước Hoa Kỳ. Xem như thế, chữ tín hay đức tính chính trực hay gì gì đi nữa, vẫn cứ là kim chỉ nam, trong sống cùng - sống với, mọi người.
Bởi lẽ, sống chính trực với hết mọi người, vẫn luôn là mục tiêu của cuộc sống, ở xã hội cổ xưa hoặc đương đại. Tính chính-đại và cương-trực thấy có ở xã hội loài người, vẫn là chuyện ngàn đời. Cần thiết phải được duy trì, gìn giữ. Cho dù, đó là chuyện khó giữ, trong cuộc đời. Một đời, gồm những người chỉ lo toan kiếm tìm giàu có. Tiếng tăm. Quyền bính.
Với nhà Đạo, sống chính-đại và cương-trực là sống chân phương, biết tôn trọng sự thật, như nhận định ta nghe biết:
"Thưa Thầy,
chúng tôi biết Thầy là người chân thật.
Thầy chẳng vị nể ai,
vì Thầy không cứ bề ngoài
mà đánh giá người ta,
nhưng theo sự thật
mà dạy đường lối của Thiên Chúa..”
(Mc 12: 14)
Ở đời thường, người người thấy rất khó để sống chân phương, lương thiện. Rất chính và trực. Nên, mới thấy “ê chề”, về cuộc sống. Thấy ngán ngẫm, một cuộc tình. Tình đời. Tình người:
“Tình mình, có nghĩa gì đâu
Tình mình, đà lắm thương đau
Tình mình, gian dối cho nhau
Thôi đành, hẹn lại kiếp sau.”
(Nguyễn Ánh 9 – bđd)
Quá ê chề ,với tình người ở huyện đời thường, nên người người nay cứ hát:
“Một lời cuối cho em, một lời cuối cho em
Khi tình ta hôm nay đã tàn phai
Một lời cuối cho em, một lời cuối cho em
Kiếp sau chờ nhau, sẽ hết những niềm đau.”
(Nguyễn Ánh 9 – Một lời cuối cho em)
Sống thực tế, ta chẳng thể nào chờ đến kiếp sau, nếu con người để mất chữ “tín”. Vẫn đánh tráo. Đảo lừa. Lừa em nhỏ, chỉ lên chín. Trong đó có Yang Peiyi. Có Lin Miaoke. Như ở vận hội thế giới Bắc Kinh, năm 2008. Thế giới hôm nay, dù đang ganh đua ở lễ hội một vận động. Hay, sẽ thi đấu ở nơi nào khác, sẽ chỉ có thể sống lương thiện – hài hoà, nếu biết tôn trọng sự thật. Sự thật, mà cả nơi nhà Đạo, vẫn thấy có kẻ lươn lẹo gài bẫy cạm. Trâng tráo. Đảo lừa:
“Chúng tôi biết Thầy nói Thầy dạy
cách ngay chính
Thầy không nể mặt;
Nhưng dạy đường lối của Thiên Chúa
Cách ngay thật.”
(Lc 20: 21)
Và, còn lại vấn đề với thế giới hôm nay, là sự Ngay Thật. Ngay thật, trong ăn nói. Trong thái độ. Ngay thật, trong phương cách đối xử. Chọn lựa. Chọn minh bạch. Lựa trong sáng. Mang chân thiện mỹ, đến với mọi nơi. Đó chính điểm là khác biệt giữa sự Đạo. Chuyện đời. Một đời, có những truyện rất cần đến Đạo. Dù, chỉ là đạo làm người. Ăn ngay. Nói thật. Như truyện kể để minh hoạ, ở bên dưới:
“Một lão bà trọng tuổi đang phom phom lái xe, trên xa lộ không đèn, rất ngon trớn. Bỗng, từ đâu đó vọt lên phía đằng trước, chiếc môtô công lộ, có viên cảnh sát trờ tới lễ phép ra dấu cho cụ ngừng lại. Chừng như, anh kết tội: cụ chạy quá tốc độ!!.
Lão bà rất bình tĩnh, vẫn ngồi trên xe, ngước nhìn về phía cửa, hỏi:
-Có chuyện gì thế, thưa ngài cảnh sát?
-Dạ thưa bà, bà vừa lái xe quá tốc độ.
-À, ra thế đấy!
-Xin bà cho xem bằng lái.
-Tôi không có bằng. Nếu có, đã xuất ngay đưa cho ngài.
-Bà lái xe mà không có bằng, ư?
-Cách đây 4 năm, tôi bị treo bằng vì tội uống rượu mà lại lái xe.
-Thì ra, là thế. Thồi thì, bà cho xem giấy đăng bộ xe.
-Việc này, tôi cũng không thể làm được.
-Tại sao thế?
-Bởi, xe này đâu phải của tôi. Tôi vừa chôm được nó, cách đây ít phút.
-Bà già như thế, mà cũng biết chôm xe xịn này sao?
-Đúng thế đấy. Tôi còn bắn chết tên tài xế, và vứt xác hắn ta trong bình thùng, nữa.
-Bà nói gì?
-Thì, cũng chỉ muốn nói là: tôi băm xác hắn ta thành 3 khúc, mới nhét vừa thùng xe.
Viên cảnh sát, bèn liếc mắt về phía sau, thấy khả nghi. Anh nhìn bà lão một lúc, rồi đi về phía chiếc xe đang chớp đèn, dùng máy điện đàm gọi tiếp viện. Vài phút sau, đã thấy lố nhố toàn xe mầu trắng, chớp đèn, làm náo loạn cả cõi không. Rất hồi hộp. Bước từ một chiếc xe chớp đèn mầu đen, là viên chức có dáng dấp rất lão thành, tay lăm le khẩu súng lục, bước đến gần lão bà, và hỏi:
-Yêu cầu bà lái, bước xuống xe.
Lão bà răm rắp tuân lệnh, rồi hỏi:
-Có chuyện gì mà nghiêm trọng thế, thưa các vị?
-Nhân viên công lực chúng tôi báo cáo là bà đã ăn cắp xe này, giết chết tài xế và…
-Giết chết tài xế ư, một lão bà già như tôi?
-Đúng thế. Yêu cầu bà mở “cốp” xe.
Lão bà tuân lệnh. Nhưng chẳng thấy gì. Thùng xe trống trơn. Cả đến đồ đạc cũng không có. Viên cảnh sát cao cấp tiếp tục hỏi:
-Xe này, có đúng là của bà không?
-Rất đúng. Tôi có giấy tờ đăng bộ chứng minh đây.
Viên cảnh sát rất ngạc nhiên, hết nhìn bà lão rồi lại quay qua đồng nghiệp. Hết ý. Anh nói tiếp:
-Đồng nghiệp của chúng tôi vừa báo cáo là: bà lái xe mà không có bằng lái. Đây chỉ là giấy tờ xe, thôi.
Lão bà, rút trong ví bóp ra, chiếc thẻ nhựa ghi đầy đủ chi tiết tên tuổi, có cả hình. Cảnh sát viên xem xét kỹ, thấy khó nghĩ:
-Người đồng nghiệp của chúng tôi có nói là bà không có bằng lái. Lại ăn cắp xe. Giết tài xế. Rồi vứt xác người này vào thùng phía sau…
Cụ bà ngắt lời:
-Cái tay láo khoét ấy chắc còn nói là tôi lái xe quá tốc độ, nữa phải không?
Truyện kể chỉ có thế. Cũng để nói lên một điều, là: ngày hôm nay, trong quá trình giao tế với đời. Đời người, có lối sống văn minh. Lịch sự. Uy tín. Nhưng người đời, chừng như để lạc mất chữ “tín”, ở đâu đó. Hết còn tin. Vì hết tin, nên cuộc sống không còn đượm nhiều ý nghĩa, như ngày trước.
Đó có thể, là lý do khiến người nghệ sĩ đã thở than: “Tình đời thay trắng đổi đen. Đớn đau. Ê chề.” Để sống không còn thấy ê chề, dối gian. Không đánh tráo. Đảo lừa. Có lẽ, ta nên trở về với cội nguồn, mà: “làm gương, về mặt đức hạnh” (Ti 2: 7). Và, đừng “nên cớ vấp phạm cho kẻ bé mọn” (Mt 18: 6). Dù chỉ để thi đua. Trình diễn. Tuyên truyền. Có như thế, đời mới đáng sống. Đạo mới tồn tại.
Trần Ngọc Mười Hai
Đã bức xúc,
lòng hỏi lòng
khi nghe tin có giối dan, đảo lừa
trong thi đấu ở Bắc Kinh.
No comments:
Post a Comment