Chuyện phiếm đọc trong tuần thứ
28 mùa thường niên năm C 09/10/2016
“Tình đã len trong mầu nắng mới,”
Lòng anh buồn vời vợi em ơi
Niềm ái ân rung động trên môi
Tình đâu khôn lựa nên lời thắm tươi.”
(Nhạc:
Phạm Duy/Lời: Lưu Trọng Lư – Thú Đau
Thương)
(Rm 5: 2-5)
Vào lúc
bần-đạo ngồi viết những giòng chữ này, thì bên ngoài trời đất rất Sydney đang
đi vào những ngày đầu Xuân, tiết trời thật dễ chịu có ánh nắng chan-hoà với
không khí nhẹ êm mà lại phải nghe đi nghe lại, dù rất hay, những lời ca về một
Thú đau thương” tơi bời dù thật tuyệt ở đêm
nhạc “Hát Cho Nhau nghe” ở Sydney hôm 03/7/2016 như sau:
“Ðã héo lắm nụ cười trong mộng
Ðã mờ dần hình bóng thân yêu
Ðã lam tím cả cảnh chiều
Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn
Ðể gối chăn nằm yên chốn cũ
Hãy lịm người trong thú đau thương.
Tình đã không một lần nữa tới
Nhìn nhau buồn vời vợi em ơi
Rượu ái ân em cạn trên môi
Lệ anh xin nhỏ nên lời đắng cay.
Hãy xếp lại muôn vàn ân ái
Ðừng thương nhau đừng ái ngại nhau
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng
Thành kiếp sao còn băng mãi mãi
Ðể lòng buồn mãi mãi không thôi.”
(Phạm
Duy/Lưu Trọng Lư – bđd)
“Kiếp sau không còn băng mãi mãi, để lòng buồn mãi
mãi không thôi” ư? Khiếp!
Sao mà buồn đến thế? Phải chăng là, “thú đau thương” vẫn là cái thú rất buồn
sầu của đời người, rất nên nỗi?
Vâng. Thú
gì thì thú, có đau thương mãi mãi hay “thuyền
yêu không ghé bến sầu” đi chăng nữa, vẫn chỉ là những chuyện ở tiểu-thuyết
hoặc truyện kể về cuộc đời chứ chẳng phải là cuộc đời chính-hiệu, mãi thế đâu.
Không tin ư? Mời bạn và mời tôi, ta cứ ghé mắt nhìn vào Lời Vàng bậc thánh-hiền
từng khẳng-định, như sau:
“Nhưng không phải chỉ có thế;
chúng ta còn tự hào khi gặp gian
truân, vì biết rằng:
ai gặp gian truân thì quen chịu đựng;
ai quen chịu đựng, thì được kể là người
trung kiên;
ai được công nhận là trung kiên, thì
có quyền trông cậy.
Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không
phải thất vọng,
vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài
vào lòng chúng ta,
nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng
ta.”
(Rôma
5: 2-5)
Tương-quan
ta có đối với nhau, không chỉ là các giao-dịch qua đó ta chuyển-tải cho nhau
các sự/việc cùng lợi ích rất tích-cực mà thôi. Nhưng còn là chốn miền trong đó
người người hành-xử với nhau và cho nhau rất độ-lượng theo cung-cách cho đi
chính con người mình. Và, người người còn đại-độ đến mức-độ tha-thứ cho nhau
khi gặp sự xấu mình vẫn áp-đặt vào nhau và cho nhau như thế.
Tương-quan
ta có với nhau như thế, sẽ là và vẫn là những gì duy-trì được tình-yêu
thương/mẫn cảm của con người đối với con người, trong mọi tình-huống cuộc đời,
rất hôm nay.
Có
tương-quan là có đời sống chung-đụng giữa người cận thân và cận lân, không phải
lúc nào cũng tốt đẹp, hoặc trôi chảy như truyện kể ở bên dưới:
“Tôi đón cha lên
thành phố. Nếu nói là đón mẹ lên thì thích hợp với hoàn cảnh hơn. Nhưng mẹ tôi
đã xa cõi đời từ lúc tôi lọt lòng. Sự ra đi của mẹ, trong thâm tâm tôi vẫn luôn
là một sự đánh đổi quá khắc nghiệt của tạo hóa, mà nỗi đau đớn còn dành lại một
vị đắng ở đầu môi. Và người ở lại phải sống tốt cho cả hai phần đời. Tôi đã có
thật nhiều cố gắng.
Cha tôi, người đàn ông lam lũ. Cha gầy, gầy lắm, mà không phải chỉ gầy do sức
khỏe, mà thời gian đã ngấm dần trong từng thớ thịt cha, già cỗi và yếu ớt.
Người đàn ông cô độc ngần ấy tháng năm của tôi.
Bao nhiêu lần ôm cha ngủ. Từ bé, lúc lớn lên đi xa trở về, hay khi tôi đi làm
có tiền thường gọi điện cho ông:“cha, lên thành phố với con, con lo được mà”.
Ông hỏi dò “có thiệt không đó, cu con, không để tiền cua gái hả?” Rồi ông cười
khà khà. Hôm sau đã có mặt ở nhà tôi. Mang nào gà, nào vịt, nào trái cây. Và
không quên mang theo một cúc rượu để cha con nhâm nhi.
Nhưng sao lần này,
nằm cạnh ông, nhìn ông ngủ, tôi …tôi không diễn tả nỗi cảm xúc của mình. Nước
mắt ở đâu cứ như nước sôi đang đun trào, cứ thế đẩy vung mà ra. Chắc vì tôi mới
được làm cha, chắc lẽ thế.
Tôi lấy vợ rất muộn. Vợ là người thành phố, con nhà danh giá. Nhưng với nỗ lực
và cố gắng của mình, tôi độc lập về kinh tế, không phải dựa bóng nhà vợ.
Khi mọi người quây quần quanh thằng Mỏ(con trai yêu quý của tôi), nhìn nó kháu
khỉnh đáng yêu quá. Nhà vợ rất đông người tới. Ai cũng đòi được bế thằng Mỏ
nụng nịu. Bà ngoại thằng Mỏ (là người rất khó tính) nói “ông Nội bế cháu đích
tôn một chút này”, cha đưa tay ra định bế thì bà ngoại khựng lại.
“Trời ơi, tay ông nội sao thế, thế thì hỏng da của cháu mất….”. Bà ngoại giữ
thằng Mỏ lại trong lòng, vừa nói vừa nhìn bàn tay cha tôi dò xét.
“Ờ….vâng, tôi lỡ…để tôi…đi rửa..”. Cha tôi ấp úng rồi đi ra nhà sau để rửa tay.
“À, chắc ông mới làm than đó má”. Tôi nói đỡ, rồi theo cha ra sau. Mọi người
lại xúm lại đòi bế thằng Mỏ. Cha tôi rửa tay, và đúng là ông làm than thật. Tức
là ông phơi mớ than củi mang từ quê lên để cho vợ tôi nằm hong, khỏi nhức mỏi
đau lưng sau này. Nhưng ông làm xong từ sáng sớm rồi kia mà, lẽ nào cha tôi đã
già nên lẫm cẫm rồi, chẳng còn nhớ mà rửa tay nữa. Cha ơi…
Thấy ông đứng cặm cụi rửa tay, khó nhọc. Tôi tiến lại “cha, để con rửa cho
cha”.
“Thôi đi cu con,
hồi bé cha rửa tay rửa chân cho mày, giờ học đòi à, nhưng chưa đến lúc đâu….”.
“Đưa con coi nào”, tôi giằng lấy tay ông. Trời ơi, hai bàn tay ông chai sần,
những lớp da bị tróc mẻ, nham nhỡ đỏ lừ.
“Cha bị sao thế, cha đừng rửa bằng xà bông nữa”…Tôi nói.
“Ờ, hồi trước, hồi
trẻ ấy, cha mày đi xây, bị xi ăn, bị dị ứng. Hôm qua tao thấy trước sân nhà mày
có chỗ bị hỏng, tao hòa ít xi gắn lại. Ai ngờ lâu thế mà nó cũng bị lại…”
Ông nói rồi lững thững đi vào. Vừa đi vừa chùi chùi hai bàn tay vào áo, cái
dáng còng còng như oặn trĩu bởi yêu thương. Cha bước đi không còn vững nữa rồi,
năm tháng ơi.…..
Là trưởng phòng kinh doanh một công ty, tôi đi tối ngày, tranh thủ chạy về lúc
trưa, lúc tối muộn. Nên cha làm gì, mọi người làm gì tôi cũng không rõ hết. Nhà
tôi ở ngoại ô. Có một khoảng sân nhỏ, trồng một ít cây cối. Trong những tháng
ngày này, được làm cha, được sống trong cảnh gia đình sum vầy thế này. Tôi ngỡ
cuộc đời như một giấc mơ. Hay đúng hơn là cuộc đời ai rồi cũng đến lúc sống
đúng như một giấc mơ, khi đã cố gắng thật nhiều.
Từ chuyện bàn tay, mà cha chưa bế cháu Mỏ một lần nào. Không chỉ vì ánh mắt e
dè của bà ngoại thằng Mỏ. Mà có lẽ ông tự ái(bệnh người già mà), ông muốn mọi
người được vui. Và hơn hết ông thương thằng Mỏ, như bà ngoại nói “da cháu còn
nhạy cảm, như thế là không tốt”. Tôi cũng chỉ im lặng. Vì nghĩ mọi thứ đều hợp
lý. Hay tại vì cha là đàn ông(yêu thương để trong lòng), ít ra cha cũng không
như bà ngoại, khi một ngày không ẵm thằng Mõ vài lần nũng nịu là ăn cơm không
nổi.
Thế là cha tôi, ngày ngày lầm lũi ngoài khoảng sân nhỏ. Ông nấu nước Vằng (một
loại lá cho người đẻ uống rất tốt), ông quét sân, thỉnh thoảng qua chỗ mấy ông
già cùng khu phố ngồi chơi. Rồi lại thỉnh thoảng về ngắm thằng Mỏ. Vợ tôi còn
bảo “ở nhà ông còn giặt cả tả, quần áo cho Mỏ”.
Mặc dù có bà ngoại,
hay mấy cô em vợ tôi, mà họ toàn giặt máy. Nhưng khi chưa kịp bỏ vào máy là ông
lại bê đi giặt tay. Bà ngoại cũng không muốn ông phiền lòng, nên cũng đành im
lặng. Nhưng tôi biết sau đó bà ngoại lại lén bỏ vào máy giặt lại, may mà bà
không để cha biết….
Thời gian cứ thế trôi đi, cuộc sống bình lặng êm đềm. Nhưng tình cảm trong tôi
đang dậy sóng, vì từ Cha thiêng liêng, mỗi lúc vợ hay bà ngoại bế thằng Mỏ đều
chỉ vào tôi bảo “gọi ba đi, ba ba, ba ba”. Thằng bé chỉ nhìn rồi cười, đáng yêu
vô vàn vô tận.
Cho đến một ngày, khi tôi đang đi công tác tỉnh, vợ gọi điện “chồng, về nhà đi,
ông nội vào viện rồi”. Tôi về ngay, về liền. Cha tôi đứng lên chiếc ghế đẩu để
phơi tả cho thằng Mỏ, bị trượt ngã. Khi tôi về đến nơi ông đã tỉnh, bác sĩ bảo
chỉ bị chấn thương nhẹ, cần điều trị vài ngày là hết. Tôi thở phào. Bà ngoại và
vợ nhìn tôi ái ngại.
Tôi về nhà lấy đồ cho cha. Tôi lục túi của ông. Một ít quần áo, một tút thuốc
quê đã hút phần nữa (cha tôi nghiện thuốc lá). Và…một cuốn sổ, nhỏ bằng lòng
bàn tay, màu nâu cũ kỹ, một chiếc bút được kẹp ở giữa. Tôi tò mò, tôi mở nó ra,
mở ngay trang đang kẹp bút. Tôi đọc:
“Vậy là cháu nội tôi đã chào đời được một tuần. Nhìn con trai vui, mới biết
mình đã già, đã sống hết phần đời mình mất rồi. Buồn vui lẫn lộn. Khi về bên
kia gặp vợ, có thể an lòng. Nhưng mà sao già này buồn quá. Muốn được ôm thằng
Mỏ vào lòng quá. Mà….Già này nhớ những tháng ngày xưa, khi vợ bỏ lại hai cha
con ra đi, một mình nuôi con trai. Một mình bế nó trên tay, một mình cho nó
uống sữa, một mình ru nó ngủ, trong đêm thâu. Ôi mới như hôm qua đây thôi, mà
sờ lên mái tóc đã bạc trắng mất rồi. Con trai à, cháu Mỏ à, già này yêu hai cu
lắm….Bàn tay chết tiệt này,sao mày lại giở chứng đúng lúc thế….”
Tôi lật tiếp những trang viết đầu, những ngày tháng đầu đời:
“Vợ anh nhớ em, nhớ
nhiều…anh không có gì để ví được”….
“Em yên lòng, anh
sẽ nuôi con, anh sẽ sống cho cả hai cuộc đời, anh sẽ làm được…”
“Vợ, anh không chịu được nỗi đau này…..”
“Vợ ơi…”
Dài lắm, tôi đọc mãi, đọc mãi, đến lúc những dòng chữ ngoệch ngoạc của cha nhòa
đi bởi nước mắt tôi nhỏ xuống. Tôi mới dừng lại. Cha viết nhật ký. Ông giấu tôi
kỹ quá, giấu tài quá. Đàn ông như cây Lim cây Táu, mà tâm hồn ông như Liễu như
Mai, rũ xuống vì yêu thương, rũ xuống vì tình cảm, rũ xuống vì cô độc. Ôi, cha
già của con!
“Anh ơi làm gì lâu thế, làm đưa đồ vào cho nội thay đi, anh còn ngủ ư”. Vợ tôi
kêu vọng lên lầu.
“Ờ…anh biết rồi….”.
Tôi quẹt nước mắt. Gấp nhật ký của cha, bỏ lại cẩn thận.
Tôi phải lén đi ra, bởi không muốn ai nhìn thấy mình đang khóc, rồi phi ngay xe
tới bệnh viện. Cứ tưởng được làm cha, cảm thấu được nổi thương xót khi cha mình
đã ở tuổi xế chiều. Nhưng mà, thực sự giờ tôi mới nghiệm ra một điều, là với
cha mẹ, dù mình có đi mòn cả lối đời cũng không thể nào thấu hết những tình
thương yêu mà họ dành cho con cái. Không thể hết được đâu. Cho nên, dù ở vị trí
nào, cũng chỉ biết sống cho tốt, cho thật tốt, thế mà vẫn cảm tưởng như tình
cảm mình đáp lại cho mẹ cha cũng chỉ là gáo nước giữa đồng khô nắng cháy mà
thôi. Những hình ảnh về cha hiện lên trong đầu, mắt tôi đỏ ngầu hoen lệ, chứa
chan.
“Cha…”, tôi mở cửa phòng bệnh viện.
“ Gì đấy cu con,
cha đây mà, cha có trốn đi đâu chớ, cái thằng này”. Cha vẫn gọi tôi như thế. Cả
phòng bệnh đông lắm. Cha tôi ngồi dựa vào tường, tay đưa gói bánh cho đứa trẻ
con ai ở giường bên, cha bụm bụm vào má nhóc con đó.
Tôi chạy lại, mặc kệ ai nhìn, mặc kệ là gì đi nữa, tôi ôm lấy cha. Tôi quay mặt
vào tường, cho những giọt nước mắt lăn chảy không ai thấy, tôi nói trong tiếng
nấc:
“Cha, xin lỗi cha, con đã quên……”.
Bệnh viện, âm thanh
ồn ả vốn dĩ, mà sao tôi nghe yêu thuơng đập đầy nơi tim. .......
Đúng thế.
Có trở-thành người cha, mới thấu-hiểu được lòng của Ông/Bà như câu truyện ở
trên. Về lại với Đạo Chúa, niềm tin chỉ có được cách vững-chãi một khi ta nếm
trải và thấy được Thiên-Chúa ngang qua các ẩn-dụ như thể Chúa đang đi cạnh ta,
kể truyện và nếm được mùi vị ngọt-ngào của Ngài và ta được tháp-nhập vào với
Chúa, như đoạn trích-dẫn dưới đây:
“Rất nhiều lần, ta cứ bị rơi vào bẫy-cạm
của ngôn-ngữ nên đã sử-dụng đường lối rất thân quen về những chuyện đại loại
như thế. Nhưng, tất cả vẫn là giòng chảy, không đổi thay. Và, ta không thể bắt
chụp hoặc giữ chặt nó được. Đó, là thứ không-gian lưng chừng ở ngưỡng cửa phía
dưới thấp, tục gọi là Chora (tức chốn miền thị-trấn rất quê nhà). Và khi đó, lại
như thể có người đi bên cạnh cứ nói chuyện dụ-ngôn cho mình thưởng-lãm. Đây, là
cảm-nghiệm về sử-dụng ngôn-ngữ một cách rất khác hẳn. Kiểu cách này, thường khiến
ta bị xúc-động đến độ phải ngồi xuống một chốc lát, chẳng nói gì.
Thế đó, là phản-ứng “nội-tại”, rất chức-năng.
Người kể, lại sử dụng từ-vựng hoặc tuyên ngôn cùng dấu hiệu theo cung-cách
riêng-tây của họ. Tức, đã ngưng không còn theo kiểu-cách của người kể hoặc sử-dụng
ngữ-pháp theo phương-thức bình-thường nữa, nhưng lại nhìn thẳng mặt vào nữ-thần
Medusa để thấy như thể bà ta vẫn chưa chết, nhưng rất đẹp. Và, miệng bà cười rất
tươi, như reo vui thật diễm kiều... (x. Helene Cixous, The Laugh of Medusa).
Kể truyện dụ-ngôn theo kiểu như thế, sẽ đặt mọi người vào trạng-thái có chút “nếm
trải” cũng rất hay.” (X.
Lm Kevin O’Shea CSsR, Niềm Tin: Nỗi-Niềm của Con Tim, Chương 2 Phần I www.giadinhanphong.com)
Và,
nếm trải niềm tin-tưởng như một cảm-nghiệm khác theo nhận-định của đấng bậc
trên ghi như sau:
“Các sử-gia xưa nay thường triển-khai
ý-nghĩa của “viễn cảnh”. Đó là ảnh-hình mang tính thị-giác bao hàm một luận-cứ
rất ưu-việt. Đôi lúc, nó rất xa vời lại không có rào cản nào xuất hiện ở chính
giữa.
Thật ra thì, sử-gia nhà ta lại
ưa-thích lối viết đầy ẩn-dụ nhằm nắm-giữ sự vật xa vời qua một chọn-lựa mang sắc-mầu
riêng-tư, đầy ẩn-dụ ức. Đó, là thực-tại khác hẳn tầm-nhìn của người ở vị-thế đứng
trụ mà quan-sát. Tất cả, đều nhận ra điều này khi xem xét sự-việc theo “viễn cảnh”
cũng rất thật.
Có vị coi đó là chuyện “nếm trải”, tức:
sử-dụng thứ ẩn-dụ khác hẳn. Bởi, “nếm trải” chẳng làm sao có được nghĩa đúng-đắn
của thứ ngôn ngữ ta thường dùng. Xưa nay, ta vẫn ưa vẫn thích “mùi ngon/vị ngọt”,
nhưng không “nếm trải” được gì, nếu không đưa nó vào miệng rồi nuốt ực, ngõ hầu
thưởng thức nó cách tận tình. Và khi đó, ta lại sẽ kêu lên: “Ôi chao là ngọt!”
hoặc: “Úi chà! Sao mà đắng thế?” Hoặc: “Cay ơi là cay!”... Cũng có thể, chất ta
“nếm trải” lại không thuận/hợp với ta; hoặc: ta chẳng ưa thích nó chút nào. Vấn
đề là: mùi ngon/vị ngọt ấy, sẽ loại bỏ mọi khoảng cách, để rồi có người lại
dõng-dạc tuyên-bố: “Ăn gì, bạn sẽ là người ấy!”
Thời Trung-cổ, truyền-thống phổ-đại chuyên
sử-dụng ngôn-ngữ ẩn-dụ, như từ-vựng “nếm trải” ta nghe/biết về Chúa. Đây, là
khía-cạnh phổ-cập cũng rất thường, vào buổi trước; tức: thời, mà con người có
“cảm-giác linh-thiêng” như vật-thể hữu-hình, tựa hồ như thế. “Cảm-giác
linh-thiêng”, điều-động bằng giác-quan tổng-thể hệt như một giao-hưởng-khúc gồm
đủ mọi giác-quan thay cho ẩn-dụ. Chìa khoá chính cho giác-quan tổng-thể này,
không là thị-kiến tạo nên vị-giác tổng-hợp, nhưng là thứ vị-giác thiêng-liêng
linh-đạo. Xem như thế, ta trở thành bản-vị có đính-kèm vật-thể mà ta lĩnh-hội
được theo cung-cách linh-thiêng giống hệt như thế.
Nói tóm lại, Chúa để lại “mùi ngon/vị
ngọt” nơi ta. Chúa có “mùi vị ngon ngọt” của riêng Ngài, ở mọi thời. Truyền-thống
nhận định theo giác-quan như thế lại rực-sáng hơn, khi các đan-sĩ khổ-hạnh như
người anh em hèn mọn Dòng Xitô lưu ý (đặc biệt là thánh Bernađô thành
Clairvaux, đấng thánh hiền lành được biết nhiều dưới danh hiệu là “Tiến-sĩ-Mật”
rất nổi cộm mà anh em đồng môn gọi ngài bằng danh-xưng rất gọn như: “Mật Huynh”
cho “tiện bề sổ sách”; và truyền thống này, lan tràn sang các nữ-tử dòng
Bê-ganh cũng như các tu-sinh dòng nữ ở mạn Bắc nước Đức, rất đặc biệt.” (Nguồn: “Hãy nếm và xem Thiên Chúa ngọt ngào dường bao.” (Tv 33: 9): The flavour of God in the monastic West, Rachel
Fulton, Journal of Religion vol.
86, N.2, p. 169-ff)
Và,
thêm một “nếm trải” khác cũng lạ-kỳ không kém, vẫn được đấng bậc ở trên khẳng-định
rằng:
“Ẩn-dụ “nếm trải” được diễn-tả như vui
thích, thoải mái mang tính-chất rất chữa lành ngõ hầu dẫn đưa người hiệp-thông
rước Chúa sẽ được tháp-ghép vào cơ thể Ngài để gắn bó cho chặt. Tin như thế, là
hiểu rằng: để được sống còn, ta cần có và cần chọn cảm-giác ngọt ngào, vẫn rất
ngon. Ta còn tiến xa nhiều hơn là chỉ “nếm trải” Chúa rất đích thực, đến độ ta trở
nên giống như Chúa. Trở nên con cái của Chúa. Bởi, khi có được sự khai sáng ấy,
đã thấy nhiều người có được chọn lựa cả về thị giác lẫn vị-giác, tức tập trung
không chỉ vào “nhãn quan”, mà thôi. Một khi ta gặp loại hình thực phẩm mới mẻ
nào đó và được mời ăn thử, thì cũng sẽ có đổi thay cũng rất mới.
Như thế là, ta có thể tháp-ghép vào
chính con người mình những gì khả dĩ giết chết hoặc chữa lành, những gì làm cho
ta thêm bệnh hoạn hoặc nuôi ta cho tốt. Có chuyện ngộ nghĩnh là chất đường ngọt
ngào lần đầu tiên được sản xuất theo số lượng lớn lao, là vào thế kỷ thứ 19-20
tại Anh quốc và nước Mỹ: cũng vào thời bấy giờ người người đã thấy mất mát đáng
kể về tôn-giáo, lẫn niềm tin.
Ngôn-ngữ sử dụng cho giòng chảy ở dưới
mang một chút dáng dấp có hơi Mỹ-quốc, nhưng cũng là lập trường đáng để ta quan
tâm.” (X. Lm Kevin
O’Shea CSsR, bđd)
Thế
đó là những ví-dụ cụ-thể về tương-quan có “nếm trải” ở cuộc đời con người.
Tương-quan giữa người với người được diễn-tả bằng những lập-luận về đạo-đức,
triết-lý, và cả đến truyện kể ở chốn dân-gian phàm trần nhiều trải-nghiệm.
Tương-quan ấy, còn được toả-lan rộng khắp bằng 4 bộ-môn nghệ-thuật như cầm, kỳ,
thi, hoạ. Chí ít là, thi-ca và âm-nhạc như ca-từ được dẫn sau đây:
“Tình đã
len trong mầu nắng mới,”
Lòng anh buồn vời vợi em ơi.
Niềm ái ân rung động trên môi,
Tình đâu khôn lựa nên lời thắm tươi.
Ðã héo lắm nụ cười trong mộng
Ðã mờ dần hình bóng thân yêu
Ðã lam tím cả cảnh chiều
Trong hồn lặng đã hiu hiu mộng tàn
Ðể gối chăn nằm yên chốn cũ
Hãy lịm người trong thú đau thương.
Tình đã không một lần nữa tới
Nhìn nhau buồn vời vợi em ơi
Rượu ái ân em cạn trên môi
Lệ anh xin nhỏ nên lời đắng cay.
Hãy xếp lại muôn vàn ân ái
Ðừng thương nhau đừng ái ngại nhau
Thuyền yêu không ghé bến sầu
Như đêm thiếu phụ bên lầu không trăng
Thành kiếp sao còn băng mãi mãi
Ðể lòng buồn mãi mãi không thôi.”
(Phạm
Duy/Lưu Trọng Lư – bđd)
Quyết thế
rồi, nay mời bạn/mời tôi, ta cứ thế mà hiên-ngang tiến về phía trước mang theo
trong mình những quan-điểm/lập-trường mình sẵn có. Để rồi, sẽ cùng người anh
người chị ở thánh-hội Nước Trời mãi mai vui tươi thực-hiện một sống đạo rất
tuyệt vời.
Thế đó,
là ý/lực xin được gửi tới mỗi người và mọi người thích đọc những giòng chảy rất
phiếm, hôm nay và mai ngày, trong cõi thế.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn chỉ muốn chuyển-tải
Những gì mình tâm-niệm
Bấy lâu nay
Mà thôi.
No comments:
Post a Comment