Saturday, 8 November 2014

“Buồn mà chi, dù sống trong đời là đau khổ!”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 33 mùa Thường niên năm A 16-11-2014

“Buồn mà chi, dù sống trong đời là đau khổ!”
“Buồn mà chi, dù sống trong đời là căm hờn”.
(Nguyễn Trung Cang – Buồn Mà Chi)

(Rm 12: 14-16)
            Giả như bần đạo đây, cứ hát mãi những ca-từ da diết như trên dù tác giả đã hát “buồn mà chi”, hẳn người đọc và người nghe sẽ “xếp re”, cứ là “bỏ của chạy lấy người” mất thôi. Bởi, hát gì mà cả người hát lẫn người nghe vẫn cứ buồn chết đi được. Bạn không tin ư? Thì, đây xin mời bạn nghe tiếp những lời đúc kết rất như sau:

            “Ta thương xót những ai cười trong mê cuồng.
Ta yêu mến những ai cười trong khổ đau.
Ta thương xót những linh hồn đang lưu đày.
đang lo lắng sớm hôm lợi danh miệt mài.”
 
            Buồn mà chi dù chết vẫn vui vì được chết.
Buồn mà chi dù trắng tay nhưng còn linh hồn.
đời buồn vui tuỳ ở tim ta nhìn cuộc sống.
đời buồn vui mình cứ trao nhau cành hoa hồng.”
(Nguyễn Trung Cang – bđd)

Vâng. Thế đó, là lời ca buồn của nghệ sĩ xưa còn rất trẻ nên mới được gọi ca sĩ “nhạc trẻ”, nhưng nay nghe mới thấy sợ.
Vâng. Thế vậy, là những lời buồn đến phát sợ, ở ngoài đời. Nơi nhà Đạo, lại có câu nói nghe rồi cũng “khiếp sợ”, vốn dĩ theo lời đồn thì câu nói ấy xuất phát từ đấng-bậc chốn trời cao được gọi là Giám-mục-thành-La-Mã” lại đã bảo: “Đức Giêsu không phải là người Công Giáo!”
Quả, cũng khiếp sợ nếu chỉ nghe qua mà không ngẫm nghĩ. Cứ ngẫm rồi nghĩ lại, mới thấy Đức thánh (là) cha nói khá đúng. Đúng, còn hơn cả sự thật rất thực nữa, chứ chẳng sai.
Quả là, Đức Giêsu sinh ra từ người mẹ trẻ rất “Palestin” và từ một người cha đời rất ư là Do-thái. Vào lúc Ngài đã ở tuổi lên tư, người đời coi thời gian này khởi đầu cho Công nguyên, tức kỷ-nguyên rất mới đối với người Công giáo, nói chung. Thế nhưng, Ngài vẫn tuyệt nhiên không là người Công giáo “chăm phần chăm”. Chí ít, là Công giáo rất La Mã, thế mới chết!
Thật ra thì, người người vẫn gọi tên của Đạo Chúa là “Công giáo La Mã” tức: muốn nói đến hiện-thân của thứ đạo-giáo rất “công bằng”, “công chính” hay “của công” vốn dĩ do Hoàng đế Constantin lập ra tên gọi này, thôi. Vị hoàng này, lại sinh ra tại thủ-phủ Naisuss nay là Serbia vào cuối thế-kỷ thứ ba, hoặc đầu thế kỷ thứ tư, thôi. Ông là vị hoàng-đế có công-đầu chấm-dứt cuộc bách-hại Đạo Chúa Kitô và cũng chính ông là người đã giải-thể ngẫu-thần Mithra ở nước này, từ khi ấy.
Thật ra thì, danh-xưng “Công-giáo La Mã” còn là tên gọi được gán cho những người theo Đạo Chúa, tức: tên gọi ban đầu do thánh Y-Nhã thành Antiôkia, đã sử-dụng khi viết thư gửi cộng-đoàn tín-hữu sống ở Smyrna, nước Thổ Nhĩ Kỳ. Tựu-chung thì, Công-giáo lại là danh-xưng chính-thức để nói về tín-hữu theo Đạo rất “của chung” được truyền-tụng từ các đồ-đệ thân thương vào thời đó. 
Nói chung thì, ta có gọi các đạo-hữu Đức Kitô bằng danh xưng Công-giáo cũng còn được, chứ giả như ta áp-dụng danh-xưng này cho mọi kẻ tin vào Đức Kitô ở khắp nơi trên thế-giới hôm nay, thì e rằng các giáo-phái khác sẽ không đồng thuận với ta, một chút nào.
Thế nhưng, vấn-đề đặt ra để luận-phiếm hôm nay, dứt khoát không để kể mỗi chuyện này, cho bằng để hỏi rằng: ta có đồng ý với người viết nhạc họ Nguyễn tên tục là Trung Cang ở trên, sao lại cứ hát những câu ca trì-chiết như sau:              
           
            “Ta thương xót những ai cười trong mê cuồng.
ta yêu mến những ai cười trong khổ đau.
ta thương xót những linh hồn đang lưu đày.
đang lo lắng sớm hôm lợi danh miệt mài.”
            Buồn mà chi vì đã yêu nhau bằng trong trắng.
Buồn mà chi vì đã no cơm bằng nhọc nhằn.”           
            (Nguyễn Trung Cang – bđd)

            Vâng. Tất cả là như thế. Như thế, tức là: bạn và tôi, ta có xót thương “những ai cười trong mê cuồng”, hoặc “yêu mến những ai cười trong khổ đau” hay không mà thôi.
            Trả lời cho câu hỏi này, tưởng cũng không dễ. Cũng tựa hồ như thể bảo: Đức Thánh là Cha nói thế có đúng không? Và ngài nói thế là có ý gì? Phải chăng ngài có ý tách-bạch những câu chuyện huyền-thoại ra khỏi thực-tại rất đích-thực, không?
            Trả lời cho các câu hỏi này/khác cũng tựa như các câu hỏi/đáp giữa ông/cháu ở truyện kể như sau:

            Cháu hỏi ông:
- Vì sao gà lại để trứng hở ông?
- Vì trứng sẽ trở thành những con gà
- Vì sao những cặp tình-nhân lại hôn nhau?
- Để những chú bồ câu cất tiếng gù gù
- Vì sao những bông hoa sẽ tàn lụi?
- Vì đó là một phần của sự quyến-rũ đó cháu
- Vì sao lại vừa có quỷ dữ vừaq có cả Đức Chúa Trời?
- Để con người tạo ra những chuyện tò mò cháu ạ.
- Ông ơi, tại sao lửa lại đốt gỗ?...
- Để sưởi ấm trái tim ta.
- Tại sao thủy-triều lại rút ra xa?
- Để con người có thể gọi chúng quay trở lại
- Vì sao mặt trời lại biến mất thế kia?
- Để những vật khác có thể được trang-trí.
(trích-thuật cuộc chuyện trò thú vị giữa 2 ông cháu Julien và Elsa, cũng là lời bài hát trong bộ phim Pháp LE PAPILLON đã ra mắt khán giả vào năm 2002).

Ở đoạn sau, 2 ông cháu lại đổi vai cho nhau, để ông hỏi và cháu trả lời:
-Tại sao trái tim ta lại cứ đập tíc tắc thế nhỉ?
- Đó là vì mưa rơi tí-tách ông ạ.
-Thế tại sao thời-gian lại trôi nhanh đến thế ?
- Bởi vì gió cuốn nó đi, đó ông!

            Chao ôi, nghe sao mà thổn-thức, dù chỉ là câu hỏi/đáp trích ở trên. Thổn-thức xong, lại đã có bạn hiền chạy đến nhờ trao cho đàn em bé nhỏ ở đâu đó, bài viết khác cũng khá thổn-thức, nhưng bài này lại do linh-mục tên là John Corrigan, viết từ xứ đạo ở miền quê lê-thê với đề-tài liên-quan đến vị-thế của Đức Phanxicô, bằng những câu do ngài nói:

“Đức Phanxicô lâu nay từng tạo ra những sự-kiện rất “cách mạng” trên đời sống của người Công-giáo, ở khắp nơi. Theo tôi, nếu ta so sánh ngài với vị tiền-nhiệm là Đức Bênêđíchtô 16, ta hẳn sẽ thấy có sự khác-biệt rất đáng kể, giữa hai đấng. Thế nhưng, cũng theo tôi, truyền-thông đại-chúng lại đã nói cũng khá nhiều về sự khác biệt này, và coi đó như sự nghịch-ngạo, tương-phản.

Tỉ dụ như: Đức Phanxicô thường hay đi giày màu đen, là màu mà một số nhà báo coi đó như động-thái khiêm-nhu/từ-tốn hơn cả vị Giáo-hoàng từ-nhiệm là Đức Bênêđíchtô 16 chuyên đi giày màu đỏ dành cho Giáo-hoàng, trong khi Đức Gioan Phaolô đệ Nhị lại hay đi giày màu nâu. Xem thế thì, các câu chuyện ngoài lề tương-tự, nhiều lúc cũng làm người đọc phải lúng túng, cũng không ít.

Lúng túng hơn cả, là lúc mà các báo/đài ở nhiều nơi thường có thói quen tường-trình về chuyến công-du ra nước ngoài đầu tiên của Đức Phanxicô, còn thêm thắt cứ bảo rằng: “Giáo hội Công-giáo nên hành-xử theo cách khiêm-nhu/từ tốn như lãnh-tụ đạo mình. Nhất thứ, là khi ngài cứ luôn cầm ví/xách màu đen bên tay trái, để còn dùng tay phải mà bắt tay chào hỏi các đấng bậc vị vọng chạy đến chúc mừng ngài. Hoặc nhiều lần, ngài cũng dùng tay phải để níu cầu thang bước lên máy bay cho dễ.      

Nếu người đọc theo dõi truyền-thông cho kỹ hơn, sẽ thấy mình cũng cảm-thông/đồng-thuận với ngài khi ngài thanh-minh về chuyện cầm ví/xách mỗi khi di chuyển, và còn bảo: “Tôi có thói quen là: đi đâu cũng đều cầm ví xách hết. Tôi nghĩ, đó là chuyện bình thường, thôi. Tôi lại cũng nghĩ, là: mọi người chúng ta cũng nên trở-thành người bình thường, thế mới phải… Tôi không biết nên nói thế nào với quý vị đây… về những điều, mà quý vị từng nhận-xét, đối với riêng tôi, xem ra cũng hơi lạ, nhất thứ là khi bảo rằng: tôi phải làm sao chứ nếu không thì các nhiếp-ảnh-gia sẽ tung các tấm hình ấy đi khắp nơi trên thế giới! Tôi lại nghĩ, chúng ta phải làm sao quen dần với những chuyện bình thường, mới được. Những sự/việc cũng bình-thường như cuộc sống bình-thường của mình, mới phải…”

Và, Đức Phanxicô còn nói thêm: “Chẳng hạn như: căn-phòng dành cho các Giáo-hoàng sống ở cung-điện gọi là “điện-cung các thánh tông-đồ” chẳng có gì là xa hoa, hào-nhoáng mà thật ra, nó được trang-hoàng hơi cổ-kính và lớn lao một chút, nhưng tuyệt nhiên, nó không có gì là xa-hoa, hào nhoáng hết. Nói cho cùng, nó cũng chỉ như chiếc phễu/chiếc quặng lật ngược, xây theo cấu-trúc khá lớn lao; nhưng có điều là: cửa vào phòng này, lại rất chật. Ai vào, cũng phải đi chầm chậm, từ-tốn mới vào được. Còn, một điều khác nữa, là: tôi không thể sống mà lại không có mọi người sống chung quanh, gần gũi tôi. Tôi cần sống cuộc sống có mọi người đến gần để sống vui và sống khoẻ. (x. Diary of a Country Priest with Fr John Corrigan, The ‘Francis effect’ – separating the myth from the reality, The Catholic Weekly 14/9/14 tr. 13)         

Thế đó, là cung-cách của vị Giáo-hoàng Công-giáo hiện nay. Nếu so sánh Đức Phanxicô với các vị tiền-nhiệm của ngài về cuộc sống rất Công-giáo, thì ai cũng thấy ý-nghĩa của tên gọi Công-giáo không gồm những chuyện lớn lao, hoành tráng. Nhưng, danh xưng “Công giáo”, lại mang ý-nghĩa của một đạo-giáo cũng rất “chung” vẫn thấy nơi Kitô-hữu là sự khiêm-nhu/từ tốn rất yêu thương mà Đức Giêsu từng khuyên dạy, trong Kinh Sách.
Tính-chất Công-giáo, được thể-hiện ở nhiều nơi/nhiều chốn rất thực-tế. Cả ngoài đời, chứ không chỉ trên giấy tờ ở truyền-thống trong Đạo, mà người đi Đạo gọi đó là thánh-truyền, mà thôi.    
Về tính-chất rất “Công” và rất “giáo” của người đi Đạo và giữ Đạo, không chỉ là tính-chất Công-giáo mà đấng bậc nọ từng lên tiếng như sau:

“Nhìn vào quá trình diễn-tiến cả một đời, người người đều có những giây phút hết ngồi lê đôi mách, rồi còn tham lam, cạy cục. Hết đớn đau/tủi hổ, lại cứ âu sầu/giận dữ; hết ái ân/dục tình, rồi lại căm thù/vỡ đổ. Cũng có thể, vào những trạng-huống trong đó ta cảm thấy chán ngán, nản lòng vì tình người trong Đạo, đầy những rẽ chia, phân cách hoặc mất đoàn kết, mới thế.

Ta cố gắng rất nhiều, để lướt thắng các mặt xấu, đáng bỏ đi, thì mình mới hy-vọng rằng: trạng-huống ấy, sẽ đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, hơn. Nếu quả có như thế, tưởng cũng nên nghe lại đoạn Tin Mừng được nhắc đến hôm nay: “Viên đá người thợ xây liệng bỏ, giờ đây đã trở thành đá tảng góc tường”. Và, đây mới chính là công-trình tuyệt-vời của Chúa. Một kỳ-quan hiếm có, dưới đôi mắt người phàm.

Có nhiều khía-cạnh khác trong cá-tính con người, mà bản thân ta vẫn cứ coi thường, nhưng có thể trở-thành các viên “đá góc tường”. Những khoảnh-khắc phi-thường ta nhận được như ân-huệ tuyệt-vời từ Đức Chúa và với Chúa, thì chẳng có gì là “không thể” xảy ra. Chẳng có gì, là “đi quá xa, rồi!” Hoặc, nó “trở thành cứng ngắc, cổ hủ”. (x. Lm Richard Leonard, Suy Tư Tin Mừng Chúa Nhật thứ 28 mùa thường niên năm A, www.chuacuuthe.com 01/10/14)

Lại có bậc thày thần-học nọ, từng suy-tư nhiều về chỗ đứng và tâm-tính của người theo Đạo Chúa vẫn cứ nhìn người khác bằng thị-kiến rất khác như sau:

“Tại Đại-học Công giáo ở Paris, giáo-sư Claude Geffre cũng đã mở các khoá học về các đạo nơi trần-thế. Ông luôn coi đó như một thứ “kinh-điển” có liên-quan đến Lời Chúa theo kinh-nghiệm rất khác về văn-hoá và lịch-sử. Ông lại cũng nhận ra rằng: thần-học truyền-thống tôn-giáo như thế đã là chương/đoạn cần viết thêm cho trọn hảo. Ông còn xác-tín nhiều hơn nữa khi nghĩ rằng: ở địa hạt tôn-giáo, ta cần nhận-thức về sự có mặt của các sự thật rất có thật.  

Bằng cách này, ông đã chuyển mọi ý-thức tập-trung ta có từ lúc trước cả vào thời-khắc trước khi có Công Đồng Vaticăng II, tức là: thời ta chỉ mỗi nhấn mạnh vào sự việc cứu-chuộc người không tin Chúa theo cung-cách và chủ-thuyết như đấng bậc từ trên nhìn xuống, tức cung-cách độc-thoại hoặc toàn-trị. Đồng thời ta còn buộc người ngoài Đạo phải từ-bỏ đạo cũ của họ mà quay về với Đạo của ta thôi và cứ coi đạo mình là đạo duy-nhất rất chính-thống. Bằng tư-thế độc-thoại và độc-đoán như thế, Giáo-hội ta lại đã nếm mùi thất-bại cũng khá nhiều, nếu không muốn nói là ta đã không mấy thành-công, hoặc chưa toại-nguyện cho lắm. Và tác-giả Claude Geffre khi ấy mới khởi-sự đem đạo-giáo thế-giới đưa vào với mình theo nghĩa tích-cực của lịch-sử. Trong giòng lịch-sử lớn rộng của nhân-loại, lịch-sử cứu-độ là danh-xưng được sử-dụng vào một lúc nào đó, ở thời trước, nhưng chỉ có chỗ đứng khá nhỏ hẹp trong giòng chảy này, thôi. Nên, tác-giả Claude Geffre bèn đề-nghị một tên gọi mới cho môn học này là: “Thần-học tôn-giáo đa-nguyên”.    

Cùng với tác-giả Dupuis, Schillebeeckx và một số các tác-giả khác, chính Claude Geffre từng chấp-nhận thuyết đa-nguyên tôn-giáo không chỉ như một sự-kiện có thật trên thực-tế, nhưng cả trên nguyên-tắc nữa. Ông vẫn từng bảo rằng: điều này không nhất-thiết dẫn đến thuyết tương-đối cách dữ dội. Và, ông cũng đề ra chiều-hướng đối-lập, trên nguyên-tắc, không chấp-nhận thuyết tôn-giáo đa-nguyên một cách quá dễ dàng, bởi như thế cũng dễ đi đến nguy-cơ mới khiến nhiều người lại phải tôn-thờ ngẫu-tượng, tức: tôn-thờ không chỉ mỗi Thiên-Chúa đích-thực mà thôi, nhưng cả thứ đạo đã được chọn-lựa cách thực-thụ.

Ông cũng nhận ra đường ranh phân-cách do Giáo-hội của Chúa vẽ ra nên bảo rằng: vào độ trước, ta có nhiệm-tích mang tính hoàn-vũ về Đức Kitô là Đấng Trung-gian giùm giúp “cứu-chuộc”. Và tính hoàn-vũ của Ngài lại lớn hơn cả tính toàn-cầu nơi tôn-giáo đa-nguyên, dù rất Đạo. Ông cũng đã tìm gặp Đức Giêsu-là-Bậc-Thày-Dạy từng bị ám-ảnh bởi tính-chất tuyệt-đối này, nên nhất nhất mọi chuyện đều thấy giống nhau, và không hoàn-toàn đồng ý với Sứ vụ Cứu-chuộc trần-gian, như ta biết. Ngài chỉ có thể nói về tính huyền-nhiệm và sự bảo-mật đối với truyền-thống tôn-giáo bí-nhiệm về sự hiện-diện của Đức Kitô vẫn chưa được diễn-tả cách rõ ràng cho lắm.” (x. Lm Kevin O’Shea CSsR, Cứu-chuộc thế-gian qua các đạo trên thế trần, www.giadinhanphong.blogspot.com ngày 03/10/2014)

Xem như thế, có lẽ tôi và bạn cũng nên tự hỏi lòng mình xem: lâu nay mình có tự hào quá mức về danh xưng “Công giáo” lắm không?  Hỏi thế, để tôi và bạn nhớ về một bài viết của một bạn trẻ khác, cũng sống ở Úc có tên là Emma Quinn đã viết trên tờ The Australian Catholics số Mùa Xuân năm 2014, như sau:

“Phải chăng tôi vẫn sống như người Công giáo, rất đúng nghĩa?
Phải chăng mọi người vẫn trông đợi tôi phải sống đúng chức-năng người Công giáo trẻ?
Phải chăng là cùng-đích buộc tôi phải sống có thăng có trầm mà ca-tụng Chúa?
Hoặc, phải chăng cũng cứ được, nếu tôi chỉ chọn giữ niềm tin cho riêng mình, thôi?

Lúc ấy, chỉ mới 6 giờ chiều vào một ngày Thứ Sáu trong tuần, mà sao người trẻ ở đâu về đây đông thế? Ôi, lạy Chúa! Đây đó, chỗ nào cũng rộn ràng, vang vang tiếng ồn ào náo nhiệt, lại có cả tiếng cười/nói oang oang, và mùi thịt nướng ở đâu đây nữa. Chuyện gì xảy ra thế? Chao ôi! Một sự kiện! Ôi chà chà, sao mọi người đều cười vui, không chấm dứt? Tôi cứ lầm bầm nói trong miệng những câu tương-tự như thế mãi. Và rồi, trong một thoáng rất nhanh, tôi quyết định kéo cổ áo choàng cao lên một chút rồi cứ thế húc đầu, len-lỏi những người là người, quyết tìm nơi nào đó không ai thấy mình đến dự. Tôi cứ luôn miệng nói lời “Xin lỗi!” với hết mọi người.

Hôm ấy, một ngày có sự-kiện khá lạ, là: đám người trẻ ở Sydney đã quyết tập họp nhau lại vào buổi mà họ đặt cho cái tên cũng rất kêu, là: “Kết-đoàn cho vui, trẻ và khoẻ hơn”. Tìm được chỗ dừng chân rồi, tôi mới thấy là đám người trẻ Công giáo ở đây sao đông thế. Đứng phía nào cũng thấy họ. Thì ra, họ đến tụ tập ở đây là để nghe linh mục Rob Galea và ban nhạc “rock” của ông cùng ca hát, có cả máy phun khói, lẫn ánh sáng màu đủ kiểu và âm-thanh ôi thôi là tuyệt vời. Linh mục Rob Galea cứ vừa hát vừa cười vui với đám người trẻ. Tôi chợt thấy một bé trai thuộc tuổi “teen” vừa hát vừa nhún nhảy, rất là vui.

Mặt tôi cứ thế mở rộng và đầu tôi cứ thế lắc lư hoà theo ca từ và nhịp điệu của bài hát đến độ dấy lên bầu khí vui nhộn cả bầu trời vừa sụp tối. Bài ca lúc đã chuyển sang nhịp điệu có hơi giựt giựt nhưng mọi người bỗng dưng hoà mình vào lời ca tiếng hát, rất tự nhiên. Ca từ bài hát ra như diễn tả bằng ngôn ngữ nào đó chứ không phải tiếng Anh như tôi nghĩ. Lúc ấy tôi lại thấy mọi người cứ vung tay lên trời theo điệu bộ lạ lùng mà tôi chưa từng thử bao giờ. Rồi cứ thế, tôi như bị cuốn hút vào vòng quay trẻ tuổi đầy sức sống ấy.

Đến một lúc, tôi đã lui vào một góc khuất để giấu mình trong đó một phút chốc. Bỗng, nghe thấy mấy cô bé đứng bên cạnh vui vẻ nói một cách cởi mở đầy thích-thú về Chúa rồi còn hỏi nhau: đêm nay đoàn thuyết-trình sẽ thảo-luận về đề-tài gì đây. Tôi hơi khựng với cụm từ “Đoàn thuyết-trình”, nhưng sau đó đã có câu trả lời, ngay tức thì. Ngay lúc ấy, bà con đã chọn ra một số vị trong đó có linh mục Rob Galea phụ-trách vai-trò ngay trên dàn ghế đối diện với cử-toạ. Lúc ấy, mọi người đã đưa ra đề-tài liên-quan đến mọi nối kết và kinh-nghiệm từng-trải về Chúa và cảm-xúc về sự hiện-diện của Chúa vào những lúc phải đối đầu/giáp mặt với khó khăn, đủ mọi mặt. Mắt tôi, một lần nữa, lại mở to và rộng hơn vào đêm đó, đầy những câu truyện và lời kể rất khác nhau….

Tôi thực sự ra khỏi khu vực êm ấm và thoải mái, đẩy lùi mọi đường ranh hầu tìm được sự can đảm tận trong lòng để đến với buổi tụ-tập của giới trẻ, như thế. Cũng là người trẻ Công-giáo từng có bạn bè/người thân vây quanh, rồi cũng đi nhà thờ thường xuyên nhiều tuần, tôi vẫn tự coi mình tương đối cũng tốt lành/hạnh đạo đâu có thua gì ai. Nhưng, khi đã ở quanh những người trẻ như hôm ấy, tôi mới bắt đầu tự nhủ lòng mình rằng: có lẽ lâu nay mình là người Công-giáo vẫn chưa đúng theo nghĩa “Công giáo” đích-thực như mình tưởng.                                  

Phải can-đảm lắm tôi mới giáp mặt với các câu tự nhủ như thế. Lâu nay, tôi vẫn chưa có dịp nối kết tâm linh với nhiều vị/nhiều người, nên đôi lúc cũng thấy ngại. Và, tôi đã bắt đầu nghĩ đến chuyện đặt cho chính mình một câu hỏi cứ lẩn vẩn mãi ở trong đầu, là: đối với tôi, là người Công giáo đích-thực có nghĩa gì? Nên, sau những lần tiếp xúc/chuyện trò với người khác, tôi đã nhận ra rằng: do bởi mình chưa từng đổi-thay cuộc sống đối đầu với chuyện tâm-linh. Như thế không có nghĩa là tôi đã bớt đi chất tinh-hoa/tinh-túy của người mang danh là Công giáo. Niềm tin của tôi, có thể, sẽ cũng khác với những người sống bên cạnh, hoặc trước mặt tôi, và tôi thấy như thế cũng được.

Cung cách để tôi diễn-tả niềm tin của mình không phải do việc mình đi lễ nhà thờ mỗi Chúa nhật hoặc hát cho to, cho nhiều hoặc lúc nào cũng nói về Chúa/Mẹ hết. Đúng ra, tôi vẫn là kẻ tin thầm lặng, cũng nhút nhát không ít. Cùng lúc, tôi thấy nơi mình cũng chẳng có gì là sai trái so với những người năng-nổ, cởi mở nhiều hơn nữa về đạo-giáo của họ. Theo tôi, mỗi người và mọi người vẫn có cách-thức tư-riêng của họ để tiếp-cận niềm tin-thương yêu mà họ nhận lãnh, theo cách nào đó.

Dù khi trước, tôi vẫn gặp nhiều trường-hợp đem đến cho tôi một số kinh-nghiệm để đời, nhưng buổi tụ-tập vừa qua lại đã giúp tôi khám phá ra giá-trị riêng-tư để sống thực điều Tin Mừng dạy bảo tôi. Đặc biệt là cung-cách đối xử tử tế hơn với người khác cũng như can dự nhiều hơn vào sự công bằng xã-hội. Cũng như, để nhiều thì giờ để ra khỏi cuộc sống thường nhật mà chuyên-chú với chuyện nguyện-cầu cùng rút tỉa nhiều nguồn hứng từ cách sống và hành-xử của Đức Phanxicô.

Đó mới là niềm tin của tôi và là những gì đối với tôi, mang ý-nghĩa của người Công-giáo chân chính, đích-thực. Cũng có thể, nhờ vào sự can-đảm viết ra những giòng chữ này mà tôi có được khoảnh khắc đổi-thay cuộc sống để đến với Chúa, với mọi người.” (x. Emma Quinn, Am I Catholic enough?, The Australian Catholics Spring 2014, tr. 10)

Cùng với người trẻ ở trên, thiết tưởng cũng nên quyết-tâm sống thực đời hạnh-đạo của người Công giáo, chớ nên tự cao/tự đại cho rằng Đạo mình luôn ở vị-thế “hơn hẳn” đạo khác; nhưng tốt hơn, biết “sống hoà thuận với mọi người”, dù khác đạo, như thánh Phaolô từng xác-quyết:

Hãy đồng tâm nhất trí với nhau,
đừng tự cao tự đại,
nhưng ham thích những gì hèn mọn.
Anh em đừng cho mình là khôn ngoan,
đừng lấy ác báo ác,
hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt.
Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được,
để sống hoà thuận với mọi người”.
(Rm 12: 16-18)

Quyết thế rồi, bạn và tôi, ta hãy cứ thế hát lên những gì mình thích thú và tâm niệm cho đời mình, giống như thế. Thích thú mà hát lên dù lời ca có hơi buồn bã, chán chường như tâm-tình của nghệ sĩ trẻ xưa vẫn cứ hát, những lời “buồn mà chi, vì đã yêu nhau bằng trong trắng, để rồi lại hát tiếp những câu vui hơn:

“Ta thương xót những ai cười trong mê cuồng.
ta yêu mến những ai cười trong khổ đau.
ta thương xót những linh hồn đang lưu đày.
đang lo lắng sớm hôm lợi danh miệt mài.”
            (Nguyễn Trung Cang – bđd)

Nói cho cùng, nghệ sĩ ngoài đời, dù gì, cũng kinh-nghiệm không ít về đời người vẫn bon chen, giành giựt cả tiếng tăm cùng lập-trường sống, rất riêng-tư. Nhưng, nếu nghĩ cho sát, thì đời mình đâu chỉ có thế. Đâu vì “đã yêu nhau bằng trong trắng”, hoặc “no cơm bằng nhọc nhằn” nên cứ vui.
Vì cứ vui, nên vẫn hát: “Ta thương xót những ai cười trong mê cuồng”, “Ta yêu mến những ai cười trong khổ đau”. Và cứ vui, nên tôi và bạn, ta cứ tự nhủ lòng mình bằng những điều mà bậc thánh-hiền khi trước từng nhắn nhủ, như:

“Hãy làm tất cả những gì anh em có thể làm được,
để sống hoà-thuận với mọi người”.

Đó, mới là ý-nghĩa cuộc sống rất hôm nay và sau này. Ở cõi thế, một đời người. Và, cũng chẳng nên hát mãi những câu “buồn mà chi” suốt đời mình. Mãi khôn nguôi.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ nhắn mình
và nhắn người người   
những điều tương-tự, rất như thế.

No comments: