Saturday, 12 July 2014

“Yêu em vì ta ghét buồn,”



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 16 Thường niên Năm A 20-7-2014

“Yêu em vì ta ghét buồn,”
Yêu em vì ta ghét hờn.
Yêu em vì ta khinh khi dối gian,
“Yêu em vì ta chán người,
yêu em vì ta chán đời.
Yêu em vì ta không tin ở trời.”
 (Lê Hựu Hà – Yêu Em)

(Rm 12: 9-13)
Yêu em như thế, phải chăng như thể bảo rằng: đó là tình-yêu người nghệ-sĩ, tức: những người vẫn yêu, nhưng ghét rất nhiều thứ như: buồn đau, giận hờn, dối gian hay gì gì khác?
Có thể, đây cũng là quan-niệm nghe rất quen. Nhưng, nếu bảo rằng: yêu em vìta không tin ở trời”, thì ngay đây xin đề nghị bạn/đề-nghị tôi: ta hãy xét lại và nghe xem nghệ-sĩ có thật lòng nói vậy không? Nói, là nói bằng câu ca/tiếng hát như ở dưới, vẫn bảo rằng:

“Ta không thèm mái tóc huyền,
Ta không thèm đôi mắt đẹp,
Ta không màng lời khen chê thế gian.
Ta không cần ai hiểu mình,
khi ta ngợi ca ái tình.
Khi ta dìu em đi trong ý thơ.
(Lê Hựu Hà – bđd)

Tiếc một điều, là: tác-giả bài này, nay đã ra người thiên-cổ, chứ không thì bần-đạo đây và người đi Đạo cùng thời với bần đạo đây, hẳn sẽ tìm vị ấy để hỏi: phải chăng anh còn muốn nói và hát thêm, câu này nữa?

“Em ơi, anh muốn nói rằng,
sao em còn mải hững hờ.
Khi anh trọn lòng yêu em thiết tha.
Xin em đừng luôn dối lòng,
khi tim làm đôi má hồng.
Cho ta được gần nhau trong giấc mộng.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Thôi thì, hỡi bạn và hỡi tôi! Ta nghe thế, tưởng cũng đã đủ. Có nghe thêm, ta chỉ nên nghe tiếng huýt sáo, là loại nhạc-khí ít thấy ở nghệ sĩ, ngoại trừ Elvis Phương vẫn làm thế, mỗi khi hát.
Thôi thì, hát gì thì hát, miễn đừng hát rồi lại yên tâm, yên trí về lời ca ra như thế. Bởi, xem ra, ý của chàng lại khác, có nói gì thì cũng chỉ muốn cô nàng để ý, thôi.
Thôi thì, có yên tâm/yên trí hay yên bề “thánh-thất”: hay gì đi nữa, xin cứ về với Lời Vàng của thánh-nhân hiền-lành để nghe thêm, lời sau đây:

“Bác ái yêu thương,
không được giả hình giả bộ.
Anh em hãy gớm ghét điều dữ,
tha thiết với điều lành;
thương mến nhau với tình huynh đệ,
coi người khác trọng hơn mình;
nhiệt thành, không trễ nải;
lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.
Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng,
cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân,
và chuyên cần cầu nguyện.
Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh
đang lâm cảnh thiếu thốn,
và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.”
(Rm 12: 9-13)

Thật ra thì: yêu thương, bác ái hay “chú/thím ái” gì cũng thế. Yêu-thương, là yêu và thương mọi người, rất như nhau. Chứ, ai lại cứ hát mãi mỗi câu ca: “yêu em vì ta ghét” này ghét nọ, cho bõ ghét!
Yêu em, hay yêu con người của em/’chứ không phải yêu con em của người, còn là và sẽ là tình thương-yêu/bác ái (chứ không phải “chú/thím ái”) mà lời Vàng ở trên cứ dặn mãi.
Yêu-thương Em hay thương-yêu Anh, phải là thứ tình-yêu chân-phương ở mọi nơi và mọi thời. Dù những người cần ta thương và yêu có ra thế nào đi nữa, cũng vẫn yêu. Yêu và thương, theo kiểu nhà Đạo có thế không?
Trả lời câu hỏi hơi “hóc búa” này, cần nhiều thời-gian và tài-liệu để có được câu trả-lời thoả-đáng, thích-hợp hơn. Đang suy-tư chuyện này, bần đạo đây, lại đã nhận được một mẩu điện-thư từ bầu bạn, trong đó kể chuyện truyền-thông đại chúng cũng đã phổ-biến theo dạng phỏng-vấn đấng-bậc phụ-trách thánh-bộ nọ ở Giáo-triều, về nhiều vấn đề.
Duy, có vấn-đề về vai trò của phụ nữ trong Giáo-triều, thì câu hỏi và trả lời giữa nhà báo và đại-diện giáo-triều, là Hồng Y Walter Kasper ở Rôma, lại đã đề-cập nhiều chuyện và nhiều thứ về phụ nữ, như thế này:

Nhà báo: Về vai-trò và chức-năng của phụ nữ trong Hội-thánh, Đức Phanxicô có nói: Hội thánh cần có một nền thần-học tốt-lành hơn về nữ phụ. Trong khi đó, thì thưa Hồng y, Hồng-y lại bảo: ta cần tìm cung-cách nào đó để phụ-nữ có được vai-trò lãnh-đạo trong hệ-cấp giáo-triều ở Vaticăng. Câu hỏi của tôi là: Hồng-y thấy điều đó có xảy ra vào bất cứ lúc nào rất sớm không? Và việc ấy thực-hiện cách nào cho xuôi chảy, đây?”

Hồng-y Kasper: Riêng tôi, tôi không ngả vào trường-phái chủ-trương phong-chức cho phụ nữ! Tuy nhiên, nhiều thánh-bộ và văn-phòng thuộc Giáo-triều không đòi-hỏi phải có chức thánh mới được làm thế. Về kinh-tế chẳng hạn, nhiều phụ-nữ rất chuyên hoặc rất lành-nghề đã và đang thực-thi công-tác này, thật trổi vượt. Như thánh-bộ giáo-dân chẳng hạn, đâu cần phải có chức-thánh mới phụ-trách được thánh-bộ này. Bởi, phân nửa giáo-dân nay là nữ-giới rồi còn gì. Có văn-phòng phụ-trách các vấn-đề của giáo-dân mà chưa thấy có nữ-phụ nào đóng vai-trò lãnh-đạo trong đó hết. Đấy mới là vấn-đề. Còn, Hội-đồng Giáo-hoàng về Gia-đình nữa. Có gia-đình nào lại không có phụ-nữ đâu, tại sao thế?

Riêng tôi, lại đã có kinh-nghiệm từng-trải từ hồi còn làm Chủ-quản giáo-phận, tôi đã chỉ-định một chị giáo-dân làm cố-vấn cho Hội đồng Giám-mục của tôi. Từ ngày đó, toàn bộ chức-sắc tại đây đều sống trong bầu-khí rất đối-thoại. Và, chị giáo-dân này, là thành-viên rất quả-cảm. Nói thật với ông: phụ-nữ đem lại rất nhiều điều phong-phú về tầm-nhìn và kinh-nghiệm mà nam-giới ta còn khiếm-khuyết. Nếu Giáo-triều Vatican có được nhiều phụ-nữ hợp-tác làm việc ở trong đó, chắc chắn sẽ hữu-hiệu không ít. 

Lấy Thánh bộ Giáo lý Đức tin làm ví-dụ, thì: Thánh-bộ này, tuy không cần các vị nào có chức-thánh để dẫn dắt hết; nhưng, Thánh-bộ lại gồm một nhóm các nhà thần-học làm cố-vấn. Các vị này đâu có quyết-định được điều gì, chỉ làm tư vấn thôi nhưng lại vẫn cho ý-kiến, cũng đâu sao. Ngày nay, rất nhiều phụ-nữ trong các thánh-bộ từng là giáo-sư thần-học. Thế thì, tại sao ta không đưa tiếng nói của các giáo-dân nữ vào trong đó. Tôi nghĩ, ta cần phải làm thứ gì đó về chuyện này. Tôi đề-nghị ta nên thay-đổi bầu-khí lâu nay vẫn quá đặt nặng tính giáo-sĩ-trị.  
      
Nhà báo: Thế, Hồng-y nghĩ thế nào về bầu-khí hiện giờ ở giáo-triều Vatican? Phải chăng đang có sự-kiện khá là căng thẳng, hồi hộp hoặc đợi ai đó đi bước trước, để đổi thay cho sớm sủa? Hoặc, đang có thứ gì đó mang nghĩa cường-điệu về triều-đại Giáo-hoàng hiện-tại, tức: có những đồn-đoán này khác, về nhiều thứ dù không về cuộc sống bên trong Giáo-hội?  

Hồng y Kasper: Vatican là hệ-cấp giáo-triều gồm nhiều người, nhiều vị khác lập-trường, chánh-kiến và tâm-tính. Ở đây, hiện có nhiều vị như chúng ta, vẫn nghiêng về với Đức Phanxicô, bởi ta đều thấy là: vào cuối triều-đại giáo-hoàng thời trước, đã có những sự-kiện được gọi là Vatileaks -mà ta có thể gọi đó là thứ: “rò rỉ tin tức” xuất tự bên trong Giáo-triều -- như thế tức: có cái gì đó không ổn hoặc không chạy việc cho lắm.

Nhiều vị muốn chỉnh-sửa, đổi-thay một đôi điều. Và Đức Giáo-hoàng mình hiện cũng muốn thế. Nhưng, đương nhiên là chuyện đổi-thay không dễ thực-hiện nhanh chóng được. Giáo-triều La-Mã, là guồng máy cũ kỹ vẫn còn hiện-hữu như thể-chế cũ ở châu Âu. Một thể-chế cổ xưa như thế, vẫn có đường-lối hoạt-động riêng của mình, nên không dễ gì mà đổi-thay chỉ trong “ngày một ngày hai”, được. Vẫn có những lực chống đi ngược lại khuynh-hướng đòi đổi-thay. Và, khi ta muốn thay-đổi điều gì, thì: bao giờ cũng có tranh-luận, có người phò, có người chống, đó là điều cũng đã xảy ra với Giáo triều Vatican, vào lúc này.

Riêng tôi, vẫn có cảm giác rằng Đức Phanxicô có quyết-tâm thực-hiện một vài đổi-thay. Ngài đã làm một chuyện khá ư là quan trọng, ra như thế. Và tôi nghĩ, có điều là ta đã đề ra một đìều mà không quay ngược chiều lại được. Đức Phanxicô đã thực-hiện đổi-thay trong địa hạt kinh-tế/tài chánh chẳng hạn. Ngài muốn Giáo hội phải có một cấu-trúc mang tính nghị-trình kiểu thượng-hội-đồng, nhiều hơn. Ngài muốn giáo hội sở tại được chú-tâm một cách nghiêm-chỉnh hơn, không phải theo nghĩa ta chối bỏ tính đầu đàn đầy ưu-việt của Giáo-hội toàn-cầu.

Cấu-trúc đầu đàn/ưu-việt và nghị-trình/thượng-đỉnh không đối đầu kình chống nhau, nhưng bổ-túc cho nhau. Và, Đức Phanxicô vẫn muốn thế. Ta đang có không chỉ một nghị-trình thượng-đỉnh về hôn-nhân và gia-đình mà thôi, nhưng đang ngang qua tiến-trình  thượng-đỉnh rất nghị-trình. Giữa hai buổi họp thượng-đỉnh, năm nay và năm tới, ngài trở về lại với giáo-hội sở-tại để điều này được bàn-luận theo cấp độ giáo-xứ.

Thật sự, thì ngài muốn có các tiếng nói của kẻ-tin. Đương nhiên là, những đổi-thay như thế chắc chắn phải gặp một vài đối-kháng, nhưng dù thế vẫn có rất nhiều ủng-hộ những chuyện như thế. Thành thử, Đức Phanxicô rất quyết tâm tiến tới. Cứ cho ngài vài năm thôi, ngài sẽ làm đôi điều rất đáng kể.

Nhà báo: Đức Giáo chủ nay đã 77 tuổi đời. Có sự thể là các vị khác cũng sẽ lãnh trọng trách thực-hiện công-cuộc cải-tổ ngài đề ra đồng thời lại cũng có sự trì-trệ như Hồng-y vừa mô-tả, vậy thì có chăng viễn-ảnh thành-công nào không?

Hồng y Kasper: Đức Gioan 23 khi trước chỉ tại chức có 5 năm thôi và ngài đã thực-hiện nhiều đổi-thay. Với Đức Phaolô đệ Lục cũng thế, không có chuyện quay ngược đầu trở về chốn cũ. Và Đức Phanxicô không thể làm việc gì một mình được. Ngài suy-nghĩ theo phạm-trù của một tiến-trình diễn biến về phía trước. Ngài muốn khởi xự một tiến-trình vốn dĩ sẽ được tiếp-tục cả sau triều-đại của ngài. Theo tôi, ngài sẽ có dịp đề-bạt 40% các hồng-y và các ngài sẽ là những người bầu giáo-hoàng trong tương lai. Theo cách đó, ngài có khả-năng thực-hiện một cơ-mật-nghị mới, thôi.

Đằng khác, dĩ nhiên là ta vẫn có Chúa Thánh-Linh hiện diện với ta nữa. Tôi sẽ không xem xét vấn-đề này chỉ ở lãnh-vực cơ-cấu mà thôi. Như ta thấy đó, cuộc bầu cử Đức Phanxicô gây ngạc-nhiên không ít cho chúng ta và cả các hồng-y thuộc cơ-mật-viện cũng thế. Đức Giáo hoàng nay tạo sự ngạc-nhiên mỗi ngày. Ở cơ-mật-viện hôm ấy, có cảm thấy là Chúa Thánh Linh đang hoạt-động. Nên, tôi tin nhiều vào thực-tại, vào dân Chúa trong hiện tại.

Tuy nhiên, Đức Phanxicô được quần chúng mến mộ rất nhiều, đây không chỉ là cơn bốc đồng rồi thôi. Nhiều vị mục tử ở Rôma có nói với tôi rằng năm ngoái và năm nay đã thấy nhiều người quay về lại với toà giải-tội vào mùa Chay, đó là những người lâu nay không đi xưng tội như trước. Giả như, có những người lâu nay không xưng tội mà nay bắt đầu về lại, thì đó không còn là chuyện thổi phồng, cường-điều. Nhưng, là quyết-định riêng tư, rất sâu sắc. Và các vị mục tử có nói rằng: những người trở lại với toà cáo giải như thế là vì đường-lối của vị đương kim giáo-hoàng đã nói lên tính-cách rất thực của lòng xót thương. Thành thử, theo tôi thì thực-tế đời người vẫn đang tiến về trước, rất sâu sắc”. (xem Matthew Boudway & Grant Gallicho, Merciful God, Merciful Church, An interview with Cardinal Walter Kasper 7/5/2014 lúc 2.55pm).                     

Nhà báo hỏi thì vẫn hỏi. Người trả lời vẫn trả lời rất bài bản, đúng sách vở. Nhưng thực tế ở đời, lại có những chuyện cũng khá lạ và khó trả lời như truyển kể xem-ra-có-vẻ-hư-cấu ở bên dưới. Nhưng biết đâu lại là chuyện thật, ở đời. Tuy nhiên, trước khi đi vào truyện kể được trích-dẫn, bầy tôi đây vẫn xin quý vị ngàn lần thứ lỗi cho nếu mang tội thất-kính các nữ-phụ ở trong đời, như sau:

“Trong tiếng Việt, hầu như không có thuật ngữ “Sợ Vợ” , mặc dù  xã hội của ta hay người không thiếu những ngưới đàn bà coi chồng như chúa tể trong gia đình. Ấy vậy, mà cái thuật-ngữ “Sợ Vợ”, từ ngàn xưa, đã trở thành phổ-biến, coi như một trong những thuộc-tính quan-trọng của đàn ông. Từ “Sợ Vợ” gợi lên một hình-ảnh đáng yêu, dí dỏm, thơ mộng và...hiền triết.

Socrates là một triết-gia lớn của nhân-loại nhưng ông cũng là ngưòi sợ vợ. Câu hỏi nổi-tiếng của ông, từ hơn hai ngàn năm nay đã được giới mày râu nhâm nhi một cách thú vị.
-Bạn hãy lấy vợ đi, vì bề nào cũng có lợi. Nếu lấy được một người vợ hiền, thì bạn là một người đàn ông hạnh-phúc; còn, nếu lấy phải một bà chằng, thì bạn sẽ thành một triết-gia.
Như thế, lấy vợ thật là tuyệt-diệu.

Bạn tôi, có rất nhiều người thuộc trường phái ”Sợ Vợ”. Có người mới lấy vợ về đã sợ, có người sợ dài dài trong suốt vài chục năm chung sống. Phó thường dân cũng “sợ vợ” mà người có chức-quyền cũng “sợ vợ”. Người ít học lẫn các bậc trương-phu trí-thức đều thuộc lòng câu “nhất vợ nhì trời”. Chẳng hạn như, anh bạn bác-sĩ của tôi lấy vợ đã ngoài hai mươi năm. Bữa kia, hai ông bà rủ nhau đi chợ mua sắm các thứ để kỷ-niệm ngày cưới. Người vợ bảo:
-Anh giữ tiền nhé. Em mua cái gì thì anh chi cái nấy.
Người chồng cất tiền vào túi áo. Nhưng khi hai người đến đầu chợ, thì bà vợ lại cằn nhằn:
-Đến chỗ đông người mà sao anh lớ ngớ như một thằng ngố vậy? Anh không biết bọn móc túi đầy trong chợ à?
-Đừng lo, người chồng nói, chúng nó không làm gì được anh đâu.
Bà vợ ngắm-nghiá đức ông chồng một hồi rồi quyết định:
-Đưa hết tiền đây. Anh giữ tiền, mất như chơi.
Người chồng vâng lời, đưa tiền cho vợ.Bà ta bỏ tiền vô ví, chắc trong tay.

Hai người bước vô chợ, đi vòng vòng ngắm nghía hàng hoá một hồi, cuối cùng bà vợ quyết-định mua một bộ đầm 130 ngàn. Nhưng trước khi móc ví trả tiền thì mới hay là ví đã bị rạch và gói bạc biến mất. Anh chồng nhỏ nhẹ nói:
-Phải chi lúc nãy em để anh giữ tiền thì đâu đến nỗi.

Bất ngờ, bà vợ túm lấy cổ áo chồng, gầm lên:
-Đồ ngu! Tại sao tôi bảo anh đưa tiền cho tôi giữ, mà anh cũng đưa? Anh phải biết ngăn-cản tôi chớ. Thế mới gọi là đàn ông chớ, đàn ông gì mà vợ bảo sao nghe vậy để đến nỗi mất hết tiền. Lỗi của anh sờ sờ như thế mà còn đổ cho người ta. Đàn ông gì mà hèn quá vậy!
Bị nắm cổ ngay giữa chợ, anh chồng mắc cở quá, năn nỉ:
-Anh xin lỗi. Buông anh ra đi. Đừng làm thế ở chỗ đông người.

Nhân vật thứ hai là một người tướng tá đạo-mạo. Buổi trưa nóng nực, tình cờ tôi gặp anh ta trong một quán nước. Thấy cổ tay anh ta bị những vết xướt chằng chịt như có ai lấy dao lam cứa hàng trăm nhát trên đó, tôi bảo:
-Ủa, tay của ông sao vậy?
Anh bạn vốn là một nhà giáo. Trước khi trả lời câu hỏi, anh ngó lui ngó tới xem có học trò ngồi chung quanh không, rồi rỉ tai tôi:
-Vợ nó ngắt.
-Trời đất! Ngắt mấy ngày mà nát bấy cái cổ tay vậy?
-Có một đêm thôi. Đêm kinh hoàng. Mất ngủ.
-Sao ông không kháng cự?
-Vì mình có lỗi.
-Lỗi gì?
-Bị bắt quả tang đi chơi với bồ nhí.
-Thì cứ xin lỗi và hứa không quan-hệ lăng nhăng nữa là được rồi. Việc gì mà phải nằm im chịu trận âm thầm trong đêm như thế?
Anh bạn giáo viên thở dài, xổ cái ống tay áo xuống, cái măng-sét để che những mÓng vuốt đàn bà, đoạn phân-trần:
-Nhà chật. Con cái nằm ngủ ngay bên cạnh. Vợ chồng cãi nhau sợ chúng nghe, chúng nó buồn, còn mình làm cha cũng sợ mất uy-tín, vì thế mà cả bà vợ lẫn mình không ai nói một tiếng. Cuộc trừng-phạt vì thế đã diễn ra quằn-quại trong đêm tối, nhức nhối trong âm-thầm.

Nhân vật thứ ba, là một anh nhà văn. Ngày nọ tôi đến nhà anh ta chơi, vừa bước vào nhà đã nghe tiếng cãi vã phía trên cầu thang. Tôi vừa định lên xem chuyện gì thì thấy anh nhà văn hối-hả chạy xuống, phía sau là một cô vợ trẻ cầm con dao thái thịt đuổi theo bén gót. Để bạn khỏi ngượng tôi nép vào trong gầm cầu thang, trốn. Cô vợ vung dao chém một nhát, anh nhà văn né kịp, con dao Đồ Long chém vô tường nhá lửa. Cô vợ trẻ phóng lưỡi dao về phía đức ông chồng nhưng hụt. Một trận quyền cước tiếp theo sau. Anh bạn nhà văn nép vô xó chịu đòn, lưng áo bị xé toạc, hằn in dấu cán chổi của trận đòn ngày hôm trước.

Lúc ấy, tôi bèn xuất-hiện can ngăn, đỡ đòn cho bạn. Bà vợ trẻ cúi xuống nhặt con dao, dứ dứ trước mặt chồng mấy cái rồi bỏ đi. Tôi dìu anh bạn lại ngồi nơi cầu thang, hỏi vì sao bị cô vợ bé đánh quá xá vậy, thì đáp:
-Tối hôm qua mình về về với bà cả và mấy đứa nhỏ.
-Thế là Bà Hai có đồng ý không?
-Mình có xin phép nghiêm chỉnh.
-Vậy tại sao lại bị đánh?
Anh bạn kéo chiếc khăn tay ra hỉ mũi sồn sột, sau đó ho khan lên mấy tiếng rồi trả lời:
-Đó là vì lúc ra đi thì mình khoẻ mạnh, mà khi trở về thì mình bị cảm.
Bà Hai hỏi:
-Anh về nhà làm gì mà bị mất sức dữ vậy?
Nhưng, của đáng tội, mình có làm gì nhiều đâu mà mất sức với mất lực cơ chứ...
Nói đến đó, anh bạn bèn hắt xì hơi mấy cái liên-tiếp, rồi phân-trần:
-Ông nghĩ coi, cảm cúm có khi là chuyện trái gió trở trời, đằng này... giời ạ! Bạn biết đấy.

Trên đây, là ba mẩu chuyện về “hãi sợ” với ba nhân-vật rất khác nhau. Ba tình-huống hoàn toàn riêng biệt. Bạn nào đọc đến đây chớ vội chê bai họ là những kẻ hèn nhát, nhé. Anh bác sĩ trong chuyện thứ nhất “sợ vợ” chẳng qua vì lòng độ lượng, không muốn hơn thua với đàn bà, thật đáng khen. Anh giáo-viên, trong chuyện thứ hai “sợ vợ” chỉ vì mục đích vô cùng cao cả, là ngại ảnh hưởng xấu đến con cái, thật đáng kính! Còn anh nhà văn, ở câu chuyện thứ ba, thì láu cá hơn. Hắn ta sẵn sàng đưa lưng ra chịu đấm để được ăn sôi bằng cả hai tay...” (truyện kể lại được trích và dẫn từ trang mạng rất vi-tính)   

            Thật ra thì, đầu đề của truyện kể, mang chữ “Sợ vợ” cũng không mấy đúng cho lắm. Lẽ ra, phải gọi là “Sợ phụ nữ” mới đậm đà ý-nghĩa hơn. Và, động-từ “Sợ” đây, không là hãi-sợ và sợ sệt bết bát đến là thế, cho bằng chỉ “nể vì”, cốt để tôn-trọng phụ-nữ hơn nam-nhân mình cho nó tiện việc sổ sách.
Đi vào địa hạt thần-học/tu đức mà xem xét, hẳn bạn và tôi, ta cũng thấy được nhiều điều mình phải công-nhận và rồi bái phục. Bái và phục, như nhiều vị vẫn phủ-phục và sùng-bái đấng trên mình.
Và bây giờ, xin đi vào chi-tiết có trích-dẫn rất nghiêm-chỉnh, chứ không hư-cấu nữa. Luận chữ “tâm phục”/“khẩu phục” chứ tuyệt-nhiên không sùng/không bái đấng bậc nữ lưu trong/ngoài Đạo, bần đạo đây cũng bắt gặp nhiều ý-kiến/lập trường rất “ba-phải”, tức ông nói thấy cũng phải, bà nói nghe cũng phải, cả hai ông bà nói đều rất phải phải, cũng rất ư phải lẽ.  
Về vai trò của nữ-phụ trong cộng đồng Hội thánh thời tiên-khởi, vai-trò của các thừa-tác-viên nữ rất trổi trang, dễ nể được các sử-gia trong Đạo rất trân trọng. Dưới đây là một trong các giòng chảy cũng trân-trọng không kém đấng-bậc áo đỏ, đọc như sau:

“Tôi thiết nghĩ, các thừa-tác-viên đồng-hành với thánh nhân đã thực hiện công cuộc mục vụ rất tốt, nhưng lại không được lòng các tông đồ trụ-cột như thánh nhân và đồng sự của thánh nhân, là các bậc nữ-lưu rất trọng vọng. Các nữ-lưu này, không đủ quyền như các đấng bậc trụ cột ở Giêrusalem như: thánh Phêrô, Giacôbê và thánh Gioan, nên không được phê chuẩn. Thêm vào đó, nhóm của các thánh chỉ gồm thánh Phaolô và các thừa-tác-viên nữ như các chị Phôêbê, Chloê, Priscilla, vv..

Nói tóm lại, điều đó cho thấy các vị này cũng đã làm nhiều điều tốt đẹp không chỉ ở Akaia thôi, mà còn ở La Mã cho cộng đoàn dân Chúa sống tại đây. Thánh Máccô còn nói: “Hãy cứ để họ làm như thế, vì họ đang làm những việc được Chúa khích lệ”. Duy có điều, là: thánh Máccô không đại diện cho tất cả các nhóm Đạo Chúa vừa phát triển, nên đó mới thành chuyện”. (xem Kevin O’Shea, CSsR, Phaolô, vị thánh của mọi thời, nxb Tôn Giáo 2013, tr. 30).

Và, ý-kiến của một linh-mục khác diễn-giải về thân-phận của nữ-phụ qua bài trình thuật thánh Luca viết ở đoạn 7 câu 36 đến đoạn 8 câu 3 về trường-hợp nữ-phụ nọ có động-thái ít thấy ở nhà một Biệt phái tên Simôn, thời Đức Giêsu hoạt động cho Nước Trời:

“Sự thật thì, nữ-phụ ở trình-thuật này xử sự rất thật tình hối hận và tha-thiết, nên có được kết quả là Lòng Mến từ Đấng có quyền tha thứ. Ngài thứ tha, nhưng không phô-trương uy-quyền Cha ban cho. Sự hối cải và niềm tin nơi nữ-phụ này đã đem lại cho chị ơn tha thứ. Thứ tha, là hành-động diễn-tả tình thương-yêu dâng trào. Yêu thương và lỗi phạm, là hai phạm-trù không thể có chung một đất đứng. Cả hai, không thể ở chung nơi một người. Vì thế nên, nữ-phụ hôm ấy bị tiếng là lăng-loàn, nhưng thực sự chị là người thương mến Chúa rất mực, nên vì thế không thể coi chị là người bê tha, rất đáng tôi được.

Xã-hội hôm nay, có nhiều người làm quấy dù chỉ một lần trong đời, nhưng vẫn bị chụp mũ, kết án suốt quãng đời còn lại của chính họ...Thiên-Chúa không xử-sự với con người giống như ta vẫn xử-sự. Ngài xử với con người theo tình-thế của chính họ. Ở đây. Bây giờ. Quá khứ của con người, không quan-trọng đối với Chúa. Có quan-trọng chăng, chỉ mỗi điều, là: nay ta sống thế nào? Xử-sự ra sao? Có tương-quan tốt với Chúa và với con người không?” (xem Lm Richard Leonard, sj Suy-niệm Lời Ngài, Chúa Nhật thứ 11 Mùa Thường niên năm B 16.6.2013).

            Thiết tưởng, hôm nay, cũng chẳng cần bàn-luận hoặc cãi-vã gì cho mệt “đền thờ Chúa Thánh Thần”. Có bàn và cãi hay không thì ai ai cũng đều công nhận  vai-trò và chức năng của nữ-phụ ở đời, cả trong Đạo. Gọi các chị là nữ thừa-tác-viên đắc lực hoặc các thánh như Phaolô hồi đó vẫn gọi, cũng đều được.
            Điều cần thiết, là: gọi sao thì gọi. Gọi xong rồi, cần trân-trọng, yêu thương và hành-xử như các vị ấy trong thời hiện-đại của Hội-thánh là ta, hôm nay.
            Nói nhiều và phiếm bấy nhiêu thôi, lại là động-thái rất nên làm, ngay bây giờ. Hay nhất, có lẽ là: ta cứ đồng tâm quyết chí như thế, rồi cùng với bá quan trong họ/ngoài làng cứ cảm-kích hát lên lời ca rất “hoành-tráng”, rằng:       

“Ta không thèm mái tóc huyền,
ta không thèm đôi mắt đẹp
Ta không màng lời khen chê thế gian.
Ta không cần ai hiểu mình,
khi ta ngợi ca ái tình,
khi ta dìu em đi trong ý thơ.
Em ơi, anh muốn nói rằng,
sao em còn mải hững hờ.
Khi anh trọn lòng yêu em thiết tha.
Xin em đừng luôn dối lòng,
khi tim làm đôi má hồng.
Cho ta được gần nhau trong giấc mộng.”
(Lê Hựu Hà – bđd)

Thật đúng thế. Hãy cứ “không màng khen chê thế gian” và xin mãi một điều trong đời giống như câu: “Cho ta được gần nhau trong giấc mộng”. Chính đó, là “giấc mộng lớn” trong đời. Của nhiều người.

Trần Ngọc Mười Hai
Cũng có giấc mộng
rất tương tự.
Ngay trong đời.  

 

No comments: