Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 3 Mùa Chay Năm A 16-3-2014
“Hoàng hôn, lá reo bên thềm,”
Hoàng hôn, tơi bời lá thu.
Sương mờ, ngậm ngùi xuân xanh.
Bâng khuâng, phím loan vương tình..”
(Dương Thiệu Tước – Tiếng Xưa)
(Rm 8: 5-6)
Tiếng Xưa, ư? Phải chăng là tiếng thời gian? Hay tiếng giọng của ai đó? Hoặc, tiếng rì rầm của lặng câm mà nghệ sĩ mình đã hơn một lần diễn tả, rất như sau:
“Đâu bóng trăng xưa,
mơ khúc nghệ thường,
Phai tàn một thời liệt oanh.
Xa đưa gió mây lạnh lùng.
(Dương Thiệu Tước – bđd)
“Mơ khúc nghê thường”, người nghệ sĩ hát, có thể là những chuyện “phai tàn một thời liệt oanh”. Cũng có thể, là những tình tự như “Xa đưa gió mây lạnh lùng”, “bóng trăng xưa”.Lại cũng có thể là những tình-tiết hấp-dẫn nhiều hơn thế, ở câu tiếp:
“Chiều thu nhớ nhung vì đâu
Thắm đôi dòng châu
Tiếc thay tại sao đành lỡ làng
Man mác khói hương bay dịu dàng.
(Dương Thiệu Tước – bđd)
Thế đó, là tình-tiết với tình-tự ở ngoài đời, nơi xã hội. Thế đây, có là những tình tự rất tình-tứ ở nhà Đạo, hay sao đó không?
Nhà Đạo lâu nay hay đặt vấn đề đạo đức rất lê thê, lề mề nhiều truyện kể, đấy chứ? Thế nhưng, có những truyện được kể mà ít người nghe biết, như thể: câu chuyện vẫn kể về:Tiếng rì rầm của lặng câm”, nơi thiên nhiên, vạn vật mà người đời hoặc nhà Đạo phải có đôi tai đặc-biệt mới nghe thấy được. Những tiếng/những tình được tỏ bày nơi nhà Đạo hoặc với thiên-nhiên/vạn vật, thường không thấy nơi nào lên tiếng, nhưng lại cứ chuyền cho nhau, qua thinh lặng.
Cũng tựa như tâm tình của người nghệ sĩ, còn muốn hát:
“Như tóc mây vương,
dáng liễu mơ màng
Cung đàn nhỏ lệ tầm dương,
Ai đó tri âm biết cùng.”
(Dương Thiệu Tước – bđd)
Với nghệ sĩ, phải “tri âm, biết cùng” mới được thế. Nhưng với người đời, chí ít là người đời đi Đạo, cũng có thể như đề nghị của ai đó, khá cụ thể như sau: hãy thử bỏ một ngày nào đó trong tuần hoặc cuối tuần, tắt hết máy móc, kể cả Tv, vi tính hoặc di động, hết mọi máy móc tuốt tuồn tuột, tự khắc sẽ nghe được tiếng rì rầm của lặng thinh, êm ắng, rất phúc hạnh!
Tiếng ấy luôn có bên cạnh con người ta, như bản giao hưởng tuyệt vời do thiên-nhiên vạn vật sáng tác. Tiếng, là tiếng thì thầm của lặng thinh, im lìm đầy chúc phúc. Để đạt ước-nguyện, nay mời bạn và mời tôi, ta cứ lắng nghe thêm câu nữa, rồi sẽ thấy.
Có bạn nghe thấy rồi bèn hỏi: nếu thế thì, giữa “cung đàn nhỏ lệ” và tiếng động của thời gian, ắt có sự liên-hệ nào đó chặt chẽ, chứ? Bần đạo nghe hỏi, bèn đi một đường tìm hiểu xem thế nào là tiếng thì thầm của lặng thinh, đã thấy đôi điều...ở đâu đó trong cuộc sống!
Trong cuộc sống, có những lúc hoặc những thời, người người có thể nghe được tiếng rì-rầm của lặng thinh, miễn ta biết dùng tai để nghe thấy. Và, nghe một cách chăm chú. Tiếng ồn ấy, có thể là của chim muông, cây cỏ cùng không khí. Muốn nghe thấy, ta phải tắt hết mọi thiết-bị kỹ-thuật tân-thời, hoặc những thứ khác như loa phóng thanh, đài phát sóng, mới thấy được.
Đặc biệt, như ở chốn rừng sâu nhiều hoa lá, sự lặng thinh vẫn luôn tạo nên tiếng lao xao, thì thầm. Và, nếu biết lắng tai để lòng mình ra mà nghe biết, sẽ thấy cả một bản giao-hưởng-khúc gồm các âm thanh tác-động khiến ta sững sờ. Nào, cứ thử để tai vào thân cây lặng lẽvà toàn bộ thế-giới thiên-nhiên, vạn vật mà xem. Hãy cứ thế đi vào phần sâu lắng, bạn và tôi, ta sẽ nghe thấy tiếng thở than của làn khói, và cả tiếng gãy đổ của lá cây đang bay lượn rồi rớt xuống.
Nếu nghe bằng đôi tai của con tim, người người còn thấy được tiếng động của làn gió mát đang nhảy múa đón chào đàn trẻ bé, để rồi tất cả cùng cười chung, rất tung tăng. Tưởng tượng nhiều hơn nữa, người người sẽ còn thấy vạn vật như một Vương Cung Thánh Đường đầy ý-nghĩa, cộng thêm vào đó là cả một bầu trời nghệ thuật đầy sáng-tạo có tiếng nhạc hoà ca/chúc tụng nét mỹ miều của Thượng-Đế.
Chả thế mà tác giả Tin Mừng theo thánh Luca từng đặt vào miệng Chúa, đã phán bảo:
“Ai có tai để nghe,
Hãy cứ nghe.”
(Lc 8: 1-8)
Có tai để nghe tiếng chào mời của vạn vật lại đã đành, người có tai để nghe còn nghe được cả tiếnbg hát của các truyện kể ở Cựu ước cũng như Tân ước vẫn cứ đưa vào sự sống, rất đích-thực của đời người. Như đoạn Kinh thánh ở sách Samuel I, tác giả lại đã viết:
“Đức Chúa đến, đứng đó
và gọi như những lần trước:
"Samuel! Samuel!"
Samuel thưa:
"Xin Ngài phán,
vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe."
Đức Chúa phán với Samuel:
"Này Ta sắp làm một điều tại Israel
mà bất cứ ai nghe nói cũng phải ù cả hai tai.”
(I Sam 3: 10-11)
Như thế đấy, mỗi lần tạo vật chúng ta mở tai ra để nghe, sẽ thấy được những điều kỳ-diệu, ít ai biết. Cũng như thế, khi bước ra ngoài xã-hội, nếu để tai ra mà nghe tiếng/giọng của những người mà mình vừa gặp bằng lỗ tai của chính con tim, người người sẽ nhận ra được nhiều điều kỳ diệu của sự sống. Những điều và những việc tạo ý-nghĩa trọn vẹn của niềm tin cũng đều thế. Đó là tiếng của con tim muốn tỏ bày tình thương, đang nói tiếng yêu-đương với mọi người.
Chả thế mà, người nghệ sĩ cứ mong cho giới mộ điệu nghe mình hát, những lời hay như:
“Hoàng hôn, gió sương lạnh lung,
Hoàng hôn, bao niềm nhớ nhung.
Thiết tha, đàn rung tiếng tơ.
Vấn vương, thôi theo ngày mơ.
(Dương Thiệu Tước – bđd)
Sự thật ở đời, hỏi rằng có như thế? Phải thế không, xin bạn và tôi, ta đi vào truyện kể khác để biết rõ thế nào là sự thật ở đời theo quan niệm của một số người, mà người đời ít để ý hoặc lắng nghe:
“Truyện kể rằng :
Chứng kiến trước cảnh đau thương thương vì sự gian trá,
lường gạt giữa con người với nhau, một vị thần ẩn dạng dưới một nhà hiền triết, rao bán “sự thật”. “
Mời mua sự thật, mời mua sự thật, mua một tặng hai. Mua sự thật sẽ được tặng tự do và hạnh phúc”.
Nhà hiền triết rao to tiếng giữa phố phường, chợ búa.
Một chính trị gia dừng lại và hỏi: “Làm thế nào để mua sự thật? Giá bao nhiêu?”
Nhà hiền triết đáp: “Giá của sự thật là sự thật. Và ông sẽ được tặng thêm tự do và hạnh phúc”.
“Xin ngài cho biết cụ thể hơn?”, chính trị gia hỏi tiếp.
“Xin thưa - nhà hiền triết trả lời - Cứ mỗi tối trước khi đi ngủ, ông trung thực trả lời ba câu hỏi sau:
1-Tôi đã sống đúng với sự thật?
2-Tôi đã dám sống cho sự thật?
3-Tôi đã sống vì sự thật không?
Giá để trả cho món hàng sự thật là ông sống với (cảm nghiệm), sống cho (phục vụ), và sống vì (bảo vệ) sự thật. Khi ông sống như thế, ông sẽ được sự thật, và còn được tặng thêm tự do và hạnh phúc nữa”.
Chính trị gia cầm món “sự thật” về nhà bắt đầu thực hành với ba câu hỏi trên.
Nhưng chỉ vài hôm sau, ông đã trả lại món hàng ấy vì hằng ngày ông thường bàn đến chiến tranh, thế lực, phe nhóm, hơn thua. Ông thừa nhận rằng,
ông chưa đủ can đảm lên tiếng bênh vực cho nạn nhân vô tội. Ông chưa can đảm bảo vệ sự thật cho các nước nghèo và dân tộc xấu số.
Tiền bạc và quyền lực xem chừng mạnh hơn sự thật.
Một nhà tu đi ngang qua nghe ông cụ rao: “Mời mua sự thật, mời mua sự thật. Mua một tặng hai”.
Tò mò, tu sĩ dừng lại và nói: “Tôi là người rao giảng sự thật, ông biết gì về sự thật mà bán?
Nhà hiền triết tươi cười đáp: “Con rất mừng và cám ơn ngài là người rao giảng sự thật.
Chỉ có điều là nếu ngài muốn có tự do và hạnh phúc thật sự thì xin ngài cầm lấy món hàng “sự thật” và thử dùng xem sao?”
Sau khi được giải thích về giá cả, nhà tu đưa “sự thật” về nhà và bắt đầu thực hành.
Nhưng cũng chỉ vài hôm sau, vị tu sĩ cũng trả nó lại, vì mỗi lần đọc kinh nguyện, tiếng kêu khóc của người nghèo, của những quả phụ, của các em nhỏ, của nạn nhân bị áp bức bất công như nhảy múa trên từng trang kinh.
Người tu sĩ thấy rằng, mình có sống với sự thật, nhưng mình chưa can đảm sống cho và vì sự thật.
Sự thật mời gọi mình đi ra khỏi cảnh yên hàn cửa nhà tu để đến với những con người đang bị chà đạp phẩm giá.
Ông thấy rằng, sự yên ổn ngại dấn thân dường như mạnh hơn sự thật mà ông đang rao giảng, điều này làm ông trả lại “món hàng”.
Tiếng rao: “Mời mua sự thật, mời mua sự thật, mua một tặng hai” vẫn được vang lên.Một cụ già nông dân dừng lại và nói to: “Sự thật có cóc gì mà phải mua. Sự thật là quà tặng.
Tôi được tặng nó từ lâu rồi”.
Nhà hiền triết tỏ vẻ vui mừng, nói: “Chúc mừng bác. Thế ai tặng cho bác?”
Ông nông dân đáp: “Tôi không biết ai đã tặng tôi, nhưng từ nhỏ ba tôi đã dạy tôi chỉ sống từng ngày.
Mỗi ngày trước khi đi ngủ, ba giúp tôi nhìn thẳng vào lòng mình và trả lời ba câu hỏi thật nghiêm túc:
1- Tôi có sống thật với nhân phẩm cao quí của tôi không?
2- Tôi có sống cho những gì mà tôi yêu, tôi tin không?
3- Tôi có can đảm làm chứng cho sự thật không?
Nhà hiền triết mỉm cười mãn nguyện và thưa: “Bác đã có tất cả rồi. Chúc mừng bác”.
Truyện đã kể rồi, nay xin bạn và tôi, ta cùng dấn bước vào chốn miền lặng thinh để lòng mình từ từ lắng đọng, sẽ cảm kích được nhiều điề và nhiều sự hơn những sự và những điều ta nghe thấy.
Có một sự hoặc một điều rất rành rành, ta nghe thấy ở khung trời vạn vật trên mặt đất, ở đất trời này vẫn thấy dẫy đầy những cảnh-trí lặng thinh trong đó muôn vật đều đang tương quan trò chuyện cùng Đấng Hoá Công, trong thinh lặng. Lặng thinh ấy, tiếng giiọng này vẫn cứ thấy xảy đến cả triệu năm ở hành tinh noh3 hoặc vũ trụ to lớn đẫy đà, có Chúa có ta có cả hoàn vũ, rất vui vầy.
Hoàn-vũ, là nơi Chúa tiếp-cận sự vật rất nhiều loài, chí ít là loài người trong lặng thinh. Cũng trong thinh lặng của vũ trụ đầy im ắng, Ngài vẫn thường xuyên tiếp xúc với Cha và tạo vật, để tạo-vật nhận ra được Ngài qua tiếng gọi, như tác giả Tin Mừng theo thánh Gioan từng để Chúa nói rằng: “Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra...”(Ga 10: 2-3)
Và như thế, Chúa vẫn đưa đến cho ta đôi thứ-thách nhỏ, để nắm chắc rằng ta sẽ gặp gỡ Ngài qua sinh hoạt thầm lặng của thế giới lặng thầm, câm nín. Lặng thầm và câm nín, theo hình-thái xôn xao, sôi nổi tràn đầy yêu thương và tôn trọng lẫn nhau. Tôn trọng sự lặng thinh của nhau, và cho nhau.
Muốn nhận ra được điều đó, người người đều đã nhớ thánh Phaolô từng nhắc nhở ở bức thư ngài viết và gửi cho dân thành Rôma khi xưa có đoạn nói rất rõ, rằng:
“Những ai sống theo tính xác thịt,
thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt;
còn những ai sống theo Thần Khí,
thì hướng về những gì thuộc Thần Khí.
Hướng đi của tính xác thịt là sự chết,
còn hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an.”
(Rm 8: 5-6)
Xem như thế, thì tiếng/giọng đầy thương-yêu trong lặng thinh chỉ tìm thấy và biết đến qua cuộc sống trong Thần Khí, có Thần Khí ở cùng và sống chung. Có như thế, mới nhận ra được tiếng/giọng thầm lặng của Thiên-Chúa-là-Tình-Thương, vẫn thương yêu con người trong thinh lặng, như người đời thường vẫn nói: Lặng thinh là tình đã đặng.
Tình đã đặng, ở truyện kể bên dưới, cũng nói lên thứ quý nhất trên đời, không hẳn là thứ ồn ào, ngời sáng của những vui chơi trác tang thâu đêm suốt sáng, nhưng chỉ là tâm tình hồn nhiên trong trắng của tuổi trẻ, tình tự đầy nghĩa hiệp của tuổi thanh niên và tình thân đầy lòng vị tha của người già. Tất cả, vẫn cứ lẳng lặng như truyện kể thầm lặc, ở bên dưới:
“Truyện rằng:
Ở làng chài nọ, có một chàng thanh niên hiền lành và tốt bụng, làm việc rất chăm chỉ.
Ngày nọ, trên đường về nhà, chàng lượm được một cái chai nhỏ. Vì tò mò, chàng tìm cách tháo bằng được nắp chai ra. Bất ngờ từ trong chai bay ra một làn khói trắng và vị thần khổng lồ xuất hiện.
Vị thần liền cất tiếng nói:
-Đừng sợ! Ngươi là ân nhân của ta, ta cho ngươi ba điều ước. Nào! Hãy ước đi hỡi chàng trẻ tuổi.
-Ước gì nhỉ? Chàng đắn đo và trả lời:
-Thần cho tôi thời gian để suy nghĩ nhé!
- Được thôi. Từ đây đến chiều ngươi phải nghĩ ra đấy.
Chàng đi dọc theo bãi biển và suy nghĩ. Trên đường đi chàng gặp một đám trẻ con hồn nhiên, vô tư chơi đùa say mê. Nhìn những gương mặt thiên thần, chàng thấy cuộc đời mới đẹp làm sao. Đi tiếp, chàng gặp một chàng trai trẻ liều mình cứu những người nghèo khổ thoát khỏi một nhóm trộm cướp. Tấm lòng nghĩa hiệp đó khiến chàng khâm phục.
Chàng lại tiếp tục đi và thấy một đám đông vây quanh một cụ già. Thì ra có một con cá voi mắc cạn trôi dạt vào bờ. Mọi người định giết nó để lấy thịt bán. Cụ già nói:
-Những gì thuộc về biển cả hãy trả về cho biển cả. Thế là chú cá voi được cứu sống.
Hoàng hôn buông xuống. Vị thần hiện ra hỏi:
-Ngươi đã nghĩ ra chưa?
Chàng trai trả lời:
-Vâng, xin thần hãy ban cho tôi sự ngây thơ, hồn nhiên của trẻ thơ; một trái tim nghĩa hiệp, dũng cảm của tuổi trẻ và một tấm lòng nhân ái, vị tha của người từng trải.
Vị thần nói:
-Hỡi chàng trai, ngươi làm ta bất ngờ đấy, bởi vì ngươi đã nhận ra những thứ quí giá nhất của cuộc đời. Những thứ ấy, mọi nguời chỉ nhận ra được khi người biết tìm kiếm, nghĩ suy trong thinh lặng, mà thôi. Bởi, khi lòng người đã động vì các mối lợi cỏn con bên ngoài của cuộc sống rồi, họ sẽ chẳng còn thì giờ nào để lặng thinh mà tìm thấy điều quý giá ấy. Đây, còn là bài học để đời cho mọi người đấy, hỡi chàng trai trẻ tuổi. Ta khen cho người đó...
Nói rồi vị thần bèn biến đi mất, để lại người dân chai trẻ tuổi sững sờ, trong thinh lặng.” (Truyện kể trích từ điện thư trên mạng bỗng chợt tới).
Trong cuộc sống khá ồn ào qua mạng vi-tính hay di-động, đôi lúc cũng có những sự kiện hoặc truyện kể khiến người đọc nhớ lại một số bí kíp của cuộc sống rất bon chen, giành giựt. Truyện kể ở trên tuy không mấy thích hợp với đề tài đặt ra, nhưng cũng là cơ hội để người đọc là bạn và tôi, ta có cơ-hội để suy tư ngẫm nghĩ về cái-gọi-là: lặng thinh không chỉ là tình đãu thuận mà thôi, nhưng còn là thứ tình đã đặng, đáng chấp nhận.
Nghĩ thế rồi, nay đề nghi bạn, đề nghị tôi ta cùng người nghệ sĩ cất lên câu hát cuối để đọng lắng lòng mình cho vui, mà hát rằng:
“Đàn ơi! Thiết tha vì đâu
Tiếng xưa trầm ngâm
lắng rung đường tơ bao mơ màng.
Lưu luyến hương thu thêm dịu dàng.
Ai có hay chăng?
Say khúc ưu tư
Gió sương chiều thu buồn mơ
Ai đó tri âm, hững hờ!”
(Dương Thiệu Tước – bđd)
“Gió sương chiều thu buồn mơ”, hoặc “Tri âm hững hờ”, có thể vì bạn/vì tôi, ta chưa nhận chân được sự thật của cái-gọi-là “tiếng thì thầm của lặng câm”, rất thinh lặng. Vẫn rất đặng.
Trần Ngọc Mười Hai
Tự thấy mình cũng ít khi
Nhận ra đườc điều ấy,
Dù không mơ.
No comments:
Post a Comment