Saturday, 5 October 2013

“Đi tới Tokyo mình muốn mua chiếc dù, mặc áo Kimono.



Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 28 thuờng niên năm C 13-10-2013

“Đi tới Tokyo”
Mình muốn mua chiếc dù,
Mặc áo Kimono.
Tokyo! Tokyo! Dù, là dù với Kimono.”
(Hội Thanh Niên Thiện Chí – Nhạc sinh hoạt thập niên 1960)

(Mt 22: 37-40)

            Trong những ngày vắn vỏi ghé bến Tai Chung, của xứ Đài (rất) Loan, bần đạo chợt nhớ lại ý/lời của nhạc sinh-hoạt trong nhóm Thanh Niên Thiện Chí, hồi thập niên 1960, như sau:

“Tính tính tính tình tang tang,
            Cuộc đời mình như chiếc thuyền nan,
            Trôi, nó trồi bềnh bồng.
            Đi tới đâu?”
            (Nhạc sinh hoạt – bđd)

            Nhạc sinh hoạt, là loại nhạc dành cho thanh thiếu niên nam/nữ ở nhiều nhóm, mà bần đạo học được từ chuyến ngao-du lao-động phục-vụ đồng bào nghèo ở Cam Lộ, Quảng Trị vào năm 1967 thì phải. Lúc ấy, còn có nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và các bạn đồng môn ở Đại Học Đà Lạt như: Trần Trọng Thức, Nguyễn Văn Tuyến, Lê Văn Khuê, Nguyễn Nghị... vẫn cứ hát:

            “Đi tới Mexico,
            Mình muốn xem đấu bò,
            Đội nón Sombrero,
            Mexicô! Mexícồ,
Bò, là bò với Sômbrềrô...”
(Nhạc sinh hoạt – bđd)

Và cứ thế, lớp người trẻ vẫn hăng say hát những đoạn nhạc/lời thơ, như sau:

“Đi tới Karachi
Mình muốn ăn bánh mì
Cùng với cơm cà-ri
Karàchi! Karáchi!
Mì, là mì với cơm cà-ri...”
(Nhạc sinh hoạt – bđd)

Thế nghĩa là, ta cứ hỏi: “Đi tới đâu?” và cứ đi.  Đi rồi, lại hỏi: “Đi tới đâu?” Hỏi rồi đi, đi mãi đi hoài, rày vẫn hỏi. Cứ đi, đi hoài và đi mãi, vẫn không thôi. Đi như lần vừa rồi, bần đạo đi tới xứ Đài (lại cũng rất ư là) Loan, bần đạo bầy tôi đây vẫn có hỏi. Hỏi đây, không là hỏi người mà là hỏi chính mình bằng câu hát, điệu nhạc tợ như thế. Như thế, là giống như thể hỏi rằng: giới trẻ và không-còn-trẻ ở nhà Đạo, nay có còn “đi” và “hỏi” những chuyện đại loại như thế, nữa không?
Thật ra thì, có ghé 3 miền Đài Bắc, Đài Trung và... Đài Nam của xứ người, có lẽ bạn và tôi, ta cũng chẳng “đi” và chẳng “hỏi” gì được nhiều, cho cam. “Hỏi” có nhiều, hoặc “đi” cho lắm, có lẽ điều mà bần đạo những học và cũng hỏi, chắc chắn không phải là: “một sàng khôn” như nhiều bạn đạo vẫn tưởng. Càng “đi” và càng “hỏi”, bần đạo đây chỉ biết hát nhại mãi câu ca của ai đó, rằng:

“Càng đi xa, anh càng tốn xăng!
Tốn vài lon, cũng có chi bằng,
Đời dân con lăn mình đây đó...
Đi làm sao cho hết chỗ xăng?
(Hát nhại bài Thủy thủ và biển cả Y Vũ)

Đi xa, mà càng tốn xăng, ư? Điều đó, cũng không mấy thuyết phục. Bởi, sau này thiên hạ chế ra những xe/những tàu chạy bằng chất lỏng mà không là xăng, thì sao? Vậy nên, có thể nói: càng đi xa, anh và em lại sẽ tốn rất nhiều thứ. Những thứ như: thời gian, công sức và tiền bạc, nữa. Nhưng, thứ mà mọi người tốn kém nhiều nhất là mất đi một số yếu tố về tình thương. Thương người. Thương mình. Vì từ đó, mới thương và yêu Thiên Chúa của vũ trụ/vạn vật. Không tin ư? Thế thì mời bạn, mời tôi và mời các bạn đang đọc những giòng chảy “vớ vẩn” này, ta đi vào một chút nỗi niềm “tư lực”, để tìm hiểu. Tìm và hiểu về các ý-lực của người cả người hỏi lẫn người đáp, rất như sau:

“Tôi được hiểu, là: Chúa vẫn dạy ta phải yêu thương người đồng loại, như chính mình.” Nhưng, lại có lời nguyện cầu nọ mà nhiều người vẫn cho rằng đó là lời khuyên của Đức Clêmentê 11 vẫn cứ nhủ: “Lạy Chúa là Đức Chúa tốt lành, xin hãy ban cho con tình yêu thương Chúa mà biết oán ghét chính con người mình...” Xem thế thì, ra như có điều gì trái nghịch trong các lời răn dạy của Đạo. Xin linh mục thí cho tôi chút ánh sáng soi tỏ vấn đề này. Rất biết ơn linh mục.” (Câu hỏi của một người đi Đạo, khá nghịch ngạo)

            Nghịch hay không, hễ có vị nào gửi thư đến toà soan báo tuần Công giáo ở Sydney, là y như rằng đấng bậc phụ trách mục hỏi đáp của báo này sẽ không ngại ngần giải đáp, chẳng lý gì đến lời lẽ hoặc ý tưởng của người hỏi, dù xóc mách. Và, lời đáp trả được đăng tải trên báo Đạo, như sau:

“Đúng như Ông/Bà nói đó, Đức Chúa vẫn truyền cho ta phải biết thương yêu người đồng loại như chính mình. Câu Tin Mừng này, ta gặp ở trình thuật thánh Mátthêu ghi nơi đoạn 22, có nói chi tiết, rằng: “Một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giêsu để thử Người rằng: "Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?" Đức Giêsu đáp: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy." (Mt 22: 37-40)

Giới lệnh yêu thương này bao gồm điều được nói đến, là: phải yêu thương chính mình trước nhất. Và, dĩ nhiên, sự việc như thế là điều cần thiết. Bởi, tất cả mọi sự Chúa làm đều tốt lành, kể cả chính con người mình. Thế nên, ta còn phải yêu thương sự tốt lành trong tất cả mọi tạo vật do Chúa dựng, trong đó có chính mình nữa.

Còn hơn thế, Chúa yêu thương mỗi một người trong ta và tất cả chúng ta đều là người đặc biệt, đối với Chúa. Trong sách ngôn sứ Ysaya, ta cũng đọc thấy những ý tưởng bảo rằng: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ. Hãy xem, Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta, thành luỹ ngươi, Ta luôn thấy trước mặt.” (Ys 49: 15-16)

Quả có thế. Chúa yêu ta quá sức, đến độ Ngài đã mặc lấy thân phận của con người để rồi chết đi trên khổ giá, là cho ta. Ngài còn dành để cho ta một chỗ trên trời và Ngài vẫn tuôn đổ ơn lành lên ta để ta có thể sống theo cung cách nào đó mà sống với Ngài mãi mãi chốn Nước Trời.

Nếu Chúa yêu thương ta đến thế, thì sao ta lại không thể yêu nhau như Chúa dạy được?
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo đã nhấn mạnh đến điều này rất rõ ràng, rằng: “Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm về đời mình trước mặt Chúa là Đấng đã ban sự sống ấy cho ta. Chính Chúa là Đấng Tối Cao của sự sống. Ta buộc lòng chấp nhận cuộc sống một cách biết ơn, và trân trọng nó vì Danh Ngài và vì sự rỗi của các linh hồn. Ta là quản lý chứ không phải chủ-nhân-ông của cuộc sống được Chúa trao phó cho ta, Vì thế nên, ta không là người được phép quyết định về sống chết.” (x. GLHTCG đoạn 2280) Và nếu ta chỉ là người quản lý cuộc đời mình, thì rõ ràng là, ta phải biết yêu thương và săn sóc cuộc sống ấy.

Quả nhiên, yêu thương chính mình còn đứng trước cả việc yêu thương người khác, trong mọi cảnh huống nào cũng thế. Tỉ như chuyện: nếu ta đi quá xa bằng cách giết chết một ai đó, dù người ấy đang tìm cách tấn kích mình và mình giết để bảo vệ lấy thân mình của mình, thì sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, còn dạy rằng: “Yêu thương chính mình, vẫn là nguyên tắc nền tảng của mọi nền luân lý, đạo đức. Thế nên, cũng là chuyện hợp pháp để nhấn mạnh việc tôn trọng quyền bảo vệ sự sống của chính mình. Bất cứ ai bảo vệ sự sống của chính mình sẽ không là người phạm tội giết người dù người đó có bị thúc bách phải đối đầu với người tấn kích như chuyện một mất một còn, rất thương tâm.” (x. GLHTCG đoạn 2264)     

Cũng một lý do tương tự, yêu thương chính mình đòi hỏi ta không được phép kết liễu cuộc đời mình bằng hoặc qua hành động tự sát. Hệt như sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo còn nói thêm: “Tự sát là hành động chống nghịch lại việc yêu thương chính mình, một cách nghiêm trọng.” (x. GLHTCG đoạn 2281) Xem như thế, thì: yêu thương chính mình đã dựa trên tất cả những gì được ta xét đến.

Thế thì, làm sao ta lại nghe lời một Đức Giáo Hoàng từng lập lời nguyện cầu xin cho được ghét bỏ chính mình? Cụm từ “ghét bỏ” ở đây phải được hiểu cùng một ý-nghĩa như Lời Chúa từng sử dụng khi Ngài nói về việc ghét bỏ cha mẹ, ở trình thuật Tin Mừng, như câu: "Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14: 26-27). Rõ ràng là, ta không thể nào ghét bỏ cha mẹ mình được. Nhưng Lời Chúa nói, chỉ có nghĩa là: “Yêu thương ít hơn”, mà thôi. Đằng khác, câu Chúa nói lại song hành với lời trình thuật khác ở Tin Mừng qua đó ý bảo rằng: “Ai yêu thương cha hoặc mẹ mình hơn Ta, không xứng đáng với Ta.” (Mt 10)

Lời nguyện cầu xin được “ghét bỏ” chính mình phải được hiểu trong ánh sáng của khuynh hướng bình thường ở đời, là: thiên hạ cứ thương yêu chỉ mỗi mình quá nhiều. Thêm nữa, câu chuyện về hậu quả của tội phạm ở vườn Địa Đàng cho thấy ta luôn có xung đột nào đó nơi bản chất tự nhiên có khuynh hướng nghiêng về sự cao ngạo, hoặc yêu chình mình một cách quá đáng; khuynh hướng lười biếng, xung đột trong yêu thương theo cách dục vọng, vv... Chính vì lý do này, nên lời nguyện cầu của Đức Giáo Hoàng xin cho được ghen ghét bỏ chính mình, là để tránh né lối yêu thương quá độ và quá đáng vào bản thân con người mình, tức lối hành-xử chú trọng vào riêng mình và đặt chính mình trước lợi ích của người khác, và trước cả Chúa, nữa.

Đồng thời, cất lên lời nguyện này, còn giúp ta nhớ rằng đối với nhiều người, việc yêu thương chính mình, không là vấn đề để bàn cãi. Ngược lại, những người ấy cứ nhìn xuống chính mình và ghét bỏ chính con người mình, đôi lúc còn dẫn tới tình trạng tự hủy hoặc tự hãm hại mình nữa. Những người làm như thế, cũng có thể là do áp lực của người khác, khi lớn lên. Có khi còn do thành viên trong gia đình đã làm chuyện tày trời này khác nữa. Thế nên, cũng hãy phấn đấu để thứ tha những người lại hại mình và nhớ rằng Chúa cũng yêu thương họ biết chừng nào.

Đôi lúc, những người như thế cũng nên tìm đến các đấng bậc vị vọng hoặc chuyên gia tư vấn để giúp mình qua khỏi cơn khủng hoảng này khác. Tìm đến các vị nào khả dĩ giúp đỡ/hỗ trợ họ sống trỗi dậy, vượt mọi khó khăn như thế. Chúa yêu mỗi người và mọi người chúng ta. Ngài chẳng muốn bất cứ một ai không yêu thương hoặc ghét bỏ chính mình, hết. Ta được tạo-dựng theo đúng hình -ảnh của Ngài và Ngài vẫn muốn tất cả chúng ta phản ánh tình thương yêu và và việc đối xử tử tế với thế gian và loài người. Nói một cách vắn tắt, thì: chúng ta đều là người tử tế/tốt lành, nên hãy cứ yêu thương chính mình theo cung cách tốt lành, hạnh đạo và quân bình. Đó là ý-hướng của Hội thánh. Của, tất cả mọi người hạnh đạo, ở đời.” (xem Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 18/8/2013 tr. 10)     
 
            Điều mà đấng bậc nhà Đạo muốn cắt nghĩa là để xác định một điều, theo kiểu khác. Kiểu của mọi người vẫn hằng suy nghĩ, đó là: sống trong đời như thành phần của xã hội đầy ghét ghen, thường thì con người ở đời chỉ biết thương yêu mỗi chính mình hoặc người mình thích. Chỉ lo toan gầy dựng cuộc sống cho khá giả, thoải mái, vô tư hoặc có đủ mọi thứ để đời mình thêm đẹp, rất đáng sống.   
            Thật ra thì, nền tảng thần-học nơi Đạo của Chúa, vẫn quyết rằng: Thiên Chúa đã chấp nhận mặc lấy thân phận con người, sống như người Con của Cha trong yêu thương tất cả, là để cứu độ chúng sinh. Cứu chuộc hết mọi loài. Công cuộc cứu chuộc của Ngài sẽ ra hư luống, giả như “người thường ở huyện” không học được và không thực thi một chủ trương như Chúa dạy, đó mới là vấn đề. Đó sẽ là thất bại của chính con người, mọi thời đại.
            Để minh hoạ cho những gì được đề cập ở trên, bần đạo nay xin bạn và tôi (lại cũng xin và xỏ nữa rồi), ta hãy để mắt hoặc để tai nghe qua truyện kể nhè nhẹ mà thư giãn, rất như sau:

Đời là một chuyến đi không biết điểm đến. Rất ít ai đến được điểm mình dự định. Thông thường ta bắt đầu cuộc hành trình với một ý niệm đích điểm trong đầu, chỉ để nhận ra rất sớm là cuộc đời có rất nhiều chỗ rẻ bất ngờ, và sau một lúc thì ta chẳng chắc là đời ta rồi sẽ về đâu. Nhưng như vậy thì đời mới vui.

Nếu quan sát trẻ em và người già thì ta thấy rất giống nhau – cả hai cùng rất yếu về thể xác và cùng nhiều tình cảm hơn lý luận. Và ta bắt đầu từ bụi đất, sẽ trở về cùng bụi đất. Điểm cuối cũng là điểm khởi hành.

Khái niệm đường vòng này rất ích lợi trong kế hoạch sống của chúng ta. Nếu ta biết đời không phải là đường thẳng và ta có thể vòng lại điểm đã qua, thì tốt hơn là trên mỗi bước đi, ta nên ném ra vài hạt trái cây ngũ cốc bên đường, hy vọng là dọc đường sẽ mọc nhiều cây trái, để lúc nào đó ta vòng lại thì có thể đã có sẵn trái ngon chờ đợi! Đi đến đâu gieo hạt giống đến đó, tức là sống hôm nay mà trồng cho ngày mai đó, các bạn ạ.

Dĩ nhiên là không phải hạt nào cũng lên cây tốt. Nhiều hạt sẽ bị chim ăn, nhiều hạt sẽ chết đi, nhưng sẽ có một ít hạt nẩy mầm sinh cây. Và những cây này, biết đâu lại sinh hoa trái và chim chóc sẽ mang hạt của chúng gieo rắc hàng bao nhiêu dặm xa khắp nơi. Cuộc đời biến hoá vô lường, làm sao ta có thể đoán hết hậu quả của chỉ một hạt nẩy mầm, huống chi là khi ta gieo nhiều hạt mỗi ngày.

Hãy chọn hạt tốt để gieo

Nếu sống khôn ngoan, thì ta gieo hạt trên mỗi bước đi.
Nhưng các hạt đó là những gì?
Thưa, chúng ta có thể chia các hạt ta có sẵn trong túi ra thành vài nhóm.
1. Những nụ cười, những lời cảm ơn, và những lời nói hiền dịu.
2. Tiền tài: nếu có thể cho ai một ít tiền, thì cho. Nếu có thể cho ai mượn ít tiền, thì cho mượn. Nếu có thể giúp ai đỡ đói một ngày, thì giúp.
3. Công việc: nếu có thể mách bảo ai một cơ hội làm ăn thì mách bảo. Nếu có thể chỉ ai có được một công việc thì chỉ. Nếu có thể dạy ai một cách kiếm tiền thì dạy.
4. Kiến thức: nếu có thể dạy ai đó biết đọc, biết làm toán, thì dạy. Nếu có tài năng gì đó có thể chia sẻ lại với mọi người thì chia sẻ. Nếu có kỹ năng sống nào đó có thể dạy lại cho mọi người thì dạy.
5. Đạo đức và triết lý sống: nếu ta đã có kinh nghiệm sống biết thế nào là đạo đức, thế nào là thiếu đạo đức, thế nào là tốt cho cuộc sống, thế nào là có hại, con đường nào sẽ đưa đến khổ đau, con đường nào sẽ đưa đến an lạc, thì hãy chia sẻ lại với anh chị em, nhất là những người ít kinh nghiệm sống hơn.
6. Cách tự sống vững trên hai chân: có lẽ điều tốt nhất ta có thể trao tặng một người là kiến thức và kinh nghiệm giúp cho người đó có thể tự sống, tự xoay xở, dù là họ có lọt vào bất kỳ tình huống khó khăn nào. Đây là cách giúp cho họ kỹ năng sống cũng như tự tin để sống mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Phần cốt cán của nó là tư duy tích cực. 

Tất cả những điều này mỗi chúng ta đều đã có sẵn trong túi không ít thì nhiều. Chẳng tốn kém tiền bạc hay công lao, chỉ là lấy ra vài hạt trong túi ném ra bên lề đường mình đang đi. Và tất cả các hạt này đều chỉ nằm trong một gia đình thực vật lớn, gọi là “tình yêu”.

Nếu mỗi người chúng ta đều gieo hạt dọc đường thì sẽ có hai chuyện xảy ra.
Thứ nhất, riêng cá nhân ta, một lúc nào đó ta sẽ hưởng được trái ngọt của hạt giống ta gieo hôm nay. Bắt buộc là như vậy. Càng gieo nhiều và càng sống lâu, xác suất được hưởng của ta càng tăng rất cao. Thứ hai, khi nhiều người gieo dọc đường, thì ai đi đâu, dọc đường nào, cũng đều có trái ngon chờ mình trên cây.”
(truyện kể ê hề trên mạng, vừa mới nhận)
Tắt một lời, có Đi tới đâu? Tokyo, Karachi, Maxico hoặc Đài Bắc với Đài Trung, vv. Cũng chỉ để xem xem người đời sống thế nào, yêu thương ra làm sao. Xem rồi, để rồi khi về sẽ quyết tâm cho mình, chứ không phải ai khác.
Quan niệm thế rồi, mời bạn và mời tôi, ta lại sẽ hát những chữ nghĩa rất giản-đơn, rằng:

“Tính tính tính tình tang tang,
Cuộc đời mình như chiếc thuyền nan,
Trôi, nó trôi bồng bềnh...”
(Nhạc sinh hoạt – bđd)

Hát rồi, lại sẽ nhớ lời đấng thánh hiền lành vẫn bảo ban, như sau:

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng:
Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.
Còn Thầy, Thầy bảo anh em:
hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.
Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em,
Đấng ngự trên trời,
vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt,
và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.
Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình,
thì anh em nào có công chi?
Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?
Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi,
thì anh em có làm gì lạ thường đâu?
Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?
Vậy anh em hãy nên hoàn thiện,
như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
(Mt 5: 43-48)

Nếu người ngoài luồng nghe được Lời Ngài, thì hy vọng rằng: đời người sẽ tốt đẹp hơn bao giờ hết. Và, cũng bõ cho một hay nhiều chuyến “Tính tình tang”, rất ra đi.

Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ đi hoài và đi mãi
Dù, chưa loan truyền được bao nhiêu
Lời của Chúa.

No comments: