Friday 18 June 2010

Phố vẫn hoang vu từ lúc em đi

Rồi trong mưa gió biết ai vỗ về…

(Trường Sa – Xin còn gọi tên nhau)

(Gv 3:1, 8-11)

Gọi tên “Em”, cả vào lúc “Em” còn thức giấc. Hay, ngủ mê. Mê cuộc tình. Nơi dương gian, chốn ấy có lời ca. Tiếng hát. Rất đê mê. Nhè nhẹ. Như còn hát:

“Tình trong cơn ngủ mê,

Rồi phai trên hàng mi,

Chợt khi mình nhớ về.

Mộng thành mây bay đi,

Còn gì trên đôi tay,

Nên thầm hờn dỗi mình,

Cho tình càng thêm say.”

(Trường Sa – bđd)

Gọi tên “Em” hay tên “Anh”, ta gọi mãi. Suốt một đời. Để rồi, tên của người em mà ta nhung nhớ, lúc chia phôi, sẽ ở mãi trong tôi. Trong bạn. Gọi “Em”/gọi “Anh” gọi cả mọi người. Ai cũng gọi. Gọi, như một khẳng định của ai đó, người nghệ sĩ mới đây thôi:

“Chữ “Em” trong các bài hát, là đối tượng của tình yêu, mà chúng ta muốn gửi gắm vào đời sống. Có thể, là đối tượng của riêng tôi. Cũng có thể, của riêng bạn. Nói chung, là đối tượng của Tình Yêu, được trao gửi.” (x. Từ Công Phụng, Như mọi người, tôi cũng có trái tim mẫn cảm, Người Việt online 28/02/2010)

Gọi người trong tôi. Là gọi “Tình yêu”, rày vẫn thế. Vẫn nằm ở bản thể, tôi rất mến. Mến gọi và nhắn nhủ một lời Chúa vẫn gọi và vẫn nhắn trong Kinh Sách:

“Và này,

Thầy sẽ ở lại với anh em

suốt mọi ngày,

đến tận thế.”

(Mt 28: 20)

Gọi nhắn tên “Em”, còn là gọi nhắn một lời khác, ở Kinh Sách, ta vẫn nghe. Như thế này:

“Ở dưới bầu trời này,

mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời:

một thời để chào đời, một thời để lìa thế;

..một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ;

một thời để than van, một thời để múa nhảy;

…một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn;

một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất;

một thời để giữ lại, một thời để vất đi;

một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng;

một thời để yêu thương, một thời để thù ghét;

một thời để gây chiến, một thời để làm hoà.”

(Gv 3: 1, 2, 4, 8)

“Chúa Tình Yêu” vẫn nhắn gọi mọi người hãy ở lại với “Em”và với tôi. Suốt mọi thời. Hệt như thế. Hệt như gọi nhắn người ở lại, từ cõi miên trường. Ngài gọi, vào lúc bạn mình vừa có người giã từ, mà ra đi. Ngài gọi mãi tiếng yêu đương, rất thân thương. Rất tình Thầy ở lại, với muôn người.

“(Tình) Thầy ở lại”, không chỉ là gọi nhắn vào lúc tôi và bạn có người thân thuộc đã ra đi, về miền thiên cổ. Quá khứ. Đi, mà không ngoái cổ, trở về lại. Đi, mà không hề thương tiếc. Thương, một đời người. Tiếc, một ngày vui. Bởi, ra đi về miền quá khứ, là giáp mặt với Tình Chúa. Như Lời Ngài vẫn hứa.

Bần đạo nhớ, có đấng bậc nọ cũng trần thuật về tình yêu/nỗi nhớ, có ý thức như sau:

“Con người vốn là sinh vật duy nhất ý thức mình sẽ chết. Vừa biết mình phải chết, vừa không chấp nhận được cái chết. Lòng tin Chúa Kitô đã sống lại và mình cũng sẽ được sống lại không hẳn sẽ miễn cho người tín hữu khỏi nỗi xao xuyến lo âu, khựng lại trước niềm đau và nỗi chết của mình, lòng tin ấy không phải là thuốc an thần, thuốc giảm đau. Trái lại, lịch sử tư tưởng nhân loại cho thấy không đâu bằng trong Kitô giáo, vấn đề khổ đau được đặt ra triệt để và ý thức cái chết là ý thức bi đát. Thánh Augustin, Pascal, Kierkegaard chẳng hạn. “Sống lại từ cõi chết là gì?” Chúng ta đối diện với khổ đau, với cái chết vẫn không tránh được câu hỏi bức xúc ấy.Tại sao Chúa Kitô đã sống lại mà tôi còn phải tiếp tục cuộc thương khó của Chúa nơi thân mình tôi, trong đời tôi? Tại sao đã “bước đi trong đời sống mới” (Rm 6: 4) mà cứ còn phải chết? Cái chết càng không là lẽ đương nhiên (1Tx 4: 17).” (x. Nguyễn Ngọc Lan, Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, nxb Cơ sở Hy Vọng 2002, tr. 160)

Lời Ngài, rõ ràng được nhận định là như thế. Lời Ngài, từng kéo dài nhiều thế kỷ. Không cần phải cãi tranh. Cũng chẳng có gì phải nghi ngờ. Bởi, thế đó là sự thật rành rành. Thế đó, rất thật như ánh mặt trời. Luôn soi dọi, để mình sống. Thật, như lời người nghệ sĩ, vào buổi Đông tàn. Xế bóng. Rất như sau:

“Tiếng hát bay trên hàng phố bâng khuâng

Chiều đong đưa những bước chân đau mòn

Chợt nghe mùa thu bay trên trời không

Còn ai giữa mênh mông đời mình

Nỗi đau mù lấp trên tuổi thơ...”

(Trường Sa – bđd)

Tuổi thơ, dù đặc dầy đến 100 năm, vẫn “bâng khuâng”. “Đau mòn”. “Mù lấp”. Cũng thương thân, thương cho bạn bè/người thân, nay vẫn cứ u uẩn. Sầu lắng. Khuất dạng. Thương, là thương cho người ở lại, vẫn phải sống. Sống thương nhớ. Và, vẫn có người lâm râm nguyện cầu cho kẻ quá vãng. Rất dài ngày.

Người thân ra đi, vẫn thương vẫn sầu dù biết rằng người thân ra đi, nay đã vào cõi phúc. Chẳng còn lo toan. Lẫn bon chen. Hạnh và phúc, được Chúa tiếp rước. Tội và “nghiệp”, là tội nghiệp cho người ở lại, chốn dân gian. Vẫn cứ lan man. Nhiều than khóc. Để rồi tưởng rằng: có cầu và có xin bằng nhiều kinh kệ, người thân mới hết tội và dứt nghiệp. Thương và tội là bởi, cứ mãi dùng lời kinh xưa mà khẩn cầu từng chữ. Những là kinh cầu “chữ”. Cầu hồn. Đã kéo dài nhiều thập kỷ. Như thói một quen, khó bỏ.

Lời kinh xưa, khác nào lời nghệ sĩ thập kỷ trước, vẫn cứ lai rai. Dông dài. Một tình tiết:

“Tiếng hát ru em, còn nuối trên môi.

Lời nào gian dối, cũng xin qua rồi.

Để lỡ ngày sau, khi ta cần nhau

Còn nuôi chút êm vui ngày đầu,

Cho mình mãi gọi thầm tên nhau…!

(Trường Sa – bđd)

Lời kinh hôm cho người quá vãng, chắc chắn sẽ không là lời hát ru “xin qua rồi”. Nuối tiếc những “êm vui”. Ngày đầu. Gọi mãi tên nhau. Lời kinh hôm cho cho người quá cố, lẽ đáng, phải là lời “trần tình” cho người ở lại. Cho, chính mình. Cho bạn bè/người thân. Cần hưng phấn.

Dù đó có là lời kinh hôm sớm, vẫn cứ phải tràn đầy hưng phấn, như nhận định được trích dẫn ở trên, còn nói thêm:

“Mùa Chay hay lúc nào khác trong năm, thì Phụng vụ vẫn là xum họp xung quanh Chúa Kitô đã sống lại, “không còn chết nữa” (Rm 6: 4): người tín hữu không bao giờ còn phải “đi tìm Đấng Sống giữa những người chết” (Lc 24: 5). Canh thức Vượt qua, Vọng Phục Sinh mới cốt cách, tinh thần của cả Mùa Chay. “Mùa Chay, nhằm chuẩn bị cử hành lễ Vượt Qua.(x. Gs Nguyễn Ngọc Lan, Chủ Nhật Hồng Giữa Mùa Tím, nxb Cơ Sở Hy Vọng 2002, tr. 156-157)

Cầu xin hay cầu nguyện vào Mùa Chay, hay vào ngày tưởng niệm người thân vừa quá vãng, không còn là cầu và xin cho mình/cho người ấy được những điều, ta đã có. Nhưng, là hiệp lòng với Đức Chúa trong tinh thần Vượt Qua. Tức, vượt mọi thống khổ. Đau buồn. Chết chóc. Hầu, đi vào sự Phục Sinh, rất quang vinh. Của Chúa. Bởi thế nên, dù ăn chay nguyện cầu cho người quá cố, hay cho người ở lại, cách tốt nhất vẫn là nguyện hát lời ca hân hoan, khi gặp Đức Chúa, thế thôi.

Về cầu nguyện hay cầu xin, có đấng vị vọng từng nói quả quyết mạnh như thế này:

“Khuôn vàng thước ngọc: “Vậy mọi điều các ngươi muốn được người ta làm cho mình, thì cả các ngươi nữa cũng hãy làm cho người ta như thế: Lề luật và các tiên tri là như thế. (Mt 7: 12)”. Đây là câu cần thiết để chúng ta chung sống với nhau. Hình thức của luật thương người này, chúng ta gặp trong thế giới Do thái (sách Tôbia 4: 15)…

Câu Mt 7: 12 nói đến qui ước xử sự. Muốn áp dụng theo châm ngôn thì phải đòi cho được áp dụng theo lương tri quân bình, chứ nếu là lương tri thiếu phán đoán, thì sẽ rất nguy hiểm. Thiếu phán đoán cả về đạo đức cũng nguy hiểm. Thí dụ: một người quản lý muốn ăn chay cầu nguyện, nhưng lại cũng muốn bắt mọi người ăn chay cầu nguyện như mình, thì chết thiên hạ! Mình muốn hãm mình nhưng đừng bắt người khác hãm mình. Phải có lương tri nào đó, bằng không thì nguy hiểm. Vậy, phải có sự phán đoán nào đó, lòng phải chăng, bởi vì “suy bụng ta ra bụng người” trong những trường hợp ấy thì rất nguy hiểm.

Vậy tự nhiên muốn áp dụng phải có lương tri quân bình. Nhưng thực sự, khi đã có quân bình đó thì nguyên tắc đó là một nguyên tắc giải phóng khỏi sự tù túng của lề luật theo tinh thần các rabbi.” (x. Lm Nguyễn Thế Thuấn CSsR, Hiến Chương Nước Trời, tr. 215-216)

Hiến chương Nước Trời, bao gồm không chỉ một số qui định của người đời. Do người đời chế biến. Ban ra. Hiến chương, không chỉ được ban khi có người thân thuộc với mình/với đời, vừa quá vãng. Hiến chương Nước Trời, là hiến chương cho cộng đoàn con cái Chúa ở trần gian. Bởi lẽ, Hiến Chương ấy áp dụng cho mọi người. Bất kỳ ngươi ấy còn sống, hay đã ra đi. Hiến Chương hạnh phúc, là nguyên tắc đạt hạnh phúc dành cho mọi người, bất kỳ người ấy ở đâu. Sống vào thời nào. Và, nguyên tắc sống hạnh phúc cho cộng đoàn Nước Trời, là dành cho người đã ra đi, hoặc còn ở lại đang sống những tâm tình thống thiết. Mông lung. Tiếc nuối.

Để minh hoạ cho chuyện đề cập ở trên, cũng nên kể cho nhau những lời ngọc ngà của các đấng đã và sẽ thành thánh, như Mẹ Têrêxa thành Calcutta, ở bên dưới:

“Có những kỷ lục tuyệt vời, qua lời Ngài quả quyết:

Ngày đẹp nhất trong đời, chính là: Ngày hôm nay.

Việc làm dễ sai phạm nhất, là: Tội và lỗi.

Trở ngại lớn nhất cho con người, là: Sự sợ hãi.

Sai phạm nghiêm trọng nhất đối với con người, là: Sự tự huỷ.

Nguồn gốc dẫn đến tội ác, chính là: Tính ích kỷ.

Thú tiêu khiển giải lao hay đẹp nhất, là: Lòng vui thú làm việc.

Thất bại nặng nề nhất, là: Nỗi chán chường.

Người thày tốt lành nhất, là: Các trẻ em.

Nhiệm vụ cần đặt ưu tiên nhất: Sự hiểu biết lẫn nhau.

Điều làm cho con người vui thích nhất, là: Trở nên hữu ích cho tha nhân.

Sự việc khiến mọi người mất đi tính sáng suốt nhiều nhất, là: Tính sợ chết.

Khuyết điểm lớn nhất của con người, là: Tính nóng nảy.

Người nguy hiểm nhất trên đời, là: Kẻ nói dối.

Cảm giác đớn hèn nhất, là: Lòng hận thù.

Quà tặng cao quý nhất, là: Sự tha thứ.

Với con người, những cái ta không thể thiếu được, là: Tình gia đình.

Con đường tắt ngắn ngủi nhất, là: Sự thẳng thắn.

Cảm xúc khiến ta vui thích nhất, chính là: Sự bình an trong tâm hồn.

Bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy mình hạnh phúc, là: Nụ cười mỉm.

Phương cách giải quyết hữu hiệu nhất, là: Sự lạc quan.

Thoả mãn lớn lao nhất, là: Hoàn tất công việc mình làm.

Quyền uy mạnh mẽ nhất trên đời, là: Tấm lòng của cha mẹ.

Niềm vui lớn nhất cho ta, là: Có người đồng hành cảm thông.

Nét duyên dáng mỹ miều nhất trần đời, là: Lòng yêu thương.

Tất cả những điều kể trên, chỉ tốt đẹp trong cuộc sống và nỗi chết, đều xuất từ:

Tình Yêu và Ân Sủng,

của Thiên Chúa.”

Quả là thế. Không có Tình Yêu và Ân Sủng Ngài ban, thì dù ta vẫn sống đấy, nhưng thực sự là mình đã chết. Sống cái chết của người còn sống, nhưng như chết. Sống vô bổ. Vô tích sự. Sống, trăm năm cuộc đời, mà không lĩnh hội và chuyển tải Tình Chúa trao ban, cho người cùng sống, cũng chỉ như người thực sự đã chết. Nỗi chết rất tệ. Tệ, hơn cái chết của người không còn sống.

Đằng khác, Đối diện sự chết của người thân, còn là giây phút rất mạnh, khiến ta cởi bỏ mặt nạ ta thường đeo, như: danh giá. Quyền lực. Tự ái. Để rồi, sẽ cảm nhận rằng thân phận mình mỏng dòn. Yếu đuối. Cuộc đời mình ngắn ngủi. Sẽ không biết còn cơ hội khác để gặp gỡ, thương yêu. Yêu người mình không thích. Thương, để ôm lấy hết mọi người. Mà, làm hoà. Mà nói lời xin lỗi. Xin lỗi và yêu thương, để rồi chấp nhận rằng thân phận mình cũng yếu hèn.

Thế nên, đây là cơ hội duy nhất để ta có thể tha thứ. Và, tìm được bình an. Trong tâm hồn. Bởi, trong cuộc sống, bình an trong tâm hồn chỉ có thể tìm lại được nếu mình biết “sống lại” với Tình yêu của Thiên Chúa. Sống vui với mọi người. Hết một đời.

Trần Ngọc Mười Hai

Chợt nguyện cầu

cho mình và cho người

khi nghe tin bạn rất thân

vừa từ trần.

(xem thêm các bài khác, xin mời vào www.suyniemloingai.blogspot.com

hoặc: www.tranngocmuoihai.blogspot.com;

hoặc: www.giadinhanphong.blogspot.com )

No comments: