Ôi biết nói gì? Cuộc tình lớn quá!
Chuyện tình đáng nhớ - tuy cũ như là biển già trắng xoá
Cuộc tình quý giá - như những ngọc ngà nàng dành cho ta
Ôi biết nói gì?”
(Francis Lai - Phạm Duy – Love Story)
Quả thật rất đúng. Chuyện tình đáng nhớ hay cuộc tình quý giá, đều là điều rất khó để nói. Chí ít, nói bằng lời. Thậm chí, nói vào lúc đang nóng giận. Hoặc những tranh cãi, của người nhà Đạo. Trong Đạo. Về chuyện Đạo, người đời gọi đó là những cãi tranh.
Cãi tranh hay căm giận, những là chuyện nội bộ của nhà Đạo, hẳn là bạn cũng như tôi, ta chắc phải hát thêm câu tiếp của nhạc bản ở trên, mà rằng:
Lòng ta đầy kín,
Lòng ta đầy kín!
Là muôn ngàn chuyện … yêu đương!
Câu hát thần tiên
Và những mộng huyền mênh mang
Đầy kín hồn hoang, mang mác tình duyên
Thôi hết cuộc đời im tiếng… (Francis Lai - Phạm Duy - bđd)
Bần đạo thường tự hỏi: bàn chuyện yêu đương, những là yêu người - yêu Chúa - yêu Giáo hội mà chỉ cãi với tranh. Hoặc, cãi vã đổ mồ hôi. Sôi bọt mép. Thường là chuyện chẳng nên làm. Ở đời thường.
Hôm nay, nhân có chuyện “đầy kín hồn hoang/mang mác tình duyên” xảy đến với nhà Đạo ở Úc, không vui lắm, bạn và tôi, ta hãy thử đi thêm một vòng luận phiếm, xem có ý kiến nào khác của đấng bậc ở trên, khả dĩ khiến bà con mình được tỏ “con ngươi”, một cõi lòng. Thì: cũng nên lắm.
Trước nhất, là ý và lời của một giáo sư thuộc Viện Thần Học Liên Dòng ở
“Sách của Đức Giám mục Geoffrey Robinson mang tựa đề “Giáp mặt Quyền bính và Tính Dục trong Giáo hội Công giáo, đòi lại tinh thần Đức Kitô” qua đó, ngài nhìn sự việc như cội rễ của mọi lạm dụng trong Hội thánh, còn dấy lên nhiều tranh cãi.
Tháng Năm 2008, Hội Đồng Giám Mục Úc đưa ra tuyên bố trong đó các ngài ca tụng Đức Giám mục Robinson là đã có quyết tâm nâng đỡ nạn nhân bị lạm dụng, nhưng lại quan ngại về tín lý nhận rõ đang bàng bạc trong quyển sách. Đáp lại tuyên bố này, Đức Giám Mục Robinson bày tỏ sự thất vọng là các Giám mục trong Hội đồng Chủ Chăn ở Úc không giải quyết thách thức căn bản mà sách của ngài, nêu lên.
Để hiểu rõ cuộc cãi tranh, nên về với bối cảnh thích hợp vào lúc ĐGM Robinson làm Giám Mục Phụ tá Tổng Giáo Phận Sydney, khi ngài có trọng trách điều hợp việc ứng xử của Giáo hội với các nạn nhân bị lạm dụng bên trong cơ chế Giáo hội. Và, trong quá trình thực hiện việc này, Giám mục Robinson có dịp tiếp chuyện với nhiều nạn nhân từng bị xúc phạm. Kinh nghiệm ấy, đã cấu thành luận cứ trọng tâm cho cuốn sách “Giáp mặt Quyền bính và Tính dục bên trong Hội thánh Công giáo”, mà ngài đề cập.
Vậy đâu là luận cứ ĐGM Robinson đưa ra? Và, tại sao các Giám mục Úc lại chỉ trích cuốn sách của ĐGM Robinson mạnh như thế?
Trong sách, ĐGM Robinson có dẫn chứng: nguyên nhân sâu xa của lạm dụng tình dục phải được nhìn vào trạng thái tâm lý của những người từng lạm dụng. Vậy thì, đâu là tâm tưởng của các vị ấy về quyền bính và tính dục? Về môi trường tạo nên sự cố này? Và, tác giả cho biết: các yếu tố ấy đan kết với nhau trong văn hoá nhà Đạo, nay cần đổi thay. Và, cội rễ của hành vi xúc phạm tình dục cũng cần phải cắt bỏ.
Ở Giáo hội Công giáo, trọng trách của mỗi Giám mục là giáo dục niềm tin mình nhận lĩnh. Giám mục thành La Mã, tức Đức Giáo Hoàng, mang trọng trách tổng quản hầu duy trì lòng tin và đời sống hiệp nhất ở giáo hội sở tại. Đức Giáo Hoàng sẽ phải can thiệp nếu như các giám mục sở tại không thể đối đầu một cách có hiệu quả với vấn đề trồi lên. Khi quyết chỉ trích cuốn sách do GM Robinson viết, Hội Đồng Giám Mục Úc phẩm bình là vấn đề niềm tin, đang lâm nguy. Cũng trong thông tư, các Giám mục Úc đã từng ca tụng các đóng góp của ĐGM Robinson. Các ngài nói: ”Chúng tôi mang ơn đậm sâu từ Đức cha Robinson trong bao năm trời cố gắng hàn gắn giúp nạn nhân lâu nay đau khổ vì bị xúc phạm tình dục mà họ phải chịu. Chúng tôi cũng rất lấy làm cảm kích về những điều Đức Cha Robinson đã làm, nhằm thiết dựng qui trình tiêu chuẩn cho đạo đức chức năng của giới chức trong Hội thánh, về lãnh vực này.”
Nhưng sau đó, các ngài lại bảo: cuốn sách đã cật vấn quyền của Hội thánh khi được quyền giáo huấn một cách rạch ròi. Sách cũng chất vấn cả về nhận thức và quyền của Đức Kitô làm nền cho Hội thánh được phép giáo huấn. Nói rõ hơn, các giám mục ở đây nói: sách của ĐGM Robinson đã cật vấn giáo huấn của Đạo về truyền thống, nguồn linh hứng thánh kinh, về tính vô ngộ của Công đồng và các Giáo Hoàng, về bản chất chức linh mục, các yếu tố của nền giáo dục đạo đức trong Hội thánh. Và các ngài kết thúc bằng việc thừa nhận rằng quyền hành mà Đức Kitô tin và trao cho Hội thánh có thể bị thực hành một cách xấu xa.
Các phê bình chỉ trích đang tiếp tục càn quét rộng. Nhưng tầm nhìn tập trung vẫn không rõ. Các giám mục ở đây thấy Gm Robinson có lỗi lầm trong cật vấn. Nhưng, có hai hình thái cật vấn: một để khảo sát, phần kia để chối bỏ. Chúng ta có thể cật vấn đức tin bằng cách khảo sát nền tảng và ranh giới của nó. Còn lối cật vấn kia chỉ có giá trị như một chối bỏ.
Ở trường hợp sách của ĐGM Robinson, tác giả chắc chắn đã cật vấn quyền của Hội thánh và các vấn đề khác, theo nghĩa đầu. Ngài phải làm thế để khảo sát nền tảng của một thứ văn hoá trong lòng Hội thánh. Nhưng sách ngài viết, đã được đọc theo phong cách khiến ta có thể nghĩ rằng đó chính là mục đích tốt mà tác giả nhắm đến. Và, chắc chắn điều mà tác giả muốn cật vấn không chất chứa một chối bỏ, nào hết.
Nhưng, các vị giám mục nhà ta có thể đã lo ngại quá đáng là: nhiều người đọc có thể đọc sách của Gm Robinson theo một chiều hướng xấu. Quả là, có thể có nguy hiểm nằm trong cách thức lập luận như thế. Muốn bàn thảo về bệnh lý của một văn hoá cũng giống như những gì phản ánh nơi các yếu tố nằm bên trong cơ thể dẫn đến bệnh ung thư. Nguồn gốc gây nên bệnh ung thư cũng là nguồn cội của sự sống trong chính cơ thể của ta. Nếu ta tập trung chỉ nhằm làm bật rễ nguồn gốc căn bệnh (như ung thư) mà không tìm hiểu xem chuyện gì khiến cho cơ thể sống mạnh sống khoẻ, thì có thể chúng ta sẽ giết mất cơ thể của mình bằng cái việc là chỉ làm bật gốc rễ của căn bệnh (ung thư) ấy.
Trong cuốn “Giáp mặt Quyền bính và Tính dục trong Hội thánh Công giáo, đòi lại tinh thần Đức Kitô”, ĐGm Robinson tập trung nhắm vào các ý tưởng về bệnh lý. Những người nhằm phê bình chỉ trích tác giả là những vị đã đòi hỏi quá đáng về quyền tập trung trong giáo huấn của Hội thánh. Các vị ấy đã đòi hỏi quá nhiều trong việc phải tôn kính các chức sắc trong Hội thánh. Các vị, có cái nhìn quá hạn hẹp và tiêu cực về tính dục con người. Và, các cụ là những vị đặt để và bắt buộc các giáo sĩ phải ở độc thân, mà không cần đến bàn với cãi.
Đó là những ý kiến. Về một sự kiện, đang còn xảy đến với mỗi người. Ở nhiều nơi.
Nghiệm sinh về chuyện xảy ra ở nhiều nơi, trong nhà Đạo, bần đệ lại nhớ đến chuyện rất xưa. Xưa như trái đất. Nhưng cứ tưởng chừng như đang diễn ra ở đâu đây, rất gần. Những chuyện, đến với cộng đoàn nhỏ, trong đó bần đệ vẫn cứ mở rộng con người ra, mà nhận biết.
Chuyện, thật ra cũng chẳng có gì. Chỉ là, những bất bình/cãi tranh của người anh em vốn hay ủng hộ, hoặc bất đồng – kình chống trước những chủ trương đem Đạo vào đời. Vào thời đó. Nghĩa là, những người anh muốn thử sống với đời, ở trong đời. Sống và ăn ở, trước khi có quyết định chung cuộc về với Chúa, trong tu trì. Kình chống những nhập nhằng của linh mục/chủng sinh với các “con linh hồn” và tín hữu, dễ đưa đến lạm dụng.
Hẳn là, bầu bạn đều rõ: Dòng thánh mà bần đệ đeo đuổi cho đến buổi ấy, cũng đã được tới 12 niên. Lúc ấy, bần đệ cứ nghĩ Dòng chỉ có thể tồn tại, nếu chịu đem tin vui đến với người nghèo hèn, tất bạt, ở miền quê dân dã. Chứ đâu có ở chốn thị thành, nhiều hấp dẫn. Dẫu quanh ta. May thay! Lúc ấy bần đệ, không bị mang tiếng là cấp tiến, những nào lầm lạc. rất lung lay…
Nay, nghe lại chuyện cãi tranh/luận bàn giữa các bậc thầy/đàn anh, mà thấy nhớ. Nhớ rằng, khi ấy đàn anh/bậc thày của bần đệ cũng có những tư tưởng, rất ấn tượng như sau:
“Trong tư thế ôm vào mình, nhiều nhận định và tư tưởng, Gm Robinson không thể đưa ra một cái nhìn tròn trịa, có nền tảng vững chắc, về niềm tin và cuộc sống của người Công giáo. Ngài không thể toàn bộ thực hiện được sự công bằng chính trực cho Hội thánh như bản thể sống động. Ở niềm tin Công giáo, cuộc sống này được nhận biết qua sự hiện diện của Chúa thánh Linh, bên trong Hội thánh đang triển nở. Nếu sách của ngài không được đọc dưới ánh sáng của thị kiến hữu cơ nơi Hội thánh Công giáo, thì cũng sẽ được đọc dưới lăng kính tiêu cực kèm theo đó là những mổ xẻ, phân tách, từng mảnh thịt.
Khi đó, có lẽ các Giám mục Úc có thể nghĩ rằng cần cảnh báo, để nhỡ ra có thể có người đọc sách của Gm Robinson trong trạng thái như thế, đặc biệt là những độc giả có thể nghĩ mình đã có xác tín là sách được một giám mục viết ra.
Giám mục Robinson đã chấp nhận là các giám mục ở Úc có quyền ứng đáp. Nhưng, ngài đã cảm thấy thất vọng vì các giám mục này đã không đả động đến những vấn đề then chốt được đưa ra. Đó là phạm vi có liên quan đến văn hoá Công giáo, kể cả qui chế đòi buộc linh mục ở độc thân và việc thực thi quyền lực, các thái độ khuôn đúc đối với tính dục và quyền bính. Và, cả về phạm vi theo đó có những thái độ gây tai hại cho mọi người, thái độ gây xúc phạm lạm dụng cũng như những gì ra như còn được che đậy. Ém nhẹm.
Vấn đề vẫn còn đó. Vẫn chưa hồi đáp. Hồi và đáp từ những phê bình chỉ trích về sách của Gm Robinson, dù có thể chúng đã được bào chữa, thanh minh. Rõ hơn, là bởi: gốc rễ cội nguồn của bệnh lý đang nằm gần cạnh ở bên cội nguồn sự sống trong Hội thánh Công giáo, như ở trong cơ chế khác. Tức, những điều cần nghiên cứu học hỏi kỹ lưỡng và sâu sắc. Cần suy tư, tự kiểm để có thể đề cập các đề ấy. Thế nhưng, nỗi đau của các nạn nhân vị xúc phạm/lạm dụng về tình dục vẫn còn đó, kêu thất thanh. Những điều ấy cần được đề cập/sờ chạm một cách nghiêm chỉnh, mới đúng.
Gợi nhớ vấn đề nhức nhối và khúc mắc đang diễn ra ở đây, hôm nay cũng từa tựa những đã từng diễn ra, nhiều năm, hôm trước. Gợi ra, chỉ để nhớ. Nhớ đến để rồi vẫn còn gợi, vẫn đề ra. Đề ra một gợi nhớ, để nhớ rằng; dầu sao chúng ta hay chúng mình vẫn cứ là con người hay người con của một Giáo hội bằng xương bằng thịt. Giáo hội vẫn có thịt và có xương để gợi và để nhớ.
Nhớ như âm một giòng nhạc/vần thơ của ai đó, hát đâu đây:
“Là muôn ngàn chuyện yêu đương!
Câu hát thần tiên
Và những mộng huyền mênh mang
Đầy kín hồn hoang
Man mác tình duyên
Thôi hết cuộc đời im tiếng… (Francis Lai – Phạm Duy – bđd)
Thôi hết rồi, cuộc đời im tiếng. Thật ra cuộc đời mình không thể im tiếng. Dù cho tiếng ấy có là tiếng của người anh, người chị quanh tôi. Hay, của các đấng bậc. Bậc thầy. Bậc đàn anh, rất đáng kính.
Cuộc đời chẳng làm sao im được tiếng nói, tiếng kêu thất thanh hay những tiếng phàn nàn, buồn thảm về cuộc sống rất căng ở bên đây, ở bên kia. Của những người anh người chị ở khung trời Mỹ quốc, nhưng cũng là của bạn, của tôi. Nay xin mời tôi và bạn, ta san sẻ lời trần tình về một vấn đề đang nổi cộm. Vấn đề của thực tế đời thường rất thân và rất thương: chuyện xăng dầu. Rất trần. Và cũng rất tình, như sau:
Bốn đô một gallon xăng
Bốn trăm miles chẵn tốn bằng trăm đô
Còn chưa cộng thứ tiền toll
Tiền mua bảo hiểm, ô tô bảo trì
Xăng ơi, lên giá làm chi!
Cho tôi nuốt lệ mỗi khi ra đường
Tiền xăng giết chết tiền lương
Giết luôn tiền thưởng, tổn thương tiền già
Ngậm ngùi, nhung nhớ tình xa
Tơ duyên mai lỡ, lỗi là xăng cao
Chúc em hốt được thằng nào
Tiền vô như nước, xăng cao không tè. (thơ của tác giả Vô danh… và vô tư)
Trần Ngọc Mười hai
vẫn kính và yêu
các đấng bậc
trong cuộc đời.
No comments:
Post a Comment